Chung Vô Diệm

Chương 65: Chương 65: Ngô khởi tư thông cùng Hạ Thị Chung hậu đắc thắng về Lâm Tri






Nói về Ngô Khởi hỏi người nội giám các việc và lại đưa cho bạc vàng, nội giám là đồ tiểu nhân hễ kiến tài thì ám nhãn. Lúc này nội giám dẫn đường đi trước, Ngô Khởi nối gót theo sau, đi vừa tới cung lầu thì Ngự lâm quân canh phòng tra hỏi. Nội giám nói:

-Ngô phò mã vào triều thăm bệnh, lão vương gia truyền phải đi tuần tra, vậy chớ chúng quan giữ canh ở đây hết thảy là mấy người, phải mau ra cho người tra điểm.

Ngự lâm quân tưởng thiệt sắp nhau ra mỗi hàng mười người, Ngô Khởi làm bộ tra điểm xong rồi lại bước đi chỗ khác. Khi vào tới cửa cung mới hỏi rằng:

- Bữa nay ai canh ở đây?

Việc đâu cũng là thời may, lại gặp tên quân này tên là Tiền Hỷ, khi ấy nội giám nói với Tiền Hỷ rằng:

- Có Ngô phò mã phụng chỉ đi tuần cung, phải mau mau tiếp rước ngài bằng trể nãi ắt là mang tội.

Tiền Hỷ ra rước Ngô phò mã vào nơi thiên phòng trò chuyện giây lâu, Tiền Hỷ mới thưa rằng:

- Phò mã tới đây là sự may mắn, không thì rạng mai nô tỳ cũng phải tới nhà.

Phò mã nói:

- Có việc chi người hãy phân qua để cho ta đặng tưởng chung thị.

Tiền Hỷ lật đật vào lấy một phong thơ đưa ra. Nguyên phong thơ đó là của Hạ tây cung biểu Tiền Hỷ đưa cho Ngô Khởi, nhưng vì chưa có dịp nên còn để lại đó. Ngô phò mã tiếp lấy xem qua, thấy bìa thơ có đề hai chữ Cẩn mật, rồi xé ra coi thấy có bài thơ như vầy:

Sân chầu từ thấy mặt, nên nhuốm bệnh tương tư.

Một mình sầu lại tủi, biết nói ai bây giờ.

Một ngày ba thu..., cung tây lòng ngậm sầu.

Ngoài bình phuông có ý, còn đợi gã khiên ngưu.

Ngô Khởi xem rồi, lòng mừng phơi phới liền lấy ra ba lượng vàng mà cho Tiền Hỷ rồi nói rằng:

- Nay hạ quan tiếp được Tây cung ý chỉ, muốn vào bái yết có đặng chăng?

Tiền Hỷ nói:

- Việc đó được như thường để nô tỳ xin dẫn lộ.

Nói rồi Tiền Hỷ dẫn Ngô phò mã đi vào bên thiên cung, rồi qua tới nơi tẩm cung, gặp một người nội giám đã già canh ở đó. Tiền Hỷ nói:

- Nương nương có ý chỉ đòi Ngô phò mã vào hầu, ông phải vào tâu cho rõ mau, bằng nghịch mạng thời nương nương trị tội.

Lão thái giám nghe nói liền vào tâu cho Hạ cung hay.

Nói về Hạ Nghinh Xuân bấy lâu nay cũng đem lòng trách Tuyên vương ở bạc, giận mình sao lại gặp hồi đen, đêm ngày luống những ưu phiền, tới quá canh chưa hề nhắm mắt. Kế thấy lão thái giám vào tâu là có Ngô phò mã tới hầu. Hạ phi mừng như được ngọc trân châu, bịnh tương tư mười phần thuyên giảm, liền nói rằng:

- Như có Ngô phò mã, hãy cho gã vào đây.

Lão thái giám bước ra dắt Ngô Khởi vào giữa tẩm cung, làm lễ quân thần xong rồi, Hạ thị truyền nội giám lấy cẩm đôn cho Ngô Khởi ngồi, rồi làm bộ hỏi thăm việc Thiên Tử và Quốc Mẫu đi phó hội. Ngô Khởi cũng thiệt tình thuật lại đầu đuôi, Hạ phi có lòng mừng ngày nay đặng gặp cơ hội, Ngô phò mã lại nói:

- Nghe nương nương nhiều điều lãnh lạc, nên tôi tới đây giải chút mối sầu.

Hạ phi nghe nói gật đầu liền truyền nội giám dọn bày tiệc rượu. Mặt giáp mặt cùng nhau trò chuyện, tình giao tình như tỏ lòng xuân, lòng đây dạ đó ân cần. Tiệc mãn bèn dẹp hết, liền cho cung nhân về phòng an nghĩ. Thế nữ mau kiếm nơi hồi tỵ, hai người đầu hứng chí mây mưa cuộc gió trăng phỉ dạ ước mơ, duyên tri ngộ tình dài đêm vắn.

Căm giận bấy tiếng gà giục giã, trống tư thiên đã điểm canh năm, nệm túy hoa mình ngọc không nằm, cùng nhau dậy phân tay rơi lụy. Hạ phi lại dặn:

- Đêm nay là trung thu giai tiết, chàng phài cùng ta dự tiệc chơi trăng, khuyên chàng chớ phụ lương thần, bằng lòng kẻ thâm cung hoài vọng.

