LUÔN CÓ MẶT BÊN NHAU TRONG LÚC KHÓ KHĂN
Bạn bè luôn có mặt khi mọi hy vọng của bạn đã buông xuôi và thần kinh bạn căng thẳng; họ chẳng nói cụ thể một điều gì, song bạn có thể cảm thấy hoàn cảnh nan giải dần được tháo gỡ.
Pam Brown
Một người bạn trong nguy khó
Những trái tim chẳng bao giờ biết tựa, sẽ đổ.
Emily Dickinson
Lúc ấy là ba giờ sáng. Tôi lăn mình trên giường, với lấy ống nghe của cái điện thoại đang reo liên hồi. Theo trực giác tôi biết ai đang gọi - còn ai khác có thể gọi vào giờ này cơ chứ? Tôi vẫn đang chờ cú điện thoại này, nhưng sao nó lại đến lúc tôi đang ở một mình cơ chứ? Chồng tôi mới vừa đi công tác ở vùng duyên hải phía đông cách đây tám tiếng. Làm sao tôi có thể liên lạc được với anh ấy. Tôi nhấc điện thoại và nghe thấy giọng nói dịu dàng của mẹ qua ống nghe, "Con ơi, ba mất rồi." Như thể đọc được suy nghĩ của tôi, mẹ vội trấn an tôi rằng ba không cô đơn lúc mất và ba đã ra đi rất nhẹ nhàng.
Tôi nói với mẹ là tôi sẽ về nhà ngay, nhưng tôi còn phải đến chỗ làm trước và để hẹn lịch khám lại cho các bệnh nhân của tôi. Tôi gác máy và kéo tấm chăn lên. Tôi vẫn để cho mấy đứa con gái ngủ trong lúc tôi bắt đầu thu xếp đồ đạc của chúng tôi lại cho chuyến về quê nhà dài mười hai tiếng sắp tới.
Tôi không bật đèn ngủ lên. Căn nhà tối om và yên tĩnh. Tôi nằm trên giường và nghĩ đến cuộc chiến đấu suốt bảy năm trường với bệnh ung thư của ba và những gì ba dạy cho tôi. Ba từng nói, "Khi nào việc chữa trị còn tệ hơn căn bệnh thì đó là lúc phải ngẫm nghĩ lại kế hoạch hành động của con." Mới cách đây một tuần tôi còn ngồi bên giường ba. Tôi thấy mình muốn tin chắc rằng những ai chăm sóc cho ba phải hiểu một điều rằng ba không phải là một ông già, mà ba là một người sắp ăn mừng sinh nhật lần thứ năm mươi tám của mình. Quà sinh nhật tôi tặng cho ba là một tấm hình ba chụp cách đây một năm được lồng vào cái khung có bài thơ "Những dấu chân" trên đó. Tôi còn nhớ là mình đã nghĩ,Tấm ảnh này trông như một người đàn ông năm mươi bảy tuổi vậy.
Tôi nhìn bài thơ. Nếu tôi không phó thác ba tôi cho sự quan phòng của Thiên Chúa thì làm sao tôi có thể tin được rằng Người đã mang ba tôi đi?
Cú điện thoại này không làm tôi ngạc nhiên. Tôi cứ giữ chặt lấy ba và cuối cùng đã có thể tin tưởng để ba về với Chúa, Đấng hàn gắn vết thương thật sự. Tôi nằm trên giường, thầm cầu nguyện xin cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào để cho tôi biết ba vẫn ổn. Trong lúc tìm kiếm dấu hiệu có thể an ủi tâm hồn, tôi thiếp dần. Tôi thấy mình trở lại ngôi nhà thời thơ ấu. Cửa sổ phòng ngủ của tôi vẫn đang mở, làn gió mát của buổi đêm thổi vào phòng. Tôi rúc người xuống dưới tấm chăn bông ghép vải, cảm thấy ấm áp và an lành. Tôi có thể nhìn thấy ba tôi đang đứng phía cuối giường. Ba muốn kiểm tra xem tôi có ổn không trước khi ông đi ngủ.
