Qua ba ngày rồi, Bạch Liên với Chung hậu còn ngồi nghị sự, xảy thấy quân kỳ bài vào tâu rằng: - Sở vương phong cho Do Minh làm chủ soái đem binh tới khiêu chiến trước dinh.
Chung hậu nghe báo cả buồn, biết mình phai vương mang tai nạn, lúc trước lời thầy có dặn: Tới Hoài Nam phải phòng thất sát thần. Chung hậu than thở hồi lâu, Bạch Liên mới khuyên can rằng:
- Sự tai nạn tự nơi trời định, hiền muộn chớ buồn rầu, trong sáu ngày đại hạn sẽ qua, chừng ấy có thuốc tiên gia cứu tử.
Chung hậu bèn biểu Thoại Hoa đưa ấn kiếm ra dâng cho Bạch Liên Thánh mẫu. Bạch Liên lãnh rồi, liền họa ra ba đạo linh phù, một đạo thời đốt hòa cho uống, còn hai đạo gói vào trong tóc cho Chung nương nương. Chung hậu lại biểu mấy vị Vương tức đi theo bảo hộ đề phòng, còn Điền Đơn thì đi tiên phong giáp trận. Điều khiển xong rồi phát ba tiếng pháo. Chung hậu buông ngựa xông ra trước trận. Do Minh sai Ngũ Cường hươi thương đối địch. Chung hậu hỏi:
- Tướng Sở tên họ là gì? Ai gia chẳng giết đứa vô danh, vậy hãy biểu Dưỡng Do Minh ra đây nói chuyện.
Do Minh nghe nói cả cười, Ngũ Cường hươi thương đâm tới, đánh được mười hiệp, Ngũ Cường quất ngựa chạy dài, Chung hậu cũng giục thú đuổi theo. Do Minh nghe rất mừng, bèn lấy cả Đả quỷ thần tiễn tế lên và kêu rằng:
-Chung hậu chớ ỷ thế mà hành hung, hãy xem bửu bối của ta.
Chung hậu nghe nói có phép thì ngửa mặt lên xem, muốn tránh mà không kịp, bị thần tiễn sa xuống trúng nơi vai bên tay mặt. Trong giây lát, Chung hậu mặt mày xây xẩm, gần muốn nhào xuống ngựa.
Điền Đơn tuốt gươm ra bảo giá và đánh với Ngũ Cường còn bốn vị Vương phi nương phò Quốc mẫu về dinh an dưỡng, Do Minh thấy Chung hậu đã bị tên rồi, bèn truyền lịnh áp ra hỗn chiến. Những là Đông Bình vương phu nhân là Sạ Độ Kim, Tảo Tần vương phụ nhân là Hoài Kim Định, Đông Binh hầu phu nhân là Huỳnh Anh, Nam Việt hầu phu nhân là Quan Tố Trinh, Hoài Khanh hầu phu nhân là Trương Túy Bình, Tiểu Nguyên vương phu nhân là Thiên Hoa công chúa, Đại nguyên vương là Cáp Phi Long, Tiểu Nguyên vương là Cáp Phi Hồ, Trấn Giang vương là Tiêu Man, Tảo Tần vương là Thân Vân Long, Đông Bình vương là Vương Cái, Đông Bình hầu là Thạch Phụng, Nam Việt hầu là Lý Kiến Phong, Hoàng Khanh hầu là Bá Trinh, Hoài An hầu là An Thế Long, Võ Dương hầu là Bá An, cùng Hạ Trung, Hạng Trí, Do Nhơn, Đơn Nghĩa, Huyết Hồ, Ngô Khởi, Thân Kiệt, Trương Siêu, Thân Long, Thân Hổ và các tướng khác nữa rất nhiều kể không xiết. Còn bên Tề thời Liêm Thoại Hoa, Đào Kim Định, Mông Ngọc Trinh, Mông Ngọc Nga, Điền Côn, Điền Đơn, Vương Bình, Quốc Anh, Tống Thiên, Tống Vạn, Vương Trung, Vương Nghĩa, Chung Long và Chung Hổ.
Binh Sở tính hết bốn mươi vạn còn binh Tề thời có mười muôn. Hai bên giáp chiến, trời sầu đất thảm, quỷ khóc thần kêu, đánh đã hơn mấy giờ, mà chưa phân thắng bại. Bạch Liên thấy tỷ số xê dịch rất nhiều, e khi cự chẳng kham, liền niệm chú hô phong, trở mặt qua phía Đông nam, hớp không khí phun ra một cái, tức thì gió phía Đông Nam thổi tới, làm cho cây ngả cát bay, Sở binh chẳng biện Đông Tây, cùng nhau ùn ùn bỏ chạy. Trương Túy Bình thấy vậy bèn niệm chú chỉ phong. Mông Ngọc Nga thấy phá phép nổi xung, tế cây Truy hồn chữ lên giữa không trung sáng giới, rồi kêu Sở phụ bảo rằng:
-Hãy xem bửu bối của ta.
Trương Túy Bình chẳng kịp đề phòng bị một cây truy hồn đánh xuống dập đầu, hồn Trương thị chơi chín suối. Năm vị phu nhân Sở xem thấy, đều hươi thương tới đánh nhầu với Ngọc Nga. Ngọc Trinh hươi đao xông ra tế cái Kim cúc lên đánh Huỳnh Nguyệt Anh bị thương, bốn vị phu nhân kia liền thâu binh đem Nguyệt Anh trở lại, Bạch Liên lại niệm chú hô phong, binh Sở thất cơ tở mở. Do Minh thấy đánh không lại bèn minh kim thâu quân sĩ về rồi cùng nhau lấy linh đơn điều trị cho Nguyệt Anh và tẩn liệm thi hài Trương phu nhân mà an táng, rồi về thành đem các sự tâu qua với Sở chúa rằng:
- Vô Diệm đã bị thần tiễn, trong bảy ngày sẽ trừ an mối họa.
Thánh vượng cả mừng, bèn sai quan Lễ bộ đi phong tặng cho Trương Thị phu nhân.
Nói về Bạch Liên nghe bên Sở minh kiểng thâu binh cũng liền truyền lịnh rút quân mình về dinh an nghỉ, Tuyên vương ra tiếp rước ân cần thẳng vào hậu dinh hỏi thăm Chung hậu. Đến nơi thấy hai mắt nhắm híp, miệng thời mở không ra, mặt xanh như chàm, nằm trên long sàng thiêm thiếp, còn chỗ vết thương tứ vi máu chảy, mũi tên còn năm tấc ở ngoài. Tuyên vương xem rồi than khóc kêu trời, không ngờ đem vợ mình đến Hoài Nam mà bỏ mạng. Điền Đơn, Điền Côn và bốn người Vương tức đều lụy ngọc nhỏ sa, cùng nhau than khóc vang nhà, Bạch Liên khi ấy mới phán qua sau trước rằng:
- Bệ hạ chớ nên than khóc, ấy là tai kiếp của nương nuơng đã tới, trong sáu ngày mới đặng hồi dương, khi ấy có một vị tiên nhân đến cứu mạng.
Bạch Liên nói như vậy, Tuyên vương cùng nội nhà mới bớt sự sầu bi.
Điền Đơn khi ấy tâu rằng:
- Lúc con lâm biệt, sư phụ có đưa cho một phong giản thiếp , dặn đến Hoài Nam khi Quốc mẫu lâm nạn hãy mở ra, bây giờ con có đem theo, xin mở xem cho rõ.
Nói rồi lấy thơ dâng cho Tuyên vương xem. Tuyên vương coi thấy có hai câu như vầy:
\"Dục cứu Nương nương mạng, tảo thỉnh Văn Khúc Tinh\".
Tuyên vương thấy chữ đề như vậy mà không biết Văn Khúc Tinh ở đâu, bèn hỏi Bạch Liên Thánh Mẫu rằng:
- Bây giờ Văn Khúc Tinh ở đâu? Xin tiên cô phán tỏ.
Bạch Liên vội vàng lấy một cây lịnh tiễn, giao cho lão tướng Vương Trung mà dặn rằng:
-Từ đây qua hướng Đông ước chừng ba mươi dặm, có một người ở nơi quán khách bây giờ, ấy là Văn Khúc Tinh. Lão tướng hãy thỉnh về đây, chớ có nên trễ nải.
Vương Trung vâng lịnh vội vã ra đi.
Đây nhắc lại khi Huỳnh Nguyên từ biệt mẫu thân, liền dẫn một đạo binh thẳng tới Du Giang thành, đồn trú lại đó, một mình một ngựa chỉ dặm Hạnh Hoa Tân. Chẳng bao lâu đã đến Khổng Động Sơn, xem thấy Hiển Quang động hoa cười chim nói, cẩm tú khác thường, trước cửa động lại có tấm biển bằng đá, đề bốn chữ: Thánh Thủ Thần Y. Huỳnh Nguyên xem tỏ rõ có ý mừng thầm và nghĩ rằng: Ông Tiên này chắc làm thuốc hay lắm, nếu ta chẳng sớm lên ắt bị Tề thần rước mất. Nghĩ rồi bèn bước thẳng tới, gặp một tên đạo đồng chạy ra hỏi rằng:
- Ngươi có phải là Hoài Nam tiểu tướng, vì mẹ bị tên Quỷ tiễn nên phải tới đây chăng?
