Chí Dị Huyền Nghi Hệ Liệt - Dạ Đàm Bồng Lai Điếm

Chương 4: Chương 4




Vô Thị Phi mặt mày cổ quái, quay sang nhìn bọn Ách Cầm Tẩu, Dạ Minh Sinh, cũng không nói tiếp nữa.

Thiết Cước Đường vội cười cười giải thích với hai người Vi, Tô: “Lục đệ nói đêm lão tam chết, đã từng nói với hắn hôm sau muốn quay lại ngôi làng kia. Lão lục luôn cho rằng thôn kia có điểm kỳ lạ nhưng chúng ta đều đã tới đó, thực sự cũng chẳng có gì khác thường. Có lẽ lục đệ đã hiểu sai ý lão tam.”

Vi Trường Ca như hiểu ra gì đó, quay sang nhìn Vô Thị Phi. Vô Thị Phi mím chặt môi, siết nắm tay, gương mặt lộ vẻ không phục, quật cường nhìn lại y.

Vi Trường Ca cười cười, nhẹ nhàng nói: “Có thật tam ca đã nói với ngươi là muốn quay trở lại thôn kia không?”

Vô Thị Phi càng thêm tức giận, hơi nghiêng đầu, chẳng thèm trả lời.

Vi Trường Ca đang dở khóc dở cười thì Tô Vọng Ngôn ở bên cạnh đã cười, nói: “Nếu hắn đã nói như vậy thì quả thật Hoa tam gia có ý này.”

Bọn Lục Sửu đều im lặng không nói.

Cuối cùng vẫn là Thiết Cước Đường vâng dạ đáp lời: “Chúng ta cũng không phải là không tin lời lục đệ, chẳng qua từng tới thôn đó, chính xác là không có gì cả, chỉ là một ngôi làng bình thường mà thôi.”

Vô Thị Phi kích động quay về phía hắn, khoa tay múa chân ra dấu.

Thiết Cước Đường bất đắc dĩ phải bảo: “Dù lão tam thực có muốn quay về ngôi làng đó thì sao? Lục đệ, không phải ngươi cũng từ đích thân tới đó rồi chứ?”

Dạ Minh Sinh cũng nói: “Hay là như thế này, tam ca đánh rơi đồ nên muốn quay về nhặt.”

Vô Thị Phi bĩu môi tức giận, vẫn không đồng ý. Bọn họ nói qua nói lại, hoàn toàn quên mất là đang làm khách tại Thiên Hạ Bảo, có thể thấy bình thường cứ có vấn đề xảy ra là bọn họ lại cãi lộn như vậy. Vi Trường Ca và Tô Vọng Ngôn nhìn nhau cười khổ, cũng không biết phải làm thế nào.

Lại nghe Thiết Cước Đường đột nhiên lớn tiếng nói: “Dời đi thì đã làm sao? Đàn bà góa thì chuyện tái giá là kinh thiên động địa sao! Nếu chồng đã chết, cô ta thích lấy ai thì lấy, việc gì phải ngại ngươi chứ?

Dạ Minh Sinh đứng một bên nói vẻ kỳ quái: “Lục đệ, đệ quên rồi à? Chẳng phải nhị tẩu đã qua một đời chồng rồi mới lấy nhị ca sao? Ngươi đừng nói nữa, kẻo chọc nhị ca giận.”

Hai người Vi, Tô vốn không hiểu tại sao hắn nổi giận, giờ thì mới rõ.

Vô Thị Phi bị Thiết Cước Đường quát thì không “nói” nữa, tủi thân ngồi xuống. Thiết Cước Đường vẫn chưa hết tức, cứ thở dốc nhìn hắn chằm chằm. Chỉ nghe “cộp” một tiếng, Ách Cầm Tẩu nện mạnh cây hồ cầm trong lòng xuống bàn, mặt tái xanh, mắt chậm rãi đảo qua các vị huynh đệ, nén giận làm vài cái ra dấu.

Vi Trường Ca nhìn sang Tô Vọng Ngôn.

Tô Vọng Ngôn bèn hạ giọng: “Ách Cầm Tẩu nói, Hoa tam gia xương cốt còn chưa lạnh, thù lớn chưa trả, vậy mà huynh đệ bọn họ còn ở nơi này cãi nhau, thử hỏi có phải là làm Hoa tam gia thất vọng không?” Rồi y quay sang Lục Sửu, khuyên: “Các vị không cần tranh cãi nữa, không cần biết thôn kia có cổ quái hay không, chuyện của Hoa tam gia, ta và Vi Trường Ca chắc chắn sẽ cố hết sức, mọi người không cần phải lo.”

Ách Cầm Tẩu rưng rưng cúi lạy, bọn Thiết Cước Đường, Lão Lai Tử cũng đồng loạt đứng dậy, khom lưng tạ lễ.

Thiết Cước Đường nói: “Huynh đệ chúng ta tạ ơn Vi Bảo chủ và Tô công tử, chỉ mong tam đệ trên trời có linh thiêng sẽ sớm được an lòng nhắm mắt.”

Vi Trường Ca mỉm cười. “Khi lão Bảo chủ còn sống, các vị cũng là khách quen của Thiên Hạ Bảo, cần gì phải khách khí với Trường Ca.”

Bọn họ đều vui mừng đứng lên.

