Cùng Anh Ngắm Hoa Sơn Trà

Chương 32: Chương 32




Đêm hôm ấy Thu ngủ không yên giấc, mơ rất nhiều, những giấc mơ có liên quan đến Ba, lúc mơ thấy anh ho, cuối cùng anh khạc ra máu, lúc lại mơ thấy anh đánh nhau với lão Thịnh gù, đâm chết lão ta. Trong mơ Thu nghĩ, nếu đây là giấc mơ thì tốt.

Cuối cùng Thu thức giấc, biết chắc là mơ, thở phào nhẹ nhõm. Trời vẫn chưa sáng, nhưng Thu không sao ngủ lại nổi. Thu không biết tối hôm qua anh có tìm được nhà trọ không,anh nói có lúc anh không có giấy tờ công tác nên không tìm được nhà trọ, vậy là ngồi ở ngôi đình kia suốt đêm. Trước nửa đêm trong đình còn có người hóng mát, sau nửa đêm chỉ còn một mình anh, ngồi nhớ Thu.

Thu không biết đến bao giờ mới lại được gặp anh, hai người không có cách nào hẹn thời gian, nhưng Thu tin anh có cơ hội nhất định đến với Thu. Trước kia Thu cứ sợ anh biết mình nhớ anh, anh sẽ lại chơi trò không đến thăm, bây giờ Thu biết anh không phải là con người như thế. Khi anh biết Thu cũng muốn gặp anh, anh càng dũng cảm, vượt qua khó khăn để đến gặp Thu.

Buổi sáng Thu đến nhà máy giấy làm việc, vãn như thường lệ phải vào phòng lão Thịnh để chờ phân công, nhưng của phòng lão đóng chặt. Thu ngồi ngoài chờ, rất đông người chờ lão, tất cả đều ngồi ngoài cửa.

Có người nói đùa:

- Bên A tối hôm qua đánh trận đêm với người nhà, mệt mỏi không dậy nổi. Chỉ cần lão ấy tính công cho bọn ta, lão đến lúc nào cũng được, càng đến muộn càng tốt.

Lại có người nói:

- Ông gù chết ở trong phòng rồi chăng? Nghe nói nhà ông ấy không có ai, sống một mình, có chết trong nhà cũng không ai biết. Tại sao ông ta không lấy vợ nhỉ?

Một chị trung niên có biệt hiệu “mắt hí” nói:

- Tôi làm mối cho ông ấy một cô bên sông, nhưng lão gì chê, bảo bên kia sông hộ khẩu nông nghiệp. Thật không biết mình là ai, liệu người ta hộ khẩu nông nghiệp có lấy lão không? Người thì xấu, không biết sống được bao lâu.

Cho đến tám rưỡi vẫn không thấy lão đến. Mọi người bắt đầu hoang mang, sợ lỡ việc hôm nay. Mấy người bàn nhau đi tìm người nhà máy, xem có ai biết chuyện gì đã xảy ra.

Một lúc sau, nhà máy cử một ông trưởng phòng gì đó đến nói:

- Ông Thịnh hôm qua bị đánh, hôm nay không đến được. Tôi không biết ông ấy phân công cho mọi người như thế nào, không thể bố trí công việc hôm nay, mọi người về nghỉ, ngày mai lại đến.

Mọi người ồn à cổng, nói hôm nay không làm việc thì nên thông báo sớm, nửa ngày rối mới nói, làm lỡ công lỡ việc.

Thu nghe nói lão Thịnh bị đánh, lòng những lo lắng, Thu nghĩ nhất định lão ta bị Ba đánh. Nhưng tối hôm qua anh đưa Thu về tận cổng trường vẫn còn đứng hồi lâu. Lúc ấy đã hết đò ngang chưa? Hay là anh bơi qua sông sang đảo Giang Tâm, đánh lão Thịnh?

Thu nghĩ, nếu anh bơi qua sông là hoàn toàn có thể, vì Thu cũng có thể bơi qua đoạn sông này, anh thì bơi rất dễ dàng. Tối hôm qua anh đứng bên bờ sông giơ hai tay vẫy Thu, đứng rất lâu, phải chăng vĩnh biệt Thu? Có thể anh biết việc mình làm sẽ ngồi tù, cho nên đứng bên bờ sông lưu luyến không muốn rời để nhìn Thu lần cuối?

Thu cảm thấy trái tim mình đang sưng tấy, chỉ muốn tìm một người biết chuyện để hỏi cuối cùng người đánh lão Thịnh gù có bị bắt không. Thu không biết tìm ai để hỏi, hay là đi hỏi anh Lưu ở phòng tuyên truyền có biết không?

