Bốn Năm Phấn Hồng

Chương 48: Chương 48: Cãi nhau tơi bời




Mặc dù cả lớp đã bàn tán ầm ĩ sau lưng Tô Tiêu nhưng không có ai dám nói điều gì trước mặt cô ấy. Có lúc tôi có những ý nghĩ kì quái thế này: ví dụ, nếu là La Nghệ Lâm ở cùng phòng với chúng tôi thì cô ấy sẽ nói gì? Không chừng cô ấy sẽ đứng trước mặt Tô Tiêu mà hỏi rằng có phải Tô Tiêu đã làm tiểu thư rồi không? Ha ha... Viết đến đây tôi không tài nào nhịn cười được. Kể từ hôm chuyển phòng, sau khi bị tập thể ba người cùng phòng chúng tôi tẩy chay, La Nghệ Lâm chưa từng bước vào căn phòng này. Đứa con gái này, lòng tự tôn cao thật.

Hôm đó có mấy cô gái phòng khác sang phòng chúng tôi nói chuyện phiếm. Một phòng toàn nữ sinh thật là náo nhịêt. Một nữ sinh nói: “Dạo này hết sạch tiền tiêu, yêu đương cũng thật tốn kém, từ khi tôi yêu anh chàng này, tháng nào cũng không đủ tiền tiêu“.

Một nữ sinh khác lại nói: “Có người thì từ khi yêu vào rồi tiền tiêu không hết“.

Chủ đề câu chuyện không hiểu thế nào lại chuyển sang kẻ vô phúc Tô Tiêu. Cô ấy lại một lần nữa trở thành đối tượng công kích trong những cuộc buôn nước bọt của mọi người. Tôi cảm thấy hơi ớn lạnh trong lòng, với một phòng nữ sinh thì “chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết“.

Khi cô nữ sinh bên trên vừa nói dứt lời rằng “có người thì từ khi yêu vào rồi tiền tiêu không hết”, Trần Thuỷ liền nói ngay: “Mọi người chúng ta đều nên học tập Tô Tiêu, tìm một người có tiền bao bọc thì chẳng phải cái gì cũng có thể giải quyết được hết sao. Nhìn mà xem, bây giờ một chiếc áo bình thường cũng đã tiêu tốn 500 tệ rồi“. Lúc vừa hay Trần Thuỷ lại đứng ngay bên cạnh tủ quần áo của Tô Tiêu, tủ quần áo của Tô Tiêu không khoá bao giờ, bởi vì cô ấy thay quần áo quá nhiều lần, ngày nào cũng năm lần bảy lượt mở khoá tủ thì phiền phức vô cùng. Thế nên Trần Thuỷ đã tiện tay rút ra một chiếc áo cho những nữ sinh khác xem.

Mọi người cười một trận ra vẻ khinh miệt, nhưng rồi không nhịn được đã châu đầu vào xem chiếc áo ấy. Họ tranh nhau nói, người này sờ sờ, người kia lật cổ áo xem nhãn hiệu. Lộ rõ bản chất.

Trịnh Thuấn Ngôn đang đeo headphone nghe tiếng Anh. Tôi vừa lên mạng vừa buồn cho sự lợi hại mồm mép của con gái.

Bỗng nhiên có tiếng người kêu lên một tiếng “Tô Tiêu...“.

Trong nháy mắt căn phòng bỗng im phăng phắc không một tiếng động. Tôi ngoái đầu nhìn ra.

Cửa phòng nửa đóng nửa mở. Tô Tiêu đứng ở cái khe nhỏ hẹp giữa cửa và bức tường, thứ ánh sáng đèn tối mờ của hành lang hắt trên khuôn mặt cô, cô đứng trong cái khe nhỏ hẹp ấy một cách khổ sở với khuôn mặt không biểu lộ cảm xúc, khoảng cách nhỏ hẹp giữa cửa và bức tường khiến khuôn mặt và cả thân thể cô đều có chút biến dạng, hình như đã bị cong vẹo rồi.