Ngô Khởi nói:

- Tiểu thần xin lãnh mạng, dám đâu phụ đức nương nương.

Nói rồi từ biệt ra khỏi cung môn về thiên điện nghỉ an giấc điệp. Trời thu rất mau tối, vừa mới thấy vừng ô đã chen lặn, bóng thỏ tỏ rạng phía đông, lần theo cung cấm đi vòng lên tới tây cung mà dự tiệc nữa. Hai người đương ngồi ăn uống, Ngô Khởi vùng thở ra nói rằng:

- Nay đôi ta tuy là vui vẻ, còn e ngày sau một nỗi khó lòng, sợ khi cung nhân thấu nỗi đục trong, thời sanh biến khó vẫy vùng chẳng dễ. Bây giờ mau kiếm chỗ nào cho thanh vắng, sẽ mặc tình cợt phấn cười son, cùng nhau vầy hiệp vuông tròn, người dưới thế chẳng có ai trăm tuổi.

Hạ phi nói:

- Việc ấy phò mã chớ ngại, để mặc thiếp âu lo, tôi với con xủ phụ thù oán rất to, nó mới đốt cái Sở trang lầu của tôi hôm nọ. Bây giờ thiếp xin tu bổ lại, để cùng nhau vân vỏ vỏ vân, còn sở phí bao nhiêu công ngân, thời thảy sẽ giao quan công bộ.

Ngô Khởi nói:

- Việc đó thật là khó. Nếu nương nương làm ra tình tệ ắt mang họa chớ chẳng chơi, thoảng như Chung Hậu về đây hay đặng ắt là người bắt tội.

Hạ phi nói:

- Việc ấy phò mã chớ ngại, để mặc thiếp âu lo, tôi với con xủ phụ thù oán rất to, nó mới đốt cái Sở trang lầu của tôi hôm nọ. Bây giờ thiếp xin tu bổ lại, để cùng nhau vân vỏ vỏ vân, còn sở phí bao nhiêu công ngân, thời thảy sẽ giao quan công bộ.

Ngô Khởi nói:

- Việc đó thật là khó. Nếu nương nương làm ra tình tệ ắt mang họa chớ chẳng chơi, thoảng như Chung Hậu về đây hay đặng ắt là người bắt tội.

Hạ phi nói:

- Chẳng can chi phòng ngại, sẽ có kế rất hay. Nay như lầu làm rồi thời trên lầu sẽ treo hai tấm biểu. Một tấm đề Vọng Chúa, còn một tấm nữa đề là Sở Trang Lầu. Vì Thiên Tử đi phó hội đã lâu nên thần thiếp hằng ngày trông tưởng. Vậy nên phải cất lầu cao lên mà viễn vọng, ngó qua cho thấu tới Hàm Dương, lòng trung quân ái quốc đủ đường, Chung Hậu có lẽ chi bắt tội đặng.

Ngô Khởi nghe nói gật đầu khen phải và nói rằng:

- Nương nương là người minh mẫn, việc nào cũng trí xảo hơn người, như ta được lên ngôi, sẽ phong đó làm chánh hậu.

Đêm ấy Ngô Khởi ngủ tại đó, tới rạng ngày mới trở về thiên cung, còn Hạ phi tính toán đã xong, bèn giáng chỉ cho đạo công khởi tạo và dặn rằng:

- Lầu phải làm cho cơ xảo, nếu trể nãi thì trị tội chẳng tha.

Công quan vâng lệnh bước ra truyền các thợ đua nhau khởi sự.

Nói về Chung Hậu đắc thắng vua Tần rồi kéo binh về đóng tại ngoại thành Hàm Dương, bá quan văn vỏ nước Tần, ai nấy thảy đều thất sắc, mau mau chạy vào tâu cho Châu quốc hậu hay, xin phải lấy ấn Ngọc Tỷ ra đặng giao cho Tề Quốc. Lúc ấy Lã Bất Vi và Thương Ưởng đem ngọc tỷ tới trước dinh Tề, quân Chánh ty mau vào tâu cho Chung hậu rõ. Chung hậu truyền lệnh cho vào, hai người tới trước nhung trướng qùy lạy dâng ấn ngọc tỷ và cầu xin thứ tội cho vua Tần. Chung hậu liền truyền Điền Côn dẫn Trang Tương vương ra. Chung hậu chỉ mặt Tần vương mà mắng rằng:

- Ngươi đôi ba phen dùng mưu ám hại, ỷ nhờ có yêu đạo ra tay, nay gian vương đã bị Ai gia bắt đây, sự sanh tử tồn vong treo trước mắt.

Trang Tương Vương cúi đầu thưa rằng:

- Sự đó vì thằng yêu đạo nên khiến hai nước bất hòa, bây giờ hạ bang xin nạp biểu xưng thần, cứ mỗi năm phải qua Tề tấn cống.

Chung hậu mới truyền Điền Côn mở trói cho Vua Tần rồi truyền đem văn phòng tứ bửu tới. Vua tôi Tần liền viết biểu quy hàng, đóng con dầu vào rồi dâng lên cho Chung Hậu.

