Câu Lạc Bộ Dumas

Chương 1: Chương 1: “RƯỢU VANG ANJOU”




Ánh đèn flash hắt lên bức tường bóng cái xác người cứng ngắc treo nơi giá đèn giữa phòng. Do thợ ảnh xoay quanh cái xác để lấy hình cho nên cái bóng tuần tự hắt lên những bức tranh, lên các tủ kính đầy đồ sứ, lên giá sách, lên tấm rèm trên khuôn cửa sổ mở. Bên ngoài trời đang mưa.

Dự thẩm viên[1] lo việc điều tra một người trẻ tuổi. Mái tóc thưa rối bời, khoác áo mưa, bụi nước còn bám đầy trên người và trên đầu y trong khi y đọc cho nhân viên đánh máy đang ngổi trên sofa, máy chữ đặt trên chiếc ghế phía trước. Tiếng rì rầm bàn tán của mấy cảnh sát viên đi lại trong phòng lẫn với tiếng máy chữ gõ nhịp theo giọng đọc đơn điệu của y.

[1] Nguyên văn: magistrate, một chức quan coi việc thi hành luật pháp và thủ tục hành chính ở tòa án địa phương cấp thấp.

“… mặc pyjama, khoác áo choàng ngủ. Chết do treo cổ bằng dây lưng áo choàng. Hai tay bị trói đằng trước bằng cà vạt, chân trái vẫn còn mang một chiếc giày nhẹ đi trong nhà, chân kia để trần…”

Dự thẩm viên đụng vào cái chân mang giày của xác chết khiến cái xác nhè nhẹ, chầm chậm xoay tròn theo sợi dây lụa căng thẳng từ cổ người chết lên tới giá đèn trần. Cái thây chuyển động từ trái qua phải rồi ngược lại, cho đến khi ngừng ở vị trí ban đầu, giống như kim địa bàn đảo quanh cực Bắc. Rồi y xoay mình bước qua một bên tránh viên cảnh sát mang đồng phục đang tìm dấu vân tay trên cái thây. Một bình hoa vỡ nằm trên sàn và một quyển sách để mở ở một trang chi chít những vệt chỉ đỏ đánh dấu. Đó là cuốn Tử tước Bragelonne[2] cũ thuộc loại rẻ tiền bìa bọc vải. Nghiêng mình qua vai người cảnh sát, viên ký tòa liếc nhìn dòng chữ được gạch dưới:

[2] Còn có tên là Mười năm sau nữa, tiểu thuyết của Alexandre Dumas bố, thuộc bộ truyện nhiều tập về lính ngự lâm.

“Bọn chúng lừa dối mình,” hắn thì thầm. “Tất cả đều biết!”

“Ai cũng biết cả,” Porthos ngơ ngác trả lời.

Y cho ghi lại đoạn này và lệnh rằng cuốn sách phải được đưa vào báo cáo. Đoạn y lại gần một người đàn ông cao lớn đứng hút thuốc bên một trong các cửa sổ mở toang.

“Anh nghĩ sao?”

Người cao lớn mặc áo khoác da có đính huy hiệu cảnh sát bên miệng túi. Trước khi trả lời, hắn còn cố rít nốt điếu thuốc rồi chẳng thèm nhìn ném đầu mẩu ngược qua vai ra cửa sổ.

“Nếu thứ đó màu trắng mà lại ở trong một cái chai thì ắt là sữa,” sau cùng hắn trả lời, úp úp mở mở, song không úp úp mở mở quá, khiến viên ký toà không khỏi mỉm cười.

Không giống người cảnh sát, viên ký tòa đứng nhìn ra đường phố chìm trong mưa nặng hạt. Ai đó vừa mở cánh cửa phía bên kia phòng khiến một luồng gió mang theo những hạt mưa tạt vào mặt y.

“Đóng cửa lại,” không buồn quay đầu lại, y ra lệnh. Rồi y nói với viên cảnh sát, “Đôi khi tội giết người được ngụy trang thành tự sát.”

“Và ngược lại,” người kia bình thản tiếp.

“Anh nghĩ gì về hai tay và chiếc cà vạt?”

“Có lúc người ta sợ mình sẽ đổi ý ở phút cuối… Nếu đó là vụ giết người thì hắn đã bị trói quặt tay ra sau.”

“Có gì khác đâu,” viên ký tòa phản đối. “Sợi dây mỏng nhưng chắc. Khi mất chỗ đứng, hắn sẽ chẳng còn cơ may nào, ngay cả khi hai tay vẫn tự do.”

“Cái gì cũng có thể. Ta sẽ biết nhiều hơn khi khám nghiệm tử thi.”

Viên ký tòa ngoảnh nhìn cái xác. Người cảnh sát lấy dấu tay đã đứng lên, tay cầm cuốn sổ.

“Cái trò kinh doanh sách báo này thật là kỳ quái,” y nói.

Người cao lớn nhún vai.

“Tôi đọc không nhiều,” hắn nói, “nhưng Porthos… chẳng phải là một trong đám ấy sao… Athos, Porthos, Aramis và d’Artagnan.” Hắn bấm ngón tay đếm, rồi ngừng lại trầm ngâm, “Thật buồn cười. Tôi cứ tự hỏi vì sao người ta kêu là ba người lính ngự lâm trong khi thực ra họ có bốn người.

Người đọc cần chuẩn bị tinh thần chứng kiến những màn hung hiểm bậc nhất.

E. Sue, NHỮNG BÍ MẬT THÀNH PARIS.

Tên tôi là Boris Balkan, tôi đã từng dịch cuốn Tu viện thành Parme. Ngoài ra tôi cũng biên tập mấy cuốn tiểu thuyết ăn khách thế kỷ 19, các bài báo và phê bình của tôi có mặt trên những tờ báo hay phụ trương khắp châu Âu, tôi còn mở những cua ngắn hạn mùa hè bồi dưỡng người viết nghiệp dư. Chẳng có gì đáng nói, e là vậy. Đặc biệt là những ngày này, khi mà sự tự sát tự ngụy trang thành giết người, những cuốn tiểu thuyết do viên bác sĩ của Roger Ackroyd viết ra, ngoài ra còn có quá nhiều người khăng khăng đòi xuất bản hai trăm trang sách về những xúc cảm huyền hoặc họ từng thể nghiệm khi nhìn vào gương.

Nhưng hãy trở lại câu chuyện.

Lần đầu tôi gặp Lucas Corso là khi gã tới tìm tôi, cắp nách bản thảo Rượu vang Anjou. Corso là một thứ lính đánh thuê trong thế giới sách, chuyên săn lùng sách cho người ta. Làm việc đó có nghĩa là phải có tài ăn nói và chịu bẩn tay. Cũng cần có phản xạ tốt, tính kiên nhẫn, rất nhiều may mắn cùng với trí nhớ phi thường để biết chính xác ở một xó xỉnh bụi bặm nào đó, trong cửa hàng của một lão già nào đó có một quyển sách bị bỏ quên mà nay đáng giá cả một gia tài. Khách hàng của gã ít và chọn lọc: vài mươi nhà buôn sách ở Milan, Paris, London, Barcelona và Lausanne, thuộc loại chuyên bán hàng qua catalô, chỉ bỏ tiền làm những món chắc ăn và không bao giờ có trong tay quá năm chục đầu sách mỗi lần. Những ông trùm buôn sách cổ dùng giấy da dê hoặc da cừu hay loại sách để lề rộng hơn ba xăngtimet đáng giá hàng ngàn đô la mỗi cuốn. Đám dã cẩu thính mũi với các bản Kinh thánh Gutenberg[1], bầy cá mập trong các phiên chợ đồ cổ, loài dơi hút máu trong những buổi đấu giá, những kẻ sẵn lòng đổi cả ông bà mình để lấy một bản in đầu tiên. Nhưng họ tiếp khách hàng trong những căn phòng có sofa da nhìn ra Duomo[2] hay hồ Constance, và chẳng bao giờ để bàn tay – hay lương tâm mình – lấm bùn. Ấy là những khách hàng của Corso.

[1] Kinh thánh Gutenberg được xem như cuốn sách in đầu tiên ở châu Âu.

[2] Duomo: tiếng Ý nghĩa là Giáo đường. Tòa giáo đường nổi tiếng nhất là Duomo di Milan theo phong cách gô tích, được xây dựng trong vòng năm thế kỷ và là giáo đường lớn thứ tư trên thế giới.