Vừa nhắc tới chuyện cũ, chẳng biết là ai khởi xướng, mọi người đều kể một chút chuyện xưa, từ phong thái hiên ngang của lão Bảo chủ năm ấy đến sự ra đời của lễ mừng thọ mùng Bảy tháng Bảy, dần tới cả chuyện huynh đệ bọn họ quen biết nhau như thế nào, rồi vì sao mà kết nghĩa. Kể đến chỗ thú vị, Lục Sửu người thì nói không ngừng, kẻ lại hoa chân múa tay quên hết mọi sự trên đời, thực vô cùng náo nhiệt.

Vi Trường Ca nghe tới mất kiên nhẫn, không kìm được ngáp dài một cái, quay đầu lại đã thấy khóe miệng Tô Vọng Ngôn cười cười, đang chăm chú lắng nghe.

Vi Trường Ca giật giật môi, cuối cùng vẫn ngồi thẳng dậy, tiếp tục nghe Lục Sửu kể hết chuyện này đến chuyện khác.

Dạ Minh Sinh hăng hái bừng bừng nói: “Sau đó ngươi dùng cái tên Thiết Cước Đường, đại ca thì gọi là Ách Cầm Tẩu, lục đệ không nghe thị phi, cũng không nói thị phi thì là Vô Thị Phi, còn ta, ta là một người mù, ha ha, nhưng người mù ban đêm lại có thể nhìn thấy rõ hơn cả người sáng, không gọi Dạ Minh Sinh thì gọi là gì?”

Vi Trường Ca nghe đến chán, thuận miệng cười, hỏi: “Vậy sao Hoa tam gia lại có cái tên ấy?”

Căn phòng đột nhiên im bặt. Lục Sửu đều bưng kín miệng, không chỉ vậy, đến động tác cũng đột nhiên dừng lại.

Vi Trường Ca ngẩn người, cảm giác có gì đó kỳ lạ nhưng cũng có chút xấu hổ, đang muốn nói lại nghe Tô Vọng Ngôn hỏi: “Phải rồi, vì sao hắn lại có tên là Hoa Hòa Thượng? Nhắc mới nhớ, tại hạ cũng chưa từng nghe nói Hoa tam gia có chỗ nào khuyết tật? Hắn tay chân đầy đủ, cũng không câm điếc, sao lại ở trong Lục Sửu?”

Nghe y nói những lời này, thoáng chốc, bầu không khí trong phòng càng trở nên nặng nề.

Rất lâu sau, mấy người bọn họ cũng chỉ liếc nhìn nhau, chẳng ai nói một lời.

Vi Trường Ca thầm suy tính, cười, nói: “Nếu không tiện đề cập thì thôi vậy…” Nét mặt đám người Lục Sửu đều thả lỏng. Tô Vọng Ngôn vội đưa mắt, Vi Trường Ca làm như không thấy, nói tiếp: “Các vị giao chuyện của tam gia cho Vọng Ngôn và tại hạ, Trường Ca còn tưởng rằng các vị tin tưởng hai chúng ta, chẳng ngờ… Thôi được, coi như chúng ta chưa từng hỏi đi!”

Tô Vọng Ngôn cười trộm.

Lục Sửu xấu hổ nhìn nhau.

Lát sau, Dạ Minh Sinh bèn nói: “Dù sao lão tam cũng đã mất, theo ta thấy, cũng chẳng có gì là không nói được…”

Thiết Cước Đường và Vô Thị Phi chỉ nhìn Ách Cầm Tẩu.

Cuối cùng, Ách Cầm Tẩu thở dài, chầm chậm gật đầu.

Thiết Cước Đường vài lần mở miệng, muốn nói lại thôi, cuối cùng mới thốt: “Lão tam… lão tam hắn… lão tam hắn có một tật nhỏ… nói đến chuyện này, vốn không nên kể cho người khác, nhưng lão tam cũng đã mất, có nói cho Vi Bảo chủ và Tô công tử nghe một chút, chắc cũng không sao. Lão tam hắn… hắn…”

Hắn ngập ngừng nhìn về phía những người khác, ai cũng quay đầu né tránh.

Thiết Cước Đường không còn cách nào khác đành nói khẽ: “Lão tam, hắn không thể làm chuyện đó.”

Hai người Vi, Tô đều cảm thấy buồn cười, thật chẳng ngờ Hoa Hòa Thượng tên là “Hoa hòa thượng” mà lại có tật khó nói như vậy.

Thiết Cước Đường nói: “Lão tam cũng là nam nhân, việc này nếu để người ngoài biết thì còn mặt mũi nào đi lại trên giang hồ nữa? Thế nên huynh đệ chúng ta cũng chỉ tự xưng Lục Sửu, cố tật của lão tam xưa nay chưa từng tiết lộ. Ha ha, Giang Đông Lục Sửu có tiếng ngang ngược vô lý, bình thường cũng không ai dám hỏi, mà dù có một, hai kẻ ngu ngốc như vậy thì cũng bị huynh đệ chúng ta mỗi người một gậy đuổi đi thật xa…”

Nói tới đây thì ngừng lại.

Vi Trường Ca đành cười khan một tiếng.

