Thu vẫn muốn để anh trai thế chỗ của mẹ, mẹ đề nghị với
nhà trường, nhưng nhà trường bảo Tân chỉ mới học hết trung học cơ sở, không
thích hợp cho việc dạy học, đồng ý để thu thế chỗ, vì đã tốt nghiệp trung học
phổ thông, đức - trí - thể phát triển toàn diện, rất hợp với công việc dạy học.
Nếu mẹ nghỉ để anh thế chỗ, nhà trường sẽ đồng ý.
Mẹ nói lại với Thu ý kiến của nhà trường, Thu không
còn cách nào khác đành thế chỗ của mẹ, không thể bỏ phí cơ hội, nhưng rất băn
khoăn chuyện của anh trai, nhất định phải tìm một cách khác cho anh trai.
Trong thâm tâm Thu rât cảm ơn Ba đã báo tin này, nếu
không mẹ Thu cũng không biết. Thu rất muốn nói cho Ba biết mình sẽ thế chỗ của
mẹ, nhưng không biết phải làm cách nào, không có điện thoại, không dám viết
thư, Thu càng không dám đến tận nơi, đành chờ đợi. Nhưng anh thì như hứa với
Đảng, chờ Thu tốt nghiệp, ngoại trừ nhờ Phương chuyển tin thế chỗ, coi như anh
không quấy rầy gì Thu.
Lúc này, giống như anh nói, Thu bị bệnh tương tư, rất
nhớ rất nhớ anh. Tất cả những gì có quan hệ đến anh Thu đều cảm thấy thân thiết
vô cùng. Hễ nghe ai nói đến "ba", "đội thăm dò", "tỉnh
A", "thành phố D", "quân khu"… đều làm trái tim Thu
xao động, giống như nói đến anh.
Thu chưa bao giờ gọi tên anh, trong lòng cũng không
dám, nhưng khi nghe ai đó nói đến họ "Tôn" hoặc gọi tên "Kiến
Tân" đều cảm thấy rất thân thiết. Trong lớp có một học sinh tên là Trương
Kiến Tân, vừa xấu trai, vừa nghịch ngợm, nhưng vì cái tên Kiến Tân, Thu cũng vô
cớ có cảm tình với cậu ta, mấy lần đưa bài tập của mình cho cậu ta chép.
Bây giờ hầu như ngày nào Thu cũng đến nhà cô giáo
Giang học kéo accordéon, đến bế thằng con chưa đầy một tuổi của cô, dùng nhờ
máy khâu nhà cô. Nhưng đằng sau những chuyện ấy còn có một mục đích khác, Thu
cũng không dám nghĩ, Thu cũng không dám nghĩ nhiều đến mục đích ấy. Thu chỉ
biết, mỗi lần đến đây, bác sĩ Thành không có nhà, Thu cứ ngồi ngây ra chờ bác
sĩ Thành về, hình như đến lúc ấy Thu mới hoàn thành nhiệm vụ, yên tâm ra về.
Thu không có yêu cầu nói chuyện với bác sĩ Thành, chỉ
cần gặp mặt, chỉ cần nghe nói anh về, nghe tiếng anh nói, vậy là Thu đã yên
lòng lắm rồi. Thu không biết tại sao lại như thế, Thu muốn nghe tiếng bác sĩ
Thành, là bởi bác sĩ Thành nói tiếng phổ thông. Người của thành phố này trong
sinh hoạt thường ngày không ai nói tiếng phổ thông. Cô giáo Giang đi đây đi đó
bao nhiêu lâu, nói tiếng phổ thông rất chuẩn, nhưng về đến thành phố, chỉ những
khi lên lớp mới nói tiếng phổ thông, còn ngày thường vẫn nói tiếng địa phương.
Người thành phố K rất kỳ lạ, nếu nghe thấy ai nói
tiếng phổ thông là có ngay sự ngăn cách, cảm thấy người đó làm điệu làm bộ, có
người không khách khí chỉ thẳng: "Anh là người quê gốc ở đây mà còn làm
nói tiếng phổ thông?" Nhưng lại rất khoan dung đối với người từ nơi khác
đến, cho nên bác sĩ Thành học được nhiều tiếng địa phương, phần lớn thời gian
anh vẫn dùng tiếng phổ thông.