Gã tháo cái túi vải buồm sờn rách trên vai đặt xuống sàn, nhìn chằm chặp vào chân dung Rafael Sabatini[3] trong khung ảnh trên bàn, bên cạnh cây bút máy tôi vẫn dùng để chữa bài và bản in thử. Tôi thấy vui vui, bởi hầu hết khách đến đều chẳng mấy để ý tới Sabatini, coi ông như một người họ hàng lớn tuổi. Tôi đợi phản ứng của Corso. Gã ngồi xuống rồi nở nụ cười nụ miệng, vẻ mặt trẻ trung, như một con thỏ hoạt hình tông vào ngõ cụt. Kiểu nhìn lôi kéo người nghe ngay lập tức. Đến lúc nào đó tôi nhận ra rằng gã có thể cười như một con sói hung ác, và gã biết chọn kiểu cười phù hợp với hoàn cảnh. Nhưng đó là chuyện khá lâu sau này. Hiện giờ gã có vẻ đáng tin cậy, vậy nên tôi quyết định thử tung ra một viên đá dò đường.

[3] Rafael Sabatini (1875-1950): nhà văn Anh-Ý nổi tiếng với những tiểu thuyết phiêu lưu lãng mạn. Tác phẩm tiêu biểu: Thuyền trưởng Blood, Scaramouche, The Sea Hawk.

“Từ lúc mới ra đời anh ta đã được nụ cười ban phước,” Tôi xổ ra một câu trích dẫn, trỏ bức chân dung: “… và với cảm giác là thế giới điên rồ…”

Corso chậm rãi và thận trọng gật đầu. Tôi cảm giác mình rất có thể thành đồng lõa với gã, mặc dù toàn bộ câu chuyện mãi về sau mới xảy ra, tới giờ tôi vẫn cảm thấy thế. Gã moi từ trong một cái gói bí mật ra điếu thuốc lá không đầu lọc cũng nhàu nát như cái áo khoác cũ kỹ và cái quần nhung tăm gã mặc. Vân vê điếu thuốc trên tay, gã nhìn tôi qua cặp kính gọng thép nằm cẩu thả trên mũi phía trước mái tóc rối bời cắt ngang trán đã ngả xám. Bàn tay kia thọc vào một trong mấy túi áo như đang ngầm giữ một khẩu súng, cái túi to tướng bị biến dạng bởi những quyển sách, catalô, giấy tờ và, như tôi biết sau này, một chai đầy rượu gin Bols.

“… và đây là toàn bộ di sản thừa kế của ông ta.” Gã dễ dàng hoàn thành tất đoạn trích, sau đó sửa lại thế ngồi trên chiếc ghế dựa và lại mỉm cười. “Nhưng nói thực, tôi thích Thuyền trưởng Blood hơn.”

Tôi lạnh lùng giơ cao chiếc bút máy. “Ông lầm rồi. Scaramouche với Sabatini cũng giống như Ba người lính ngự lâm đối với Dumas.” Tôi thoáng khom người trước bức chân dung. “ ‘Từ lúc mới ra đời anh ra đã được nụ cười ban phước…’ Trong toàn bộ các câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm không kiếm đâu ra đoạn mở đầu nào hay như thế.”

“Có lẽ đúng thế,” Corso thừa nhận sau một thoáng suy nghĩ. Rồi gã đặt tập bản thảo viết tay cất trong một cái kẹp giấy – có túi nhựa bảo vệ từng trang một – lên bàn. “Quả là trùng hợp khi ông đề cập tới Dumas.”

Gã xoay kẹp giấy lại đẩy về phía trước để tôi có thể đọc được nội dung. Bản thảo bằng tiếng Pháp, viết trên một mặt giấy. Có hai loại giấy đều đã phai màu theo thời gian: một loại trắng, một loại nữa màu xanh dương nhạt kẻ ô sáng màu. Kiểu chữ trên mỗi loại giấy không giống nhau – trên giấy trắng chữ nhỏ và sắc nét hơn. Kiểu chữ viết trên giấy xanh bằng mực đen cũng xuất hiện trên giấy trắng nhưng chỉ ở phần chú giải. Tất cả mười lăm tờ, trong đó mười một tờ màu xanh.

“Đáng chú ý đấy.” Tôi ngẩng nhìn Corso, gã cũng đang nhìn tôi, ánh mắt lặng lẽ di chuyển từ tệp giấy sang tôi, rồi ngược lại. “Ông tìm được nó ở đâu?”

Gã gãi lông mày, hẳn đang tính xem có nên cung cấp những chi tiết như vậy để đổi lấy những thông tin gã cần hay không. Kết quả là một vẻ mặt thứ ba xuất hiện, lần này là một con thỏ thơ ngây. Quả là chuyên nghiệp.

“Quanh đây. Qua khách hàng của một khách hàng,”

“Hiểu rồi.”

Gã ngừng một chút, vẻ thận trọng. Thận trọng là dấu hiệu của sự cẩn thận và dè dặt, nhưng cũng là dấu hiệu của sự khôn ngoan. Cả hai chúng tôi đều biết điều đó.

“Dĩ nhiên,” gã thêm. “Tôi sẽ cho ông những cái tên nếu ông cần.”

Tôi trả lời rằng chuyện đó cũng không cần thiết, điều này có vẻ khiến gã an tâm hơn. Gã sửa lại cặp kính trước khi hỏi ý kiến của tôi về bản thảo. Không trả lời ngay, tôi liếc lại trang đầu tiên. Tựa đề được viết hoa nét đậm: LE VIN D’ANJOU.

Tôi đọc to mấy dòng đầu tiên: “Après de nouvelles Presque désespérées du roi, le bruit de sa convalescence commencait à se répandre dans le camp… Sau những tin tức hầu như tuyệt vọng về nhà vua, lời đồn về sự hồi phục của ngài bắt đầu lan truyền trong doanh trại…” Tôi không ngăn được nụ cười.

Corso tỏ vẻ tán thành, yêu cầu tôi cho ý kiến.

“Không nghi ngờ gì,” tôi đáp, “đây là Rượu vang Anjou, chương thứ bốn mươi mấy gì đó trong Ba người lính ngự lâm của Alexandre Dumas bố. Hình như thế.”

“Bốn mươi hai,” Corso khẳng định. “Chương bốn mươi hai.”

“Đây là thứ thiệt chứ? Bản thảo gốc của Dumas à?”

“Đó là lý do tôi có mặt ở đây. Tôi muốn ông cho tôi biết.”

Tôi khẽ nhún vai tỏ vẻ không hào hứng gì.

“Sao lại là tôi?”

Đó là một câu hỏi vu vơ chỉ có tác dụng hoãn binh, dường như không được nhũn nhặn lắm, bởi gã có vẻ mất kiên nhẫn.

“Ông là chuyên gia,” gã đáp lại khô khốc. “Với tư cách nhà phê bình văn học có ảnh hưởng nhất xứ Tây Ban Nha, ông biết mọi thứ cần biết về các cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế kỷ mười chín.”

“Ông quên mất Stendhal.”

“Không hề. Tôi đọc cuốn Tu viện thành Parme do ông dịch rồi.”

“Thật ư. Rất vinh hạnh.”

“Đừng như thế. Tôi thích bản dịch của Consuelo Berges hơn.”

Chúng tôi cùng cười. Tôi tiếp tục thấy gã dễ thương, và bắt đầu hình dung được con người gã.

“Ông có biết cuốn sách nào của tôi không?” tôi hỏi.

“Vài cuốn Lupin, Raffles, Rocambole, Holmes chẳng hạn. Những nghiên cứu của ông về Vanlle-Inclan, Baroja và Galdos, cũng như cuốn Dumas: Cái bóng người khổng lồ. Cả bài tiểu luận của ông về Bá tước Monte Cristo.”

“Ông đã đọc tất cả những thứ đó ư?”

“Không. Tôi làm về sách không có nghĩa là tôi phải đọc chúng.”

Gã nói dối. Hoặc ít nhất là đang cường điệu. Người này thật chu đáo: trước khi tới gặp tôi, gã đã coi hết mọi thứ có thể có trong tay về tôi. Gã thuộc loại độc giả ép mình đọc ngấu nghiến bất kỳ ấn phẩm nào từ lúc còn trẻ trung và ngây thơ – mặc dù tuổi trẻ của Corso rất khó đi cùng với từ “ngây thơ”.

“Tôi hiểu,” tôi trả lời, cũng chỉ để cho có.

