Tiền chi tiêu hàng tháng của thất phu nhân và A La
cộng lại không quá mười lạng bạc, tằn tiện mới đủ trang trải cho cả Đường viên.
Từ khi Lý tướng biết Thanh La không phải hạng bất tài, tiền chi tiêu tháng tăng
vọt lên đến hai chục lượng. Thất phu nhân xem kỹ tấm ngân phiếu lấy được của
Lưu Giác, không có ký hiệu gì đặc biệt, liền giao cho vú Trương lén tìm người
đổi tiền, được hơn bốn trăm lượng, so ra thật là một trời một vực, công tử nhà
giầu giắt túi sơ sơ cũng mấy trăm lạng bạc, đủ cho bốn người của Đường viên ăn
trong vài năm. A La nhất quyết cho rằng, có tiền mới dám mạnh mồm, đi đến đâu,
đồng kẽm có ô vuông cũng là quan ngoại giao tốt nhất, vậy là quyết chí ra khỏi
phủ tìm cơ hội kiếm tiền.
Thất phu nhân buồn rầu
nhìn A La: “Tháng sau con mới tròn mười ba, ngày thường không ra khỏi nhà, sao
mẹ có thể yên tâm?”.
A La đáp: “Những ngày qua
con cũng được nghe nhiều về phong thổ nhân tình của Phong thành, cũng lén đọc
khá nhiều thư tịch, không đến nỗi chẳng biết gì về Ninh quốc, huống hồ, đầu óc
của A La đâu có giống đứa trẻ mười ba?”.
Thất phu nhân vẫn không
yên tâm, A La cũng hết cách, bèn kéo phu nhân đến rừng trúc. Khi nàng vận nội
công dùng tay chẻ toác một cây tre to trước ngay mặt bà. Lại tung một loạt
quyền cước, đòn ra đến đâu, lá trúc bay rào rào, trông rất khí thế, thất phu
nhân mới sửng sốt. A La cười kéo tay mẹ: “Lúc nhỏ có lần không ngủ được, con
chạy ra vườn chơi, gặp một đại thúc tinh thông quyền cước, ông ấy dạy con, dạy
xong thì đi, dặn không được nói với bất kỳ ai. Mẹ à, trong phủ này cũng chỉ có
mình mẹ biết. Lần trước, tiểu vương gia của phủ An Thanh vương đã bị con một
chưởng đánh ngất xỉu”.
Thất phu nhân giơ tay bịt
miệng A La, nhìn vẻ dương dương đắc ý của nàng, vừa bực vừa buồn cười vừa vui:
“A La, thế này được rồi, nếu quả thực không ổn, con rời tướng phủ xem ra cũng
có thể một mình bỏ trốn”.
A La ôm mẹ: “Đã đi thì
cùng đi, con quyết không để mẹ một mình ở đây”. Trong thế giới kỳ dị này thất
phu nhân là hồi ức ấm áp nhất của nàng. Con người không phải cỏ cây, bảy năm
chung sống, A La đã coi thất phu nhân, vú Trương và Tiểu Ngọc là người thân.
Tiểu Ngọc đã mười bốn,
thất phu nhân đưa cho một trăm lạng bạc, để sau này rời phủ có chút lưng vốn,
rồi tìm người tử tế xây dựng gia đình. Tiểu Ngọc không chịu, quỳ khóc nói:
“Tiểu Ngọc không người thân thích, năm xưa thất phu nhân cho ngân lượng để Tiểu
Ngọc mai táng cho mẹ, bây giờ phu nhân bảo con đi đâu?”.
Thất phu nhân nói: “Ở mãi
trong phủ sẽ lỡ dở chuyện cả đời”.
Tiểu Ngọc chỉ lắc đầu:
“Phu nhân, tiểu thư đã coi Tiểu Ngọc như người nhà, cứ cho con ở lại, tiểu thư
vẫn còn nhỏ”.
A La đỡ Tiểu Ngọc đứng
dậy: “Sau này Tiểu Ngọc là tỷ tỷ của ta, chúng ta là người một nhà, ta đi đến
đâu cũng không bỏ tỷ”. Từ hôm đó, thất phu nhân bắt đầu dạy Tiểu Ngọc thổi sáo,
đề phòng có ngày A La ra khỏi phủ, Tiểu Ngọc có thể đứng trong rừng trúc thổi sáo
đánh lừa tai mắt của mấy bà phu nhân.
Sau khi hứa với Lý tướng
sẽ chuyên tâm học thổi sáo, A La thường dậy sớm vào rừng trúc tập luyện. Rừng
trúc vắng vẻ, không khí thanh tĩnh trong lành, chim chóc ríu rít, không ai quấy
rầy.
Hôm đó, nàng vừa thổi một
lúc chợt nghe có tiếng tiêu từ bên ngoài vọng vào, hòa tấu với tiếng sáo của
nàng. A La giật thót, tiếng tiêu vẫn tiếp tục. Nàng chầm chậm thổi hết một
khúc, buông cây sáo, tiếng tiêu bên ngoài cũng nhỏ dần, rồi dứt hẳn .
Tiếng tiêu đó xuất hiện
khoảng một tháng sau khi A La đến rừng trúc tập sáo. Sau đó sáng sớm mỗi ngày
khi nàng đến đây luyện sáo, tiếng tiêu lại cất lên hòa tấu. Lúc đầu tiếng sáo
của A La chưa thành thục, dần dần càng hòa hợp với tiếng tiêu. Thất phu nhân an
ủi nàng: “Tam nhi, tiêu sáo đều cùng một họ, con chơi đàn đã vượt qua mẹ năm
xưa, sáo cũng học rất nhanh, đủ để đối phó với cha con rồi”.
Từ đó A La không bỏ nhiều
công sức luyện sáo nữa, chỉ cần có thể giao lưu là được. Nàng nghĩ, phải ra
ngoài xem xét mới nhanh chóng thông thuộc Phong thành, mới dễ tìm lối thoát.
