Những con đường trong núi đều do bộ đội mới mở. Dọc đường, chỗ nào cũng có thể thấy những cây cầu mới dựng, những khúc gỗ mới hạ, dù vậy thì quả thật, những con
đường được mở trong núi này còn thua xa khái niệm đường đích thực. Phần
lớn thời gian, chúng tôi di chuyển men theo các sườn núi, có rất nhiều
chỗ, đường đi chỉ là một khe hẹp giữa những cái cây bị đốn vội, chặng
đường gập ghềnh, trắc trở thật khó có từ ngữ nào diễn tả nổi.
Lúc ở trên xe, chúng tôi còn thử vẽ sơ đồ để tính xem mình đang ở vị trí
nào và nơi sẽ đến là chỗ nào. Dựa vào thông tin trước đây chúng tôi nghe được thì khả năng bộ công trình 723 đóng ở khu vực dãy Đại Hưng An
Lĩnh, thế nhưng xét theo cung đường này thì tôi lại cảm thấy không giống lắm. Mấy người đã từng tới Đại Hưng An Lĩnh nói với chúng tôi rằng,
những cánh rừng xanh thẳm triền miên ở đây cũng không có gì khác biệt
lắm, nhưng địa hình địa mạo thì rõ ràng không giống, khí hậu cũng không
khắc nghiệt như ở Đại Hưng An Lĩnh, càng nghĩ thì càng thấy có vẻ như cả đội đang ở một vùng núi nào đó ở Nội Mông. Giờ đây, rõ ràng là họ đang
đưa chúng tôi vào sâu trong rừng.
Đương nhiên, tất cả cũng chỉ là những phỏng đoán, kì thực cho đến tận bây giờ, chúng tôi cũng không
biết được khu vực đó thực ra là nơi nào. Theo cách nói của anh Miêu sau
này thì căn cứ vào độ rộng lớn của khu vực đó mà tính, có thể chúng tôi
đã bị đưa đến biên giới giữa Trung Quốc và Mông Cổ, thậm chí là đã sang
hẳn đất Mông Cổ.
Hành trình của chúng tôi vô cùng gian khổ, vì xe chở chúng tôi cứ chạy men theo triền núi, mà triền núi lại chạy theo
hướng uốn lượn của mạch núi, nên chiếc xe chạy giữa lưng chừng núi cứ
thoắt vòng sang trái rồi lại rẽ sang phải, chẳng mấy chốc chúng tôi đã
bị mất phương hướng, chỉ còn biết phó mặc cho xe đi đến đâu thì tới đó.
Hơn nữa xe lại chạy chậm rì rì, trên đường đi thường xuyên gặp sự cố
phải dừng lại, bánh xe thường hay bị mắc lầy trong những đám lá mục đen
ngòm, bết đặc lại với đất. Tôi vẫn nhớ không biết bao nhiêu lần đang ngủ thì bị đánh thức dậy để đẩy xe. Cuối cùng, sau năm ngày bốn đêm ròng
rã, chúng tôi cũng tới nơi.
Tới tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như
in hình ảnh nơi đến hiện lên trước những gương mặt sức cùng lực kiệt của chúng tôi. Đó là một sơn cốc, có vẻ là khu vực trung tâm của vùng rừng
rậm nguyên sinh, nhưng thấp thoáng trong những lùm cỏ um tùm, rậm rạp,
chúng tôi lại thấy những mảng lưới sắt đã hoen gỉ xen với tầng tầng cỏ
dại và dây leo mọc chằng chịt xung quanh, người mắt tinh còn nhìn thấy
trên những chiếc cọc gỗ bị quấn bởi đám lưới sắt kia có sơn những dòng
chữ tiếng Nhật đã mờ vì rêu phủ.
Những năm tháng đó, sự việc này
đối với nhiều người không có gì là lạ. Nơi đây là vùng giáp ranh giữa ba tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang, sau khi Nhật Bản thành lập
nước Mãn Châu, người Nhật đã lén lút làm vô số chuyện ở mảnh đất này.