Gã thoáng cau mày, phân vân không biết có phải mình quên mất điều gì đó không. Rồi gã bỏ kính ra, hà hơi lên mắt kính và bắt đầu lau sạch bằng cái khăn tay nhàu nát moi từ cái túi áo choàng không đáy. Cái áo choàng ngoại cỡ khiến gã nom có vẻ gầy yếu, song, với vẻ điềm đạm cùng bộ răng của loài gặm nhấm, kỳ thực Corso rắn chắc như một khối bê tông. Khuôn mặt sắc nét và rõ ràng, đầy góc cạnh, cặp mắt lanh lợi luôn luôn tỏ vẻ ngây thơ thường trực, ngây thơ song nguy hiểm cho bất cứ người nào lọt vào tầm ngắm. Đôi khi, đặc biệt là lúc yên lặng, gã có vẻ chậm chạp và vụng về hơn thực tế. Trông gã yếu ớt và không đủ sức tự vệ: bồi bàn cho gã thêm đồ uống, đàn ông cho thuốc lá, còn đàn bà lập tức chấp nhận gã. Đến khi chuyện xảy ra rồi thì đã quá muộn, gã cao chạy xa bay sau khi ghi thêm một bàn thắng.

Corso giơ kính trỏ tập bản thảo, “Trở lại với Dumas. Chắc hẳn một người từng viết năm trăm trang về ông ta thì phải cảm thấy gì đó quen thuộc khi đối mặt với bản thảo gốc của ông ta chứ.”

Sùng kính như vị linh mục nâng chiếc áo tế thiêng liêng, tôi đặt bàn tay lên những trang giấy trong túi nhựa bảo vệ.

“Tôi e là sẽ khiến ông thất vọng, nhưng tôi không cảm thấy gì cả.”

Cả hai đều cười, Corso có cái cười kỳ dị, gần như đang thì thầm, giống như ai đó không chắc chắn có phải mình và người đối thoại đang cười cùng một chuyện hay không. Một nụ cười vẹo vọ, xa xăm ẩn ước vẻ xấc xược, kiểu cười để lại tàn dư trong không khí sau khi chấm dứt. Ngay cả khi chủ nhân của nó đã bỏ đi.

“Ta hãy đi lần lượt từng bước,” tôi tiếp tục. “Bản thảo này thuộc về ông?”

“Tôi đã nói không phải. Một khách hàng của tôi kiếm được, anh ta lấy làm lạ là cho đến giờ không ai biết gì về bản thảo gốc hoàn chỉnh chương này của bộ Ba người lính ngự lâm… Anh ta muốn nó được một chuyên gia xác nhận, đó chính là việc tôi đang làm.”

“Thật lạ là ông lại có thời gian làm việc lặt vặt như thế.” Đó là sự thực. Tôi đã nghe nói về Corso trước cuộc gặp này. “Ý tôi là, dù sao bây giờ Dumas…”

Tôi bỏ lửng câu nói và cười với vẻ chua sót của người cùng cảnh ngộ. Nhưng Corso không hề bị lôi cuốn và vẫn đề phòng. “Một người bạn của khách hàng chỗ tôi,” gã thẳng thừng. “Đó là do sở thích cá nhân.”

“Tôi biết, nhưng không chắc tôi giúp gì được cho ông. Tôi đã xem qua một số bản thảo gốc, và đây có thể là đồ thực. Nhưng chứng thức nó lại là vấn đề khác. Để làm việc đó ông cần một nhà giám định chữ viết giỏi… Tôi biết một người như thế ở Paris tên là Achille Replinger. Anh ta có một cửa hàng chuyên về bản thảo chép tay và tư liệu lịch sử ở gần Saint Germain des Prés. Đó là một chuyên gia về các nhà văn Pháp thế kỷ mười chín, một người thú vị và là bạn tốt của tôi.” Tôi trỏ một cái khung treo trên tường. “Anh ta đã bán cho tôi bức thư kia của Balzac nhiều năm trước với giá cắt cổ.”

Tôi lấy cuốn sổ, chép lại địa chỉ bên một tấm các đưa cho Corso. Gã nhét nó vào cái ví da nhàu nát chứa giấy tờ đủ loại. Sau đó moi từ túi áo khoác ra tập giấy ghi chép và một cây bút chì với cục tẩy bị gặm nham nhở ở đuôi, y như cây bút của một thằng nhóc học trò.

“Có thể hỏi ông mấy câu không?” gã hỏi.

“Tất nhiên.”

“Ông biết có bản chép tay một chương hoàn chỉnh nào của Ba người lính ngự lâm không?”

Tôi lắc đầu rồi đậy nắp cây bút Mont Blanc lại.

“Không. Bộ truyện này ra theo kỳ trên tờ Le Siècle trong khoảng từ tháng Ba đến tháng Bảy năm 1844… Sau khi thợ sắp chữ làm xong, bản gốc liền bị vứt bỏ. Tuy nhiên cũng còn vài đoạn sót lại. Ông có thể tìm thấy chúng trong phần phụ lục cuốn sách xuất bản năm 1968 của nhà Garnier.”

“Bốn tháng không phải là quá lâu.” Corso gặm chuôi bút chì với vẻ suy tư. “Dumas viết nhanh thật.

“Thời ấy họ thế hết, Stendhal viết Tu viện thành Parme chỉ trong bảy tuần lễ. Và trong mọi trường hợp Dumas đều có người cộng tác. Một người tên là Auguste Maquet làm cho ông trong Ba người lính ngự lâm. Hai người làm việc với nhau trong cuốn tiếp theo, Hai mươi năm sau, rồi kết thúc loạt truyện với cuốn Tử tước Bragelonne. Họ còn tiếp tục hợp tác trong Bá tước Monte Cristo và một vài cuốn khác. Tôi nghĩ là ông biết chuyện đó.”

“Tất nhiên. Mọi người đều biết.”

“Chắc ông muốn nói những ngày trước.” Tôi thận trọng đọc lướt qua bản thảo. “Đã qua rồi cái thời mà tên tuổi Dumas khiến số bản in tăng vọt và làm giàu cho các nhà xuất bản. Hầu hết các tiểu thuyết của ông ra theo kỳ và kết thúc với hai chữ ‘Còn tiếp…’ Độc giả ruột nóng như lửa đốt đến tận kỳ tiếp. Nhưng hẳn nhiên ông biết cả.”

“Đừng bận lòng. Tiếp đi.”

“Còn gì để nói tiếp đây? Trong những truyện nhiều kỳ cổ điển, công thức thành công thật giản dị: Người hùng nam hay nữ có những phẩm chất hay tính cách khiến cho độc giả đồng cảm với họ. Nếu chuyện đó bây giờ chỉ còn trong các phim truyền hình nhiều tập, hãy hình dung tác động của nó đối với tầng lớp trung lưu luôn khát khao các trò kích động và giải khuây, chẳng cần phân biệt thị hiếu này thị hiếu kia, chẳng cần biết hay hay dở, ở cái thời không có ti vi hay radio… Dumas là một thiên tài, ông ấy hiểu điều này. Giống như nhà giả kim thuật trong phòng thí nghiệm, ông thêm vào một chút thứ này, một chút thứ nọ, và bằng tài năng của mình tạo ra một thứ ma túy hấp dẫn vô số con nghiện.” Tôi vỗ ngực, không khỏi có chút hãnh diện. “Thậm chí càng ngày càng nhiều.”

Corso ngồi ghi chép. Rành mạch, bất chấp đạo đức và nguy hiểm như một con rắn đen châu Phi, sau này một người quen gã mô tả như vậy khi cái tên gã được nhắc tới trong câu chuyện. Gã thường nhìn người đối diện chằm chặp qua cặp kính vẹo vọ và thong thả gật đầu đồng tình với nét mặt thích hợp, đầy ý nghĩa nhưng đáng ngờ, giống như một ả gái điếm ngồi nghe bài thơ trữ tình một cách bao dung. Như thể sẵn lòng cho đối phương một cơ hội sửa sai trước khi quá muộn.

Lát sau, gã ngừng lại rồi ngẩng đầu lên. “Nhưng không phải ông chỉ viết tiểu thuyết ăn khách. Ông là một nhà phê bình văn học có tiếng trên những lĩnh vực khác…” gã ngập ngừng, tìm từ, “… nghiêm túc hơn. Bản thân Dumas chỉ coi những tiểu thuyết của mình như là thứ văn chương dễ dãi. Có phần nào thiếu tôn trọng độc giả.”

Đây là chiến thuật quen thuộc của gã. Một trong những nét đặc trưng của gã, giống như Rocambole chìa ra một quân bài thay vì tấm danh thiếp. Corso có thể phát biểu một câu rất bâng quơ, hồ như chẳng có ý gì, nhưng lại ngấm ngầm kích thích người đối thoại. Trong khi tranh luận, nếu anh xúc động, anh sẽ cung cấp nhiều thông tin hơn cho đối phương. Tôi không ngốc và tôi biết Corso muốn gì, nhưng ngay cả vậy tôi vẫn cảm thấy bị kích động.