Tường bao quanh tướng phủ
cao tám thước, xây bằng gạch xanh, không hề có kẽ hở. Tiểu Ngọc đứng canh bên
ngoài rừng trúc, hai bên thỏa thuận nếu có tình hình sẽ dùng tiếng sáo làm
hiệu. A La thong thả đi về phía bức tường bao sau rừng trúc. Thận trọng men
theo tường đi một vòng, không phát hiện thấy lối ra, rủa thầm giá lúc này gặp
công trình rởm như thời hiện đại có phải tốt không! Đang lúc thất vọng, đột
nhiên nhìn thấy bên cạnh tường có mấy đống đá chỏng trơ, đoán là chỗ đá thừa
khi xây tường. Đá chất đống đã lâu, bên trên rêu cỏ mọc đầy.
Nàng xắn tay thử bê một
phiến, đá vỡ dù bé, nhưng phiến to cũng hơn năm chục ký. A La hít một hơi cố
sức nhấc, phiến đá chỉ hơi nhúc nhích. Lòng mừng thầm, nhớ kỹ vị trí, đi ra
khỏi rừng trúc, mỉm cười với Tiểu Ngọc.
Ngày hôm sau, thất phu
nhân đích thân đứng canh bên ngoài rừng trúc, A La và Tiểu Ngọc đem theo hai
cái gậy đến chỗ đống đá hôm trước. Tiểu Ngọc nhìn đống đá không biết làm gì:
“Tiểu thư, chỗ đá này phải mấy người đàn ông khỏe mới chuyển đi được, chúng ta
có làm được không?”.
A La cười: “Chúng ta bẩy,
không cần dùng quá nhiều sức lực. Archimedes nói, cho tôi một điểm tựa tôi sẽ
nâng cả trái đất, mấy hòn đá này có là gì”.
Tiểu Ngọc nghe mù tịt:
“Trái đất gì? Archimedes gì, tiểu thư nói gì vậy?”.
A La cười khanh khách:
“Không cần phải hiểu, cứ làm theo ta”. Sau đó dạy Tiểu Ngọc dùng gậy tre luồn
dưới tảng đá, tìm một hòn đá khác kê dưới gậy, A La ra sức ấn cây gậy, bẩy tảng
đá lên, Tiểu Ngọc ở phía trước đẩy, tảng đá nhích dần từng tý tới bên tường.
Tiểu Ngọc vui mừng vỗ tay, A La suỵt một tiếng, hai người chuyển một hòn đá nhỏ
hơn bắt đầu kê xếp.
Mấy ngày sau, khi thất
phu nhân đến bên tường, chỉ nhìn thấy mấy khóm trúc và đám dây leo, không có
đường ra ngoài phủ. Đang buồn, A La đã kéo bà quay ra sau, đống đá đã được xếp
từng bậc cao dần sát tường, đi theo các bậc đó, dễ dàng trèo lên mặt tường.
Thất phu nhân và A La thử
ngó ra. Bên ngoài có một con đường nhỏ, tiếp nữa là một dòng sông. Xung quanh
không có ai, hai người cười thầm từ trên mặt tường nhảy xuống, vòng ra phía
trước. Thất phu nhân thốt lên: “Đứng ở chỗ này chẳng thấy dấu vết gì”.
A La đắc ý cười: “Con và
Tiểu Ngọc đã mất bao nhiều công sức lấy dây leo che lên đấy”. Trở về phòng,
thất phu nhân bắt đầu vẽ sơ đồ trong phủ, phán đoán con sông bên ngoài là từ
núi Ngọc Tượng trong vương cung chảy ra, ra khỏi đông môn, nhập vào sông Đô
Ninh. Thất phu nhân còn vẽ cả bản đồ Phong thành theo trí nhớ.
A La kết hợp sơ đồ do
thất phu nhân vẽ và những điều đọc được trong sách, mới có sơ đồ toàn cảnh của
Phong thành.
Phía nam ngoài Phong
thành là sông Đô Ninh. Phía tây là bình nguyên, đi thẳng mãi về phía tây sẽ đến
Khởi quốc. Phía đông là núi Ngọc Thúy, biệt uyển Thập Thúy sơn trang của Hộ
quốc công chúa xây dưới chân núi, lâm viên của hoàng gia cũng ở đó. Vượt qua
núi Ngọc Thúy là khu rừng rậm Hắc Sơn bạt ngàn, tiếp đến là bình nguyên Mãng
Độ, cũng chính là biên giới giữa Ninh quốc và An quốc, đi tiếp về đông là biển
Nguyệt Ly mênh mông.
Phía bắc Phong thành là
dãy Ngọc Tượng. Vương cung xây dựa vào núi, các đỉnh núi thuộc dãy Ngọc Tượng
cao chót vót chạm mây, quanh năm tuyết phủ, tuyết tan tạo thành suối Toái Ngọc,
bốn mùa không bao giờ cạn, chảy qua vương cung ra ngoài, lại phân lưu thành
những nhánh nhỏ chảy vào thành làm nguồn nước, phía sau dãy Ngọc Tượng cũng là
rừng rậm, đi tiếp là biên giới với An quốc.
Phía nam qua sông Đô
Ninh, qua mười ba trấn là đến Hán Thủy, tiếp đến là Trần quốc. Phía tây nam
cách Hán Thủy là Hạ quốc.
Phong thành chỉ có ba
cổng lớn, tựa núi kề sông vững chãi. Cách An quốc một khu rừng rậm, là không
còn phải lo gì nữa. Phong thành là tuyến phòng thủ cuối cùng của Ninh quốc.
Ninh quốc phồn thịnh thanh bình, mấy chục năm không xảy ra chiến tranh.
Từ vương cung có một con
đường thẳng tắp dẫn tới cổng bắc Phong thành, đoạn đường trong thành lại gặp
con đường thông với cổng đông bắc. Phong thành tự nhiên được chia thành bốn
khu. Phía tây bắc là khu cung thất và công đường; đông bắc là cung thất của
hoàng thân, đại thần và công quán của sứ thần các nước, đây là khu vực giàu
sang; tây nam là khu thường dân; đông nam là khu thương mại.
