Hôm sau, Thu đến làm ở nhà máy giấy, tuy biết công
việc ở Phòng Tuyên truyền vẫn chưa xong, nhưng theo quy định đối với lao động
phụ, Thu vẫn phải đến gặp lão Thịnh gù chờ phân công, Thu đến phòng công cụ
kiêm văn phòng của lão ta, nhưng lão ta làm như không trông thấy Thu, bận rộn
phân công công việc cho những người khác. Chờ đến lượt, lão ta mới nói với Thu:
- Hôm nay
không có việc cho cô, cô về nghỉ, có việc tôi sẽ gọi.
Thu nghe, bỗng ngơ ngác, nói:
- Ý bác
là…cho cháu nghỉ việc à? Anh Lưu phòng tuyên truyền bảo cháu hôm nay tiếp tục
làm…
Lão ta nói:
- Anh ấy
bảo cô tiếp tục làm, tại sao không đến gặp anh ấy, tìm tôi làm gì?
Thu thấy lão ta gây khó dễ, bực mình nói:
- Bác là
bên A, quản lý công việc của cháu, nên cháu mới đến tìm. Cháu giúp việc cho anh
Lưu cũng là do bác phân công.
- Tôi bảo
cô đi làm báo bảng, có bảo cô đi chơi phố với anh ấy đâu?
- Cháu đi
chơi phố với anh ấy bao giờ?
Lão ta hình như tức giận hơn cả Thu:
- Tôi cứ
nghĩ cô là đứa con gái đứng đắn cơ đấy, trước mặt tôi làm ra vẻ đứng đắn lắm.
Cô muốn làm với ai thì làm, tôi ở đây không cần cô nữa. - Thấy Thu nhìn mình
bằng con mắt phẫn nộ, lão ta liền nói: -Cô không đi à?Cô không đi thì tôi đi,
tôi đói lắm rồi, phải đi ăn đã. – Nói xong, lão đi về phía nhà ăn.
Thu bị bỏ lại đấy cảm thấy xấu hổ vô cùng, chỉ giận
một nỗi hôm trước đã đi rồi còn quay trở lại làm việc, thật không ra sao. Nếu
hôm ấy Thu nghỉ hẳn, không bị bà Đồng đến khuyên, sẽ không bị xấu hổ vì bị bỏ
lại giữa đường. Thu biết, lão Thịnh sẽ đến nói này nói nọ với bà Lí, nói xấu
Thu với Lưu, làm cho Thu mất mặt.
Thu giận run lên, chỉ muốn tìm một nơi nào đấy để tố
cáo lão ta, nhưng sự việc đã qua mấy ngày rồi bây giờ đi tố cáo càng không có
chứng cứ, lão ta chỉ cần một câu nói là tẩy sạch bản thân: “Nếu tôi làm gì cô
ấy, tại sao cô ấy còn quay lại làm?”
Thu nghĩ đứng đây cũng không làm gì, để lão ta trông
thấy cho rằng mình không có việc của lão ta thì không sống nổi. Thu nén giận ra
khỏi cổng nhà máy, về nhà sẽ nghĩ cách. Thu đến trước tấm báo bảng của nhà máy
chợt trông thấy Lưu, cô cũng không chào hỏi, cứ lặng lẽ bỏ đi.
Vừa ra đến cổng thì thấy Trương Nhất tay cầm quẩy, vừa
đi vào nhà máy vừa ăn. Thấy Thu, Nhất lấy làm lạ, hỏi:
- Thu,
tại sao không đi làm?
Thu ấm ức nói:
- Bị bên
A đuổi việc.
Nhất đứng sững, hỏi:
- Tại
sao?
Thu nói:
- Thôi,
không liên quan đến Nhất, Nhất đi làm đi.
- Tôi
không bận gì, vừa tan ca đêm, không muốn ăn sáng ở nhà ăn, ra đây ăn rồi về đi
ngủ. Thu nói xem có chuyện gì, tại sao lại bị đuổi việc?
Không kìm giữ nổi, Thu nói những chuyện của lão Thịnh,
nhưng chuyện bỉ ổi nhất thì Thu nói không rõ ràng.
Nhất nổi nóng, ném cái quẩy đang ăn dở cầm trên tay
xuống đất, xé một tờ khẩu hiệu dán trên tường lau tay, kéo Thu vào nhà máy:
- Đi, để
tôi tính nợ với cái lão Thịnh gù, hai hôm nay xương cốt lão đau đang muốn tôi
đấm.
