HAI HÔM SAU chị Mẫn về, trong nhà lại yên tĩnh. “Cái
mặt” của Phần cũng không thấy đâu, đội của Ba hôm ấy cũng phải họp, không còn
thời gian đến. Buổi tối, Mẫn đưa cô giáo Diệp, một đồng nghiệp đến nhờ Thu chỉ
cách đan cửa quần len nam giới.
Thu biết cách đan cửa quần, nhưng cô giáo Diệp không
những hỏi Thu cách đan cửa quần, còn hỏi cửa quần phải đan cao bao nhiêu để cho
chồng tiện mở. Thu cũng học được của người khác, lúc đan không nghĩ phải để cao
bao nhiêu. Lúc này cô giáo Diệp hỏi “tiện mở” làm Thu ngượng đỏ mặt, bối rối:
- Cô để em đan giúp. – Nói xong, Thu nhanh tay giúp cô
giáo Diệp đan.
Cô giáo ngồi chờ Thu đan cửa quần, vừa nói chuyện với
Mẫn:
- Mẫn này, Thu nó vừa đảm đang, vừa xinh đẹp, chả
trách gì bác Trương muốn hỏi Thu cho chú Hai. Thu ơi, em cứ lấy chú Hai nhà chị
Mẫn đi, em về làm dâu bác Trương, bọn chị muốn đan gì cũng tiện, lúc nào cũng
có thể hỏi em.
Mẫn nói:
- Đằng ấy đừng nói vớ vẩn, Thu nó còn trẻ con lắm.
Mẫn thăm dò:
- Thu người thành phố, ăn gạo ngon, làm sao ưng được
người miền núi chúng mình? Người như Thu chắc chắn phải lấy người thành phố, có
đúng không, Thu?
Thu mặt đỏ bừng, nói:
- Em còn nhỏ, chưa nghĩ đến chuyện ấy.
Cô giáo Diệp nói:
- Lấy người thành phố à? Chị tính thế này, đến đội
thăm dò tìm một người, ở đấy có người thành phố đấy. Đến lúc Thu lấy chồng
người thành phố, chúng mình có người giúp đan áo, vẹn cả đôi đường. – Cô giáo
Diệp suy nghĩ một lúc rồi nói tiếp: - Chị thấy cậu Tân được đấy, biết kéo đàn,
xứng với Thu lắm. Mẫn ơi, cậu Tân vẫn đến chơi nhà đằng ấy, chắc là nhắm nhe
Thu đấy nhỉ.
Mẫn cười phá lên:
- Mắt đằng ấy thật tinh. Trước đây tôi gợi ý cậu ấy
với cái Phần nhà tớ, cậu ta tránh không đến. Nhưng gần đây năng đến lắm, hầu
như ngày nào cũng đến.
Thu nghe không dám nói gì, chỉ mong hai người nói đùa.
Cô giáo Diệp nói:
- Vậy thì bác Trương bực lắm nhỉ? Một đứa con gái xinh
xắn, định đánh tiếng cho con trai, không ngờ bị nẫng tay trên.
Mẫn cười:
- Không đâu, Thu chắc chắn là người nhà tôi rồi, cậu
Tân ở nhà đã có vợ chưa cưới.
Thu cảm thấy đầu óc quay cuồng, tưởng mình sắp ngã ra
đất, nhưng không ngã mà còn như bay lên không trung, tự đánh giá cao mình, sung
sướng trên đau khổ của người khác, nghĩ bụng: Thu ơi, suốt ngày mi nói phải lạc
quan trước mọi chuyện, đây là lúc thử thách mi.
Chị Mẫn và cô giáo Diệp thì thầm chuyện trò, thỉnh
thoảng lại cười khúc khích, Thu cũng thỉnh thoảng cười một mình, nhưng trong
đầu óc chỉ có một ý Tân ở nhà đã có vợ chưa cưới.
Thu vừa đan vừa nghe chị Mẫn và cô giáo Diệp nói
chuyện, cuối cùng không biết cái cửa quần kia dài bao nhiêu, nhưng câu chuyện
của người Thu nghe không sót một câu. Cho đến khi cô giáo Diệp bảo phải về, Thu
mới cầm cái quần lên xem, phát hiện cửa quần đã dài đến ba mươi phân.
