Tôi nghĩ hẳn trước mắt ký túc xá sẽ không thay đổi gì, nhưng buổi chiều
lúc đi học, khi mọi người âm thầm tìm bạn cùng lớp mới cùng nhau đến
lớp, tôi biết, cuộc chia ly của chúng tôi, đã bắt đầu đếm ngược từng
ngày.
Lớp mới của tôi có Văn Tuệ, cũng là điều duy nhất đáng để
tôi chờ đợi. Tôi chọn Chính trị, không phải vì sở thích, mà vì đó là môn thế mạnh. Đôi lúc nghĩ đến điều này tôi lại thấy có hơi hướm bi kịch.
Khi chuông vào học vang lên, mọi người đã ổn định ngồi vào chỗ, tôi quét mắt nhìn một lượt khắp cả lớp, sau đó cúi đầu trầm mặc.
Lớp tôi bây giờ chỉ có bốn bạn nam! Mặc dù tâm lý đã có sự chuẩn bị, nhưng mà, thật sự ít đến mức đáng thương.
Tên lớp vẫn là lớp Thực nghiệm 1 như trước, nhưng tôi biết, đã không như trước nữa rồi, hoàn toàn không giống trước nữa.
Nhìn từng gương mặt thanh tú, đại khái tôi cũng đoán được, ở lớp học này
trong tương lai chỉ có cách cần cù phấn đấu mới là con đường chân chính
cần đi.
Giáo viên chủ nhiệm vẫn là cô giáo trước đây, khi quyết
định chọn Chính trị, tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý phải đối mặt cô suốt ba
năm trời. Giờ phút này cô đang đứng trên bục giảng chỉ định ban cán sự
lớp tạm thời.
Mặc dù nói tạm thời, nhưng động não một chút là
biết ngay, sẽ không có sự thay đổi nào xảy ra trong hai năm tới. Suy cho cùng, dù tổ chức bỏ phiếu dân chủ bầu cán bộ lớp, chỉ cần bạn học đó
không phải người quá đáng ghét, thông thường mọi người đều sẽ dùng cái
tên có sẵn để điền vào chỗ trống trong tờ phiếu bầu. Hơn nữa, thay vì
nói đây là sự khẳng định năng lực công tác cả lớp dành cho bạn học đó,
không bằng nói, mọi người sợ phiền phức dính vào người mình.
Học
cấp 3 không giống đại học, không bao nhiêu người tích cực ứng cử, cho
nên ứng cử viên duy nhất chỉ có một mình người đang đương nhiệm, cho nên tất cả những cuộc bầu cử thời gian cấp 3 cũng chỉ mang tính hình thức.
Đây là chính chỗ lợi hại của giáo viên chủ nhiệm, quả không hổ là giáo viên Chính trị, cái gọi là chế độ dân chủ chẳng qua chỉ như vậy mà thôi. Vậy nên, tôi vẫn là cán sự lớp môn Lịch sử như cũ, đồng thời kiêm thêm chức vụ lớp phó vệ sinh.
Lúc tan học, những bạn học thuộc lớp Thực
nghiệm 2 ngày trước nói với nhau cô giáo thiên vị, đa số thành viên ban
cán bộ lớp đều là học sinh hệ A, có người còn kiêm chức.
Đang nói tôi à? Tôi cười khổ, mấy cậu tưởng tôi tự nguyện chắc? Cán sự môn Lịch
sử còn tạm được, một tuần cũng chỉ có hai tiết mà thôi, trách nhiệm
chẳng có gì nặng nề. Nhưng lớp phó vệ sinh lại khác, việc nhiều phiền
phức không dứt, nói thẳng ra là một chức vụ được thiết kế để chuyên môn
đi đắc tội với người khác, vất vả lại bị cạnh khóe, tôi không lý giải
nổi tại sao có người tình nguyện muốn làm công việc này.
Chẳng
trách câu đầu tiên cô chủ nhiệm nói khi đứng trên bục giảng lại là: “con gái nhiều, rắc rối nhiều. Tôi mong lớp chúng ta sẽ không có tình trạng
như vậy.” Thế mà theo tôi thấy, sự thực đúng như câu nói của cô rồi.
Bạn cùng bàn mới là người tôi không quen. Vốn tôi định ngồi cùng Nghiên
Bân, có điều người nào đó lùn quá, bị cô chủ nhiệm lên tiếng điều đi
ngồi hàng thứ hai. Bạn cùng bàn mới của tôi tên Thang Tuyết Phân, nhìn
qua cũng có vẻ là người dễ sống chung.
Sau khi hai đứa tự giới
thiệu xong, tôi nói với cậu ấy một câu khiến cậu ấy nghẹn lời: “Tuyết
Phân này, nếu một hai ngày tới cậu nhìn thấy mình ở một nơi khác ngoài
lớp học, mà mình không vẫy tay chào cậu, cậu cũng đừng giận nhé, bởi vì
khả năng rất lớn là mình không thể nhớ được cậu, vậy nên cậu nhất định
đừng giận mình nhé!” Theo tôi nói trước điều này vẫn hơn, suy cho cùng
bây giờ cũng không giống trước đây nữa.