“Đừng, cứng nhắc thế,” tôi đáp. “Thể loại truyện nhiều kỳ có rất nhiều món chỉ ăn được một lần, nhưng Dumas vượt xa tất cả. Trong văn học, thời gian giống như một vụ đắm tàu theo ý Chúa[4]. Tôi thách ông chỉ đích danh một vị anh hùng tưởng tượng nào mà lại sống sót mạnh khỏe như d’Artagnan và các bạn anh ta đấy. Sherlock Holmes có lẽ là một ngoại lệ. Đúng, Ba người lính ngự lâm là điển hình của tiểu thuyết phiêu lưu lãng mạn đầy rẫy những lời lẽ khoa trương và tội ác đủ loại. Nhưng nó cũng là một ví dụ nổi bật về thể loại truyện nhiều kỳ, và ở trình độ cao hơn hẳn. Một truyền thuyết về tình bạn và những cuộc phiêu lưu vẫn còn tươi rói ngay cả khi thị hiếu đã đổi thay, ngay cả khi có mặt cái xu hướng ngu ngốc xem thường hành động trong tiểu thuyết như hiện giờ. Có vẻ như từ Joyce ta đã phải miễn cưỡng thừa nhận Molly Bloom[5] mà bỏ lại nàng Nausicaa[6] xinh đẹp trên bờ biển sau vụ đắm tàu… Ông đã đọc bài tiểu luận ‘Ngày thứ Sáu hay là chiếc la bàn của con tàu’ tôi viết chưa? Hãy cho tôi Ulysses của Homer bất cứ lúc nào.”

[4] Vụ đắm tàu: ở đây nhắc đến vụ đắm tàu của Ulysses trên đường về quê hương sau cuộc chiến thành Troie.

[5] Molly Bloom: nhân vật trong tiểu thuyết Ulysses của James Joyce, nhà văn, nhà thơ Ireland (1882-1941).

[6] Nausicaa: nhân vật trong trường ca Odyssée của Homer, con gái Vua Alcinous và Hoàng hậu Arete xứ Phaeacia, từng giúp đỡ Ulysses sau vụ đắm tàu.

Tôi nhấn mạnh vào đó rồi đợi phản ứng của Corso. Gã lặng lẽ cười nhạt, nhưng, nhớ đến biểu hiện của gã khi tôi đề cập đến Scaramouche, tôi cho rằng mình đã đi đúng hướng.

“Tôi biết ông ám chỉ điều gì,” sau cùng gã nói. “Quan niệm của ông được nhiều người để ý và gây tranh cãi, thưa ông Balkan.”

“Đó là vì chính tôi đã từng thể nghiệm nó. Còn về chuyện khinh thường độc giả, như ông khẳng định vừa rồi, có lẽ ông không biết rằng tác giả Ba người lính ngự lâm đã chiến đấu trên đường phố trong thời cách mạng 1830 và 1848. Và chính ông đã cung cấp vũ khí mua bằng tiền túi của mình cho Garibaldi. Đừng quên rằng cha Dumas là một vị tướng nổi danh của nền cộng hòa… Một người thiết tha yêu tự do và nhân loại.”

“Mặc dù ông ta chỉ tôn trọng sự thật một cách tương đối.”

“Điều đó không quan trọng. Ông biết ông ấy trả lời thế nào những người buộc tội mình cưỡng hiếp lịch sử không? ‘Đúng, tôi cưỡng hiếp lịch sử, nhưng để cho ra đời những đứa trẻ tuyệt với.’ ”

Tôi đặt bút xuống, đi tới dãy tủ kính ken đầy sách phủ kín cả bức tường trong phòng làm việc, lấy ra một tập sách bằng da sẫm màu.

“Như tất cả những nhà kể chuyện ngụ ngôn vĩ đại,” tôi tiếp tục, “Dumas chẳng cần sự thực. Bá tước Dash, một người biết ông rất rõ, viết trong hồi ký rằng bất kỳ một giai thoại hoang đường nào qua tác phẩm của ông cũng được đón nhận như một sự thật lịch sử. Hồng y giáo chủ Richelieu chẳng hạn, là người vĩ đại nhất thời bấy giờ, nhưng một khi ngài Dumas phản phúc đã nhúng tay vào thì chỉ còn lại hình ảnh một con người hung ác xảo trá là lưu lại cho chúng ta mà thôi…” Tôi quay lại phía Corso, tay cầm cuốn sách. “Ông biết cuốn này chứ? Tác giả Gatien de Courtilz de Sandras là một lính ngự lâm sống vào cuối thế kỷ mười bảy. Đó là hồi ký của d’Artagnan thật, Charles de Batz-Castelmore, công tước d’Artagnan. Người này là dân Gascogne, sinh năm 1615 và đúng là một lính ngự lâm, mặc dù ông ta sống dưới thời Hồng y Mazarin chứ không phải Richelieu. Ông ta chết năm 1673 trong chiến dịch bao vây Maastricht vào thời điểm mà, giống như huyền thoại cùng tên, ông ta sắp trở thành Thống chế nước Pháp… Ông thấy đấy, hành động cưỡng hiếp của Dumas quả tình đã sinh ra đứa nhỏ xinh đẹp làm sao, một gã Gascogne bằng xương bằng thịt không ai biết tới, bị lịch sử bỏ rơi, nhờ ngòi bút thiên tài của nhà văn mà đã trở thành một huyền thoại phi thường.”

Corso ngồi nghe. Cầm lấy cuốn sách, gã cẩn thận đọc lướt đầy hứng thú. Mấy đầu ngón tay khẽ khàng lật từng trang sách. Đôi khi gã chững lại ở một cái tên hay một đầu chương. Đôi mắt đằng sau cặp kính linh hoạt và tự tin. Chỉ có một lần, gã ngừng lại để ghi vào sổ: “Hồi ký của ngài d’Artagnan, G. de Courtilz. 1704, P. Rouge, 4 tập, khổ 12 mo[7], xuất bản lần thứ tư.” Sau đó gã gập sổ lại rồi nhìn tôi.

[7] mo, vo, folio, recto, quarto…: các chuẩn quốc tế về kích cỡ sách.

“Ông nói ông ta là một kẻ bịa chuyện.”

“Phải,” tôi đáp rồi lại ngồi xuống. “Nhưng là kẻ bịa chuyện thiên tài. Trong khi một số người chỉ biết ăn cắp ý tưởng thì ông ta lại tạo ra một thế giới tồn tại mãi đến nay… ‘không phải ăn cắp mà là chế ngự’ ông thường nói vậy. ‘Mỗi lãnh địa ông chiếm được liền được sáp nhập vào đế quốc của mình: Ông đặt ra luật lệ, đưa dân tới định cư với lễ nhạc và nghị lực, cái bóng khổng lồ của ông trùm lên toàn cõi. Thử hỏi đó còn là thứ gì khác ngoài sáng tạo văn chương? Với Dumas, lịch sử nước Pháp là một nguồn tài nguyên dồi dào. Và thủ đoạn của ông thật siêu phàm: Ông thay bức tranh nhưng vẫn để nguyên cái khung, vắt kiệt kho báu được dâng tặng cho mình. Ông đổi vai chính thành vai phụ, biến kẻ tầm thường thành nhân vật chủ đạo, rồi ông tạo ra sự kiện từ những chi tiết chỉ chiếm đôi dòng trong Biên niên sử. Hiệp ước bè bạn giữa d’Artagnan và các bạn chưa bao giờ tồn tại, lý do là một nửa trong số họ chẳng hề biết những người kia. Không có cả Công tước de la Fère. Hoặc đúng hơn là có vài người trong số họ, dù rằng không có ai tên Athos. Nhưng Athos quả thật tồn tại. Đó là Armand de Sillegue, Huân tước Athos, chết trong một cuộc đọ kiếm trước khi d’Artagnan trở thành lính ngự lâm của nhà vua. Aramis là Henri d’Artamitz, một điền chủ và là thầy tu dân dã làm quản gia ở Oloron, được nhận vào lính ngự lâm nhờ sự thỉnh cầu của ông chú vào năm 1640. Anh ta chết tại điền trang của mình, có vợ và bốn đứa con. Còn về Porthos…”

“Đừng nói với tôi là cũng có một Porthos nhé.”