Cô giáo Diệp không kiềm chế nổi:
- Được, như thế này chồng chị mở cho dễ, chả khác gì
quần mở.
Thu rất ngượng, rất muốn tháo ra đan lại ngay. Chị Mẫn
nói với cô giáo Diệp:
- Không cần phải tháo, đằng ấy về lấy kim khâu bớt lại
là được.
- Đúng đấy, tháo ra tiếc lắm. – Cô giáo Diệp nói.
Chờ cho cô giáo ra về, Thu vội về buồng mình, tưởng
như không chịu đựng nổi, nằm lên giường, trùm chăn kín đầu giả vờ ngủ. Tuy đắp
cái chăn rất dày, Thu vẫn run rẩy, không biết mình lạnh hay sợ hãi, hay vì
nguyên nhân nào khác. Thu trốn trong chăn, rất giận Ba: đồ lừa dối! Đồ lừa dối!
Ở nhà đã có vợ chưa cưới, tại sao lại đối với mình như vậy? Anh làm những
chuyện đó lẽ nào là việc của một người có vợ chưa cưới đối với một người con
gái?
Thu đau đớn nhận ra rằng, nguyền rủa kẻ lừa dối sẽ
không có tác dụng. Ở đời này kẻ lừa dối nhiều lắm, có chửi rủa thì kẻ lừa dối
cũng không chết, cũng không làm đau được chúng. Muốn trách chỉ nên trách bản
thân, trách mình không có mắt, không biết phân biệt đâu là kẻ lừa dối.
Chuyện dọc đường hôm đó lại lần lượt hiện về, như một
bộ phim liên tục chiếu không thể dừng, một loạt cảnh cứ loang loáng lướt qua,
đầu óc Thu hoàn toàn mụ mẫm không biết mình đang nghĩ gì, cũng không biết mình
nên nói gì. Bây giờ nghĩ lại, giống như xem một tập ảnh, mỗi tấm ảnh đã cố định
một thời điểm, có thể có rất nhiều cảnh bị tước bỏ, nhưng những cảnh chính thì
vẫn còn, có thể xem từng tấm một, vừa xem vừa bình luận, phản tỉnh. Nhưng cảnh
trước khi Ba ôm Thu hình như không chụp, cho dù có chụp thì Thu cũng lật giở
nhanh. Tất cả hiện đi hiện lại trong ký ức, đấy là lúc Ba dọa, bảo anh giống
như một oan hồn đứng dưới gốc cây, sau đấy không biết tại sao, anh ôm Thu, anh
hôn Thu, lại còn đưa lưỡi vào sâu trong miệng Thu.
Lúc này biết anh ở nhà đã có vợ chưa cưới, bỗng Thu
cảm thấy lật giở nhiều tấm ảnh rất cũ, trên đó ghi rõ tất cả, nhưng lúc ấy
không nhận ra. Lúc Thu ở cùng với Ba luôn có cảm giác mê mẩn, giống như bản
thân từ trước đến nay vẫn cho rằng sức phán đoán, sức chịu đựng rất đáng tự hào
của mình không tồn tại. Anh giống như một cơn gió mạnh khiến Thu đi theo chân
không bén đất, tư duy trở nên chậm chạp, thính giác trở nên trì độn, nhưng thần
kinh cười lại rất phát triển – tất nhiên là thần kinh cười ngây dại.
Thu nhớ lại những ngày đã qua, lúc đang đi trên núi,
anh lấy Romeo và Juliet làm ví dụ, biện hộ cho người thanh niên bỏ rơi người
yêu trước đấy, thật ra là nói về chính anh. Buổi tối hôm ấy trên đường về, anh
gián tiếp thừa nhận đã cầm tay người khác.
Nghĩ đến đây Thu chợt ân hận vô cớ. Tại sao lúc bấy
giờ mình không hiểu? Nếu hiểu, lúc anh ôm, chắc chắn Thu đã nổi cáu. Nếu nổi
cáu, sẽ là một cách biểu hiện lập trường, chứng minh Thu rất ghét anh làm như
vậy.