Thế là, sau này dù kha
khá năm trôi qua, nhưng khi nào tôi và người nào đó có dịp ôn lại kỉ
niệm cũ, bao giờ cậu ấy cũng nhắc lại chuyện này. Cậu ấy nói, quen biết
tôi vừa là bất hạnh vừa là hạnh phúc lớn nhất trong đời cậu ấy. Đương
nhiên, đó là chuyện sau này.
Văn Tuệ và một bạn học của lớp Thực
nghiệm 2 ngày trước ngồi cùng nhau, dẫu sao hai cậu ấy cũng ở chung một
ký túc xá, việc này rất bình thường. Hơn nữa, vì tôi thường xuyên đến gõ cửa phòng tìm người, nên các cậu ấy tôi cũng quen. Người lúc nãy nói cô chủ nhiệm thiên vị là trưởng phòng ký túc xá của các cậu ấy tên Vương
Doanh Chi, một bạn nữ đảm nhận phần đanh đá, có điều con người cũng
được, không đáng ghét.
Lời nói vừa nãy của cậu ấy nhắm vào cô chủ nhiệm, dù tôi thấy bất mãn, nhưng cậu ấy công khai lên tiếng bị tôi
nghe được, cho nên người phải cảm thấy ngại ngùng càng không phải là
tôi. Có điều, thực lòng mà nói, so với kiểu người ăn ngay nói thật như
cậu ấy, tôi cho rằng những người lén lút chỉ trỏ sau lưng người khác
càng đáng sợ hơn.
Tiếp theo nói một chút về bảo vật của lớp tôi nhỉ.
Không sai, chính là vỏn vẹn 4 bạn nam không cao to lực điền của lớp.
Có hai bạn trước đây học cùng với tôi ở lớp Thực nghiệm 1, chính là bộ đôi tấu hài cùng tham dự tiệc nướng với phòng ký túc xá của tôi lần trước,
Lương Chí và Ngô Chí Kiên.Hai bạn còn lại đang ngồi phía sau tôi, một
bạn tên Lương Vĩ, bạn còn lại là Lâm Thụy Phát. Nhìn hai cậu ấy có vẻ
không giống người hoạt ngôn lắm, vậy nên tôi cũng lười quan tâm.
Nhưng, rất rõ ràng, năng lực xem người khác như vô hình của bạn Thang Tuyết Phân ngồi bên cạnh còn cao cường hơn tôi nhiều.
Nghe nói một hôm nào đó, cậu ấy mang theo một tờ báo đi vào lớp, cực kỳ lớn
tiếng nói với tôi: “Cá mập, cậu xem đi!” Cậu ấy chỉ vào một hàng chữ
trên báo, “căn bệnh ung thư vú đáng sợ thật đấy, bọn mình phải tự bảo vệ cho thật tốt…”
“Im đi!” Tôi gầm cậu ấy một tiếng. Năn nỉ đấy, dù mình thường xuyên không để ý hai bạn nam ngồi phía sau, cậu cũng không
cần triệt để bỏ qua sự tồn tại của hai cậu ấy như vậy, da mặt mình không dày bằng cậu đâu!
Tôi không dám quay đầu ra sau, tôi sợ bắt gặp
ánh mắt lên án của hai cậu ấy, Thang Tuyết Phân không phải người phe tôi đâu, thật sự không phải đâu.
Những ngày tiếp theo của tôi trôi
qua như thế này: trong giờ học ngẩn người, tan học kéo Nghiên Bân diễu
khắp các lớp tìm các bạn ở cùng ký túc xá chơi, sau đó thường xuyên bắt
gặp La Trạc Kiệt cũng đang tuần hành qua các lớp giống mình.
Tôi
và cậu ấy gần như có chung một kiểu biểu cảm và hành động: chào nhau một tiếng, sau đó mỗi người chiếm dụng một góc hành lang, tự người nào
người đó nói chuyện với bạn học mình cần tìm.
Có điều, cậu ấy
cũng trâu thật đấy, thời gian nghỉ ra chơi chỉ có 10 phút thôi mà? Từ
tầng 3 tòa nhà hệ B chạy sang tầng 3 tòa nhà hệ A, có thể nói được mấy
câu với người khác đây?
Với lại, con trai với nhau cũng có nhiều
điều để nói như vậy? Tại sao ngày nào tôi đến đây báo cáo cũng nhìn thấy cậu ấy xuất hiện?
