– Ừm, hiện trong nhà còn có bao nhiêu tiền?
Lương thị tính toàn trả lời:
– Chưa tới 500 đồng.
– Số vải với bông tơ mà Giả lão gia tặng có thể bán được bao nhiêu?
– Lần trước Hồi Hương dùng một phần làm áo cho Đại Đậu và Đậu Hoa, số còn lại chắc được hai ba trăm.
Tả Quý nhíu mày:
– Sao ít thế, ta thấy toàn là đồ thượng hạng mà, phải được tám trăm hay một nghìn chứ.
Hồi Hương cười khổ giải thích:
– Cha, đó là giá người ta bán ra, không phải là giá thật, được hai ba trăm đã là không tệ, con sợ chẳng được chừng đó. Con thấy dù sao chẳng được bao tiền trả cho người ta, không bằng làm áo cho cha và đệ đệ, con thấy nếu làm áo chén thì làm ba bộ có khi còn dư.
Hầu Phổ cũng tán đồng với ý kiến này:
– Nhạc trượng, trời đông giá lạnh, người nên mặc thêm cái áo ấm mới được, bây giờ tình hình như vậy càng không nên cố, ốm bệnh ra càng phiền to. Hơn nữa đặc biệt là đại lang, sau này thường xuyên làm ăn với Hằng Xương dược hành, người ta là hiệu lớn, rất chú ý thể diện, nói thực là đại lang ăn mặc thế này hơi kém. Nhạc trượng chẩn bệnh, người ta nhìn thấy ăn mặc đẹp đẽ tới khám bệnh cũng yên tâm hơn phải không ạ? Cho nên tức phụ con nói rất đúng, nên làm mỗi người bộ áo, vừa thể diện lại ấm áp.
– Lão gia, thiếp thân thấy Hồi Hương và cô gia nói có lý lắm, Trung Nhi nên ăn mặc thể diện một chút.
Tả Quý gật đầu, ông rất tôn trọng Hầu Phổ:
– Ừm cô gia nói phải, nếu vậy thì làm cho Trung Nhi một cái áo, mặc cho thể diện một chút … Nếu làm ba cái áo rồi, không biết số còn lại có làm được cái váy không?
Hồi Hương xua tay:
– Cha, con không cần đâu, cha xem này, con mặc váy tơ đấy, nha môn mỗi năm đều phát vải mà, con không thiếu váy áo.
– Ai nói làm cho con?
Tả Quý hừ một tiếng:
– Còn lại làm cho Tam nha đầu Tang gia, người ta giúp chúng ta việc lớn như thế, nếu đi tay trắng tới thì sao tiện tới nhà.
Hồi Hương tẽn tò, giận dỗi giảu môi quay đầu sang bên, nãy giờ nàng bị hố tới hai lần, thò tay xuống gầm bàn nhéo đùi trượng phu. Hầu Phổ cắn răng nén đau, còn tưởng vừa rồi mình cười trộm bị thê tử phát hiện.
Lương thị cười:
– Đủ, thế nào cũng đủ.
– Vậy quyết định như thế.
Tả Quý quay sang nghiêm mặt bảo Tả Thiếu Dương :
– Nhận tiền của người ta thì phải làm cho thật tốt, đừng có để lỡ dở. Bào chế thuốc mà bận không xuể thì bảo mẫu thân con giúp cho.
Lương thị ngần ngại:
– Thiếp thân ngốc lắm, sợ không làm được.
– Bào chế thuốc thôi mà, có gì không biết, để Trung Nhi dạy.
Trong lòng Tả Quý hiển nhiên cho rằng bào chế thuốc là việc không thể so với y thuật rồi, đó là việc tay chân hạ tiện:
Tả Thiếu Dương nghĩ, bào chế xuyên ô, thảo ô, phụ tử, nam tinh đều khá phiền phức, phải ngâm nước, bài trừ tạp chất, trong quá trình đó phải thay ba bốn lần nước, rất tốn thời gian, công đoạn này đơn giản, có thể để mẹ giúp:
– Mẹ, dễ lắm, con nói một cái là mẹ biết ngay.
