Dụ Đồng

Chương 2: Chương 2




CHƯƠNG 2

Từ đó đến nay đã được hơn sáu tháng, nhìn tay chân ngắn ngủn của mình, Nghiệt Đồng biết “cuộc đời mới” của nó đã bắt đầu. Nhưng trong mắt nó, “cuộc đời mới” này xem ra cũng thật mỉa mai. Nó chỉ chuyển từ hoàng gia này sang hoàng gia khác. Điểm duy nhất không giống chính là nơi này có một chút quy củ khác với kiếp trước. Còn lại thì Nghiệt Đồng vẫn là Nghiệt Đồng.

Ngôn ngữ, phong tục tập quán ở đây tuy cũng tương tự như ở Thiên triều nhưng vẫn có nhiều điểm khác biệt. Ví dụ như ở đây gọi na đạt là mẫu phi hoặc mẫu thân, quân phụ là phụ hoàng, thánh tử là hoàng tử, đế quân là hoàng thượng, đế cung là hoàng cung, đế đô là kinh thành… Nghiệt Đồng bây giờ chỉ có thể một mặt chờ mình hồi phục, một mặt học tập ngôn ngữ ở đây.

Nghiệt Đồng biết tên mình ở đây là Ti Hàn Nguyệt. Na đạt, cũng chính là mẫu phi của nó, thường hay gọi nó là Nguyệt nhi. Nghiệt Đồng cho rằng tên này cũng không tệ lắm. Mẫu phi từng nói nó sinh ra vào một ngày trăng tròn giá rét nên quân phụ – phụ hoàng mới đặt cho nó cái tên Hàn Nguyệt. Đối với Nghiệt Đồng, tên cũng chẳng phải chuyện gì quan trọng. Cho dù có gọi nó là Nghiệt Đồng đi nữa, nó cũng chẳng cảm thấy có gì không ổn.

Qua sáu tháng tìm hiểu, học tập, Nghiệt Đồng biết nơi này gọi là Yển quốc, phụ thân của nó là hoàng đế của Yển quốc, Yển Tuyên đế Ti Ngự Thiên. Yển quốc, Đông Nguyệt quốc cùng với Sở Dịch quốc là ba quốc gia lớn nhất trong thiên hạ, ngoài ra còn mấy tiểu quốc chư hầu phụ thuộc vào ba quốc gia này. Mẫu phi của nó tên là Tiêu Lâm, là con gái út của Tả thừa tướng Yển quốc, năm nay 18 tuổi, trên còn có hai ca ca và một tỷ tỷ. Đại ca là tướng quân, hiện đang ở biên cảnh; nhị ca là Công bộ thượng thư (hiện tại phẩm cấp của tướng sĩ, thần tử như thế nào Nghiệt Đồng vẫn chưa rõ), còn tỷ tỷ ba năm trước đã được gả cho biểu huynh, con trai trưởng của cậu nàng, hiện đang làm quan ngoài kinh thành.

Và nó cũng biết vì sao khi mình sinh ra lại không có chút sức lực nào. Đấy là do mẫu phi của nó bị người hạ đọa thai dược*, khiến cho nó sinh non, mà mẫu phi vì khó sinh cộng thêm tác dụng của thuốc nên từ nay về sau không thể sinh con được nữa.

Kẻ hạ độc là Nhàn quý phi, người cùng với mẫu phi của nó – Lệ quý phi, là hai quý phi duy nhất trong hậu cung. Yển quốc hoàng đế chưa lập hoàng hậu. Nhàn quý phi sợ Tuyên đế sẽ phong Lệ quý phi (vốn đã xác định đứa trẻ trong bụng nàng là con trai) làm hoàng hậu, nên khi Lệ quý phi mang thai được tám tháng đã mua chuộc thái y để hạ một lượng đọa thai dược đủ để chết người. Mà hôm đó, vì khẩu vị không được tốt lắm nên Lệ quý phi chỉ ăn hai miếng, may mắn giữ được tính mạng và đứa bé trong bụng.

Nhàn quý phi do đã có mang bốn tháng nên được Tuyên đế tha mạng, giam vào lãnh cung. Mà gia tộc của ả vì chuyện này mà bị xét nhà, tịch biên gia sản, người trong gia tộc, hoặc bị sung quân, hoặc bị biếm thành quan nô.

