Bốn Năm Phấn Hồng

Chương 52: Chương 52: Chân tướng sự thật




Cha của Lưu Sa Sa thu dọn từng di vật vào một chiếc va li to, mẹ cô ấy thì chỉ ngồi khóc thống thiết bên chiếc giường, đã mấy lần khóc đến ngã ra trước đầu giường. Nhìn khuôn mặt đầm đìa nước mắt và đôi tay lúc nào cũng run rẩy của người cha, tôi thấy Lưu Sa Sa thật tàn nhẫn, tôi không thể ngăn nước mắt mình tuôn rơi. Từ một góc độ nào đó mà nói, những người tự sát đều là những người ích kỉ, yêu bản thân hơn yêu cha mẹ, bạn bè, người yêu.

Mọi người vừa khóc vừa nhìn cha mẹ Lưu Sa Sa sắp xếp sách vở, quần áo, đồ dùng học tập của cô ấy, từng chiếc từng chiếc được cho vào hai chiếc vali lớn. Lúc ấy tôi mới phát hiện ra rằng quần áo của cô ấy quả là nhiều, có cả một tủ quần áo chật cứng, đáng thương thay hai chiếc vali mà cha mẹ cô ấy mang theo cũng không đủ để xếp hết số quần áo này!

Sau đó, cha cô bắt đầu thu dọn những thứ trong ngăn kéo, tôi thấy ông cầm lên một túi trang điểm cỡ to đã mở. Có lẽ là từ trước đến nay ông chưa bao giờ nhìn thấy những cái lọ nhỏ bên trong, ông cẩn thận từng li từng tí nhìn nó rất lâu, rồi ông lấy ra một hộp phấn trang điểm. Tôi ngạc nhiên phát hiện ra rằng hộp phấn màu xanh ấy nhãn hiệu CD!

Có lẽ, cuộc sống trước đây của Lưu Sa Sa không đơn giản như chúng tôi tưởng. Cái giây phút nhìn thấy hộp phấn ấy trong đầu tôi đã loé lên ý nghĩ như thế.

Ông ấy nhẹ nhàng đóng hộp phấn lại. Một giọt nước mắt rơi trên chiếc hộp màu xanh sáng bóng sạch sẽ, toả ánh sáng lấp lánh chói loà mắt tôi.

Đồ đạc lần lượt được thu dọn hết, người cũng dần dần tản ra, mẹ cô ấy từ đầu chí cuối chỉ ngồi khóc trên giường. E là nước mắt cả đời của người phụ nữ đáng thương ấy sẽ cạn đi như thế.

Buổi chiều hôm đó ở lớp nhanh chóng tổ chức một cuộc họp lớp. Chúng tôi cho rằng vì tang lễ của Lưu Sa Sa, cả lớp nên tổ chức hoạt động nhân đạo, ví dụ như quyên góp tiền. Điều này rất bình thường.

Lần họp lớp đó, chưa bao giờ cả lớp đến đông đủ như thế.

Chủ nhiệm lớp bắt đầu phát biểu, thầy nói đến cái chết của Lưu Sa Sa, nói đến sự đau đớn của chính mình, thầy nói mọi người phải nén đau thương để không ảnh hưởng đến việc học tập của bản thân. Tiếng thầy chưa được coi là to vang nhưng đó là lần duy nhất thầy đứng phát biểu phía trên khi bên dưới im phăng phắc.

Đột nhiên thầy chuyển mạch, thầy nói đến việc xây dựng tác phong trong trường học, nói đến việc xây dựng đạo đức, đến việc giáo dục đạo đức và nói đến giá trị nhân sinh quan, thế giới quan.

Phía dưới có đôi chút xao động, mọi người cảm thấy thầy chuyển đề tài đột ngột quá.

Thầy ngừng lại một lát, đợi mọi người yên lặng trở lại rồi nói: “Đặc biệt là các bạn nữ, khoa chúng ta, trường chúng ta có nhiều nữ sinh, cần phải giữ mình trong sạch, không nên vì sự ham vui nhất thời mà làm những điều sai trái, huỷ hoại cả một đời“.

Phía dưới yên lặng được ba giây. Trong ba giây đó mọi người đều như nín thở. Không biết ai là người đầu tiên cho rằng thầy đang ám chỉ cái vấn đề ấy, trong nháy mắt cả phòng học bắt đầu xôn xao hỗn loạn, tất cả mọi người đều ghé tai thì thầm bàn tán xôn xao. Ánh mắt của tất cả mọi người đều vô tình sáng lên, mồm miệng của tất cả mọi người đều liến thoắng, tôi thấy sự kinh ngạc, sự khinh thường, ngạc nhiên trùm kín không gian, thậm chí cả kiểu thoải mái vui sướng biến thái sau khi biết được chân tướng sự thật.

Vỡ vụn, tàn tạ.

