Tiếng trống trường lại vang lên, lần này hồi trống lâu hơn, dài hơn, ngắt nhịp cũng rõ hơn nữa. Trúc không biết đó là tiếng gì, nhưng thấy mọi người dọn sách vở, Trúc cho rằng đã hết buổi học. Trúc không muốn đi ngang bằng hay về cùng những bạn trong lớp mình, thế nên Trúc thu dọn sách vở hơi lâu một chút.
Khi mọi người có vẻ rời khỏi lớp hết, Trúc mới cúi xuống đất, lượm tờ giấy mà Trúc đã nghiến chân lên để giấu nó đi. Trúc bỏ vào túi áo, nghĩ sẽ đọc nó khi về tới nhà. Trúc đeo cặp lên và đi ra khỏi lớp.
- Thôi mà, trả cho tôi đi... làm ơn mấy bà đừng ghẹo tôi nữa...
Tiếng Chi vọng lên từ nhà để xe, bây giờ trường cũng chỉ còn vài đứa nhóc nghịch ngợm của lớp Trúc. Trúc đứng từ cầu thang tầng 2, có thể nghe rõ được những gì đang diễn ra từ trong nhà để xe...
- Làm sao tụi này phải trả? Bà nhiều tương tư quá nhé, còn đem cả nhật ký đi học ... bà mấy tuổi rồi?
Giọng nói của tụi bạn đáp lại, Trúc không biết đó là tiếng của ai, chỉ biết đó tầm chừng 2 đến 3 người.
- Này Chi, bà yêu ai hay sao mà phải viết nhật ký ngay giữa nhà để xe? Bà đúng là bị điên rồi đấy!
- Trả cho bà này... tụi này không thèm nhé... bọn tôi về trước đây, hẹn mai gặp lại...
Trúc nghe được tiếng đạp chân chống xe đạp, có lẽ hai đến ba người đó đã bỏ đi. Lúc này Trúc mới đi xuống tầng 1, liếc mắt nhìn quanh, chú giúp việc trong nhà vẫn chưa đón Trúc, chắc Trúc còn phải đợi lâu dài. Ở bên Florida, Trúc có một chiếc điện thoại nhỏ, có thể liên lạc với nhà khi cần, nhưng về tới đây gấp quá, chưa kịp chuẩn bị cho Trúc để có thể tiện liên lạc. Trúc đi bộ xung quanh trường, nghĩ bụng lấy bức thư ấy ra đọc...
Từng lời, từng câu nói miệt thị mình, Trúc đọc được hết. Trúc hiểu tiếng việt, Trúc có thể giao tiếp, nhưng Trúc nói dối ba mẹ rằng Trúc không thể giao tiếp với bạn bè, thế nên ba mẹ cũng chỉ biết báo vậy với thầy giáo thôi. Ba mẹ có thường xuyên ở bên cạnh Trúc đâu. Còn cô bạn bị đuổi ra khỏi lớp nữa, không biết trong nét chữ này, nét chữ nào là của cô bạn ấy? Nghĩ tới Trúc lại buồn cười, mấy tuổi rồi còn mang nhật ký đi học, mà còn viết ở ngay nhà để xe nữa. Đúng là đồ ngốc, bạn bè mà đọc được tâm tư thầm kín thì còn gọi gì là nhật ký nữa.
Bị bạn bè trêu ghẹo, khốn khổ lắm mới lấy lại được cuốn nhật ký, Chi không biết vì sao nhưng cô muốn viết cho hết những gì mình cần viết nên cô về muộn hơn mọi người. Chi đạp xe trên con đường đã vắng người do bây giờ đã là buổi trưa, cô lại bắt đầu không kiềm chế được suy nghĩ của mình, liền nhìn thấy dáng cao của Trúc ở bên đường đang cầm một tờ giấy nào đó, đứng đọc một cách chăm chú.
Ban đầu, Chi nghĩ sẽ mặc kệ vậy. Cô không có hứng thú với học sinh chuyển trường cho lắm. Nhưng được cái ngày đầu tiên lớp có bạn mới, bạn ấy ngồi sau Chi, và tình cờ Chi bị phạt ra khỏi lớp. Gom nhiêu đấy lại thì Chi cũng đủ ngượng rồi. Khi đi gần tới đoạn Trúc đang đứng, Chi nhận ra tờ giấy đó vô cùng quen thuộc.
Chính xác là tờ giấy mà Chi đã quẳng xuống đất, đã vo tròn lại và quẳng đi rồi, sao học sinh chuyển trường lại cầm tờ giấy đó? Chi không biết bản thân mình nên làm gì ngay lúc này, nhưng trong bức thư đó, Chi biết có những lời lẽ thô tục mà Chi cũng ngượng khi đọc nữa. Cô... tạt xe vào lề đường... Đọc tới dòng mà bạn trong lớp nói mình bị bệnh tật, Trúc đang nheo lông mày lại. Trúc biết Trúc ghét sinh sống ở Việt Nam là vì lý do này mà. Họ luôn tìm mọi lời lẽ để hạ bệ Trúc dù cho Trúc không làm gì cả. Đang mải nghĩ ngợi, tờ giấy trong tay Trúc bị giật đi.
