Từng trận tuyết lớn nối nhau rơi. Con đường tuyết cong cong phía dưới chân núi tuyết Streca ngày một dày thêm lên. Cả thảo nguyên Ga Marr bao la được khoác lên mình chiếc chăn bông dày một màu trắng muốt. Thảng hoặc có một vài trận gió Đông Bắc lạnh thấu xương thổi đến, ngắt đi những chiếc lá cuối cùng sót lại trên cây. Lá phơi mình trên tuyết. Vầng thái dương chừng như không còn đủ sức để xuyên thủng bầu trời nữa.
Bầy sói đêm đêm nằm trong thung lũng tránh gió, ngày ngày hứng tuyết lang thang trên thảo nguyên tìm mồi. Việc săn mồi mỗi lúc một khó, đám linh dương, dê rừng, nai, cầy hương... không biết trốn đi hết đằng nào. Có lúc, bầy sói phải vất vả lắm mới tìm được một dấu chân hình hoa mai in trên tuyết, chúng lần theo đó chạy đuổi cả nửa ngày trời, vậy mà tuyết lại ập đến, cuốn theo những dải trắng dài như lông ngỗng, xóa sạch vết chân con mồi. Công sức của chúng thế là đi tong. Mấy ngày liên tiếp chẳng có gì vào bụng đã là chuyện bình thường với chúng. Bầy sói con nào con nấy gầy tới mức chỉ còn da bọc xương. Nửa đêm, khi gió lạnh tràn về, những chiếc lông sói phải dựng đứng lên để tránh rét, cả bầy sói cùng tru lên ai oán, ri rỉ như tiếng khóc của đứa trẻ mới sinh.
Dù phải sống lay lắt thế nhưng Lam Hồn Nhi vẫn ngày một cao lớn trong cảnh đói rét. Lớp lông trên cơ thể nó trở nên rậm rạp hơn, đặc biệt là đám lông màu xanh thanh thiên trên sống lưng của nó lúc nào cũng bừng sáng trong ánh tuyết lung linh. Cơ thể nó bắt đầu phát triển, cơ bắp cuồn cuộn nổi lên giữa khuôn ngực to rộng. Cái đói đã mài luyện tinh thần nó, khiến nó trở nên tàn bạo hơn, đôi mắt tham lam của nó lóe lên ánh nhìn sắc lạnh như dao. Tới cuối mùa đông, nó cao gần ngang mày một con sói đực trưởng thành. Nó không những cao lớn mà còn điển trai hơn. Tính tình nó cũng trở nên hung mãnh hơn, nó luôn can đảm dẫn đầu trong cuộc săn mồi, sẵn sàng lao lên vồ bắt và cắn xé con mồi.
Lần nọ, suốt năm ngày liền bầy sói chưa săn được con mồi nào. Chúng đói lả, bèn đánh liều tìm săn một con gấu đang ngủ đông. Gấu tuy là động vật ăn cỏ, nhưng không dễ trở thành miếng mồi ngon của lũ sói tham lam. Loài gấu tính tình hung dữ, lại có sức mạnh vô song, nhất là đôi bàn tay chúng. Bàn tay ấy chỉ cần tát một cái có thể đánh gãy cả một cái cây có những vấu xù xì như miệng bát. Bởi thế, ngay cả một con sói đực vạm vỡ đi nữa, nếu hứng một tát của nó, không mất mạng thì cũng bị trọng thương. Hơn nữa, vào hai mùa hè thu, loài gấu thường thích mài những vết thương của mình lên cây thông, để nhựa thông dính trên mình nó, sau đó tới bãi đá lăn vài vòng, tự làm thành một chiếc áo giáp chắc chắn. Da gấu vốn rất dày, lại thêm mấy lớp áo giáp bảo vệ như thế nữa nên những chiếc răng sắc nhọn của loài sói khó có thể làm tổn thương da thịt gấu được. Do đó, khi săn mồi, nếu gặp gấu trên thảo nguyên, loài sói thường không bao giờ chủ động tấn công, có khi phải dè chừng dăm bảy phần. Nhưng lúc này, chúng đang đói rã ruột, chúng phải thực hiện cuộc săn gấu đầy nguy hiểm này bởi không còn lựa chọn nào khác.
