“Chỉ cần là lời cô nương nói, ta sẽ tin.”
Giữa gian viện tĩnh lặng thoang thoảng hương hoa lê, ta ngồi nhìn trầm hương đang cháy dở trong lò hương, ngắm từng làn khói trắng xóa hòa quyện vào không trung, run run cất tiếng nói:
“Có một vị cô nương nọ, nàng ta từng si ngốc thầm đem lòng yêu mến một nam nhân cao không thể với tới. Rốt cuộc, lại bị chính người ấy hứa gả cho kẻ khác. Nàng ta tuyệt vọng tự sát, chẳng ngờ, sau đó, không xuống mười tám tầng địa ngục, cũng không nhập lục đạo luân hồi, mà lại trở lại thời thơ ấu. Nàng ta rất vui mừng, ngỡ rằng bản thân có cơ hội làm lại từ đầu, thay đổi số mệnh. Nhưng rồi, lại nhận ra, vận mệnh có thể sửa, không thể đổi, nàng ấy cuối cùng vẫn không cách nào thoát khỏi nam nhân kia. Phật nói, nhân sinh có bảy nỗi khổ. Kiếp trước ái biệt ly, kiếp này oán tăng hội [1], nàng ấy cảm thấy trước mắt chỉ là bức màn mơ hồ, tiến không được, lui cũng chẳng xong, vô cùng thống khổ. Xin hỏi tiên sinh, cô nương nọ nên làm thế nào?”
Người kia lặng đi một hồi, từ bên trong bình phong mới vang lên một giọng nói rất khẽ:
“Ký lai chi, tắc an chi. [2] Nếu trời xanh đã an bài cho nàng ấy sống lại, tất nhiên là có lý do. Thay vì ngày ngày buồn khổ, tại sao không trân trọng mỗi một khắc được sống trên dương thế? Khổ não cũng là một ngày, hoan hỉ cũng là một ngày, tại sao không chọn hoan hỉ thêm một ngày? Thay vì trốn tránh vào thiền môn, tại sao lại không bình thản đối mặt? Kết cục xấu nhất là gì? Chẳng phải là chết sao? Nàng ấy đã chết qua một lần rồi, vậy thì còn sợ gì nữa?”
Ta ngẩn người, lẩm bẩm tự hỏi:
“Nàng ấy sợ gì?”
Đoạn, lại khẽ cười tự giễu.
Ta không sợ chết. Ta chỉ sợ, không kiềm giữ được lòng mình, lại một lần nữa trải qua nỗi khổ của kiếp trước.
Loại đắng chát tận tâm can đó, nếm qua một lần, đã đủ lắm rồi.
Người kia chẳng trả lời ta, chỉ so dây đàn một khúc, lại khẽ giọng ngâm bài kệ:
“Nhất thiết ân oán hội
Vô thường nan đắc cửu.
Sinh thế đa ưu sự
Mệnh nguy ư thần lộ.
Do ái cố sinh ưu
Do ái cố sinh bố.
Nhược ly ư ái giả
Vô ưu hựu vô bố.” [3]
Do ái cố sinh ưu? Do ái cố sinh bố?
Ta bật cười, đột nhiên hiểu ra.
Trong tiếng đàn êm đềm dịu dặt, ta lại ngủ thiếp đi. Lần này, ta nằm mơ, nhưng lại không phải mơ thấy ác mộng.
Trong giấc mơ, ta trông thấy tất thảy bi hoan ly hợp của kiếp trước lướt qua trước mắt.
Có lúc, ta thấy mình hớn hở nắm trong tay hai sợi dây tơ hồng, rụt rè nhìn công tử, nói:
“Nghe nói, chỉ cần ghi tên hai người ra, buộc lại bằng sợi tơ hồng này, sau đó treo lên cành cây trước miếu Nguyệt Lão, thì đời này kiếp này sẽ không rời xa nhau.”