Một phòng toàn nữ sinh ngồi cười nhạo một nữ sinh khác đang đứng bên ngoài phòng. Ở giữa là cánh cửa nửa đóng nửa mở. Cánh cửa ấy như đang mưu đồ ngăn chặn điều gì đó. Nhưng rõ ràng là không thể ngăn được điều gì. Tình người đen bạc.

Tình hình cứ giằng co như vậy. Mọi người ngay lập tức tản ra hết, ai về phòng nấy.

Chiếc áo trong tay Trần Thuỷ đã rơi tuột xuống đất. Khuôn mặt Tô Tiêu như kết thành bằng, mắt cô ấy thì như bốc khói.

Căn phòng kí túc nhỏ bé chật chội luôn luôn có những con tim xa cách lạnh lùng bức bách con người. Tôi thấy lành lạnh dưới chân.

Trần Thuỷ không nói xin lỗi mà đi ra khỏi phòng. Trịnh Thuấn Ngôn tiếp tục nghe tiếng Anh. Tôi rất muốn nói điều gì đó với Tô Tiêu. Nhưng một câu cũng không thể nói ra được. Tôi thấy Tô Tiêu lặng lẽ đến trước tủ quần áo của mình, nhặt chiếc áo lên ôm vào lòng, sau đó cô ngồi thụp xuống đất, khóc.

Chiếc váy dài của cô trải trên sàn nhà nhăn nhúm, rồi toàn thân cô run lên bần bật nhưng khẽ khàng. Cô cố gắng kiềm chế tiếng khóc của mình nhưng tiếng khóc bướng bỉnh hầu như không muốn thoả hiệp, do đó giọng cô trở nên tắc nghẹn mà run rẩy. Giống như những chiếc lá khô xao xác cất tiếng trong cơn gió mùa đông, rồi ngay sau đó sẽ rơi khỏi cành, rã rời, không thể phục hồi nguyên như cũ.

Cô ấy ngồi thụp ở đó rất lâu rất lâu. Cô ấy không hề quay mặt về phía chúng tôi. Tôi không nhìn thấy khuôn mặt cô, không nhìn thấy ánh mắt đau buồn của cô, không nhìn thấy cô cắn chặt đôi môi khi phẫn nộ giận dữ.

Tôi và Trịnh Thuấn Ngôn nhìn nhau một lúc. Mặc dù chúng tôi đều biết rằng sau lưng Tô Tiêu luôn luôn có những lời bàn tán khó nghe, làm một người đẹp khá phóng túng, cô ấy vốn dĩ khó thoát khỏi những chuyện này, nhưng chuyện lần này giống như một cây kiếm vô tình đã đâm cô một đòn chí mạng. Cô ấy tận mắt chứng kiến sau lưng mình có nhiều người như vậy, cả một phòng nữ sinh bàn tán về cô, châm chọc cô, nhục mạ, mỉa mai, chế giễu cô, họ dùng miệng lưỡi sắc như gươm đao đâm cô, muốn dồn cô đến chỗ chết, không một ai mảy may nể tình. Còn cô thì mềm yếu bất lực, không cách nào phản kháng. Cô chỉ có thể khóc thút thít một mình sau khi mọi người đã tản đi hết.

Một cô gái vô cùng xinh đẹp, nếu không biết sống khép mình một chút thì thực sự rất thảm thương.

Người đẹp nếu có bản lĩnh thì đáng sợ. Nhưng người đẹp không có bản lĩnh thì đáng thương.

Làm con gái đã khó, làm con gái đẹp lại càng khó, làm một người đẹp trong đám con gái thì khó lại thêm khó.

Trịnh Thuấn Ngôn đã lên tiếng, cô ấy nói: “Thôi bỏ đi, Tô Tiêu. Thực ra cậu cũng biết những người đó rỗi hơi nên mới nói như vậy. Cậu đừng tính toán với họ nhé, họ đố kị với sự xinh đẹp của cậu đấy mà“.