Khi thức dậy, tôi cảm thấy khắp người có một cảm giác thật bình an, và tôi biết ba tôi hoàn toàn ổn. Tôi nhận thấy ba sẽ luôn dõi theo bước tôi. Tôi bật đèn lên và bắt đầu thu dọn mọi thứ. Bình minh lên, tôi ngồi cùng mấy cô con gái. Tôi cho chúng biết tin ông ngoại mất, và cố gắng bảo đảm rằng chúng cảm thấy được sức mạnh và tình yêu của tôi đang bao bọc chúng. Tôi gọi cho cô bạn Carolyne, một y tá chuyên đến tận nhà chăm sóc cho bệnh nhân, để báo cho cô ấy biết tôi sắp đi khỏi thành phố và tôi sẽ đến chỗ làm để sắp xếp một số công việc. Carolyne và tôi đã trở thành bạn thân của nhau do tất cả những gì chúng tôi làm cùng nhau: làm việc chung, cùng tham dự các lớp học ở đại học và cùng đi nhà thờ. Tôi cũng cần phải nói với cô ấy vài lời để thông báo về kế hoạch lái xe về nhà của tôi.
Khi đến sở làm, tôi nhận thấy các đồng nghiệp đều biết về hoàn cảnh của tôi và các bệnh nhân của tôi đã được chuyển sang cho các y tá khác. Carolyne bỗng nói với tôi là cô ấy đã chuẩn bị một túi hành lý và sẽ đi cùng tôi đến Washington. Mẹ cô ấy đã sắp xếp lo cho cô ấy vé máy bay quay về vào ngày hôm sau và ông quản lý của chúng tôi đã cho cô ấy được nghỉ phép. Tôi thật sự bất ngờ và xúc động trước lời đề nghị tốt bụng này, nhưng tôi đâu thể bảo cô ấy làm thế được. Thêm vào đó, tôi biết mình sẽ về thẳng nhà ba mẹ tôi, lúc ấy căn nhà sẽ đầy ngập người. Carolyne biết sẽ ở đâu? Carolyne nói tôi gọi điện cho mẹ tôi. Tôi gọi điện, như thế tôi sẽ có thể lịch sự nói "Không cần đâu, cám ơn cậu nhiều lắm" đối với lời đề nghị tốt đẹp của Carolyne. Khi tôi nói chuyện với mẹ, mẹ thở ra nhẹ nhõm vì an tâm khi biết tôi sẽ chẳng phải một mình đi trên những con đường đầy băng tuyết.
Carolyne và tôi cùng các con gái lái xe đi thẳng về nhà ba mẹ tôi. Bạn tôi ngồi lắng nghe tôi và các con kể những câu chuyện ca ngợi cuộc đời của ba tôi. Chuyến hành trình dài mười hai tiếng qua núi thật bình an và nhanh chóng. Nỗi đau buồn trong tôi bắt đầu được xoa dịu.
Mẹ tôi cảm tạ trời đất vì chúng tôi đã về đến nơi an toàn. Carolyne được tiếp đón nồng hậu và được cảm ơn hết lời. Căn nhà đông người dần lên, Carolyne và tôi cùng nghỉ trên cái giường của ba mẹ tôi. Khi chúng tôi cầu nguyện trước khi đi ngủ xong và khép mắt lại, Carolyne cảm nhận tôi đang rất cần sự có mặt của chồng lúc này và trấn an với tôi rằng anh ấy sẽ sớm đoàn tụ với tôi. Tôi mỉm cười thầm nghĩ, người bạn đặc biệt này đã được gửi đến để chăm lo cho tôi vào lúc tôi cần đến sự hỗ trợ nhất.
Buổi sáng, tôi lái xe đưa bạn ra sân bay. Cô ấy cứ từ chối mọi lời tôi đề nghị được thanh toán chi phí cho chuyến bay của cô. Cô ấy mong tôi nhận lấy món quà tình bạn này.