Thiết Cước Đường tự thấy không ổn, nhưng lại không tiện nói hết, đành ha ha một tiếng rồi đổi chủ đề: “Thực ra cố tật này của lão tam cũng không phải sinh ra đã thế, không như huynh đệ chúng ta. Theo như lời hắn nói, hắn vốn cũng giống nam nhân bình thường khác, chỉ là về sau mới… mới không được.”

Tô Vọng Ngôn vốn tính tò mò, nghe thấy thế muốn hỏi thêm cho rõ, nhưng vừa mở miệng liền cảm thấy không hay cho lắm, đành nâng chén trà lên nhấp một ngụm.

Cũng may Thiết Cước Đường tiếp tục nói: “Lão tam khi còn trẻ có gặp một vị cô nương, vừa nhìn thấy đã kinh vi thiên nhân(1). Nhưng dù hắn một lòng si dại, hoa rơi hữu ý, nước chảy vô tình, cô nương ấy cuối cùng vẫn hát khúc từ biệt, từ đó về sau người nam kẻ bắc, không cách nào gặp lại. Lão tam tuy rằng không có được nàng, nhưng ba mươi năm nay, không giây phút nào không ngừng tưởng nhớ, những nữ nhân khác, dù có là tiểu thư khuê các, cành vàng lá ngọc cỡ nào, hắn cũng chẳng thèm liếc mắt. Chính vì vậy mới mắc phải tật này. Khi hắn phát hiện mình không thể thì vô cùng sợ hãi người khác biết được bí mật nên mới cố tình lui tới những chỗ ăn chơi, làm ra vẻ phóng đãng cũng chỉ để che giấu tai mắt người đời. Có điều trong chốn giang hồ mấy người hiểu được bí ẩn bên trong. Hắn tự xưng là “Hoa hòa thượng”, người ngoài nghe thấy đều cho là bởi hắn khi còn làm hòa thượng thì ham mê nữ sắc, lại không biết hắn vốn họ Hoa, ý của hắn là những ngày này hắn vẫn luôn sống đời hòa thượng. Haizz, kể ra thì lão tam cũng là một kẻ si tình.”

(1) Có nghĩa: Gặp là hoảng hốt.

Hắn kể xong, mọi người đều im lặng, nhớ tới cuộc đời cô độc của người đó, lưng đeo một chữ “Hoa”, trái tim lại chỉ có duy nhất một bóng hình, cuối cùng là đáng thương hay đáng tiếc? Trong lòng cũng không biết có cảm giác gì.

Vi Trường Ca thở dài thật dài.

Thời khắc ấy, nơi chốn ấy, ánh mắt ấy…

Khi nàng ngẩng đầu lên, ngoảnh mặt lại, nheo mắt cười yếu ớt, hình bóng yểu điệu ấy từ nay về sau chôn chặt tận đáy lòng. Năm tháng qua đi, tình không trở lại, khung cảnh sự vật dần phai sắc màu, trải qua nhiều lần sinh ly tử biệt, người trong giang hồ đều đã già, cõi lòng hoang lạnh, lại chỉ còn thời khắc đó, bóng dáng xinh đẹp đó, người đàn bà như tới từ hư không đó, vẫn là dáng điệu năm xưa.

“Chẳng biết nữ nhân như thế nào mới có thể khiến hắn nhung nhớ một đời? Gặp là hoảng hốt, gặp là hoảng hốt… Chắc hẳn phải là phong hoa tuyệt đại(2)…” Vi Trường Ca thở dài, có chút xúc động.

(2) Có nghĩa: Đẹp đẽ mê hồn.

Tô Vọng Ngôn liếc y một cái, thản nhiên nói: “Đương nhiên là xinh đẹp tuyệt trần, không bút mực nào tả xiết rồi. Chỉ hận ta và huynh không có cái duyên đó mà thôi.”

Dạ Minh Sinh tiếp lời: “Làm sao mà không xinh đẹp tuyệt trần cho được? Nhưng lão nhị cũng có chỗ nhầm lẫn, ngươi biết vì sao lão tam không thể có được nàng ta không? Hừ, nói cho ngươi biết, nàng ta ngay từ đầu đã là gái có chồng, tam ca đến muộn một bước, đành ôm hận cả đời thôi.” Đoạn khẽ than một tiếng, ngâm nga: “Ngọc trả chàng lệ rơi đầy mặt, hận năm xưa chẳng sớm gặp người(3).”

(3) Nguyên văn: “Hoàn quân minh châu song lệ thùy. Hận bất tương phùng vị giá thì.” Hai câu cuối trong bài Tiết phụ ngâm (Bài ca người đàn bà đức hạnh) của tác giả Trương Tịch (đời Đường). Bài thơ nói về tâm tình của một người phụ nữ đã có gia đình vì giữ trọn đạo vợ chồng mà từ chối tình cảm của người khác.

Thiết Cước Đường xua tay, nói: “Ngươi làm sao mà biết được? Cái gì mà ngọc quý với chả lệ rơi, ta không hiểu mấy thứ vớ vẩn đó. Năm ấy lão tam đứng ngay bên dòng Hán Thủy mà lẩm bẩm, ta đứng cạnh nghe từ đầu tới cuối, người hắn nhắc tới chẳng phải chính là cô ả trong Phi Thương lâu ở Dương Châu(4) sao?

(4) Dương Châu: Thuộc tỉnh Giang Tô, Đông Nam Trung Quốc, nằm bên bờ bắc sông Trường Giang, từ xưa đã nổi danh là nơi giàu có và nhiều chốn ăn chơi.