Khi chúng tôi khảo sát khai thác mỏ trong núi cũng thường xuyên phát
hiện phần sót lại của những thứ mà người Nhật chôn hay kiến trúc bí mật
mà người Nhật bỏ lại, đại bộ phận chúng đều được bọn họ tiêu hủy bằng
cách tưới xăng dầu lên rồi đốt trước khi rời đi. Có một số tòa nhà rất
kì lạ, hồi ở vùng Đông Bắc, tôi từng nhìn thấy một tòa nhà ba tầng,
nhưng những gian phòng bên trong đó chỉ cao bằng nửa chiều cao của người trưởng thành, chẳng hiểu họ xây nó để dùng vào việc gì.
Đằng sau lớp lưới sắt mắt cáo và sau đám cây xuất hiện rất nhiều những căn nhà
gỗ đơn sơ, mục nát. Đám cỏ dại mọc dày đặc trên vách, trên mái đầy những lớp lá cây rụng, nhìn kiểu nhà này thì đoán nó được dựng vào khoảng
những năm ba mươi, bốn mươi của thế kỉ trước. Bên cạnh những căn nhà là
những chiếc xe tải của quân giải phóng và mười mấy chiếc lều quân dụng.
Mấy người lính nhìn thấy xe tới liền chạy lại giúp chúng tôi dỡ hành lí
xuống.
Tại nơi này, chúng tôi lại nhìn thấy Vinh Ái Quốc, thế
nhưng anh ta chẳng chào hỏi gì chúng tôi, mà chỉ đứng từ xa nhìn chúng
tôi, vẫn giữ thái độ nghiêm túc cứng nhắc như cũ.
Sau này nhớ
lại, đó là lần cuối chúng tôi nhìn thấy anh ta, thực ra tên anh ta có
phải là Vinh Ái Quốc không thì giờ tôi cũng không chắc nữa. Khi sự việc
kết thúc, đa số mọi người chúng tôi đều gặp lại nhau một vài lần trong
những dịp làm việc khác, nhưng duy nhất người này thì không. Về sau tôi
cũng không nghe ai nói tới anh ta nữa. Hồi đó, tôi cũng hỏi nhiều vị
lãnh đạo trong quân đội, trong số đó, vài người có quan hệ rộng rãi, đi
nhiều biết nhiều, gặp gỡ không ít các chính ủy quân đội, nhưng họ đều
nói là không biết người tên là Vinh Ái Quốc này. Cho nên sau này tôi mới nghĩ, có lẽ thân phận của Vinh Ái Quốc không hề đơn giản, chắc chắn
không phải là một người bình thường trong hệ thống cán bộ của công
trình. Đương nhiên, đây chỉ việc tôi nói thêm chứ không liên quan gì tới câu chuyện này cả.
Sau khi xuống xe, chúng tôi được sắp xếp vào ở trong những nhà gỗ đơn sơ. Những gian nhà này trước đây là nơi ở của
quân Nhật, vật dụng trong nhà rất ngăn nắp, chỉ có điều là đã mục nát
lắm rồi. Đồ gỗ vừa đụng vào đã ọp ẹp. Lúc vào trong, chúng tôi phát hiện ra gian nhà đã được dọn dẹp qua, có rắc vôi bột khử côn trùng, dù vậy
cũng không thể dọn sạch những dấu vết mục nát, hoang phế của mấy chục
năm được. Thành giường chỉ lắc một cái là đã rơi ra cả đống côn trùng mà tôi cũng chẳng biết chúng là loại côn trùng sâu bọ gì, thanh giát
giường nào cũng ẩm ướt, nói chung không thể ngủ trên đó được, nhìn cảnh
tượng ấy, chúng tôi đành ngán ngẩm lôi túi ngủ ra dùng tạm.
Quả
thật khó lòng mà có thiện cảm nổi với những gian nhà gỗ này, cảm giác
không khí nơi này rất kì quái, tôi tin là những người đi cùng năm đó
cũng đều có chung cảm giác này. Hễ đứng ở nơi có liên quan đến người
Nhật, chúng tôi lại có cảm thấy một cảm giác nặng nề chi phối, rất khó
có thể thoát ra được. Nhưng khổ ở chỗ, lúc đó chúng tôi chẳng còn sự lựa chọn nào khác.