Nghiệt Đồng, hay bây giờ là Ti Hàn Nguyệt, không cách nào hiểu được chuyện này. Rất nhiều chuyện ở đây trong mắt Nghiệt Đồng đều rất kỳ quái, không giống những gì nó biết.

Tại Thiên triều, phụ nữ có mang luôn được bảo vệ nghiêm ngặt, hãm hại những đứa trẻ chưa ra đời chính là hãm hại những dũng sĩ tương lai của Thiên triều. Cho nên bình thường dù có đấu đá thế nào đi nữa cũng không được ra tay với phụ nữ đang mang thai. Mà tổn thương thánh tử tương lai cũng chính là tổn thương đế quân, phải chịu tội chết. Chính vì thế, hậu cung Thiên triều dù tranh đoạt cực kỳ kịch liệt cũng không hề phát sinh ra những việc thế này. Mặc dù Nghiệt Đồng cũng từng là đế vương, là chủ nhân một đế quốc mạnh hơn Yển quốc gấp nhiều lần, nhưng Nghiệt Đồng chưa bao giờ gặp phải chuyện đó.

Nghiệt Đồng vốn không dễ dàng để cho người khác đụng vào người, nhất là những kẻ nhìn nó thì lộ ra vẻ mặt khiến nó chán ghét. Trong quá khứ, suốt 21 năm, kẻ có thể lại gần nó chỉ có Á Ba, người vẫn luôn chăm sóc nó cùng với Quốc sư Phong Mạc, người dạy dỗ nó từ khi nó trở thành đế quân. Ngay cả khi nó có nhu cầu về sinh lý, Nghiệt Đồng cũng không gọi những nô lệ *** được huấn luyện nhằm thỏa mãn quân vương đến để phát tiết.

Nghiệt Đồng cũng biết, khi sinh ra, ba chữ “thất hoàng tử” mà nó nghe đại diện cho cái gì. Phụ hoàng mặc dù năm nay mới 20 tuổi nhưng đã có chín người con, bảy nam hai nữ. Đại hoàng tử hơn nó sáu tuổi còn Lục hoàng tử sinh sớm hơn nó nửa năm. Tháng trước, trong lãnh cung, Nhàn quý phi cũng sinh hạ một đứa bé trai nhưng không được hoàng gia thừa nhận.

Nghiệt đồng – đôi mắt đã theo Nghiệt Đồng suốt hơn 20 năm… Na đạt lần đầu tiên thấy đôi mắt đó đã dùng dao tự sát vì không đủ dũng khí đối mặt với sự trừng phạt của đế quân. Còn lúc quân phụ nhìn thấy nó… Nếu không phải không cách nào chứng minh đứa bé mới sinh này sẽ ảnh hưởng đến sự an nguy của Thiên triều, Nghiệt Đồng đã bị giết khi mới hai ngày tuổi. Ngoại trừ Phong Mạc, những kẻ còn lại cực kỳ kính sợ Nghiệt Đồng. Kể cả Á Ba, người vẫn đi theo chăm sóc nó, vì thân phận chỉ là nô lệ nên đối với Nghiệt Đồng, hắn cũng rất sợ hãi.

Sau khi biết dung mạo lẫn năng lực của mình ở kiếp này không thay đổi, Nghiệt Đồng không muốn mở mắt hay cất tiếng nói trước mặt người khác. Bởi, nó chính là con yêu nghiệt đáng chết với đôi mắt và giọng nói cắn nuốt linh hồn người khác. Tuy vậy, Nghiệt Đồng cũng không vì thế mà lấy làm đau lòng, chán nản hay phẫn hận. Dù chính nó đã giết chết quân phụ, nhưng đó cũng bởi vì đối phương định giết nó trước. Trong ý nghĩ của Nghiệt Đồng, chỉ cần không động đến nó, người khác làm gì cũng mặc. Chỉ đối với vật hay việc gì nó cảm thấy hứng thú, Nghiệt Đồng mới chú ý tới. Và Nghiệt Đồng cực ghét việc mình phải chết trong tay kẻ khác, phải nói là ghét cay ghét đắng. Cho kẻ khác có cơ hội bóp chết mình một lần trong quá khứ là quá đủ rồi. Nên kiếp này, trước khi khôi phục lại được năng lực, Nghiệt Đồng quyết phải che giấu đôi mắt và giọng nói của chính mình.