Thu thấy Nhất hung hăng như muốn đánh nhau, cô sợ,
giống như hồi nhỏ, vội nắm tay Nhất không cho anh đánh nhau. Nhất vùng khỏi tay
Thu nói:
- Thu sợ
gì? Tôi không sợ, cái loại người ấy thích cứng không thích mềm, càng sợ lão ta
càng làm tới. – Nói xong, Nhất nộ khí xung thiên đi vào nhà máy.
Thu không biết phải làm thế nào, hồi nhỏ không lôi nổi
Nhất, bây giờ càng không lôi nổi, đành đi theo Nhất vào trong nhà máy, nghĩ
bụng, nếu hôm nay xảy ra việc gì thì thật là làm hại Nhất. Thu thấy Nhất nói
chuyện với ai đó, hình như hỏi lão Thịnh ở đâu, rồi anh đi thẳng vào nhà ăn.
Thu chạy theo, vừa đến cửa nhà ăn đã nghe thấy tiếng cãi nhau trong đó.
Thu vào, thấy Nhất đang nóng nảy xô đẩy lão Thịnh, hét
to:
- Này lão
gù, tại sao lại đuổi việc bạn tôi? Muốn chết à? Hay là hai hôm nay ngứa thịt?
Trông lão Thịnh rất đáng thương, miệng nhắc đi nhắc
lại:
- Có
chuyện gì, có chuyện gì…
Nhất túm áo ngực lão Thịnh, lôi ra ngoài nhà ăn:
- Đi, đến
cái nơi lão gây ra tội ác, tôi sẽ nói…
Nhất lôi lão ta đến chân tường rào phía nam nhà máy,
dọc đường rất nhiều người ngạc nhiên nhìn theo, nhưng không ai muốn dây chuyện,
có mấy người xì xào “đánh nhau, đánh nhau, gọi bảo vệ”. Nhưng họ chỉ nói chứ
không làm, không ai đi gọi bảo vệ, chỉ có Thu sợ hãi đi theo sau bảo Nhất thôi
đi.
Đến gần bức tường, Nhất chỉ thẳng vào mặt lão Thịnh,
mắng:
- Lão là
cái đồ lưu manh khốn nạn, lừa bạn học của ông, còn muốn sống nữa không?
Lão Thịnh cố chống đỡ:
- Tôi…đâu
dám làm gì cô ấy, anh đừng nghe cô ấy nói nhảm, cô ấy không đứng đắn…
Nhất bước tới, đạp vào chân lão Thịnh một cái, lão “ối
a” rồi quỵ xuống, tiện tay vớ cục gạch, định ném vào đầu Nhất, Thu hốt hoảng
kêu lên:
- Cẩn
thận, ông ấy đang cầm gạch.
Nhất bẻ quặt cánh tay lão Thịnh, dùng chân và đầu gối
đá cho lão mấy cái, miệng chửi lão, làm Thu sợ, phải kêu lên:
- Thôi,
cẩn thận!
Nhất dừng tay, dọa:
- Ông bảo
cho mà biết, lão là cái đồ lưu manh, ức hiếp bạn học của ông, lão phải biết ông
đây là ai?
Lão Thịnh vẫn già mồm:
- Thật
tình tôi đâu có ức hiếp cô ấy, anh không tin cứ hỏi cô ấy, tôi đâu có đụng ngón
tay vào người cô ấy.
- Ông đây
còn phải hỏi à? Mắt ông trông thấy, mẹ kiếp đồ con lợn, vẫn còn già mồm, chắc
muốn ông tống cho lão mấy quả! – Nhất giơ nắm đấm.
Lão Thịnh đưa hai tay ôm đầu, kêu to:
- Anh bảo
tôi phải làm thế nào? Anh không cho tôi đuổi việc cô ấy à? Tôi để cô ấy trở lại
làm việc là được rồi chứ, anh đánh tôi, liệu có thoát nổi không?
- Ông đây
muốn đánh lão cho sướng tay, không cần biết có thoát hay không thoát. – Nhất
buông lão Thịnh ra. – Mẹ kiếp, biết thân biết phận thì sửa chữa, coi như cứu
được cái mạng, nếu không hôm nay cho lão chết, ông đây sẽ ra đầu thú. Nói
nhanh, hôm nay phân công cô ấy làm gì, nói nhanh để ông đây còn về ngủ.
Lão Thịnh nói nhỏ với Thu:
- Cô lên
giúp anh Lưu.