Chung Hậu xem qua rồi giao lại cho Yến Anh giữ. Tần Vương lại nói:

- Ở bên Vị Hà, Châu Công Mộng có phục binh hai mươi vạn, vậy để tiểu vương sai người tới đó triệt binh.

Nói rồi liền đưa ngọc đái cho Lữ Bất Vi và Thương Ưởng tới Vị Hà mà bảo anh em Mộng Lương thâu binh hạ trại. Hai người lãnh mạng lên ngựa thẳng tới Vị Hà, an hem Mộng Lương, Mộng Đống mặc đồ tang ra trước cửa dinh tiếp rước. Hai an hem Mộng Lương khóc lóc và thuật lại các việc Điền Đơn giết cha mình. Lữ Bất Vi khi ấy nói:

- Nay có thánh chỉ đem đến, biểu anh em phải triệt binh thâu giáp mà về.

Anh em Mộng Lương nói với nhau rằng:

- Tề cẩu tặc thật là vô đạo, thù giết cha chẳng đội trời chung, gươm linh mài sắc đã xong, chờ nó tới bắt mà cắt cổ. Còn vua ta thiệt là nhu đọa, lại bảo an hem mình sớm tối mau triệt binh. Bây giờ ta cũng giả thuận tình cho thừa tường đi về cho rảnh.

Anh em bàn xong rồi liền nói với Lữ Bất Vi rằng:

- Anh em tôi vâng lời chúa thượng, xin thừa tường hãy dời chân trước.

Lữ Bất Vi và Thương Ưởng liền từ gỉa rồi kéo nhau về Hàm Dương mà phục chỉ lại.

Còn Tuyên vương và Chung hậu khi thâu hàng biểu Tần vương rồi, bèn truyền quân phát pháo khởi trình chỉ thẳng Vị Hà tấn phát. Quân đi dặng nữa ngày đã gần tới mé sông. Lúc ấy, Chung hậu thấy trong lòng phát hồ nghi bèn đòi Tề Trinh, Tề Phụng hỏi rằng:

- Đồ tiễn liêm* đã làm xong chưa ?

Anh em Tề Trinh thưa rằng:

- Chúng tôi đã làm xong hết.

Chung hậu liền bảo Điền Côn xếp quân đi hàng chữ nhất, dùng những rèm ấy che đỡ thôi binh. Điền Côn vậng lịnh tức thì, truyền tam quân làm y như kế. Còn an hem Mộng Lương khi thấy quân Tề đi tới liền nổ một tiếng hiệu pháo vang trời, phục binh bắn tên ra như mưa bấc. Quân Tề nhờ có đồ nhị tiễn nên tam quân bình tịnh như thường. Quốc Anh và Tề Phụng xông ra, anh em Mộng Lương một giờ đều bỏ mạng. Giây lâu trung quân vừa đi tới, chị em Mộng Ngọc Trinh xem thấy hai em mình đều bỏ mạng nơi sa tràng thì than khóc cốt nhục phân rời, bèn xin với Quốc mẫu tạm lui mai táng thi hài cho trọn nghĩa. Chung hậu khi ấy bảo Điền Đơn phải làm cho trọn đủ lễ đặng ban thưởng trung thần. Ba vợ chồng vâng lịnh làm xong, Chung hậu lại muốn hành hung cùng Tần chúa. Rồi đó, Chung hậu nổi giận mắng rằng:

- Tần vương thiệt là vô đạo, đã nói với ta sai người tới đây xếp trại, sao còn sanh sự ra cớ này. Phải chăng ta chẳng có mưu sâu, thời đã lầm nơi chước quỷ rồi. Điền Côn vương nhi, hãy thâu binh trở lại bắt Tần vương và phá nát thành trì.

Điền Côn vâng lệnh thâu binh, đi được một đỗi đường, thấy có quân tiểu hiệu trở lại báo rằng:

- Có một tiên cô xin vào ra mắt Quốc mẫu.

Chung hậu nghe báo thỉnh vào, Trần Tam Thơ công chúa đến nơi ra mắt. Chị em gặp nhau rất mừng rỡ, Chung hậu hỏi:

- Hiền muội tới đây có việc gì dạy bảo chăng?

Trần Tam Thơ đáp:

- Em vâng lệnh lão mẫu đưa giản thiếp tới cho chị hay, xin chị hãy coi đó mà làm, ấy là thiên cơ không nên tiết lậu.

Nói rồi thò tay vào túi áo lấy ra một phong giản thiếp đưa cho Chung hậu, xong rồi từ biệt đằng vân bay về động. Khi Trần Tam Thơ đi rồi. Chung Hậu mở giản thiếp ra coi thấy có bốn câu như vầy:

Tam nhân nhị tiểu nam tiêu diệt,

Nhựt hậu tiền đao hưng đại nghiệp,

Cấp báo hưng binh tốc kiến hồi,

Cẩn phòng độc chướng Huyết hồ nghiệt.