Huỳnh Nguyên rất lẹ trí, nghe hỏi như vậy bèn chịu, đáp rằng:
- Đạo huynh nói trúng chẳng sai xin người vào bạch quá với Chơn Nhơn cho tiểu tướng hầu ra mắt.
Đạo đồng nói:
- Sư phụ ta đã biết trước, biểu ta ra đây đón rước đã lâu.
Nói rồi dắt Huỳnh Nguyên vào giữa trung đường mà ra mắt. Huỳnh Nguyên khi đến nơi thấy một người ngồi giữa, đầu trắng như tuyết, râu buột năm chòm, mình mặc đạo bào, chân mang giày đỏ, bèn bước tới quỳ lạy thưa rằng:
- Đệ tử vì thân sanh lâm bịnh, nên phải tới đây cầu thỉnh tiên nhân, như mẹ tôi tật bịnh tiêu trừ, thời ân đức ấy xem tày non biển.
- Quý nhân vì Chung quốc mẫu nên chẳng từ lao khổ mà tới đây, lòng trung hiếu đã động tới trời bần đạo không lẽ từ nan mà chẳng đến.
Nói rồi đi thẳng vào thơ phòng, viết phong thơ để lại và dặn đạo đồng rằng:
- Đệ tử hãy ở nhà giữ động, nay mai có ai tới hỏi thì sẽ đưa phong thư này.
Đạo đồng vâng lịnh, Tôn Thánh chơn nhơn vội vàng lên lưng cọp đi trước, Huỳnh Nguyên nối gót theo sau, đi chẳng bao lâu đã về tới Soái phủ vào sau hậu Sở trà nước xong rồi đi nghỉ ngơi.
Còn lão tướng Vương Trung vâng lịnh đi qua phía Đông được hơn chục dặm, tới kiếm tứ phương dáo dác, chẳng thấy ai ai là Văn Khúc Tinh, bụng đã đói mà rượu lại thèm, bèn vào quán khách tạm dùng một bữa.
Đến quán thấy tên điếm chủ đương cãi với một tên thư sinh, Vương Trung bèn bước lại gần thấy người học trò mình cao tám thước, tướng mạo khôi ngô, biết là người phi thường bèn hỏi rằng:
-Việc chi mà rầy lộn để ta phân xử dùm cho
Điếm chủ thấy người lại can mình mặc áo chiến bào, lưng mang Tru quân kiếm thì biết là người anh hùng hào kiệt, mới phân tỏ rằng:
-Người này không biết liêm sĩ, ở trong quán tôi đã mấy tháng nay, cơm rượu ăn uống no say, chẳng hề trả một đồng một chữ, nay tôi mới hỏi nó, nó lại rầy lộn với tôi xin quan khách xử đoán cho công, ai phải ai chăng cho biết.
Vương Trung mới hỏi tên học trò ấy rằng:
- Người tên họ là chi, vì cớ nào không trả tiền cơm cho chủ quán?
Người học trò rơi lụy và đáp rằng:
-Tôi tên là Tô Tần. Lạc Dương thành quê ngụ vì cửa nhà nghèo khó nên mới đến đỗi này. Dám thưa quý khách thuở bé thơ theo Vương Thiền học đạo, tài kinh luân gồm đủ lược thao, mười năm công nghiệp đã có dư, một thuở công danh chưa gặp hội, anh chị tôi nhiều rúng rảy, tức mình lên nương náu cửa thiền, người chú thứ ba tôi thấy vậy, cho được ít quan tiền tôi mới đi chu du liệt quốc. Tôi có nghe nói Chung vương hậu là người nhân đức, còn Tuyên vương cũng một vị vua hiền, tôi muốn tìm qua tỏ sự kinh quyền, vì lộ phí chưa có tiền chi dụng bởi cớ ấy nên lần lựa ở đây hai tháng, chẳng có là chi trả cho quán chủ ít nhiều, người không rộng dung mắng nhiếc nhiều lời thái quá, xin quý nhân lượng tình suy xét.
Vương Trung nghe nói, mới nghĩ rằng: Thánh mẫu biểu ta đi tìm Văn Khúc Tinh là người ở Lạc Dương, nay ta kiếm đã cùng đường, Văn Khúc Tinh ở đâu chẳng thấy, tên học trò này cũng ở tỉnh ấy mà ra, chắc nó cũng biết được gần xa, để ta đem nó về, tâu cùng Thánh mẫu đặng rõ. Nghĩ rồi bèn hỏi chủ quán rằng:
- Người này thiếu đủ là bao nhiêu? Ta xin trả thế.
Điếm chủ bèn tính hết là ba lượng năm chỉ, Vương Trung nói:
- Có bao nhiêu đó mà khéo làm rộn, thời thơ sanh hãy tới tới đây ăn uống với ta chơi, rồi ra sẽ trả một lần luôn thể.
Tô Tần mặt có sắc thẹn, Vương Trung bèn nắm tay dắt lại mời ngồi, Tô Tần hết lòng cảm tạ! Vương Trung nói:
- Sách có chữ: Tứ hải giai huynh đệ.
Khi đương ăn uống, Tô Tần hỏi rằng:
- Chẳng biết tướng quân tên họ là chi, xin nói cho tiểu sanh sớm biết?
Vương Trung đáp:
-Tôi vốn người nước Tống nay về quy thuận Tề, tên gọi là Vương Trung. Nay vì Chung hậu bị tên Đả quỷ thần, Tiên cô bèn sai đi rước Văn Khúc Tinh, nên mới tới đây mà không biết đâu tìm kiếm.
Tô Tần nói:
-Tôi có nghe Dương Do Minh có thứ tên ấy, thiệt là lợi hại vô cùng, nếu ai bị trong bảy ngày ắt là vong mạng, dẫu thần tiên cũng khó cứu cho lành, nhưng tiểu sanh có một người bạn thiết tên là Biển Thước Thần Y, tu hành tại động Hiển Quang, hay chữa đặng bịnh kỳ nan tạp quái. Vậy để tiểu sinh xin theo tướng quân trở về tâu lại rồi tôi xin đi rước người đạo hữu của tôi xuống cứu mới khỏi.
Vương Trung nghe nói cả mừng, liền kêu điếm chủ tới tính tiền trả hết. Rồi hai người lên lưng ngựa tuốt thẳng về Tề dinh.
Khi Vương Trung dắt Tô Tần về đến quân dinh, vào phục chỉ cho Tuyên vương và Thánh mẫu hay, Thánh mẫu hỏi:
-Lão tướng đã về có kiếm được Văn Khúc Tinh hay chăng?
Vương Trung tâu:
-Tôi tới quán khách, kiếm đà hết sức, gặp một cử tử cũng quê ở Lạc Dương, y biết tới căn bịnh của Nương nương và nói rằng: Y có một người bạn thiết có thần dược điều trị như chơi, vậy nên tôi có dẫn về theo kiến giá, không biết có phải Văn Khúc Tinh là người đó hay không?
Bạch Liên nghe nói cả mừng! Tuyên vương liền triệu Tô Tần vào trướng. Tô Tần tới Huỳnh la trướng, quỳ lạy tung hô xong rồi, Tuyên vương truyền lệnh cho ngồi và nói rằng:
-Trẫm nghe tiếng Tô tiên sanh đã lâu lắm, trong bụng đầy tế thế kinh luân, nay gặp đây cũng là hữu hạnh tam sanh. Quả nhân thiệt rất nên mừng rỡ! Mới đây nghe Vương Trung nói tiên sanh có một người đạo hữu, chữa được cái tên Đả quỷ thần, lời đó giả hay là chân, xin nói cho Quả nhân rõ với?
Tô Tần đứng dậy tâu rằng:
-Tôi có một người anh em bạn, thiên hạ đều gọi là Biển Thước Thần Y, bất kể là căn bịnh chi, người cũng có thần phương điều trị.
Tuyên vương hỏi:
-Vậy chớ người đó bây giờ ở đâu?
Tô Tần tâu:
-Cách ba năm về trước tôi có đi qua nước Việt, lúc trở về ngang qua động Hiển Quang có gặp người, người lại cầm tôi ở đó chơi ít bữa, rồi dặn tôi rằng: Tới năm nay, ngày này tháng này, Tề, Sở giao binh cấu oán, Chung hậu phải bị cái Đả quỷ thần tiễn của Dưỡng Do Cơ, thời ngu thần phải lên động rước người xuống cứu. Bây giờ từ đây lên đó cũng chẳng bao xa cách chừng trăm dặm đường.
Bạch Liên đà biết rõ, Tuyên vương cả mừng vô cùng! Bèn kêu Tô Tần mà phán rằng:
-Tô tiên sanh! Trẫm phong cho khanh Hàn Lâm Viện Thị Giảng Học Sĩ, làm chức Tả thừa tướng Tề triều. Vậy hãy đi cùng lão tướng Vương Trung, tới tiên động thỉnh Thần Y cho gấp mới đặng, Quả nhân sẽ ở nhà trông đợi, tiên sanh đừng có trễ nãi luống công.
