Lưu Giác trở về vương phủ, hầm hầm tức giận, triệu tập
đám thuộc hạ tỉ thí với mình, chàng ra đòn mạnh như gió lốc, không chút nương
tay, đến khi đám thuộc hạ bị đánh ngã ngục, nằm ngổn ngang trên đất, tay chàng
đã tê cứng mới dừng lại, không thèm nhìn họ một cái, lập tức bỏ về phòng, tức
giận, trợn mắt nhìn bức họa trên tường.
Lưu Anh nơm nớp liếc nhìn
khuôn mặt tái xanh, sắt lại của chủ nhân, không hiểu tại sao chúa thượng xưa
nay vốn dĩ vui buồn ít bộc lộ, vậy mà hôm nay lại nổi giận đùng đùng như thế,
bèn nói nịnh một câu: “Chúa thượng, tìm được cô nương đó rồi định báo thù thế
nào?”.
Lưu Giác nghe vậy, hỏa
khí lại bốc ngùn ngụt, liếc xéo Lưu Anh cười khẩy: “Tam tiểu thư của Lý tướng,
em gái thứ phi tương lai của thái tử, có mối quan hệ không bình thường với tứ
hoàng tử, nhà ngươi thấy tiểu gia ta nên báo thù thế nào?”.
Lưu Anh càng nghe càng
thấy nóng tai, tiểu a đầu đó thân phận quả không nhỏ, chẳng trách to gan dám
đánh ngất tiểu vương gia. Chuyện này không thể công khai ra tay, xem ra tiểu
vương gia đang điên đầu vì thế. Nghe nói nàng ta có mối quan hệ không bình
thường với tứ hoàng tử, tự dưng trở nên lắm lời, hỏi: “Tứ điện hạ chẳng phải
được hoàng thượng ban hôn, sắp cưới Cố tướng thiên kim hay sao?”.
Trong Đào hoa yến, Lưu
Giác sau khi nghe Cố Thiên Lâm chơi đàn, rất có cảm tình với cô nương lan tâm
tuệ trí này, lại thêm trong dạ tiệc thưởng trăng đêm trung thu nhìn thấy Cố
Thiên Lâm múa rất đẹp, đã âm thầm sinh lòng mến mộ. Lúc đó, do có việc phải đi,
chàng không kịp nghe tiếng đàn của Lý Thanh Lôi, sau đó nghe tin thái tử động
lòng sâu sắc bởi khúc “Thu thủy” của Lý Thanh Lôi, chàng có phần không tin.
Trong dạ tiệc trung thu, chàng một mình đi tìm Cố Thiên Lâm, loanh quanh thế
nào lại gặp nha đầu đã đánh ngất mình. Hàng ngày chàng trầm ngâm rất lâu trước
bức họa, nhìn ngắm Cố Thiên Lâm, nhưng lại không nhận ra đôi mắt đẹp lóng lánh
như thủy tinh kia đã in sâu vào tâm trí mình tự lúc nào. Hôm nay Cố Thiên Lâm
được ban hôn cho tứ hoàng tử, Lý Thanh La cũng bám lấy chàng ta, Lưu Giác sao
không tức giận?
Lưu Anh thấy tiểu vương
gia đang nhìn ngắm bức họa trên tường, người trong tranh chính là Cố Thiên Lâm,
bất giác lấy tay tát vào mặt mình, hối hận cáo tội: “Thuộc hạ nói bậy, tội đáng
muôn chết!”.
Lưu Giác nghĩ một hồi mới
nảy ra chủ ý: “Thôi được, chuẩn bị ngựa, ta muốn đến thăm Lý tướng”.
Lý tướng thấy Lưu Giác
xuất hiện, trong đầu lập tức nảy sinh bao suy đoán. An Thanh vương chiến công
hiển hách, bao năm lãnh binh đồn trấn biên thành phía tây, vương phủ trên dưới
đều do tiểu vương gia này sắp đặt, cai quản đâu ra đấy, có thể thấy người này
năng lực không tầm thường.
Thanh Lôi sắp được gả cho
thái tử, bản thân mình đương nhiên dốc lòng ủng hộ Đông cung. Bây giờ triều
đình đa phần hướng về thái tử, nhưng có một bộ phận quần thần lại ủng hộ tứ
hoàng tử. Thái tử là đích tử do đương kim hoàng hậu sinh ra, tứ hoàng tử là
đích tử của hoàng hậu quá cố Trần thị. Ninh vương vẫn tình sâu nghĩa nặng đối
với cố hoàng hậu Trần thị, do tổ chế quy định lập con trưởng kế vị và thế lực
bên ngoại của đương kim hoàng hậu nên tuy đã lập Lưu Giám làm thái tử, nhưng
vẫn âm thầm yêu thương tứ hoàng tử. Ái nữ của Vương thái úy trở thành thái tử
phi, tứ hoàng tử rõ ràng ở vào thế bất lợi, Ninh vương lập tức ban ái nữ của Cố
tướng cho tứ hoàng tử. Đế tâm khó dò, nếu Ninh vương có ý sau đại hôn lễ sẽ cho
tứ hoàng tử kế vị, thì ý kiến của An Thanh vương hết sức quan trọng. Chỉ cần An
Thanh Vương ủng hộ tứ hoàng tử, thế lực hai vị hoàng tử tương đương, nhưng nếu
ông ta ủng hộ thái tử, tứ hoàng tử trong tay không nắm binh quyền, đương nhiên
không có cơ hội. Lúc này tiểu vương gia của An Thanh vương lại đến thăm, không
biết có dụng ý gì?