Trong các khu chỗ nào
cũng trà quán, tửu lầu, quán cơm chi chít như bàn cờ. Khu thương mại là nơi ăn
chơi giải trí phong lưu, ở đây có dinh thự lộng lẫy của thương gia, các tửu
quán, lầu xanh, ngoại thương quán xa hoa cao cấp nhất. Ra khỏi cửa nam, trên
sông Đô Ninh thuyền hoa dày đặc. Tóm lại, đây chính là đô hội quốc tế lớn sầm
uất náo nhiệt, được phân chia chức năng rõ ràng.
A La ra ngoài, đầu tiên
đi tham quan khu thương mại. Nàng cần kiếm tiền, cần thu thập thông tin, cần
tìm hiểu phong tục tập quán của một nơi xa lạ. Những nơi chưa phát triển luôn
tàng ẩn thế giới đào viên. A La tin là nàng nhất định tìm được. Lúc này nàng
không mong lập nên nghiệp lớn ở thế giới cổ đại, chỉ muốn sống yên ổn, có thể
tự quyết định mọi chuyện của mình.
Hôm đó Thanh La dậy sớm,
bên trong mặc áo ngắn bó sát, bên ngoài choàng áo chùng rộng màu bạc, tóc cột
chặt, thắt đai lưng gọn gàng, soi gương thấy một tiểu nam nhi mặt mày khôi ngô,
ngũ quan rạng ngời như ngọc.
Thất phu nhân giúp nàng
dùng bột nâu bôi những chỗ lộ da thịt, tô đậm lông mày. A La ép cho giọng nói
thấp trầm, sải bước dài, sao cho dáng điệu cử chỉ không còn vẻ yểu điệu của một
tiểu thư khuê các. A La rất vừa ý, thất phu nhân tạm yên lòng, cười nói: “Nếu
không phải là người quen, nhất định không nhận ra con là gái”.
Lần đầu hành động cảm
giác có chút xúc động, căng thẳng, A La nhẹ nhàng vượt qua tường, rồi rút thang
dây giấu kỹ, bụng nghĩ, như thế này đơn giản hơn cả leo núi. Nếu biết khinh
công nữa thì tốt, bay đi bay lại tự do quá. Nghĩ đến tài khinh công của Lưu
Giác, A La bất giác thấy ngưỡng mộ vô cùng, nếu không có chuyện với nhau, tìm
chàng ta làm sư phụ thì tốt quá.
Sau khi tiếp đất bình an,
xác định phương vị, A La rảo bước đi về khu thương mại, nhìn con sông nhỏ phía
xa, lại đổi ý. Đi đến một góc vắng của tường viện, lấy sáo thổi khúc bình an
thường ngày vẫn hòa tấu với tiêu. Tiếng sáo vừa vang lên, A La chú ý nhìn
quanh, lát sau đã thấy tiếng tiêu vọng đến. Nghiêng tai lắng nghe, chính là từ
phía sông vọng lại, bèn cất sáo đi về phía đó.
Tiếng sáo vừa dứt, tiếng
tiêu liền ngập ngừng, cơ hồ cảm thấy lạ hôm nay sao tiếng sáo lại ngắn ngủi như
vậy, sau đó lại tiếp tục vang lên.
A La đến gần bờ sông mới
đi chậm lại, làm ra vẻ nhàn tản vãn cảnh. Không lâu sau nhìn thấy dưới rặng
thùy liễu ven sông có một chàng trai đang ngồi, mình vận áo chùng màu tím, tay
cầm cây ngọc tiêu. Thì ra người thổi tiêu là chàng ta, vì sao ngày nào cũng đến
đây thổi tiêu? Chỉ vì muốn họa xướng với tiếng sáo của mình ư?
Cảm thấy phía sau có
người, chàng trai quay đầu, thấy một tiểu công tử tuấn tú đang nhìn cây tiêu
trong tay mình, bỗng bật cười: “Tiểu đệ đệ, đệ cũng thích tiêu ư?”.
A La nhìn chàng công tử
tuổi chừng đôi mươi, lông mày dài hình lưỡi mác vếch đến tận tóc mai, ánh mắt
thâm trầm, khóe môi thấp thoáng nụ cười mơ hồ, lại là một chàng thượng lưu.
Nhìn diện mạo không phải hạng tiểu nhân, lại thêm chàng ta đã hòa tấu với mình
lâu như thế, A La bỗng có thiện cảm, trả lời: “Tại hạ đi dạo bên sông, nghe
tiếng tiêu du dương, lần theo tiếng ngọc đến đây, làm phiền công tử rồi”.
Chàng trai cười khe khẽ:
“Đừng ngại, đừng ngại, hôm nay cũng chỉ một lát này thôi”.
A La cảm thấy chàng ta có
gì buồn bã, biết đó là do không có tiếng sáo xướng họa, liền cười nói: “Tại hạ
thích thổi sáo, liệu có thể cùng công tử hợp tấu một khúc?”.
Mắt công tử sáng lên vui
mừng: “Tiểu huynh đệ cũng biết thổi sáo ư? Tốt quá!”.
Ngay lúc đó hai người lấy
tiêu và sáo hòa tấu, hợp khúc vừa dứt, tình đã thêm phần gắn bó. Chàng công tử
nhìn A La hỏi: “Gặp được tri kỷ lòng mừng khôn xiết, nhìn tiểu huynh đệ rất
thân thiện, liệu có thể mời tiểu huynh đệ vào Thiên phong lầu hàn huyên chút
đỉnh?”.
A La nghĩ, Thiên phong
lầu có lẽ là những nơi có trà quán, tửu lầu, vừa hay đang muốn đi, có người bạn
đường càng tốt. “Đệ tên La Sơn, còn quý danh đại ca?”. A La tự nhiên thắt chặt
thêm quan hệ.
Công tử cười nói: “Tốt,
hôm nay không chỉ gặp tri kỷ lại quen thêm một huynh đệ, ta họ Trần, đệ cứ gọi
Tử Ly cũng được, đại ca cũng được”.