Loài gấu thường hay ngủ đông trong các hang sâu hay các hốc cây lớn nên không quá khó tìm dấu vết của nó trên tuyết. Buổi trưa hôm đó, bầy sói tìm được một cây xoan cổ thụ, giữa các chạc cây có một hốc khá to và sâu. Chúng trèo lên cành cây, chìa mũi ra ngửi, từ hốc cây chìa ra một mùi hôi nồng nặc; chúng dựng tai lên nghe ngóng, có tiếng thở mạnh và đều vọng ra từ đó, chứng tỏ trong hốc cây quả có một con gấu lớn đang say sưa ngủ. Điều quan trọng bây giờ là phải dụ nó ra khỏi hang.
Bầy sói vây lấy cây xoan cổ thụ, đồng thanh tru lên. Có hai con sói đực dũng cảm đu lên cành cây, thò mõm vào trong hốc cây mà tru. Nhưng con gấu trong động dường như bị điếc, nó vẫn ngủ ngon lành. Lúc sau, bầy sói lại nghĩ ra một cách tuyệt hay khác. Chúng ngoạm những cục băng và ném vào trong hốc cây, chúng ném đã nhiều lần lắm ấy vậy mà con gấu như mất tri giác, vẫn không hề có phản ứng gì. Những cục băng gặp phải hơi nóng trong hốc cây tan ra thành nước, chảy từng dòng xuống gốc cây rồi thấm vào trong đất. Chiêu này của bầy sói mất hiệu nghiệm rồi.
Giờ chỉ còn một cách duy nhất là xộc vào trong hốc cây đánh thức con gấu ngu ngốc đó dậy. Nhưng hốc cây này sâu bằng hai con sói nhỡ, miệng hốc hướng lên trời, thẳng như một chiếc bút, vào thì dễ mà ra thì khó. Nếu vào đó thám hiểm rồi mà động tác chậm chạp, không phi thật nhanh ra khỏi hốc cây trước khi con gấu tỉnh dậy thì hậu quả thật khôn lường. Con gấu to lớn sẽ bạt vào lưng con sói một cái như bạt vào một cây tre non, hoặc nó sẽ kẹp con sói vào giữa mông nó rồi dậu thẳng tấm thân nặng nề của nó xuống, nghiền con sói thành thịt vụn.
Bầy sói đứng quanh gốc cây lưỡng lự.
Ca Lỗ Lỗ ngồi xổm trước miệng hốc cây, nhìn vào khoảng không đen thăm thẳm bên trong. Nó thử thò một chiếc chân trước vào trong động rồi rụt ngay lại. Loài sói tuy hung hãn ác độc nhưng cũng biết trân trọng sinh mạng mình.
Đúng lúc ấy, Lam Hồn Nhi rẽ bầy sói đi ra, nhảy lên chạc cây và cùng ngồi xổm trước miệng hốc cây với Ca Lỗ Lỗ. Lát sau, nó quay mặt lại nhìn về phía mẹ.
Tử Lam cảm nhận được nỗi bồn chồn trong ánh mắt của con. Ánh mắt Lam Hồn Nhi chứa đầy mâu thuẫn, nó vừa lưu luyến sinh mệnh vừa muốn mạo hiểm một phen, nó vừa oán hận vừa muốn nói lời cảm ơn với mẹ, nó vừa tha thiết mong Tử Lam đồng ý cho nó nhảy vào trong hốc cây lại vừa khẩn cầu Tử Lam hãy ngăn cản nó, đừng để nó tự đi tìm cái chết...
Đây là cơ hội quý báu để Lam Hồn Nhi thể hiện bản lĩnh của mình, dẫu rằng cơ hội ấy là một hành động thập tử nhất sinh. Tử Lam rên rỉ, không biết phải thể hiện ra sao.
Lam Hồn Nhi tru lên một tiếng trầm đục như một con sói đực trưởng thành rồi thò đầu và bả vai của mình vào trong hốc cây, bật người vào, động tác rất dứt khoát.
Bầy sói thôi không nhốn nháo nữa. Không gian phía trước cây xoan cổ thụ bỗng trở nên im ắng, chỉ còn âm thanh của cơn gió Đông Bắc u u thổi cuốn những hạt tuyết và tiếng những hạt tuyết va vào nhau chiu chíu. Hốc cây vẫn yên lặng, Tử Lam như sắp phát điên. Thời gian như ngưng đọng. Mới chỉ qua vài giây ngắn ngủi mà Tử Lam như đã đi hết cả đời người.