Tô Tiêu không nói gì, cô ấy cố nín khóc. Nhưng không tài nào dừng được cái âm thanh khó bảo, không cầm được dòng nước mắt cứ thế tuôn rơi.

Tôi thở dài, rất muốn nói điều gì đó nhưng hiểu rằng lúc này tất cả mọi ngôn từ đều có vẻ nhạt nhẽo và bất lực.

Không biết phải bao lâu sau Tô Tiêu mới nói được câu cảm ơn sau khi thôi khóc thút thít, rồi cô ấy đứng dậy, nào ngờ chưa kịp đứng hẳn lên thì bỗng cô ấy ngã sóng soài trên nền nhà!

Tôi được phen hoảng hồn, vội chạy tới đỡ cô ấy dậy nhưng đỡ không nổi, lúc đó tôi mới phát hiện thấy mắt cô ấy nhắm lại. Cô ấy đã ngất lịm đi.

Tôi và Trịnh Thuấn Ngôn vội vàng cõng cô ấy xuống tầng. Khi đi qua hành lang có phòng không đóng cửa, mọi người trong phòng nhìn thấy ba người chúng tôi đang chạy cuống lên, liền vội vàng chạy ra xem. Người xem thì đông nhưng tuyệt nhiên không có ai ra giúp đỡ.

Cái cảm giác thất vọng đến đau lòng đối với ngôi trường này lại một lần nữa trỗi dậy trong lòng tôi. Một mảng thê lương. Tình người đen bạc.

Đáng thương thay cả tôi và Trịnh Thuấn Ngôn đều gầy yếu, Tô Tiêu bị chúng tôi vần qua vần lại rất lâu, cuối cùng cũng chuyển được từ tầng hai xuống tầng một.

Xuống tầng một rồi vẫn phải nhờ bảo vệ cổng gọi điện thoại tới phòng yêu tế của trường mới có thể đưa Tô Tiêu đến bệnh viện được.

Hoá ra Tô Tiêu bị thiếu máu, vì cô ấy ngồi dưới đất khóc quá lâu nên khi đứng dậy đã bị chóng mặt, đôi giày cao gót của cô ấy vừa hay lại giẫm phải một góc vạt chiếc váy đang trải trên nền nhà, kết quả là ngã sóng soài. May mà không có vấn đề gì nghiêm trọng. Bác sĩ nói chỉ cần truyền một chai nước to là khỏi.

Tôi và Trịnh Thuấn Ngôn ngồi đó cùng cô ấy. Ánh đèn trong bệnh viện rọi vào phòng tiêm ảm đạm, rất nhiều người đang ngồi trong đó, phía trên họ đều treo một chai chất lỏng, không màu, đang chầm chậm chảy xuống mu bàn tay hoặc cổ tay họ. Mọi người đều ngồi đó với khuôn mặt không chút cảm xúc. Có người đang nhắm mắt, có người đờ đẫn nhìn cái thứ chất lỏng đang nhhỏ xuống từng giọt từng giọt một, không có một tiếng động nhưng như có cái gì nện từng nhát vào tim mình. Có người lại hướng cái nhìn về phía Tô Tiêu.

Bầu không khí rất ngột ngạt. Lạnh lẽo, đìu hiu, vắng lặng, những chiếc ghế cũ toả ra mùi cũ kĩ mục nát, đã không còn nhìn rõ hoa văn hay những vết xước. Bệnh viện luôn có cái mùi đặc trưng trộn với mùi gỗ khô, tựa như những giọt lệ của ai đó đang rơi, đã đông cứng lại không thể tan đi qua bao nhiêu năm tháng.