Dạ Minh Sinh cười lạnh. “Son phấn dung tục, làm sao xứng với mấy chữ gặp là hoảng hốt? Chuyện cũ này của tam ca trên đời chắc chỉ có mình ta biết. Đó là một buổi tối mấy chục năm về trước, ta và tam ca cùng uống rượu, hắn say rồi mới kể chuyện này với ta. Tam ca vốn là trẻ mồ côi, được sư thầy trong Thiếu lâm Tự(5) nuôi dưỡng, rồi vào phái Thiếu Lâm, trở thành hòa thượng, nhiều năm khôn lớn, vẫn một lòng hướng Phật, vô cùng thành kính. Ba mươi năm trước, hắn vừa tròn hai mươi tuổi, muốn tham ngộ Phật pháp, mới một mình hành hương tới thánh địa Phật giáo, định bụng ẩn cư tham thiền trên đỉnh núi Vạn Phật(6). Ngọn núi ấy thế cao chót vót, chưa có đường đi, giữa núi non trùng điệp cũng chỉ có vài đường nhỏ do tiều phu qua lại lâu ngày mà thành, cực kỳ khó di chuyển, phải dùng cả tay lẫn chân mà leo, chỉ cần sơ sẩy một chút là rơi ngay xuống vách núi.

(5) Thiếu Lâm tự: Chùa Thiếu Lâm, thuộc địa phận Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, nổi tiếng nhờ mối liên hệ với Phật giáo Thiền tông và võ thuật. Thường xuất hiện trong truyện võ hiệp dưới danh nghĩa “Võ lâm Bắc Đẩu” – nơi lãnh đạo võ lâm giang hồ.

(6) Đỉnh Vạn Phật: Là đỉnh núi cao nhất của ngọn núi chính Kim Đỉnh thuộc dãy núi Nga Mi với độ cao 3.099m.

Tam ca lúc ấy vẫn còn trẻ tuổi, lòng đầy hăng hái, lại biết võ công, đương nhiên lên núi dễ hơn người thường rất nhiều, dù vậy hắn trèo lên cũng vừa mệt vừa khát, toàn thân đầy mồ hôi. Tới hoàng hôn thì gặp được một ngôi chùa cổ bỏ hoang trên sườn núi, vừa đúng lúc quá mệt không leo tiếp được nữa, hắn liền vào trong, ngồi ở hành lang phía sau cửa chùa nghỉ chân. Bất chợt, có tiếng đàn từ sâu trong chùa vọng ra, du dương trầm bổng, khiến tinh thần trở nên sảng khoái. Tam ca nhắm mắt lắng nghe một lát rồi liền nghi hoặc đứng dậy. Nơi này rừng núi hoang vu, chùa cổ rách nát mà cũng có người ở sao? Lần theo tiếng đàn tới một khoảnh sân trống trải, giữa đám cỏ dại là một cái ao vuông vắn tầm ba trượng, người đàn bà đó đang ngồi bên bờ ao. Đó là lúc hoàng hôn, bóng chiều nghiêng nghiêng trên đỉnh núi. Nàng ta mặc một bộ đồ trắng giản dị, ngồi nghiêm trang. Dưới ánh nằng chiều, quả thực vô cùng xinh đẹp…”

Dạ Minh Sinh mở to đôi mắt trống rỗng, dường như trong khoảnh khắc hắn cũng nhìn thấy được khuôn mặt xinh đẹp của cô gái hiện lên qua lời kể của chính mình.

“Tam ca nói, hắn vừa nhìn thấy nàng, ba hồn bảy vía cứ như bị sét đánh làm đôi, ngay cả bản thân là ai cũng còn không biết.”

Một tia nắng len qua khe cửa tiến vào, dát lên mặt đất một lớp bạch kim bàng bạc. Nhất thời, tất cả mọi người đều cúi đầu nhìn theo tia nắng, tựa như đang nhìn nắng chiều trên đỉnh Nga Mi(7) ba mươi năm về trước.

(7) Nga Mi: Dãy Nga Mi hay còn gọi là dãy núi Đại Quang Minh nằm ở phía Trung Nam tỉnh Tứ Xuyên thuộc miền Tây Trung Quốc, là một trong Tứ đại Phật giáo danh sơn, là đạo trang của Phổ Hiền bồ tát.

“Chẳng biết qua bao lâu, tiếng đàn lại vang lên, hắn bỗng lấy lại tinh thần nhìn khắp xung quanh mới phát hiện, tiếng đàn đến từ đáy ao. Đang ngạc nhiên thì nghe nàng kia nói: “Đó là tiếng ếch dưới đáy ao.” Hắn lúc này mới trông thấy bên cạnh người đàn bà là hai đứa trẻ. Bé trai khoảng bảy, tám tuổi, bé gái cùng lắm chỉ mới bốn, năm tuổi, đang ngồi xổm chơi đùa bên chân nàng. Núi cao hiểm trở, tam ca tuổi còn trẻ lại có võ công mà cũng phải vất vả lắm mới tới được ngôi chùa này, thế mà nàng ta, một nữ nhân yểu điệu lại mang theo hai đứa bé, làm thế nào đến được lưng chừng núi? Tam ca cũng khá thẳng tính, kinh ngạc một lúc liền đi tới hỏi. Nàng ta chỉ nói mình người đất Xuyên(8), trước kia được gả tới Đông Bắc, lần này về thăm nhà. Đang dở câu chuyện, tiếng đàn lại vang lên, tam ca nữa tin nữa ngờ cúi nhìn xuống ao, quả nhiên có mấy con ếch ngồi xổm trên trên tảng đá đang ngửa đầu kêu vang, tiếng đàn quả thực phát ra từ miệng ếch.”