Thu nghe bác sĩ Thành nói tiếng phổ thông cảm thấy
thân thiết. Có lúc anh nói chuyện ở phòng bên cạnh, Thu dừng tay làm việc để
nghe anh nói. Những lúc ấy Thu có cảm giác sai, cho rằng người đang nói ở phòng
bên là Ba, đây là nhà của Ba, Thu là người nhà của Ba. Thu không biết mình là
người nào trong nhà Ba, thế nào cũng được, miễn là ngày ngày nghe tiếng anh
nói.
Cũng may Thu có dịp đến nhà bác sĩ Thành, vì cô giáo
Giang vẫn nhờ Thu may áo quần. Lúc đầu cô chỉ nhờ Thu đan áo cho con, đan xong
áo cô nhất định trả tiền công, bảo đan một cái áo không dễ, phải mất rất nhiều
thời gian. Nhưng Thu nhất định không nhận, bảo chỉ đang giúp, không lấy tiền
công. Cô giáo Giang cho Thu một mảnh vải, bảo cô mua nhưng vì hoa văn quá trẻ,
cô mặc không hợp, Thu đem về cắt áo, Thu vẫn không nhận.
Về sau cô giáo tìm cách để trả ơn Thu. Nhà cô có máy
khâu, nhưng cô chỉ biết may quần đùi và những thứ đơn giản, còn Thu biết cắt áo
quần, nhưng nhà không có máy khâu, đều phải khâu tay. Cô Giang bảo Thu đến nhà
mình may:
- Máy khâu của cô để không, bụi bám đầy, cô không có
thời gian mà cũng không biết may, em cứ đến mà dùng, để không máy cũng bị gỉ
đi.
Thu rất muốn học đạp máy khâu, cũng đã dùng thử ở nhà
bạn, nhưng chưa có cơ hội học nhiều, bây giờ được cô giáo Giang bảo dùng, đúng
là miếng bánh từ trên trời rơi xuống, cho nên Thu thường xuyên đến học và cũng
rất nhanh chóng thành thạo.
Cô giáo Giang mua mấy mảnh vải để Thu may áo choàng
cho bà nội của cô, may áo quần giúp hai đứa con của cô, Thu cắt may, cái nào
cũng vừa người.
Lúc ấy Thu chỉ may đồ nữ và trẻ con, mà cũng chỉ may
áo, cảm thấy túi áo nam rất khó may, lưng quần và túi quần cũng khó may, sợ may
hỏng. Cô giáo Giang mua vải, bảo Thu cứ cắt làm đồ thí nghiệm cho hai vợ chồng
cô, giúp cô may áo bông, áo dạ, giúp bác sĩ Thành may áo Tôn Trung Sơn và may
quần. Cô giáo Giang nói:
- Em cứ may đi, vải cô cũng mua rồi, không may cũng bỏ
phí. Đừng sợ, hỏng cũng được, cùng lắm thì để anh trai cô mặc, nếu anh ấy không
mặc được thì cho em trai, không sợ lãng phí.
Thu mạnh dạn hẳn lên, kết quả mayào cũng được.
Không hiểu tại sao khi Thu cắt may cho bác sĩ Thành
thường hay đỏ mặt, hồi hộp. Có lần Thu cắt quần cho bác sĩ Thành phải đo chiều
dài và vòng bụng, Thu cầm cái thước dây, bác sĩ Thành kéo áo len lên để Thu đo.
Tuy anh mặc áo sơ-mi bỏ trong quần, không trông thấy da thịt nhưng Thu vẫn sợ,
bảo:
- Không cần đo người, cho cháu mượn cái quần cũ để đo
cũng được.
Có lần Thu may áo dạ, vì là loại dạ tốt, Thu không dám
may đo theo áo cũ, đành phải bảo bác sĩ Thành đứng để Thu đo vai, vòng ngực.
