Lâm Lang về đến nhà đúng mười hai giờ trưa, tối hôm trước cậu có gọi điện về nên bà nội Lâm ra đầu thôn chờ cậu từ sớm. Lúc lên cấp ba, mỗi lần về nhà, Lâm Lang luôn có chút mất mát. Xe buýt thị xã chỉ đưa bọn họ đến thị trấn, nhưng thị trấn cách thôn hơn ba dặm nữa, gập ghềnh dằn xóc, gặp trúng hôm đổ mưa hay tuyết rơi thì càng khó đi. Bạn học về nhà đều được người thân lái xe đạp hoặc xe đạp điện tới đón, chỉ riêng Lâm Lang là lẻ loi. May mà ba của Lâm Minh cùng thôn lần nào lái xe đi đón cậu ta cũng tiện thể chở Lâm Lang một đoạn. Đó là một hồi ức rất đặc biệt, với Lâm Lang mà nói thì chẳng khác gì tháng năm thanh xuân u ám mà chua xót của cậu, lưu lại một vết tích không cách nào lau sạch trong sinh mệnh, khiến chuyện về nhà vốn dĩ ấm áp vô hạn phủ thêm một tầng bi ai mà người khác không có.
Mấy hôm trước ở quê cũng đổ tuyết lớn, do thời tiết chuyển ấm nên tuyết đọng trên đất đã tan hết, con đường nhỏ hẹp dẫn về nhà càng thêm gian nan. Lâm Lang xách hai cái túi đi mà thở hồng hộc, cậu không gọi xe, vì lần này mới xuống tàu thì vừa lúc bắt kịp xe buýt đi thị trấn. Nếu có thể lên xe buýt, lại có chỗ ngồi, thực tình chẳng lý do gì tiêu tốn tiền gọi taxi, dẫu sao Hàn Tuấn cũng đâu mọc thiên lý nhãn thuận phong nhĩ, biết thế nào được. Ruộng đồng ngày đông mênh mông vô bờ, tiết trời khá xấu, xa xa sương mù giăng kín, lúa mạch non dưới ruộng hơi úa vàng, tuyết trên đất đã tan gần hết, loang lổ chỗ trắng chỗ xanh. Thời điểm còn cách thôn nửa dặm, cậu bắt gặp một bóng người đứng đầu thôn, Lâm Lang gần như liếc mắt là nhận ra bà nội mình, bèn xách túi chạy tới thật nhanh. Cậu chạy từ từ đến gần, bà nội Lâm chống gậy, cười nói: “Chậm thôi chậm thôi, cẩn thận kẻo trượt chân.”
Lâm Lang thở dốc, cười hỏi: “Trời lạnh thế này, nội chạy ra đây làm chi?”
“Nội ở nhà cũng không có gì làm, thấy cũng chỉ có vài bước nên ra luôn.”
Lâm Lang cười, đeo túi lên vai, vươn tay kéo tay bà nội Lâm, cười nói như làm nũng: “Con muốn chết cóng trên đường đi luôn này.”
Bà nội Lâm cười hiền từ: “Cơm nội nấu xong rồi, còn hầm canh bí đỏ con thích nhất nữa, mau về nhà húp một chén cho ấm người.”
“Dạ.” Lâm Lang cười xán lạn: “Lúc ở trường, mấy lần con nằm mơ được ăn canh bí đỏ nội nấu, cả cà tím xào nữa, tiếc cái đang mùa đông nên không được ăn.”
Hai bà cháu dìu dắt nhau vào thôn. Nhà họ cách cổng thôn không xa, chỉ khoảng mấy trăm mét, hàng xóm cách vách – một phụ nữ trung niên mà Lâm Lang toàn gọi là thím ba – đang bưng mì ra từ trong nhà, nhác thấy Lâm Lang liền xả giọng kêu to: “Lâm Lang về đấy à.”
“Chào thím ba.” Lâm Lang cười chào: “Đưa cơm cho ông hai ạ?”
