Ba Chị Em Nhà Họ Tống

Chương 27: Chương 27: Ba Chị Em, Ba Tâm Hồn (2)




Khánh Linh cùng Engene Trần, một nhân viên cao cấp của Quốc dân đảng, tới Mạc tư khoa bằng xe lửa từ hải cảng Vladivostok. Tại các nhà ga chính, Khánh Linh được các chính quyền địa phương Nga lên tặng hoa. Khánh Linh tới Mạc tư khoa đúng lúc chính trường Nga sô đen tối nhất, vì cuộc tranh chấp giữa Stalin và Trotsky đến hồi gay cấn nhất. Ba tuần sau đó thì Trotsky chính thức bị loại khỏi các chức vụ quan trọng. Trotsky ủng hộ chính sách bành trướng cuộc cách mạng vô sản đến các quốc gia chậm tiến, đặc biệt là Trung hoa. Nhưng khi đảng cộng sản Trung hoa bị thất bại nhục nhã tại Vũ Hán thì số phận Trotsky cũng đổ theo. Trotsky trở thành vật tế thần cho chiến thắng của Stalin.

Từ khách sạn Metropole, Khánh Linh được đưa tới cung điện của Nga hoàng, trước kia vô cùng huy hoàng lộng lẫy nhưng nay chỉ là một cung điện trơ trụi, vì đồ đạc đã bị cướp đi hết. Khánh Linh gặp lại Đặng Diễn Đạt, nhưng vẫn cảm thấy hết sức cô đơn và bất lợi. Cả ba người, Khánh Linh, Eugene Trần và Đặng Diễn Đạt, được Stalin mời tham dự cuộc đại hội đảng cộng sản. Đặng Diễn Đạt được mời lên phát biểu ý kiến, và họ Đặng đã không bỏ lỡ cơ hội trình bày quan điểm của mình. Đặng can đảm cho biết sự trợ giúp của Nga sô rất được người Trung hoa hoan nghênh lúc đầu, nhưng cuộc cách mạng của Trung hoa là một việc hoàn toàn thuộc người Trung hoa, và không thể tiến hành theo đường lối của đảng cộng sản thế giới, cũng như không thể phục vụ cho mục tiêu của cộng sản được. Đặng nhấn mạnh cuộc cách mạng cộng sản chỉ là một hiện tượng của Âu châu, và không thể đem áp dụng tại Á châu được, vì Á châu là một vùng phong kiến, bán thuộc địa trong đó các cải cách nông nghiệp là vấn đề quan trọng nhất, cần phải giải quyết. Sự kết hợp với phong trào cộng sản quốc tế chỉ đưa cuộc cách mạng Trung hoa đi đến chỗ sai lầm, và kéo dài nỗi thống khổ của người Trung hoa.

Stalin nổi giận trước bài diễn văn của Đặng Diễn Đạt, và lập tức sai mật vụ bắt giam Đặng Diễn Đạt. Nhưng Đặng Diễn Đạt đã biết trước sự nguy hiểm và ngay đêm đó trốn khỏi Mạc tư khoa, tiến về phía nam, vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Tình thế tại Mạc tư khoa lúc đó bất lợi cho Khánh Linh. Borodin thì đang ở trong tình trạng bị thất sủng, và có thể bị trừng phạt vì thất bại tại Trung hoa. Borodin thường nhắc lại kinh nghiệm với Quốc dân đảng Trung hoa như là "Một cái cầu tiêu, dù bạn giật nước nhiều lần thế nào thì nó vẫn còn mùi hôi." Một người Nga nữa có thể giúp Khánh Linh được là Joffe thì đang bị bệnh lao phổi nặng. Joffe là người đã ký kết thỏa hiệp đầu tiên với Tôn Dật Tiên. Trotsky đề nghị đưa Joffe ra ngoại quốc để trị bệnh, nhưng Stalin từ chối. Một hôm Joffe viết một lá thư cho một người bạn, rồi dùng súng lục bắn vào đầu tự tử.

Khánh Linh mỗi lúc một chán nản tuyệt vọng hơn. Trong vòng hai năm trời, cuộc đời bà đã từ một vị đệ nhất phu nhân trở thành một goá phụ bị lưu đày. Nhưng bà vẫn là một "Món hàng" vô cùng quan trọng mà bất cứ một lãnh tụ cách mạng Trung hoa nào cũng muốn có. Một hôm bà rất đỗi kinh ngạc và uất giận khi thấy báo New York Times loan tin bà sắp sửa kết hôn với Eugene Trần, và điện Cẩm Linh đang tổ chức tuần trăng mật cho hai người. Bà biết được tin này là nhờ một người Anh đến chúc mừng bà về "Cuộc hôn nhân sắp tới" của bà. Theo truyền thống Trung hoa, một góa phụ trẻ sẽ mất hết đức hạnh khi tái giá. Bà biết có người trong nhóm Tưởng Giới Thạch, có thể là chính bà chị Ái Linh của bà, có dã tâm phá hoại uy tín của bà.

Khánh Linh đau đớn đến ngất xỉu, và bị bệnh tới ba tuần lễ. Khi bà vừa khỏi bệnh thì bà lại bị giáng thêm một đòn chí tử nữa: Bà đau đớn được tin em gái bà là Tống Mỹ Linh sắp sửa kết hôn với Tưởng Giới Thạch. Bà cho cuộc hôn nhân giữa Mỹ Linh và Tưởng Giới Thạch là một sỉ nhục cho nhà họ Tống, và bà rất khinh bỉ Tưởng Giới Thạch. Bà xót xa hiểu rằng câu chuyện bịa đặt về vụ hôn nhân của bà với Eugene Trần chỉ là một âm mưu dọn đường cho hôn nhân của em gái bà với Tưởng Giới Thạch. Người ta muốn làm tăng ý nghĩa cuộc hôn nhân của Mỹ Linh và Tưởng bằng cách làm giảm giá trị của một cuộc hôn nhân khác trong gia đình nhà họ Tống, vì Eugene Trần là người Trung hoa từ Phi châu về, và được coi như lai da đen. Trước kia người quyền thế nhất trong gia đình nhà họ Tống là Tống Khánh Linh, phu nhân của tổng thống Tôn Dật Tiên. Bây giờ danh dự đó là của Tống Mỹ Linh, phu nhân của Tưởng Tổng Tài.

Khánh Linh nhờ Eugene Trần đánh điện cho Mỹ Linh, khuyên em gái không nên kết duyên với "Con yêu râu xanh đó." Nhưng Mỹ Linh bỏ ngoài tai lời khuyên của bà chị. Khánh Linh không bao giờ tha thứ em gái đã cho Tưởng Giới Thạch mượn cái tên của nhà họ Tống. Đối với Khánh Linh, cuộc hôn nhân giữa Mỹ Linh với Tưởng là một điều chua chát cho bà, bởi vì nó chứng tỏ gia đình bà đã rõ ràng cắt đứt với bà, và khoác cho Tưởng Giới Thạch cái uy tín chính trị của Tôn Dật Tiên.

Rồi một tin vui cũng đến với Khánh Linh khi bà nhận được tin mật cho biết Đặng Diễn Đạt đã bình yên tới Thổ Nhĩ Kỳ, và hiện đang sống tại Bá Linh, thủ đô Đức quốc. Khánh Linh đã chán ngấy Mạc tư khoa, và tìm đường đi Bá Linh để gặp người đồng chí thân tín của bà.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.