Đại Mạc Thương Lang

Chương 3: Q.1 - Chương 3: Bộ phim số không




Cái tên “Bộ phim số không” vốn là một tên gọi tắt, nguồn gốc của nó là một bộ phim làm về mỏ dầu Đại Khánh được Hãng phim Cáp Nhĩ Tân sản xuất vào đầu mùa xuân năm 1959, bộ phim này được đặt tên là “Phim số không”, chỉ có những vị quan chức tầm cỡ trung ương mới được xem, nội dung của phim đề cập đủ những chi tiết nhỏ nhất đến những sự kiên quan trọng của những ngày đầu thăm dò, tìm kiếm, định vị, tổ chức kế hoạch khai thác mỏ dầu Đại Khánh. Về sau, chúng tôi quen gọi những bộ phim cơ mật cho các vị quan chức cấp trung ương xem là “Phim số không”. Sự thực bộ “phim số không” ấy đi đâu, về đâu chúng tôi cũng không ai rõ, có người trong số những người thông hiểu tình hình của đơn vị tôi bảo rằng vì bộ phim đó có liên quan đến sự việc của Hoàng Cấp Thanh[1] và Lý Tứ Quang[2], nên nó đã bị tiêu hủy, rồi sự việc cuối cùng cũng chỉ là một trong vô số những sự kiện bị chìm xuống của đợt Cách mạng văn hóa.

[1] Hoàng Cấp Thanh (1904 - 1995): Viện sĩ, Kĩ sư trưởng của Cục Địa chất, dầu khí Trung Quốc.

[2] Lý Tứ Quang (1889 - 1971): Nhà địa chất học nổi tiếng của Trung Quốc.

Bộ phim chúng tôi được xem giới thiệu rất tóm tắt nhưng cũng rất rõ ràng về mục đích của đợt điều động tạm thời này. Lúc này tôi chỉ có thể kể tóm tắt một chút về nội dung của đoạn phim đó, nhưng cũng xin nói luôn là, trong hoàn cảnh đó, chúng tôi đều chẳng mảy may nghi ngờ gì về tính chân thực của những thước phim đó, nhưng giờ nghĩ lại, có một số chỗ thật khó để khiến người ta tin tưởng hoàn toàn.

Sự việc đại thể như thế này:

Mùa đông năm 1959, trong một lần dập đám cháy rừng tại khu Nam Lộc ở dãy Đại Hưng An Lĩnh, những người công nhân chặt cây đã tìm thấy một xác máy bay của quân Nhật trong một vũng bùn lầy. Nghe nói hồi đó lửa đã đốt khô cạn cả đầm nước, khi nước trong đầm khô hết, hiện ra lớp bùn bên dưới, chỗ đó lộ ra một cái cánh máy bay đã gãy.

Những người công nhân chặt cây không hề biết đó là một xác máy bay nên họ đã chui vào trong đó, lấy ra rất nhiều linh kiện, rồi sau đó những linh kiện ấy được chuyển tới chỗ một vị cán bộ cấp trên của nhóm công nhân cứu hỏa, tiếp đó, nó được chuyển về huyện, một quan chức quân đội về hưu nhìn thấy, cuối cùng sự việc này mới được thông báo rộng rãi khắp nơi.

Hồi đó, giới lãnh đạo cấp cao đương nhiên rất quan tâm tới những tàn tích máy móc quân sự, vì một mặt, nó có khá nhiều giá trị cho việc nghiên cứu quân sự, mặt khác có khả năng trong nó còn sót lại cả đạn dược sát thương, cho nên các vị lãnh đạo trung ương đã lập tức phái người về địa phương để xử lý việc này.

Những bên liên quan đã đưa xác máy bay lên khỏi vũng bùn, lúc kiểm tra trong khoang máy bay, họ mới kinh ngạc phát hiện ra toàn bộ những gì chứa bên trong đó đều là những văn kiện thăm dò khảo sát địa chất của đạo quân Quan Đông[3] đối với ba tỉnh miền đông Trung Quốc và khu vực Mông Cổ.

[3] Đạo quân Quan Đông: là một trong các tổng quân của Lục quân Đế quốc Nhật Bản. Đây là lực lượng tinh nhuệ nhất của lục quân Nhật, được xây dựng từ lính tuyển chọn của các đơn vị lục quân.