Một tiếng gầm rống nặng nề xé tan khoảng không u tịch của cánh đồng tuyết. Phút chốc, trái tim của Tử Lam như bật ra khỏi lồng ngực, nó chỉ muốn nhảy ngay vào trong hốc cây xem cơ sự thế nào. Ngay lúc đó, một tấm thân lao ra khỏi hốc cây nhanh như một mũi tên vút bay trong không trung. Mũi tên lượn mấy vòng điệu nghệ rồi nhẹ nhàng rơi trên tuyết. Tử Lam vội vàng phi tới, tỉ mẩn quan sát từ đầu tới đuôi Lam Hồn Nhi suốt một lượt. Bảo bối của nó vẫn khỏe mạnh, không hề bị sứt mẻ chỗ nào. Tử Lam lúc này mới thở phào nhẹ nhõm.
Lam Hồn Nhi thật xứng là “siêu sói” mà Tử Lam khổ công bồi dưỡng. Nó duỗi thẳng bốn chân, bấm chặt móng vuốt lên vách cây xù xì, từ từ tiến vào trong hốc. Nhờ vào một tia sáng le lói hắt vào trong hốc cây, nó nhìn thấy một con gấu béo núc ních đang ngoẹo đầu ngủ ngon lành phía cuối hốc. Giấc ngủ đông của loài gấu không giống như giấc ngủ bình thường. Chúng thường ngủ rất sâu, dù có một quả pháo treo ngay trước mặt cũng không thể đánh thức chúng dậy. Lam Hồn Nhi quan sát địa hình rồi nhủ thầm, lúc này, nếu cứ liều lĩnh nhảy lên người con gấu mà cắn, e rằng khó mà an toàn ra khỏi hốc cây. Hốc cây rất hẹp, nó không thể thi triển tài nghệ phi thân của loài sói được, chỉ có thể từ từ tiến lên mà thôi. Loài gấu tuy ngốc thật đấy, nhưng kỹ xảo và tốc độ leo trèo của nó chẳng thua kém loài sói là bao. Nếu con gấu thức dậy vì bị đòn đau tất nó sẽ giang thẳng tay tát mạnh vào vị khách không mời dám cả gan tới nơi trú thân an lành của nó quấy nhiễu.
Lam Hồn Nhi nheo mắt, đầu óc nó bỗng như sáng láng hơn. Nó rón rén bò lên vai con gấu, khẽ khàng đặt hai chân sau vào hai cánh tay đang khoanh tròn trước ngực của con gấu, rồi nhắm trúng cái mũi tròn tròn đẫy thịt đang hếch lên trời của con gấu mà cắn phập một cái. Sau đó, nó vẫn giữ nguyên tư thế. Con gấu đau quá, bật dậy, rống lên một tiếng ghê sợ. Và như một phản xạ tự nhiên, nó vừa bừng mắt vừa duỗi thẳng hai cánh tay đang khoanh tròn trước ngực, một tay bịt mũi, một tay đẩy thẳng ra ngoài. Vào khoảnh khắc con gấu còn đang mắt nhắm mắt mở, vươn thẳng hai vai, Lam Hồn Nhi nhanh chóng bật cao hai chân trước, khuỵu hai chân sau, đạp mạnh xuống đất một cái, mượn lực vươn vai của con gấu, “bâng” một tiếng và lao vút ra khỏi hốc cây.
Rất gọn gàng, rất mau lẹ và tuyệt đẹp! Bầy sói đang vây quanh dưới gốc cây xoan cổ thụ náo nức reo hò. Ngay cả Sói Vương Lạc Giáp cũng phải dành cho Lam Hồn Nhi một cái nhìn kính nể.
Trước đây, bầy sói từng đánh thức gấu ngủ đông trong hốc cây. Những con sói dũng cảm vào động thám thính không chết thì cũng mang tật. Thật không ngờ, Lam Hồn Nhi tuổi còn nhỏ mà đã có được kỳ tích tuyệt diệu như thế. Lòng Tử Lam hạnh phúc hơn cả khi được uống những giọt mật.
Con gấu ngu ngốc bò ra khỏi hốc cây, mặt mày bê bết máu, mắt đầy dử vàng khè như mủ. Nó lấy tay trái bịt mũi. Mắt giờ đã tỉnh hẳn. Nó tức tối gào thét. Con gấu ỷ mình sức vóc nặng nề, hai tay rắn chắc và bộ áo giáp dày nên xưa nay vẫn khinh thường những con sói tới quấy rầy giấy ngủ của nó. Nó đứng thẳng dậy, hai chân lảo đảo chạy trên tuyết, đuổi theo con sói đáng ghét. Thân hình đen sẫm của nó tương phản với sắc trắng yếu ớt của trời đông và màu trắng tinh khôi của lớp tuyết dày trên mặt đất.