Phán rồi bèn truyền nội thần đem áo mão Tề tướng ban cho Tô Tần. Tô Tần lãnh lấy, tạ ơn Thiên tử rồi lui ra, hai người sửa soạn xong, lên ngựa thẳng dong tới động Hiển Quang lập tức.
Hai người đi chẳng bao lâu đã đến trước cửa động, tên Đạo Đồng gặp mặt mừng rỡ, hỏi rằng:
-Tô cử tử tới đây có việc chi?
Tô Tần đáp:
-Ta đến đây ra mắt đạo huynh, vì có việc cần kíp.
Đạo đồng nói:
-Thầy tôi đã đi phương xa rồi, không biết ngày nào người trở về, lúc ra đi có viết để lại một phong thơ dặn tôi ngày nay có ai tới kiếm, thì đưa ra sẽ biết.
Đạo đồng nói rồi, bèn dắt Tô Tần và Vương Trung vào động, lấy thơ đưa ra, Tô Tần mở xem, thấy có tám câu như vầy.
Để lại thơ này dặn cố nhân
Cùng nhau cách mặt đã ba xuân
Vương Trung bỗng gặp người tri kỷ
Thừa tướng vinh phong chức trụ thần
Quốc mẫu bị tên thời dùng mỗ
Tiểu vương nhỏ tuổi biết gì thân
Muốn hay ta ở đâu mà rước
Thành huyện Du Giang phải tới gần
Xem thơ xong rồi, Vương Trung nói:
-Bây giờ chúng ta ở đây cũng vô ích, phải trở qua thành Du Giang rước Thần Y thời hay hơn.
Tô Tần đáp rằng:
- Cha con Huỳnh Cái ở thành Du Giang thiệt là kiêu dũng, chúng ta dầu có tới đó cũng vô công, chi bằng trở về tâu mới Thánh mẫu mới xong, người ắt có thần mưu diệu toán.
Vương Trung không nghe lời, cứ một hai đòi đi tới Du Giang cho được. Tô Tần cực chẳng đã cũng phải nghe theo, cùng nhau tới Du Giang huyện.
Nói về Huỳnh Nguyên từ khi rước Biển Thước đem về tới nay, hàng ngày dọn tiệc rượu vui vầy, còn đêm thời bỏ vào trong tịnh thất, ngoài có năm trăm quân canh giữ, chẳng có thố lộ sự tình. Lúc này đang trà rượu trong dinh, bỗng thấy quân kỳ bài chạy vào phi báo là có một viên Tề tướng xưng rằng tới đây rước Thần y còn đang thảo chiến ngoài thành, xin Tiên phong phát binh cự địch.
Huỳnh Nguyên nghe báo cả cười bèn truyền quân giữ gìn Biển Thước cho cẩn thận rồi cầm chùy lên ngựa, mở cửa thành xông ra (trong lúc này Huỳnh Cái mắc bận việc nhà nên không hay việc gì hết). Huỳnh Nguyên ra ngựa, thấy Vương Trung tuổi tác đã già, bèn hỏi rằng:
-Tướng Tề tên họ là gì?
Vương Trung đáp:
-Ta là Tề quốc Vương Trung lão tướng, tới đây đi rước Thần Y, vậy chớ cháu tên họ là chi, hãy nói đi cho ông biết?
Huỳnh Nguyên đáp:
-Ta là Sở thành vương giá hạ, chức Tiên phong, danh gọi là Huỳnh Nguyên, bốn biển đều nghe tên, ông hãy đi về kẻo chết.
Vương Trung nói:
-Thằng nhỏ đừng nói phát, ta có giết mày cũng nhơ danh, hãy đưa Biển Thước ra đây, bằng không thời chớ trách.
Huỳnh Nguyên nghe nói cả giận, hươi chùy tới đánh Vương Trung, Vương Trung cũng đưa thương ra đỡ, đánh ngựa chưa đầy hai chục hiệp, Vương Trung đuối sức bị trúng một chùy nơi bắp đùi tức thì nhào lăn xuống ngựa. Quân Sở ra bắt trói đem về dinh, Tô Tần thấy vậy thất kinh, quày ngựa chạy bay như gió. Về đến dinh Tề vào tâu tỏ rõ rằng:
- Vương Trung đã bị tướng Sở bắt mà Thần Y cũng bị người ta rước mất rồi.
Tuyên vương nghe nói hỡi ôi, than rằng:
- Ngự thê tánh mạng phen này khó nỗi.
Bạch Liên tâu:
-Thần y tuy là bị Huỳnh Nguyên rước mất mà về sau cũng đem tới đây, xin Bệ hạ chớ ưu sầu mà hao tổn tinh thần.
Tuyên vương nói:
- Nay ngự thê bị thương đã ba bữa, nếu chẳng có thầy ắt hồn phải xuống suối vàng. Vậy bây giờ phải sai tướng tới Du Giang công phá, rước Thần Y cho đặng mới xong.
Bạch Liên y lời, Điền Côn bước ra lãnh mạng. Kế đó lại thấy vợ chồng Điền Đơn cũng ra xin đi, Bạch Liên nói:
- Một mình Điền Côn cũng đủ, đi nhiều có khi trở ngại quân cơ, đôi ba ngày đó hãy đợi chờ, rồi ta sẽ cho đi ứng tiếp.
Khi Điền Côn đắc lịnh, liền cầm thương lên ngựa, dẫn theo tám viên phó tướng và ba ngàn binh thẳng tới Du Giang, sai quân tới dưới thành khiêu chiến.
Còn Huỳnh Nguyên khi bắt đặng Vương Trung, bèn thâu binh về thành, quan Tri huyện ở thành ấy là Châu Văn, liền dọn tiệc hạ công. Đương khi hai người ngồi ăn uống, bỗng thấy quân kỳ bài vào báo rằng:
- Có tướng Tề tới Bắc môn khiêu chiến, nên chúng tôi vào thưa lại cho Tiên phong hay.
Huỳnh Nguyên nghe báo buông chén đứng dậy. Châu tri huyện can rằng:
-Như có tướng Tề đến, xin hãy đợi qua ngày mai, chớ bữa nay trời đã gần tối rồi, phần thời tiểu tướng quân cũng có hơi rượu.
Huỳnh Nguyên nói:
- Sự say rượu chẳng có sao mà ngại, để tôi bắt tướng Tề cho quan huyện cười chơi.
Nói rồi truyền quân phát pháo khai thành, cầm ngăn chùy xông ra trước trận. Điền Côn thấy tướng Sở tuổi vừa hai sáu, tướng mạo phi phàm, bèn nói rằng:
- Bớ Huỳnh Nguyên, đừng có ỷ sức, để ta bắt sống mi cho mi coi.
Huỳnh Nguyên nghe nói tức cười và biết Điền Côn là một người võ nghệ cao cường, bèn hỏi:
- Bớ Điền Côn, mi có tài chưa hay giỏi ra sao mà dám tới đây đối địch với ta, như người đánh đặng ăn, thời ta sẽ đưa Thần Y giao lại, bằng người liệu bề địch với ta không nổi, thời đi về đừng có đánh đập làm chi mệt sức.
Điền Côn nghe nói nổi giận liền giục ngựa hươi ngân thương đâm tới, Huỳnh Nguyên cũng đưa chùy ra ngăn đỡ. Chốn sa trường anh em đánh lộn, thiệt như cọp với rồng gặp hội mưa mây, người tay cao lại gặp kẻ cao tay, hơn trăm hiệp chưa phân thắng bại. Lúc này trời cũng đã tối, Châu tri huyện minh kiểng thâu binh, hai đàng ai về dinh nấy, đợi tảng sáng nhứt trướng sanh tử.
Qua ngày sau, hai người lại hỗn chiến cùng nhau hơn một trăm hiệp nữa, mà sức cũng cầm đồng. Điền Côn mới sanh ra một kế, đâm bậy một thương bỏ chạy. Huỳnh Nguyên thấy vậy cười rằng:
-Tưởng là người ta không biết, khéo làm kế dối quân, nếu chẳng đuổi ngươi chẳng ra mặt anh hùng, để ta đuổi theo coi làm chi cho biết.
Nói rồi quất ngựa rượt theo, Điền Côn xem thấy cả mừng. Khi nghe lạc ngựa vừa gần, bèn để cây thương xuống, rút cây gươm ra. Huỳnh Nguyên con mắt ngó xa, thấy Điền Côn đã rút gươm ra bèn quày ngựa hươi chùy đứng lại, Điền Côn thấy Huỳnh Nguyên không đuổi thì quày ngựa lại hỗn chiến với nhau, đánh trót một ngày trời hai đàng cũng chưa phân cao thấp, kế thấy bóng mặt trời đã khuất, ai lui về dinh nấy nghỉ ngơi.