Đó là tháng 5 năm 2003. Khắp nơi trên mạng đều lưu truyền bài viết “Điều tra việc nữ sinh bán dâm trong các trường đại học ở Hồ Bắc”, tỉ lệ 10% khiến cả nước từ trên chí dưới đều kinh hãi, tỉ lệ 10% khiến tất cả các trường đại học ở Hồ Bắc đều phẫn nộ. Không ai biết được rằng rốt cuộc tỉ lệ bao nhiêu mới là thật, ai cũng cảm thấy đó là sự phỉ báng đối với các trường đại học ở Hồ Bắc của chúng ta, cũng là sự lăng mạ và phỉ báng đối với tập thể các nữ sinh đại học! Nhưng ai ai cũng biết thực ra trong trường đại học đúng là có những chuyện như thế, những nữ sinh như thế. Võ đoán một chút thì nói rằng trường đại học nào cũng có.

Trước khi Lưu Sa Sa chết, phòng cảnh sát mang theo tờ giấy chứng nhận tìm đến trường học. Nhà trường nhanh chóng kí quyết định đuổi học cô ấy. Thông báo xử lí kỷ luật được đưa đến khoa, đồng thời yêu cầu dán thông báo ở nhà hành chính và khu chung cư sinh viên của khoa chúng tôi. Sau khi có thông báo và trước khi nó được dán lên, chủ nhiệm lớp đã nói cho cô ấy biết để cô ấy chuẩn bị sẵn tinh thần.

Thế là chính trong buổi tối hôm ấy cô đã không quay về. Cô đã tới toà nhà cao nhất của trường, không một ai biết cô ấy ngồi trên nóc toà nhà ấy bao lâu, không một ai biết trong giây phút cuối cùng cô ấy đã nghĩ tới điều gì. Cái đêm xuân tối đen ấy, cái đêm tối muộn mằn ấy đã từng khiến một cô gái đang độ xuân sắc phải tuyệt vọng, sự lựa chọn của cô ấy khiến đất cũng phải đau, cô đã nhảy từ tầng 19 xuống cơ mà. Giống như một cánh hoa lẻ loi lụi tàn rơi xuống không một tiếng động, từ sự sống đến cái chết chẳng qua chỉ là khoảng cách vài chục giây.

Nhảy xuống là có thể giải quyết được tất cả. Sẽ không còn nghèo khổ, sẽ không còn những hi vọng không thể gánh đỡ nổi, sẽ không còn những bàn tay bẩn tôi hỉu của đàn ông, sẽ không còn những ánh mắt khinh rẻ của cả thế giới, thậm chí sẽ không còn các kì thi nữa. Sẽ không còn cô đơn, lạnh lẽo, không còn quá nhiều quá nhiều thứ mà những người trẻ chúng tôi không có cách nào tiếp nhận.

Chết, là cách giải thoát tốt nhất. Cho nên hằng năm, mỗi một địa phương đều có sinh viên lựa chọn cho mình phương án này, khi họ không còn cách nào chịu đựng thì họ sẽ coi thường sinh mạng mình như thế.

Đây chính là chân tướng của sự việc.

Ban đầu mọi người đều kinh ngạc vì sự thực thay đổi hoàn toàn, ngay lập tức mọi người bắt đầu lục lọi trong bộ nhớ để tìm ra manh mối căn nguyên cái chết của Lưu Sa Sa.

Sau buổi họp lớp hôm đó, tôi liên tục nghe thấy có người nói kiểu như: “Chẳng trách tại sao cô ấy luôn ăn mặc trang điểm lộng lẫy đến thế, hơn nữa còn thường xuyên ăn mặc hở hang“. Có người nói: “Tôi nhớ ra rồi, có một lần tôi nhìn thấy cô ấy cùng một người đàn ông hơn 30 tuổi bên ngoài trường“. Có người nói: “Đúng rồi, cô ấy thường xuyên đi cả đêm không về, chúng tôi còn cho rằng cô ấy đến chỗ người yêu hoặc chỗ họ hàng“. Câu nói ấy vừa dứt ngay lập tức có người nói: “Người yêu cái gì, đó chỉ là nghe cô ấy nói thế chứ chúng ta đều chưa nhìn thấy”, vân vân và vân vân. Khi cô ấy sống thì không có điều gì thu hút sự chú ý của chúng ta, khi cô ấy chết đi rồi chúng ta lại đồng tâm hiệp lực để sự việc sôi sục lên. Mỗi một cuộc bàn luận kết thúc, luôn luôn có người nói: “Ôi chao! Thực ra cô ấy thật đáng thương”, giống như tổng kết vậy. Tôi nghĩ rất có thể họ dùng câu nói ấy để giảm bớt cảm giác hổ thẹn trong chốc lát khi bàn luận, nếu như họ thấy hổ thẹn.

Mọi người bắt đầu chấp nhận sự thật xem ra rất bẩn thỉu ấy, đồng thời còn đồng tâm hiệp lực đi chứng thực, đi nói xấu linh hồn đã chết ấy. Tôi luôn luôn tin tưởng rằng không có một ai lại ác ý vu cáo hãm hại, nhưng... Cho nên... Bản tính con người vốn như thế.