(8) Xuyên, Thục: Đều chỉ vùng đất Tứ Xuyên nằm ở phía tây nam Trung Quốc, trước thời Tần đây là đất của hai nước chư hầu Thục và Ba nên còn có tên là Ba Thục, vùng này nổi tiếng núi non hiểm trở, khó đi lại.

Tô Vọng Ngôn khẽ “a” một tiếng. “Chỗ đó là núi Nga Mi, vậy cái ao là ao Bạch Thủy trong chùa Bạch Thủy rồi.”

Dạ Minh Sinh ngừng lời, ngoảnh đầu về phía bên này. “Cái này thì tam ca không nói, nhưng trên đời thực sự có loài ếch kêu như tiếng đàn sao?”

Tô Vọng Ngôn cười. “Không sai, mấy con ếch đó được gọi là Đạn Cầm Oa(9), trong thiên hạ cũng chỉ có ao Bạch Thủy trên núi Nga Mi là có loài ếch đó.

(9) Có nghĩa là ếch gảy đàn.

“Sư Thục ôm cây đàn,

Tây Nga Mi xuống núi

Vì ta gảy một lần

Nghe thông reo vạn suối

“Nước chảy(10)” gội sạch lòng

Đưa non xanh vào tối

Sương muối vọng hồi chuông

Mịt mùng mây thu nổi(11).”

(10) Lưu Thủy: Tên một khúc đàn cổ, chỗ này tác giả chơi chữ, có thể hiểu là dòng nước cũng có thể hiểu là khúc nhạc Lưu Thủy.

(11) Nguyên văn: “Thục tăng bão lục ỷ. Tây hạ Nga Mi phong. Vị ngã nhất huy thủ. Như thính vạn hác tùng. Khách tâm tẩy lưu thủy. Dư hưởng nhập sương chung. Bất giác bích sơn mộ. Thu vân ám kỷ trùng.” Nguyên tác Thính Thục tăng Tuấn đàn cầm của tác giả Lý Bạch (thời Đường). Dịch thơ Nghe nhà sư đất Thục tên Tuấn gẩy đàn. Người dịch: Nguyễn Phước Hậu.

Tương truyền năm xưa nhà sư đất Thục giỏi chơi đàn, Lý Bạch(12) nghe xong liền làm bài thơ này đề tặng, nhờ vậy đôi bên thành tri kỷ, kết mối duyên Bá Nha Tử Kỳ(13). Về sau, nhà sư đất Thục qua đời, Lý Bạch nhớ thương, thở dài trước linh đường: “Từ nay về sau, không thể gặp lại tri kỷ trong âm nhạc được nữa, chẳng còn người nào đánh đàn cho ta nghe.” Kết quả đêm đó, ông gặp được nhà sư trong giấc mộng nói rằng: “Trên đời này tri kỷ khó tìm, ngươi đã yêu mến tiếng đàn của ta, hoàng hôn ngày mai đúng hẹn đến đây, ta lại vì ngươi mà gảy đàn.” Hôm sau Lý Bạch tới, quả nhiên nghe được tiếng đàn, giống như nhà sư đất Thục vẫn thường hay chơi vậy, nhìn thật kỹ mới biết đó chính là tiếng ếch kêu trong ao Bạch Thủy. Ta từng ghé qua vài lần, chùa Bạch Thủy tuy chỉ còn là một đống hoang tàn đổ nát, nhưng nước biếc trăng thu, nghe đàn dưới trăng, cũng có một sự vui thích khác lạ.”

(12) Lý Bạch (701 – 762): Nhà thơ nổi tiếng thời Đường, thường được gọi là Thi Tiên.

(13) Bá Nha người đất Tấn, gặp và kết bạn với Chung Tử Kỳ ở Hán Dương, cả hai đều là những người giỏi về âm luật. Về sau, Tử Kỳ bệnh chết, Bá Nha đập đàn thề không chơi nữa. Ở đây ý nói đến tình tri âm tri kỷ.

Y ngẩng đầu, vẻ mặt tươi cười, giữa hàng lông mày hiện lên chút hoài niệm.

Vi Trường Ca không kìm được cũng cười. “Sao đệ đi qua chỗ tốt như thế lại không gọi ta đi cùng?”

Tô Vọng Ngôn cười, đắc ý liếc y, lại quay sang Dạ Minh Sinh. “Sau đó thì sao?”