Thu cầm thước dây, vòng hai tay từ sau lưng ra trước ngực bác sĩ Thành, cố
không chạm vào người anh… Khi Thu khép vòng thước lại, đang suy tính vòng ngực
bao nhiêu thì bỗng như tức thở, mắt nhìn ngực bác sĩ Thành, tưởng chừng ngửi
thấy mùi đàn ông trên cơ thể Ba. Đầu Thu choáng váng, mắt hoa, giọng yếu ớt:
- Để cháu đo áo cũ của chú.
Thế rồi Thu vội vàng bỏ đi. Về sau, Thu cố tránh không
đo người cho bác sĩ Thành, mà đo theo áo quần cũ. Áo quần may xong cũng không
dám để bác sĩ Thành mặc thử cho Thu xem.
Hồi ấy mọi người rất thích mặc dacron và những thứ
loại vải sợi tổng hợp, người thành phố K gọi là vải len. Vải len may áo quần là
ủi rất thẳng nếp, mặc lên rât phẳng, không cần dùng nhiều vải, cho nên người
thành phố này mặc đồ len coi như mốt.
May đồ len dạ phải vắt sổ, cô giáo Giang thấy mỗi lần
Thu phải ra phố để vắt sổ liền nhờ người quen mua giúp một cái máy vắt sổ cũ,
hồi ấy mua cái máy vắt sổ coi như ghê gớm lắm! Trên đảo Giang Tâm nhà có máy
khâu không nhiều, máy khâu thường là yêu cầu của người con gái đối với nhà
chồng, là một trong số "ba quay một kêu", hai "quay" khác
là xe đạp và đồng hồ, một "kêu" tức là cái đài thu thanh. Bây giờ nhà
cô giáo Giang không những có máy khâu mà còn có cả máy vắt sổ, mọi người cực kỳ
nể phục! Thu có những thứ "vũ khí hiện đại" may áo quần, chẳng khác
gì hổ mọc thêm cánh, không những may đẹp mà còn may nhanh.
Cô giáo Giang giới thiệu bạn bè và đồng nghiệp đến nhờ
Thu cắt may. Bạn bè và đồng nghiệp của cô giáo thường đến vào buổi sáng Chủ
nhật, Thu đo, cắt, may, chỉ mấy tiếng đồng hồ may xong, thùa khuyết, đơm khuy,
là ủi, đồng nghiệp của cô giáo Giang có thể mặc về, đúng là chờ lấy ngay.
Hồi ấy các tiệm chưa nhiều, công may đắt hơn tiền vải,
hơn nữa phải chờ rất lâu mới lấy được áo quần, lấy rồi mặc cũng không vừa, cho
nên người nhờ Thu may áo quần càng ngày càng nhiều.
Cô giáo Giang bảo Thu nên nhận tiền công, nhận ít
thôi, chỉ cần hơn các tiệm may ở ngoài là được. Nhưng Thu không chịu nhận, Thu
nói máy khâu của cô, giúp bạn bè của cô may, không tiện nhận tiền của mọi
người. Với lại, nếu nhận tiền sẽ là "nhà may lén lút" người ngoài
biết chuyện sẽ rắc rối to.
Cô giáo Giang nghĩ cũng đúng, người khác biết sẽ gây
rắc rối cho Thu, cô bảo những người đến nhờ may biếu Thu chút gì đó để tỏ tấm
lòng của mình. Những người đến nhờ may cho Thu đủ thứ, mấy cuốn vở, mấy cái
bút, vài quả trứng, ít cân gạo, một ít trái cây, vân vân. Cô giáo Giang không tính
thiệt hơn, đều nhận cho Thu, nói:
- Không đánh người biếu, người khác cảm ơn em chứ em
có lấy không của ai đâu. - Thu nhận, người ta cho nhiều ấy là để trả ơn.
Học kỳ ấy, có thể đấy là học kỳ cuối cùng trước khi
tốt nghiệp, nhà trường cũng không bắt lớp Thu phải đi học công nhân, học nông
dân, để học sinh ở lại trường. Tuần nào Thu cũng đến nhà cô giáo Giang, đến may
áo quần, có nhiều người mang thực phẩm và các thứ khác đến nhà, mẹ nói đùa:
- Nhà ta bây giờ giàu có rồi.