Khi Huỳnh Nguyên về tới dinh, Châu tri huyện dọn tiệc vui mừng, rồi thương nghị với nhau rằng:
- Điền Côn thiệt là tay lợi hại, nếu dùng sức mà đánh không xong, vậy phải dùng kế mà bắt nó đi cho rồi, còn ai đâu nữa đến đòi Thần y Biển Thước.
Ăn uống xong xuôi, Huỳnh Nguyên bèn kêu Triệu Thắng, Triệu Năng mà bảo rằng:
- Anh em tướng quân phải đem một ngàn quân cung tiễn đi mai phục nơi Xích Tòng lâm, chờ ta trái bại dẫn Điền Côn đến nơi, hai tướng truyền quân bắn xối ra chẳng nên trái lịnh.
Hai tướng vâng lời, Huỳnh Nguyên lại kêu Ngụy Ninh mà bảo rằng:
- Còn phần tướng quân cũng dẫn một ngàn sĩ tốt đi qua hướng Nam, truyền quân đào lỗ xuống cho sâu, trên mặt đất trải những đồ cây lá, còn dưới hầm thời để câu móc và giăng dây, hễ thấy Điền Côn bị thương chạy qua, dẫn chúng nó cho đi sa xuống đó, rồi đùa quân ra bắt trói lại.
Ngụy Ninh vâng lịnh, Huỳnh Nguyên lại sai Lỗ Tinh, Lỗ Nguyệt dẫn năm ngàn quân đao phủ, đi mai phục phía Bắc môn và dặn rằng:
-Chừng thấy Điền Côn đuổi ta qua phía Bắc Xích Tòng lâ, hai tướng đùa binh tới đốt thiêu dinh trại.
Các tướng đều y như kế lui ra, Huỳnh Nguyên mới trở vào an nghỉ.
Nói về Điền Côn đánh với Huỳnh Nguyên đã hai ngày mà không định hơn thua lòng càng nóng nảy, lo vì không rước được thần y tới cứu, ắt Mẫu hoàng tánh mạng chẳng còn, đêm nằm than thở nỉ non, trông trời mau sáng đặng ra đối địch nữa. Phút chốc đầu canh năm đã tới, bèn truyền quân cơm nước xong rồi kéo đến dưới thành, khiến quân kêu tên họ Huỳnh Nguyên mà bảo mau ra trận tiền cự địch. Quân kỳ bài chạy vào thông báo, Huỳnh Nguyên cũng truyền quân phát pháo xông ra. Hai người gặp mặt nhau, hầm hầm như cọp, kẻ chùy người thương hỗn chiến nhứt trường đánh hơn trăm hiệp, Huỳnh Nguyên giả làm bộ đuối sức, bèn quày ngựa bỏ chạy qua phía Đông Nam. Điền Côn bất ý hờ cơ, cũng giục ngựa đuổi theo bén gót. Huỳnh Nguyên thấy Điền Côn đuổi theo thì cả mừng, liền bay ngựa chạy miết vào rừng. Điền Côn theo vừa tới nửa chừng, phục binh bốn phía ào ra bắn như mưa bấc. Điền Côn hươi thương giục ngựa bỏ chạy qua hướng Nam, chạy vừa được nửa dặm, bỗng nghe tiếng pháo nổ, ba ngàn binh và tá viên thiên tướng đều bị sa hầm. Điền Côn vội vã rút gươm ra cắt đứt dây câu liêm và cũng thời may, nhờ con Long cu hí lên một tiếng bèn nhảy bổng lên đặng khỏi hầm, rồi quất ngựa chạy qua hướng Bắc, ngó về dinh thời thấy lửa đỏ hừng trời, phục binh theo đuổi tới nơi, Điền Côn bị một mũi tên trúng sau lưng sa xuống ngựa.
Lúc đó binh tướng bên Tề bị bắt hết, còn Điền Côn thì chạy lạc vào rừng, tai nghe trống đã thâu không, mới xuống ngựa đứng một mình than thở, cởi nhung bào nhổ tên độc, trời đã tối lại không biết đường ra, một mình suy nghĩ gần xa, muốn tự vận mà đền ơn tri ngộ. Bèn tưởng tới nghĩa vua tôi, tình chồng vợ, hai hàng thêm lụy ức châu sa, mấy thu dư trăm trận xông pha, nay thất thế thua thằng con nít, chết như vậy cũng là chết tức, nhưng đấng anh hùng há húy tử tham sanh, một mình than khóc giữa rừng xanh, thời may có người đến cứu.
Ở gần đó có tên Khổng Đại, là người văn biết võ hay, du sơn ngoạn cảnh hằng ngày, săn thú bắn chim hằng bữa, vừa lúc đuổi theo con thú trời tối rồi chưa kịp về nhà.
- Ai làm gì than khóc, hãy phân tỏ cho ta nghe? Vậy chớ ngươi tên họ là gì, việc chi mà tới một mình trong núi?
Điền Côn nghe có tiếng người kêu hỏi, dưới bóng sao xe tỏ mặt người, tuổi thanh xuân phỏng được ba mươi, mặt lọ chảo, mình cao chín thước. Điền Côn mới lau nước mắt mà đáp rằng:
-Ta người ở Tề quốc, Đông Lộ vương tên gọi là Điền Côn.
Khổng Đại hỏi:
- Có phải là Tiết Kế Nguyên, về đầu Tề mới được phong cho Điền tánh chăng?
Điền Côn đáp phải, Khổng Đại quỳ xuống thưa rằng:
-Tiểu dân không biết xin Vương gia thứ dung.
Điền Côn cầm đứng dậy mà hỏi rằng:
-Tráng sĩ tên họ là chi? Hãy nói cho ta biết với?
Khổng Đại thưa rằng:
-Tôi là cháu năm đời Khổng Tử, Khổng Đại thiệt là tên tôi, nhà tôi ở cũng gần đây, hằng bữa vui theo nghề săn bắn, vì mải theo thú nên trời tối không hay, lại nghe tiếng người than thở ở đây, nên mới tìm đến đặng mà han hỏi.
Điền Côn rơi lụy và thuật lại các việc cho Khổng Đại nghe, Khổng Đại nói:
-Xin mời Vương gia về thảo trang tạm nghỉ, sang ngày tôi sẽ giúp sức với người.
Điền Côn nghe nói cả mừng, liền dắt nhau đi ra khỏi núi. Khổng Đại dẫn đường đi trước, Điền Côn cỡi ngựa theo sau, đi chẳng bao lâu, đã thấy bóng đèn chiếu sáng. Về đến nơi cùng nhau trò chuyện, kế trang đinh dọn cơm rượu dâng lên, cùng nhau trà nước xong rồi, lại lấy thuốc mà thoa nơi vết thương.
Sáng ngày Khổng Đại truyền gia đinh lấy đồng la đánh lên ba hiệp, thấy trang đinh lục tụu tựu tới rất đông, Khổng Đại mới nói rằng:
- Nay có Huỳnh Nguyên thiệt lợi hại, nó phục binh bắn phải Đông Lộ vương gia, bởi cớ ấy nên ta nhóm anh em tới phân qua, khuyên hãy vì ta mà giúp sức.
Trang đinh thưa:
- Nay Trang chủ có lời cậy biểu, anh em tôi không lẽ chối từ.
Khổng Đại cả mừng, bèn tra điểm lại được năm ngàn người cấp phát khí giới đầy đủ. Hai người đều cầm thương lên ngựa, lập tức thẳng tới thành Du Giang.
Nói về Huỳnh Nguyên đắc thắng thâu binh về thành, khiến đem tám viên thiên tướng ra sau hậu dinh giam chung với Vương Trung, còn quân sĩ thời giao cho Châu tri huyện phân cấp vào trong các cơ trại mà canh giữ.
Rạng ngày thấy quân kỳ bài vào báo rằng:
- Điền Côn nay lại đem binh tới, còn đang thảo chiến ngoài thành.
Châu Văn nói:
-Bữa qua ta thấy Điền Côn thua chạy ra phía Bắc, từ đây cách Tề dinh có hơn sáu mươi dặm, đường đi lại có hơn một hai, có lẽ nào khác mà quân kỳ bài báo lộn.
Huỳnh Nguyên nói:
-Hãy để cho tiểu tướng xuất chinh, coi mặt thời biết chân giả.
Nói rồi cầm chùy lên ngựa, mở cửa thành xông ra, thấy một viên tướng mặt mũi đen sì, mình cao lớn có dư chín thước, tay cầm tuyên hoa phủ, con mắt sáng như ngọn đèn. (Tây đẩu tinh quân lâm phàn, ấy là tướng của Khổng Đại) bèn hỏi rằng:
-Thằng hắc mi đi đâu đó phải xưng tên họ cho mau, đặng ta biên tên vào trong bộ công lao rồi ta sẽ đưa mi về chầu Diêm chúa.
Khổng Đại cười và đáp rằng:
-Khổng Phu Tử năm đời Thủy tổ, huỳnh tôn Khổng Đại là ta đây, như cháu biết ông là người nổi danh tại xứ này, thì mau xuống ngựa chịu bó tay kẻo mệt.