– Thế à?
Lương thị xoa tay có chút khẩn trương:
– Trung Nhi còn giúp Hằng Xương dược quán sửa nhà kho, lại chiếu cố hiệu thuốc, theo ta hành y, bà không giúp nó thì để nó mệt chết à?
– Không không phải.
Lương thị rối rít nói:
– Tại cái đầu thiếp thân chậm chạp, chuyện khác làm không tốt bị chê cười cũng đành, chỉ sợ làm hỏng chuyện của Trung Nhi.
– Mẹ cứ yên tâm đi, chuyện này đơn giản như giặt quần áo, may vá làm cơm thôi. Mẹ nấu cơm ngon như vậy, chuyện phức tạp khéo léo như thêu cũng giỏi, có gì mà không làm được. Không mệt nữa, có các bước cả rồi, tới lúc đó mẹ cứ làm theo con là được.
Lương thị ngập ngừng:
– Vậy thì … Thiếp thân thử xem nhé.
Tả Quý gật đầu:
– Có điều bà phải nhớ kỹ thuật bào chế là bí mật trong nhà, không được cho người ngoài biết, khi làm việc phải đóng kín cửa, nghe rõ chưa?
– Cái này thiếp thân tỉnh lắm. Một tháng 1.500 đồng cơ mà, làm sao để người ta biết, đánh chết cũng không cho biết.
Hồi Hương dài giọng mát mẻ:
– Ái da, con vốn định tới giúp, nhưng mà nghe cha nói thế, đứa con gái như bát nước hất đi này đành thôi vậy, tránh cho cha nghi nữ sinh hướng ngoại, đem bí quyết kiếm tiền tiết lộ ra ngoài.
– Hừm, không phải không tin con, còn nhớ mình đã gả đi rồi sao, lo tốt chuyện nhà mình ấy, đừng suốt ngày chạy chơi linh tinh nữa, hai đứa bé cũng toàn để tiểu cô chúng trông nom. May mà Hầu Phổ nó tốt tính, nếu phải người khác đã đánh cho no đòn rồi.
Hồi Hương lừ mắt nhìn trượng phu, Hầu Phổ đâu dám tiếp chiêu, phải lảng sang chuyện khác:
– Cha nghe nói chưa, nhi tử vị kinh quan cáo lão hồi hương bên cạnh nhà ta vì sát thương người ta, có khi bị đi đầy ngàn dặm đấy.
Tả Thiếu Dương liền liên tưởng tới cái đại viện ở ngõ đằng sau nhà mình, tường cao đầy rêu, đại môn đóng kín, sơn cửa bong chóc, lúc nào cũng im ắng như nghĩa địa chẳng thấy bóng người, liền chỉ về phía đó:
– Tỷ phu, là cái nhà đấy à?
– Chính nó đấy, không biết nhi tử ông ta làm sao mà đánh người ta bị thương, bị đưa lên quan, huyện lão gia đánh một trận, giải lên châu phủ xử lý rồi. Nghe nói là phán lưu đày, không biết là mấy nghìn dặm, nói chung là đời này khỏi mong về cố hương rồi. Ài, thật đáng thương.
Vị hàng xóm đó là kinh quan cáo lão hồi hương, hơn nữa còn là quan chính lục phẩm, so với gia gia của Tả Quý năm xưa làm quan bát phẩm cao hơn nhiều lắm, vì thế tuy là hàng xóm, cách nhau cãi ngõ, nhưng bao nhiêu năm qua hiếm gặp được một hai lần, người này cũng ít qua lại với người khác, đại môn luôn đóng kín. Cả năm chỉ khi nào bị bệnh mới tới cửa hiệu nhờ ông xem bệnh, khi đó mới gặp mặt nói một hai câu.