Thu rất cảm kích cô giáo Giang, cô giáo Giang nói:
- Như thế này là cô đã lợi dụng em rồi. Em giúp cô làm
nhiều việc, may vá, đan áo, cô lại không mất tiền công.
Tháng năm, Phương lại lên chơi, lần này cô đem theo
hoa sơn trà, hoa đỏ, được bọc trong một tờ giấy bóng rất lớn. Thu biết ngay Ba
bảo Phương mang đến, Phương cũng nháy mắt, nhưng cả Thu và Phương không dám nói
gì trước mắt mẹ và em gái. Cho đến khi Thu đưa Phương ra xe, Phương mới nói:
- Anh Ba bảo Phương đưa lên cho chị Thu.
- Anh ấy có khỏe không?
Phương vênh mặt:
- Không khỏe.
- Anh ấy bị hay sao? Thu sốt ruột.
- Anh ấy bị bệnh… - Phương thấy Thu sốt ruột, liền
cười. - Bệnh tương tư. Hai người yêu nhau rồi mà không cho Phương biết…
- Phương đừng nói mò. - Thu vội thanh minh. - Ai yêu
anh ấy? Thu đang đi học, làm sao dám nói chuyện yêu đương?
Phương không quan tâm:
- Chị Thu sợ gì? Phương không cùng trường với chị, chị
giấu làm gì? Anh Ba không giấu Phương chuyện gì. Anh ấy rất thích chị, vì chị
mà thôi vợ chưa cưới.
Thu nghiêm sắc mặt:
- Anh ấy đâu có phải vì Thu, hai người thôi nhau từ
lâu rồi.
- Anh ấy vì chị mà thôi vợ chưa cưới, chẳng phải là
chuyện tốt hay sao? Điều ấy chỉ chứng tỏ anh ấy thích chị.
- Có gì tốt đâu? Anh ấy vì Thu mà thôi vợ chưa cưới,
vậy anh ấy vì người khác cũng có thể đá Thu lắm chứ.
- Anh ấy không thể thôi được chị. - Phương lấy từ
trong túi ra một lá thư, vui vẻ nói: - Chị Thu đồng ý cho Phương xem, Phương sẽ
đưa, nếu không Phương sẽ đem về cho anh ấy, nói chị không cần anh, không muốn
đọc thư của anh, để anh ấy phải nhảy cuống lên.
Thu vờ như không quan tâm:
- Thư anh ấy không dán, Phương không biết mở ra xem à?
Phương tỏ ra bực mình:
- Chị Thu coi Phương là người thế nào? Người ta không
dán kín thư chứng tỏ ra tin Phương, Phương làm sao đọc trộm thư được? - Phương
ném lá thư cho Thu: - Thôi, không cho xem không xem, lại còn nói chuyện nhỏ
nhen ấy nữa.
- Vậy để Thu xem trước, nếu có thể Phương sẽ…
Phương cười:
- Thôi thôi, đùa tí thôi, xem thư của anh ấy làm gì?
Cũng chỉ là em Thu thân yêu, anh nhớ em, nhớ em đêm ngày>
Thu không thể chờ đợi được, vội mở thư ra xem rồi cất
đi, mỉm cười với Phương:
- Phương nói sai rồi, anh ấy không viết như Phương vừa
nói.
Hôm ấy Thu về nhà vui vì hoa và thư của Ba, nhưng lại
nghe được một tin xấu, mẹ vừa nghe ông Chung nói, sở giáo dục đã bàn bạc có
chút điều chỉnh về việc thế chỗ. Lần này người về hưu trong ngành có đến hơn
hai chục, về để con thế chỗ, nhưng con cái các vị này không đều nhau, không phải
ai cũng có thể làm giáo viên. Cho nên sở giáo dục quyết định, con cái các vị
giáo viên thế chỗ đều phải làm cấp dưỡng.