Chúng tôi nhận chỗ ở xong xuôi thì một cậu lính đến dẫn chúng tôi đi ăn cơm.
Đám mấy người hội tôi đã từng quen nhau trong mấy lần làm việc chung từ
trước đều nhất nhất đi theo anh Miêu, vì có lẽ ở đây anh ấy là người có
tiếng nói hơn cả. Lúc chúng tôi xuống xe, tôi có để ý thái độ anh Miêu.
Khi nhìn thấy đám lều trại ở đây, miệng anh Miêu thoáng nhoẻn một nụ
cười, vẻ mặt ấy giữ rất lâu, dường như anh ấy biết chuyện gì sắp xảy ra. Anh Miêu là người thâm trầm, ở bên cạnh anh ấy, tôi luôn có cảm giác an toàn.
Cả buổi chiều chẳng có chuyện gì xảy ra, đến chập tối,
chúng tôi được đưa vào trong một chiếc lều bạt to. Hơn hai chục con
người ồn ào, nhao nhao tìm chỗ ngồi trên chiếu. Trước mặt chúng tôi căng một tấm vải bạt, đằng sau là một cái máy có gắn đèn, chúng tôi đoán
chắc nó là một cái máy chiếu phim la dương[1]. Chỉ nhìn qua cách bố trí
này đã biết tối nay chúng tôi sắp có một cuộc họp.
[1] Phim la
dương: Là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của Trung Quốc. Dụng cụ “chiếu phim” là một chiếc hòm gỗ, trên thành hòm có các lỗ tròn gắn kính để người xem quan sát. Trong hòm có xếp nhiều bức tranh với
nội dung một câu chuyện. Phía sau tranh có bóng đèn chiếu sáng làm nổi
hình ảnh. Người điều khiển sẽ kéo sợi dây nối với tranh để tranh chuyển
động khiến người xem thấy hình ảnh thay đổi liên tục như một bộ phim.
Chủ trì cuộc họp là một vị đại tá, hình như trước đây tôi đã từng gặp ông
ấy, nhưng không nhớ được là đã gặp ở đâu. Ông ta nói nhiệt liệt hoan
nghênh chúng tôi đến với công trình 723, sau đó gửi lời xin lỗi tới
chúng tôi vì những bất tiện xảy ra trong hành trình bí mật vừa rồi, chỉ
có điều là trên mặt ông ta chẳng có tí biểu hiện nào là tỏ vẻ áy náy có
lỗi cả. Sau đó, để không mất thời gian, ông ta cất chất giọng mà mới
nghe đã biết ngay là khẩu âm của người vùng Lang Phường[2] để đi thẳng
vào vấn đề chính: “Nội dung tiếp theo của cuộc họp hôm nay là điều tuyệt mật của quốc gia, nên đề nghị các đồng chí cùng tôi giơ tay tuyên thệ,
thề suốt đời mình sẽ không bao giờ tiết lộ bí mật này, kể cả với cha mẹ, vợ con, chiến hữu.”
[2] Lang Phường: Một địa danh thuộc tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh khoảng 40 km.
Đối với chuyện thề bồi thì chúng tôi chẳng lạ lẫm gì, vì rất nhiều hạng mục khảo sát đều thuộc diện cơ mật quốc gia, nên một khi gia nhập vào tổ
công tác thì nhất định phải tuyên thệ tuyệt đối giữ bí mật. Thời đó,
nghi thức tuyên thệ này rất được coi trọng, việc này đại diện cho “tinh
thần cách mạng”, không giống như bây giờ, thề thốt còn dễ hơn cả ăn cơm.