Lưu nói:

- Tôi cũng vừa mới biết, chỉ nghe ông ta bị đánh, còn nữa không biết gì. – Thấy Thu lo lắng, căng thẳng, anh tò mò hỏi: - Ông Thịnh này làm nhiều người tức giận, không nghĩ cô lại lo lắng cho ông ấy như thế.

Thu không còn tâm tư nào để giải thích, chỉ nói qua loa vài câu rồi bỏ đi tìm Nhất.

Nhất vẫn đang ngủ, bị người cùng phòng đánh thức, anh giụi mắt chạy ra hành lang. Thu hỏi liệu có thể ngồi đâu đó để nơi chuyện. Nhất lập tức theo Thu đi, hai người tìm một chỗ yên tĩnh, Thu hỏi:

- Nhất có nghe nói, tối hôm qua ông Thịnh bị đánh không, hôm nay ông ta không đi làm.

Nhất phấn khởi:

- Thật không? Ai đánh? Đánh ác hơn tôi chứ?

Thu có phần thất vọng:

- Thu cứ nghĩ là Nhất đấy.

- Tại sao Thu lại nghĩ là tôi? Hôm qua tôi làm ca đêm.

Thu hoàn toàn thất vọng, nói:

- Thu sợ lần trước Nhất muốn dạy cho ông ta một bài học, Thu lo vì chuyện ấy mà Nhất gây… rắc rối.

Nhất rất cảm động:

- Thu khỏi phải lo cho tôi. Từ sau ngày vào nhà máy tôi chưa đánh nhau bao giờ, lần ấy là vì lão ta ức hiếp Thu nên tôi mới ra tay. Thu…rất tốt…với tôi, từ hồi tiểu học Thu đã giúp tôi.

Thu nhớ lại trước đây chỉ mong Nhất bị ốm, cảm thấy xấu hổ:

- Có gì gọi là giúp, chỉ là nhiệm vụ thầy giáo giao.

“ Thu có nhận ra không, hồi ấy tôi chỉ nghe lời một mình Thu, cho nên thầy giáo giao tôi cho Thu giúp đỡ”.

Không biết nên vui hay nên buồn, Thu nghĩ: hồi ấy tôi không lôi kéo nổi Nhất, vậy mà nói chỉ nghe lời một mình tôi. Nghe lời mà thế, không nghe lời thì thế nào?

Nhất hỏi:

- Hôm nay Thu không đi làm à? Vậy chúng ta đi xem phim nhé?

Thu vội từ chối:>

- Nhất vừa tan ca đêm, về ngủ đi, kẻo tối nay buồn ngủ.

Nhất nói:

- Bây giờ tôi về ngủ. Thu thấy đấy, đến giờ tôi vẫn nghe lời Thu. – Nói xong, Nhất về ngủ, Thu cũng về nhà.

Về nhà Thu đứng ngồi không yên, trước mắt cứ hiện lên hình ảnh Ba bị công an bắt trói đem ra pháp trường. Thu sợ hãi, thầm trách đầu óc anh tại sao nóng như thế? Có đáng để anh đổi sinh mạng với lão Thịnh gù? Ngay cả chuyện ấy mà anh cũng không nghĩ ra?

Nhưng Thu tự trách mình nhiều hơn: tại sao mình nhanh mồm nhanh miệng bảo với anh ấy chuyện ấy? Nếu mi không nói, anh ấy đâu có biết? Bây giờ thôi rồi, chuyện phức tạp rồi, nếu Ba bị bắt ấy là do mình làm hại.

Thu muốn ra đồn công an để nhận tội, bảo mình gây ra, vì lão Thịnh gù trêu ghẹo, Thu buộc phải đánh ông ta.Nhưng chắc chắn công an sẽ không nghe, chỉ hỏi hôm qua đánh nhau ở đâu, Thu sẽ không trả lời nổi, hơn nữa lão Thịnh biết người đánh lão là nam hay nữ.

Trong lòng Thu chỉ mong Nhất đánh, nhưng hôm qua Nhất đi làm ca đêm, hơn nữa trông anh hôm nay không có vẻ gì vừa đánh nhau xong, như vậy chỉ có thể là Ba. Nhưng sự việc qua rồi, Nhất cũng đánh lão, như vậy cũng được rồi thôi? Việc gì Ba phải đánh lão ta nữa?