A La vừa từ bên ngoài về,
nghe gia nhân truyền báo đến đại sảnh Lý lão gia muốn gặp nàng. Không biết xảy
ra chuyện gì, A La đi vào đại sảnh trang nghiêm hành lễ. Vừa nhìn thấy Lưu Giác
ngồi một bên cười như một con hồ ly, liền biết chàng ta đến tìm mình, nàng giả
bộ lần đầu nhìn thấy, cúi đầu cụp mắt đứng yên.
Lý tướng cười khà khà: “A
La, tiểu vương gia trong đêm hội yến trung thu nghe con thổi sáo, rất tán
thưởng tiếng sáo bay bổng tuyệt tác của con, vô cùng ngưỡng mộ. Tiểu vương gia
cũng tinh thông âm luật, muốn mời con tham gia dạ yến tối nay, cùng thổi sáo
ngắm trăng, tâm sự hàn huyên, con đi đi”.
Nói dối! A La thầm mắng,
nhưng miệng lại lễ phép, ngọt ngào đáp lời: “Cho phép A La trở về sửa sang y
phục”. Cúi chào xong, vội lui gót. Ra khỏi phòng lớn, A La thầm thở than, tiểu
vương gia này tâm địa hẹp hòi, đúng là tiểu nhân! Chỉ có tiểu nhân mới dùng thủ
đoạn bỉ ổi như vậy. Hắn ta, hắn ta và Lý tướng là rắn, chuột cùng một ổ, đều
xấu bụng! Phí hoài cái diện mạo đẹp đẽ! Nhìn thấy hắn ta là thấy buồn lòng.
Lý tướng và Lưu Giác nhìn
nhau cười, thâm tâm mỗi người đều có toan tính riêng.
Vừa ra khỏi tướng phủ, A
La vén rèm kiệu lạnh lùng hỏi Lưu Giác: “Tiểu vương gia định đưa tiểu nữ đi
đâu?”.
Lưu Giác cưỡi ngựa đi bên
cạnh, thấy nàng hỏi như vậy, tỏ vẻ lạ lùng: “Đi dự tiệc, thổi sáo, nói chuyện
hàn huyên”.
A La nghiến răng, sao có
chuyện đơn giản thế. Quả nhiên kiệu bỗng dưng bị rung lắc dữ dội, A La bị lắc
đến tức ngực, lồng ngực thúc từng cơn, miệng buồn nôn, hít sâu một hơi mới từ
từ dịu xuống, nhắm mắt tưởng tượng ra các món ăn, lẩu, cá nướng cay, đậu phụ,
bột chua cay... tất cả những thứ có mùi có vị. Lại bắt đầu tưởng tượng tửu lầu
mình với Tử Ly hợp tác mỗi tháng thực khách tấp nập, ngân lượng chảy vào túi
như nước. Hình dung cảnh tượng đưa thất phu nhân và Tiểu Ngọc đi chu du những
miền đất lạ từng đọc trong sách, cố gắng di chuyển sự chú ý. Tuy nhiên, kiệu
lại như dốc ngược, đầu lộn xuống dưới. Nàng biết đó là Lưu Giác giở trò, cố nín
nhịn, nhưng cuối cùng vẫn phải kêu lên: “Dừng kiệu, dừng kiệu, ta muốn nôn!”.
Kiệu dừng, A La xông ra
ngoài, chạy đến một góc nôn thốc nôn tháo. Lưu Giác trên lưng ngựa tỏ vẻ phẫn
nộ: “Còn đi hơn nửa canh giờ nữa mới đến nơi, các người khiêng thế nào vậy?”.
Chàng cố ý bảo phu kiệu khiêng kiểu đó, để A La bị rung lắc, khốn khổ phải cầu
xin chàng tha tội.
A La nôn xong, cảm thấy
dễ chịu hơn nhiều. Ngẩng nhìn thấy Lưu Giác bề ngoài tỏ ra tức giận mắng phu
khiêng kiệu, nhưng trong mắt đầy vẻ đắc ý, biết chàng cố tình, lại nghe nói còn
nửa canh giờ nữa. Một tiếng đồng hồ! A La nổi cáu, ngươi đã muốn thấy ta khốn đốn,
vậy sẽ để cho ngươi nhìn đã mắt, ta sẽ nôn suốt đường cho ngươi xem, ta quyết
không tỏ ra yếu thế! Nàng bình tĩnh ngồi vào kiệu: “Đi thôi, kẻo lỡ mất bữa
tiệc tối của tiểu vương gia lại đắc tội”.
