ĐÊM HÔM ẤY, Thu mãi không ngủ được, không biết Ba có
qua được đò không? Nếu hết đò, anh sẽ không qua nổi bên kia sông.
Nơi Thu ở gọi là đảo Giang Tâm, bốn mặt chung quanh là
nước, một dòng sông lớn từ thượng lưu đổ về đến phía tây đảo Giang Tâm thì chia
làm hai nhánh: nhánh chảy qua phía nam đảo, người ở đây gọi là sông Lớn; nhánh kia
nhỏ hơn chảy qua phía bắc đảo, gọi là sông Nhỏ, tức là con sông trước trường
học. Hai nhánh sông này hợp lưu ở đầu đông đảo Giang Tâm thành một con sông lớn
chảy về đông. Hễ đến mùa hè, nước sông bốn phía đảo đều lên, có thể lên cao
nhưng chưa bao giờ ngập đảo Giang Tâm. Nghe các cụ già nói, đảo Giang Tâm được
lưng một con rùa đội lên, cho nên không bao giờ ngập.
Bên kia sông Lớn là bờ nam, nhưng không phải là bờ nam
được thơ ca ngợi, mà là những làng quê nghèo. Bên kia bờ sông Nhỏ là thành phố K,
đảo Giang Tâm thuộc thành phố này, coi như vùng ngoại thành của thành phố K,
cách sông qua đò, không tiện lắm. Trên đảo có mấy nhà máy, có một đội trồng rau
của hợp tác xã nông nghiệp, có trường trung học, tiểu học, có vài nhà hàng ăn,
có chợ, nhưng không có nhà trọ, khách sạn.
Thu lo muộn quá Ba không qua sông nổi, chỉ còn biết ở
lại trên đảo Giang Tâm, suốt đêm ở ngoài phố. Trời lạnh, không biết anh có chết
rét không? Coi như anh qua được sông, có tìm được chỗ trọ hay không, nghe nói
vào nhà tr phải trình chứng minh
thư, không biết anh có giấy tờ gì không?
Trong đầu Thu là hình ảnh Ba quàng chặt cái áo bông
to, cổ rụt lại, đi lang thang ngoài phố. Sau rồi hình ảnh anh ngồi co ro qua
đêm trong đình, người đông lại như cây kem sáng hôm sau bị người quét đường
phát hiện. Nếu không sợ mẹ vì quá lo lắng mà đổ bệnh, Thu sẽ chạy đi xem Ba đã
qua sông chưa, cuối cùng đã tìm được nhà trọ hay chưa. Thu nghĩ, đêm nay anh
chết rét cũng là chết vì Thu, nhất định Thu sẽ đi theo anh. Nghĩ đến chết, Thu không
sợ, như vậy hai người sẽ được vĩnh viễn bên nhau, Thu không còn sợ anh nói mà
không làm, cũng không lo anh yêu người khác, anh sẽ vĩnh viễn yêu thu.
Nếu thật như vậy, Thu sẽ đề nghị chôn hai người dưới
gốc sơn trà. Nhưng hình như không thể chôn dưới gốc cây ấy, vì hai người không
phải là những anh hùng chống Nhật, không chết vì lợi ích của nhân dân, chỉ là
một trai một gái yêu nhau, một người chết rét, một người tự tử. Theo cách nói
của Mao Chủ tịch, cái chết của họ nhẹ như lông hồng mà không phải nặng như Thái
Sơn, làm sao có đủ tư cách chôn dưới gốc cây ấy? Nhưng anh hùng chống Nhật chôn
ở đây chắc chắn cũng sẽ có ý kiến. Vẫn đề ở chỗ Thu còn mẹ và em gái, nếu Thu
chết thì mẹ và em thế nào? Vậy phải nuôi cho em lớn lên đã, để mẹ có chỗ nương tựa
rồi mình hãy chết. Nhưng Thu khẳng định phải đi theo anh, bởi anh chết vì mình.