Thu nhớ Ba nói “còn lần sau nữa à? Như vậy lão ta cũng không muốn sống”. Anh nghiến răng nói câu ấy khiến Thu có cảm giác nếu có mặt lão Thịnh gù ở đấy, chắc chắn anh sẽ cho lão mấy quả đấm vào mặt. Có thể anh sợ “lần sau” cho nên tối hôm qua mới bơi qua sông dạy cho lão Thịnh gù một bài học ngăn ngừa hậu họa.

Thu không có cách nào ngồi yên ở nhà, cô đến nhà máy nghe ngóng tin tức. Người trong nhà máy biết chuyện mỗi lúc một nhiều hơn, hình như lão Thịnh cũng bị nhiều người ghét, nghe nói lão bị đánh không một ai tỏ ra đồng tình, cũng không ai bất bình, cho dù không vui mừng trước đau khổ của người khác, mà chỉ coi như câu chuyện thú vị nói cho nhau nghe>

Có người nói:

- Chắc chắn người đánh hận lão ta lắm, nghe nói bị đánh vào chỗ hiểm, bị đá mấy cái vào hông, chân cũng bị đau. Xem ra lão ngấm đòn, có thể bị vỡ cả trứng, tuyệt đường con cái.

Lại có người nói:

- Lão Thịnh gù đâu phải đối thủ của anh kia? Anh kia cao ít nhất một mét tám, lão Thịnh cao bao nhiêu? Có đến một mét sáu nhăm không nhỉ? Anh kia không cần ra tay, chỉ đè lên người lão cũng đủ chết.

Thu nghe mọi người bàn tán biết rằng lão Thịnh chưa chết, chỉ cần lão ta chưa chết thì Ba cũng không bị tử hình. Nhưng Thu nghĩ, nếu lão ta không chết, lão ta có thể nói ra người đánh lão như thế nào, như vậy lão chết đi còn hơn. Nhưng Ba là con người thông minh, chẳng nhẽ anh để cho lão ta thấy mình? Nếu như không có ai trông thấy, người khác làm sao biết người đánh cao bao nhiêu?

Thu nghe nói “một mét tám” biết chắc đấy không phải là Nhất. Trong tiềm thức Thu mong Nhất là người đánh lão Thịnh gù. Tuy Nhất nói không phải là anh, hơn nữa anh đi làm ca đêm, nhưng ca đêm phải mười hai giờ mới bắt đầu, Nhất có thể đánh lão ta rồi mới đi làm.

Thu biết mình nghĩ như vậy là rất xấu, rất nhục nhã, nhưng Thu hi vọng như vậy, có thể Ba không phải vào tù, không bị tử hình. Nhưng Thu nghĩ, nếu là Nhất đánh, thì anh cũng vì Thu mà đánh, lẽ nào Thu có thể mở mắt nhìn Nhất vào tù hay bị tử hình mà không chút buồn đau?

Thu biết mình cũng rất buồn, thậm chí để trả ơn Nhất mà xa Ba, sẽ mãi mãi chờ Nhất. Thu cảm thấy thần kinh của mình có thể chịu đựng nổi sự giày vò vì việc Nhất phải ngồi tù, nhưng không thể chịu đựng nổi sự giày vò nếu là Ba phải ngồi tù. Thu vừa chửi mắng mình, vừa hi vọng, thậm chí có ý nghĩ kỳ lạ muốn khuyên Nhất nhận tội thay. Thu có thể hứa hôn với Nhất, chỉ cần anh gánh trách nhiệm. Vấn đề ở chỗ hiện tại Thu vẫn chưa biết sự việc ra sao, ngay cả việc nhận tội cũng không biết phải thế nào.

Hôm sau, đến nhà máy rất sớm ngồi chờ trước của văn phòng của lão Thịnh gù, cô cũng không biết mình đang chờ gì. Có việc làm hay không lúc này với Thu không quan trọng, quan trọng là nghe ngóng tình hình, nói gọn một câu: Ba có bị bắt hay không, công an có biết anh đánh lão ta?

Một lúc sau, lao động tạm thời lục tục kéo đến, sôi nổi nhất vẫn là chuyện lão Thịnh gù bị đánh.

“Mắt híp” xưa nay vẫn được coi là người thạo tin xuất hiện, lúc này cũng không ngoài tin tức có liên quan, chị ta nói chắc như đinh đóng cột:

- Bị đánh ở ngay của nhà, lão ta vừa đi hóng mát về, anh kia từ trong bóng tối nhảy ra, dùng một cái bao tải trùm đầu lão, vậy là tay đấm chân đá một hồi. Nghe đâu người kia không lên tiếng, chắc chắn đấy là người quen nếu không cần gì phải trùm đầu lão ta, hơn nữa không dám để lão nghe thấy tiếng.