Thím ba cười gật đầu: “Nhà nấu cơm chưa, nếu chưa thì sang nhà thím ăn.”
“Nấu từ sớm rồi ạ, nội con nấu xong sớm rồi ra cổng thôn chờ con.”
Bà nội Lâm cười phất tay: “Thím mau đi đi, mắc công đồ ăn lạnh, ông hai ổng lại cằn nhằn thím.”
Thím ba cười sang sảng: “Lâm Lang càng ngày càng lớn nha, ăn mặc cũng đẹp quá.”
Lâm Lang đỏ mặt, hiện tất cả quần áo của cậu đều do người nọ mua, mấy bộ đồ cũ bị hắn lén quẳng đi hết. Hên là Hàn Tuấn biết sở thích của cậu, chỉ mua những bộ trông thật bình thường, màu sắc cũng trầm, khoác lên người cậu rất hợp, không có gì bất thường. Dù vậy, nghe thím ba khen mình, Lâm Lang vẫn hơi chột dạ, cứ sợ người khác nhìn ra cái gì.
Trong nhà không hề đổi thay so với lúc cậu rời đi hồi hè, nhưng trong thôn phát sinh biến hóa lớn, rất nhiều cây bị chặt, thoạt nhìn hơi trơ trụi, đường chính cũng được trải nhựa, nghe bảo có khả năng đâm thẳng đến quốc lộ thị trấn. Lâm Lang bị tàu hỏa hành cả đêm, no rồi thì bắt đầu buồn ngủ. Bà nội Lâm đã phơi chăn cho cậu từ mấy ngày trước, vì Lâm Lang sợ lạnh, nhà lại không có máy sưởi, bà liền trải hai cái cho cậu.
Lâm Lang ngủ một mạch đến chạng vạng, đoạn dụi mắt thức dậy, bà nội Lâm cười nói: “May mà con về sớm, bên ngoài lại đổ tuyết rồi.”
Lâm Lang mặc áo bông, lau lau hơi nước trên cửa kính, quả nhiên thấy tuyết rơi lất phất ngoài trời, khoảnh sân được bà nội Lâm quét sạch sẽ đã lại trắng xóa. Bà nội Lâm thấy cậu đứng lên, liền tất tả đi nấu cơm: “Chẳng biết chừng nào con thức nên không dám nấu sớm, ngày này cơm cứ để tí là lạnh ngắt.”
Lâm Lang hà hơi lên tay, theo vào nhà bếp, ngồi xuống cái ghế đẩu trước bếp củi. Bà nội Lâm lập tức đuổi cậu ra ngoài, Lâm Lang đành phải dịch ghế sang một bên vừa sưởi ấm vừa trò chuyện với bà. Từ khi Lâm Lang bắt đầu hiểu chuyện, nhà bếp dường như đã là thế giới của bà nội cậu, nhớ ngày xưa mẹ cậu cũng chỉ giúp một tay, chứ tay nghề nấu nướng không giỏi bằng bà nội Lâm. Lâm Lang thi thoảng cũng như bây giờ, bê ghế sang một bên trò chuyện cùng bà, bà cũng cao hứng lắm.
Vì ngủ nguyên buổi chiều nên Lâm Lang không đói chút nào, chỉ ăn mỗi chén cháo rồi ngưng. Cậu dọn chén vô bếp, trở lại đột nhiên thấy tay bà nội Lâm run lên, đũa thoáng cái rơi xuống đất. Lâm Lang sợ tới mức mặt trắng bệch, cuống quýt cầm tay bà, gọi: “Nội ơi, nội làm sao vậy?”
“Không sao không sao.” Bà nội Lâm cười, nhặt đũa lên, tay lại vẫn run run không ngừng: “Bệnh cũ ấy mà, dạo này tay thỉnh thoảng không điều khiển được, một lát là hết.”