Nói rồi hươi búa đánh với Huỳnh Nguyên. Huỳnh Nguyên cũng đưa chùy ra đỡ, hai ngựa cùng nhau day trở, bốn tay múa lộn tợ rồng, thiệt là lục đinh ngộ lục đinh, hảo hớn phùng hảo hớn. Cùng nhau đánh gần trăm hiêp, không ai chịu thua sút ai. Huỳnh Nguyên thình lình đánh bậy một chùy rồi quất ngựa chạy. Khổng Đại biết rằng tuyệt kế, nếu như chẳng theo thời ai rõ mặt anh hùng, nghĩ như vậy bèn kêu Huỳnh Nguyên mà nói rằng:
-Mi dùng kế trá bại, ta đây đã biết mà cũng chẳn glo.
Nói vừa dứt lời giục ngựa đuổi theo, Huỳnh Nguyên thấy Khổng Đại đã tới gần, bèn lấy cái Tử kim phiêu đánh trái ra phía sau, Khổng Đại liền đưa tay bắt đặng rồi đánh lại Huỳnh Nguyên, hai người đánh qua bắt lại cũng không ai hơn ai, đánh cho tới trời chiều, cũng chưa có ai thắng bại.
Nói về Tuyên vương ngồi trong nhung trướng, tính Chung hậu bị thương đã được sáu ngày năm đêm, sai Điền Côn tới công phá Du Giang, cớ sao mà biệt vô âm tín, chắc là địch với Huỳnh Nguyên không nổi, nên không rước được Thần y đem về, đau lòng lụy ứa dầm dề, Thánh mẫu mới buông lời khuyên gián rằng:
-Xin Bệ hạ chớ đem lòng sầu não, nội đêm nay có Tôn thánh tới đây, hễ người tới thời bịnh liền lành ngay, chẳng có can chi phòng lo sợ.
Tuyên vương nói:
-Bây giờ xin phải sai thêm người đặng đến trợ chiến với Điền Côn mới trọn thắng.
Bạch Liên khen phải, Điền Đơn với Vương Nghĩa xin đi, Bạch Liên nói nhỏ với Điền Đơn rằng:\" Phải làm như vậy...\" và đem theo năm chục khẩu oanh thiên đại pháo, tới công phá bốn cửa thành. Hai tướng dẫn theo năm ngàn binh, thẳng tới Du Giang mà ứng tiếp.
Còn Huỳnh Nguyên với Khổng Đại, đánh tới trời gần tối, mà thắng bại cũng chưa phân, Châu tri huyện minh kiểng thâu quân, mà hai người đều say máu ngà đánh mãi. Khổng Đại cũng dùng kế trá bại, Huỳnh Nguyên biết ý, cũng rượt theo, Khổng Đại thấy Huỳnh Nguyên đuổi vừa gần tới nơi, liền lấy một sợi dây quăng ra mà bắt Huỳnh Nguyên cũng đưa tay bắt lấy hai người cầm sợi dây lôi kéo nhùng nhằng, bỗng có một người mặc giáp bạch bào tới hỏi rằng:
- Hai tướng dành nhau vật gì đó?
Hỏi vừa dứt lời liền giương cung bắn trúng sợi dây đứt ra làm hai, hai người đều té xuống ngựa, quân ra cứu đem về bổn trận.
Lúc ấy Điền Đơn đến gặp Điền Côn, anh em mừng rỡ hỏi thăm, Điền Côn bèn thuật lại các việc trúng kế Huỳnh Nguyên, may nhờ có ân nhân là Khổng Đại cứu giúp mà nói lại cho Điền Đơn nghe. Điền Đơn lật đật tạ ơn Khổng Đại.
Khi ba người đương đàm đạo với nhau lại thấy Huyền Nguyên giục ngựa tới khiêu chiến nữa, Khổng Đại muốn ra ngựa, Điền Đơn nói:
-Ân nhân hãy nghỉ sức, để tôi ra đấu lực với thằng này cho.
Nói vừa dứt lời, tay cầm cái lê hoa thương chỉ mặt Huỳnh Nguyên mà mắng rằng:
- Mi là một đứa vô dụng không biết thân sanh phụ mẫu là ai, tuổi năm nay đã đặng mười hai, ăn nhờ của Huỳnh Cái mà khôn lớn, hãy về dinh hỏi mẹ mày cho cặp kê, rồi sẽ tới đây giao chiến với tao.
Huỳnh Nguyên nghe nói nổi xung, lướt tới cùng nhau hỗn chiến (ấy là kế của Bạch Liên thánh mẫu, biểu Điền Đơn nói rõ cho Huỳnh Nguyên hay).
Vương Nghĩa thấy Điền Đơn đã tiếp nhận với Huỳnh Nguyên rồi, bèn phân binh vây thành Du Giang, mỗi cửa đặt hai mươi súng lớn mà bắn vào trong thành, chẳng khác như thiên chẩn lôi oanh, dân trong thành cùng nha cả loạn.
Còn Điền Côn, Khổng Đại và Vương Nghĩa thấy Điền Đơn thế đánh không lại Huỳnh Nguyên, cùng giục ngựa ra mà trợ chiến, một mình Huỳnh Nguyên tả xông hữu đột, một người mà địch với bốn người, cặp thần chùy đỡ ngược đánh xuôi, mà cũng phân bên nào thắng bại. Kế nghe hai bên minh kiểng thâu binh hết, mà trời cũng đã tối rồi, ai lui về dinh trại nấy nghỉ ngơi, đặng tính toán mưu thần chước quỷ.
Nói về Mạnh Thể Vân khi ngồi trong hậu dinh, bỗng nghe súng nổ vang trời thời thất kinh và nghĩ rằng:
- Điện hạ năm nay đã mười hai tuổi, mà không biết tới mẹ cha, nếu ta chẳng nói ra thời biết ngày nào con mới gặp mẹ.
Nghĩ rồi vừa thấy Huỳnh Nguyên vào hậu dinh mà vấn an từ mẫu và hỏi rằng:
- Con ra trận gặp Tề vương Điện hạ nói một chuyện cũng đã tức cười rằng:\"Con không biết cha mẹ là ai, ăn cơm thép mà thành khôn lớn, nó lại biểu con về mà hỏi mẹ lại rồi ra, nó sẽ giao phong. Chẳng biết nó nói ý gì lạ lùng, xin mẹ hãy phân cho con rõ?\"
Mạnh Thể Vân rơi lụy và thuật hết các việc cho Huỳnh Nguyên nghe một hồi. Huỳnh Nguyên nói:
-Như mẹ chẳng nói ra tỏ rõ, thời con có biết Chung Thái Chơn là sanh mẫu của con đâu?
Nói rồi bèn lật đật truyền quân mở trói Vương Trung và các tướng bị bắt thả về Tề dinh mà thông báo trước, còn Mạnh Thể Vân dẫn Huỳnh Nguyên vào trong tư phòng, mở cái hộp ra, lấy ngọc ấn đưa cho Huỳnh Nguyên và dặn rằng:
- Vật này là của Chiêu Dương ấn tín, mẹ cất đã mười hai năm rồi, con phải đem theo mình làm của tin, tới Tề trại mà nhìn cha mẹ.
Huỳnh Nguyễn lãnh lấy ngọc ấn, rồi thẳng tới mật thất mà thưa qua cùng Biển Thước. Biển Thước nói: -Bần đạo tới đây cũng vì Điện hạ có lòng hiếu thảo, đi rước thầy mà cứu binh cho mẫu thân, hễ được báo thời hồi xuân, bây giờ phải đi qua cho gấp.
Huỳnh Nguyên sửa soạn xong rồi, bèn dắt Biển Thước suốt đêm đi qua tề trại.
Nói về Điền Côn, Điền Đơn và Khổng Đại thâu binh về dinh, còn đang lo mưu tính kế xảy thấy quân tiểu hiệu vào báo rằng:
- Nay có Vương Trung với mấy tướng bị bắt trở về, còn đang ở trước quân dinh đợi lịnh.
Điền Côn cho vào, Vương Trung bước tới trước quỳ thưa tỏ hết các lời, anh em Điền Côn mừng rỡ vô hồi. Vương Nghĩa và Khổng Đại nói rằng:
-Không dè Huỳnh Nguyên là con của Chung hậu, thiệt là một tay hảo hớn trên đời!
Khi mấy người còn đang khen ngợi, lại thấy quân vào báo nữa rằng:
-Huỳnh Nguyên với Thần Y đã tới trước quan dinh, xin Vương gia định đoạt.
Điền Côn và Điền Đơn chạy ra nghinh tiếp, nói rằng:
-Chẳng hay sớm Tiên nhân giá lâm, xin cam thất lễ.
Biển Thước nói:
-Bần đạo biết Chung quốc hậu mang cơn tai nạn nhưng bần đạo chẳng dám cãi ý trời, nên bây giờ chậm trễ tới đây, xin hai vị Vương gia thứ tội.
Kế đó Huỳnh Nguyên tới quỳ trước mặt hai anh mà thưa rằng:
-Tiểu đệ đã mười hai tuổi mà chưa biết thân sanh cha mẹ là người nào, đôi ba phen anh em đánh lộn với nhau, xin hai vị Vương huynh tha tội.