Một chị trung niên được mệnh danh là “Tần điên” nói:

- Anh kia là bộ đội, không biết người thế nào.

Chị này cũng có cảm tình với bộ đội, vì chị đã từng “nhấn chìm” một anh đội trưởng đội tuyên truyền quân đội, kiếm được một đứa con riêng.

Có người nói đùa:

- Có phải cái anh đội trưởng của chị không? Chắc chắn bên A đã kiếm chác được gì ở chị nên mới bị anh bộ đội trả thù.

Chị “Tần điên” cũng không giải thích, chỉ cười khúc khích, hình như sợ người khác không nghi anh bộ đội của mình:

- Đàn ông đánh nhau sống chết cũng chỉ vì phụ nữ. Bên A bị đánh, chắc chắn vì ai đó trong chúng ta. – Nói xong, chị ta liếc nhìn đám đàn bà con gái đang ngồi đây.

Chị “Tần điên” có cặp mắt cho dù người ngồi ngay trước mặt nhưng cũng phải nghiêng người ghé nhìn, mọi người bảo chị ta là “điên dâm”, là “hoa liễu”.

Thu nghe chị “Tần điên” nói vậy, trong bụng rất sợ, sợ bà Đồng nói ra chuyện hôm trước. Nếu mọi người biết chuyện lão Thịnh gù chọc ghẹo Thu, rất có thể nghi bạn trai hoặc anh trai Thu. Tuy không ai biết Thu có bạn trai, nếu công an vào cuộc điều tra, liệu có điều tra ra không?

Thu vẫn tin rằng, muốn người khác không biết, từ phi mình không biết, người phạm pháp không thoát khỏi tay công an. Chưa bao giờ nghe nói, người đánh bị thương người khác cả đời không bị phát hiện, cả đời không bị trừng trị. Bình thường Thu đã nghe nói ai đó gây án với những thủ đoạn vô cùng thâm độc, nhưng cuối cùng cũng bị công an bắt.

Cho đến gần chín giờ, nhà máy cử một người đến, thông báo trong mấy ngày tới sẽ do bác Khuất phân công công việc, ông Thịnh khỏi sẽ tiếp tục công tác. Bác Khuất phân công Thu đến giúp bác sửa chữa một nhà máy hư hỏng, cũ nát vì từng dùng lâu ngày.

Trong lúc làm việc, Thu hỏi bác Khuất bao giờ bên A sẽ đi làm, bác Khuất cho hay:

- Tôi cũng không biết, nhưng nhà máy bảo tôi làm việc này một tuần lễ.

Thu nghĩ, vậy là lão Thịnh gù phải một tuần nữa mới đi làm. Thu nói:

- Hôm nay bác có đến thăm bác Thịnh không, tình hình sức khỏe của bác ấy thế nào? Bị thương có nặng lắm không?

- Phải mươi ngày, nửa tháng may ra mới khỏi.

- Bác có ai nghe nói ai đánh bác ấy không? Mà tại sao bá Thịnh lại bị đánh?

- Cũng nhiều tin đồn lắm, có người bảo bác ấy trừ tiền công của ai đó. Có người nói bác ấy chọc ghẹo ai đó, bị người ta đánh, không biết đấy là ai. Cũng có thể đánh nhầm đối tượng.

- Có bắt được người đánh bác ấy không?

- Hình như không. Nhưng cô đừng sốt ruột, rồi sẽ bắt được, có điều sớm muộn gì thôi.

Thu đứng sững sờ, bác Khuất bảo sẽ bắt được người đánh, chứng tỏ công an đang tìm, vậy là Ba khó thoát khỏi lưới pháp luật. Lòng Thu như dao cắt, đứng sững sờ, không dám khóc, cũng không dám nói gì thêm. Thu nghĩ, nếu Ba bị bắt, bị tuyên án, vậy là Thu phải vĩnh viễn đợi chờ, ngày nào cũng đi thăm nuôi, cầu mong anh không bị tử hình, như vậy anh sẽ có ngày được tha. Thu có thể chờ anh suốt đời, chờ anh ra tù, Thu sẽ chăm sóc anh suốt đời.

Thu tự an ủi: anh sẽ không bị tử hình, vì lão Thịnh không chết, tại sao bắt anh phải đền mạng? Nhưng lại nghĩ, nếu gặp lúc cần “nghiêm trị” thì vẫn có thể. Anh trai của một đứa bạn Thu vì cướp một trăm năm mươi đồng, nhưng vào lúc “nghiêm trị” vậy là tử hình!


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.