Lâm Lang khom lưng nhặt đũa, đứng lên nói: “Con đi đổi đôi khác cho nội.”
Dứt lời liền quay đầu ra nhà chính, nước mắt bất chợt đong đầy hốc mắt, khó chịu trong nhà bếp một hồi mới cầm đôi đũa khác về. Bà nội Lâm cười bảo: “Lớn tuổi rồi nên có ít bệnh vặt, không sao đâu.”
Lâm Lang cười toe toét, cúi đầu “dạ” một tiếng. Bà nội Lâm không nói nữa, chỉ còn bông tuyết bay tán loạn ngoài cửa.
Con gái của Lâm Lão Thực cách ngõ nhà họ không xa năm nay mười chín tuổi, trước kia cô là bạn cùng lớp của Lâm Lang, nhưng do thành tích không tốt nên tốt nghiệp cấp hai đã đi làm công xa với anh trai và chị dâu, năm nay về tính chuyện lấy chồng. Thanh niên nông thôn đa số kết hôn tương đối sớm, chẳng mấy ai đợi đủ tuổi, con gái qua hai mươi hai tuổi đã xem như hơi quá lứa. Cuối năm là thời kỳ cao điểm để cưới xin, vài bà mối nổi tiếng cũng bận trước bận sau, giới thiệu hết nhà này đến nhà kia xem mắt. Theo tập tục trong thôn, vô luận con gái nhà ai muốn xem mắt, phụ nữ và trai trẻ sống gần đó cũng phải qua xem, đại khái để đảm nhiệm vị trí “người nhà cô dâu“. Con gái nhà ai xem mắt mà người nhà đến tương đối ít, khó tránh bị nói ra nói vào, chung quy đều xoay quanh nhân duyên hoặc nhân phẩm nhà đó có vấn đề.
Từ khi vào đông, bà nội Lâm hiếm khi ra cửa, lúc Lâm Lang chưa về, bà toàn lẳng lặng ngồi một mình trước cửa từ sáng đến tối, đôi khi cũng có hàng xóm sang nói dăm câu với bà. Ngày Lâm Hồng xem mắt, Lâm Lang liền dìu bà qua xem. Xem mắt ở nông thôn, tướng mạo đẹp tất nhiên quan trọng, nhưng quan trọng nhất vẫn là hai điểm khác, đầu và màu da. Lâm Hồng cao ráo, da trắng, xem như đứng đầu trong số người xem mắt, thành thử đặc biệt soi mói, trai trẻ đến hết tốp này tới tốp khác, ngược lại chỉ thấy người sau kém hơn người trước. Mẹ Lâm Hồng cũng dần nóng nảy, Lâm Lão Thực hệt như tên hắn, là ông chồng phủi tay, chuyện chung thân đại sự của con gái căn bản giao tất cho mẹ Lâm xử lý. Con gái mà bắt bẻ quá, đối tượng xem mắt quá nhiều, rất dễ bị thiên hạ nói là kiêu căng, kết quả nếu tìm được nhà chồng chẳng ra sao, còn bị người ta đàm tiếu.
Điều kiện của gia đình đến lúc trưa rất tốt, đầu cũng không thấp, nhưng bề ngoài bình thường, trên mặt có bệnh sởi, Lâm Hồng chỉ nói chuyện với người ta một lát thì cự tuyệt. Mấy bà cô đến hóng hớt đều lắc đầu than tiếc, Lâm Lang là sinh viên, mặt mũi đẹp trai, giữa đám đông cũng khá nổi bật. Mẹ Lâm Hồng nói đùa: “Về sau không cho nhóc Lâm vào nhà chúng ta nữa, có con ở đây, đến Phan An cũng chào thua.”
Cả đám người cười vang, mặt Lâm Lang vụt cái đỏ bừng, cười đáp: “Vậy mà Lâm Hồng không thích con đâu, không tin cô hỏi thử.”