Thu nằm ở phòng ngoài cứ trằn trọc mãi, nghe mẹ nằm ở
phòng trong cũng trằn trọc. Thu biết mẹ đang lo lắng vì chuyện hôm nay. Thu tin
rằng, mẹ sẽ không tố cáo với đội thăm dò việc anh đến gọi Thu đi chơi, mẹ không
đến nỗi khờ dại và thâm độc như vậy, vì đó là chuyện hai người mà mình chẳng
lợi lộc gì. Như vậy chỉ làm khổ Ba, mà cũng làm Thu dính vào chuyện. Nhưng Thu
có thể tưởng tượng, từ nay về sau mẹ càng lo lắng cho Thu, chỉ mấy phút không
thấy, mẹ có thể cho rằng Thu đã đến với một người đàn ông xấu xa nào đó.
Thu muốn nói với mẹ, mẹ không phải lo cho con, nửa năm
sắp tới anh ấy sẽ không đến, anh ấy đã nói, chờ con tốt nghiệp rồi mới đến.
Chưa biết chừng ngày đó anh ấy đã quên con rồi. Rất nhiều con gái thích anh ấy,
miệng anh ấy ngọt ngào lắm, con bị anh ấy dỗ dành, nếu anh ấy dỗ dành người con
gái khác, vậy chẳng hóa ra dễ như trở bàn tay sao?
Thu hồi tưởng nhiều lần chuyện diễn ra tối nay, hơn nữa
chỉ xoay quanh hai trung tâm là anh ôm và hôn lên má. Không biết vì tư tưởng
Thu không lành mạnh hay vì mẹ vừa nghe nói hai sự việc ấy đã sợ? Hai sự việc
làm mẹ sợ hãi chắc chắn là tội lớn mà Thu phạm vào cả hai, biết làm thế nào bây
giờ? Anh ôm, anh hôn, cuối cùng có hại gì? Thu không hiểu. Lần trước anh cũng
ôm, cũng hôn, hình như không sao cả. Nhưng nếu không hại gì, vậy thì tại sao mẹ
lại sợ? Mẹ là người từng trải, chả nhé không biết điều gì sợ, điều gì không
đáng sợ?
Hình như tối nay Ba có phần kích động, như vậy có phải
cái tính dã thú bột phát? Tính dã thú là gì nhỉ? Dã thú khác người ở chỗ ăn
thịt người, anh không ăn thịt Thu, chỉ dịu dàng hôn, không có gì giống với dã
thú.
Cho đến hôm sau Thu mới có cơ hội lấy thư của anh ra
xem. Đấy là tuần lễ Thu phải khóa lớp học, Thu chờ cho mọi người về hết, rồi
ngồi vào một góc, bóc thư ra xem. Thư của Ba viết rất hay, có thể nói rất dịu
dàng, nồng nhiệt, tình cảm. Anh viết những lúc anh nhớ Thu, rất cảm động, rất
dễ chịu. Nhưng anh cũng viết về Thu, nhưng những gì anh viết về Thu không hợp
với Thu lắm.
Thu rất thích thư của anh nếu chỉ viết anh yêu Thu thế
nào, nhớ ra sao, không viết Thu như kẻ đồng mưu. Nhưng anh viết “chúng ta” thế
nào thế nào, viết như thể đã đụng vào sự kỵ húy của Thu. Thu cũng đã nhận được
những lá thư tỏ tình, phần lớn là của bạn học. Cho dù người viết thư chữ nghĩa
cao thấp, điều Thu phản cảm nhất là người viết thư tự cho mình giàu tình cảm,
đoán chắc Thu cũng đã để ý đến anh ta!
Còn nhớ một cậu học sinh, coi như người giỏi văn,
nhưng cậu ta cũng thật lì lợm, lần nào viết thư cũng đều làm như Thu đã trao
gửi trái tim c rồi. Thu không thèm để ý, cậu ta bảo đấy là sự thể hiện tình
cảm, vì thái độ của Thu đối với cậu ta không giống với người khác. Nếu Thu nói
với cậu ta, lại càng tệ hại hơn, cậu ta lập tức thổi phồng lời lẽ trong thư,
coi như là bằng chứng Thu thích cậu ta. Có thể nhổ nước bọt vào cậu ta, cậu ta
cũng coi đấy là bằng chứng thích cậu ta: tại sao chỉ có nàng mới nhổ nước bọt
vào tôi mà không nhổ nước bọt vào ai? Điều ấy chẳng đã chứng minh quan hệ của
nàng với tôi khác với mọi người đó sao?