A La thân thiết gọi đại
ca. Hai người vừa đi vừa trò chuyện, A La vui mừng phát hiện vị đại ca mới quen
này rất thông thạo Phong thành, theo chàng ta coi như có người hướng dẫn, có
một tấm bản đồ sống, tự chúc mừng đã gặp vận may. Ở nơi lạ nước lạ cái này, có
một người bạn quý biết bao, hơn nữa người bạn này xem ra cũng là một anh chàng
đẹp trai đứng đắn. A La che miệng, cười thầm.
Hai người men bờ sông
theo hướng đông, lên mặt đê, đã thấy quán trà, A La lần đầu tiên đi trên đường
phố của Phong thành, nhìn gì cũng mới lạ, cái gì cũng hiếm gặp, đầu ngó nghiêng
hai bên, không muốn bỏ sót thứ gì, quay đầu nhìn, hai người đã cách khá xa khu
lầu gác cao cấp. Đột nhiên Tử Ly gọi nàng: “Sơn đệ, cứ đi thế này, tối mịt cũng
không đến được Thiên phong lầu”.
A La đỏ mặt, ngẩng đầu
nhìn: “Đại ca, Thiên phong lầu còn xa không?”.
Tử Ly đáp: “Cưỡi ngựa
không đến hai khắc, đi bộ phải một canh giờ”.
A La bụng nghĩ, đi mất
hai tiếng đồng hồ? Phong thành lớn thật, xem ra có ngựa là tốt nhất. Nói ngựa
là ngựa đến, một tiếng ngựa hý vang, A La nhìn ra, thấy cái đầu ngựa to đùng đã
thò ra trước mặt.
Tử Ly nói: “Ta cho gia
nhân dắt ngựa đứng chờ ở đây, Sơn đệ, có biết cưỡi ngựa không?”.
“Ngồi trên lưng ngựa để
người khác dắt, có gọi là biết cưỡi không?”.
Tử Ly thấy ánh mắt lóng
lánh, tinh anh nhìn mình không chớp, lòng thầm thốt lên, quả là một đôi mắt
đẹp. Chàng nhanh nhẹn nhảy lên lưng ngựa, chìa tay cho A La: “Nào cùng cưỡi với
đại ca”.
A La ngần ngừ nắm bàn tay
chàng, thấy một luồng lực lớn xộc đến, người đã được kéo lên ngựa nhẹ tênh.
Chàng ta cũng biết võ công? A La bất giác nhướn mày, hiệp khách giang hồ thời
cổ đại sao mà nhiều đến thế.
Tử Ly cười: “Ngồi cho
vững!”. Khẽ huýt một tiếng, con ngựa tung vó lao đi. A La nhắm mắt cố không để
tiếng hét vọt ra khỏi miệng, tay nắm chặt cương, người hơi ngả về sau, cả người
đã rơi vào lòng Tử Ly. Hơi thở nóng hổi trên đỉnh đầu, một giọng trầm dịu vang
lên: “Đừng sợ, có đại ca ở đây, không rơi được đâu”.
A La dở khóc dở cười,
huynh nói không sợ là không sợ hay sao. Nàng vẫn cứng người, toát mồ hôi lạnh,
mỗi lần ngựa lồng lên là nàng hồn siêu phách lạc. Nhìn mọi thứ bên đường như
bay về phía sau, cuối cùng nàng hét lên; “Đại ca, chậm một chút có được
không!”.
Tử Ly nghe giọng nàng run
run, biết đây là loại công tử nhà giàu được nuông chiều, nhát gan chưa bao giờ
cưỡi ngựa. Nhìn thấy đã vào cửa thành phía đông, liền cho ngựa đi chậm lại:
“Sơn đệ, bây giờ tốt rồi, để ngựa đi nước kiệu, đệ có thể cưỡi ngựa ngắm phố
phường”. Lúc này A La mới ngồi thẳng người, nhìn thấy con đường trước mặt có lẽ
rộng đến hai, ba chục thước, thỉnh thoảng có cỗ xe ngựa đi qua cũng không cần
tránh, dưới chân, mặt đường phẳng phiu, lát đá tảng xanh trơn nhẵn. Từ chỗ này
có thể nhìn thấy khí thế của Phong thành. Hai bên đường vô cùng náo nhiệt, các
quán ăn, bán đồ vặt, chỗ xem bói, chỗ vui chơi, tiếng hò reo không ngớt. Nhà
cửa nhìn chung đều là lầu gác hai, ba tầng, dựng men theo mặt đường, san sát
chen nhau. Dưới lầu là cửa hiệu, trên lầu hầu như đều là tửu quán hoặc trà
quán, trên đường nam thanh nữ tú, tốp năm tốp ba qua lại tấp nập.
Tử Ly thúc ngựa đi về
hướng nam, vào một con phố hẹp. Ở đây toàn những tòa lầu biệt lập, cây cối xanh
um bao quanh một tòa lầu nhỏ. Đi đến trước một tòa lầu, A La ngước mắt nhìn
thấy ba chữ màu đen nổi bật - “Thiên phong lầu”, biết là đã đến nơi. Tử Ly
xuống ngựa, đón A La. Đi vài bước, cảm thấy mông hơi mỏi, không chịu nổi lấy
tay khẽ xoa, thấy Tử Ly nhìn mình nửa cười nửa không, cảm thấy có phần tủi
thân: “Đại ca phóng ngựa nhanh quá”.
Tử Ly nén cười: “Là đại
ca không phải, xin lỗi tiểu đệ”.
A La bạo dạn, nói: “Tha
cho huynh, ai bảo đệ không biết cưỡi ngựa”. Trước đây nàng chỉ ngồi lên ngựa có
người dắt đi dạo trong những khu vui chơi, đương nhiên khó thích nghi khi ngựa
phi như bay. Nghĩ tới sau này có thể có nhiều cơ hội cưỡi ngựa, bèn nói: “Hôm
nào đại ca dạy đệ cưỡi ngựa được không?”. Tử Ly gật đầu, cảm thấy Sơn đệ này
tính tình xởi lởi, lại thêm phần quý mến.