“Tan ca ngoảnh lại thì thấy nữ nhân kia đang nghe chăm chú, lại nhìn hai đứa bé không hề quấy khóc gì, ca ca dắt tiểu muội ngoan ngoản ngồi một bên nhặt đá chơi. Nàng nhìn thấy hắn nhìn lũ trẻ, liền cười, nói: “Đây là con trai, con gái của ta.” Rồi thở dài một tiếng, giọng có chút buồn bã: “Lần này đi, không biết bao giờ mới có thể trở về, cho nên ta cố ý dẫn chúng tới đây nghe ếch gảy đàn.” Tam ca nghe lời nói của nàng ta đầy vẻ thê lương, không giống nỗi buồn xa quê bình thường, mới đánh bạo hỏi: “Nhà phu nhân có chuyện gì sao?” Nàng ta lặng lẽ một hồi, trả lời: “Phu quân ta mới mắc bệnh qua đời.” Tam ca chấn động, lóng nga lóng ngóng nói vài câu an ủi, như là cố nén đau thương, người chết rồi không thể sống lại, đại loại vậy.

Một lúc sau, trời dần tối, nữa vầng trăng khuyết lộ ra chút viền bạc từ sau cánh rừng. Nàng ta lúc này mới như bừng tỉnh mộng, đột nhiên đứng dậy, gọi hai đứa con, đôi trẻ ngoan ngoãn chạy tới. Nàng ta từ biệt tam ca, rồi một tay bế con gái, một tay dắt con trai đi ra ngoài. Tam ca nghĩ trời đã tối, đường lại khó đi, bèn đuổi theo định đưa ba mẹ con nàng xuống núi, nàng ta nhất quyết không chịu. Tam ca liền nói: “Trời tối như vậy mà nàng không muốn ai đưa đi, chi bằng hãy đợi đến lúc trời sáng, đi cũng an toàn hơn!”.”

Dạ Minh Sinh không kể tiếp, lại thở dài. “Nhị ca, huynh bình thường nói mười câu có đến chín câu sai, nhưng huynh nói tam ca là kẻ si tình, câu này ta không thể không phục!”

Thiết Cước Đường nghe vậy lòng đầy ấm ức, nhưng vì sốt ruột muốn nghe kể tiếp nên cũng không tiện cãi cọ, chỉ “hừ” một tiếng.

Dạ Minh Sinh lắc đầu. “Lão tam từ hôm say rượu kể cho ta nghe chuyện này, sau đó cũng chẳng thèm giấu nữa, mấy năm gần đây, câu chuyện cũ này hắn kể đi kể lại không một trăm thì cũng tám mươi lần. Mỗi khi uống rượu, hắn lại kể, kể tới đoạn này, hắn bắt đầu rơi nước mắt.”

Nói tới đây, nhớ tới Hoa Hòa Thượng, mắt hắn cũng ửng đỏ. Hắn hít một hơi thật sâu, nói tiếp: “Tam ca mỗi lần kể tới đoạn này, đều dốc sức uống cạn ba chén lớn, sau đó khóc lóc, nói với ta: “Ngươi biết không, ta thực hối hận! Ta hối hận cả đời, hận bản thân không giữ được nàng! Lão tứ, ngươi biết không? Ta hối hận, khi đó ta nói với nàng, trời tối như vậy, hay là đợi đến sáng hãy đi. Nàng ôm con đứng ngoài cửa, nghe xong liền quay đầu nhìn ta. “Thời buổi này, thói đời này, đi tới đâu chẳng tăm tối như nhau? Trời sáng? Trời này còn có thể sáng sao?” Nàng đứng đó, khuôn mặt hiện rõ bốn chữ bi thương đau đớn. Ta giật mình trong chốc lát, đến khi khôi phục tinh thần thì xung quanh đều là một mảnh tối đen, sao còn thấy bóng dáng của mẹ con nàng?”…

Đáng tiếc dù chỉ gặp có một lần, tam ca cũng không thể nào quên được người đàn bà ấy. Hắn biết mình không qua nổi cửa ải tình, về sau liền rời Thiếu Lâm, đi khắp nơi tìm kiếm, nhưng bao năm qua vẫn bặt vô âm tín, cứ như là ba mẹ con nhà đó từ đêm hôm ấy đột nhiên biến mất. Mãi đến mấy năm gần đây, hắn hết hy vọng, tâm tư đó mới dần phai nhạt.”

“Hoa tam gia thực sự chưa từng gặp lại cô ta sao?”

“Chắn chắn! Hắn vốn nghĩ, tìm ba mẹ con nhà đó không khó, nào biết về sau thành tiến không được lùi chẳng xong.”

Dạ Minh Sinh tấm tắc than thở.

Tô Vọng Ngôn ngờ vực hỏi: “Biển người mênh mông, tìm kiếm một người đàn bà không tên không họ cũng như mò kim đáy bể, sao có thể nói là không khó đây?”

Dạ Minh Sinh vỗ đùi, nói: “Lạ chính là ở chỗ này! Sau khi người đàn bà ôm con rời đi, tam ca quay về cạnh ao, vô tình thấy có vật gì đó phát sáng trong bụi cỏ lúc nãy hai đứa bé ngồi chơi, bèn nhìn kỹ mới phát hiện, thì ra mấy hòn đá hai huynh muội nhà đó đùa nghịch, tất cả đều là trân châu. Viên nào cũng to bằng ngón tay cái, chừng vài chục viên đều ném lại trong bụi cỏ!”