Trong tình huống thông thường, Thu rất tôn trọng, rất
cảm kích người viết thư cho Thu, nói chung không làm người ấy phải ngượng.
Nhưng đối với cậu học sinh lì lợm này Thu rất bực mình. Cậu ta không chỉ viết
thư mà còn khoe với người khác cậu ta là bạn chơi bời với Thu, Khiến mọi người
trêu chọc, ngay cả mẹ cũng tưởng thật, nói:
- Nếu con chưa đáp ứng gì với cậu ta, làm sao cậu ta
dám nói như thế, dám viết như thế?
Về sau, Thu không còn chịu đựng nổi, cầm tất cả những
lá thư ấy đến tố cáo với gia đình cậu ta, từ đấy cậu ta mới chịu thôi.
Thu không biết Ba là con người thông minh đến mức độ
nào, tại sao không nhận ra Thu không muốn anh viết vào thư những tình cảm của
Thu? Thu muốn anh viết Thu là con người lạnh lùng, còn anh thì khổ sở yêu Thu,
cuối cùng – chú ý, đến cuối cùng, cho dù Thu không biết cuối cùng sẽ là lúc nào
– Thu mới bày tỏ tình yêu với anh. Thu cảm thấy tình yêu là phải như thế, tức
là phải theo đuổi ngay từ đầu, theo đuổi đến tận cùng, người con gái mới thật
thanh thản.
Thu định xé lá thư của Ba ném vào nhà vệ sinh, nhưng
lại nghĩ, có thể đây là lá thư cuối cùng của Ba, Thu không xé nữa. Nhân lúc mẹ
đi thăm gia đình học sinh, Thu định khâu lá thư ấy vào trong áo bông.
Thu có thể nhận ra mẹ quản lí mình chặt hơn, ngay cả
khi Thu Ngụy Hồng mẹ cũng hỏi đi hỏi lại, hình như sợ con gái như lần trước,
bảo sang nhà Chung Bình lại đi với một anh ở đội thăm dò.
Thu cảm thấy không công bằng, anh trai có bạn gái rất
sớm, mẹ chẳng những không đề phòng mà còn nhiệt tình giúp đỡ bạn gái của anh.
Mỗi lần bạn gái của anh đến chơi mẹ tìm cách mua ít thịt làm thức ăn mời cơm,
lại còn giặt khăn trải giường, giặt chăn sạch sẽ, kết quả mệt đến độ đi tiểu ra
máu.
Mẹ thường nói:
- Nhà ta cần tiền không có tiền, cần quyền không có
quyền, thành phần không tốt, ngoài một chút nhiệt tình ra, còn biết lấy gì?
Thu biết mẹ rất cảm kích bạn gái của anh trai, có thể
nói cảm kích đến rơi nước mắt, vì anh tìm được một người bạn gái như thế thật
không dễ dàng.
Anh trai Thu tên là Tĩnh Tân, hơn Thu ba tuổi, bạn gái
của anh tên là Vương Á Dân, học cùng lớp với Tân hồi trung học cơ sở, cũng là
cô gái xinh đẹp nhất cùng trang lứa, cặp mắt to, sống mũi cao, tóc vừa đen vừa
dày, hơi quăn, giống như búp bê, hồi nhỏ chụp ảnh hiệu ảnh thường treo ảnh Dân
để làm mẫu.
Gia đình Á Dân cũng rất khá, mẹ là y tá, bố là giám
đốc xưởng đóng tàu. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, bố cô kiếm cho cái
giấy chứng nhận “viêm khớp chân”, Á Dân không phải về nông thôn, được vào làm
công nhân trong xưởng may mặc của thành phố K. Có thể Á dân cảm phục tiếng đàn violon của anh
trai Thu, từ lâu đã rất quý anh. Nhưng lúc mới bắt đầu cũng giấu gia đình, cho
nên gia đình không ai biết.