Công tử liếc nhìn hai sợi dây, thoáng nhíu mày, khẽ bảo:
“Gia trước nay không tin những thứ này.”
Ta gượng cười, đáp:
“Không cầu linh nghiệm, chỉ cầu an tâm mà thôi.”
Sau đó, ta cẩn thận viết ra tên của mình và công tử, buộc lại bằng tơ hồng, treo lên nhành cây trước miếu Nguyệt Lão.
Rốt cuộc, số mệnh đã chứng minh, công tử nói không sai. Nhân duyên là thứ chỉ có thể gặp, không thể cầu.
Rồi lại có lúc, ta mơ thấy mình đứng bên án thư, chú tâm mài mực giúp công tử. Công tử đang viết, chợt dừng bút, bất thình lình cất tiếng khẽ hỏi:
“Y Y, nếu có một ngày phải rời Dương Châu, nàng muốn đi đâu?”
Ta vội đáp:
“Y Y không muốn đi đâu cả, Y Y chỉ muốn ở lại hầu hạ công tử.”
Công tử lắc lắc đầu, nói:
“Không ai ép nàng rời đi, gia chỉ nói nếu như.“.
Ta nghiêng đầu nghĩ ngợi một lúc, đáp:
“Thường nghe nói: “Trên có thiên đàng, dưới có Tô Hàng.” Nếu có cơ hội, Y Y cũng muốn đến đó sinh sống.”
Công tử liếc nhìn ta, khẽ cười, nói:
“À phải, gia quên mất, chẳng phải biểu ca là người Cô Tô sao?”
Ta giật mình, vội xua tay bảo:
“Không phải, không phải, ý nô tỳ nói là Hàng Châu, chỉ có Hàng Châu thôi.”
Công tử nghe vậy, liền tủm tỉm cười, rồi lại nhíu mày, lẩm bẩm:
“Hàng Châu thì có gì tốt? Đoạn kiều, Cô sơn, nghe qua đã thấy không may mắn.”
Ta nói:
“Nhưng Đoạn kiều vốn không hề đứt gãy, Cô sơn vốn không hề cô độc.”
Tất nhiên, lúc đó, ta ít đọc sách, còn chưa nghe qua câu: “Đoạn kiều bất đoạn thốn trường đoạn, Cô sơn bất cô quân tâm cô.” [4]
Một giấc xuân thu đại mộng thoáng qua trong một đêm ngắn ngủi.
Hôm sau, ta tỉnh dậy, cũng như bao lần trước, đã thấy mình ở trong phòng.
Lần này, ta lại đổ bệnh phong hàn, trán nóng bừng, đầu đau nhức, nhưng tinh thần lại nhẹ nhõm lạ thường. Ta đã nghĩ thông suốt rất nhiều chuyện, cũng không còn ngày ngày rầu rầu ủ dột nữa. Lúc Ngân Bích mang thuốc vào cho ta uống, trông thấy ta ngẩng đầu mỉm cười với cô ấy, đã kinh ngạc đến suýt đánh rơi bát thuốc.
Đợi ta uống thuốc xong, Ngân Bích mới nói:
“Bẩm quận chúa, Vương gia sai người gửi thư báo, vài hôm nữa sẽ đến đưa người quay về Vương phủ.”
Ba tháng mùa đông nặng nề trôi qua, mùa xuân ấm áp lại đến, vạn vật lại sinh sôi nảy lộc, cũng đã đến lúc ta phải rời khỏi nơi này.
Ta vốn muốn đến nói lời cảm tạ, sẵn tiện từ biệt vị tiên sinh nọ. Nào ngờ, bệnh đến như núi đổ, bệnh đi như kéo tơ, ta chờ mãi vẫn chưa khỏe hẳn, mà mấy đêm nay cũng không nghe thấy tiếng đàn của y nữa.