Cách sinh tồn của hoàng tử cùng với cách truyền ngôi vị ở đây quá khác so với Thiên triều. Phải nói là cực kỳ hòa bình, hòa bình đến mức nhạt nhẽo mới đúng. Thiên triều là nơi sức mạnh chi phối mọi thứ. Thánh tử của Thiên triều, sau khi sinh ra sẽ được đưa tới Bí cung, do những người hầu cùng với nô lệ đã được chỉ định nuôi dưỡng, ba tuổi sẽ bắt đầu tham gia đặc huấn. Sau khi tổ chức lễ trưởng thành năm 12 tuổi, mỗi thánh tử sẽ phải tự lựa chọn con đường cho mình, quyết định có tham gia tranh đoạt ngôi vị hay không. Kẻ nào chủ động từ bỏ, kẻ đó sẽ được phong làm lãnh chúa và được ban cho một vùng đất cách xa đế đô. Hàng năm lãnh chúa chỉ việc tiến cống cho đế đô một lượng cống phẩm nhất định và thề rằng sẽ vĩnh viễn thuần phục đế quân. Điều này có nghĩa một thánh tử cao quý sẽ trở thành một kẻ bầy tôi tầm thường.

Tại Thiên triều, sức mạnh quyết định tất cả. Bản thân đế quân có quyền lực tuyệt đối về của cải, lãnh thổ cũng như thần dân, nhưng quan trọng nhất, hắn được kế thừa sức mạnh vô địch. Trong con mắt mọi người, thánh tử nào bỏ cuộc sẽ bị xem như kẻ mềm yếu nhát gan, sẽ mất đi sự ủng hộ của các tướng lĩnh thần tử, vĩnh viễn không có cơ hội tranh giành ngôi vị đế quân. Còn đối với các thánh tử tham gia tranh đoạt đế vị, đế quân sẽ cho họ mấy năm chuẩn bị. Đến khi thích hợp, cuộc tranh vị sẽ bắt đầu, kèm theo nó sẽ là máu tươi, giết chóc. Đế quân sẽ không hỗ trợ bất kỳ một vị thánh tử nào.

Cuối cùng, kẻ thắng cuộc sẽ được chọn làm đế quân kế tiếp, do đương kim đế quân tự mình dạy dỗ. Đế quân sẽ truyền thụ tất cả những gì mình biết lại cho thánh tử trước khi chết. Tân đế quân sau khi lên ngôi sẽ hoàn thành cuộc chuyển giao quyền lực. Trong lúc đó, mọi hành vi của thánh tử sẽ bị tế tự, quốc sư, cùng với ngự ti giám sát, để ngăn chặn mọi hành động có thể gây nguy hiểm đến Thiên triều.

Còn tại đây, hoàng tử không những được phép sống cùng với mẫu thân của mình, mà địa vị của hoàng tử trong hậu cung, địa vị của mẫu phi cùng với địa vị của gia tộc mẫu phi trong triều có sự liên kết chặt chẽ. Đồng thời, ai là kẻ kế thừa sẽ do quân vương quyết định. Chuyện này đối với Nghiệt Đồng rất chi là kỳ quái, khiến nó phải tốn đến ba tháng mới hiểu được vì sao một kẻ vô dụng vừa mù vừa câm như nó vẫn có thể tiếp tục ở lại đây mà không bị đem đi xử lý. Bởi vì khi Nghiệt Đồng được năm tháng, mẫu thân của nó đã chính thức được sắc phong làm hoàng hậu, mà nó là đứa con duy nhất của hoàng hậu Yển quốc.

=====================

* Đọa thai dược : loại thuốc khiến sản phụ sinh con dù chưa đủ tháng (sinh non). Trong trường hợp thai nhi còn nhỏ thì có thể không sao nhưng khi thai đã lớn rất dễ dẫn đến việc sản phụ bị băng huyết (không cầm được máu sau khi sinh) mà chết.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.