Một hôm, Á Dân mắt đỏ ngầu, đến tìm mẹ Thu, rất căng
thẳng>
- Thưa cô, anh Tân có nhà không ạ? - Nhưng không dám
nói gì.
Mẹ biết Tân ở đâu, nhưng anh dặn nếu có ai tới hỏi,
bảo anh đi vắng. Vậy là mẹ nói:
- Tân đến nhà bạn, cháu tìm Tân có việc gì?
Á Dân nói:
- Cháu biết anh ấy có nhà, không muốn gặp cháu… vì,
cháu nói với anh ấy, bố mẹ cháu không đồng ý chuyện của cháu với anh ấy, sợ anh
ấy không về lại được thành phố. Anh ấy nói với cháu: “Chúng ta thôi nhau đi, để
em không phải khó xử, bố mẹ em cũng vì em, anh cũng không biết mình có được về
lại thành phố hay không, đừng làm lỡ việc của em”. Từ đấy về sau anh ấy cứ
tránh mặt cháu. Nhưng đấy là ý của bố mẹ cháu, không phải ý cháu, chưa bao giờ
cháu phàn nàn chuyện anh ấy phải về nông thôn…
Vành mắt mẹ cũng đỏ lên, nói:
- Tân cũng vì cháu thôi.
Á Dân khóc lóc ngay trước mặt mẹ Thu, nói:
- Gia đình cháu đối với cháu như thế, anh ấy đối với
cháu cũng như thế, cháu sống còn có ý nghĩa gì nữa?
Mẹ sợ, vội bảo Thu đi gọi anh về, Á Dân nói:
- Để chị đi với em.
Đang kỳ nghỉ đông, mẹ hỏi mượn căn phòng của một thầy
giáo về quê ăn Tết, để Tân về nghỉ Tết tạm ở đấy mấy hôm. Tân trốn trong phòng
không muốn gặp Á Dân.
Thu gọi cửa phòng anh trai, thấy anh trai và Á Dân bốn
mắt nhìn nhau, hình như nước mắt lưng tròng, Thu vội bỏ đi, biết anh trai không
tránh mặt Á Dân. Thu nhận ra, anh trai rất thích Á Dân, lâu nay cố tình tránh
mặt, anh gầy hẳn đi.
Tối hôm ấy, Á Dân cùng anh trai ăn cơm ở nhà. Á Dân
nói:
- Bất kể bố mẹ cháu nói thế nào, cháu nhất định sẽ đến
với annh Tân, nếu bố mẹ vẫn mắng cháu, cháu sẽ dọn đến ở đây với cô, ngủ cùng
giường với em Thu.
Trong dịp Tết, hầu như ngày nào Á Dân cũng đến tìm
Tân, hai người chơi trong phòng với nhau đến tận mười một giờ đêm mới về, không
biết bố mẹ Dân dặn dò Dân thế nào.
Một buổi tối, đã gần mười một giờ, có mấy thầy giáo
trực ban bảo vệ nhà trường đến gọi mẹ Thu, bảo có chuyện. Thu và mẹ cùng mấy
thầy giáo kia lên văn phòng nhà trường, thấy Tân bị giam trong một phòng nhỏ, Á
Dân bị giam ở một phòng khác.
Mấy thầy giáo trực ban đuổi Thu ra ngoài, bảo để họ
nói chuyện riêng với mẹ. Thu sốt ruột chờ ở ngoài, một lúc sau, một thầy giáo
trực ban dẫn Á Dân ra, nói cô có thể về, nhưng Á Dân không chịu về, cô
- Tại sao các thầy không thả anh ấy ra? Chúng tôi
không làm gì sai, các thầy không thả anh ấy ra thì tôi cũng nhất quyết không
về.
