Cô Gái Tuyết Sơn

Chương 18: Chương 18: Thâm cốc Lục quái




Bành Bạch Y đột nhiên thi triển “Thái Xào Linh Lung thủ pháp” cách không điểm toàn thân huyệt đạo, chữa bệnh lần sau cùng cho Hạ Hầu Quyên như thể chỉ vì trong lúc quá tủi phận mình, chàng không muốn kéo dài thời gian gần gũi người đẹp.

Hạ Hầu Quyên cũng biết rõ thương thế của nàng sắp sửa hồi phục nên không chút chần chờ, lập tức nàng nhắm nghiền hai mặt điều dưỡng chân khí, phối hợp với thủ pháp “Cách Không Điểm Huyệt” của Bành Bạch Y từ từ chuyển vận toàn bộ huyệt đạo.

Bành Bạch Y thản nhiên để hết tâm trí tận lực thi triển thủ pháp “Thái Xảo Linh Lung” khiến Hạ Hầu Quyên cảm thấy toàn thân thư thái dần dần rơi vào cảnh “vô ngã”.

Nhưng khi Hạ Hầu Quyên thần hòa khí vượng, thiên quân thư thái, từ cõi nhập định tỉnh lại, nàng không còn thấy Bành Bạch Y đâu nữa.

Đang khi ngạc nhiên, Hạ Hầu Quyên vừa định cất tiếng kêu gọi bỗng có tiếng ngựa hí vang từ phía vách đá ở ngoài động truyền tới.

Hạ Hầu Quyên nhớ lại khi mới gặp Bành Bạch Y, nàng thấy chàng cởi con Bạch Long Câu toàn thân sắc trắng như tuyết, giờ nghe tiếng vó ngựa nàng ngờ Bành Bạch Y đang lén nàng ra đi không một lời từ biệt, nên nàng lật đật lao phóng nhanh ra cửa bí động.

Không ngờ, vừa ra đến ngoài Hạ Hầu Quyên chỉ trông thấy có con bạch mã đầy đủ yên cương đang buộc dưới gốc cây gần vách núi thôi, chứ không thấy bóng Bành Bạch Y đâu cả.

Hiện giờ thương thế của Hạ Hầu Quyên đã lành mạnh lại như xưa công lực cũng đã khôi phục hoàn toàn. Nàng lập tức tung người nhẹ nhàng nhảy ngay xuống lưng con bạch mã.

Bỗng Hạ Hầu Quyên ngạc nhiên thấy cạnh bên yên ngựa có phong thơ ghim sẵn, nàng lật đật lấy thơ mở ra xen, thấy trong có đề một hàng chữ nét đẹp như rồng bay phượng múa :

“Quyên muội mới lành bệnh, nên lấy ngựa này mà đi cho ngu huynh yên lòng!”

Hạ Hầu Quyên biết là thư của Bành Bạch Y gởi cho mình bằng lời lẽ chân tình cảm động, bất giác nàng khẽ lắc đầu thở dài hai mắt rưng rưng ngấn lệ. Và không muốn làm phật lòng Bành Bạch Y, Hạ Hầu Quyên vội mở dây cương cho ngựa phóng tới trước.

Sau khi Hạ Hầu Quyên đi khỏi chừng nửa giờ bỗng một bóng trắng từ phía khác chạy đến như bay.

Và kẻ vừa xuất hiện không ai khác hơn là Bành Bạch Y, chàng trai si tình cô gái họ Hạ Hầu kiều mỹ.

Vừa chạy đến nơi, Bành Bạch Y thấy ngựa đã mất, chàng ta bất giác ngẩn người, rồi lập tức nhảy vọt lên thạch động.

Thì ra, trong khi quá thất vọng buồn khổ, nhân lúc Hạ Hầu Quyên đang mãi nhập định, Bành Bạch Y âm thầm chạy ra cửa động, khẽ gọi con bạch mã đến nơi, rồi viết thơ để lại cho nàng.

Nhưng sau khi đi được độ mười dặm, chàng ta sực nhớ lại là đã quên mất lời căn dặn của Kim Tiễn Túy Ông La Đại Cuồng, bảo chàng nói lại với Hạ Hầu Quyên và vì lời dặn dò này rất quan hệ đến sinh tử họa phước của nàng, nên Bành Bạch Y cảm thấy hối hận mới vội quay trở lại.