“Có chứ. Tên anh ta là Isaas de Portau và hẳn là có quen biết Aramis, bởi vì anh ta tham gia ngự lâm quân chỉ sau anh này có ba năm, năm 1643. Theo Biên niên sử, anh ta chết yểu vì bệnh dịch trong thời chiến, hoặc cũng có thể trong một cuộc quyết đấu như Athos.”

Corso gõ gõ ngón tay lên cuốn Hồi ký của d’Artagnan và lắc đầu mỉm cười. “Giờ thì chắc ông nói với tôi là có một Miladdy.”

“Chính xác. Nhưng tên bà ta không phải là Anne de Breuil, cũng chẳng phải nữ Công tước De Winter. Cũng không có hình xăm hoa huệ trên vai. Nhưng đúng là mật vụ của Richelieu. Bà ta là nữ Bá tước Carlisle và từng nẫng mất hai viên kim cương của Công tước Buckingham… Đừng nhìn tôi thế. Tất cả là từ hồi ký của La Rochefoucauld. Và La Rochefoucauld là người rất đáng kính.”

Corso nhìn tôi chằm chằm. Gã là người không dễ ngạc nhiên, đặc biệt khi nói đến sách, nhưng lần này gã có vẻ xúc động. Về sau, khi hiểu gã hơn, tôi tự hỏi không biết vẻ ngạc nhiên của gã là thật hay chỉ là một mánh lới nghề nghiệp. Bây giờ khi mọi chuyện đã qua, tôi nghĩ tôi hiểu: Tôi là thêm một nguồn tin nữa và gã đang cố moi được ở tôi càng nhiều càng tốt.

“Tất cả những điều này rất thú vị,” gã nói.

“Nếu ông tới Paris, Replinger có thể cho ông biết nhiều hơn tôi.” Tôi nhìn bản thảo trên bàn. “Tuy nhiên, tôi không chắc những thứ đó đáng tiền hơn cái giá trị của chuyến đi… Chương này bán được bao nhiêu trên thị trường?”

Gã lại tiếp tục gặm cây bút chì và có vẻ nghi ngờ. “Không nhiều lắm. Thực ra tôi đang theo đuổi thứ khác.”

Tôi cười buồn. Trong số tài sản của tôi, có một bản Don Quijote của nhà Ibarra và một chiếc Volkswagen. Tất nhiên cái xe giá trị hơn quyển sách.

“Tôi hiểu ông muốn nói gì,” tôi nhiệt tình đáp.

Corso phác một cử chỉ ra ý bỏ qua, nhe hàm răng chuột cười chua chát. “Trừ phi người Nhật chán Van Gogh và Picasso, quay sang đầu tư vào những cuốn sách hiếm,” gã nói.

Tôi nhún vai: “Chúa sẽ giúp chúng ta nếu chuyện đó xảy ra.”

“Nói riêng với ông thôi nhé,” gã nhìn tôi nhạo báng qua cặp kính cong queo, “tôi định kiếm một món lớn.”

Gã cất cuốn sổ đi rồi đứng dậy, quàng dây đeo cái túi vải buồm qua vai. Tôi không khỏi ngạc nhiên về gương mặt làm bộ thản nhiên của gã với cái kính gọng thép nằm hững hờ trên mũi. Sau này tôi biết rằng gã sống một mình, xung quanh chỉ toàn sách, của gã và của người khác, và vừa là một người săn lùng sách, gã vừa là một chuyên gia về các trận đánh của Napoléon. Gã có thể sắp xếp trên một tấm bảng hoàn toàn theo trí nhớ của mình vị trí chính xác của các đạo quân trong đêm xảy ra trận Waterloo. Đó là một chi tiết riêng tư hơi lạ lùng mãi về sau tôi mới biết. Phải thừa nhận là theo sự mô tả này thì Corso không mấy quyến rũ. Đúng ra còn phải bổ sung thêm vào cái vẻ ngoài coi bộ rất vụng về của gã, cái vẻ vụng về mà tôi không biết bằng cách nào cùng một lúc lại có thể vừa dễ tổn thương vừa cay độc, vừa ngây thơ vừa hiếu chiến, khiến gã trở nên quyến rũ đối với đàn bà và khả ái với đàn ông. Nhưng cảm giác tốt đẹp mau chóng tiêu tan khi bạn sờ túi và phát hiện ví tiền không còn nữa.

Corso lấy lại tập bản thảo. Tôi tiễn gã ra ngoài rồi chia tay gã ở hành lang, nơi có những chân dung mộc mạc của Stendhal, Conrad và Valle-Inclan in rất xấu mà hội những người thuê nhà quyết định treo ở đầu cầu thang mấy tháng trước, chuyện này đã khiến tôi mất hứng.

Chỉ đến lúc đó tôi mới mạnh dạn nói với gã, “Tôi phải thú thực là rất muốn biết ông tìm được nó ở đâu.”

Corso lưỡng lự hồi lâu. Tôi đã tiếp đãi gã với thái độ thân thiện, gã nợ tôi điều đó. Mà cũng có thể gã còn cần tôi.

“Có lẽ ông biết hắn,” sau cùng gã trả lời. “Khách hàng của tôi mua bản thảo bày từ một tay Taillefer nào đó.”

Tôi cho phép mình biểu lộ một vẻ ngạc nhiên vừa đủ. “Enrique Taillefer? Làm nghề xuất bản?”

Gã cẩn thận quan sát hành lang vắng lặng, rồi mới gật đầu. “Đúng vậy.”

Cả hai cùng im lặng. Corso nhún vai, và tôi hiểu vì sao. Lý do có thể tìm thấy trên bất kỳ tờ báo nào: Enrique Taillefer chết tuần trước. Người ta thấy hắn chết treo trong nhà mình, cái dây lưng áo ngủ bằng lụa tròng quanh cổ, bàn chân đu đưa trong khoảng không, bên trên cuốn sách mở tung và chiếc bình hoa bằng sứ vỡ vụn.

Không lâu sau, khi mọi cái đã qua đi, Corso đồng ý kể cho tôi phần còn lại của câu chuyện. Nhờ vậy lúc này tôi có thể cung cấp một bức tranh chính xác về chuỗi sự kiện mà tôi không được chứng kiến, những sự kiện dẫn tới kết cục định mệnh và lời giải về bí mật xung quanh Câu lạc bộ Dumas. Nhờ có những điều Corso cho biết mà bây giờ, giống như bác sĩ Watson, tôi có thể thuật lại màn kịch tiếp theo xảy ra trong quán bar của Makarova một giờ sau khi chúng tôi gặp nhau.

Flavio La Ponte rũ nước mưa trên mình, ngả người trên quầy về phía Corso, vừa thở vừa kêu một bia. Đoạn hắn nhìn ra phố, hung hăng song đắc ý, cứ như vừa thoát ra khỏi một phát súng bắn tỉa. Cơn mưa thật khủng khiếp.

“Công ty Armengol & Sons, Antiquarian Books and Bibliographical Curiosities định đưa anh ra tòa,” hắn nói, một vệt bọt bia bám vòng quanh chòm râu quăn vàng hoe. “Luật sư của họ vừa điện thoại.”

“Họ buộc tội tôi cái gì?”

“Lừa gạt một bà góa phụ yếu đuối và tước đoạt tủ sách của bà ta. Họ thề rằng mối hàng đó là của họ.”

“Muốn vậy thì họ phải tỉnh giấc sớm hơn tôi.”

“Tôi cũng nói thế, nhưng họ vẫn đùng đùng giận dữ. Khi họ tới lấy sách, cuốn Persiles và Royal Charter of Castille đã biến mất. Và anh đã định giá phần còn lại ngoài dự kiến. Vì vậy bây giờ người chủ không bán nữa, bà ta muốn gấp đôi số tiền họ định trả.” Hắn uống một ngụm bia và nháy mắt đầy ẩn ý. “Mánh khóe đó vẫn thường được dùng để găm một tủ sách.”

“Tôi biết nó gọi là gì.” Corso cười xấu xa. “Và Armengol & Sons cũng biết.”

“Đừng tàn nhẫn thế,” La Ponte nói một cách vô tư. “Thực ra cái làm họ đau nhất là Royal Charter. Họ nói rằng anh chơi đòn ngầm.”

“Đời nào tôi để nó lại chứ? Bản chú giải Latinh của Diaz de Montalvo, không có chi tiết bản in đá nhưng được Alonso Del Puerto in ở Seville, có lẽ vào năm 1482…” Gã sửa lại cặp kính và nhìn tên bạn. “Cậu nghĩ sao?”

“Có vẻ hợp với tôi. Nhưng chúng hơi thất thường.”

“Vậy thì chúng cần một viên thuốc an thần.”