Chúng ta đều biết, sau khi người Nhật chiếm lĩnh được vùng Quan Đông, họ đã bỏ rất nhiều sức lực để thăm dò khoáng sản ở khu vực Mông Cổ, chủ yếu trong các hoạt động đó là tìm kiếm mỏ dầu, thế nhưng không hiểu vì sao, những mũi khoan thăm dò của đạo quân Quan Đông hồi đó vẫn chưa đủ sâu, tìm tới tìm lui vẫn không phát hiện được dấu hiệu nào của dầu mỏ. Những đội quân khai khoáng của họ thậm chí cũng đã nhiều lần tìm kiếm ở khu vực mỏ dầu Đại Khánh, nhưng họ vẫn không phát hiện được mỏ dầu quý hiếm nằm bên dưới. Về sau, người Nhật vẫn cho rằng, Trung Quốc là đất nước nghèo về dầu mỏ. Mãi sau này, khi Hoàng Cấp Thanh phát hiện ra mỏ dầu Đại Khánh, người Nhật mới thay đổi quan niệm này. Kì thực, trước khi người Nhật chiếm lĩnh vùng Quan Đông, người Mỹ cũng đã từng tìm kiếm tại nơi này, nhưng không phát hiện được gì. Bây giờ chúng tôi nghĩ lại, thực sự cũng không hiểu vì sao lại có chuyện lạ lùng đến thế.

Công việc tìm kiếm thăm dò của người Nhật cũng không hề sơ sài, qua loa hay đơn giản. Hồi Hồng quân Liên Xô tấn công đạo quân Quan Đông Nhật Bản, những người làm việc dưới lòng đất như chúng tôi đã từng mơ ước giá mà quân mình tìm được tài liệu đó thì tốt biết mấy. Nhưng việc tìm kiếm thất bại. Về sau, những tài liệu này cũng bị mất tích, người Trung Quốc đoán chắc rằng chúng đã rơi vào tay quân Liên Xô, người Liên Xô thì lại nghĩ chắc chúng đã bị người Nhật đã tiêu hủy, còn người Nhật lại cho rằng chắc người Trung Quốc và quân Nhật Bản thua cuộc đầu hàng đã kí một hiệp ước ngầm rồi mang chúng đi. Cả ba bên đều không thể tưởng tượng được rằng, số tài liệu đó lại nằm trong khu đầm lầy của dãy Đại Hưng An Lĩnh này đã chẵn hai chục năm.

Những tư liệu này đáng giá như một kho báu, chúng rất có giá trị tham khảo trong những trình độ khai thác nhất định về sau, đặc biệt là những cuộc khai thác mỏ lộ thiên ở khu Nội Mông.

Qua những tư liệu này, chúng tôi nhận thấy người Nhật đã làm việc một cách nghiêm túc, tất cả các tài liệu khảo sát đều được phân loại và cất trong các va li bằng da bò thuộc, các tài liệu khác nhau lại được bọc trong những túi da có màu sắc khác nhau, chỗ tài liệu này được Cục lưu trữ ở Bắc Kinh tiếp nhận, họ lại tiếp tục phân loại cẩn thận.

Vốn dĩ chuyện này được xem là chuyện bình thường, thế nhưng có một việc xảy ra khiến cho việc ngoài ý muốn này trở thành cực kì đặc biệt.

Vì những tài liệu này đều được viết bằng tiếng Nhật, lại chứa nhiều số liệu, chứng cứ về việc thăm dò khoáng sản, nên phải cần một biên dịch và một nhân viên thăm dò, khai thác khoáng sản phối hợp làm việc, công việc chỉnh lý hết sức chậm chạp. Một trong những nhân viên lưu trữ trong lúc phân loại chiếc va li số 0-34 đã phát hiện ra một chiếc hộp sắt có mật mã màu đen hết sức kì quái dưới đáy va li.

Chiếc hộp kì quái đó được gắn sát với đáy va li, trông nó không có gì nổi bật, nhưng những chữ số mật mã được khắc trên hộp lại hết sức tinh vi, vừa nhìn cũng có thể đoán đó là một vật dụng được dùng cho quân đội.