- Cậu bị điên sao? Sao lại có thói tọc mạch như vậy? - Chi giật lại tờ giấy, giấu ra sau lưng. Rồi to tiếng mắng Trúc.
Chi không biết sao mình lại hành động như vậy, cô chỉ biết cô không thích cho học sinh chuyển trường đọc bức thư này.
- Điên cái gì? Bạn ném nó xuống chân tôi. Tôi lượm được thì tôi đọc. Thế thôi, trả đây!
Trúc tiến tới chỗ Chi. Thân xác Trúc có vẻ lớn hơn Chi do chế độ dinh dưỡng khác nhau. Trông Chi có vẻ gầy và ốm lắm, Trúc thì lại khỏe mạnh, gương mặt hồng hài đầy sức sống. Khi Trúc tiến gần tới, Chi cũng sợ mình bị đánh tới nơi. Nhưng Chi vẫn can đảm không đưa ra tờ giấy thư đó.
- Vậy mà cậu nói dối thầy chủ nhiệm rằng cậu khó giao tiếp sao? Cậu hiểu rõ những gì tôi nói mà... - Chi gân cổ cãi lại. Khó khăn trong giao tiếp theo Chi hiểu có thể là không hiểu được ngôn ngữ địa phương, hoặc không hiểu được cách diễn đạt. Thế nhưng Chi nói mà Trúc hiểu và cãi lại vô cùng lý lẽ.
- Không trả thì đừng trách nhé?
Trúc đổi hướng không đi tới chỗ Chi mà đi tới chỗ xe đạp Chi đang dựng. Trúc đưa chân vào nan hoa, với lời đe dọa. Nếu như Chi không đưa, Trúc có thể đạp méo chiếc nan hoa bánh xe cho Chi dắt bộ về nhà.
- Cậu... cậu quá đáng thế? Đừng chạm vào nó. Đó là của bà tôi!
Chi hét lên và ném tờ giấy vào mặt Trúc, cô không muốn gia đình phải tốn tiền mua xe cho mình. Gia đình cô đủ sống, không dư giả. Thời buổi này, cô không nên làm khó mẹ. Nhưng nhìn hành động của Trúc, Chi tin cậu ta dễ làm thật lắm.
Trúc cúi xuống nhặt tờ giấy lên, nhưng chân vẫn không chịu rời khỏi nan hoa.
- Thêm nữa... bạn viết gì về tôi trong này? Có phải bạn viết ở đây không?
Trúc chỉ vào dòng chữ của Thảo. Chi nhận ra được tên học sinh chuyển trường này nghĩ mình đã tham gia vào cuộc trò chuyện vô bổ ấy. Nhưng không, Chi ước rằng cô đã kịp viết câu chữ gì đó lăng mạ cậu ta trước khi ra khỏi lớp học.
- Tôi chẳng thèm tham gia, tôi không có gì để nói về cậu hết. Thả chân ra để tôi về!
Chi cố gắng nhấc cái chân của Trúc ra khỏi xe mình. Cô ghì hết sức, cố gắng mím môi mím lợi để đẩy chân Trúc ra khỏi xe mình, thế nhưng cậu ta cứ đứng như trời trồng vậy. Chi ngước mắt lên, than vãn với ông trời rằng sao cô lại tạt xe vào lề đường, sao phải đứng đôi co với tên này làm gì. Cô thực sự có ý tốt, không muốn cho học sinh chuyển trường đọc những lời lẽ dễ gây tổn thương ấy, nhưng giờ cô lại bị hành hạ sao? Nghĩ ngợi lung tung, cô mở mắt ra thì thấy một chiếc kẹo đang được dúi vào tay mình.
- Xin lỗi vì nghĩ xấu về bạn, tôi về đây, tôi chưa làm hỏng xe bạn đâu. Đi đường cẩn thận!
Trúc cảm thấy xấu hổ khi tự nhiên bắt nạt người nhỏ bé hơn mình. Không biết nói gì hơn ngoài từ xin lỗi và cũng vì Trúc thấy bóng xe ô tô nhà Trúc đang đợi ở gần đấy.
Thấy Trúc chạy đi sau khi nói lời xin lỗi cùng viên kẹo socola, Chi cảm thấy ngơ ngác. Chi đứng lên, leo lên xe và đạp xe về nhà, trong miệng ngậm viên kẹo ấy một cách ngon miệng. Ít ra tên đó không làm phiền cô. Cách đây 10 phút cô lo sợ học sinh chuyển trường sẽ phá hỏng xe cô, vì cậu ta dễ có thể làm như vậy lắm. Nhà nhiều tiền, cần thiết thì đền...
...
Chi về tới nhà, mẹ đã chuẩn bị mâm cơm sẵn, có lẽ mẹ đã ăn trước và lên giường đi nghỉ để chiều đi làm nữa. Chi cũng nhanh chóng ăn, để nghỉ trưa chiều còn bận làm bài tập.
- Chi ạ, hôm nay cơ quan mẹ có sếp mới!