Lão thịnh đi rồi Thu mới nói với Nhất:
- Cảm ơn
Nhất, tôi cứ sợ Nhất vì chuyện này mà gấy rắc rối.
- Thu yên
tâm, lão ta không dám làm gì đâu, cái loại người hèn hạ như lão ta không bị đòn
không biết thế nào là lễ độ. Thu lên giúp anh Lưu đi, nếu sau này cái lão Thịnh
gù ấy có giở trò gì thì bảo với tôi.
Mấy ngày sau đấy Thu cứ thấp thỏm sợ lão Thịnh tố giác
Nhất, nhưng rồi không có chuyện gì, Thu nghĩ lão Thịnh đúng là kẻ hèn hạ.
Thu cảm thấy như mình mắc nợ Nhất, không biết phải trả
ơn thế nào, sợ Nhất đòi Thu làm bạn gái. Nhưng Nhất không có gì tỏ ra khác
thường, gặp nhau ở đâu là chào hỏi, có lần anh bê cả cơm trưa ra ngồi ăn, nói
chuyện với Thu, hoặc xem Thu viết báo bảng, nghe nói chữ Thu rất đẹp, vẽ đẹp,
anh giới thiệu Thu là bạn học với mình, hồi nhỏ ngồi cùng bàn, hai người là
“một giúp một, một cặp học giỏi”. Nhất không đòi Thu làm bạn gái Thu mới yên
tâm.
Lão Thịnh trở nên thật thà hơn, ngoài việc phân công
lão ta không dám nói chuyện với Thu. Công việc phân cho Thu nặng hơn mọi người,
nhưng Thu thà làm như thế còn hơn được ưu ái.
Thu hẹn gặp Ba ở bờ sông, lần đầu tiên anh thấy Thu
cho áo vào trong váy, liền nói nhỏ vào tai Thu:
- Em mặc
thế này đẹp lắm, eo nhỏ, ngực càng to.
Xưa nay Thu cảm thấy ngượng vì ngực to, hình như đám
bạn gái Thu quen biết đều thế cả, cô nào cũng mặc áo nịt kiểu áo lót, ép ngực
xuống thật thấp, cô nào lúc chạy bộ ngực rung rinh đều bị chê cười. Cho nên
nghe Ba nói như vậy, Thu không vui, giải thích:
- Của em
đâu có to? Tại sao anh như lão Thịnh gù cũng nói với em như thế ?
Anh hỏi ngay:
- Lão gù
nói gì với em?
Thu đành kể với anh chuyện kia, nói cả chuyện Nhất
đánh lão Thịnh gù. Thấy mặt Ba tái đi, răng nghiến chặt, ánh mắt nảy lửa như
Nhất, Thu lo lắng:
- Tại sao
anh lại phải nổi nóng lên như vậy?
Anh buồn rầu nói:
- Em là
con gái, không hiểu nổi tâm trạng con trai khi nghe nói bạn gái của mình bị
người đàn ông khác trêu ghẹo, ức hiếp đâu.
- Nhưng
lão ta vẫn chưa làm gì được em.
- Lão ấy
dồn ép em phải nhảy tường, em còn nói chưa bị lão ấy làm gì? Nếu em nhảy xuống
bị thương, ngã chết thì thế nào?
Điệu bộ của anh khiến Thu sợ, Thu trấn an anh:
- Anh yên
tâm, lần sau lão ta như thế em sẽ không nhảy tường nữa, em đẩy lão xuống.
Anh nghiến răng nói:
- Có lần
sau? Vậy lão ta không muốn sống.
Thu sợ anh đi tìm lão Thịnh gấy rắc rối, nên cứ dặn đi
dặn lại
- Chuyện
đã qua rồi, anh đừng tìm lão ấy làm gì, để khỏi dính vào lão, đừng vì cái lão
Thịnh khốn nạn ấy mà ngồi tù oan.
Giọng anh khàn khàn:
- Em yên
tâm, anh không gấy rắc rối đâu, nhưng anh lo cho em, sợ lão ấy hoặc người khác
ức hiếp em. Anh lại không ở gần để bảo vệ em được, anh cảm thấy mình thất vô
dụng
- Tại sao
lại bảo anh vô dụng? Anh ở xa…
- Anh chỉ
mong sớm được điều về thành phố này để ngày nào cũng có thể trông coi em. Bây
giờ ở xa, ngày nào cũng lo người khác ức hiếp em, lo em ốm, bị thương, không
đêm nào ngủ yên, lúc đi làm cứ buồn ngủ, lúc ngủ lại nhớ đến em…
Thu rất cảm động, lần đầu tiên chủ động ôm anh. Anh
đang ngồi, Thu áp sát trước mặt anh, anh dựa đầu vào ngực Thu, nói:
- Muốn
được ngủ một giấc thế này lắm.