Hai người đi vào Thiên
phong lầu. Tiểu nhị mắt sáng lên. Hàng ngày đón khách ở đây, dần dần cũng biết
nhận định con người. Khách đến Thiên phong lầu đa phần thuộc hạng giàu sang.
Hai người này, người cao phong độ quý phái, người thấp hơn có lẽ cũng là tiểu
công tử nhà giàu. Vậy là tiểu nhị bước lên ân cần chào hỏi: “Xin mời hai vị
công tử lên lầu”.
A La nhìn thấy phòng lớn
ở dưới lầu không hề có bàn ghế, chỉ có vài quầy trà bằng gỗ mun. Trên tường
treo mấy bức tranh chữ sơn thủy, rất văn hoa. Bụng nghĩ ông chủ đã lãng phí
tầng một, món ăn lầu hai chắc là rất đắt.
Lên lầu, có những tấm
bình phong ngăn cách các bàn, cũng có những phòng riêng. Tử Ly chọn một phòng riêng,
đợi A La ngồi xong, nói: “Ở đây nói chuyện yên tĩnh hơn”.
A La gật đầu, ngồi bên
cửa sổ ngắm cảnh bên ngoài. Nghe tiếng Tử Ly nói với tiểu nhị: “Nghe đồn Thiên
phong lầu có ba món đặc sắc, ba loại rượu đặc sắc, hôm nay lần đầu đến đây,
mong không để bọn ta thất vọng”.
Tiểu nhị cười hề hề gật
đầu: “Công tử lần đầu đến đây sao? Vậy nhất định phải thưởng thức tài nghệ của
đầu bếp chỗ chúng tôi”.
Một lát sau, món ăn được
đưa lên, A La nhìn, đậu phụ, rau cải, cà tím xào cay, không hề có thịt. Lại
nhìn Tử Ly, chàng ta mỉm cười lắc đầu tỏ ý bản thân cũng chưa ăn. A La thầm
nghĩ, càng chay tịnh càng khó làm, dùng đũa gắp miếng đậu phụ nếm thử, còn chưa
kịp nhận xét đã thấy Tử Ly khen: “Ngon, đậu phụ rất mịn, vẫn giữ nguyên vị
thuần khiết của đậu, nuốt xuống cổ vẫn còn thơm”.
A La vội nếm món rau cải
và cà tím, thấy Tử Ly miệng khen hết lời, những là khoái khẩu mỹ vị, không nén
nổi, hỏi Tử Ly: “Đại ca, món này có gì ngon?”. Nàng ăn thử lại thấy rất bình
thường.
Tử Ly nói: “Lẽ nào khẩu
vị của Sơn đệ khác người? Bữa ăn trong phủ món đậu phụ đâu còn vị nữa, thảo nào
tiểu vương gia phủ An Thanh vương khoe rằng, muốn nếm vị đậu phụ thuần khiết,
chỉ có đến Thiên phong lầu”.
A La vừa nghe thấy ba chữ
“tiểu vương gia” lập tức bật ho, uống một ngụm trà cho bình tĩnh lại, mới nói:
“Đại ca rất thân với Lưu Giác?”. Lòng bỗng sợ hãi vô cùng, sợ nhất vị đại ca
mới quen này là bằng hữu thân thiết của Lưu Giác, mình cũng bị đưa đến ra mắt
hắn ta.
Mắt Tử Ly thoáng vẻ hồ
nghi, nhưng giọng vẫn bình thường: “Không thân lắm, có gặp vài lần. Sơn đệ quen
hay sao?”.
“Có gặp ở Đào hoa yến”.
Nhìn ba món ăn nổi tiếng của Thiên phong lầu trước mặt, A La vội chuyển chủ đề:
“Đệ nghĩ chắc là Thiên phong lầu nhằm vào đám thực khách nhà giàu chán ngấy sơn
hào hải vị, cho nên mới chế những món chay tịnh để thay đổi khẩu vị. Những thứ
này, quả thật chẳng ra gì”.
Nghe A La nói vậy, một nụ
cười hiện lên môi Tử Ly. Thấy nàng lắc đầu bĩu môi, ánh mắt lóng lánh, thật
cuốn hút. Thầm nghĩ, nếu mình thích đàn ông, nhất định sẽ đưa tiểu tử này đi.
Rồi bất chợt nghĩ đến tiếng sáo ngắn ngủi sáng nay. Dạo trước có lần ngẫu nhiên
nghe thấy tiếng sáo bèn cùng hợp tấu, tiếng sáo ngày càng hay, kỹ năng cũng
càng thuần thục, để cuối cùng như ẩn chứa bao tâm tư. Chàng thích dùng tiếng
tiêu để giao lưu với tiếng sáo đó, để cảm nhận những biến thiên cõi lòng của
người thổi sáo, cho nên, buổi sáng mỗi ngày chàng đều chờ ở bên sông. Không ngờ
tiếng sáo hôm nay rất ngắn ngủi, rồi lại gặp tiểu huynh đệ dung mạo khôi ngô,
hoạt bát mà tiếng sáo rất giống tiếng sáo bên trong bức tường kia, tự dưng thấy
muốn thân thiện gần gũi.
Tử Ly ngẫm nghĩ, uống
liền mấy chén tam tuyệt tửu. Lúc này lại nhìn A La, đột nhiên nghĩ đến con báo
gấm có lần chàng bắn sổng, mắt cũng lóng lánh tinh ranh như vậy. Thầm nghĩ,
tiểu tử này nếu nước da trắng hơn, e phụ nữ cũng phải ghen tỵ.
A La vừa nhận xét như
vậy, lại thấy Tứ Ly ngồi ngơ ngẩn, bèn hỏi: “Đại ca, nếu có cơ hội, tiểu đệ
xuống phủ làm mấy món hầu đại ca, đảm bảo đại ca thấy ngon không nỡ ăn”. Tử Ly
như tỉnh mộng, cười: “Coi thường tam tuyệt của Thiên phong lầu, Phong thành này
chỉ có tiểu đệ là một”.