Lưu Giác ngớ người, liếc
thấy các phu kiệu tỏ ra áy náy, không nỡ, bực mình quất ngựa phóng thẳng: “Gặp
nhau ở ven sông Đô Ninh, trên thuyền Lưu Hương”.
Chàng vừa đi khỏi, kiệu
lại bình thường, không đến hai khắc đã ra khỏi cổng phía nam đến ven sông Đô
Ninh.
Sông Đô Ninh rộng mười ba
trượng có dư, nước cuồn cuộn chảy về đông, gió muộn từ mặt sông thổi lên mát
rượi, phía chân trời ẩn hiện khói mây màu tím sẫm, A La bất giác nghĩ đến câu
thơ “Yên quang ngưng nhi mộ sơn tử, lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thủy cộng
trường thiên nhất sắc”(10). Bây giờ chỉ có vùng núi hẻo lánh mới có thể nhìn
thấy sông xanh gợn sóng, không bị ô nhiễm, cảnh sắc này khiến khát khao được đi
du ngoạn khắp thế giới kỳ lạ này của nàng càng thêm mãnh liệt. Nếu không phải
đi ăn với Lưu Giác, con người đáng ghét này thì nàng đã không cầm lòng muốn hát
vang trước một cảnh sắc huyền diệu như vậy! A La nghĩ đến Quyên Nhi, lòng lại
nặng trĩu nỗi buồn, tự nhắc mình phải cố nhẫn nhịn, không thể đối đầu với Lưu
Giác, chỉ có thể tỏ ra ngốc nghếch khiến chàng ta không nắm được đằng chuôi.
Hít một hơi thật sâu không khí trong lành, A La ngẩng cao đầu đi về phía thuyền
Lưu Hương.
Ven sông có khoảng chục
chiếc thuyền hoa đỗ rải rác, trong ánh hoàng hôn, thuyền nào cũng đã lên đèn
ngũ sắc sáng rực. Thuyền Lưu Hương có ba tầng, xà và cột đều chạm trổ hoa văn,
thiết kế tinh tế, sang trọng. Nữ tỳ dẫn A La lên tầng cao nhất, Lưu Giác đang
đứng tựa cửa sổ trong một gian hậu thất rủ rèm châu.
A La nhìn vào, bên ngoài
có mấy chiếc tràng kỷ bọc gấm và mấy cái án chạm trổ hoa văn, trên tường treo
mấy bức thư họa của những nhà thư pháp nổi tiếng, xung quanh bày rất nhiều hoa.
Không gian phía sau bức rèm rộng rãi, khoáng đạt, những chiếc đèn màu tỏa sáng,
mấy cái bàn tròn, bên cạnh là ghế bành và giường ngủ. Cửa sổ mở toang, gió sông
lồng lộng, trong phòng mát rượi. Tà áo Lưu Giác bay bay, mấy sợi tóc chờn vờn
trước trán, nửa khuôn mặt nhìn nghiêng đường nét như tạc, tuấn tú tuyệt vời. A
La nghĩ, tốt nhất vẫn nên giải thích mọi chuyện, đổi gươm đao lấy ngọc bội,
giải quyết bằng hòa bình để trừ hậu họa. Cách bức rèm châu, nàng lên tiếng:
“Hôm đó Ninh vương ban chỉ đến tướng phủ, tiểu nữ thực tình rất muốn giữ lời,
rất muốn nói lời xin lỗi, đã để cho tiểu vương gia đợi lâu”.
Lưu Giác quay đầu cầm lên
chén trà, nhưng không uống, lơ đãng ngắm nhìn, đột nhiên bật cười: “Có biết hôm
nay ta đến quý phủ là vì chuyện gì không?”.
A La không trả lời câu
hỏi của chàng, trong đầu chỉ nghĩ nhất thiết phải xin lỗi đã rồi hãy tính:
“Thực ra hôm nay tiểu nữ vốn định đến quý phủ tìm tiểu vương gia giải thích rõ.
Lần trước ở Đào hoa yến tiểu nữ đã sai, không nên đánh ngất tiểu vương gia. Bởi
vì lần đầu xuất phủ, khó khăn lắm mới được ngắm cảnh đẹp vậy mà lại bị tiểu
vương gia quấy rầy, trong lòng không vui. Tiểu nữ xin lỗi người lần nữa”.
Lưu Giác thấy A La thái
độ thành khẩn, bật cười: “Chuyện lần trước không nói nữa, có điều, nàng đã cướp
bạc của ta...”.
A La đỏ bừng mặt, cúi đầu
trả lời: “Tiểu nữ sẽ trả lại vương gia”. Hành động này quả là vô đạo đức, lúc
đó nàng cũng chỉ nhất thời hồ đồ.