Khi lái xe trở lại nhà ba mẹ, tôi cảm thấy lòng tràn ngập cảm kích trước sự tốt bụng người phụ nữ này. Cô ấy đã cho tôi một món quà mà gia đình tôi và tôi sẽ chẳng bao giờ quên được.
Đã mười năm trôi qua kể từ ngày ba tôi mất, và ba tôi vẫn tiếp tục dõi theo bước tôi, Carolyne trở thành người bạn thân thiết nhất của tôi. Chúng tôi tiếp tục chia sẻ với nhau tình yêu Thiên Chúa, yêu gia đình và yêu công việc y tá của mình. Có một mối gắn kết và niềm tin tưởng đặc biệt tồn tại giữa hai chúng tôi. Mọi người thường hay hỏi chúng tôi có phải là chị em của nhau không. Có lẽ thế, bởi vì rõ ràng trong tâm trí tôi, cô ấy là gia đình và chị em của tôi trong tình yêu Thiên Chúa.
VIVIA M. PETERSON
Nào, nào, bạn thương yêu
Chúng ta là bạn của nhau trong ánh sáng và trong bóng râm.
Caroline E. S. Norton
Lần đầu tiên tôi gặp Charlotte là trong căn phòng ngủ ọp ẹp của gã độc thân LeRoy Bearman, người yêu của tôi, một anh chàng phóng viên mới vào nghề làm việc cho tờ báo Albuquerque Journal.Charlotte mười chín tuổi, cao dong dỏng, tóc sẫm, người yểu điệu, xuất thân từ một gia đình Do Thái rất phong lưu. Cô ấy đang nói chuyện với cậu em họ của LeRoy, một chàng thanh niên còn cao hơn nhiều, tóc sẫm màu, trông rất nho nhã, vừa mới tốt nghiệp khoa Luật trường Đại học Harvard, rằng cô ấy không dùng nhiều phấn sáp, và những thứ hoàn toàn vớ vẩn như cái đã gây ra sưng tấy ở góc phải môi trên của tôi. Tôi lúc ấy hai mươi hai tuổi, là người Mỹ gốc Ý thuộc thế hệ thứ nhất, người thấp bé, tóc sẫm, đang đi dạy học năm đầu tiên. Vài tháng sau đó,Charlotte và anh chàng ấy, Elvin, bỏ nhà trốn theo nhau, đi hưởng tuần trăng mật ở một nơi nào đó hẳn rất đắt tiền. Sau đó không lâu, LeRoy và tôi kết hôn, và tuần trăng mật của chúng tôi diễn ra ở một thị trấn rẻ tiền ven biên giới Mexico.
Gia đình của Charlotte sống trong một ngôi nhà mơ ước kiểu Mỹ ở vùng ngoại ô, còn gia đình của chồng tôi thì sống trong một ngôi nhà trát vữa trắng của dân lao động. Dù cho cuộc sống của chúng tôi có đối nghịch ra sao,Charlotte và tôi vẫn cuốn hút với nhau. Cô ấy rất thích cá tính khăng khăng giữ ý kiến của mình cùng tài tháo vát của tôi, còn tôi thích mê kiểu phóng khoáng, quảng đại của cô ấy luôn dũng cảm trong bất kỳ tình huống nào. Năm tháng qua dần bên kia nửa đời người và hun đúc cho tình bạn có một không hai của chúng tôi.
"Em sắp có con trai," một ngày nọ cô ấy thông báo qua điện thoại. Chúng tôi lúc này người nào cũng đang là mẹ của hai cô con gái.
"Em có thai à?" Tôi hỏi. "Khi nào đấy?"
"Đêm hôm qua, và em sẽ có con trai," cô ấy trả lời với vẻ chắc chắn. Thằng cu sẽ được sinh vào chín tháng sau.
Một ngày nọ khi cô ấy nói với tôi cô ấy định thuê người phụ làm vườn, tôi hỏi, "Tại sao phải thế?" Tôi cảnh báo: "Họ sẽ lấy của em bao nhiêu tiền để làm một cái bồn hoa bé xíu em có biết không?". Tôi bảo: "Nghe này, kêu một người trông trẻ đến đi. Chị sẽ ghé qua. Chúng ta sẽ đến cửa hàng mua phân bón."