Vậy trong chiếc hộp chứa gì cái gì? Sau khi tin tức về chiếc hộp được đăng báo, đã có rất nhiều người hứng thú với tin tức này, họ mời các chuyên gia về đánh giá, nghiên cứu, tốn nhiều nhân lực lẫn thời gian, rồi dùng cả dung dịch hóa học mới phá được chiếc hộp, sau đó mới lấy ra được một tài liệu tóm tắt về thăm dò khoáng sản viết bằng mật mã.

Lúc đó, mọi người rất ngạc nhiên, tại sao một phần tài liệu lại phải cất giấu cẩn thận như vậy, chỗ tài liệu về quá trình thăm dò khai khoáng và cả những khu vực khai thác này lẽ nào lại khác với tài liệu về những khu vực khác?

Trung ương nghi ngờ trong chỗ tài liệu này sẽ có những manh mối liên quan tới việc tìm kiếm dầu mỏ của người Nhật những năm trước. Thế nhưng tất cả những thông tin quan trọng trong số tài liệu này lại đều được mã hóa, mà mật mã của người Nhật đều rất khó, hồi đó người ta không có cách nào giải mã được. Những người hiểu được mật mã của người Nhật lại là người Mỹ. Thời điểm đó, cuộc chiến kháng Mỹ viện Triều[4] mới kết thúc được vài năm, nên không thể nhờ người Mỹ đến dịch giúp mật mã được. Cho nên, chúng tôi chẳng có cách nào hiểu được nội dung cụ thể, chỉ có thể xem được địa điểm và phạm vi của việc thăm dò khảo sát.

[4] Kháng Mỹ viện Triều: Chiến tranh Triều Tiên, còn gọi là chiến tranh Bắc Hàn 1950 - 1953; người Trung Quốc giúp đỡ quân Triều Tiên đánh Mỹ.

Vậy là dựa theo những ghi chép trong tài liệu, một tổ nhóm trong ba tổ đặc biệt đang thực hiện công việc xây dựng Công trình 723, với nhiệm vụ chuyên thăm dò khoáng sản đã bí mật mang chỗ tài liệu này vào khu vực rừng sâu, tìm kiếm những manh mối và dấu vết được ghi chép trong số tài liệu đó. Sau đó, giữa núi rừng thăm thẳm, quả nhiên họ đã phát hiện ra căn cứ địa tạm thời của quân Nhật, chính là chỗ chúng tôi đang ở hiện nay.

Thế nhưng, người đã bỏ đi hết, nơi này chỉ còn vườn không nhà trống, tất cả đồ đạc đều bị đốt cháy cả, đến một mẩu giấy cũng chẳng còn. Chúng tôi đành phải thông qua những tàn tích, dấu vết còn sót lại ở gần đó, phán đoán là hồi đó người Nhật chắc đã có hẳn một đội kĩ sư thăm dò, khảo sát khoáng sản, họ đã từng tiến hành khảo sát cả một vùng chiếm tới tám mươi phần trăm diện tích khu rừng núi này.

Sau đó, chúng tôi cũng tiến hành thăm dò một lượt những vùng đất xung quanh, nhưng không thu được kết quả gì, chẳng có phát hiện gì đặc biệt trên bề mặt của khu rừng. Tiến hành đào xuống tầng dưới cũng không tìm được gì, nơi này dường như không có chút giá trị nào cho việc khảo sát địa chất.

Những gì người Nhật cho là vô cùng quan trọng lại đối lập hoàn toàn với kết quả thăm dò “không có gì khác thường” của đội khảo sát chúng tôi. Hồi đó, trực giác của người đứng đầu công trình 723 mách bảo rằng hẳn phải có điều gì đặc biệt trong sự việc này, vậy nên họ rất tin tưởng vào những cứ liệu thăm dò của người Nhật, thậm chí căn cứ vào độ sâu của những khu vực địa chất chứa mỏ dầu, trên Trung ương đã ra quyết định sẽ dùng hẳn “thiết bị thăm dò địa chấn” nhập từ Liên Xô để tiến hành thăm dò khu vực này.