Lưu Giác thầm nghĩ, chút
bạc đó ta không bận tâm. Nàng ta đã xin lỗi lần nữa, mình vốn không có ý định
tính toán với nàng ta về chuyện đó, nhưng vẫn cảm thấy có gì không ổn, “Nói một
lời xin lỗi là xong ư?”.
A La nghĩ, đã xin lỗi rồi
còn phải làm gì đây? Bèn hỏi Lưu Giác: “Vậy tiểu vương gia nghĩ thế nào?”.
Lưu Giác ớ người, đúng
vậy, mình nghĩ thế nào? Nàng ta vẫn chỉ là một tiểu cô nương, cũng đã xin lỗi,
tính toán nữa hóa ra mình quá hẹp hòi. Nhưng nếu vậy sẽ không còn cớ để đến tìm
nàng ta nữa? Nghĩ đến cảnh A La thân thiết với Lưu Phi, không biết từ đâu nỗi
giận vô cớ bùng lên, chàng nói: “Nàng và tứ hoàng tử thân thiết như vậy, ta có
thể làm gì?”.
A La sững người: “Tứ
hoàng tử nào?”. Đột nhiên vỡ lẽ, người Lưu Giác nói là Tử Ly, bèn hỏi: “Tử Ly?
Trần Tử Ly? Là Lưu Phi sao?”.
“Nàng không biết thật hay
giả bộ không biết?Trông điệu bộ hai người không phải mới quen ngày một ngày
hai, ở Thiên phong lầu nàng còn đích thân xuống bếp nấu ăn cho người ta, thân
thiết như thế!”.
Tử Ly chính là tứ hoàng
tử? A La không tin, nôn nóng hỏi: “Đại ca ấy bảo cứ gọi là Trần Tử Ly, tứ hoàng
tử chẳng phải là Lưu Phi sao?”.
Lưu Giác cười gằn: “Hoàng
hậu quá cố họ Trần, Tử Ly là tên tự của huynh ấy, Trần Tử Ly chính là Lưu Phi,
Lưu Phi chính là Trần Tử Ly, nàng gọi huynh ấy Tử Ly, gọi cái tên thân thiết
như vậy, rõ ràng là quan hệ không bình thường”.
A La há miệng không biết
nói sao. Lần đầu gặp Tử Ly, nàng cũng dùng tên giả, còn Tử Ly không muốn người
khác biết thân thế của mình đã mượn họ mẹ, và dùng tên chữ, cuối cùng vẫn là
dùng tên thật, chẳng có gì giả dối! Nhưng Tử Ly chẳng phải chính là tứ hoàng tử
sắp cưới Cố Thiên Lâm sao? Mình đã nhận tứ hoàng tử làm đại ca? Trời ơi! Vốn đã
không muốn dính líu với vương thất, chuyện này... A La đột nhiên hoảng hốt,
nhưng lại nghĩ khác, chuyện này cũng chẳng sao, giống như trong mắt người khác
mình là thiên kim tướng phủ thân phận cao quý vậy, kỳ thực... nàng lắc đầu,
những thân phận đó đối với mình chẳng là gì hết. Tử Ly tốt với mình, tình
nguyện làm đại ca của mình, vậy huynh ấy chỉ là đại ca của mình mà thôi.
Lưu Giác chuyển chủ đề,
không nhắc đến Tử Ly nữa, cười nói: “Nghe đồn tiếng sáo của tam tiểu thư rất
siêu phàm, liệu có thể tấu một khúc?”.
A La dẹp bỏ ngạc nhiên
của mình khi biết thân phận Tử Ly, vén rèm châu bước vào, đến bên án rót trà
uống: “Đói rồi, ăn đã, tiểu vương gia thực lòng muốn nghe thổi sáo hay là hẹn
đến để chấn chỉnh ta?”.
Lưu Giác châm biếm: “Ta
thấy nàng có vẻ không hiểu phép tắc, không giống thiên kim của tướng phủ, khuê
nữ chốn danh gia?”.
Trước mặt ngươi việc gì
ta phải làm bộ làm điệu? A La nhìn chàng nói tiếp: “Tiểu vương gia lắc kiệu
khiến ta khổ sở suốt hơn canh giờ, thức ăn trong bụng nôn hết rồi, vừa đói vừa
khát. Làm sao còn sức lực, hứng thú thổi sáo?”.
Lưu Giác nghĩ vậy lấy làm
thú vị, cười ha hả, vỗ tay ra hiệu. Nữ tỳ đi vào. Lát sau bưng ra một bàn đồ
ăn.
A La rất muốn biết món ăn
ở đây hương vị thế nào. “Bắt đầu!”, nói xong lập tức vào cuộc. Đa số các món
đều rất ngon, nhưng mấy món chay mùi vị không ổn. Nàng chợt hiểu, món mặn ở
Phong thành sắc hương vị đều đậm đà, nhưng món chay làm không tinh, chẳng trách
canh đậu phụ ở Thiên phong lầu cũng được coi là món ngon. Thầm nghĩ, ở Phong
thành e rằng chỉ có thể dùng món chay làm chiêu câu khách. Nàng gắp cá thịt lia
lịa, khiến Lưu Giác cau mày: “Ở tướng phủ nàng không được ăn thịt hay sao?”.
