Chương 2: Con người nên sống tốt cho hiện tại và suy tư cho tương lai!
Khi tiếng gà gáy tinh mơ vang lên giữa không gian tĩnh lặng, những tia nắng yếu ớt bắt đầu len lỏi theo từng phiến lá xuyên qua ô cửa sổ; tia nắng ấy như đôi bàn tay ấm áp nhẹ mơn trớn lên khuôn mặt nhỏ nhắn của An Du, làn mi dài khẽ rung nhưng lười biếng vẫn chưa muốn mở ra... cho đến khi tiếng chuông điện thoại vang ầm ĩ cả căn phòng: “Alo...“.
Nghe thấy giọng nói còn đang lạc trong giấc mộng của An Du, đầu dây bên kia lập tức mất bình tĩnh: “Vũ An Du, cậu đừng nói với mình là bây giờ cậu còn đang ở trên giường đó?“.
Trái ngược với thái độ nóng nảy của Lý Lynh Thy, An Du nhẹ nhàng đưa điện thoại ra xa rồi bật chế độ rảnh tay, giọng lè nhè: “Sai! Mình... không phải đang ở trên giường, mà là... ở trên bàn.“.
Lý Lynh Thy như lửa gặp rơm, bùng cháy dữ dội: “Con nhỏ kia, giờ này cậu còn dư hơi cãi lại nữa hả!? Cậu lếch qua đây ngay lập tức cho mình!“.
An Du khẽ nhướng một mắt lên: “Thy Thy, đêm qua, mình phải thức tới 3h sáng để làm bài thuyết trình cuối kỳ, cậu cho mình ngủ thêm một lát nữa đi“.
An Du còn chưa kịp mong chờ sự thương xót từ Lý Lynh Thy, đã nghe tiếng quát lớn như sư tử Hà Đông gầm lên của cô ấy: “Không được! Cậu dậy ngay cho mình! Dậy ngay! Ai bảo cậu lề mề không chịu làm sớm, giờ than vãn với mình cũng vô ích. Mình cho cậu biết, 20p nữa mà cậu không có mặt bên đây, mình sẽ cho người sang khiêng cậu qua đó!”
An Du bất đắc dĩ mở hai mắt ra, đặt điện thoại lên tủ đầu giường, vươn vai một cái: “Được được được... Mình chịu thua, giờ mình đi đánh răng, rửa mặt rồi qua, được chưa?“.
Giọng Lý Lynh Thy dịu lại: “Vậy mới ngoan chứ, lẹ nha! Mình đợi đó!“.
An Du hết nói nổi, cô đứng dậy, vừa đi tới mở tủ lấy quần áo ra, vừa nói: “Rồi rồi, sợ cậu quá hà.“.
Trong điện thoại vọng ra tiếng cười khúc khích: “Xì, làm quá. Thôi tắt máy đây!“.
“Ừ, lát gặp.“. Trả lời xong, An Du đi thẳng vào phòng tắm rửa mặt.
Dòng nước mát lạnh mơn man trên làn da khỏe mạnh, trắng hồng của cô. An Du ngẩng đầu nhìn thẳng vào khuôn mặt trong gương kia.
Gương mặt với đôi mắt trong veo, long lanh như hai hòn bi ve được ngâm trong nước. Con ngươi màu chocolate lại khiến đôi mắt ấy thêm ngọt ngào, chỉ cần liếc qua cũng đủ khuấy đảo tâm hồn người đối diện. Hai hàng mi dài còn vương những giọt nước nhỏ, dưới ánh nắng buổi sáng lại lấp lánh như màn lụa mỏng khảm nạm pha lê. Chiếc mũi dọc dừa thanh tú càng khiến người ta muốn chạm vào. Duy chỉ đôi môi hơi nứt nẻ hoàn toàn không chịu phối hợp đã tố cáo sự lười nhác của chủ nhân.
An Du rút cây bút chì đang cố định búi tóc ra, nghiêng đầu, mái tóc tung ra một đường vòng cung đẹp mắt rồi xõa dài sau lưng cô.
Vuốt nhẹ mái tóc nâu gợn sóng mềm mại, ánh mắt cô bất chợt thất thần, như lạc vào một miền kí ức.
Bốn năm rồi, thời gian cứ như vậy mà trôi...
Nếu như hỏi: Bốn năm qua, cô học được cái gì?