Mẹ Chi nằm trong nhà nói chuyện với Chi đang cơm ở ngoài nhà. Chi nghe vậy cũng nghĩ bụng xem nên nói gì. Vì vốn dĩ mẹ Chi cũng chẳng mấy khi tâm sự với Chi những chuyện ở cơ quan.
- Dạ. Thì sao ạ? - Chi hỏi chuyện lại. Chi nghĩ bụng, chắc chắn có chuyện gì đó, mẹ mới phải than phiền với mình mà không dám đối mặt như thế.
Mẹ nằm trong giường và tâm sự với Chi một vấn đề mà mẹ chưa bao giờ cho Chi tham gia phán xét.
- Có thể con nên nghỉ lớp học Địa thôi. Mẹ sợ, mẹ mất việc. Lúc đó, là không đủ tiền cho con đi học đâu!
Mẹ Chi nói tiếp.
- Thế còn chị Anh? Chị Anh đang đi học trong Đà Nẵng thì sao mẹ? - Chi giật mình hỏi. Sao hôm nay mẹ báo công ty mẹ có sếp mới, lại báo thêm cả ... mẹ có nguy cơ mất việc?
- Giám đốc mới từ Mỹ về, mẹ nghe nói có con mới chuyển về trường con đấy. Họ nói cần giảm nhân sự. Mẹ cũng không biết mình có nằm trong danh sách đó không. Con nên nghỉ tạm đi, nếu mẹ không mất việc, thì con quay lại đó mà học tiếp...
Nghe mẹ nói, Chi cũng có thể hình dung ra được vị giám đốc đó có quan hệ gì với Trúc rồi. Hóa ra là oan gia như thế này, không những thế, cô còn gây sự với con nhà người ta nữa.
- Vâng, con sẽ tự học được. Trong thời gian này mẹ có nghĩ mẹ nên tìm việc phòng hờ không?
- Có chứ. Mẹ làm tài vụ lâu năm rồi, quen với tính toán, chắc mẹ xin việc kế toán cho một nhà hàng nào đó...
Mẹ Chi nói rồi thở dài. Tiếng thở dài nặng nhọc và vất vả đó, Chi cũng có thể cảm nhận được. Mình đồng lương của mẹ, nuôi cô và nuôi chị Anh, cô không biết mẹ có thể gắng gượng thêm được đến lúc nào, trông mẹ lúc nào cũng kiệt sức, và lộ rõ sự mệt mỏi. Cô chỉ mong 7 năm học trôi qua thật nhanh, để cô có thể giúp đỡ mẹ được phần nào. Học phí đại học của chị Anh đã cao tiền rồi, chưa kể mẹ còn nuôi cô ở đây. Ba có vợ mới, đâu có quan tâm gì tới gia đình này nữa.
- Thôi ăn cơm đi con. Ngủ rồi chiều mà học. Mẹ nghỉ ngơi đây!
Mẹ nói rồi cũng ngủ. Để lại Chi ngồi với khoảng không yên lặng tới lạ thường. Cô cũng thương mẹ lắm. Từ khi bà mất, tiền trợ cấp của bà không còn giúp đỡ phần nào sự khó khăn trong gia đình cô. Vốn là đủ ăn đủ mặc, nhưng giờ mẹ mà mất việc, thì cả nhà đúng là khốn khổ.
Chi ăn miếng cơm cũng không ngon miệng, cô chỉ ăn cho no bụng, cho đủ bữa, lấy sức mà học.
Chi cũng leo lên cái giường nhỏ của mình trên gác xép. Chi nằm nghĩ ngợi rất nhiều điều. Lo sợ cho công việc của mẹ, và nghĩ ngợi đến cụm từ “mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh“. Tên Nhật Minh ấy, chưa bao giờ từ bỏ một cuộc chơi nào trong lớp. Giờ thì lớp có thêm một con nhà đại gia, từ đầu tới chân là đồ hiệu, hàng mắc mỏ. Nghĩ tới Trúc, vị ngọt của viên kẹo socola mà Trúc cho Chi vẫn còn vương lại trong suy nghĩ của Chi. Chi không biết cậu ta có về nói với ba mẹ, rồi ba mẹ cậu ta sẽ cho mẹ Chi lên danh sách bị giảm nhân sự đầu tiên không? Nghĩ rồi Chi tự đập tay vào đầu mình vài cái thật mạnh, cô muốn đập tan cái sự ngu dốt và hồ đồ của mình.
Giờ cô xin phép được rút lại suy nghĩ. Cô từng ước cô đã viết lời chửi rủa vào tờ giấy đó, nhưng giờ cô thấy thật may mắn khi mình không viết gì và cũng không có ý định viết gì vào lúc đó bởi học sinh chuyển trường ngồi ngay sau cô.
Chi mở cuốn nhật ký của mình ra, bắt đầu ngồi đọc những gì hôm nay cô đã miêu tả về Trúc. Cô thấy sự lạ lùng ở cậu ta, và đã viết lách ngay tại nhà xe. Cô đọc đi đọc lại tới 4, 5 lần, vẫn không thấy chán.