A La đang vui, buột miệng
nói: “Bình thường, bữa ăn ở bếp Đường viên đều đạm bạc, mấy năm rồi tiểu nữ
không được ăn những món ngon thế này”.
Lòng Lưu Giác không hiểu:
“Lý tướng thanh liêm như vậy ư?”.
A La cười: “Mẹ xinh đẹp
của ta tuy rất đẹp nhưng lại không được sủng ái, Đường viên chúng ta cuộc sống
có thể nói là rất bình thường”.
“Vậy mà nàng lại ngang
tàng đến thế? Con gái một thứ thiếp không được sủng ái, nhìn thấy những bậc
công tử như tiểu vương gia đây càng nên chủ động ân cần mới phải! Ồ, đúng rồi,
như nhiệt tình của nàng đối với tứ hoàng tử!”. Lưu Giác không hiểu sao lòng
bỗng thấy có gì tựa như thương xót đối với nàng, vội dùng ánh mắt nghiêm lạnh
và những lời châm biếm để xua đi cảm giác đó.
A La tức giận, hắn ta coi
mình là loại người gì chứ? Nhưng nàng không muốn đối đáp với chàng ta nữa, mới
miễn cưỡng chuyển nỗi tức giận vào đôi đũa trong tay: “Cơm đã ăn xong, không
biết tiểu vương gia nghe thổi sáo xong có đưa tiểu nữ về nhà không?”.
Lưu Giác thấy A La tư
thái điềm tĩnh, đôi mắt trong như ngọc long lanh dưới ánh đèn, khuôn mặt nhỏ
nhắn một phần bị mái bờm che khuất trở nên vô cùng sinh động. Những lời nói lúc
trước vừa nói ra, chàng đã muôn phần hối hận, nhưng thấy vẻ láu lỉnh trên mặt A
La, nỗi bực lại bùng lên, chàng nghịch ly rượu trong tay nói: “Gian ngoài là
nơi mua vui”. Dường như ý muốn nói, chàng coi A La chỉ là trò mua vui .
A La nghĩ, nếu một tiểu
thư khuê các thời cổ đại, nghe Lưu Giác nói vậy, chưa biết chừng cảm thấy bị sỉ
nhục đến nỗi nhảy xuống sông tự vẫn! Dù không tự vẫn cũng sẽ phẫn nộ quở trách!
Nàng điềm nhiên rời bàn ra phòng ngoài, tìm một cái ghế băng ngồi xuống, thầm
nghĩ, người càng tức, ta càng vui, bèn thổi ngay khúc “Hỷ dương dương!”. Ánh
trăng lãng đãng trên sông, hoa trên thuyền lặng lẽ tỏa hương, gió hiu hiu, cảnh
tuyệt diệu như vậy làm nền cho tiếng sáo trầm bổng, khúc “Hỷ dương dương” của A
La tiết tấu vui nhộn, nhưng Lưu Giác nghe không thấy vui. Chàng liếc nhìn đôi
mắt A La cười như hai vành trăng khuyết, cái đầu nhỏ nhắn đung đưa theo tiếng
sáo, cảm giác trong lòng chàng không biết là khóc hay cười, thầm nghĩ, a đầu
này bề ngoài hình như không tỏ ra tức giận, nhưng trong lòng rất lắm tiểu
chiêu. Nghe xong, không đợi A La mở miệng, nói luôn: “Nghe nói đại tỷ nàng chỉ
đàn khúc “Thu thủy” mà được lòng thái tử, Lý gia dòng dõi thư hương, liệu có
thể chơi một khúc? Ta thưởng nguyệt trên sông, hãy chơi khúc “Thu nguyệt” đi!”.
A La nghĩ đến chuyện đánh
đàn thay Thanh Lôi, bèn nói: “Tiểu nữ không biết chơi đàn, con gái Lý gia mỗi
người học một ngón khác nhau, tiểu nữ chỉ biết thổi sáo”.
Nàng càng nói không biết,
Lưu Giác càng làm khó, chàng đảo mắt nói: “Tiểu vương chỉ muốn nghe đàn. Vốn
tâm trạng đã rất tốt, chỉ đợi nàng đánh đàn xong là thanh toán nợ nần, không
đến làm phiền nàng nữa, nàng lại nói không biết chơi, như vậy được sao?”. Mặc
chàng nói thế nào, A La vẫn nhớ kỹ, nếu để lộ mình biết chơi đàn tất sẽ gieo
mầm họa, chỉ một mực lắc đầu. Lưu Giác không thuyết phục được nàng, nói với hầu
nữ bên ngoài: “Mang đàn ra đây!”.