Chung hậu xem rồi, suy nghĩ giây lâu không rõ là ý gì, cũng không dám đưa hỏi ai, cứ ngồi làm thinh ngơ ngẩn, giây lâu mới rõ được: Tam nhân nhị tiểu là chữ Tần, còn tiền đao là chữ Tiễn, chắc là ngày sau có người tên Tiễn giúp nước Tần mà gôm thâu thiên hạ, nên thánh mẫu biểu phải thâu binh trở về không nên dứt nước Tần cho tuyệt. Còn như Độc chướng Huyết hồ không hiểu là việc làm sao, Chung hậu xem rồi, qùy lạy giữa thinh không tạ ơn Thánh mẫu rồi truyền cho Điền Côn đi trước tới Vị Hà lấy thuyền độ binh qua sông. Rồi khi tới giặc giới nước Tần liền ra lệnh đồn binh, cho tướng sĩ nghỉ binh một tháng.

Đây nói về Hạ Nghinh Xuân và Ngô Khởi, từ khi lão vương gia nhuốm bệnh và Ngô Khởi vào ra trong nội dinh, được cớ ấy nên hai người ân ái phỉ tình còn Sở trang lầu lại hoàn thành công việc. Đêm đêm thanh vắng thỏa tình hoa nguyệt, ngày ngày vui chơi tiệc rượu câu thơ, thuyền tình mặc sức ngẩn ngơ, khi xem hoa nở khi chờ trăng lên. Hải đường vừa tỉnh giấc xuân, cung quan bước tới phân trần trước sau rằng:

- Chung quốc mẫu đã trừ đặng yêu đạo, Tần vương xin dâng biểu xưng thần, ban sư về còn đồn tại Châu phần*, chừng một tháng thì thâu binh về tới.

Ngô Khởi nghe nói hồn bất phụ thể, còn Hạ phi thì ủ mặt châu mày. Những tưởng là trời đất định đặng lâu dài, hay đâu nỗi phân loan rẽ phụng. Lúc đó Hạ phi mới tính một kế, bèn nói với Ngô Khởi rằng:

- Còn mười lăm bữa nữa thời tới Nguyên tiêu giai tiết*, trên Sở trang lầu ta sẽ lập tiệc hoa đăng, mời Thiên tử với Chung hậu tới ăn uống đãi đằng, ngươi sẽ giấu báu kiếm ở sau nơi bình phong ẩn dạng. Còn dưới lầu thì phục binh chờ sẳn, nghe kim chung đều phải áp ra, đưa con xủ phụ một gươm cho ra ma rồi trừ thằng hôn quân đi mới đành dạ.Lúc đó giang sơn đã về tay phò mã, thời ấn Chiêu Dương này có lẽ về phần ta. Ngươi hãy nên ghi nhớ mấy lời, gặp cơ hội phải theo bề cơ hội.

Ngô Khởi nghe nói lòng mừng phơi phới, liền phân tay trở lại thiên cung. Cùng nhau rơi giọt lụy hồng, sự buồn bã mau theo nước mắt. Khuyên người đời đừng ai kể chắc, vì có câu Lạc cực sanh ai. Cho hay muôn sự tại trời, khi nên trời cũng chìu người một phen.

Nói về Tuyên vương và Chung Hậu đồn binh tại phần Châu đã đặng một tháng, tới ngày ban sư bèn truyền lịnh cho tam quân bạt trại khởi hành thâu binh về nước. Đi gần mấy bữa tới thành Lâm Tri, lúc ấy lão vương bịnh cũng đã thuyên giảm, truyền bá quan đi ra khỏi thành nghinh tiếp.Vợ chồng vua Tề về thẳngvào tới Kim loan điện, tam cung lục viện đến triều bái xong rồi, kế đó Thiên tử truyền chỉ bãi triều, ai nấy lui về dinh thăm vợ thăm con.

Rạng ngày là ngày Nguyên tiêu giai tiết, bá quan đều tựu tới triều bái mừng cuộc tân xuân. Thiên tử cùng Chiêu Dương Chung hậu truyền nội thần dọn yến vui mừng và khao thưởng tùng chinh chiến sĩ. Trước hết thưởng công Liêm Thoại Hoa, đồng niên tăng bổng nhị vạn ngân cho tỏ rõ sự trung tâm vị quốc. Kế phong cho Đào Kim Định làm Tây Lỗ vương phi, hai chị em Mộng Ngọc Trinh làm chức Tham quân tả hữu. Còn kỳ dư bao nhiêu chúng tướng cũng đều ban thưởng mỗi người một bực. Lúc này triều thần dự tiệc hai bên cung nhạc đàn ca inh ỏi. Tiệc mãn rồi thời trời gần tối. Chung hậu lại mời Trịnh phi và Hạ phi tựu tới Chiêu Dương cung. Lúc ấy Chung hậu đi vừa tới Phân cung lầu, ngó thấy phía tây có tòa cao vòi vọi. Chung hậu mới buông lời phán hỏi rằng:

- Lâu đài ai cao vọi nguy nga vậy?

Hạ phi lật đật tâu qua rằng:

- Từ lúc Thiên Tử và Quốc mẫu đi phó hội, thần thiếp đêm ngày trông đợi, mộng hồn liền thấy chiêm bao, nên mới lập một cái lầu cao đặng lên đó mà ngó tới Hàm Dương cho tỏ rõ. Lầu đó gọi là lầu Vọng chúa, muôn ơn Quốc mẫu thứ tha.

Chung hậu nghe nói gật đầu khen rằng:

- Tây cung thiệt ở có lòng với chúa.