Thầy giáo trực ban nói:
- Cô còn lên tiếng nữa à? Cô có còn biết ở đời này có
hai tiếng “xấu hổ” không? Chúng tôi có thể đưa cô đến bệnh viện để kiểm tra,
xem cô có còn già mồm nữa không?
Á Dân không kém:
- Đi thì đi, ai không đi không phải là người, nếu kiểm
tra chứng nhận tôi không làm gì thì các người hãy cẩn thận cái đầu chó của các
người. Anh em tôi không tha cho các người, bố tôi cũng không tha cho các người.
Các người đúng là những người thích để ý đến những chuyện vặt vãnh, bắt nạt
người khác một cách quá đáng!
Chưa bao giờ Thu thấy Á Dân gay gắt như vậy, bình
thường cô nói năng nhỏ nhẹ.
Hình như người trực ban bị trấn áp, nói với mẹ vừa
bước ra:
- Cô giáo Trương, cô đưa cô ta về nhà, chúng tôi trông
chờ vào uy tín của cô, hôm nay không làm gì nổi cô ta, chúng tôi sẽ giao cô ta
cho đội dân phòng.
Mẹ sợ to chuyện nói với Thu:
- Con đưa chị Dân về, mẹ ở đây lo chuyện của anh con.
Thu đưa Á Dân về, Á Dân bức xúc:
- Anh Tân vẫn ở đây, chị về làm gì? Chị sợ bọn nó giao
anh Tân cho đội dân phòng, đội dân phòng sẽ đánh anh ấy, chị sẵn sàng đi với
bọn họ đến bệnh viện, chị cần bọn họ thả anh Tân.
Thu cùng Á Dân chờ ở ngoài, cô sốt ruột hỏi:
- Cuối cùng là chuyện gì?
- Cái bọn trực ban ấy thích để ý những chuyện lặt vặt.
Tối nay rất lạnh, chị chỉ ngồi với anh Tân ở giường,
lấy chăn ủ chân, bọn họ gõ cửa, chị ra mở cửa ngay, thế là bọn họ đưa anh Tân
và chị lên văn phòng còn dọa giao anh Tân và chị cho đội dân phòng.
Thu không biết chuyện nghiêm trọng đến mức nào, vội
hỏi:
- Bây giờ làm thế nào?
- Sẽ chẳng làm gì được chị và anh Tân, chị và anh Tân
không làm việc gì, sẵn sàng kiểm tra y tế. Nhưng rất may chị với anh Tân không
tắt đèn, ngay cả áo bông cũng không cởi, nếu không… bọn họ đưa chị và anh Tân
cho đội dân phòng thì phức tạp… bọn họ không biết thế nào là phải trái, cứ đánh
rồi nói chuyện sau.
- Họ bảo đưa chị đến bệnh viện kiểm tra là ý làm sao?
Á Dân do dự giây lát rồi nói:
- Nhờ bác sĩ kiểm tra chị… có còn… con gái không,
nhưng chị không sợ, chị với anh Tân chẳng làm gì.
Thu chưa hiểu, Á Dân thừa nhận ngồi với anh Tân trên
giường, như vậy chẳng phải ở “cùng phòng” lại “lên giường” là gì? Tại sao bảo
không làm gì? Phải chăng vì chưa cởi áo bông và chưa tắt đèn?
Cuối cùng thì anh cũng được thả, nói bọn họ thấy Á Dân
đòi đi kiểm tra y tế, biết hai người không làm gì nên tha anh lại còn xin lỗi,
sợ nhà Á Dân sẽ tính nợ với bọn họ. Sau đấy tối nào Á Dân cũng đến chơi, nhóm
trực ban không đến gõ cửa nữa.
Mẹ càng thích A Dân, nói không ngờ con gái ông Vương
đã cứu được anh trai con, cô ấy hung như một con hổ cái.
Thu vui cho anh có một bạn gái như thế, nhưng Thu không
khỏi suy nghĩ: nếu mình với Ba trong căn phòng nhỏ ấy, chắc là mẹ sẽ giao Ba
cho đội dân phòng mất!