Giờ đây, kiếm tìm khắp cả trong ngoài, vẫn không thấy bóng dáng Hạ Hầu Quyên đâu, Bành Bạch Y đâm cuống cả lên.

Chàng trở ra đứng trước cửa thạch động, mặt cứ cau lại suy nghĩ mãi.

Chàng không biết hiện giờ nàng đã đi về phương trời nào.

Trong cảnh huống này, thiên hạ mênh mông bể sở biết người ra đi không định hướng ở đâu mà tìm? Bành Bạch Y càng nghĩ càng thấy rối trí.

Nhưng cũng may, đang ngẩn ngơ suy nghĩ đột nhiên Bành Bạch Y sáng rỡ hai mắt khi chàng chợt nhìn thảy những dấu chân ngựa in rõ trên mặt đất.

Trong bụng cả mừng, Bành Bạch Y lập tức nhảy theo dấu ngựa đi lần tới.

Song đi được một quãng ngắn độ chừng vài dặm tới một ngã ba đường Bành Bạch Y bỗng giật mình thấy dấu chân ngựa mất hẳn.

Đang lúc Bành Bạch Y suy tính, thấy phía bên mặt là một quan lộ rộng lớn, đường giữa là một con dốc uốn lượn quanh co lên thẳng một ngọn núi cao vút, còn phía bên trái là một con đường nhỏ đi thẳng xuống một tòa sơn cốc khẩu, chàng chợt phát hiện có một đám khói màu vàng lạ lùng bốc cao mù mịt ở xa xa, nơi tòa sơn cốc ấy.

Nếu đổi người nào khác, chắc họ không thèm chú ý đến đám khói màu ấy nhưng với Bành Bạch Y thì khác hẳn, bởi chàng sinh trưởng tại Tây nam, đối với các loại chướng khí chàng có một kiến thức khá rộng, nên chàng nhận ra ngay đám khói màu vàng nhạt kia đúng là loại “Kim tiền độc chưởng” vô cùng lợi hại.

Do đó chàng bỗng lo cho Hạ Hầu Quyên và nếu không may nàng đi về hướng này, ngẫu gặp phải độc chưởng chắc những công lực của nàng rất có thế bị hủy diệt mà còn hiểm nguy tới tính mạng nữa là khác.

Sợ vậy nên Bành Bạch Y quyết chí xông vào vùng chưởng khí ấy.

Chàng là con của Ai Lao sơn Quy Vân bảo chủ Bành Ngũ tiên sinh, thường sống ở vùng Miêu cương nên trong người chàng luôn luôn có mang theo các thứ thần dược chuyên giải các loại chướng khí.

Sau khi bôi một thứ thuốc giải vào mũi, bỏ vào miệng hai viên linh đơn, Bành Bạch Y liền giở khinh công chạy thẳng xuống sơn cốc.

Chạy chưa tới nơi, hơn nữa lại chạy ngược gió thế mà chàng đã ngửi thấy một mùi hoa quế.

Mùi thơm này tuy không nồng nhưng khiến Bành Bạch Y giật mình kinh sợ.

Chàng kinh sợ vì hai bên mũi của chàng đã được bôi ngừa một thứ thuốc giải chướng khí kỳ độc đáng lý chàng không ngửi thấy mới phải chứ sao lại ngửi thấy sớm khi chàng chưa lọt vào vùng chướng khí?

Thoáng suy nghĩ qua Bành Bạch Y cho rằng rất có thể vì hai nguyên do sau đây :

Nguyên do thứ nhất là hương vị hoa quế không phải đã phát khởi từ nơi độc chướng, nên không ăn nhằm gì với thứ giải dược được bôi trên mũi chàng.

Thứ hai là thứ chướng độc trong cốc không phải loại “Kim tiền chướng khí” tầm thường, mà là một thứ độc chướng đặc biệt hiếm có rất lợi hại, mạnh hơn thứ dược lực trên mũi chàng.