Cô sẽ không ngần ngại mà mở miệng trả lời: Sự nguỵ trang. Nó như lớp vỏ bọc cứng cáp bảo vệ cô khỏi làn “mưa tên bão đạn” giữa dòng đời.
Kỳ thực, An Du rất cảm khái cuộc sống thực tế tàn khốc này. Chính nó đã đánh thức vô số bản năng sinh tồn của cô.
Nó khiến cô nhớ đến một câu nói của Orison Marden: “Ẩn sâu bên trong mỗi con người là những quyền năng chưa được khai phá; đó là những quyền năng khiến bản thân họ ngạc nhiên và chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ có được; nhưng đó là những sức mạnh mà nếu được đánh thức và biến thành hành động thì sẽ có thể thay đổi cả cuộc đời họ.“.
Đúng vậy! Bốn năm trước nếu không bị ép vào ngõ cụt, cô sẽ không thay đổi như bây giờ.
Mười tám năm tồn tại trên cõi đời này, An Du vẫn cố gắng dùng nụ cười trên môi để đối mặt với mọi tình huống. Từng có người hỏi cô, sao cô không khóc, con gái nên yếu đuối một chút, mỏng manh một chút có phải tốt hơn không!?
Khi đó An Du cũng chỉ im lặng rồi mỉm cười nhẹ nhàng. Cô cũng biết khóc, cô cũng đã khóc, nhưng những giọt nước mắt đó chỉ được phép rơi trong đêm tối tĩnh lặng... những khi cô quạnh quẽ một mình. Kể cả khi chia tay mối tình đầu trong đau đớn, cô cũng lặng thinh chịu đựng. Cho đến ngày hôm đó, cô đã bật khóc thật lớn, khóc một cách tuyệt vọng...
********************
Bốn năm trước, 10 ngày trước khi kỳ thi tuyển sinh đại học diễn ra.
“Miu*, sao không lo ngủ sớm đi con, giờ này ngồi đó làm gì?“. Bà ngoại An Du nửa đêm khát nước bèn chui ra khỏi mùng** xuống bếp lấy nước. Nào ngờ, khi bà mở cửa phòng, vẫn thấy đèn bàn học của cô bật sáng, còn An Du đang cặm cụi ghi ghi chép chép.
Nghe tiếng bà ngoại gọi, An Du xoay người, gương mặt căng thẳng giãn ra đôi chút: “Ngoại, con đang ôn bài, môn tiếng Anh con hơi yếu, còn 10 ngày nữa là thi rồi nên con phải tranh thủ. Ngoại ngủ tiếp đi ạ, con học chút xíu nữa rồi đi ngủ liền.”
Bà ngoại nghe xong, trên khuôn mặt hằn sâu dấu vết năm tháng cũng ấm áp thêm vài phần: “Bây*** học thì cũng lo sức khỏe, để thôi chưa đi thi mà nằm bệnh trên giường thì ngoại cho thêm mấy roi à. Nhanh đi ngủ sớm nghe không!”
An Du nghe bà ngoại nói thế liền cười hì hì, gật gật đầu, vâng dạ mấy tiếng làm ngọt rồi tiếp tục học bài.
Bà ngoại nuôi An Du lớn lên, làm sao không biết vì cái gì mà cô cố gắng đến vậy.
*Miu: cách gọi khác của con mèo của người miền Tây. [Đổi biệt danh cho An Du nha]
**Mùng: từ địa phương của cái màn để giăng ngủ cho khỏi mũi cắn đó.
***Bây: tiếng địa phương, cách gọi thân mật của người lớn tuổi dành cho con cháu.
--------------------------------
An Du sinh ra đã không có cha, lúc lên sáu tuổi mẹ lại đi thêm bước nữa. Mẹ chồng mới của mẹ An Du không thích cô bé “con rơi” này, bà xét nét từng thứ với đứa bé mới hơn sáu tuổi, khắt khe từ cái ăn tới cái mặc.
Từ nhỏ, An Du đã học được cách tự lập, cái gì cũng cố gắng tự mình làm, chưa từng phiền hà ai. Nên mỗi lúc bị la mắng hay bị quất roi, cô bé con cũng chỉ biết chui vào lùm cây phía sau chuồng gà ngồi khóc. Cô bé sợ mẹ mình buồn tủi, sợ mẹ bị “bà nội” quát mắng, cũng sợ “ba” sẽ ghét mình rồi bỏ mẹ...