Hai vị Vương gia đều đỡ dậy, nói rằng:
- Ngự đệ đừng làm như vậy, hai ngu huynh thiệt chẳng bằng lòng.
Huỳnh Nguyên lại nói:
- Cây thần tiễn vô cùng lợi hại, Dưỡng Do Minh có nói: Quá bảy ngày thời tánh mạng chẳng còn, vậy xin hãy về dinh cho mau, mà cứu Vương mẫu.
Hai vị vương gia liền thỉnh Thần Y và dắt Huỳnh Nguyên trở về dinh Tề tức tốc.
Ba anh em truyền quân bạt trại, rồi thỉnh Biển Thước đi đến Tề dinh. Khi tới nơi Điền Côn vào trước Huỳnh La trướng tâu rõ các việc cho Tuyên vương và Tiên cô hay, ai nấy đều mừng rỡ vô cùng, đồng dắt tay ra trước quân mà tiếp rước. Gặp nhau thi lễ xong, Biển Thước nói:
- Bần đạo chẳng có tài năng chi mà làm nhọc lòng đến Thiên Tử nghinh giá.
Tuyên vương bèn mời Biển Thước và Tiên cô vào ngồi giữa quán trường, còn Tuyên vương ngồi lại một bên, kế thấy Huyền Nguyên tới quỳ lạy tâu rằng:
-Thần nhi tội cam bất hiếu, mười hai năm không biết tới mẹ cha, xin Vương phụ thứ tha vì dưỡng mẫu con mới phân qua tỏ rõ.
Kế thấy Khổng Đại tới triều bái Thiên tử nữa, Tuyên vương hỏi:
-Tướng đó là người nào?
Điền Côn tâu:
-Người này là cháu năm đời Đức Khổng Tử, thật là ân nhân cứu con tên là Khổng Đại.
Tuyên vương khen rằng:
-Thật là con cháu Đức Thánh nhân nên soi truyền trung nghĩa, để trẫm vinh phong tước lộc mà đền ơn cứu nạn vương nhi.
Khổng Đại tạ ơn lui ra, Điền Nguyên tâu:
-Câu thần tiễn rất lợi hại, xin phụ vương mời Thần Y tới điều trị cho Mẫu hoàng, kẻo quá bảy bữa thời không phương cứu tử.
Tuyên vương liền đứng dậy đi trước, Tiên cô và Biển Thước theo sau, đi ra tới hậu dinh thấy Chung hậu nằm trên giường thiêm thiếp, mặt xanh như tàu lá, con mắt mở chẳng ra, Biển Thước xem thấy bèn thở ra mà rằng:
-Ấy là số trời đã định, nên Nương nương phải mắc nạn sáu ngày, để bần đạo xem nơi chỗ bị thương rồi sẽ lo phương điều trị.
Liêm Thoại Hoa liền đỡ nơi cánh tay Chung hậu cho Biển Thước coi, thấy chỗ vết thịt sưng lên năm tấc, bốn phía đều huyết ứ đen sì, giữa bị chỗ tên huyết chảy lâm ly, cây Quỷ tiễn còn lòi ra có một tấc. Biển Thước xem rồi nói rằng:
- Ấy cũng nhờ Tề vương hồng phước và tạ ơn thiên địa quỷ thần, sự tai kiếp Quốc mẫu đã mãn rồi, được đáo hồi xuân không mấy lát.
Nói rồi lấy một hoàn linh đơn ở trong kim hạp đưa ra, xem thấy sáng ngời năm sắc, Biển Thước khi ấy nói rằng:
- Hoàn thuốc này là tiên thiên tạo hóa có bảy mươi hai kiếp huyên công, luyện ở trong lò Bác quái ông Lão quân, lấy nước thánh thủy ở nơi Diêu Trì mà làm đó, bây giờ phải dùng máu người ta ở trong vòng cốt nhục mà hòa với hoàn thuốc này, một nửa thời thoa nơi cánh tay, còn một nửa thời cho Quốc mẫu uống, trong giây lát thần tiễn bay ra lập tức, thân hình lại bình phục như xưa.
Huỳnh Nguyên nghe Biển Thước nói vừa dứt lời, bèn truyền quân lấy cái chén đem đến, rồi cởi tay áo ra, lấy gươm cắt một chỗ máu chảy ra ròng ròng, trong giây phút được chừng nửa chén, đưa lên cho Thần y hòa thuốc mà điều trị cho mẫu thân. Thần y lại lấy một hoàn linh đơn nữa ra, Bạch Liên thánh mẫu lấy nhai rồi phun vào mình Chung hậu, hễ thuốc tiên tới đâu thì hay đó, trong một giờ cây Quỷ Thần tiễn lòi ra sáu tấc có dư, chỗ thịt sưng lần lần hóa tiêu, thất khiếu tam quan đều không hết, khi không thấy nơi cánh tay Chung hậu túa ra một làn khói đen, cây Quỷ tiễn liền trực chỉ về phía Đông Nam bay mất.
Lúc đó Chung hậu đã tỉnh hồn lại, Tuyên vương liền han hỏi trước sau, Chung hậu bèn ngồi dậy cúi đầu tạ ơn Thần y cứu mạng. Lúc đó Chung hậu thấy một vị thanh niên tiểu tướng cũng đứng ở bên long sàng, bèn hỏi rằng:
- Người thiếu niên đó là người nào? Ai gia chưa tường tên họ?
Tuyên vương cười và nói rằng:
- Vậy chớ Ngự thê không biết nó hay sao? Nó là con của Ngự thê! Vì cứu mẹ nên đi rước Thần Y, thích huyết cánh tay mà điều hòa tiên dược.
Chung hậu nói:
- Việc đã cách mười hai năm về trước, Hạ Nghinh Xuân lập mưu độc, chước gian, đem con mèo mà đổi con tôi. Chúa thượng lại bắt tội tôi rằng: Sanh đồ yêu quái, nó muốn làm cho tôi bị hại, mà ý trời có tư vị gì ai, nhờ Thể Vân nuôi dưỡng nên người, ngày nay mới đoàn viên cốt nhục.
Tuyên vương nói:
- Ngự thê hãy nên bảo trọng, chớ oán Cô gia là việc nhiêu khê.
Huỳnh Nguyên khi ấy bước tới gần kề, ôm chân Chung hậu dầm dề lụy ngọc và thưa rằng:
- Con lỗi đạo thần hôn định tỉnh, mười hai năm không biết tới mẹ cha, xin Vương phụ, Vương mẫu thứ tha, con biết tội con đã bất hiếu.
Chung hậu hỏi:
- Vì cớ gì con biết mà nhìn mẹ
Huỳnh Nguyên thuật lại rằng:
- Lúc anh em trận thương giao phong, nghe Vương huynh nói rõ mọi lẽ, chừng về dinh hỏi thăm lại, dưỡng mẫu mới nhắc hết sự tích đầu đuôi, nên con mới biết, đưa Thần y tới đây cứu mẹ.
Chung hậu lại hỏi:
- Vậy con có vật gì làm chứng chăng?
Huỳnh Nguyên liền lấy cái ngọc ấn mà dâng lên cho Chung hậu, Chung hậu cầm lấy ngọc ấn rơi lụy mà rằng:
-Những tưởng mẹ Tề, con Sở, hay đâu cốt nhục trùng phùng, đội ơn hóa công che chở, lại nhờ có Thể Vân bao dung nuôi dưỡng, mười hai năm con luống chịu cơ hàn, mẹ sao đành phú quý vinh hoa, tưởng chừng nào dạ lại xót xa, cũng bởi Nghinh Xuân toan kế độc.
Than rồi lại hỏi:
-Bây giờ dưỡng mẫu con ở đâu?
Huỳnh Nguyên tâu:
-Dưỡng mẫu con nay ở tại thành Du Giang, lúc lâm biệt có dặn con gửi lời kính lạy Mẫu hoàng, mười hai thu cách biệt muốn một thuở tao phùng, cho kẻ đục trong, mới bằng lòng ly biệt.
Chung hậu lại nói:
-Bây giờ cốt nhục đã đoàn tụ, con phải nên cải chánh quy tông, xưa nay con gọi họ Huỳnh, nay cải lại họ Điền mới phải. Phong cho là Xuân Vương vương vị, mẹ con an hưởng giàu sang, chờ cho bình định Sở bang, rồi sẽ rước Mạnh ân nhân về mà đền ơn đáp nghĩa.
Điền Nguyên lạy tạ ơn cha mẹ rồi đứng lại một bên.
Chung hậu truyền quân dọn tiệc mà tạ ơn Thần y cứu tử, lại đáp tạ Tiên cô chi trì quân cơ, cùng tùng chinh văn võ bá quan, một nhà mở tiệc đoàn viên, hết cơn tai nạn gần ngày hiển vinh.