Lúc này mới chập choạng tối, không gian trong quầy bar rất nhỏ nên mọi người phải ép sát vào nhau, vai kề vai trong khói thuốc lá mù mịt và tiếng thì thầm nói chuyện, cố không để khuỷu tay áo dính vào những vũng bia trên mặt quầy.

“Rõ ràng,” La Ponte tiếp tục, “cuốn Persiles là ấn bản đầu tiên. Bìa sách có chữ ký của Trautz-Bauzonnet.”

Corso lắc đầu. “Của Hardy. Bằng da Marốc.”

“Càng hay. Dù sao tôi cũng đã thề không dính dáng gì tới nó. Anh biết tôi ác cảm với chuyện kiện tụng mà.”

“Nhưng không ác cảm với ba mươi phần trăm lợi nhuận.”

La Ponte giơ tay đầy vẻ đường hoàng. “Dừng ở đây. Đừng lẫn lộn việc làm ăn với thú vui, Corso. Tình bằng hữu tốt đẹp của ta là một chuyện, nồi xúp của đám con tôi là chuyện khác.”

“Cậu chẳng có đứa con nào hết.”

La Ponte nhìn gã láu lỉnh. “Cho tôi thời gian. Tôi còn trẻ mà.”

Hắn vóc người không cao, dễ coi, phong nhã và khá bảnh. Mớ tóc trên đỉnh đầu hơi mỏng, hắn vuốt nó xuống bằng tay, sau đó kiểm tra lại dung mạo trong chiếc gương của quầy bar. Rồi đưa mắt nhìn quanh xem xét các bà. Hắn luôn chừng mực và thích dùng câu ngắn trong đối thoại. Cha hắn, một người buôn sách rất trí thức, đã dạy hắn viết bằng cách đọc cho hắn những bài luận của Azorín[8]. Ngày nay rất ít người còn đọc Azorín, nhưng La Ponte vẫn thích ghép câu kiểu Azorín. Với nhiều dấu chấm câu. Cái đó mang lại cho hắn sự tự tin khi đối diện với các nữ khách hàng quyến rũ tại gian trong cửa hàng của hắn ở Calle Mayor, nơi hắn cất giữ những tác phẩm ái tình cổ điển.

[8] Azorín (José Augusto Trinidad Martinez Ruiz, 1873-1967): nhà phê bình văn học, nhà văn tiên phong người Tây Ban Nha.

“Dù sao đi nữa,” hắn thêm, “tôi còn mấy chuyện làm ăn dở dang với Armengol & Sons. Khá nhạy cảm, nhưng tôi có thể nhanh chóng kiếm chút lời.”

“Cậu cũng có công chuyện với tôi nữa,” Corso vừa nói vừa hớp một ngụm bia. “Cậu là gã buôn sách kiết xác duy nhất tôi chịu hợp tác. Và cậu sẽ là người bán những cuốn sách đó.”

“Được rồi, được rồi,” La Ponte điềm đạm trả lời. “Anh biết tôi là người thực tế. Một kẻ thực dụng xoàng xĩnh.”

“Phải.”

“Hãy hình dung đây là một câu chuyện miền Tây. Vì là bạn anh, tôi phải hứng chịu một viên đạn, nhưng chỉ vào vai thôi.”

“Cũng chỉ thế thôi” Corso nói.

“Dù sao thì cũng chẳng thành vấn đề.” La Ponte lơ đãng nhìn quanh. “Tôi nhắm được người mua cho Persiles rồi.”

“Vậy thì hãy lấy thêm một bia. Ứng trước cho khoản hoa hồng của cậu.”

Họ là bạn bè cũ. Cả hai đều thích bia sủi bọt và rượu gin Bols đựng trong chai bằng đất nung tráng men. Nhưng trên hết họ đều say mê những cuốn sách cổ hiếm có và những phiên đấu giá tổ chức trong gian phòng cổ kính ở Madrid. Họ gặp nhau nhiều năm trước, khi Corso mọc rễ ở mấy cửa hàng sách chuyên về các tác giả Tây Ban Nha. Một khách hàng của gã muốn tìm một bản in không chính thức của cuốn Celestina được cho là xuất hiện sớm hơn ấn phẩm đã biết năm 1499. La Ponte không có cuốn đó, thậm chí còn chưa từng nghe nói, nhưng hắn lại có một cuốn của Julio Ollero, Sách tra cứu về những cuốn sách hiếm và những ấn phẩm truyền kỳ trong đó có nói về cuốn sách này. Họ chuyện trò về sách và nhận ra rằng hai người có khá nhiều cái chung. La Ponte đóng cửa hàng, hai người đánh dấu tình bạn bằng cách uống hết những thứ uống được ở quán bar của Makarova trong khi trao đồi với nhau những giai thoại về Melville. La Ponte kể những mẩu chuyện về Pequod[9] và những trò phóng túng của Azorín. “Cứ gọi tôi là Ishmael,” hắn nói rồi ngửa cổ nốc một hơi cạn ly Bols thứ ba. Và Corso gọi hắn là Ishmael, đọc tặng hắn đoạn trích về cây lao thép của Ahab: “Ba cú lao xuyên vào da thịt hoang dại và Cá voi Trắng nổi giận đùng đùng.”

[9] Pequod: con tàu săn cá voi tưởng tượng trong tiểu thuyết Moby-Dick nổi tiếng (1851) của nhà văn Mỹ Herman Melville (1819-1891)

Họ uống mừng thật thỏa thuê. Khi ấy La Ponte không ngắm các cô gái ra vào quầy bar nữa. Hắn thề sẽ giữ mãi tình bạn với Corso. Mặc dù miệng lưỡi cay độc hiếu chiến và có máu tham nghề nghiệp của một tay bán sách cổ, bản chất La Ponte vẫn là một gã khờ. Vì vậy hắn không hề nhận ra rằng người bạn mới với cặp kính trễ chuẩn bị ngấm ngầm cho hắn một cú thọc sườn: Corso tia được mấy cuốn trên giá sách của hắn, gã nhắm chúng cho những giao dịch ngon lành. Nhưng La Ponte, với nét mặt nhợt nhạt, chòm râu xoắn, vẻ lịch thiệp của thủy thủ Billy Budd và tính mộng mơ của một thợ săn cá voi bất đắc chí, đã đánh thức sự đồng cảm của Corso. La Ponte thậm chí có thể kể tên toàn bộ thủy thủ đoàn của Pequod: Ahab, Stubb, Starbuck, Flask, Perth, Parsee, Queequeg, Tasthego, Daggoo… Hay tên của tất cả những con tàu được nhắc tới trong Moby-Dick: Goney, Town-Ho, Jeroboam, Jungfrau, Rachel… Và, thật khó tin, hắn còn biết cả long diên hương là thứ gì. Họ nói về sách và cá voi. Đêm đó Hội Ái hữu những người phóng lao Nantucket ra đời, với chủ tịch là Flavio La Ponte và thủ quỹ Lucas Corso. Hai người là những thành viên duy nhất dưới sự bảo trợ khoan dung của Makarova. Ả đãi họ chầu cuối và kết thúc bằng màn uống chung một chai gin với họ.

“Tôi sẽ đi Paris,” Corso vừa nói vừa quan sát một bà béo đang nhét xèng hết đồng nọ tới đồng kia vào máy chơi, tựa hồ niềm vui ngớ ngần khi đoạt những giải thưởng bé tẹo và tiếng chuông rung có thể giữ rịt bà ta ở đó; mê mẩn và bất động, chỉ có bàn tay nhấn nút. “Để điều tra về Rượu vang Anjou của cậu.”

Tên bạn nhăn mũi liếc xéo gã. Paris có nghĩa là tốn kém và rắc rối hơn. La Ponte là một gã buôn vặt kiết xác.

“Anh biết tôi không gánh nổi chi phí mà.”

Corso thong thả nốc cạn ly. “Cậu chịu được.” Gã moi ra mấy đồng tiền trả cho lượt của mình. “Tôi sẽ kết hợp với mấy việc khác.”

“Thật ư?” La Ponte nói với giọng kích động.

Makarova đặt thêm hai cốc bia lên mặt quầy. Ả cao lớn, tuổi chừng bốn mươi, tóc vàng cắt ngắn, một tai đeo vòng, kỷ niệm thuở còn làm việc trên con tàu đánh cá bằng lưới vét ở Nga. Cái quần bó và chiếc áo sơ mi xắn đến tận nách. Hai bắp tay phát triển quá mức, không phải là sản phẩm duy nhất mang tính đàn ông trên người ả. Điếu thuốc cháy âm ỉ thường trực trên mép. Vóc người và dáng đi Baltic khiến ả trông như một thợ máy trong xưởng chế tạo ổ bi ở Leningrad.