An Du cứ ngoan ngoãn theo mẹ về sống cùng “bên nội” như thế, hàng xóm hay thấy cô bé con ôm chú gà con ngồi nói chuyện một mình. Họ không quan tâm cô bé con nói chuyện gì, hay đúng hơn, trong mắt họ, chỉ là trẻ con lảm nhảm câu chữ vô nghĩa mà thôi.
Ai cũng khen cô bé con hay cười rất dễ thương, không những nghe lời người lớn trong nhà mà còn giúp đỡ hàng xóm. Nhưng, có ai biết trong đôi mắt to tròn, ngây thơ ấy chứa đựng bao nhiêu nỗi sợ hãi... cũng có ai rõ cô bé con ấy đã khóc bao nhiêu lần trong lùm cây nhỏ đó đâu!
Bởi vì, An Du 6 tuổi đó đã biết mình chỉ là đứa trẻ bị bỏ lại, nên... dù chỉ là một cô bé con, cô cũng không muốn khiến mẹ bị khinh lờn, càng không muốn bản thân mình bị bỏ lại lần nữa.
Nhưng tức nước rồi cũng vỡ bờ, sự trầm lặng bất thường của cô bé con An Du không tránh khỏi mắt của mọi người. Mới đầu, mẹ An Du cũng không chú ý, nhưng vô tình trong lúc khiển trách An Du, cô bé con lộ ra vẻ hoảng loạn, hoàn toàn mất kiểm soát. Chỉ khi ấy, Vũ Mỹ Hà mới biết con gái mình bị “bệnh“.
Từ đó trở đi, An Du được gửi về sống với bà ngoại, tiếp tục cuộc sống của “đứa con rơi” khiến người ta thương hại.
Lễ Tết, con nhà người ta được cha mẹ sắm cho quần áo mới, được chở đi đây đó vui chơi, còn cô chỉ im lặng ngồi ở gốc cây me sau nhà đọc sách. Bạn bè mặc áo mới, còn cô vui vẻ nhận mấy bộ quần áo người ta cho đem khoe với bà ngoại.
Lúc mấy đứa trẻ trong xóm còn đang ngáy ngủ khò khò, cô đã chui đầu ra khỏi chăn, gương mặt nhỏ nhắn vẫn còn buồn ngủ cố mở mắt, xỏ dép đi rửa mặt cho tỉnh.
Năm giờ sáng, dậy sớm như vậy chỉ để giúp bà Út hàng xóm đi chợ mua nguyên liệu làm bánh bao, nhân đó cũng được cho thêm vài nghìn để tiêu vặt.
Mấy đứa trẻ khác đi học đều có cha mẹ đón, còn cô lại cười cười, lấy cây quạt giấy quạt cho bà ngoại vài cái rồi nói: “Ngoại, con nít khờ khạo dễ đi lạc nên mới cần ba mẹ đưa đi học, còn con lớn rồi nên không cần, trí nhớ con rất tốt, con cũng chạy rất nhanh, ngoại theo con mệt thêm thôi à. Ngoại ở nhà nghỉ cho khỏe đi ạ!“.
---------------------------------
Bà ngoại nằm trên giường nhớ lại mà ứa nước mắt ra. Đứa nhỏ này bắt buộc mình phải trưởng thành hơn người khác, chưa bao giờ oán than, cũng chưa bao giờ đòi hỏi hay trách móc ai.
Lúc hơn 7 tuổi một chút, An Du được gửi lên nhà dì họ trên thành phố chơi một tháng. Khi trở về càng trở nên ít nói, buổi tối bà ngoại dỗ cô ngủ, An Du chỉ thì thầm: “Ngoại, con sẽ học thật giỏi. Con nhất định sẽ kiếm thật nhiều tiền cho ngoại dưỡng già!“. Bà ngoại nghe mà nghẹn ngào, liền ôm chặt đứa cháu nhỏ.
Bà ngoại trước giờ luôn ủng hộ việc học của cháu mình. Nhưng lúc này bà ngoại lại đang đắn đo, bà biết An Du có suy nghĩ của riêng mình, nhưng con gái lớn lên, có học nhiều đến đâu thì cuối cùng cũng phải kiếm tấm chồng gả đi.