Nói về Huyết Hồ quân sư, tính từ khi Chung hậu bị thương đến nay đã được bảy ngày rồi, trong lòng đương suy nghĩ, chắc là Chung hậu nội ngày nay làm sao cũng phải mạng vong. Lòng mừng khấp khởi nên ngồi đứng không an, mới bước chân ra tới trước quân dinh, thấy một lằn khói đen, ở phía Tây Nam bay tới, rõ biết là cây Đả quỷ thần tiễn, là con rồng đen biến hóa, dùng thủy hỏa bát thập nhất huyền công mà luyện ra, nên mới có làn khói đen như vậy. Huyết Hồ thấy rồi thì đà rõ biết, liền niệm chú tụ báu, tức thì cây thần tiễn sa xuống trong tay, bèn ngỡ chắc là Chung hậu đã chết rồi nên bửu bối mới về lại. Rồi đó cầm cây thần tiễn đi tới dinh Dưỡng Do Minh mà tỏ hết sự tình và giao cây thần tiễn cho Do Minh nguyên soái. Dưỡng Do Minh cả mừng rằng:
-Tổ công tôi có nói: Nếu ai bị cây thần tiễn này thì đủ bảy ngày thì chết, trừ có hoàn Cửu chuyển ngũ hỏa của ông Biển Thước Thần Y mới cứu đặng, chớ kỳ dư thần tiên nào hạ giáng, cũng không làm chi cứu nỗi, vì cớ nào hôm nay còn thiếu nửa ngày nữa bửu bối đã trở về đây? Vậy thì sự Chung hậu tử sanh chưa biết rõ chắc.
Khi hai người còn đang đàm luận với nhau, thấy Trương Siêu và Thân Kiệt bước tới thưa rằng:
-Sao không cho người đến Tề dinh thám thính đặng cho rõ sự giả chân?
Huyết Hồ và Do Minh khen phải, bèn nhóm chúng tướng lại hỏi:
-Bây giờ có ai dám qua bên dinh Tề thám thính, dò coi Chung hậu sống thác thế nào chăng?
Do Minh hỏi luôn ba tiếng, mà không ai dám ra đi, xảy thấy một người lùn nhỏ, hình như con vượn, mặc áo hồng bào bước tới lãnh mạng, Do Minh xem lại, người ấy tên là Mao Toại (nguyên Mao Toại là người ở nước Tấn, ngày trước theo học binh pháp với Tôn Võ Tử, thiên hạ ai cũng biết danh, tới sau Xuân Thu phong kiếm chiến tranh, lại phò Đông Tề tung hoành trong bảy nước). Do Minh cả mừng hỏi rằng:
-Dinh Tề vốn nhiều tướng mạnh, lại thêm mưu trí cũng nhiều, tướng quân hình thể chẳng bao nhiêu, bổn soái sợ qua bên dinh Tề không đặng.
Mao Toại liền nói nhỏ với Do Minh phải làm như vầy, như vầy... Do Minh nổi giận mắng rằng:
-Thằng lùn thiệt là khoe miệng, dám tới đây mà chọc giận soái gia, quân đao phủ hãy đem nó ra đánh đòn rồi đuổi nó đi đâu thì đi cho rảnh.
Do Minh nguyên soái nói vừa dứt lời, quân sĩ áp ra bắt Mao Toại đè xuống. Ngô Khởi cầm côn ra đánh Mao Toại da thịt tan nát, máu chảy dầm dề, bị đánh rồi, Mao Toại quày quả ra đi, thẳng qua dinh Tề dùng khổ nhục kế.
Nói về dinh Tề khi còn đang tiệc rượu, đàn ca trổi dậy vui vầy, bỗng thấy trận gió dữ thổi qua, ai nấy thảy đều rợn ốc. Tiên cô nói:
-Trận gió này có người tới dinh thám thính. Hiền muội phải dự phòng trước.
Biển Thước nói:
- Ấy là họa tinh đáo lai, nó muốn cãi trời sao đặng. Chung hậu liền truyền hội tề chúng tướng bảo rằng:
- Bây giờ có tướng Sở qua đây thám thính phải tương kế tựu kế mới xong, tam quân đều quảy hiếu cư tang, nói Ai gia đã chết, thì nó đem binh tới cướp lấy dinh, hai bên đều mai phục hỏa pháo hỏa binh, còn giữa trung dinh thì để một cái quan tài linh vị.
Chúng tướng đều vâng lịnh, ai lo theo bổn phận ấy mà làm. Chung hậu lại biểu Điền Côn dẫn một muôn binh đi mai phục nơi ngả tư (là đường cái lớn ở trong thành Hoài Nam đi ra), hễ nghe pháo hiệu trong đại dinh thì phải ùa binh ra triệt sát. Rồi đó lại kêu luôn bốn Vương phi tới bảo rằng:
-Bốn con mỗi đứa lãnh binh một vạn, đem mai phục bốn phía dinh, hễ nghe đại pháo ở trung dinh, bốn phía áp ra vây phủ.
Chung hậu dặn rồi lại nói với Bạch Liên rằng:
-Xin tiên cô cho em mượn bửu bối (là tấm sáo của Phật gia). Bạch Liên lấy trong tay áo đưa ra và dạy niệm ba lần cú pháp. Sắp đặt xong rồi, chờ cho tướng Sở tới dinh, sẽ làm y như kế.
Nói về Mao Toại khi đi tới dinh Tề, thấy giữa dinh treo một cây cờ trắng, thì đã có bụng mừng, liền đi tới quân môn, gặp tướng Tề là Tề Trinh với Tề Phụng. Mao Toại liền giả rơi lụy và than rằng:
-Tôi tên là Mao Toại, tướng ở bên Hoài Nam, vì tôi khuyên Do Minh đầu hàng nên bị nó đánh đòn bốn chục, lòng tôi thiệt oan ức, mới tới đây quyết chí đầu hàng, xin các người trước hãy vào tâu, cho tôi theo sau ra mắt thiên tử.
Tề Trinh bèn dẫn Mao Toại tới trước Huỳnh La trướng, đặng ra mắt Tuyên vương.
Khi ấy Mao Toại đến triều bái xong rồi, rơi lụy tâu rằng:
- Chim khôn lựa cây mà đậu, tôi hiền chọn chúa mà thờ, lòng trời cho hưng thạnh vận Tề, dầu ai có sức mạnh cũng cãi trời sao đặng. Bởi vậy tôi mới lựa lời can gián khuyên Do Minh qua đầu thuận Tề bang, nói nói tôi bất trung, đã đánh đòn lại toan sát hại, may nhờ có Nguyên nhung Huỳnh Cái, xin cho khỏi chết mà phải bị đuổi đi, tôi mới trốn qua đây, xin bệ hạ rộng thương người ngay mắc nạn.
Tuyên vương nói:
- Như Mao tướng quân có lòng quy thuận hãy đến trước linh sàng bái yết Chung nương nương, rồi sẽ cùng nhau thương nghị.
Mao Toại liền bước tới trung dinh, thấy quan tài để giữa, đèn đuốc sáng ngời. Cung nga thế nữ mọi người đều bận đồ tang. Mao Toại trong lòng mừng thầm Chung hậu đã chết, miệng làm bộ khóc kể một thôi rằng: Trộm nghe Quốc mẫu oai thế như trời, làm nhân nghĩa mà dựng lên Tề quốc, mạt thần chậm chân lỡ bước, mới tới đây thì Quốc mẫu đã cỡi hạc về trời, lòng thương tiếc biết chừng nào cho nguôi đoạn thảm, căm giận Do Minh dùng cây quỷ tiễn, hại người lành đành đoạn sướng vui. Tuyên vương ngồi ở một bên, giả dầm dề rơi lụy. Mao Toại thấy vậy lấy làm đắc ý tâu luôn rằng:
-Muôn tâu bệ hạ! Ngu thần mẹ cha khuất sớm, gia thất cũng chưa định thành, tôi lại có kết bạn đặng người anh em, thảy đều tay anh hùng hảo hớn, hết thảy được binh đông ba vạn, cũng sẵn lòng đầu phục Tề bang, xin bệ hạ cho ngu thần về thông tin với mấy người ấy rồi sẽ đem binh tới quy hàng luôn thể.
Tuyên vương cũng làm như không biết, cầm tay Mao Toại vuốt ve rằng:
-Tướng quân có đi thì mau trở về, chớ trễ nãi bỏ bê công việc.
Mao Toại tạ ơn, rồi trở ra vội vã về dinh. Khi Mao Toại về đến dinh Sở, Huyết Hồ, Do Minh xúm lại hỏi thăm công việc. Mao Toại thuật lại các điều và bày kế cướp dinh cho các người nghe. Ai nấy thảy đều vui vẻ, khen Mao Toại là người tài đa trí. Lúc đó, Do Minh mới thăng trướng liền phân phát các tướng rằng:
-Hàn bang nguyên soái lãnh binh đi trước, nhắm theo các lồng đèn trắng mà đi, còn Ngô Khởi với Huyết Hồ vào trung dinh mà cướp cho được Chung hậu. Bổn soái cũng đem binh theo sau, bắt Tuyên vương với văn võ Tề thần. Như ai mà bất tuân hiệu lịnh thì sẽ chiếu theo quân pháp gia hình.