“Xưa có Hàn Yên(14) dùng vàng làm đạn, bắn rơi chim tước, ngày nay lại có hai đứa bé chơi đùa bằng trân châu, kể cũng không khiến con cháu Ngũ Lăng(15) phải một mình một cõi.” Vi Trường Ca nói rồi cười nhạt. “Có điều, Hàn Yên được Hán Vũ Đế sủng ái, ban cho quá nhiều mới nghĩ tới bắt chước Đặng Thông(16) làm trò đó. Mấy mẹ con kia không biết lai lịch thế nào lại còn vượt xa cả Hàn Yên, Đặng Thông.”

(14) Sử ký: Hàn Yên là cháu Cung Cao Hầu, lúc còn nhỏ là thư đồng của Hán Vũ Đế, sau được vua sủng ái, trở nên cực kỳ giàu có, ở Trường An dùng vàng làm đạn săn bắn, người nghèo luôn đi sau, đánh giết lẫn nhau để nhặt vàng rơi.

(15) Ngũ Lăng: Vùng đất phía Tây kinh thành Trường An thời Hán, Đường, nay là thành phố Tây An phía bắc tỉnh Thiểm Tây. Ở đó có lăng mộ năm vua Hán, về sau tập trung nhiều quan lại quý tộc. “Ngũ lăng niên thiếu” chỉ con nhà giàu sang quyền quý.

(16) Theo Sử kí thì Đặng Thông là bầy tôi yêu quý của Hán Vũ Đế, có lần bị thầy bói bảo sau này chết đói, vua nghe được bèn ban cho núi Thục, cho phép tự đúc tiền tiêu, gọi là tiền Đặng Thông.

Tô Vọng Ngôn nói: “Tiêu tiền như nước, nhất định là tiểu thư nhà giàu, không phải gia đình quyền quý thì cũng là nhà buôn bán lớn!”

Dạ Minh Sinh bèn hỏi: “Xin hỏi công tử, có được mấy nhà như vậy?”

Tô Vọng Ngôn trả lời: “Nhà buôn giàu có thì nhiều, nhưng những nhà ấy thường càng giàu càng giữ chặt tiền. Kiểu coi tiền như rác thì mười phần chỉ được một, hai.” Y trầm ngâm một chút rồi lại nói: “Nếu là người trong võ lâm, vậy chỉ có Thiên Hạ Bảo, Giang Nam diêm bang(17), Tái Bắc mục tràng(18), Nam Hải giao vương(19) cùng một vài thế gia nổi danh nữa mà thôi. Nếu đều không phải thì nhất định là xuất thân từ nhà quan lại.”

(17) Bang hội buôn muối Giang Nam

(18) Trại buôn ngựa miền Bắc.

(19) Vua trên vùng biển phía Nam.

Thiết Cước Đường chen lời: “Nói như vậy, hẳn là phải dễ tìm mới đúng? Nàng ta người đất Xuyên, xuất thân nhà giàu, gả tới Đông Bắc, có hai con, lại là một quả phụ. Gộp tất cả những điều kiện này lại, người phù hợp chắc đếm không quá mười đầu ngón tay, dù lần theo từng người thì cũng chưa tới một năm là tìm được.”

Dạ Minh Sinh cười lạnh, nói: “Thực dễ vậy thì đã tốt. Suốt ba mươi năm, tam ca ngày đêm mong nhớ, lẽ nào cái lý ấy cũng không hay? Đã nói đến đây, ta cũng chẳng lừa các ngươi làm gì, năm ấy lão tam đến cả Đường Môn(20) cũng đã xông vào nhưng vẫn không thấy. Ba mươi năm nay, một chút tin tức cũng không có.”

(20) Đường Môn: Thường xuất hiện trong tiểu thuyết võ hiệp như một môn phái chuyên dùng độc ở Tứ Xuyên.

Mọi người nhìn nhau ngơ ngác.

Thiết Cước Đường lẩm bẩm: “Lão tam vì tìm nàng mà cả Đường Môn cũng dám vào, lẽ nào thực sự chẳng cần mạng nữa…”

Một lúc sau, Vi Trường Ca mới khẽ ngâm: “Đến hứa hẹn suông, đi biệt tăm. Lại cách non Bồng xa vạn dặm(21)… Nàng ta nổi bật như vậy, đáng lẽ phải rất dễ tìm mới đúng, Hoa tam gia đã tìm nhiều năm như vậy, sao vẫn chẳng thấy bóng dáng?”

(21) Nguyên văn: “Lai thị không ngôn khứ tuyệt tung. Cánh cách Bồng Sơn nhất vạn trùng.” Trích câu đầu và câu cuối của bài Vô đề tứ thủ kỳ 1 (Bài đầu trong bốn bài thơ không đề) của tác giả Lý Thương Ẩn (thời Đường). Đại ý: Bài thơ nói về một mối quan hệ tình cảm (không nhất thiết là tình yêu nam nữ) xa cách và nỗi lòng của người bị bỏ lại không biết cách nào tìm kiếm cố tri. Ở đây Vi Trường Ca có ý so sánh câu chuyện gặp gỡ của Hoa Hòa Thượng với người phụ nữ lạ.

Dạ Minh Sinh lắc đầu không đáp.

Tô Vọng Ngôn cười cười. “Biển người mênh mông, cùng trời cuối đất, muốn tìm một người đâu có dễ vậy? Dù người ngươi muốn tìm chỉ cách có một bức tường, cũng làm sao mà biết?”