A La kinh ngạc: “Thật
không? Đệ thấy Phong thành phồn hoa như vậy, lẽ nào ẩm thực lại kém thế?”.
Tử Ly tò mò hỏi A La: “Đệ
không phải là người Phong thành?”.
“Đây là lần đầu đệ xuất
phủ, lần đầu dùng bữa ở tửu lầu. Cơm ở phủ nhà đệ ăn vẫn còn khá hợp khẩu vị”.
Bữa ăn bình thường ở Đường viên, vú Trương và thất phu nhân thay nhau vào bếp.
Thỉnh thoảng cũng cùng ăn với mọi người trong đại gia đình tướng phủ, nhưng tâm
trạng nơm nớp không dám gắp nhiều, cảm thấy bếp lớn kém xa bếp nhà, cứ tưởng Lý
lão gia lạnh nhạt với Đường viên, nên không chiêu đãi tử tế. Không ngờ hôm nay
đến Thiên phong lầu, được nếm cái gọi là tam tuyệt lại nguyên sơ chay tịnh như
vậy! Tử Ly lại nói: “Thiên phong lầu lấy món chay là chính, cũng được coi là
tửu lầu có tiếng nhất Phong thành. Có lẽ tài nấu ăn ở tư gia Sơn đệ rất cao
minh?”.
A La nghĩ một lát, nói:
“Đại ca, lần sau có thể đưa tiểu đệ đến những tửu lầu có tiếng khác được không?
Thưởng thức món ăn là đệ nhất thú vui của tiểu đệ”.
Tử Ly nhìn đôi mắt sáng
ngời, vẻ cầu khẩn trước mặt, không kịp nghĩ, gật đầu: “Sơn đệ, đệ có biết khi
đệ nhìn người khác với ánh mắt như vậy, sẽ không một ai có thể từ chối đệ?”.
A La đỏ mặt, cúi đầu. Tử
Ly mỉm cười: “Nếu ta có một tiểu đệ như vậy, muốn gì ta cũng cho. Sơn đệ, Tử Ly
này rất thích đệ gọi ta là đại ca”.
Dùng bữa xong, trả tiền,
tiểu nhị nói: “Mười ba lạng”.
A La nhảy dựng lên, kinh
ngạc: “Ba... ba cái món này mà nhiều bạc thế ư?”.
Tử Ly nhìn nàng cười:
“Không đắt, Sơn đệ!”. Đoạn móc túi đưa ngân lượng cho tiểu nhị. A La đi khỏi
tửu lầu, ngoái đầu nhìn. Coi như đã biết tại sao lầu một không bày bàn ăn, tầng
hai khách ít cũng không sao. Một bữa ăn ở đây bằng chi ăn cả tháng của Đường
viên, vậy mà còn kêu không đắt? Thật không thể hiểu được. Lại nghĩ, nếu mở một
tửu lầu như thế, chẳng phải kiếm bộn tiền hay sao?
Ra khỏi Thiên phong lầu,
Tử Ly đứng yên ngẫm nghĩ, đoạn cười nhạt: “Tam tuyệt tửu ngấm lâu, uống thêm
vài chén vì đệ, hơi chếnh choáng, ta đi bộ cho tỉnh được không?”. A La gật đầu.
Tử Ly dắt ngựa, hai người tản bộ về hướng nam, vừa rẽ vào con ngõ, đột nhiên có
mấy kẻ bịt mặt, tay cầm dao xông ra, không nói không rằng, tay dao lăm lăm xông
vào hai người.
Tử Ly đẩy A La về phía
sau lưng, tay phải không biết lấy ở đâu ra một thanh kiếm lao vào đấu với mấy
kẻ bịt mặt. A La nhìn hoa cả mắt. Nàng tập Karate đã nhiều năm, nhưng chứng
kiến cảnh đao kiếm đánh giáp lá cà như vậy cũng không quen, chỉ thấy tay mình
bị Tử Ly xiết chặt. Chàng vẫn bảo vệ nàng. A La né phải né trái theo chàng, dần
nhận ra đường kiếm, bỗng tay kia nắm lấy Tử Ly, mượn lực lấy đà vọt lên tung cú
song phi khiến một tên đang cầm đao lao tới, ngã nhào.
Tử Ly nhìn nàng một cái,
mắt lộ vẻ kinh ngạc, nhân cơ lao vào vung kiếm lia lịa, đoạn tránh một bên, kéo
A La nói nhỏ: “Lên ngựa!”.
Chàng tung người nhảy lên
lưng ngựa, đột nhiên thấy eo đau buốt, cả người đổ xuống, A La cũng ngã theo.
Bất chấp mông đau ê ẩm, nàng chạy đến bên Tử Ly: “Đại ca, sao thế?”.
Tử Ly đột nhiên bật cười:
“Tiểu đệ ngốc, sao không cưỡi ngựa đi đi?”. Trong hơi thở gấp, mặt đã xanh tái,
chàng nói nhỏ: “Trên yên có cắm kim độc”.
Những kẻ bịt mặt lúc này
từ từ áp sát, một tên cười sằng sặc: “Nếu không dùng kế đó, mấy người bọn này,
sao địch nổi đại ca?”.
A La sợ hãi, nhưng bất
chấp, nhảy ra đứng chắn trước mặt Tử Ly, phẫn nộ hét: “Bỉ ổi thế mà vẫn cười
được? Đưa thuốc giải độc ra đây!”. Dù mạnh mồm như thế, nhưng bụng thầm cầu
khấn: Đừng giết ta!
Mấy kẻ bịt mặt nhìn tiểu
công tử áo gấm, cười nhạo: “Tiểu công tử kháu trai, lần này thu hoạch to rồi
đây. Công tử lui ra, nếu không máu vọt ra công tử lại sợ chết khiếp!”.