“Tôi coi cuốn sổ đó rồi,” ả nói với Corso, đầu lưỡi uốn cong khi phát âm chữ “r”, tàn thuốc rớt trên chiếc áo sơ mi ẩm ướt khi ả nói. “Cô ả Bovary ấy. Thật đúng là con nhỏ điên rồ đáng thương.”

“Tôi rất mừng vì cô đã nắm được cốt lõi câu chuyên.”

Makarova lau quầy bằng một miếng giẻ. Ở đầu bên kia quầy, Zizi vừa đếm tiền vừa quan sát. Ả hoàn toàn tương phản với Makarova: trẻ hơn nhiều, mảnh dẻ và ghen khủng khiếp. Đôi lần, ngay trước khi đóng cửa, họ cãi nhau trong tình trạng xỉn, thậm chí còn choảng nhau gần chết. Một bữa, sau mấy lần như thế, hố mắt tím bầm, Zizi nổi xung bỏ đi trong điên cuồng và thủ hận. Makarova nhỏ vô khối nước mắt vào bia cho đến lúc Zizi trở lại ba ngày sau. Đêm đó họ đóng cửa sớm rồi ôm eo nhau ra về, hôn nhau giữa đường giống như một cặp tình nhân tuổi teen.

“Anh ta sắp đi Paris,” La Ponte hất đầu về phía Corso nói. “Để xem có moi được cái gì bí ẩn không.”

Makarova gom mấy cái ly cạn và nhìn Corso qua khói thuốc. “Anh ta lúc nào chẳng bận bịu chuyện gì đấy,” ả nói với giọng cổ nghèn nghẹt.

Ả thả đống ly vào chậu rửa rồi tới phục vụ mấy người khách khác, đôi vai rộng lắc lư. Corso là khách hàng khác giới duy nhất không bị ả coi thường, ả công bố điều đó mỗi lần miễn phí cho gã một chầu uống. Cả Zizi cũng coi như gã vô hại. Một bận Makarova bị bắt khi đấm vào mặt cảnh sát trong một cuộc diễu hành vì quyền của người đồng tính, Zizi đợi suốt đêm trên ghế băng ở đồn cảnh sát. Corso đã sử dụng mọi mối quan hệ của gã với giới cảnh sát, ở lại đó với ả, mang cho ả bánh sandwich và chai gin. Chuyện đó đã khiến La Ponte nổi cơn ghen ngớ ngẩn.

“Sao lại là Paris?” hắn hỏi dù tâm trí đang bị thứ khác xâm chiếm. Khuỷu tay trái hắn húc vào vật gì đấy mềm mại rất dễ chịu. Hắn mừng rỡ nhận ra rằng bên cạnh hắn là một cô gái tóc vàng với bộ ngực khủng bố.

Corso nuốt vội ngụm bia. “Tôi cũng sẽ tới Sintra ở Bồ Đào Nha nữa.” Gã vẫn đang nhìn bà béo bên cái máy trò chơi. Bà ta thua hết xèng và đang đổi tiền ở chỗ Zizi. “Để làm một số việc cho Varo Borja.”

Gã bạn huýt lên một tiếng sáo. Varo Borja, nhà buôn sách hàng đầu Tây Ban Nha. Catalô của lão ta nhỏ nhưng được tuyển lựa kỹ. Lão ta còn nổi danh là một kẻ mê sách hơn tiền. Đầy kích động, La Ponte gọi thêm bia và hỏi thêm tin tức, với vẻ tham lam xuất hiện theo bản năng mỗi khi nghe thấy từ sách. Mặc dù tự nhận keo kiệt và nhát gan, hắn không phải là kẻ đố kỵ, trừ phi có liên quan đến những cô nàng xinh đẹp bốc lửa. Trong chuyện chuyên môn, hắn sẵn lòng chịu chút mạo hiểm để có được những món tốt, nhưng hắn cũng thực kính nể công việc và đám khách hàng của ông bạn.

“Cậu có khi nào nghe nói đến Chín cánh cửa chưa?”

Gã buôn sách lục lọi hồi lâu trong túi, hy vọng lần này Corso sẽ trả tiền. Hắn vừa quay người lại để nhìn rõ hơn cô nàng khêu gợi bên cạnh, nhưng câu nói của Corso khiến hắn lập tức quên ả.

“Đừng nói với tôi là Varo Borja đứng đằng sau cuốn sách đó…” La Ponte ngạc nhiên nói.

Corso đặt mấy đồng xu cuối cùng lên mặt quầy. Makarova mang tới hai vại bia mới. “Lão đã kiếm được nó cách đây ít lâu. Đã tốn cả đống tiền.”

“Tôi cũng đoán lão sẽ làm vậy. Chỉ có ba hay bốn bản được nhắc đến.”

“Ba,” Corso khẳng định. “Một ở Sintra, nằm trong bộ sưu tập của Fargas. Một nữa ở Paris, thuộc về Quỹ tài trợ Ungern. Varo Barja mua được bản thứ ba từ thư viện Terral-Coy ở Madrid.”

Mê mẩn, La Ponte vuốt ve chòm râu xoắn. Tất nhiên hắn đã nghe nói tới Fargas, nhà sưu tập Bồ Đào Nha. Còn bà Nam tước Ungern, đó là một mụ già điên trở thành triệu phú bằng cách viết sách nghiên cứu về ma quỷ và huyền bí. Cuốn sách mới đây của bà ta, Isis khỏa thân, từng là sản phẩm gây sốt nóng các cửa hàng.

“Cái tôi không hiểu là anh phải làm gì với nó?” La Ponte nói.

“Cậu có biết lịch sử cuốn sách không?”

“Loáng thoáng thôi,” La Ponte đáp.

Corso thọc ngón tay vào cốc bia rồi nguệch ngoạc mấy hình vẽ lên mặt quầy bằng đá cẩm thạch. “Thời kỳ: giữa thế kỷ mười bảy. Bối cảnh: Venice. Nhân vật chính: một chủ nhà in tên là Aristide Torchia quyết định phát hành một cuốn sách tựa đề Sách về chín cánh cửa của vương quốc bóng tối, một dạng sách chỉ dẫn cách triệu hồi ác ma. Khi đó không phải thời kỳ thích hợp lắm: Tòa án Dị giáo bèn vào cuộc và dễ dàng túm được Torchia. Ông này bị buộc tội đã tiến hành những ma thuật của Quỷ vương và mọi thứ liên quan, sự tình còn trầm trọng hơn khi họ kết luận rằng ông này đã cho in lại chín bức họa trong Delomelanicon, quyển sách huyền bí kinh điển mà theo truyền thuyết do chính Quỷ vương Lucifer viết ra.”

Bên kia quầy Makarova đã nhích lại gần, bàn tay chùi vạt áo, háo hức lắng nghe. La Ponte sắp tợp một ngụm bia liền ngừng lại hỏi, theo bản năng liền khoác ngay dáng vẻ một gã buôn sách tham lam, “Chuyện gì xảy ra với cuốn sách?”

“Cậu có thể tự mình hình dung: Tất cả các bản in bị thiêu hủy.” Corso càu nhàu. Hắn có vẻ tiếc là đã quên chuyện đó. “Còn có người nói đã nghe thấy tiếng ma quỷ gào thét trong đám cháy.”

Makarova cầm hai cốc bia, khuỷu tay đè lên mấy hình vẽ bằng bia của Corso, miệng lẩm bẩm hoài nghi. Với mái tóc vàng, vóc dáng đàn ông và tính khí lạnh lùng của dân Bắc u, ả không ưa gì những trò mê muội tối tăm của người miền Nam. La Ponte thì càng kích động hơn. Chợt thấy cổ họng khô khốc, hắn tợp một ngụm bia.

“Đó hẳn là tiếng gào của chủ nhà in.”

“Hẳn thế.”

Corso tiếp tục. “Được Tòa án Dị giáo chăm sóc chu đáo theo cách dành cho những kẻ buôn bán các sản phẩm ma quỷ, cuối cùng người thợ in thú nhận giữa những tiếng gào thét rằng vẫn còn một cuốn sách giấu ở đâu đó. Sau đó hắn ngậm miệng kể cả khi bị thiêu sống, chỉ thốt lên mỗi một từ Aagh.

Makarova cười khỉnh hoặc trước số phận của người thợ in Torchia hoặc với viên đao phủ không thể bắt ông ta thú nhận. La Ponte nhăn mặt.

“Anh nói là chỉ còn lại một cuốn,” hắn phản bác. Nhưng trước đó anh nói rằng có ba.”