Bởi vậy, Bành Bạch Y hết sức thận trọng và muốn chắc ý hơn, chàng lập tức bôi thêm vào mũi một thứ thuốc khác, miệng ngậm thêm hai viên linh đơn nữa, xong mới bước vào trong cốc.

Cốc khẩu này rộng chừng một trượng. Khi vừa bước vào tới nơi, Bành Bạch Y bỗng thấy cỏ một khúc lụa hồng có điểm những đốm màu tím trông rất lạ mắt.

Khúc lụa hồng có điểm những đốm màu tím này bề ngang độ hơn ba tấc, trông không giống thứ lụa dùng để cho phái nữ may y phục, cũng không giống bất cứ một thứ khí giới nào cả.

Đang lúc Bành Bạch Y nhìn khúc lụa đầy vẻ kinh dị thì đột nhiên khúc lụa hồng nhúc nhích cử động và như đang có người nào kéo nó từ từ vào một bụi cỏ rậm rạp kế đó.

Đến bây giờ, nhìn kỹ, Bành Bạch Y mới hiểu khúc lụa màu đỏ hồng có chấm tím này không phải là khúc lụa, cũng không phải là một vật gì khác mà là một con quái vật có hình dạng giống như rắn, mình dẹp.

Con quái vật hình rắn bò ngoằn ngoèo một hồi nháy mắt nó đã biến mất vào một đầm cỏ cao hơn đầu người.

Bành Bạch Y hết sức kinh dị, chàng vốn được sinh trưởng tại Ai Lao sống quen vùng Miêu Cương đã từng thấy biết bao nhiêu những cầm dị độc mãng quái trùng nhưng đối với thứ rắn vừa rồi mình mỏng như lụa và đuôi xòe như cánh quạt quả thật chưa hề nghe thấy ai nói đến bao giờ.

Chàng cũng rất lấy làm tiếc chỉ thấy khúc mình và đuôi con quái xà mà chàng tưởng là khúc lụa chứ chưa trông rõ được đầu nó nếu không biết đâu chằng chẳng đoán ra được chút ít lai lịch của giống rắn quái dị này.

Đúng lúc ấy trong tự cốc nhiên lại phát ra những tiếng kêu “o o” rất quái dị, nhưng sau đó bỗng im bặt hoàn toàn không lấy kêu tiếp, hay xuất hiện vật gì khác lạ cả.

Bành Bạch Y kinh hãi chàng đoán biết tòa sơn cốc vô danh này bề ngoài tuy không thấy gì kỳ lạ, nhưng bên trong chắc chắn có ngầm chứa nhiều việc quái dị kinh chấn động địa chứ chẳng không, vì chưa vào sâu trong sơn cốc chàng đã trông thấy yêu quang độc khí là nhất quái, quế hoa hương vị là nhị quái, con quái xà mình xẹp lép là tam quái, tiếng kêu “o,.. o...” là tứ quái rồi.

Tuy nhiên, quái dị càng xuất hiện nhiều, lại càng kích khởi lòng hiếu kỳ của Bành Bạch Y thêm chứ không làm chàng run sợ ngã lòng mà chùn chân lui bước ngay trở ra.

Hơn nửa nghĩ tới người đẹp Hạ Hầu Quyên, Bành Bạch Y lại càng phấn khởi hơn, chàng quên hết cả mọi sự nguy hiểm, liền mạnh dạn bước thẳng vào sơn cốc.

Đường đi mỗi lúc mỗi quanh co, lần theo vách đá quẹo qua quẹo lại đến lần thứ năm, Bành Bạch Y bỗng thấy phía trước mặt hiện ra một bộ xương ngựa trắng toát đứng chặn ngang lối đi của chàng.

Thế là là đệ ngũ quái đã xuất hiện.

Nhưng đối với những hào kiệt võ lâm quen sống cuộc đời giang hồ sóng gió ngày đêm gần gũi với đao kiếm thì một bộ xương ngựa trắng toát không có gì đáng kinh hãi cả.

Tuy nhiên bộ xương ngựa này vẫn khiến Bành Bạch Y giật mình kinh dị, hình dáng của nó cao lớn đúng là con Thiên Lý Long Câu trông giống hệt hình giáng con “Ngọc Sư Tử” của chàng đã tặng cho Hạ Hầu Quyên.