Lâm Hồng cười, lườm cậu một cái. Cô với Lâm Lang cùng lớn lên từ nhỏ, là một trong số bạn nữ cực ít của Lâm Lang. Kỳ thực, năm kia Lâm Hồng làm thuê tại vùng khác cũng từng tính chuyện với một người, nhưng mẹ Lâm cảm thấy chỗ ấy xa quá, nhà bà chỉ có mỗi mụn con gái, không muốn gả cô đi quá xa, quanh năm chẳng về nổi một chuyến, thành ra chết sống không đồng ý. Lâm Hồng đành thôi, về nhà xem mắt lần nữa. Lâm Lang biết rõ mấy chuyện đó, đối tượng mà Lâm Hồng tính chuyện là một chàng trai cực có khí khái nam nhi, khác hẳn với dạng như Lâm Lang. Thêm nữa, Lâm Hồng dáng cao, mang giày cao gót càng cao hơn Lâm Lang non nửa cái đầu. Nếu đề tài dẫn tới Lâm Lang, mọi người toàn lôi cậu ra chọc ghẹo, hỏi cậu có bạn gái chưa, có phải lòng cô bé nào không. Lâm Lang vốn dễ đỏ mặt, giờ trước mặt đông người như vậy lại càng xấu hổ.
Hai bảy tháng chạp, tiết trời rốt cuộc quang đãng, dự báo thời tiết nói trước giao thừa có khả năng lại đổ tuyết lớn, Lâm Lang bèn tranh thủ lúc trời trong mà vội vàng đem toàn bộ chăn mền và quần áo ra sân phơi. Nhà họ gần cổng thôn, thành thử lạnh hơn nhà người ta một chút. Mỗi lần về nhà, Lâm Lang cứ chạm tay vào nước lạnh là sẽ bị tổn thương do sương giá, buổi trưa mới giặt hai cái áo lót mà tay đã cóng đến nỗi vừa sưng vừa đỏ. Bà nội Lâm đau lòng ghê gớm, liền xua cậu về phòng, ngồi xuống giặt giúp cậu. Tay bà nội Lâm quanh năm ngâm nước lạnh mà chưa từng bị tổn thương, Lâm Lang buồn bực lắm, bà bảo do người trẻ bây giờ thân kiều nhục quý, ăn không được khổ nữa.
Lâm Lang vừa thổi tay vừa chạy bộ mấy vòng quanh sân, trong lòng hổ thẹn mà sầu não. Cậu chưa từng từ chối những chuyện bà nội Lâm muốn làm cho mình, bởi cậu biết người già, bất kể ông bà hay cha mẹ, luôn vui vẻ nhất khi làm gì đó cho con cháu, thậm chí nhiều lúc vất vả vì con cháu còn là quyền lợi mà họ không muốn bị tước đoạt. Nhưng giờ khắc này, cậu thực sự rất muốn kiếm thật nhiều tiền, đón bà nội Lâm đến căn nhà có máy sưởi, còn mua máy giặt, không muốn bà giặt quần áo hộ mình giữa trời giá rét nữa.
Cận Tết, không khí cũng tràn ngập hương vị ngày xuân, trong thôn vẫn an bình vắng lặng, chứ không hưng thịnh náo nhiệt bằng khi cậu còn nhỏ. Ánh mặt trời lạnh lẽo, trắng mà yếu ớt, nhành cây trụi lủi ngây ngốc vươn mình giữa không trung, mấy chú chim sẻ nhảy nhót phá vỡ bầu không khí yên tĩnh, chúng mổ lên vỏ cây hòe, bị gió thổi qua liền bay thấp xuống. Cậu tranh thủ ngồi trong sân phơi nắng, cõi lòng được ánh nắng chiếu đến biếng nhác mà mềm mại. Bỗng nhiên nhớ tới rất lâu rất lâu trước kia, hình như từng nghe nói trong khoảnh khắc năm mới đến, trời cao sẽ thỏa mãn mọi nguyện vọng của mình, năm ngoái cậu cũng thổ lộ một nguyện vọng ngay khoảnh khắc ấy, trên đời này ngoài cậu thì chẳng ai biết.