Nhắc khi Mao Toại đã trở về dinh Sở rồi, Chung hậu mới bước ra quân dinh, kêu Yến Anh mà bảo rằng:
- Ai gia phiền quân sư một việc, đã giết binh Sở, lại bắt Do Minh mà trả thù.
Yến Anh tâu rằng:
-Tôi là một thằng đã lùn lại yếu sức, chẳng trói đặng gà, nay Quốc mẫu biểu tôi ra trận xông pha, tài lực đâu mà cầm thương lên ngựa?
Chung hậu nói:
- Ai gia lẽ nào chẳng biết quân sư là một vị văn thần, bây giờ đây Quân sư giả làm Mao tướng quân, cầm Bạch Đăng mà qua bên dinh Sở, khi tới đó rồi, thời liền quay trở lại, ấy là kế của Mao Toại bày ra cướp dinh để chiêu dụ Sở binh, chúng nó ngỡ Mao tướng quân nên ùn ùn kéo tới.
Yến Anh vâng lịnh lui ra. Chung hậu biểu Tiểu Trinh và Tiểu Phụng rằng:
-Hai ngươi khi thấy Quân sư trở lại thì đốt pháo hiệu cho phục binh hay.
Hai tướng vâng lịnh, lại nói với Điền Nguyên rằng:
-Tề, Sở thế bất lưỡng tập, hưng vong tai một trận này, Vương nhi con phải tới Du Giang mà tiếp rước Mạnh Thể Vân dưỡng mẫu, đề phòng tai họa lâm thân cho người.
Điền Nguyên vâng lịnh dẫn theo binh mã tới thành Du Giang. Chẳng bao lâu vầng ô chen lặn, bóng thỏ ló lên, Chương hậu nói với Tiên cô và Thần y rằng:
-Mao Toại cũng tinh thông pháp thuật, có phép độn thổ tàng hình, phải bỏ nó vào trong quan tài, dùng phép chi mà trừ nói mới nổi.
Biển Thước nói:
-Bần đạo có hai món bửu bối, kêu là Ô Kim chỉ với Thanh Nang, ấy là kim, mộc hóa sanh, hễ chụp nó lại thời thần tiên cũng ra không nỗi.
Chung hậu cả mừng! Bốn người còn ngồi đàm đạo với nhau, thời gian đã quá canh ba không hay, kế thấy Tề Trinh vào tâu rằng:
-Mao oải tử đã tới, còn đứng đợi trước quân môn.
Chung hậu liền bước ra phía sau. Khi Mao Toại vào đến triều kiến Tuyên vương xong rồi bèn tâu rằng:
-Ngu thần đã nói với mười người anh em bạn, nội đêm nay, đem binh tới đầu, lấy bạch đăng mà làm hiệu lịnh cùng nhau, không biết bệ hạ có bằng lòng thâu dụng chăng?
Tiên cô nói:
-Sợ Mao tướng quân làm kế ngoại công nội hiệp mà làm cho Sở thắng, Tề vong chăng?
Mao Toại thưa:
-Ngu thần vốn thiệt một lòng chẳng có chút nào khinh trá.
Biển Thước nói:
-Thôi! Mao tướng quân quả có lòng trung nghĩa, hãy ở đây mà giữ trung dinh, chúng ta sẽ sai tướng khác tới đó chiêu hàng và thỉnh mười người anh em của người đến.
Mao Toại cực chẳng đã phải bằng lòng, sẽ tính kế tàng hình tẩu thoát. Lúc đó, Tiên cô đi trước, Biển Thước với Mao Toại theo sau, đi vào đến trung dinh, chỗ để quan tài Chung hậu, Biển Thước liền niệm thần thông hiển chú, tức thì nghe trong quan tài có tiếng kêu la, Tiên cô bèn nói:
- Ấy là nhờ phép Tiên gia, nên Chung hậu đã sống lại, vậy hãy mau mau mở nắp mà cứu lấy Chung nương nương.
Nói rồi liền hối Mao Toại mở lên một đầu, khi mở ra, thấy Chung hậu ở trong quan tài bước ra, gặp nhau mừng rỡ vô cùng và nói rằng:
- Ai gia còn bỏ quên cuốn Thiên Thơ và bửu kiếm, xin làm ơn lấy dùm đem ra.
Tiên cô liền tiếp nói:
-Phiền cùng Mao tướng quân, mau lấy dùm cho Chung vương hậu một chút.
Mao Toại tưởng thiệt, vừa mới bước vào trong quan tài, Biển Thước lấy Thanh nang trùm lại tức thì, chẳng khác như con khỉ vào nằm trong cái túi.
Tiên cô với Thần Y đậy nắp lại, Mao Toại niệm độn đã hết hơi, niệm đi niệm lại một hồi, cũng không ra khỏi đặng.
Nói về Yến Anh vâng lịnh giả làm Mao Toại, chờ tới canh khuya, một người một ngựa, tay xách cái lồng đèn trắng, đi qua bên dinh Sở. Đêm khuya thanh vắng, gió thổi thấu xương. Yến Anh nghĩ thầm rằng: Ta đi đây chẳng khác như quỷ sứ đi bắt hồn, giục người ta tới tìm chỗ chết, ta cũng muốn để dành một hai ân đức, ngặt vì việc nước khó lòng. Nghĩ lui nghĩ tới chưa xong, dinh Sở đã gần trước mặt. Yến Anh cực chẳng đã phải đưa cái lồng đèn lên, làm hiệu và kêu quân Sở mà nói rằng:
-Dinh Tề chẳng có đề phòng, hãy mau mau tới đoạt thâu binh mã.
Yến Anh nói rồi, liền quày ngựa cầm lồng đèn trở lại. Lúc ấy quân Sở đi tuần, thấy đúng như lời Mao Toại, bèn chạy vào phi báo cho Do Minh hay. Do Minh ra trước quân môn xem thấy tỏ rõ, liền phát lịnh tam quân, ngựa thì cất lạc, người thì ngậm hoa mai, nhắm theo lồng đèn trắng, thẳng qua dinh Tề cướp trại. Lúc ấy Tề Trinh và Tề Phụng thấy Thừa tướng đã trở về, liền đốt pháo hiệu lên làm lịnh, còn Yến Anh thì vào hậu dinh an nghỉ.
Khi Huyết Hồ và Ngô Khởi xông vào đến dinh Tề, chẳng thấy quân tướng gì hết, bỗng nghe pháo nổ vang trời, biết đã trúng kế, bèn đi kiếm Mao Toại mà không thấy ở đâu, đi ra tới hậu dinh thấy một cái quan tài ở giữa, lại nghe có tiếng nói ở trong quan tài rằng:
-Xin Tiên cô cứu mạng, ngu thần mới lầm lỗi một phen.
Huyết Hồ và Ngô Khởi nghe nói hồn bất phụ thể, liền quày ngựa trở ra, lại gặp Do Minh đem binh lướt tới. Kế gặp Điền Côn, Điền Côn buông ngựa ra hét lớn hỏi rằng:
-Tướng Sở sao chưa nạp mạng, còn muốn chạy đi đường nào?
Sở binh nghe nói thảy đều kinh hãi, rùng rùng vỡ chạy tan hoang, lại gặp bốn vị Vương phi đón đường đánh vùi một trận. Còn bốn viên Tề tướng coi giữ lương thảo, bị tám viên tướng Sở áp đánh, thế đã nguy kịch, Tuyên vương và Tiên cô xem thấy thất kinh, khi ấy Thần y bèn nói:
-Vậy để bần đạo ra cứu, mới đặng sự vẹn toàn.
Nói rồi liền nhảy lên lưng cọp đen, thẳng đến chiến trường hỗn chiến. Khi Chơn nhơn bay cọp tới trong vòng binh Sở, ngựa với người đều té ngửa té nghiêng, binh Tề thừa thế áp đánh liền, binh Sở đều đua nhau vỡ chạy, Chơn nhơn lại tới trung dinh mà tiếp chiến. Huyết Hồ xem thấy hoảng kinh cùng nhau thâu binh tẩu thoát.
Đương khi ban đêm tăm tối, chạy thất lạc mỗi người đi mỗi chỗ, Do Minh chạy qua phía Tây, trốn vào trong cụm rừng, xảy thấy một đạo quân đi qua, Do Minh xem kỹ biết là Huỳnh Nguyên, bèn buông ngựa chạy ra kêu cứu rằng:
-Bổn soái bị trúng kế, Tổng nhung phải sát thối binh Tề.
Điền Nguyên cười và đáp rằng:
-Mi là Do Minh cẩu tặc, hãy xuống ngựa nạp mình vì ta đã nhìn mẹ ta là Chung hậu nương nương, nay ta tới đây mà rước Thể Vân dưỡng mẫu.
Do Minh nghe nói, trợn mắt hả miệng, thốt chẳng ra lời, biết Huỳnh Nguyên là tay lợi hại chẳng chơi, nên không dám giao phong cự địch. Còn Điền Nguyên cũng muốn ra giết phức Do Minh đi cho rảnh, ngặt vì đêm hôm tăm tối, chẳng có ai phò tá Mạnh Thể Vân, vì vậy nên để cho Do Minh giục ngựa dời chân, lần theo mé rừng mà chạy.