Thực ra bản thân tôi cũng cố gắng nhớ lại và tôi nhớ có một lần, lúc đó khoảng mười giờ hơn, sau giờ làm gia sư trở về tôi đã gặp cô ấy bên ngoài trường học, trên con phố toàn là quán rượu và quán Karaoke, hôm đó cô ấy mặc chiếc áo quai chéo màu hồng, rất chướng mắt. Cô ấy cũng nhìn thấy tôi nên ngay lập tức nhanh nhanh chóng chóng chui vào một tiệm nhỏ bán đồ ăn. Khi đó tôi đã nghi nghi nhưng cũng không để ý tìm hiểu kĩ càng mà chỉ cho rằng cô ấy vì ham chơi nên đến quán rượu mà thôi.

Nhưng nhớ lại thì có tác dụng gì. Những chuyện hiển hiện ngay trước măt,sẽ cả lúc trước và sau khi Lưu Sa Sa chết, đều khiến cho người ta kinh hãi. Chết, từ trước đến nay luôn là một chuyện thê lương.

Tôi không hiểu liệu nhà trường có nói cho cha mẹ Lưu Sa Sa biết sự thật hay không.

Rốt cuộc thì thông báo xử lí kỉ luật của trường có được dán lên hay không.

Tôi đã từng cầu thần khấn Phật một cách thành khẩn để mong trường học không nói sự thật cho cha mẹ Lưu Sa Sa biết, xin đừng.

“Chết đi có gì là ghê gớm, cũng chỉ là gửi thân xác vào núi sông“.

Từ đó trong các trường đại học của thành phố Vũ Hán có thêm một câu chuyện. Câu chuyện nói rằng ở khu chung cư nữ sinh của trường tôi thường nghe thấy tiếng khóc của con gái lúc nửa đêm. Câu chuyện còn nói rằng ở khoa Vật lí vào lúc nửa đêm thường có một cô gái quẩn quanh đi hết vòng này đến vòng khác phía dưới khu nhà.

Những câu chuyện như vậy tôi đã được nghe rất nhiều. Khi mới vào đại học, tôi đã nghe nói có trường có cô gái từng chết trong nhà tắm, cô gái tóc dài lượn lờ quanh nơi ẩm ướt đó đã bao năm rồi vẫn chưa siêu thoát. Tôi còn nghe nói có trường liên tiếp có nữ sinh bị sát hại bên hồ, và họ đều mặc áo màu hồng. Những câu chuyện như thế cứ lưu truyền trong giới nữ sinh ở các trường đại học và cao đẳng. Thật hay giả đều vô nghĩa, chỉ có điều là phía sau mỗi một câu chuyện đều có một linh hồn đang khóc, mãi mãi không muốn ra đi.

Khi viết xong đoạn này, tôi lại nghe nói trường chúng tôi có người tự sát. Lại là một nữ sinh và ở một toà nhà khác. Tự sát bằng cách cắt mạch máu.

Cô ấy ngồi đờ đẫn trong phòng vệ sinh hơn một tiếng đồng hồ, bạn cùng phòng đến gõ cửa mấy lần, lần cuối cùng cô ấy nói: “Cậu đợi thêm mười phút nữa, mình sắp xong rồi“. Mười phút sau bạn cùng phòng lại đến gõ cửa thì cô ấy nói: “Cậu vào đi!“.

Máu đang chầm chậm chảy ra từ cổ tay cô ấy, phòng vệ sinh toàn là máu một màu đỏ tươi.

Cô ấy được đưa đi cấp cứu và đã không chết đúng như ý cô.

Tại sao lại nói là đúng như ý cô ấy. Bởi vì tôi cho rằng cô nữ sinh ấy thật sự không muốn tự sát. Nếu muốn thì cô ấy đã không chọn nơi kết liễu cuộc đời là phòng kí túc, hơn nữa lại vào lúc có người trong phòng. Nếu muốn tự sát, thì vào thời khắc cuối cùng, cô ấy đã không cho người khác vào khi máu còn chưa chảy hết. Đó chưa phải là sự tuyệt vọng hoàn toàn, mà chỉ là con tim buồn khổ của cô ấy cần có một lối thoát, một chút quan tâm, cô ấy đang chống chọi với thế giới này, với những người xung quanh cô, chống chọi với cuộc sống buồn khổ, với con tim cô đơn lạnh lẽo. Nghe nói đó là một nữ sinh sống rất khép kín.

Nhà trường đã bưng bít chuyện này rất ghê, nếu tôi không có bạn cùng phòng với cô nữ sinh đó thì tôi cũng không thể biết được.Cho nên, bạn nghĩ mà xem, trong mỗi một trường đại học có bao nhiêu người đã từng tuyệt vọng như thế, cả về tinh thần và thể xác.

Chúng ta làm sao thế này? Thế hệ sinh viên đại học chúng ta sao vậy? Ai, ai có thể cho chúng ta một câu trả lời. Cái gì đã dồn chúng ta hết lần này đến lần khác đi vào cõi chết? Tự sát hay bị giết? Ai, ai có thể cứu chúng ta, giống như sinh viên đại học rất nhiều năm trước, ai có thể cho chúng ta niềm tin, cho chúng ta một lí do để nỗ lực phấn đấu, cho chúng ta một bầu nhiệt huyết sục sôi của tuổi trẻ?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.