Kế đó đi thẳng tới Chiêu Dương cung, Tuyên Vương và Chung hậu ngồi vào nơi cẩm ỷ. Tây Phi và Đông phi triều bái xong rồi, cung nga dọn yến dâng lên, bốn người đều ngồi chung một bàn mà uống rượu. Tuyên vương lúc này đà có chén, mới nói với Chung hậu rằng:

- Mấy năm nay ngự thê cần lao việc nước, bây giờ hầu bang đều nạp biểu xưng thần, bữa nay vừa lương tiết giai thần, trẫm muốn lập hội hoa đăng cho dân quân cộng lạc.

Chung hậu thưa:

- Thần hậu cũng sẵn có lòng đó mà chưa biết lập tại chỗ nào.

Hạ phi liền tâu:

- Xin lập tại trước lầu Vọng chúa, thỉnh Thiên Tử cùng Quốc mẫu giá lâm, cho rõ thiếp nhứt phiếm thàng tâm, làm đủ cách thức hoa đăng đồ trận.

Chung hậu nói:

- Như hiền phi lãnh mạng thời giao cho Lễ bộ thi hành. Tới ngày rằm tháng giêng sẽ chơi hội hoa đăng cho vui vẻ.

Hạ phi và Trịnh phi liền từ tạ trở về cung. Khi Hạ Nghinh Xuân về tới cung rồi liền viết một phong thơ sai người tâm phúc đưa ra thông tin cho Ngô Khởi hay, rồi truyền chỉ ra cho Lễ bộ công quan đòi các thợ tới sửa soạn làm một tòa núi Ngao Sơn tại trước lầu Vọng chúa, sắm đủ kỳ hoa dị thảo và túy trúc thương lòng, chẳng khác như động phủ ở Bồng lai cùng lầu đài nơi tiên cảnh. Còn Ngô Khởi đặng tin, liền sai Hứa Bôn và Giang Trí dẫn hai trăm quân tâm phúc, giả làm như thợ vào trong đó làm công, đặng đào hang chung quanh tường, bề sâu xuống năm thước, đầu hào từ nơi tây viên cho giáp thấu tới Vọng chúa lầu. Dưới hào ấy mai phục đạo binh, trên thì dựng tường hao ngăn lại. Việc này thiệt chẳng ai biết tới, chỉ có một mình Ngô Khởi và Hạ Nghinh Xuân. Tây thi trong bụng mừng thầm, phen này quyết hại cho đặng Chung Vô Diệm.

Ngày qua đêm tới, công việc đã hoàn thành. Gần đến tiết Thượng Nguyên, bá quan đều vào triều bái. Vừa khi Thiên tữ thăng điện, thấy quan Huỳnh môn dâng biểu tâu rằng:

- Ngô Khởi cáo bịnh nên vào chầu không được.

Kế đó lại thấy quan Lễ bộ tâu rằng:

- Cuộc hoa đăng sắp đặt xong rồi, xin vào triều phục chỉ.

Thiên tử cả mừng, bèn giáng chỉ truyền cho bá quan ở lại nội dinh, đến chập tối đến Vọng chúa lầu xem đèn và dự tiệc, còn Hạ phi cũng mời Trịnh phi tới, hai người đều qua Chiêu Dương cung thỉnh Chung chánh hậu. Giây phút trời đã tối, Thiên tử cùng Chung hậu đều tới Vọng chúa lầu, bá quan hộ vệ theo sau, công nhạc đờn ca trổi dập. Khi tới nơi thấy một tòa núi chất cao chót vót, đèn thời sáng hực như sao, ba sông chín núi rõ ràng, cảnh thú đủ bốn mùa tám tiết. Sau lưng núi làm long bằng cho vua ngự, bốn phía đều cây cỏ tốt tươi, chổ làm ra hình người, chỗ thời làm hình phi cầm tẩu thú. Vợ chồng Tuyên vương xem rồi, ngự tới long bằng và ngồi vào giữa chánh điện. Hạ phi với Trịnh phi rót rượu dâng lên, cung nga nổi nhạc tiều thiều, bá quan đồng vào dự tiệc. Chung hậu xem rồi lại nhắc tích xưa cho vua nghe, chỗ thời vận vua Hiên Viên đánh với Xuy Vưu, chỗ thời tích vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn, lại thêm có em là người Tượng, muốn lập mưu mà giết anh. Có chỗ thời Đắc Kỷ nhứt tiếu khuynh thành làm cho Trụ vuơng mất nước. Đầy mắt xem thôi chẳng chán, sự tích xưa đèn sáng như ban ngày. Hạ phi lúc này lấp ló muốn ra tay, liền đòi võ lâm quân vào hộ giá. Lúc ấy nội giám là người tâm phúc của Hạ thị đi thông báo cho Ngô Khởi hay, hẹn dứt ba hồi chuông thì phục binh sẽ ào lên mà giết Tuyên vuong và Chung hậu.