Lưu Giác ngồi xuống một
chiếc ghế thấp, hai tay vuốt nhẹ, một chuỗi âm thanh vút lên, chàng đánh khúc
“Bội lan”. A La nhận thấy Lưu Giác cũng là người hay đàn, chàng chơi khá thành
thục. Lại nhớ ra khúc nhạc mà Cố Thiên Lâm đã đàn trong Đào hoa yến, thấy Lưu
Giác đàn rất chuyên chú, say mê, thầm nghĩ, thì ra Lưu Giác đang hận vì Tử Ly
sắp cưới ý trung nhân của chàng ta, bèn không nén nổi ý nghĩ chọc tức chàng:
“Hoàng đế đã ban hôn, chưa biết chừng Tử Ly đã để ý tới Cố gia tiểu thư từ lâu,
ai bảo tiểu vương gia ra tay muộn!”.
Luu Giác đặt tay lên phím
đàn, “phầng” một tiếng, tiếng đàn đột ngột dừng lại: “Lưu Phi và Cố gia tiểu
thư là một đôi trời định, rất xứng đôi!”.
A La nghĩ, chẳng lẽ ngươi
định khích ta? Nàng vênh cằm cười: “Đúng vậy, tiểu nữ cũng thấy họ rất xứng
đôi, một người chơi đàn, một người thổi tiêu, phu xướng phụ tùy, chắc chắn mạnh
hơn một số người cô độc thở than”.
Lưu Giác lại không thấy
bực, chỉ nói: “E rằng ngay tiếng đàn của Cố tiểu thư, Lưu Phi cũng chưa nghe,
Đào hoa yến huynh ấy không dự”.
A La bê lên một cốc trà,
thong thả uống: “Bây giờ chưa nghe cũng không sao, sau này nghe càng thú vị!
Hai người trai tài gái sắc, như tiểu vương gia nói đấy, rất xứng đôi!”. Không
biết tại sao, nàng rất muốn chọc cho Lưu Giác tức khí, nổi máu ghen.
Lưu Giác nói: “Sau này
Lưu Phi đã có Cố Thiên Lâm, còn tâm trạng để ý đến nàng không? Muốn huynh ấy
suốt ngày đưa nàng xuất phủ du ngoạn e khó rồi”.
A La ngớ người, lại trấn
tĩnh, Tử Ly muốn cưới Cố Thiên Lâm cũng phải đợi sau đại hôn lễ của thái tử,
đều là chuyện của mùa xuân năm sau, nàng chỉ cần thời gian nửa năm kiếm đủ bạc
là chuồn.
Lưu Giác thấy A La ngẩn
người, tưởng đã nói trúng tâm tư của nàng, vốn định châm chọc nàng, nhưng thấy
nàng quan tâm đến Lưu Phi như vậy, lại không thể nào đắc ý: “Nàng chơi được
khúc “Bội lan”, ta sẽ không làm khó nàng nữa”.
A La chớp mắt: “Thực ra
nếu tiểu vương gia muốn nghe khúc đó, tin rằng trên thuyền hoa này tất sẽ có
người biết chơi, hà tất nhất định phải là tiểu nữ? Huống hồ tiểu nữ lại không
biết đàn, khúc này quá khó, tiểu nữ học không được”.
Lưu Giác nói: “Không biết
thì học. Hôm nay không biết, ngày mai ta đến phủ đón nàng, khi nào nàng biết,
khi ấy chúng ta hết nợ nần”.
A La nhìn chàng: “Sao
tiểu vương gia lại không biết điều như vậy? Người ta không biết sao lại ép
người ta? Cố học khúc nhạc mà người trong lòng chàng đã chơi, coi như nàng ta
đàn cho chàng nghe sao?”.
“Cố tiểu thư chơi đàn, ta
tự khắc rửa tai cung kính lắng nghe. Nàng ấy không đàn, ta đã nghe một lần, như
nghe tiếng đất trời thiên nhiên, sau này có nghe nữa hay không, cũng không quan
trọng. Nếu không muốn ta đến quấy rầy, thì hãy đàn cho ta nghe”.
A La đột nhiên nghĩ, xấu
tốt gì mình cũng là thiên kim tướng phủ, cũng không phải là con nhà thường dân,
Lưu Giác có thật dám làm bừa thế không? Nàng nheo mắt cười, nhấp ngụm trà, bình
phẩm: “Trà này hương thanh, dư vị lâu dài, màu sắc đẹp mắt, trà ngon!” mà không
nhắc đến chuyện đánh đàn. A La nhấp hai ngụm nữa, cau mày như nghĩ ra điều gì,
nói: “Nhìn bóng trăng, không còn sớm nữa, nếu có người nhìn thấy tam tiểu thư
Lý tướng phủ đêm khuya còn lang thang bên ngoài, tiểu vương gia nói xem, cha ta
sẽ tức đến thổ huyết, sẽ đi tìm vương thượng nói lý trị tội người cho xem”.