Chỉ cần dụ gấu ra khỏi hang là bầy sói đã nắm chắc phần thắng. Chúng đủ thông minh để đối phó với một con gấu ngu ngốc.
Tốc độ chạy trên tuyết của loài sói tất nhiên nhanh hơn loài gấu nhiều, chỉ có sức bền là không bằng. Bầy sói bèn chia đôi lực lượng, áp dụng chiến thuật bánh xe để vây con gấu. Con gấu cứ nhắm vào một con sói mà đuổi, nhưng khi nó đuổi gần đến nơi thì bỗng một con sói khác từ bên cạnh sượt qua, lượn qua lượn lại trước mặt con gấu nhằm chuyển hướng nhìn và phân tán sự tập trung của nó. Con gấu bị mất dấu con sói đang đuổi bắt khi nãy, quay sang đuổi con sói trước mặt. Bầy sói áp dụng chiến thuật bánh xe vừa để tiêu hao sức lực của con gấu vừa dụ nó ra xa hốc cây cổ thụ nhất có thể. Điều duy nhất khiến bầy sói lo lắng là, vào những phút quan trọng khi con gấu sắp sức tàn lực kiệt, nó bèn thu mình vào trong tổ ấm của nó và dựa vào lợi thế tuyệt đối để phòng vệ, bao nhiêu công sức của chúng bỏ ra đều xôi hỏng bỏng không.
Chiến thuật bánh xe của bầy sói làm con gấu hoa mắt chóng mặt. Nó cứ luẩn quẩn đuổi rồi mất, mất rồi lại đuổi mà chẳng được gì, dù chỉ là một sợi lông sói. Nó nản quá, ngồi thụp trên tuyết, đờ đẫn nhìn vào bầy sói xuất quỷ nhập thần. Bầy sói đã dụ được nó tới một thung lũng, nhưng chiếc nôi ngủ đông an lành của nó vẫn còn thấp thoáng đằng xa. Con gấu lười biếng xoa cái bớt trắng hình bán nguyệt trước ngực, vết thương trên mũi của nó bị từng trận gió tê buốt làm cho đóng băng, không chảy máu nữa. Nó quay đầu nhìn lại cây xoan cổ thụ ẩn hiện phía xa, khuôn mặt ảo não. Xem ra, nó muốn dừng cuộc rượt đuổi nhọc nhằn này tại đây.
Lúc ấy, tuy con gấu đã mệt nhưng vẫn còn một nửa sức lực, nếu bầy sói mạo hiểm lao lên tất sẽ có ít nhất là vài con sói phải bỏ mạng dưới bàn tay tàn bạo của nó.
Con gấu dường như đang muốn quay đầu chạy thì Lam Hồn Nhi đang phủ phục dưới đất bỗng bò lên, lặng lẽ bò ra phía sau con gấu rồi phi thẳng lên lưng con gấu không chút sợ sệt. Lam Hồn Phi cắn phập vào tai con gấu một miếng. Con gấu bị đau, gầm rống lên, ngả người ra phía sau, nó muốn lấy thân hình nặng nề của mình đè lên kẻ đánh lé nó nhưng đã muộn. Lam Hồn Nhi nhanh nhẹn nhảy phốc ra ngoài. Con gấu chỉ đè lên khoảng không, lật đật bò dậy, khắp mình lấm tấm tuyết, nó điên tiết đuổi theo bầy sói bất chấp tất cả.
Cuối cùng, bầy sói cũng dụ được con gấu tới một khu rừng nhỏ. Bóng cây xoan cổ thụ đã hoàn toàn chìm khuất trong không gian. Con gấu bỗng nghĩ ra một biện pháp mà nó tự cho là thông minh để đối phó với bầy sói. Đối diện với bầy sói vừa không có cách bắt được nó vừa không thể rời bỏ con mồi, nó hiên ngang bước tới trước một cái cây nhỏ xù xì, dùng hai tay trước ôm chặt thân cây, đè thân hình nặng nề của nó lên cây rồi dùng lực thật mạnh đẩy cái cây xuống. Chỉ nghe đánh rầm một tiếng, cái cây đã bị đốn ngã. Một mùi thơm dịu nhẹ từ mạt gỗ lan tỏa trong không khí. Con gấu nâng cái cây dậy, huênh hoang diễu võ dương oai xoay vài vòng trước mặt bầy sói. Nó muốn cho bầy sói thấy sức mạnh thần kỳ của nó, hòng đạp đổ lòng dũng cảm của bầy sói.