Hồi đó, những bí mật quốc gia được phân thành ba loại: bí mật, cơ mật và
tuyệt mật. Những hạng mục khảo sát bình thường, ví dụ như khảo sát mỏ
dầu Đại Khánh, tuy rằng vẫn là việc cơ mật quốc gia, nhưng vẫn được chụp ảnh hoặc lên báo. Còn những hạng mục khai thác cỡ tuyệt mật quốc gia
thì chúng tôi chưa từng được tiếp xúc, nên không biết được nơi này rốt
cuộc đã xảy ra việc kinh thiên động địa gì, có đoán chắc cũng chẳng ra.
Mọi người đều tuyên thệ một cách trang trọng, rất nhiều người còn quay hẳn
sang đứng đối diện với nhau để thề, có thể thấy rõ là những lo lắng bủa
vây suy nghĩ bấy lâu nay của chúng tôi giờ đã được hóa giải, thay vào đó là sự chờ đợi, hi vọng. Đương nhiên, khi đó cũng có một số người không
nghĩ như vậy, vì thời đó cũng có nhiều sự việc lúc đầu thì họ làm rùm
beng, lên gân lên cốt như là tuyệt mật quốc gia quan trọng lắm, nhưng
cuối cùng hóa ra chỉ là họ quan trọng hóa vấn đề, vì nó có liên quan đến một nhân vật “cỡ bự” nào đó, hoặc đơn thuần đó chỉ là thói quen thích
quan trọng hóa mọi vấn đề của thời đó mà thôi.
Cuối cùng, một
người đứng ra tổng kết tính chất của sự việc, nếu liên quan đến dân sinh thì gọi là bí mật, nếu ảnh hưởng đến những lợi ích kinh tế, quân sự thì xếp vào hàng cơ mật, còn nếu ảnh hưởng tới “một nhân vật cỡ bự” nào đó
hoặc những việc không giải thích được, hoặc đi ngược với thế giới quan
thông thường thì gọi là tuyệt mật.
Nhưng dù ở thời nào cũng có
những phần tử đặc biệt. Anh Miêu đứng ngay trước mặt tôi, lúc tuyên thệ, tôi thấy anh ấy lấy ngón tay vẽ một chữ X trên đùi, ý là lần thề thốt
này coi như không tính. Hành động này thường bị người ta coi là trò mà
chỉ dân giang hồ mới làm, nhưng tôi thì không nghĩ nghiêm trọng đến như
vậy. Có lẽ do chút liên hệ về hoàn cảnh xuất thân của tôi, việc gia đình tôi làm trước giải phóng còn bị xem là “nặng tội” hơn nhiều so với hành động chống lại lời thề kia, nhưng tôi cũng chưa bao giờ thấy cha mình
bị ám ảnh trong lòng, chắc anh Miêu làm vậy có có lí do của anh ấy, mỗi
người đều có suy nghĩ riêng mà.
Sau khi nghi thức tuyên thệ kết
thúc, vị đại tá tắt đèn, đằng sau có người bắt đầu bật một bóng đèn mờ
lên, lúc đó kiến thức của tôi còn khá hạn hẹp - giờ thì tôi biết vật mà
chúng tôi đang thấy thực chất là một chiếc máy chiếu phim cỡ nhỏ.
Đó là một cái máy rất kì lạ, màn hình chiếu phim chúng tôi từng xem thường rất lớn, thế nhưng cái màn hình hôm nay sao lại nhỏ thế nhỉ, thật kì
lạ! Chúng tôi vừa mới thì thào bàn tán thì đã bị ông đại tá giơ tay ra
hiệu trật tự. Vậy là, cả đội đành ngồi im thin thít để tập trung xem
đoạn phim đen trắng chỉ kéo dài chừng hai mươi phút.
Mới xem
chừng mười phút, tôi đã cảm thấy khó thở trong lồng ngực. Tôi bắt đầu ý
thức được rằng nhiệm vụ bí mật lần này quả thực vô cùng quan trọng,
tuyệt đối không phải là kiểu khoa trương thanh thế đơn thuần như tôi
nghĩ ban đầu. Bộ phim chúng tôi đang xem là một đoạn phim tuyệt mật, có
tên là “Bộ phim số không”.