Vả lại nó cũng không phải là một bộ xương cũ, mà là một bộ xương ngựa mới chết không lâu, máu thịt còn chưa khô hết, trông rất dễ sợ nên khiến Bành bạnh Y càng trông càng sợ thêm.

Chàng thầm lo ngại vì nếu con ngựa mới chết này đúng là con “Ngọc Sư Tử” của chàng thì Hạ Hầu Quyên tất phải đang ở trong thẳm cốc và nàng gặp nhiều hung hiểm chớ chẳng không?

Thế rồi, Bành Bạch Y liền đi vòng qua bộ xương ngựa, tiếp tục bước sâu vào trong thành cốc.

Vào tới trong này rồi chàng không còn trông thấy đám khói vàng mờ ảo khi nãy nữa.

Chàng không cần suy nghĩ thêm liền quét mắt nhìn khắp mọi nơi trên kiếm xem trong này còn bóng người nào không.

Nhưng trong cốc mọi bề vắng ngắt không có lấy một nửa bóng người, chỉ thấy trên vách đá bên trái có mấy tòa động huyệt tối đen bí hiểm.

Bành Bạch Y đếm kỹ thấy có hết thảy bảy cái. Chàng bỗng cau mày suy nghĩ một hồi rồi liền quyết định mạo hiểm một phen thầm thính xem thử trong bảy động huyệt kia có gì lạ không.

Thế là Bành Bạch Y lập tức đề khí đằng thân, bay vọt lên trên vách đá phía bên trái.

Bảy tòa huyệt động này đều cách xa mặt đất không cao lắm, động cao nhất chỉ cao độ ba trượng thôi.

Vừa nhảy lên tới bên trên, Bành Bạch Y vội quét mắt quan sát thấy bảy tòa huyệt động cái nào cũng rất sâu và tối đen như mực không có qua một tiếng động. Bất đắc dĩ, chàng đành mạo hiểm bước đại vào huyệt động thứ nhất.

Lúc mới vào, Bành Bạch Y còn trông rõ được mọi vật, nhưng sau khi quẹo qua quẹo lại hai ba lần, chàng không còn trông thấy gì cả.

Trong túi hành trang của Bành Bạch Y tuy có đem theo sẵn mồi lửa nhưng chàng không dám lấy ra dùng vì chàng biết những giống độc vật phần nhiều trông thấy lửa là lập tức chúng tập kích ngay chớ không như những loại xà thú tầm thường thấy lửa là trốn chạy.

Hơn nữa, trong trường hợp này, nếu đốt lửa thì chẳng khác nào tự mình chỉ cho địch nhân biết mà công kích vậy. Cho nên Bành Bạch Y không dám đốt lửa, chàng đành ngầm vận nội gia chân lực tụ vào song chưởng, gìn giữ phía trước ngực, đồng thời vận dụng nhĩ lực lắng nghe mọi động tĩnh đoạn từ từ tiến vào sâu.

Vào tới đáy động huyệt, Bành Bạch Y không gặp qua chuyện gì lạ cả nên đành quay trở ra. Nhưng khi vừa ra đến ngoài cửa động, chàng bỗng giật mình kinh ngạc đến cực độ.

Chàng không hiểu sao, rõ ràng vừa rồi chàng bước vào động huyệt thứ nhứt thế mà, bây giờ chàng lại từ tòa động huyệt thứ hai bước ra.

Nghĩ một hồi không tìm ra được nguyên nhân, Bành Bạch Y Liền tiếp tục thám mạo sang động huyệt thứ ba.

Lần này chàng quyết ý nhớ từng bước một nên chàng bước đi rất chậm và cũng không quên vận công lực phòng ứng biến. Song cũng như lần trước vào tới đáy động huyệt chàng không gặp một chuyện lạ nào.

Thế là Bành Bạch Y lại quay trở ra, lần này chàng nhớ kỹ đường đi nước bước, nên chàng đinh ninh thế nào mình bước ra cửa động huyệt thứ ba chứ không thể nào lẫn lộn được nữa.

Thế mà thiên hạ sự vẫn có chuyện kỳ lạ ngoải sức tưởng của con người như thường.