Bầy sói tru lên u u bi thiết. Dường như chúng bị con gấu dọa cho hồn xiêu phách lạc, đứng không vững nữa. Một vài con sói con sợ quá vội vàng nép vào dưới bụng mẹ.
Con gấu đắc ý lắm. Nó tiếp tục tiến tới một cái cây khác và đốn ngã nó cũng theo cách ấy. Bốn cây, năm cây, sáu cây...con gấu đã đốn ngã tất cả thảy hai mươi cây. Nhưng bầy sói vẫn không bỏ chạy tán loạn như nó muốn. Nó nheo nheo đôi mắt màu nâu sậm, tỏ ra vô cùng lúng túng. Bầy sói quả là những khán giả trung thành, con nào con nấy háo hức thưởng thức tài nghệ của nó
Con gấu tội nghiệp mệt quá thở hổn hển. Tuy vậy, nó vẫn không thể nản lòng, tiếp tục bước tới một cái cây bị nghiêng về một bên, nó muốn phô diễn sức lực phi phàm của nó thêm nhiều lần nữa. Lần này không hiểu do cái cây quá cứng chắc hay do động tác của nó không đủ mạnh mà cái cây chỉ bị bẻ cong chứ không đổ nhào xuống đất. Con gấu vừa nhả tay cái cây lập tức thẳng lại như cũ. Con gấu thấy mất thể diện quá, rống lên mấy tiếng, rồi đấm như điên vào thân cây. Nhưng lạ thật, cái cây vẫn kiên cường chịu đựng, chỉ uốn mình chứ không chịu gục ngã. Con gấu đã kiệt sức, nó rạp người lên thân cây để thở. Một tiếng “bâng” vang lên, cái cây bật trở lại. Lực đàn hồi mạnh đẩy văng con gấu ra xa bốn, năm mét. “Tung”, con gấu rơi phịch xuống đất. Nó lăn vài vòng theo quán tính, cố gắng vùng dậy hai lần mà không tài nào dậy nổi. Nó mệt đến nỗi sùi cả bọt mép, ngã bổ nhào xuống đất.
“Ồ”, Sói Vương Lạc Giáp reo lên sung sướng.
Tức khắc, mấy chục con sói cứ bốn bề sáp lại con gấu. Máu gấu loang trên nền tuyết trắng phau phau. Chẳng mấy chốc, trên mặt tuyết chỉ còn lại một mảnh da gấu và một vài vụn xương nho nhỏ.
Lần này, Lam Hồn Nhi được chia một nửa quả tim gấu quý giá. Tử Lam tràn trề vui sướng. Lam Hồn Nhi thật sự đã trưởng thành đúng như mong đợi. Lam Hồn Nhi không hổ là con trai của Hắc Tang, thật dũng cảm và mưu trí. Bây giờ, không chỉ những con sói cùng trang lứa coi Lam Hồn Nhi là thủ lĩnh của chúng mà ngay cả những con sói đực trưởng thành cũng phải nhìn Lam Hồn Nhi với ánh mắt khác. Lam Hồn Nhi đã đặt những bước đệm vững chắc cho cuộc chiến tranh giành ngôi báu Sói Vương sau này bằng chính tài năng xuất chúng của nó. Giờ đây, lý tưởng của Tử Lam không còn là giấc mộng hão huyền nữa mà đã hiển hiện ngay trước mắt, giống như một miếng thịt treo trước miệng vậy.
Mùa đông sắp lùi xa, chỉ còn một vài ngày nữa, khi tiếng sấm mùa xuân rền vang và lớp tuyết tan chảy, cỏ cây đâm chồi nảy lộc thì bầy sói lại tản ra theo quy luật sinh tồn của chúng. Trong hai mùa xuân hạ, Tử Lam sẽ đem toàn bộ kỹ nghệ vây bắt và vồ mồi truyền thụ cho Lam Hồn Nhi. Vào thời điểm này của năm sau, Lam Hồn Nhi gần như đã trưởng thành đầy đủ, có thể mưu tính bắt tay vào cuộc tranh đoạt ngôi vị Sói Vương rồi. Tử Lam vừa thưởng thức thịt gấu vừa tính toán.