Lưu Giác thấy a đầu này
rất có mưu kế, lại nghĩ ra chiêu này, thật hết sức thú vị, bèn cười khe khẽ:
“Đúng vậy, cha nàng thân là Tả thừa tướng, nếu nghe phường dân gian đồn đại,
khuê nữ nhà mình ngồi với đàn ông đến lúc trăng lên đỉnh trời, ông ta liệu có
tức đến thổ huyết? Dòng dõi thư hương, danh gia vọng tộc, vậy là gia phong bại
hoại trong tay nàng? Chà chà, ông ta sẽ làm thế nào? Đương nhiên sẽ đi tìm vương
thượng”.
Chàng cười gian giảo,
vòng ra sau lưng A La, cúi người ghé sát tai nàng: “Đi tìm vương thượng nói:
Vương thượng, mau ban hôn đi! Mau chóng gả đứa con gái ngỗ nghịch này. Đương
nhiên tiểu vương là người rất có trách nhiệm, sao dám làm mất thanh danh tam
tiểu thư? Tam tiểu thư vẫn còn chưa đến tuổi cập kê mà, chuyện đại sự sai lầm
này tiểu vương quả thật không làm nổi”.
A La nghe tiếng cười thấy
cổ nổi da gà, lấy hắn ta? Đừng hòng! Cố kìm nén nỗi bực đối với Lưu Giác, nàng
nói: “Đàn thì đàn, nhưng ta đâu có học nhanh như vậy, ít nhất phải cho ta thời
gian chứ?”.
Lưu Giác thấy nàng đã ưng
thuận, rất vui, cười ha hả: “Không sao, tiểu vương có rất nhiều thời gian, khi
xuất phủ lệnh tôn còn ân cần dặn dò, nhất định phải tận vui hết mực mới về. Bây
giờ ít nhất còn ba canh giờ trăng mới tới giữa trời, với ngộ tính của tam tiểu
thư, không cần biết học thế nào, chơi được cả khúc e không có gì là khó”.
A La lẩm bẩm: “Tiểu nữ
không biết đàn, ngay âm vị ở đâu cũng không biết. Tiểu vương gia đưa tiểu nữ
về, hôm khác tiểu nữ học xong đến đàn cho tiểu vương gia nghe”.
Lưu Giác thấy nàng môi
cong lên, lòng vui ngất trời, đi đến bên cây đàn: “Nào, tiểu vương đích thân
dạy nàng”.
A La nghiêm chỉnh chống
cằm nhìn chàng, lúc hỏi về âm, lúc hỏi về điệu, thấy Lưu Giác vô cùng kiên
nhẫn, lại càng hỏi nhiều. Thoắt cái đã một canh giờ, A La hỏi mãi thấy mệt, Lưu
Giác nói nhiều cũng mệt. Lưu Giác hỏi: “Biết chưa?”.
A La cười thầm, mắt nheo
nheo lắc đầu. Lưu Giác tức quá ném cây đàn: “Sao nàng ngốc thế!”.
Nàng tủi thân nhìn chàng:
“Tiểu vương gia, tiểu vương gia dạy tiểu nữ lại lần nữa đi!”.
Lưu Giác kiên nhẫn nói
lại lần nữa, nào là các chuẩn như cung, thương, giốc, chủy, vũ, thế tay, cách
sử dụng ngón tay. A La cười thầm, chỉ thấy buồn ngủ, chỉ có thể cố gắng lấy
tinh thần nghe chàng thao thao. Cuối cùng Lưu Giác hỏi: “Lần này biết chưa?”.
A La lắc đầu, há miệng
ngáp, vội lấy tay che, ánh mắt di chuyển trên mặt chàng. Lưu Giác lạnh mặt:
“Gây rối suốt nửa ngày định bỡn tiểu vương hay sao?”.
A La ngạc nhiên, không
còn buồn ngủ nữa, xua tay nói: “Tiểu vương gia, tiểu nữ quả thực không có cảm
giác nào về đàn. Tiểu nữ có thể nhớ được mấy âm, tiểu nữ sẽ chơi cho tiểu vương
gia nghe, nhưng ý nghĩa thế nào tiểu nữ cũng không biết”.
Lưu Giác nửa tin nửa ngờ.
Nàng biết thổi sáo, sao lại không biết đánh đàn? Mười thanh nữ Phong thành thì
có đến chín cô biết chơi đàn, đều chơi rất hay, nàng là ngoại lệ?
A La bắt đầu bịa chuyện:
“Nghe nói lúc nhỏ chơi trò đoán sở trường sau này, đại tỷ cầm ngay cây đàn, nhị
tỷ vớ ngay cây bút, còn tiểu nữ thì nhấc ngay cây sáo. Về sau nhị tỷ học xong
thư pháp cũng đi học đàn, nhưng không tài nào bằng đại tỷ, tiểu nữ thì khỏi
nói, chẳng biết tý gì về đàn!”.