Nói về Chung hậu đương trong tiệc rượu, mãi ham coi cuộc hoa đăng, bỗng thấy trận gió thổi qua rất nên hung dữ, liền đánh tay thời biết hết các sự tình, tức thì niệm chú định thân làm Ngô Khởi với ba trăm phục binh ở chỗ nào đứng trân chỗ nấy như hình trồng, còn mắt thời giương ra mà ngó. Chung hậu liền truyền cho Bắc viện mau rót rượu mà đền công cho Tây cung. Hạ phi không lẽ chối từ, uống ba chung thời đã say hoắc. Ngồi thời ngả tới ngả lui, có hai đứa cung nữ theo đỡ hai bên. Tuyên vương xem thấy lòng phiền, truyền hộ giá về cung ngơi nghỉ. Khi Tuyên vương và Chung hậu bước xuống long bằng đi thẳng tới núi Ngao Sơn, vừa đi vừa xem, khen ngợi vô cùng, kế đi ra quanh nơi sau hoa tường thấy có vị anh hùng đứng sựng, hai mắt ngó chẳng nhấp tròng, đứng như trời trồng chẳng máy động tay chân. Tuyên vương mới phán hỏi rằng:

- Người nào đó, chết hay là sống?

Yến Anh vâng lịnh đi tới coi xét rõ ràng, bèn trở lại tâu rằng:

- Ấy là Lỗ bang phò mã

Tuyên vương nghe nói thất kinh, liền thối lui lại rồi truyền quan nội thị đòi Tây thi tới mà hỏi rằng:

- Việc này ắt có mưu gian, vì cớ nào Ngô Khởi được nhập vào cung cấm?

Hạ Nghinh Xuân nghe hỏi hết hồn, ngó thấy Ngô Khởi in như người chết, nên không biết tính kế chi mà trả lời cho kịp. Thiên tử nổi giận mắng hét om sòm. Kế Chung hậu thưa:

- Xin thánh thượng dẹp oai sấm sét, cũng trong lúc này có một việc rất vui.

Nói rồi truyền quân dở mấy cái hình phong lên, thấy luôn theo cho tới hoa tường, phục binh ở dưới hằng hà sa số. Kẻ đao người kích, kẻ giáo người thương đều đứng trơ như bù nhìn, thảy đều không cục cựa. Tuyên vương xem thấy hết hồn bèn té nhào ra chết giấc. Chung hậu liền lật đật niệm chú, đòi thần lục đinh đưa Ngô Khởi và ba trăm quân về tạm ngoài nơi dịch đình, còn phần Yến Anh cứu tình thánh minh, Chung hậu thời dắt Trịnh phi về chánh cung an nghỉ.

Nói về việc Ngô Khởi, vì lão vương thúc là Điền Dương lúc xưa có bịnh, cũng bởi vì bá quan đi theo phó hội hết, nên mới đòi Ngô Khởi vào triều thương nghị chánh sự. Lão vương thúc thấy Ngô Khởi là người thông minh lanh lợi, lại gả cháu là Lăng Hoa công chúa cho người, còn như việc tư thông với Hạ phi thời lão vương thúc thiệt là không rõ. Khi Ngô Khởi với ba trăm gia tướng về tới dịch đình rồi Chung hậu niệm chú hoàn hồn, thảy đều tỉnh lại hết. Ngô Khởi mới nhớ lại các việc đầu đuôi sau trước thì biết là Chung hậu phép lực thần thông, nếu ở đây ta e nỗi khó lòng, chi bằng tam thập lục đào chi vi thượng.

Nghĩ rồi kíp truyền gia tướng thâu góp đồ hành trang rồi bồng Lăng Hoa công chúa để lên trên yên, thầy trò dắt nhau đi trốn qua nước khác. ( Nghĩ vì Chung hậu đã niệm chú định thân sao không giết Ngô Khởi lại thả cho nó trốn đi ? Là vì để ngày sau Ngô Khởi làm như người dẫn lộ, đặng đem Chung hậu đi tước binh năm nước ).

Còn Tuyên vương khi Yến Anh và nội thần cứu tỉnh thì trời đã vừa sáng, ngó quanh quất một hồi, chẳng thấy Trịnh quý phi và Chung hậu. Còn Ngô Khởi cùng ba trăm binh ở đâu cũng không thấy, chỉ thấy một mình Hạ Nghinh Xuân thì trong bụng đã hồ nghi mười phần, chưa kịp buông lời phán hỏi. Kế thấy Tây Lỗ vương là Điền Đơn chạy tới tâu rằng:

- Không biết việc chi Ngô Khởi bỏ trốn, lại dắt Lăng Hoa công chúa đi theo. Đông Lộ vương huynh còn đương theo va trên đèo, nên nhi thần phải mau vào tâu cho phụ vương rõ. Và khi nãy con có vào trong phủ nó tra xét, thời có được một phong thơ, đủ làm chứng cớ sờ sờ, thiệt là bởi tiên tường họa khởi.

Nói rồi liền đưa phong thơ dâng lên, Tuyên vương lấy ra xem rồi thì biết Hạ phi tư thông với Ngô Khởi lập kế hại Chung hậu với mình. Xem xong càng nổi giận lôi đình, truyền nội thần đưa Hạ Nghinh Xuân ra trảm quyết. Yến Anh khi ấy can rằng:

- Việc này tuy Hạ phi có tội mà Bệ ha cũng phải tra xét lại cho mình, e khi tẩu lậu phong thinh, thời ngoại quốc cười chê ta là người vô đạo. Kẻ biết thời nói Hạ phi bất chánh, còn người chẳng hay thì nói Bệ hạ bất thân. Vậy xin cho thỉnh Chung hậu nương nương tới đây rồi sẽ thẩm tra cho minh bạch.