Trong một ngày, chúng tôi dùng xẻng, cuốc và trải lớp đất mùn vùng New Mexico ra, trong đó chúng tôi trồng vào đó cả mớ cúc vạn thọ màu vàng và màu cam. Khi chúng tôi nhìn nhau, người ngập sâu trong màu vàng óng mật ong của hoa, chúng tôi bò lăn ra cười và cảm thấy thương yêu nhau trong tình thân bè bạn.
"Chị biết không chị Isabel," cô ấy lên tiếng, khi cuối cùng chúng tôi đã có thể nín cười, "Ngạn ngữ Do Thái có một câu thế này,một cái cốc bạc dùng để làm gì nếu như nó chứa toàn là nước mắt?Thế thì cái cốc bạc của em dùng để làm gì nếu nó đựng toàn là khóc lóc và chờ đợi? Thì rót rượu vào!"
Tôi dạy cho cô ấy những điều đại loại như gắn chặt những thanh sắt vào tường để treo cây lên, cắt cỏ trên đồi, kỹ thuật làm vườn và kỹ thuật may cơ bản. Cô ấy dạy tôi về tình yêu thương, rằng chúng tôi là một phần của một cộng đồng lớn hơn và những điều hay hay như cắn nhè nhẹ lưỡi mình, để dấu răng lên môi dưới.
Cả hai chúng tôi đều yêu thích chuyện nấu nướng, những cách thức mua đồ, các công thức nấu nướng, và chia sẻ với nhau tất cả những gì mà những người vợ trẻ hay làm, về con cái, về mối quan hệ vợ chồng. Cô ấy chuyền gạch cho tôi trong lúc tôi xây một bức tường gạch ngoằn ngoèo ngăn cách hiên nhà tôi với cái sân. Chúng tôi cười giỡn trêu chọc nhau khi tôi tô xi măng lên tường dòng chữ:Isabel đã xây bức tường này. LeRoy Bearman chẳng giúp được gì.
"Chị đã cắt cái băng ghế ngồi chơi dã ngoại ra làm hai rồi!" Tôi hét lên trong điện thoại.
Vừa mới học xong lớp học làm mộc, tôi cầm cái cưa đĩa lia một đường lên trên mặt ghế, cái mặt ghế này sẽ là một phần của những cái kệ tủ để giày và để ví. "Em sẽ mua cho chị một cái ghế khác!" Cô ấy báo trước.
"Thôi được rồi," tôi phản đối. "Cám ơn em nhiều, nhưng chị sẽ giữ phân nửa này để nhắc chị nhớ về năng lực của những dụng cụ đầy quyền năng. Nó có thể là các ngón tay của chị đấy."
Sau mười một năm kết hôn, LeRoy, ở độ tuổi chưa đầy bốn mươi hai, bị một cơn nhồi máu cơ tim nặng.Charlotte đã gạt mọi thứ sang một bên và thức suốt đêm với tôi trong đêm đầu tiên ở bệnh viện. Suốt những giờ phút đen tối dài đằng đẵng ấy, cô ấy ngồi chờ tôi bên ngoài phòng giải phẫu ở khu chăm sóc đặc biệt và cứ mỗi nửa giờ tôi được phép vào thăm một lần. LeRoy đã phải dùng đến một quả tim nhân tạo trong tám tiếng đồng hồ, và không có hy vọng sống qua đêm nay.
"Tất cả những gì em đã làm vào cái đêm kinh khủng ấy là nói về những vấn đề của em," nhiều năm sau cô ấy thú nhận như thế, vừa nói vừa nuốt ngược nước mắt vào lòng. "Em xin lỗi. Em quá rối trí. Thứ lỗi cho em vì đã ích kỷ đến thế."