Dù sao bà cũng còn chút suy nghĩ phong kiến của người già – rằng con gái quan trọng nhất là lấy được người chồng giỏi giang. Đàn bà vốn yếu đuối, có người đàn ông chăm sóc cho mình vẫn tốt hơn. Bà ngoại càng không muốn cô giống mẹ của mình, chịu khổ hơn nửa đời cũng không ra làm sao.
Càng nghĩ càng chắc chắn, bà ngoại thở dài rồi nhắm mắt lại ngủ, quyết định ngày mai phải nói chuyện này cho Miu của bà.
Trưa hôm sau, lúc đang ăn cơm, bà ngoại nhìn An Du tay thì xới cơm, mắt lại chăm chú vô quyển sách Văn học: “Miu, ngoại nói con mấy lần rồi, ăn cơm thì lo ăn cơm, ăn nhanh rồi đọc sách, có ai giống như con không?“.
Mắt An Du vẫn không rời trang sách: “Ngoại, còn mấy ngày nữa à, con tranh thủ lúc nào hay lúc nấy.“.
Bà ngoại buông đũa, ánh mắt dò xét: “Miu à, hay là đừng thi đại học nữa con. Dì Út con trên thành phố kêu ngoại cho con lên đó học nghề, năm hai năm nữa, nó nhờ bạn nó bên Mỹ làm mai cho con. Ngoại thấy có mấy đứa trong xóm cũng không có học hành gì nhiều, mà tụi nó chịu đi lấy chồng nước ngoài, giờ giàu có, ba má tụi nó cũng được nhờ.“.
An Du vừa nghe, động tác trên tay cũng cứng đờ, cô nhìn bà ngoại bằng ánh mắt không thể tin: “Ngoại, ngoại nói gì vậy. Mấy chuyện lấy chồng nước ngoài, sau đó bị lừa bán làm gái mại dâm, báo đài lên tin tức lâu rồi, ngoại cũng biết mà, sao ngoại lại kêu con nghỉ học đi lấy chồng nước ngoài làm chi. Con không muốn đi lấy chồng, con sẽ học đại học xong rồi đi làm, con có khả năng mà ngoại.“.
Bà ngoại muốn thuyết phục cô nên nói thêm: “Cái đó người lạ làm mai, còn này bạn của dì Út con, chắc ăn lắm, nhà mình không có quen biết ai, con học xong, biết ra ngoài có xin được việc làm không, với lại bà ngoại cũng không có khả năng lo cho con học tiếp... Haizzz, bây cũng thấy mẹ bây rồi đó, nó bên đó lo cho thằng em bây còn chưa xong, sao mà lo cho bây được.“.
“Con không cần mẹ con lo, ngoại, ngoại chỉ cần giúp con có thể đi thi lần này là được. Đậu đại học rồi, con vừa đi học, vừa đi làm, cũng không phiền tới ai. Ngoại, con xin ngoại, ngoại cho con đi học đi!“. Đối với việc học, An Du cực kỳ cố chấp, dù nghe bà ngoại nói khiến cô rất thất vọng, nhưng cô vẫn cố bình tĩnh giải thích.
“Nhưng...“. Bà ngoại còn chưa lên tiếng đã nghe tiếng nói của Vũ Mỹ Hà truyền đến: “Con cãi cái gì, bà ngoại con nói đúng đó. Mẹ nghe dì Út con kể rõ ràng hết rồi, bộ con tưởng sống ở thành phố dễ lắm hả? Còn đòi đi học đại học, mẹ không có tiền cho con đi thi đâu, nghỉ học đi, đi học nghề trên nhà dì Út mày đi, vài năm rành nghề rồi đi lấy chồng là được chứ gì”
Sợ con gái còn muốn đôi co, Vũ Mỹ Hà ngồi xuống ghế liền thốt ra: “Con lấy chồng bên Mỹ, chồng con sẽ bảo lãnh con qua bên đó làm, dễ kiếm tiền nhiều hơn, biết đâu mai mốt còn dư dả gửi về cho ngoại mày, rồi còn phụ mẹ lo cho thằng Hải em mày nữa. Chứ mày ở Việt Nam, học hành lắm cho tốn kém cũng kiếm được có bao nhiêu, sớm muộn cũng lấy chồng, chọn chồng cho đáng con à.“.