Thu nghĩ, nhất định buổi tối anh không được ngủ yên,
ban ngày bận công việc, quá mệt. Thu ngồi bên anh, để đầu anh gối lên đùi Thu
mà ngủ. Anh nằm ngoan ngoãn, gối lên đùi Thu, chỉ một lúc là ngủ thiếp đi. Thu
xót xa thấy anh rất mệt, ngồi yên không dám động, nhìn anh ngủ, sợ anh tỉnh
giấc.
Gần tám giờ rưỡi Thu không thể không đánh thức anh,
bảo phải về, sợ mẹ không thấy lại lo lắng. Anh nhìn đồng hồ, hỏi:
- Vừa rồi
anh ngủ a? Tại sao em không gọi anh dậy? Em… phải về rồi, anh xin lỗi.
Thu cười
- Có gì
phải xin lỗi? Hai người được gần bên nhau là thích rồi, chả nhẽ anh có việc gì
chưa hoàn thành?
Anh cười gượng:
- Không
có việc gì, nhưng để gặp nhau không dễ. Vậy mà anh lại ngủ thiếp đi. – Anh hắt
hơi mất cái, hình như mũi bị ngạt, giọng cũng khàn khàn.
Thu sợ, vội xin lỗi:
- Vừa rồi
lẽ ra phải có cái gì đó để đắp cho anh. Chắc chắn anh bị ngủ lạnh, bên sông gió
to, ngồi trên tấm đá càng lạnh hơn. –Anh ôm Thu. – Anh ngủ say lại được em xin
lỗi? Em nên đánh anh mới phải. – Nói xong anh lại hắt hơi, vội quay mặt tự
giễu. – Lâu nay không tập luyện, người yếu như sên…
Thu nói:
- Có thể
vừa rồi bị lạnh, anh về nhớ uống thuốc nhé.
- Không
sao, anh ít ốm, mà ốm cũng ít uống thuốc.
Anh đưa Thu về, Thu bảo anh đừng sang sông, vì mẹ lúc
này cũng trên đường về, sợ gặp mẹ. Anh không yên tâm, nói:
- Trời
tối rồi anh không yên tâm để em một mình qua sông. – Thu nói với anh. – Nếu
không yên tâm, anh đứng bên này sông tiễn em.
- Vậy là
hai người chia tay ở hai bờ sông, Thu cố đi sát bờ sông, như vậy ở bên kia bờ
anh có thể trông thấy. Anh mắc cái áo lót trắng, tay cầm sơ mi trắng. Đi một
đoạn Thu đứng lại, nhìn bên kia sông, thấy anh cũng đang đứng lại, hai người
đứng ngang hàng. Anh giơ cái áo trắng cầm trong tay lên huơ huơ mấy vòng>
Thu cười, muốn nói: anh đầu hàng đấy à? Tại sao lại
vẫy cờ trắng? Nhưng Thu biết cách xa như vậy anh không thể nghe thấy. Thu lại
đi một quãng, lại dừng bước, trông thấy anh cũng đứng lại, lại giơ cái áo trắng
lên vẫy vẫy. Hai người lúc đi lúc đứng cho đến của trường học của Thu. Thu đứng
lại lần cuối nhìn anh, muốn chờ anh đi rồi mới vào trường, nhưng anh vẫn đứng
đấy. Thu vẫy tay anh, ý nói anh đi tìm nhà trọ đi. Anh cũng đứng bên kia sông
vẫy tay với Thu, có thể bảo Thu vào trước đi.
Rồi Thu thấy anh đưa hai tay lên, không phải vẫy, mà
giơ cả hay tay, hình như muốn ôm Thu. Thu thấy chung quanh không có người, cũng
giơ hai tay lên với anh, hai người cùng giơ tay đứng hai bên bờ sông, giữa là
dòng nước đục ngầu ngăn cách. Bỗng dưng Thu muốn khóc, vội quay người, chạy
nhanh vào trường, nấp sau cánh cổng nhìn anh.
Thu thấy anh vẫn đứng kia, giơ hai tay, phía sau lưng
anh là bờ sông dài, trên đầu là đèn đường buổi tối, anh mặc áo trắng, trông rất
nhỏ bé, cô đơn, buồn thương.