Thỉnh thoảng leo lên tầng 4 tìm Anh, tôi còn
tình cờ gặp được bạn cùng bàn thời cấp 2 của mình. Nghe Anh nói, cậu ấy
vinh dự được cả lớp bầu làm nam khôi, chắc vì ấn tượng sẵn có từ những
năm cấp 2, tôi hoàn toàn không nhìn ra được cậu ấy đẹp chỗ nào, hơn nữa
với tính cách ngố ngốc hâm đơ đó, bỏ qua đi vậy!
Sau đó, có một
ngày cậu ấy và chúng tôi ngồi chung một chuyến xe bus về nhà, vừa lên xe cậu ấy liền kể cho chúng tôi nghe về Ngô Diệu Cảnh - bạn nam cùng lựa
chọn học Sinh vật với Anh ấy. Cậu ấy kể, tên nhóc đó không thích nói
chuyện, tối nào êm như mèo cùng cậu ấy trèo tường ra ngoài chơi điện tử
thâu đêm, cứ tưởng tên nhóc đó chẳng giỏi giang gì hơn mình, ai ngờ đến
khi có kết quả thi, người ta xếp thứ nhất lớp, còn cậu ấy cũng xếp thứ
nhất nhưng từ dưới lên.
Tôi câm nín, cậu cũng không nghĩ thử xem
người ta đến từ đâu, cậu lại đến từ đâu, một người phải bỏ tiền mới được vào học so sánh với một người nhận học bổng, cậu có não đấy chứ? Nhưng
mà, ngốc nghếch như cậu ấy vẫn dễ thương hơn. Những bạn học chung cấp 2
trước đây, tôi chẳng còn giữ liên lạc với mấy người. Nhưng tên nhóc này, mỗi lần nhìn thấy tôi từ xa đều ngoác miệng gọi tên tôi thật to.
Ài, tôi lại nhớ chuyện cũ rồi, đây là triệu chứng của tuổi già, phải cai, nhất định phải cai!
Sau khi phân ban không lâu, lãnh đạo nhà trường lấy lý do nâng cao tình
thần đoàn kết của các lớp, yêu cầu nhanh chóng sắp xếp lại ký túc xá.
Vậy là, dưới sự than khóc ỉ ôi của mọi người, không đúng là lưu luyến
bịn rịn mới đúng, phòng 301 cuối cùng cũng phải giải tán.
Cô chủ
nhiệm bảo chúng tôi lần lượt theo thứ tự viết tên mình vào một tờ giấy,
đến lúc đó sẽ dùng để sắp chỗ ở ký túc xá. Hiểu quá rõ tính lười biếng
của cô giáo, khi tờ giấy chuyền đến chỗ mình, tôi viết vào đấy tên mình
và tên bạn cùng bàn, sau đó thần không biết quỷ không hay âm thầm giữ tờ giấy lại.
Lúc tan học, tôi lén lút đưa tờ giấy cho Văn Tuệ, nói
nhỏ với cậu ấy nhớ viết tên mình ngay dưới tên của tôi, như vậy chúng
tôi sẽ được phân vào cùng một phòng, nếu không nỡ chia tay bạn cùng lớp
ngày trước, cứ viết tiếp tên các bạn ấy xuống phía dưới là được.
Tôi thừa nhận trong việc này mình ích kỷ, ngoại trừ Văn Tuệ, những bạn nữ
khác học lớp Thực nghiệm 2 ngày trước tôi cũng quen, hơn nữa tính tình
các cậu ấy khá hòa đồng, dễ chịu. Đều là học sinh đi ra từ lớp Thực
nghiệm danh tiếng, cho nên bầu không khí học tập trong phòng, khả năng
hành động độc lập và các phương diện khác đều tương đối tốt. Nói thật
lòng, tôi không thích một môi trường quá phức tạp, vì rất khó để học
được cách thích ứng.
Vì vậy sau này, Thang Tuyết Phân không chỉ
một lần hỏi tôi, vì sao cậu ấy được xếp vào phòng ký túc xá này, trong
phòng chỉ có một mình cậu ấy không đến từ lớp Thực nghiệm, cậu ấy cảm
thấy mình lạc loài lắm. Thế là, tôi thẳng thắn nói với cậu ấy, đây là
việc tốt do một tay tôi làm ra. Tôi hỏi ngược lại cậu ấy, những phòng ký túc xá khác trong lớp có phòng nào so được với phòng bọn mình không.
Cậu ấy trầm mặc rất lâu, sau đó nói với tôi hai chữ cảm ơn.
Lại
sau đó nữa, khi các phòng ký túc xá nữ khác trong lớp lần lượt xảy ra
cãi vã, tẩy chay gì đó, chỉ có phòng của chúng tôi vẫn giữ được bầu
không khí hài hòa, tôi lại càng vui vẻ vì quyết định sáng suốt của mình
lúc đó.
Khi tất cả mọi thay đổi dần trở nên ổn định, cả đám
chúng tôi giống như con ếch nằm sẵn trong nồi, bị nước nóng của kỳ thi
cuối kỳ bất thình lình đánh úp tới.