"Charlotte à, em đã làm cho đầu óc của chị lúc ấy thanh thản," tôi nghẹn ngào. "Nếu như lúc ấy em không nói về tất cả những điều bình thường ấy, những chuyện xảy ra hàng ngày như thế, chị không biết mình sẽ làm gì đây."
LeRoy sống được thêm hai tháng đầy đau đớn nữa và rồi từ giã thế giới này vào đêm đầu tiên của lễ Hanukkah. Chính Charlotte và Elvin là người đã đưa tôi về ngôi nhà đầy ắp người của tôi. Cô ấy ngồi yên lặng trên chiếc trường kỷ, ôm mấy đứa con gái vào lòng và bắt đầu nói chuyện khe khẽ với chúng. Tôi và những người phụ nữ khác im lặng làm theo sự dẫn dắt của cô ấy, chúng tôi ngồi và chuyền các con gái của tôi cho nhau, nói với chúng những câu an ủi, vỗ về.
Ba năm sau, chính tại ngôi nhà của Charlotte và Elvin, tôi đã tái giá với một người đàn ông tuyệt vời.
Hai thập niên trôi qua, chúng tôi giờ đây mỗi tháng gặp nhau một lần và cùng nhau dùng bữa xế trong yên ả. Đề tài nói chuyện của chúng tôi từ chuyện tã lót cho đến chuyện mấy cái nếp nhăn. Một tối nọ cô ấy mô tả một khối đau kỳ lạ trong ngực cô ấy, cô ấy cố quên nó đi và tiếp tục kế hoạch thực hiện buổi tiệc mừng sinh nhật lần thứ chín mươi của mẹ chồng.
"Em bị ung thư rồi," không lâu sau đó cô ấy nói với tôi qua điện thoại. "Em không muốn chị nghe thấy ai khác ngoài em thông báo tin này. Em sẽ đến New York để chữa trị."
Lần kế tiếp tôi đến thăm bạn mình, cô ấy bất động và nằm liệt giường. Khi tôi nhìn vào gương mặt xanh rớt chỉ còn mớ tóc lơ thơ, dễ gãy, quanh cái đầu trơ da, tôi cảm thấy thắt nghẹn. Tim tôi bắt đầu vỡ vụn.
Tôi leo lên giường ngồi cạnh cô ấy.
"Em sợ quá," cô ấy thì thầm, đầu tựa vào vai tôi.
"Chị cũng vậy," tôi đáp lời, cố nuốt nỗi buồn thương và khiếp sợ không gì tả xiết. Cả biển nước mắt vẫn đang được nuốt vào lòng. "Nhưng giờ đây chúng ta lại ở bên nhau trong một đống đất mùn!"
"Rót rượu vào ly!" cô ấy rền rĩ.
Chúng tôi bật cười thật to.
Suốt những tháng kế tiếp, hầu như ngày nào tôi cũng đến xoa bóp cho cô ấy, chỉ để được ở bên cô ấy. Chúng tôi gắn kết hai trái tim vào nhau thật chặt, để tôi có được sức mạnh tiếp tục cho đến lúc cô ấy đi được. Gần như tối nào các con và những người bạn gái thân thiết của Charlotte cũng mang tình yêu, nụ cười, cuộc sống, đến tụ tập quanh cô. Tôi mua cả chồng bưu thiếp và mỗi ngày gửi đi một bức, trên đó viết ra tất cả những kỷ niệm của chúng tôi, viết ra những gì tôi không thể nói được thành lời. Bạn tôi, một con người đầy tình yêu thương, sống rất tốt và thật quảng đại, đang sắp từ giã cõi đời ở tuổi năm mươi hai. Một tối nọ, cả gia đình, tính cả chúng tôi, quây quần trong phòng ngủ của Charlotte để dùng bữa tối với nhau trên những cái khay thức ăn mua sẵn. Ngồi bên cạnh cô là Elvin, đầu cũng được cạo trọc cho xứng đôi với vợ. Cô ấy, trung tâm của tất cả trái tim chúng tôi, nằm mỉm cười trên chiếc giường rộng, đầu quấn một chiếc khăn hoa kiểu của người Hồi giáo.