Tôi nhìn Trịnh Thuấn Ngôn và Tô Tiêu, nhớ lại hồi năm thứ nhất, nhớ lại cái ngày ba người chúng tôi cùng đuổi La Nghệ Lâm đi rồi cùng chuyển nhà, tôi có cảm giác mọi việc trên đời dã thay đổi quá nhiều. Có lẽ ba chúng tôi không thể trở thành những người bạn thân, nhưng chúng tôi không phải là kẻ thù, chưa bao giờ là kẻ thù của nhau. Những ngăn cách về tư tưởng chỉ là những cách biệt giữa người với người trong cuộc sống tù túng. Chúng tôi chỉ có những ngăn cách về tư tưởng. Về cơ bản chúng tôi không hề có tranh chấp lợi ích. Cho nên chúng tôi không thể trở thành những người bạn tri kỉ, những chị em tâm giao.

Tô Tiêu gọi điện cho người yêu, anh ta chạy ngay đến phòng tiêm. Trước khi anh ta đến, Tô Tiêu ra vẻ thản nhiên nói với chúng tôi rằng anh ta là người đã có vợ.

Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy người yêu của Tô Tiêu. Một người đàn ông trung niên, dáng người hơi hơi “phát tướng”, mặt mày ảm đạm, lại còn có những nếp nhăn mờ trên trán, tôi nghĩ có lẽ sự suy đoán của các cô gái là chính xác. Tôi cố sống cố chết ngăn chặn những ý nghĩ như thế, tôi cảm thấy đứng trước mặt Tô Tiêu mà nhĩ như vậy hay tán đồng với những lời đồn đạinhảm nhí của các cô gái thì thật là vô liêm sỉ. Nhưng tôi không thể khống chế suy nghĩ của chính mình. Tôi quan sát ngoại hình, cử chỉ, thái độ của người đàn ông đó, cố thử phán đoán thân phận, hôn nhân và những điều khác về anh ta. Tôi đau xót liên tưởng đến những từ ngữ không lấy gì làm hay ho như bồ bịch, bồ nhí, hay những ngôn từ như dính đầy tiền, tình và mĩ sắc, những từ toả ra sắc thái suy sụp, thối nát, tuyệt vọng.

Có một chị đã nói, con gái không nên dây vào ba loại người, lãng tử, văn nghệ sĩ trẻ và đàn ông đã có vợ. Lãng tử và đàn ông đã có vợ không nên “chọc” vào thì mọi người đều hiểu. Tại sao văn nghệ sĩ trẻ cũng bị liệt vào danh sách đen? Văn nghệ sĩ trẻ, tình cảm quá phong phú cho nên sẽ không có cảm giác an toàn về mặt tình cảm. Bạn sẽ có cảm giác đang yêu một cuốn tiểu thuyết. Nhưng có quá nhiều cô gái yêu thích văn nghệ hoặc thích cảm giác mộng ảo muốn tìm những văn nghệ sĩ trẻ, bởi vì họ đã gửi gắm niềm yêu thích cái trừu tượng trong văn học nghệ thuật của bản thân vào một người cụ thể nào đó trong cuộc sống. Yêu những người như thế thật giống như là đã gần sát với giấc mơ vậy.

Tôi nhớ tới người đàn ông đã kết hôn mà tôi từng yêu. Nếu như lúc đầu không phải chúng tôi đều hiểu rằng nếu biết dừng đúng lúc thì chuyện hôm nay Tô Tiêu gặp phải chính là phiên bản của tôi.

Bồ bịch, chúng tôi không chơi nổi những trò chơi như thế.

Tôi hiểu Tô Tiêu gọi anh ta đến trước mặt chúng tôi chính là đã tín nhiệm chúng tôi. Sự tín nhiệm này khiến chúng tôi cảm thấy hổ thẹn. Mặc dù tôi không tíu tít bàn luận như những nữ sinh khác nhưng tôi cũng đã có những ý nghĩ bẩn thỉu tương tự. Chẳng qua là tính tôi đã quen trầm lặng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.