Trong cuộc đời chưa dài của cậu, có biết bao chuyện chỉ cần nghĩ đến đã hối hận khôn nguôi, những việc vặt trong sinh hoạt, hoặc sự tình liên quan tới chọn lựa của nhân sinh, không sao đếm xuể, thỉnh thoảng sẽ nổi lên trong lòng lúc cậu hồi tưởng chuyện cũ. Chẳng qua hồi ức quá nhiều, dường như cũng sẽ cạnh tranh để tồn tại trong đầu, có cái dần dần phai nhạt, có cái lại càng lâu càng khắc sâu. Sinh trưởng hoặc tử vong của mỗi đoạn hồi ức lại không dính dáng tới mức độ quan trọng của chúng, ví như đến bây giờ, niềm vui sướng khi vừa nhận thông báo trúng tuyển đại học đã mơ hồ không rõ, nhưng tại thời khắc chào đón năm mới ấy, nỗi phiền muộn sâu sắc khi cầu nguyện lại vẫn in dấu rõ ràng trong đầu. Tựa thể trong thoáng giây đó, cậu đã biết rõ sắc màu của đời mình, trầm tĩnh bi ai, ấm áp mà ướt át.
TV nhà Lâm Lang không bắt được kênh Vệ thị, anten cũng lâu năm chưa sửa, còn trơ trọi mỗi mấy khung nhôm, chỉ bắt được vài kênh thị xã và thị trấn. Dự báo thời tiết chỗ họ luôn không chính xác, ngờ đâu lúc này lại chuẩn, đến hai chín Tết, trời vậy mà âm u hẳn, gần tối thì tuyết lớn cũng đúng hẹn kéo tới.
Lâm Lang tựa lên đầu giường đọc sách, ngọn đèn mờ ảo chiếu lên người cậu, trong một thoáng thất thần, bỗng dưng nghe tiếng gió Bắc thét gào bên ngoài, bấy giờ mới phát hiện tuyết rơi. Nhà họ là nhà gạch ngói phổ thông, lâu ngày nên lớp vôi góc nhà đã bong tróc rất nhiều. Cậu ngẩn ngơ nhìn ra ngoài cửa sổ, thiết nghĩ đêm nay rét lạnh thế này, chẳng rõ Hàn Tuấn có thể cũng nhớ đến mình không.
Bà nội Lâm đang thêu thùa may vá trong nhà chính. Tuy bà lớn tuổi, thính lực kém xa ngày trước, song thị lực vẫn cực tốt, thuê thùa còn lưu loát lắm. Bên ngoài chợt có tiếng gõ cổng, bà nội Lâm mở cửa nhà chính nhìn ra sân, hỏi: “Ai thế?”
Lâm Lang nghe tiếng, hỏi vọng ra từ trong phòng: “Nội ơi, sao vậy?”
“Có ai gõ cổng thì phải.”
“Bên ngoài đường trơn lắm, nội ở trong nhà đi, con ra cho.” Lâm Lang vội vã trượt xuống giường, xỏ giày chạy ra ngoài. Bà nội Lâm cười bảo: “Không chừng là Quan Bằng đến, người thôn chúng ta cùng lắm đứng ngoài kêu một tiếng, ai lại gõ cổng.”
Lâm Lang nghe mà sợ hết hồn, bèn đẩy cửa nhà chính chạy ra ngoài ngay, vừa chạy hai bước đã trượt chân ngã oạch xuống đất, bà nội Lâm cười gọi từ trong nhà: “Đi từ từ thôi con!”
Lâm Lang ăn mặc nặng nề, chống đất bò dậy. Cậu vừa đứng vững chân, người nọ đã mở cổng tự vào, dáng vẻ xách túi đầy phong trần mệt mỏi, toàn thân phủ tuyết.