Đấy là lần cuối cùng tôi còn nhìn thấy cô ấy.
Khi Charlotte có vẻ như bình phục, tôi cùng bạn bè đi vài ngày đến Colorado. Nửa tiếng đồng hồ sau khi tôi đi, Elvin gọi điện và cho biết tình hình đã xấu đi. Chẳng nhớ bằng cách nào tôi lên được một chiếc xe buýt màu vàng cũ kỹ, phun khói mù mịt xọc xạch đi quanh theo con đường núi lượn ngoằn ngoèo đến sân bay Denver. Tôi đã năn nỉ để được lên ngồi trên một chiếc xe hai động cơ nhảy rock trong suốt quãng đường, theo đúng nghĩa, qua đỉnh núi, đáp xuống sân bay Albuquerque, tôi bị say xe vì rung lắc kinh khủng.
"Cô ấy mất rồi mẹ ơi," Erica, con gái đầu của tôi nghẹn ngào, chạy bay qua đám hành lý và lao đến tôi. "Cô ấy yêu cầu mẹ hát cho cô ấy."
Thu mình xuống ghế sau, tôi vứt bỏ đôi giày bốt dành để đi bộ đường dài và bộ đồ jean ra rồi mặc vào một chiếc váy mà cô ấy đã mua.
Giáo đường Do Thái đầy nghịt người.
Mình không thể làm được, tôi tự nhủ.
"Chị làm được - chúng ta đã làm như thế cho LeRoy rồi," tiếng cô ấy vang vọng. "Lần này chị em mình sẽ lại cùng nhau vượt qua."
Tôi leo từng bước lên bục, ánh nắng tràn ngập khắp phòng. Tôi bỗng thấy chỉ còn Charlotte và tôi. Tôi nhìn thấy chúng tôi ôm con, rửa hàng bao tháp chén dĩa, nấu ăn cho biết bao nhiêu người, tập cho con ngồi bô và những chú cún đi vệ sinh đúng chỗ, và cảnh chúng tôi ngồi trong đống đất mùn bón cây. Tôi bắt đầu nhớ ra bài "Ánh nắng trên vai tôi", tiếp theo đó là những bài hát Do Thái mà cô ấy đã dạy tôi; thế là tôi đứng đó, nhìn lên ánh sáng của bầu trời và bắt đầu cất tiếng hát.
"Nào, nào,Charlotte yêu quý.Charlotte, em đừng khóc. Nào, nào,Charlotte yêu quý. Chị sẽ yêu em cho đến khi chị chết."
Nhiều năm đã trôi qua. Không có ngày nào trôi qua mà tôi không nhớ đến con đường dẫn đến nhà cô ấy. Không có ngày nào tôi không nhớ đến cô ấy, bởi vì bạn có thể bước sâu trong sự vô vị nhàm chán, nhưng thời gian, tất cả những ngôn từ và cuộc sống trên thế giới này không thể thay thế cho sự hiện diện - sự gần gũi rất đỗi bình thường, sự kề cận của một người thân yêu.
Cách đây ba năm, tại một chốn nhỏ xíu thuộc sở hữu của chúng tôi ở miền Bắc, tôi kéo cả tấn phân bón, đào một cái hố lớn và đặt vào đó cái cây vân sam màu xanh, cao lớn và xinh đẹp nhất của vùng Rocky Mountain mà tôi có thể mang về. Đến giờ là đã ba mùa hè trôi qua, tôi thường ngồi, đầu tì lên cành cây mềm mượt của Charlotte và nhìn chăm chăm vào con suối nhỏ phía trước căn nhà gỗ nho nhỏ của chúng tôi.
"Nào, nào,Charlotte thương yêu," tôi hát. "Chị sẽ yêu em cho đến khi chị chết,... và kể cả sau đó."
"Nào, nào, Isabel thương yêu," cô ấy đáp lời. "Em cũng vậy. Em sẽ sớm gặp lại chị."
ISABEL BEARMAN BUCHER