Corso gỡ kính, soi ra ánh sáng xem có sạch không.

“Đó mới là vấn đề,” gã nói, “những cuốn sách luân lạc qua chiến tranh, trộm cắp và hỏa tai. Không biết cuốn nào là thật nữa.”

“Có khả năng tất cả đều là giả,” Makarova góp chuyện ra chiều sành sỏi.

“Có thể. Vì thế tôi phải tìm hiểu xem có phải Varo Borja giở trò bịp bợm hay không. Đó cũng là lý do tôi phải đi Sintra và Paris.” Gã sửa lại cặp kính rồi nhìn La Ponte. “Trong khi ở đó, tôi sẽ xem lại bản thảo của cậu.”

Gã buôn sách thận trọng đồng ý, mắt nhìn cô nàng ngực to trong gương. “So với cái đó, có vẻ như thật buồn cười khi anh để mất thì giờ với Ba người lính ngự lâm…”

“Cái gì?” Makarova xen vào, hết hẳn dửng dưng. Ả thực sự bị xúc phạm. “Đó là cuốn truyện hay nhất tôi được đọc!”

Ả lấy tay vỗ mạnh lên mặt quầy bày tỏ thái độ, bắp cơ trên cánh tay phồng lên. Boris Balkan hẳn sẽ rất vui mừng khi nghe điều đó, Corso nghĩ. Ngoài tiểu thuyết của Dumas, những cuốn nằm trong danh sách top ten của Makarova (mà gã là cố vấn văn học) bao gồm Chiến tranh và hòa bình, Đồi thỏ hoang và Carol của Patricia Highsmith.

“Đừng lo,” gã nói với La Ponte. “Tôi sẽ bắt Varo Borja chịu phí tổn. Nhưng tôi muốn nói rằng Rượu vang Anjou của cậu là đồ thật. Ai lại làm giả một thứ như vậy chứ?”

“Người ta có thể làm đủ mọi thứ,” Makarova giọng thạo đời xen vào.

La Ponte đồng ý với Corso – giả mạo một tài liệu như vậy là ngu ngốc. Lão Taillefer quá cố đã đảm bảo với hắn tính chân thực của nó. Nó chính là của Dumas. Và Taillefer là người đáng tin.

“Tôi thường mang tới cho hắn những tờ báo cũ có đăng truyện nhiều kỳ. Hắn đặt mua tất cả những thứ đó.” Hắn tợp một ngụm rồi tự giễu mình. “Một lý do không tồi để ngắm đôi chân cô vợ hắn. Đó là một người đẹp tóc vàng bốc lửa. Rồi bỗng một hôm hắn mở ngăn kéo lấy Rượu vang Anjou đặt lên bàn. ‘Đây là của anh,’ hắn nói thẳng, ‘với điều kiện anh phải lấy xác nhận của một chuyên gia rồi bán ngay lập tức.’ ”

Một khách hàng kêu nước khoáng. Makarova chửi thề rồi vẫn đứng nguyên đó, điếu thuốc lụi dần trên môi, mắt khép hờ vì khói thuốc. Ả chờ phần kết câu chuyện.

“Thế thôi hả?” Corso hỏi.

La Ponte phác một cử chỉ mơ hồ. “Gần như thế. Tôi đã cố ngăn vì biết hắn thường phát rồ đối với những thứ như vậy. Hắn có thể bán cả linh hồn vì một quyển sách hiếm. Nhưng hắn đã quyết. Hắn nói, ‘Nếu anh không làm, tôi sẽ trao nó cho người khác.’ Chuyện đó chạm vào chỗ nhạy cảm, tất nhiên. Nhạy cảm nghề nghiệp, ý tôi là vậy.”

“Không cần giải thích,” Corso nói. “Cậu còn có thể làm quái gì đây?”

La Ponte quay sang Makarova cầu cứu, nhưng liếc thấy đôi mắt màu đá của ả hắn liền thôi ngay. Đôi mắt trông ấm áp như vịnh fjord ở Na Uy vào lúc ba giờ sáng.

“Đúng là anh hát chị khen hay,” hắn thốt lên cay đắng.

Người đàn ông kêu nước khoáng hẳn khát lắm, Corso nghĩ, bởi vì hắn vẫn kiên trì đòi. Makarova lườm gã khách hàng và vẫn không động đậy, bảo hắn tìm quán khác trước khi ả khiến cho hố mắt hắn đổi sang màu đen. Người này nghĩ ngợi. Có vẻ hắn hiểu ý. Hắn bỏ đi.

“Enrique Taillefer là một người kỳ dị.” La Ponte lùa bàn tay dưới mái tóc mỏng của mình, tiếp tục ngắm nàng tóc vàng trong gương. “Hắn muốn tôi bán bản thảo và công khai cho tất cả những người buôn sách khác.” Hắn hạ giọng để ả tóc vàng không nghe thấy. “ ‘Ai đó sắp có dịp ngạc nhiên,’ Taillefer bảo tôi với vẻ bí ẩn, nháy mắt như thể định đùa cợt người nào đấy. Bốn ngày sau hắn chết.”

“Chết,” Makarova lặp lại bằng giọng cổ, tựa hồ đang thưởng thức giọng nói của mình. Mỗi lúc ả một thêm hứng thú.

“Tự tử,” Corso nói rõ.

Ả nhún vai, tỏ ra là với ả tự tử hay bị giết chẳng có gì khác nhau lắm. Có một bản thảo đáng ngờ và một cái xác: hoàn toàn đủ để giả định là có âm mưu gì đây rồi.

Nghe đến chữ “tự tử”, La Ponte gật đầu với vẻ ủ dột. “Họ nói vậy.”

“Cậu có vẻ không chắc lắm.”

“Quả vậy. Chuyện hơi kỳ quặc.” Hắn lại nhăn mặt, bỗng nhiên nom ỉu xìu và quên hẳn ả tóc vàng. “Tôi ngửi thấy có mùi gì đấy ám muội.”

“Taillefer có nói bằng cách nào hắn kiếm được tập bản thảo không?”

“Lúc đầu tôi không hỏi. Tới lúc xảy ra chuyện thì lại quá muộn rồi.”

“Cậu đã nói chuyện với bà vợ góa chưa?”

La Ponte tỉnh hẳn người. Hắn cười toét miệng. “Để lúc khác tôi nói.” Tựa như hắn nhớ ra mình còn một con bài tủ. “Đó sẽ là thù lao cho anh. Tôi không thể chi nổi dù chỉ một phần mười số tiền Varo Borja trả cho cuốn Sách về chín lời nói dối của hắn đâu.”

“Tôi sẽ lấy đúng tỷ lệ đó khi cậu tìm được một khách hàng sộp và trở thành triệu phú. Chỉ sau đấy tôi mới lấy tiền.”

La Ponte lộ vẻ đau khổ. Thằng cha vốn ưa nhạo báng nhưng lại có phần đa cảm, Corso nghĩ.

“Tôi cứ nghĩ anh giúp tôi vì là bạn bè,” La Ponte phản kháng. “Anh biết đấy. Câu lạc bộ những Người phóng lao Nantucket. Lẽ nào chỉ để nói với nhau: Xem con nhỏ phụt nước kìa! cùng với những thứ nhảm nhí tương tự?”

“Bạn bè,” Corso đáp rồi nhìn quanh như muốn tìm ai đấy giải thích từ này cho gã hiểu. “Ở quầy bar và nghĩa địa có cả đống bạn tốt.”

“Vậy lúc cần anh dựa vào ai, mẹ kiếp?”

“Vào chính anh ta,” Makarova thở dài. “Corso chẳng bao giờ cần ai giúp.”

La Ponte tuyệt vọng nhìn cô nàng ngực to bỏ đi với một gã trẻ tuổi bảnh bao trông như người mẫu. Corso vẫn nhìn bà già to béo bên cái máy trò chơi đã lại thua hết xèng. Bà ta đứng đó, ánh mắt bối rối, trống rỗng, hai tay buông thõng. Chỗ bà ta chơi đã bị một người đàn ông cao lớn da màu có bộ râu đen rậm và vết sẹo trên mặt thế vào. Trong một thoáng Corso nghĩ rằng hắn ta trông quen mặt, nhưng cảm giác này biến mất trước khi gã chộp được nó. Đối nghịch với nỗi thất vọng của bà béo, cái máy lúc này lại đang tuôn ra cả một dòng thác những đồng xèng ồn ĩ.

Makarova trao cho Corso cốc bia cuối cùng trong quán. Lần này La Ponte trả tiền cho lượt của hắn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.