Quả vậy khi ra tới cửa động huyệt, Bành Bạch Y thở dài thấy đúng là cửa động thứ tư chứ không phải cửa động thứ ba như chàng tưởng.

Bành Bạch Y kinh dị cực độ, trong lòng đâm ra mê hoặc chàng cho rằng những huyệt động kỳ dị trên vách đá có thể liệt vào đệ lục quái sự trong vụ thám hiểm sơn cốc này của chàng.

Bành Bạch Y hết dám mạo hiểm liều lĩnh nữa, chàng vội ngồi xuống mặt đất dụng công phu thổ nạp của nội gia, điều khí ngưng thần tịnh tâm dưỡng trí.

Nào hay giữa lúc chàng đang mãi mê tĩnh tọa dưỡng thần một quái sự nữa đột nhiên lại đến, chàng bỗng ngửi thấy mùi thơm của hoa quế.

Bành Bạch Y không dám bỏ lỡ cơ hội, nên vội đứng dậy thuận theo mùi thơm tìm kiếm.

Đi chưa được bao xa chàng phát hiện được mùi thơm hoa quế đã từ trong huyệt động thứ năm bay ra.

Bành Bạch Y đoán biết trong động huyệt thứ năm này chắc có rất nhiều hiện tượng kỳ quặc, nên chàng quyết tâm xông vào mạo hiểm cho thỏa tính hiếu kỳ mới nghe.

Bởi thể chàng quên hết cả lợi hại và nguy hiểm rất có thể xảy ra, vội thò tay vào mình lấy vật đánh lửa thắp sánh lên và lập tức giơ cao đuốc bước đại vào.

Sau khi quanh qua quẹo lại đúng ba lần, vì động huyệt thứ năm này cũng ngoằn ngoèo sâu thẳm như mấy động huyệt kia, Bành Bạch Y tiến vào tới tận trong cùng.

Nơi đây, chàng phát giác được rằng chính chỗ chàng đang đứng là một tòa thạch thất hình tròn và mùi thơm của hoa quế xông ra càng ngào ngạt thêm.

Trong tòa thạch thất hình tròn này, Bành Bạch Y đề ý tìm kiếm nhưng chàng không thấy có vật gỉ đáng nói cả, chỉ trừ có bức bích họa kỳ dị treo trên vách đá thôi.

Bức bích họa này không phải vẽ hình người hay một thứ hoa mộc nào, mà vẽ hình một quái thú dị dạng, không giống rồng mà cũng chẳng giống rắn.

Sực nhớ lại con quái vật toàn thân màu hồng có điểm những đốm tím trên mình hình dạng cũng có hao hao giống như rắn, mình dẹp mà chàng đã bắt gặp ngoài cốc khẩu lúc nãy và chàng tưởng là khúc lụa, Bành Bạch Y giật mình nhìn sững bức bích họa.

Và không cò nghi ngờ gì nữa, Bành Bạch Y quả quyết chính con quái thú đầu có một sừng mình dẹp, đuôi xòe như cánh quạt vẽ trên bức bích họa kia là hình của con quái thú mà chàng đã gặp, tuy rằng hình này chẳng được tô màu đỏ tím như sắc con quái thú bằng xương bằng thịt thật.

Bành Bạch Y ngẩn người nhìn sững bức bích họa một hồi, bỗng chàng lại khám phá ra được một chuyện lạ lùng kỳ quặc nữa là mùi thơm nồng quái của hoa quế mà chàng đã ngửi thấy chính được phát ra từ chiếc sừng trên đầu con quái thú vẽ trong bức bích họa.

Ngay khi Bành Bạch Y đang trố mắt đứng trơ ra như một pho tượng đá thì đột nhiên con quái xà đuôi quạt màu huyết hồng không biết từ ngõ hang nào, lại từ từ bò tới bên chàng không gây một tiếng động nhỏ.

Bành Bạch Y không hề hay biết, vì vậy hiểm họa mỗi lúc mỗi đến bên chàng, giữa khi công cuộc mạo hiểm của chàng còn đang dang dở vì chàng chưa biết tung tích của Hạ Hầu Quyên ở chốn nào...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.