Vi Trường Ca hoảng hốt một hồi, cuối cùng cười, nói: “Không sai!” Rồi lại hỏi: “Vọng Ngôn, ngươi có cảm thấy lời người đàn bà đó nói hơi kỳ quái không?”

Tô Vọng Ngôn gật đầu. “Ừm, nàng nói thói đời gian dối, nghe cứ như gặp oan ức mà không có chỗ kêu cầu.”

Vi Trường Ca cảm thán. “Một người đàn bà xuất chúng như vậy, không biết có điều gì uất ức đến độ phải thốt lên những lời ấy?”

“Chuyện ấy Hoa tam gia nghĩ ba mươi năm còn chẳng ra, chúng ta chỉ bằng vài câu chuyện phiếm thì sao có thể hiểu được?” Đã gần chính Ngọ(22), Tô Vọng Ngôn đứng dậy, cười. “Vấn đề của Hoa tam gia, chúng ta nhất định sẽ cố hết sức, bất kể tra được manh mối gì, cũng sẽ dùng khoái mã báo tin cho các vị, xin hãy yên tâm!”

(22) Giờ Ngọ: Từ khoảng 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều, chính ngọ là lúc giữa trưa.

Lục Sửu hiểu ý, đồng loạt đứng lên cáo từ.

Hai người Vi, Tô tiễn tới cửa, Lục Sửu nói câu cảm tạ một lần nữa mới chịu rời đi. Vô Thị Phi nấn ná phía cuối, thỉnh thoảng lại ngoảnh nhìn Tô Vọng Ngôn. Tô Vọng Ngôn bước tới, hỏi khẽ: “Ngươi còn gì muốn nói với ta sao?” Vô Thị Phi gật mạnh đầu, rồi lại quay sang nhìn mấy vị huynh đệ đằng trước. Tô Vọng Ngôn xoay người, liếc Vi Trường Ca ra hiệu, y hiểu ý, bèn gật nhẹ rồi bước vượt lên trên Lục Sửu, vừa đi bên cạnh vừa bắt chuyện tán gẫu. Tô Vọng Ngôn cúi đầu nhìn Vô Thị Phi, cười mỉm. “Được rồi, các vị huynh đệ sẽ chờ ngươi ở cửa, có chuyện gì cần nói với ta?”

Vô Thị Phi cười cười, rụt rè, “nói”: “Ta nói với đại ca, nhị ca nhưng họ đều không tin, bảo ta nghĩ nhiều. Ngôi làng đó thực sự cổ quái!”

Tô Vọng Ngôn nói: “Làng đó làm sao?”

Vô Thị Phi hoa chân múa tay, không ngừng “giải thích”: “Làng đó có một quả phụ dời nhà đi chỗ khác.” Thấy vẻ mặt Tô Vọng Ngôn đầy khó hiểu, hắn lại thêm vào: “Nơi chúng ta trú mưa chính là hiên nhà của quả phụ đó, nhưng sau khi tam ca qua đời, ta đưa đại ca và mọi người tới thì quả phụ đó đã dọn nhà đi rồi.”

Tô Vọng Ngôn trầm ngâm: “Chính là quả phụ tái giá mà Đường nhị gia nhắc tới sao? Người bình thường chồng chết thì vợ tái giá, cũng chẳng phải chuyện lạ, biết đâu chỉ là trùng hợp…”

Vô Thị Phi có chút sốt ruột, lắc đầu liên tục, vội vàng “nói”: “Tam ca có nói chuyện với người đàn bà đó!”

Tô Vọng Ngôn ngẩn ra, cũng dùng tay ra dấu, hỏi: “Họ nói chuyện gì?”

Vô Thị Phi “đáp”: “Tam ca bảo ta đi trước, hắn có chuyện muốn hỏi quả phụ, cách quá xa, tam ca lại quay lưng về phía ta, không rõ họ nói với nhau những gì… Có điều, quả phụ nghe tam ca nói xong, mặt liền biến sắc, gần như lúng túng kinh hoàng. Hình như nàng có thốt lên: “Đó là con ta”, với mấy lời lung tung lộn xộn: “Ta không biết, ta không biết”, rồi đẩy cửa chạy vào trong. Cách quá xa nên ta cũng nhìn không rõ.”

Hắn đang nói bỗng trông thấy sắc mặt Tô Vọng Ngôn, bèn hoảng sợ ngừng lại.

Tô Vọng Ngôn đứng ngẩn ra, nhíu hàng lông mày, nghĩ một lát rồi hỏi: “Nàng ta còn nói gì nữa?”

“… Không gì cả… Nàng ta chỉ luôn miệng nói ta không biết mà thôi.”

“Có phải quả phụ kia khoảng chừng hai mươi tám, hai mươi chín tuổi, mặc áo hồng đào, váy nguyệt hoa, mắt phượng mày ngài, có vài phần xinh đẹp không?”

Y hỏi một câu, Vô Thị Phi gật đầu một cái, hỏi xong, y khẽ thở dài. “Hóa ra là nàng…”

Vô Thị Phi nhìn y đầy hoang mang.

Trong mắt y xẹt qua một tia miễn cưỡng, cuối cùng hỏi: “Có phải quả phụ đó họ Cố, người ta vẫn hay gọi nàng là Cố tẩu?”

Vô Thị Phi kinh ngạc há hốc miệng.

Tô Vọng Ngôn lại chỉ cười yếu ớt.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.