Rất tiếc, ngay lúc ấy Thu không nổi cáu mà còn lặng lẽ
thừa nhận mình thích được cầm tay, Thu thật không hiểu tại sao mình lại thích
thú một sự việc ngu ngốc đến vậy. Lúc anh không cầm tay mình, hình như cũng ít
chuyện để nói, lại cảm thấy bực mình, không biết tại sao trong lòng lại sờ sợ,
sợ anh bỏ mặc.
Bây giờ Thu đã để anh ôm rồi, để anh hôn rồi, kết quả
anh đã có vợ chưa cưới, chẳng hóa ra Thu bị anh lừa dối? Từ nhỏ Thu đã nghe mẹ
nói con gái “một lần sẩy chân ôm hận suốt đời”, ngay từ đầu Thu không thật hiểu
nhưng cũng hiểu cơ bản câu nói ấy, song “sẩy chân” là thế nào?
Theo Thu, để người con trai biết mình yêu anh ta, tức
là sẩy chân, bởi anh ta có thể đem chuyện ra khoe với người khác, hủy hoại
thanh danh người con gái. Thu đã từng biết nhiều chuyện như vậy, mà cũng đã
từng thấy người con gái gặp chuyện bất hạnh như vậy, cho nên Thu rất chú ý
không để “sẩy chân”, biện pháp an toàn nhất là không yêu ai, như vậy sẽ không
có chuyện “sẩy chân”.
Nghĩ đến đây Thu cảm thấy sợ hãi. Nhưng vẫn còn may,
chuyện của Thu với anh chưa ai biết, mà Thu cũng không để lại dấu vết mực đen
trên giấy trắng. Cho nên lúc này, khốn đốn nhất là Thu thừa nhận với anh mình
thích được cầm tay. Nhưng hôm đi gọi anh về ăn cơm, Thu từ chối cho anh cầm
tay, phải chăng tình hình đã thay đổi?
Thu quyết định không quan tâm đến anh nữa, coi như
chưa từng xảy ra chuyện gì. Cho dù anh có vợ chưa cưới, anh cũng sẽ không nói
với ai, mong sự việc ấy không mắc mớ gì đến cuộc sống của Thu. Thu không nhớ
mình đã gặp câu nói này ở đâu rồi: “Việc xấu người khác không biết coi như
không có việc xấu”. Thu mong câu nói ấy đã thuật lại rõ một sự thật.
Nhưng gói đường phèn kia sẽ xử lí thế nào, mẹ rất cần
thứ đó? Thu về thành phố cũng không thể nào mua nổi đường phèn, cho nên Thu
quyết định nhận, nhưng nhất định phải trả tiền cho anh. Đầu tiên Thu hỏi vay
các bạn trong tổ cải cách giáo dục, sau đấy trả cho anh.
Thu ngồi dậy, định đến hỏi vay anh cán bộ Lí trong tổ
cải cách giáo dục, và muốn tìm chị Mẫn để nói chuyện.
C:
- Mẹ bảo chị nói với em chuyện Lâm, nhưng chị vẫn chưa
nói, chủ yếu cảm thấy không có khả năng, em là người thành phố, lại học trung
học phổ thông, Lâm là người nhà quê, học chưa hết trung học cơ sở, chắc chắn sẽ
không xứng với em.
Thu rất buồn, nói:
- Em không xem thường anh Hai, nhưng…
Chị Mẫn lại nói:
- Về sau chị nghe chuyện gia đình em, chị cảm thấy nên
nói chuyện Lâm với em, nói với em về những gì đã trải qua, biết đâu có ích cho
em. – Mẫn thở dài: - Thật ra thấy em chị lại nhớ chị hồi xưa. Trước đây, hộ
khẩu của chị cũng ở thành phố, nhưng bố mẹ chị đều bị quy là phái hữu, bị đuổi
khỏi biên chế nhà nước, trở thành những người không nghề nghiệp, phải đi làm
thuê kiếm sống. Đến khi thành phố có phong trào thanh lí, những người không
nghề nghiệp bị đưa về nông thôn, bố mẹ chị mới về cái thôn miền núi này.