Thiên tử nhận lời, sai nội thần tới Chiêu Dương cung mà nghinh thỉnh Chung hậu tới đặng đem Hạ phi ra tra hỏi. Lúc này chưa việc chi mà Hạ phi đà chối trước, chẳng chịu nhận có việc gì, cứ kiếm lời tráo trác sân si. Tuyên vương nổi giận, truyền nội thần đánh Hạ phi da thịt gì đều tan nát. Hạ phi liệu bề không nổi mới cầu xin thứ tội và nói rằng:

- Từ khi Thiên tử cùng Quốc mẫu đi phó hội Hàm Dương, thiếp chẳng hề có dạ dối gian, căm giận vì Ngô Khởi là một đứa hung tàn, nửa đêm cầm gươm nhảy vào cung viện và nói rằng: Nếu thuận theo thì nó để sống, còn chẳng y thì nó giết chết đi. Trong lúc thiếp lâm việc gian nguy,

thiếp cực chẳng đã phải tham sanh úy tử. Còn như sự ám binh mai phục cùng Ngô Khởi thâm nhập trung cung và thơ tín một phong thì thiếp thật lòng không hề hay biết. Chắc có người lập mưu hại thiếp nên làm ra các việc vu oan, ngửa trông lượng thánh hỉ hoan, soi xét lại cho thần thiếp khỏi oan ức.

Thiên tử nghe hết mấy lời lại càng thêm giận dữ, vừa muốn rút gươm long tuyền chém phứt cho rồi, việc đâu thời cũng là may, Chung nương nương vừa đi tới, lật đật buông lời tấu rằng:

- Tây phi đáng tội chi với triều đình?

Tuyên vương đương lúc giận làm thinh, Yến Anh bèn tâu rõ sự tình sau trước rằng:

- Từ lúc Thiên tử với Quốc mẫu đi phó hội, Hạ phi ở nhà trông đợi ngày đêm, thoát thôi ứng hiện chiêm bao, tình nghiệp chướng thành ra ma qủy. Bây giờ đây tại con yêu tinh nguyên hình xuất hiện nên Thiên tử mới nổi giận lôi đình, truyền đem Hạ phi ra cứ pháp gia hình, xin Quốc mẫu lượng tình thứ giảm.

Chung hậu cười và nói rằng:

- Cũng tại mình tà tâm bất chánh nên quỷ ma nó mới hiện vào. Vậy xin muôn tâu Bệ hạ, đời ai mà không dại, nếu chẳng dại thì làm sao có khôn. Vậy xin cho Thần hậu xin cho Tây cung một phen, sau có vậy mới gia hình trị tội.

Tuyên vương nói:

- Ngự thê đừng có nói và Tề phủ cũng chớ nhiều lời, có lẽ nào mà trong cung cấm đi tư thông với ngoại nhân, làm đến đỗi phục binh thích khách. Còn phong thơ làm bằng cớ rõ ràng, xin tha nó là tha nỗi gì? Thôi để trẩm giết phứt nó đi, ngõ trừ an hậu hoạn.

Chung hậu lại hỏi:

- Việc đó chân hay giả thì hiền muội nói đi cho ngay.

Hạ phi hổ thẹn cúi đầu không có lời gì đáp lại. Chung hậu thấy Hạ phi không nói thì tâu rằng:

- Việc vợ chồng có điều chi bất nhã thì phải nên đóng cửa dạy nhau. Nếu đem sự xấu mà phanh phui ra chốn này ắt thiên hạ người ta chê cười vô ích. Bởi vậy thần hậu phải hết lời biện bạch, cúi xin Thiên tử nhậm lời, hãy tha tội chết cho người giao về cho cha mẹ va bảo lãnh.

Thiên tử nghe tâu, ngẫm nghĩ hồi lâu khen phải, liền giáng chỉ biếm Hạ phi mà đuổi về dân. Hạ Nghinh Xuân tạ ơn Thiên tử và Chung hậu rồi thẳng Ngọ môn một nước.

Nói về Ngô Khởi phò Lăng Hoa công chúa với ba trăm gia tướng đi suốt trọn đêm, chẳng khác như chim sổ lồng, khi vừa tới sáng thì đã đến giao giới Hà Nam, trước mặt thấy có một đạo binh. Ngô Khởi mới truyền quân đem công chúa vào chùa yên nghỉ, còn mình thì hươu đao tới trước, thấy binh Tề đi tải lương đem về, kế thấy Đào Trinh và Đào Phụng đi tới gần kề, Ngô Khởi mới sanh ra một kế nghĩ rằng: Nếu nay mình tính đi qua đầu nước Tống thì chẳng có việc chi làm tin. Vậy nên phải gạt chúng nó mà lấy lương thảo đem đi mới tính xong công việc. Nghĩ rồi liền tới nói với hai tướng rằng:

- Ta phụng mạng Chung hậu tới đây rước lương thảo đem về, còn hai ngươi phải đi qua nước Yên mà thâu nạp lương tiền cho gấp.