“Thôi được, mất hứng
quá”. Nói đoạn, Lưu Giác đẩy cây đàn đứng lên.
A La cố nén niềm vui,
nhìn Lưu Giác: “Có thể về được chưa? Tiểu nữ buồn ngủ rồi”.
Lưu Giác mất hứng nói:
“Đi đi, về đi”.
A La lại nhắc: “Nhớ là
chúng ta thanh toán xong, không hận thù gì nữa, tiểu nữ cũng không nợ nần tiểu
vương gia”.
Lưu Giác nở nụ cười gian
tà: “Ta sao có thể thù hận với nàng? Ta hẹp hòi vậy ư?”.
A La vội nói nịnh: “Tiểu
vương gia phong lưu rất mực, hào hoa vô cùng, tài học uyên thâm, gia thế nề
nếp, sao có thể là người hẹp hòi”.
Lưu Giác “hừ” một tiếng,
lại hỏi: “Ta và tứ hoàng tử ai phong độ hơn, ai hào hoa hơn, ai tài học hơn?”.
A La ngạc nhiên lập tức
trả lời: “Mỗi người một vẻ, hi hi. Cá nhân tiểu nữ cho rằng, tiểu vương gia hơn
một bậc”. Bụng nghĩ, nịnh thế đủ chưa?
Lưu Giác lại cười: “Được
tam tiểu thư khen ngợi, ta sẽ không phụ tam tiểu thư”.
A La cảm thấy câu nói của
chàng có vẻ kỳ quặc, dường như có ngầm ý sâu xa, nhưng lại không nhận ra là ý
gì, đành đi xuống lầu, lòng băn khoăn.
Đi đến cầu thang lầu hai,
bên trong có tiếng đàn vọng ra, Lưu Giác dừng bước lắng nghe, A La cũng dừng
lại theo. Lưu Giác đột nhiên liếc thấy A La khẽ nhíu mày, rồi sắc mặt lại trở
nên bình thường, bất giác thấy kỳ lạ, khi nàng ta nhíu mày là lúc tiếng đàn nhỡ
nhịp. Lưu Giác thầm nghĩ, khéo vậy sao? Không biết thế nào, tam tiểu thư của Lý
phủ ngoài câu xin lỗi, những lời nói sau đó của nàng ta, chàng không tin câu
nào, nhưng lại không tìm ra khẽ hở, rút cục chỗ nào không đúng?
A La trở về tướng phủ,
lập tức đi gặp Lý tướng báo cáo. Lý tướng hớn hở nhìn nàng, dáng điệu rất hiền
từ: “A La hôm nay đi chơi với tiểu vương gia vui chứ?”.
A La ngoan ngoãn trả lời:
“Dùng bữa ở thuyền Lưu Hương, sau đó thổi một khúc sáo, tiểu vương gia không
nói gì”.
Lý tướng cười ha hả:
“Tiểu vương gia phong lưu hào hoa, gia thế hiển hách, đúng là một đám tốt. A
La, con nên năng đi lại với tiểu vương gia”.
A La đột nhiên nghĩ, có
nên nhân cơ hội này để được đường hoàng xuất phủ? Liền thăm dò: “Tiểu vương gia
hẹn ngày mai gặp, A La có thể đi không?”.
Lý tướng phấn khởi: “Đi
chứ, sao lại không, trang điểm thật đẹp mà đi”.
A La mỉm cười: “Con biết
rồi, A La về Đường viên đây”.
Có thể đàng hoàng xuất
phủ, tránh phải lén lút vượt tường, để lộ điểm yếu của mình. Có được cơ hội này
còn phải cảm ơn tiểu vương gia. A La vừa đi vừa cười khe khẽ.
Lưu Giác về tới vương
phủ, ngơ ngẩn nhìn bức họa trên tường. Chàng muốn A La học khúc “Bội lan” có
thật là do không thể quên Cố Thiên Lâm? Đôi mắt lóng lánh của A La trên khuôn
mặt Cố Thiên Lâm cơ hồ ngày càng sinh động, ngày càng có sinh khí. Lưu Giác nằm
trên trường kỷ, ngắm nhìn đôi mắt đó, ngón tay gõ nhẹ, rút cục chỗ nào không đúng?
Chàng gọi Lưu Anh: “Mau đi tra tình hình Lý tướng phủ, ta muốn biết mọi động
tĩnh của tam tiểu thư đó. Còn nữa, từ ngày mai, cho người bám theo nàng ta.
Nàng ta biết võ công, cẩn thận một chút”.
“Xin vâng!”.
Chú thích:
10. Trích trong
"Đằng Vương các tự" của Vương bột (Đời Đường).
Dịch thơ: "Ánh khói
đọng, núi chiều tía", "Ráng chiều rơi xuống, cùng cái cô đơn chiếc
diều bay, làn nước sông thu vớ bầu trời kéo dài một sắc" (bản dịch của
Trần Trọng San). (BTV)