A La ngoái nhìn Tử Ly,
mặt chàng vẫn cười cười: “Đại ca, đại ca cố lên!”. Nói đoạn, dắt ngựa lại gần,
giật yên ra, cố sức xốc Tử Ly lên: “Đại ca, đệ đỡ ca, đại ca cố lên ngựa đi!”.
Mấy kẻ bịt mặt càng cười to: “Tiểu công tử, công tử đỡ được sao? Có cần đại ca
này giúp không?”.
A La lườm chúng, quay đầu
nhìn Tử Ly, mặt chàng hơi xanh, nhưng vẫn như cười, người lại hơi nhũn ra. A La
biết chàng không thể lên ngựa, bèn buông dây cương vỗ vào mông thả cho ngựa đi,
hy vọng có kỳ tích xảy ra, kiểu như ngựa quen đường, dẫn cứu binh đến. Nàng dìu
Tử Ly đến ngồi tựa vào chân tường, lúc đó một người bịt mặt cười, nói: “Ngõ cụt
làm gì có ai qua, đây nói thật, hôm nay chúng mày có cánh cũng không chạy
thoát”. A La nhắm mắt, vọt người lên cao. Tên bịt mặt ngớ ra, không biết nàng
định làm gì. A La khởi động mấy nhát dừng lại, cởi phắt áo choàng, lạnh lùng
nhìn tên bịt mặt: “Đã lâu không đánh nhau, các người định lần lượt từng người
hay cả đám?”. Trong bụng không dám chắc, nhưng không thể ngồi giương mắt chờ
chết, cho nên quyết liều một phen.
Một trận cười rộ lên, có
kẻ múa dao xông đến, cười to: “Không ngờ ta có phúc đến thế, nào để đại ca ôm
công tử đã”. Không đợi gã lại gần, A La tung chân đá trúng đầu gã, rồi xoay
người, tay phải chém vào lưng gã, chỉ nghe tiếng xương gẫy rắc một tiếng, tên
bịt mặt đổ xuống.
Nàng cố giữ cho thân
người linh hoạt, nhảy sang phải, né sang trái, thỉnh thoảng vung tay chém một
nhát, tự mình cũng thấy tay đã hết lực. Chỉ nghe thấy Tử Ly kêu lên, đứng dậy,
đẩy nàng về sau. Lúc đó không biết từ đâu, tên bay đến rào rào, những kẻ bịt
mặt kêu lên thảm thiết từ từ ngã gục.
Liền sau đó, mấy người từ
trên tường nhảy xuống, quỳ sụp trước mặt Tử Ly, hoảng hốt: “Thuộc hạ đến chậm,
xin chúa công trách tội!”.
Tử Ly nhìn họ: “Đứng lên
đi!”.
Mấy người nhanh nhẹn
khiêng những xác chết đi, lau sạch vết máu trên đất, tất cả đều làm nhanh chóng
gọn gàng. Lát sau trong ngõ đã như không xảy ra chuyện gì. Ngay sau đó có tùy
tùng dắt ngựa đến, đứng hầu một bên.
A La kinh ngạc nhìn cảnh
tượng trước mặt, miệng thở hổn hển, tay vẫn còn run, trời ơi, chuyện gì thế
này? Quay đầu nhìn thấy Tử Ly mặt như cười, bèn hỏi: “Đại ca không trúng độc
sao?”.
Mắt Tử Ly cười: “Chút độc
đó, một lát là hết. Huống hồ, kẻ mọc cánh cũng không thoát chính là bọn
chúng!”.
A La mới hiểu tại sao vừa
rồi Tử Ly không hề tỏ vẻ lo lắng, lòng hơi buồn, mình vẫn nghĩ về con người ở
đây đơn giản quá. Băn khoăn hỏi Tử Ly: “Vậy đại ca còn đứng nhìn đệ bị đâm?
Thật thiếu nghĩa khí! Không nhận là đại ca nữa! Sau này đừng nói chúng ta quen
nhau, coi như ta ngốc nghếch một phen”. Nói xong nhặt áo choàng bỏ đi.
Tiếng Tử Ly vang lên đằng
sau: “Vừa rồi sao đệ không cưỡi ngựa bỏ chạy?”.
A La quay đầu lườm chàng:
“Không phải không muốn cưỡi, mà ta bị ngã xuống!”.
Tử Ly mỉm cười: “Đệ có
thể đi, bọn chúng đâu có muốn mạng của đệ!”.
A La càng giận: “Không
nghe bọn chúng nói đệ là tiểu công tử xinh đẹp hay sao? Đệ muốn cũng không đi
được! Cáo biệt, sẽ không gặp lại nữa!”.
Đi được mấy bước, Tử Ly
đã đuổi kịp: “Có muốn học cưỡi ngựa không?”
A La không thèm nghe, Tử
Ly lại tiếp: “Có muốn thử tất cả sơn hào hải vị của Phong thành không?”.
A La vẫn không thèm, Tử
Ly lại than vãn: “Ta chỉ muốn xem võ công của đệ mà thôi. Đòn tung chân của đệ
rất lợi hại, ta biết đệ có luyện công. Nếu đệ nguy cấp, ta nhất định ra tay, ta
không ra tay, thị vệ của ta cũng ra tay. Thế này nhé, đệ cần gì nói đi, nếu làm
được nhất định ta sẽ giúp”.
A La dừng lại, người này
xem chừng chỉ có một mình, nhưng lại có thị vệ võ nghệ giỏi như vậy ngầm bảo
vệ, thân thế chắc chắn không đơn giản, không thể đắc tội được. “Thật không?”.
“Thật”. Tử Ly mỉm cười.
A La lại hỏi: “Huynh rất
giàu phải không?”.
Tử Ly cau mày: “Coi như
thế đi!”.
A La cười: “Có tiền là
được, liệu đệ có thể hỏi, cần bao nhiêu bạc có thể mua được Thiên phong lầu?”.
Tử Ly cười: “Đệ muốn
Thiên phong lầu?”.