An Du siết chặt quyển sách trong tay, viền mắt đã hồng hồng, cổ họng như bị bóp nghẹn, cô há miệng thở ra: “Mẹ, sao mẹ không tin con, của cải phải tự mình làm nên thì mới lâu dài, mấy cơ hội kiểu đó có mấy người may mắn hưởng được đâu. Con đã nói con sẽ chăm sóc cho gia đình, thì nhất định con sẽ làm được, con không nghỉ học đâu, con nhất định phải đi học đại học!“.
Vũ Mỹ Hà vỗ bàn tức giận: “Tao là mẹ mày, sinh mày ra cực khổ, nuôi mày không phải để mày dạy đời tao. Tao nói nghỉ là nghỉ, lấy chồng là phải lấy chồng, em mày là con trai, nó mới cần đi học, mày đã học tới lớp 12 rồi, còn muốn học cao hơn làm gì. Sẵn tao nói cho mày biết luôn, tiền tao mượn mày hôm trước hết rồi, cũng không có tiền đâu mà trả lại. Giờ tao muốn đi vay tiền cũng không ai cho tao vay, việc đi thi mày muốn cũng không được.“.
Một tiếng nổ ầm vang lên trong đầu của An Du. Nước mắt không nén được nữa chảy ra không dứt, tầm mắt mờ mịt một mảng sương mờ. Số tiền kia là tiền cô để dành trong suốt gần một năm nay, cô nhịn ăn sáng, tranh thủ làm thêm chỉ mong đủ số để đi thi đại học... Nhưng...
Nhưng một tuần trước, em trai bị bệnh nặng phải vào bệnh viện, mẹ cô không có tiền liền hỏi mượn cô, mẹ nói sẽ nhanh chóng trả lại cho cô đi thi. Mặc dù số tiền đó rất quan trọng, nhưng sức khỏe em trai vẫn quan trọng hơn, hơn 2 triệu đồng, cô đưa cho mẹ hết. Bây giờ, còn bây giờ... An Du cố nén tiếng nấc: “Mẹ, con xin mẹ, mẹ tìm cách đưa tiền lại cho con được không, 1 triệu cũng được, con nhất định phải đi thi, mẹ...”
Vũ Mỹ Hà quát lớn: “Tiền đâu mà đưa cho mày, tiền ăn cơm hàng ngày tao cũng không còn chứ đừng nói tiền cho mày đi thi. Tao nói rồi, không thi cử gì hết, học nhiêu đó được rồi, bao nhiêu đứa nghèo khổ như nhà mình cũng không có ai sung sướng, học cao như mày đâu...”
Vũ Mỹ Hà còn nói thêm không ít lời, có phân tích thiệt hơn, có ép buộc, cũng có nhẹ giọng dỗ dành. Nhưng An Du đã không còn nghe được nữa, cô trợn trắng mắt, hai hàng lệ càng tuôn trào mạnh mẽ, lồng ngực cô co thắt, hơi thở đứt quãng, đầu càng ngày càng đau dữ dội. Cô đưa tay trái quẹt nước mắt, tay phải lại đấm mạnh từng cái vào ngực mình.
Tình thân, thì ra tình thân là như vậy. Cho tới giờ, cô cũng chưa từng hận mẹ, cô tôn trọng lựa chọn của bà. Dù không hoàn toàn chung huyết thống, nhưng đối với em trai Trần Minh Hải là yêu thương thật lòng, đối với ba dượng Trần Trung Kiên cũng kính trọng đúng mực.
Nhưng giờ thì sao? Thì ra không ai tin tưởng cô, cũng không ai tình nguyện chờ đợi tương lai tốt đẹp mà cô hứa mang lại sau này. Cái mọi người cần là đảm bảo chắc chắn cho cuộc sống hiện tại của họ.
Tiền, người sống có ai không cần tiền. Người đời này cho rằng có tiền mua tiên cũng được. Tiền là vạn năng, không có tiền, căn bản không được coi là người. Giây phút năm cô bảy tuổi kia, cô đã hoàn toàn hiểu rõ.
Khi đó, dượng họ vì cô vô ý lấy xe đạp của con gái ông ta chạy lòng vòng, sơ ý té ngã làm khung xe trầy xước, con gái ông ta khóc lóc, cô liền bị kéo lại tát cho một cái vào mặt, ông ta hùng hổ: “Con nhỏ nghèo mạt hạn kia, mày không có cha nên không có ai dạy phải không? Ai cho mày lấy xe con tao chạy, mai mốt mà còn đụng tới đồ của con tao, tao đánh mày mềm xương.“.