Hai người nghe nói tưởng thiệt, giao lương thảo rồi dẫn quân sĩ đi qua nước Yên. Khi Đào Trinh và Đào Phụng đi rồi, Ngô Khởi lại dặn gia tướng giả nói phụng mạng của Chung hậu đưa lương tiền qua cấp phát cho dân đói bên Tống bang. Bởi vậy nên không ai ngăn trở dọc đàng, gió xuôi thuận buồm đi tuốt. Mang sao đội nguyệt, đạp tuyết dầm sương, đi chẳng kể ngày đêm, được ít bữa thì đã tới kinh thành nước Tống. Liền kiếm một nơi quán khác, đem công chúa tạm vào an dinh, còn mình thời tới Ngọ môn mà thông báo với Huỳnh môn quan.

Nói về Nguyên vương nước Tống, lúc Tương giang đại hội đã bị Chung hậu bắn thác rồi, con là Ân Diệu lên ngôi gọi là Nghi vương chánh trị. Vua này có thỉnh được một người quân sư ở bên Tây vực, tên là Tuyết Hổ, người có yêu thuật rất tinh thông, lại cao cường võ nghệ. Vừa lúc Tống Nghi Vương lâm trào, thấy quan Huỳnh môn vào tâu rằng:

- Nay có phò mã nước Lỗ là Ngô Khởi tới xin triều kiến.

Nghi vương nghe tâu nghĩ rằng: Ngô Khởi đã đầu Chunh Vô Diệm, còn tới đây mà làm cớ chi kìa? Nghĩ như vậy bèn truyền lịnh cho vào, Ngô Khởi vào trước Kim loan điện triều bái, Nghi vương hỏi rằng:

- Lâu nay nghe quý khách ở Lâm Tri Hỗn Hải, nay tới đây chẳng hay có việc gì chăng?

Ngô Khởi tâu rằng:

- Như nói tới tên con xủ phụ ai ai đều ứa mật căm gan, thời vận tôi lắm lúc gian nan nên bị bắt phải đầu hàng chúng nó. Như nay tôi lòng báo quốc đã cam nhứt tử, ngặt vì sự oán thù chưa trả được cho quân mình, vậy nên ngoảnh mặt làm thinh, chờ gặp cơ hội sẽ báo thù trả oán. Vợ tôi đã suối vàng bỏ mạng, nó lại ép tôi thành thân với công chúa Lăng Hoa, bấy lâu nay mỏi mắt trông nhà, quyết ra khỏi chim lồng cá chậu. Nay nói dối lấy được lương tiền mười vạn, xin dưng cho bệ hạ làm tin, cầu xin tư trợ mã binh, đánh tới Đông Tề mà trừ con xủ phụ.

Nghi vương nghe tâu phán rằng:

- Việc đó Trẫm không dám quyết, để ta vào tâu với Thái hậu ta hay.

Ngô Khởi cúi đầu tạ ơn rồi Nghi vương lên kiệu đi trước, truyền nội thần dẫn Ngô Khởi theo sau: Khi tới Phân cung lầu, truyền nội giám vào tâu cho Thái hậu hay. Thái Hậu giáng chỉ truyền vào, Nghi vương tới trước tẩm cung quỳ lạy chúc mừng. Thái hậu mới bước xuống long phụng sàng mà rằng:

- Vương nhi miễn lễ, có việc chi hãy nói cho mẹ hay.

Nghi vương liền đem các việc Ngô Khởi mà tâu cho Thái hậu hay.Thái hậu cả mừng bèn đòi Ngô Khởi vào cung ra mắt. Ngô Khởi vào bái yết, Ân hậu mới phán rằng:

- Ai gia với Lỗ bang thái hậu vốn là chị em hồng bào, thưở còn thơ chăn nệm chung nhau, tới khôn lớn nhân duyên hai nước. Cũng vì bởi Lỗ bang thiểu phước, Long vương cùng Thái tử trận vong, vợ mày bị Ngô Khởi sát hại đã xong, còn mày đi qua Tề vui lòng phú quý. Nay tới đây có việc chi ưu hỉ, phải tỏ bày ảo lý cho ta nghe?

Ngô Khởi nghe hỏi rơi lụy và tâu rằng:

- Cha mẹ tôi với vợ tôi cũng bị Chung Vô Diệm, oán thù này thấu tới vào xương. Nay tôi tới đây cũng không có việc gì, xin cầu viện mà trả thù cho cha mẹ.

Nghi vương lại tâu rằng:

- Nay Ngô phò mã đem tới dưng mười muôn lương thảo, thiệt lòng và dốc chí phục thù, xin mẫu hậu lịnh trên soi xét.

Ân hậu nghe tâu cả đẹp, bèn phán rằng:

- Tống quốc có bao lăm binh mã mà dám giúp cho ngươi. Hãy ra tạm quán dịch nghỉ ngơi, để ta viết ai biểu sai người qua các nước. Như đặng liệt bang giúp sức, thời trừ con xủ phụ mới xong cho.

Ngô Khởi cúi đầu tạ ơn lui ra, còn Thái hậu trở vào cung viện.

Nói về Tống Nghi vương phụng ý chỉ của Ân hậu, trở về đền rồi viết ba đạo ai biểu, sai sứ đem qua nước Tần, nước Sở và nước Hàn. Ba sứ thần đạp tuyết dầm sương đem ai biểu đi qua ba nước.

Chú Thích

•Tiễn liêm : tấm rèm để đỡ tên

*Châu phần: nước Tấn

*Nguyên tiêu giai tiết: tết


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.