Một sáng nọ, ta thức dậy, thấy trên đầu có một cái khăn chườm, tràn cũng mát đi nhiều. Cổ họng hơi khát, ta gượng ngồi lên, muốn gọi Ngân Bích, Kim Xuyến vào rót nước cho mình uống, nhìn đến góc phòng, lại sững người.
Chỉ thấy, bên án thư cạnh cửa sổ, người nọ đang ngồi thong thả viết gì đó, tia nắng lấp lánh rọi lên vạt áo thiên thanh của chàng ta, mơ hồ tựa một giấc mộng.
Rất lâu trước đây, mỗi sáng ta mở mắt ra, lần nào cũng trông thấy khung cảnh này.
Tưởng chừng quen thuộc như thế, rồi lại hóa thành xa lạ như thế.
Chàng ta nhận ra ta đã thức dậy, liền gác bút đứng dậy, tiến đến gần ta. Theo phản xạ, ta sợ hãi lui về phía sau. Rốt cuộc, chàng ta chỉ nhẹ nhàng đặt tay lên trán ta, đoạn, khẽ cười nói:
“Không còn nóng nữa, uống thêm thuốc là sẽ khỏi.”
Dứt lời, chàng ta bước tới bàn, cầm lên bát thuốc đang hâm nóng, ngồi xuống bên giường, nhẹ giọng bảo:
“Y Y ngoan, uống thuốc đi nào. Ngoan, thuốc này ta có cho thêm đường, không đắng đâu.”
Nói đoạn, chàng ta múc một muỗng thuốc, muốn đưa đến bên miệng đút cho ta uống. Ta nghiêng đầu tránh đi, hỏi:
“Tô công tử, tại sao công tử lại ở đây, lại còn tự ý xông vào khuê phòng của ta?”
Chàng ta khẽ cười, nắm lấy tay ta, nói:
“Ta đến Vương phủ thăm nàng, mới hay nàng đã tới Bạch Mã tự, liền không ăn không ngủ đi suốt đêm đến đây. Y Y thật không ngoan, mới rời ta mấy tháng đã sinh bệnh, lại còn gầy như thế...”
Gần đây, phụ vương càng lúc càng thể hiện rõ ràng muốn gả ta vào Tô gia, không ngờ còn làm đến mức này.
Ta nhẹ nhàng rút tay về, lạnh nhạt nói:
“Công tử tùy tiện vào phòng của ta như thế, quả thật là không hợp lễ nghĩa.”
Chàng ta bật cười, bảo:
“Y Y là người của ta, ta chăm sóc cho nàng, có gì là không hợp lễ nghĩa?”
Ta hờ hững nói:
“Ta đã không còn liên quan gì đến công tử, xin công tử nói năng thận trọng.”
Chàng ta đảo mắt đến cây đàn tranh treo ở góc phòng, tủm tỉm cười nói:
“Nếu Y Y thật sự dứt tình với ta, sao phải mang theo cây đàn ta tặng nàng? Như vậy chứng tỏ, Y Y vẫn không quên được ta, hà tất phải lừa mình dối người chứ?”
Ta: “....”
Lâu ngày không gặp, quả nhiên, bệnh của công tử lại trở nặng hơn xưa.
.......
*Chú thích
[1] Ái biệt ly: yêu mà phải rời xa, oán tăng hội: ghét mà phải gặp nhau. Đây là 2 trong 7 nỗi khổ lớn của đời người theo lý thuyết đạo Phật.
[2] Ký lai chi, tắc an chi: Nếu đã đến, thì cứ an tâm ở lại.
[3] Tạm dịch:
Mọi ân oán đời này
Đều vô thường chóng phai
Cõi thế nhiều khổ não
Đời người như sương mai
Do ái sinh sợ hãi
Do ái sinh ưu phiền
Kẻ nào lìa chữ ái
Tâm mới được an nhiên
[4] Cầu Đoạn không gãy, gan ruột đứt, Núi Cô không cô đơn, lòng người cô đơn.