An Du vốn chưa bao giờ hy vọng mình được yêu thương chiều chuộng, nhưng cũng không muốn vạch rõ ranh giới với mọi người, nên cô luôn tận lực tìm mọi cách tránh xa phiền phức. Thế mà hôm nay, cô thực sự đã chịu tới giới hạn.
Đầu cô như muốn nứt ra, lồng ngực nhói đau không chịu nổi. An Du một tay nắm chặt mái tóc ngắn đã dài ngang vai, tay kia lại siết giữ cổ áo, gân xanh trên trán hiện rõ mồn một, miệng há ra thở dốc, nhưng cố gắng thế nào hình như đều hít thở không thông. Cô ngã sấp lên bàn, thân thể tuột xuống đập thẳng trên sàn nhà, mâm cơm ngon miệng còn chưa kịp ăn xong đã đổ ngổn ngang.
Lần đầu tiên bà ngoại thấy An Du sốc thành như vậy, cũng cuống cuồng quay về phía Vũ Mỹ Hà quát lên: “Mày im cho tao, mày im! Mày không cho nó đi học, tao cho.“.
Bà ngoại vòng qua cái bàn, đỡ đầu An Du lên, vỗ vỗ má cô, khóe mắt già nua cũng không kiềm được mà chảy xuống hai hàng nước mắt: “Miu, con tỉnh, con nghe ngoại nói, ngoại cho con đi học. Miu của ngoại, ngoại không ép con lấy chồng, con muốn làm sao cũng được, tỉnh lại đi con!”
Vũ Mỹ Hà cũng không ngờ con gái lại xúc động đến như vậy, môi mấp máy nhưng cũng không nói nên lời, đến khi nghe bà ngoại quát lớn, bà mới vội vàng tới đỡ An Du lên cái chỏng tre bên cạnh.
Tới gần tối, An Du mới tỉnh lại, không khóc nữa, cũng không mở miệng nói chuyện nữa, cô cứ mở mắt nhìn chằm chằm trần nhà.
Bà ngoại thấy vậy thì đau lòng không thôi, bưng chén cháo trứng gà cô thích đến bên giường: “Miu, con ăn chút cháo đi, con thương ngoại thì nghe lời ngoại. Mai ngoại đi hỏi mượn tiền cho con đi thi. Con yên tâm đi, ngoại sẽ ráng lo cho con học xong đại học!“.
Lúc này, An Du mới nghiêng đầu sang nhìn bà bà ngoại, rồi chống hai tay từ từ ngồi dậy, giọng nói ấm áp của bà ngoại lại làm nước mắt cô chảy xuống lần nữa. Cô cầm lấy chén cháo, cố gắng mỉm cười, mũi khục khịch vài cái, khẽ gật gật đầu.
Bà ngoại vuốt vuốt tóc cô, cũng mỉm cười nhìn cô.
***********************
An Du cứ chìm trong hồi ức, cho đến khi nghe thấy tiếng gõ cửa dồn dập bên ngoài mới chợt bừng tỉnh: “Miu, dậy chưa con, mau sang nhà con bé Thy đi. Hôm nay con làm phụ dâu đó! Miu, Miu à...”
“Dạ, con dậy rồi ngoại. Con đang rửa mặt, lát con ra liền!“. An Du định thần lại, nhanh chóng chải mái tóc dài. Không nghĩ nữa, cô cũng không muốn nhớ lại nữa, dù sao cô cũng đã được đi học tiếp, cũng đã năm ba rồi. Có khổ tận cam lai mấy cũng qua rồi, chuyện sau đó cô cũng không muốn nhớ tiếp.
Con người nên sống tốt cho hiện tại và suy tư cho tương lai.
An Du sửa soạn nhanh chóng rồi ra khỏi phòng, cô phải qua xem cô hai Lý Lynh Thy kia chọn lễ phục gì cho cô. Ban đầu, cô muốn tự mình chọn, nhưng Lý Lynh Thy cứ thần thần bí bí nói không cần.
“Haizzz....” An Du thở dài một tiếng, ai kêu cô chỉ có một người chị em tốt này đây chứ!
=================================
Lèm bèm: Châu có lấy được nước mắt của ai hôn? Nếu có nhớ vote nha nha nha! <3