- Thì ra chị cũng có một giai đoạn khốn cùng như vậy.
– Thu tỏ ra đồng tình. – Ngay ngày đầu tiên về đây em cảm thấy chị không phải
người ở đây, cả tên chị cũng không giống với người địa phương.
- Bây giờ vẫn chưa thành người địa phương này à? Sau
này em về nông thôn, không biết sẽ về đâu. Thật ra ở đây cũng gần phố huyện,
không xa thành phố K, coi như một vùng đông đúc, giàu có. Em sống ở đây vài
tháng chắc chắn sẽ nhận ra, bà Trương rất tốt với mọi người. Nên nếu em lấy
Lâm, nhà này sẽ đối với em như đối với một nàng tiên.
Thu cố lại câu chuyện sang một hướng:
- Chị từ thành phố về, cũng… bực bội khó chịu lắm nhỉ?
- Đấy là số phận, có cưỡng lại cũng không được. – Mẫn
thở dài. – Nhưng số chị cũng gặp may, lấy anh Sâm, cha anh ấy dù lớn dù nhỏ
cũng là quan, xoay sở cho anh ấy được ăn gạo nhà nước, chị cũng kiếm được chân
dạy tiểu học. Tuy chị không được ăn gạo nhà nước, nhưng dạy học còn khá hơn ra
đồng làm việc. Sau này em về Tây Thôn Bình chỉ cần ông Trương còn sống, chắc
chắn em cũng sẽ được làm giáo viên tiểu học.
Chưa bao giờ Thu nghĩ số phận mình sẽ được thay đổi
nhờ người nhà, Thu biết số mình sẽ phải về nông thôn, hơn nữa đã về nông thôn
thì không còn được gọi về thành phố. Thu biết nhà mình nghèo, cũng muốn thay
đổi cuộc sống, nhưng Thu quyết không dựa vào người nhà để thay đổi, dù có phải
đi cướp ngân hàng. Với Thu, tất cả của tất cả còn bấp bênh, học lên, tìm việc
làm, đều chưa thể nói được gì. Thu chỉ nắm vững tình cảm của mình, đấy là cái
mà Thu có thể tự do chi phối, cho nên Thu phải dựa vào ý chí để chi phối tình
cảm. Thu chỉ có thể đền đáp người khác bằng lời cảm ơn, có thể cứu giúp một con
người bằng sự đồng tình, nhưng Thu quyết không đem tình cảm của mình để đánh
đổi lấy tiền tài và địa vị.
Mẫn nói:
- Chị biết em không chịu lấy Lâm, vì em rất thích Ba,
nói thật, cậu ấy là con người rất tốt.
- Ai bảo em thích anh ấy? – Thu phủi ngay Ba khỏi bản
thân. – Chị bảo anh ấy với chị Phần, cuối cùng là chuyện gì?
- Ôi, hồi trước, khi đội thăm dò mới về thôn này, lán
trại chưa kịp dựng, phải chia nhau ở nhờ nhà dân, cậu Ba ở nhà chị. Cô Phần
thích hát, Ba biết kéo đàn, Phần cứ bắt cậu ấy đệm đàn, vậy là đi đi lại lại
với nhau, Phần thích cậu ấy. Nhưng Phần ngượng không dá nói ra, cho đến khi cậu
ấy ra lán ở, mới bảo chị nói giúp. Chị nói với cậu ấy, cậu ấy bảo ở nhà đã có
vợ chưa cưới.
- Có phải anh ấy kiếm cớ?
- Không, cậu ấy đưa cho chị xem ảnh chụp chung với vợ
chưa cưới. Cô ấy đẹp lắm, là con cán bộ cao cấp, hai người rất xứng đôi. – Mẫn
vừa nói, vừa bước đến trước cái bàn. – Tấm ảnh ấy ép dưới tấm kính này, để chị
chỉ cho em.