A La lắc đầu. Tử Ly ngẫm
nghĩ, nói: “Một vạn ngân lượng”.
A La hỏi: “Nếu muốn mua
một ngôi nhà ở Phong thành, cần bao nhiêu bạc thì đủ?”.
Tử Ly cười: “Mấy trăm
lạng là có thể mua được một chỗ vừa vừa, thường dân sống tằn tiện nhất, thì năm
mươi đến một trăm lượng là có thể đủ chi trong vòng một năm”.
“Vậy mấy món vừa rồi đã
ăn hết chi tiêu một tháng của thường dân!”. A La cảm thấy ở đây sự chênh lệch
giàu nghèo quá lớn.
Tử Ly vẫn mỉm cười: “Mua
một a đầu chỉ cần hai chục lượng”.
A La nói: “Đệ cần một
ngàn lượng, đại ca có thể cho đệ không?”
Tử Ly nhìn nàng vẻ lạ
lùng: “Đệ cần một ngàn lượng để làm gì?”.
A La nói: “Để trả công
cho đệ! Cứu mạng huynh, đệ đã suýt mất mạng! Mạng của huynh đáng giá một ngàn
lạng chứ!”.
Tùy tùng đứng bên phẫn
nộ: “Dám hạ nhục chủ nhân bọn ta?”.
Tử Ly nhìn bọn họ, bọn
tùy tùng cúi đầu không dám nói, nét mặt vẫn hậm hực. A La hỏi: “Chê ta mua rẻ
chủ nhân các người sao? Vậy thì hai ngàn lượng vậy”.
Tùy tùng không dám mở
miệng, nhưng mặt đỏ phừng phừng. Tử Ly cười: “Đệ muốn kinh doanh ẩm thực như
Thiên phong lầu?”.
A La cười: “Đệ không tham
lam, hai ngàn lượng, chúng ta ân oán rạch ròi, sau này không ai nợ ai”.
Tử Ly nhìn nàng chằm
chằm: “Hay là đệ giận ta đã có chuẩn bị lại không ra tay?”.
A La cười: “Đệ biết võ
công, lại vừa quen nhau, huynh nghi ngờ cũng không phải là lạ. Nhưng đệ không
thích”.
Tử Ly vừa giơ ngón tay ra
hiệu, tùy tùng đưa ra một bọc bạc, chẳng buồn nhìn trao ngay cho A La. A La mở
ra đếm đủ hai ngàn lượng, trả lại số bạc thừa, xong xuôi quay người bỏ đi.
Khi sắp ra khỏi con ngõ,
nghe thấy tiếng vó ngựa sau lưng, chưa kịp phản ứng, một cánh tay đã vung ra,
nhấc bổng nàng lên ngựa. Tử Ly cười: “Ta tiễn đệ về, nhà đệ ở đâu?”.
A La lúc này đã kệt sức,
thấy của cho không, nên cũng không từ chối, nói: “Đưa đệ đến chỗ ta gặp nhau là
được”.
Tử Ly không nói gì thêm,
ra roi thúc ngựa đi về hướng đông, vòng đến bờ sông.
A La xuống ngựa đi thẳng,
Tử Ly kéo lại, tháo miếng ngọc bội trên thắt lưng đưa cho nàng: “Sau này có
chuyện gì, cứ đến Hưng Nguyên quán trong thành tìm chủ quán, đưa cái này nói là
của Tử Ly công tử cho đệ”.
A La nghĩ ngợi rồi cầm
miếng ngọc bội.
Tử Ly lẳng lặng lên ngựa,
ra roi phóng đi. A La đi đến bên tường bao tướng phủ, nhìn quanh không thấy ai,
bèn lấy sáo thổi ám hiệu. Lát sau Tiểu Ngọc xuất hiện ở đầu tường. Trở về nhà
toàn thân A La rã rời, chỉ muốn tắm nước nóng. Thất phu nhân thấy nàng mệt như
vậy nên cũng không hỏi nhiều.
A La ngâm mình trong bồn
nước nóng, thật dễ chịu, đầu óc bắt đầu hoạt động. Tử Ly công tử thân thế phi
phàm, thủ đoạn ra tay cũng khác thường này rút cục là người thế nào? Nhìn cách
quản thuộc hạ của chàng ta, có vẻ rất có tài quản lý. Nghĩ lại nàng lại thấy
tức khí, mất công đánh nhau một trận, để cho người ta đùa bỡn như con khỉ, nếu
mình không biết karate, Tử Ly cũng không ngồi đợi chết. Người ở đây sao ai cũng
cáo già thành tinh như vậy, không một ai đơn giản.
Điều mừng nhất là kiếm
được hai ngàn lượng bạc, lại còn được tặng miếng ngọc bội khi cần sẽ được giúp đỡ.
Đây đúng là bảo bối, chưa biết chừng có ngày phải đến cầu cứu Tử Ly. Chàng ta
sẽ giúp mình, không biết tại sao, nàng rất tin lời Tử Ly.
Tắm xong, A La đưa bạc
cho thất phu nhân giữ. Thất phu nhân kinh ngạc hỏi: “Sao đi có một ngày mà kiếm
được nhiều bạc thế? Tam Nhi, không phải con lại đánh ngất người ta rồi cướp
tiền chứ?”.
A La cười hớn hở: “Hôm
nay đánh ngất mấy người. Con cứu được một người, đây là bạc người đó trả ơn,
nguồn gốc tuyệt đối minh bạch. Mẹ à, chúng ta mua nhà bên ngoài được không? Con
nghĩ bạc đủ rồi”. Nàng đã tính, định trốn khỏi tướng phủ, nhất định phải có chỗ
nương thân.
Thất phu nhân cũng đồng
tình: “Ý này rất hay, nếu có ngày chúng ta rời tướng phủ, phải có chỗ nương
náu. À, nghe nói hoàng hậu đã hạ chỉ, triệu nội quyến ngày rằm vào cung thưởng
nguyệt. Có lẽ là người muốn xem mặt Thanh Lôi, định rõ đã tuyển được thái tử
phi”.