Quan viên chính lục phẩm tới hiệu thuốc nhỏ khám bệnh, Tả Quý vinh hạnh lắm, sau mới biết, vị kinh quan này trong nhà khó khăn, lại lắm bệnh, không tới nổi chỗ tốn kém như Huệ Dân Đường. Tuy thế Tả Quý mỗi lần xem bệnh cho ông ta cũng lấy làm tự hào, vị kinh quan đó rất nho nhã, chẳng hề có sự kênh kiệu của quan viên, đối xử với người khác ôn hòa, mỗi điều không thích nói chuyện, cứ cúi đầu như có tâm sự khó dãi bày trong lòng. Sức khỏe cũng không tốt, đi khi bệnh nặng không rời giường nổi, Tả Quý tới tận nhà xem bệnh. Vị kinh quan này chỉ có lão thê, một đôi nhi nữ, nhi tử đã cưới tức phụ, nhưng không sinh được con. Nữ nhi sắc nước hương trời, cũng đã xuất giá, song hồng nhan bạc mệnh, cùng nữ tế bệnh mà qua đời, chỉ để lại một nữ nhi, trong nhà không còn ai, cho nên sống cùng ngoại tổ phụ.
Cuộc sống vị kinh quan đó không dễ dàng, nhà chỉ còn trạch viện cũ đó thôi, tường cao viện sâu đấy, song cũ quá rồi, ngói lưu ly đã biến màu mục nát, tường trạm trỗ đã chẳng nhin rõ, nhà cửa sập xệ.
Theo lý mà nói quan chính lục phẩm cáo lão về quê có thể lĩnh một phần bổng lộc hàng tháng không tệ, chẳng hiểu sao lại sống gian nan như vậy. Tả Quý không phải là người hay chuyện, cho nên không hỏi, hai nhà cứ thế quan hệ bình đạm.
Hiện giờ nghe nói nhi tử ông ta bị kiện cáo, khả năng còn bị lưu đầy tha hương, Tả Quý có chút thương cảm, dừng đũa lại, ngồi ngây ra hồi lâu thở dài.
Hồi Hương đặt đũa xuống:
– Ra vậy, thảo nào lâu rồi con không gặp Bạch tiểu thư, ra là trong nhà xảy ra chuyện lớn như thế. Nhà họ chẳng còn ai, việc lớn việc bé không phải đổ hết lên người cô ấy sao, thật đáng thương.
– Bỏ đi, nhà nào cũng có cái khó riêng, không nhắc tới nữa. Ăn cơm, ăn cơm.
Cả nhà ăn cơm xong, Hồi Hương giúp mẫu thân thu dọn bát đũa rồi mới cùng trượng phu trở về. Tả Thiếu Dương liền bắt đầu dạy mẫu thân cách bào chế dược liệu, Tả Quý tỏ vẻ coi thường, song vẫn lắng nghe, nhíu mày nói:
– Đơn giản như vậy mà loại bỏ được độc tính của ô đầu sao?
– Vâng, lần trước con cũng bào chế như vậy, chúc lão chưởng quầy uống thuốc bệnh liền tốt hơn nhiều.
Tả Quý không bình luận, ông hành y nhiều năm, chưa bao giờ nghe nói tới cách bào chế này, có điều nhi tử đã chứng minh rằng cách này đã kiếm được tiền, hiện giờ hiệu thuốc muốn duy trì, cuộc sống muốn khá hơn, chỉ đành dựa vào nó. Cho nên không nói gì thêm, chắp tay về phòng.
Hôm sau Tả Thiếu Dương đang ngủ nghe thấy tiếng lục cục ở dưới, tuy rất khẽ nhưng y vốn ngủ không ngon vì suy nghĩ linh tinh nên tỉnh ngay, ngó xuống thấy mẹ đã dậy, đang kiểm tra thuốc đem ngâm hôm qua, thấy nước có bọt trắng nổi lên liền theo lời Tả Thiếu Dương thêm phèn chua, rất là cẩn thận.
Tả Quý cũng dậy sớm hơn thường lệ, rửa ráy xong liền dẫn nhi tử tới quán trà Thanh Hương.