Mẫn tìm một lúc, ấy làm lạ, nói: “Ôi, đâu rồi? Chả nhẽ
cô Phần lấy đi rồi à? Hay là cô Phương lấy?”
Thu lập tức nghĩ ngay đến Ba giấu đi để Thu không
thấy, điều này càng chứng tỏ anh là kẻ lừa dối, lén lút, giấu giếm, thật đáng
xấu hổ.
Mẫn nói:
- Từ đấy cậu ấy ít đến chơi. Mẹ vẫn rất tốt với cậu
Ba, việc không thành, tình người vẫn còn đó, có cái gì ăn ngon cũng gọi cậu ấy
về. Về sau Phần có người yêu, coi như không còn việc gì.
- Chị đã gặp… vợ chưa cưới của anh ấy chưa?
- Chưa, cô ấy là người trên tỉnh, bố là quan to, đến
cái thôn miền núi này làm gì.
Thu không tiện hỏi thêm, cũng không biết nói gì hơn,
chỉ ngồi.
Mẫn nói:
- Chị khuyên em đừng để ý đến cậu Ba, sớm quên cậu ấy
đi. Em hãy nghe lời chị, em nên biết con nhà quan không phải là để những người
như chúng ta bấu víu. Nhà chị trước khi bị đưa về nông thôn, chị cũng có một
người bạn trai, bố anh ấy cũng là quan to, nhưng không to bằng bố cậu Ba, nghe
nói bố cậu ấy là Tư lệnh quân khu, bố của bạn trai chị chỉ là sĩ quan một phân
khu. Nhưng con nhà quan đều như nhau, họ hiểu biết nhiều, tiếp xúc với nhiều
người, không lo gì không tìm được người yêu. Gia đình bạn trai của chị ngay từ
đầu đã không đồng ý cho anh ấy quan hệ với chị, có điều anh ấy không dám đưa
chị về nhà. Đến lúc nghe nói gia đình chị phải về nông thôn, vậy là anh ấy
hoảng lên, muốn mở cửa sau giữ chị ở lại, nhưng lại không đủ dũng cảm, cuối
cùng cũng thôi. Rất may, lúc bấy giờ chị lại rất chủ động, không để anh ấy lên
người chị, cho nên về sau chị cũng lấy được người tử tế, nếu lúc ấy nghe theo
anh ấy, xảy ra chuyện, ngày anh ấy vứt bỏ chị cũng sẽ là ngày giỗ chị.
Thu nghe chợt giật mình:
- Tại sao lại là… ngày giỗ?
- Với một người con gái bị thất thân, lại bị người ta
vứt bỏ, sau đấy ai dám đến với cô ta nữa? Cứ coi như lấy được chồng, đến đêm
tân hôn anh chồng phát hiện cô ta không còn là con gái, sẽ xem thường cô ta,
không coi cô ta là người. Thu này, chị thấy em còn đáng yêu hơn chị, em xinh
đẹp, đời em nhất định sẽ được nhiều con trai để ý, nếu em không vững vàng chắc
là sẽ gánh chịu tội lỗi.
Thu nghe mà rối lòng, trước kia chỉ nghe nói “cùng
phòng”, “ngủ” với con trai là nguy hiểm, bây giờ lại nghe nói “lên người”,
không biết bị Ba ôm có phải là “lên người” không?
Thu mạo mu:
- Chị bảo lúc ấy không để anh ấy… lên người là ý làm
sao? – Hỏi xong, Thu hối hận, sợ Mẫn hỏi tại sao mình lại quan tâm đến chuyện
đó.
- Không hiểu lên người à? Tức là ở cùng phòng, ngủ với
anh ta, làm chuyện vợ chồng với nhau.
Thu cảm thấy đã yên tâm hai phần, vì Thu không ở cùng
phòng, không ngủ với Ba, nhưng không biết mình đã làm chuyện vợ chồng với anh
chưa? Nhưng Thu không dám hỏi lại, hỏi lại, chắc chắn Mẫn sẽ nghi ngờ, một
người con gái tại sao lại quan tâm nhiều đến chuyện ấy?