Đó là kĩ thuật tương đối tân tiến vào thời đó, đến đây lại cần thêm một phần giải thích về nguyên lý hoạt động của thiết bị này:

Trên mặt đất người ta sẽ dùng những phương pháp tác động tạo nên những chấn động xuống lòng đất, những chấn động này sẽ truyền sóng xuống dưới lòng đất, mỗi vỉa tầng khác nhau sẽ có những môi trường truyền sóng âm khác nhau, sóng địa chấn sẽ sản sinh ra những tín hiệu phản hồi và tín hiệu khúc xạ, dùng địa chấn kế để đo trên mặt đất hoặc dưới giếng sẽ thu được loại sóng này. Tín hiệu của sóng địa chấn thu được cùng với đặc tính riêng biệt của tâm chấn, vị trí đo sóng, kết cấu và tính chất của vỉa tầng mà sóng địa chấn truyền qua đều có mối liên hệ với nhau. Sau đó, người ta tiến hành xử l‎ý và đọc những dữ liệu đã ghi chép được của sóng địa chấn thông qua đồ thị địa chấn, qua đó có thể phán đoán được hình thái và tính chất của những vỉa tầng dưới đất. Việc thăm dò địa chất với cách đo đạc chính xác và độ chia vỉa tầng tỉ mỉ này rõ ràng là tốt hơn nhiều những phương pháp thăm dò vật lý địa cầu khác. Độ sâu thăm dò địa chấn có thể từ một mét đến mười ngàn mét.

Từ năm 1951, Trung Quốc đã bắt đầu nhập khẩu loại thiết bị này, cho đến nay cũng đã có những kinh nghiệm sử dụng nhất định, loại thiết bị này thường được dùng cho việc thăm dò khoáng sản ở tầng sâu, các dữ liệu phản hồi của việc thăm dò đều là những dữ liệu ba chiều, vô cùng đáng giá, dĩ nhiên với những người bình thường mà nói thì những tài liệu này chỉ là một mớ bong bong với những đường ngoằn ngoèo trên mặt giấy.

Sau đó, thông qua việc giải mã đồ thị địa chấn, người ta có thể khôi phục lại những đường sóng kia thành phim âm bản đen trắng để đọc. Bây giờ, hoạt động thăm dò của chúng ta đã có những máy móc phần mềm tiên tiến, có thể ngay lập tức trực tiếp xem được hình ảnh, hồi đó, phải có một người chuyên bê máy móc đi theo để ghi chép lại. Những việc ngày đều do các nhà khoa học làm, còn đối với dân kĩ thuật cơ sở như chúng tôi, việc đọc những tài liệu này chẳng khác gì như đọc sách do người ngoài hành tinh viết. Trình độ như chúng tôi thì chỉ có thể hiểu được những kí hiệu sau khi chúng đã được khôi phục lại trên tấm phim âm bản mà thôi.

Thời gian cho lần khảo sát dư chấn mất khoảng năm tháng, sau khi tổng hợp các dữ liệu xong, quả thật đã có phát hiện mới, tuy nhiên những phát hiện đó khiến người ta lúng túng, khó mà miêu tả rõ ràng nó là cái gì được.

Khảo sát cho thấy, dưới độ sâu một ngàn hai trăm mét tại khu vực này xuất hiện những tín hiệu khúc xạ khác thường của dư chấn. Trên dải phim bỗng dần hiện lên một hình ảnh trăng trắng bất thường, không rõ hình thù, trông giống hình cây thánh giá, kích thước đo được khiến chúng tôi bỗng chốc giật nảy mình, nó dài bốn mươi chín mét, rộng ba mươi tư mét, giống như một thỏi kim loại được đóng sâu vào lòng đất, dưới độ sâu một ngàn hai trăm mét.

Xem tới đoạn này, chúng tôi thì nhau bàn luận râm ran, cảm giác không thể tin nổi vào mắt mình, đến lúc người phụ trách chiếu bóng phóng to hình ảnh lên, bốn bề bỗng đột ngột im lặng.

Cái bóng trắng hình cây thánh giá ấy sau khi được phóng to lên gấp hai trăm lần mới hiện rõ thêm ra các đường nét khác, tất cả chúng tôi đều nhận đó là hình ảnh của một chiếc máy bay!

Phải mất khá nhiều thời gian tôi mới hiểu ra vấn đề, có thể giải thích về chuyện này như sau: tại khu vực người Nhật đã từng tiến hành thăm dò trước đây, ở độ sâu một ngàn hai trăm mét dưới tần vỏ núi rõ ràng hiện lên hình một chiếc máy bay chiến đấu!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.