Cục trưởng Trịnh nói với tôi, quan hệ giữa ông và gia đình họ Dung kế
thừa từ đời ông ngoại. Năm thứ hai sau Cách mạng Tân Hợi, ông ngoại của
ông kết thân với ông Lily cha, hai người trở thành bạn thân. Ông lớn lên trong gia đình ông ngoại, từ nhỏ đã biết ông Lily cha. Lúc ông Lily cha qua đời, ông ngoại đưa ông đến trường đại học N dự lễ tang của ông Lily cha, lại biết ông Lily con. Lúc ấy ông mười bốn tuổi, đang học năm thứ
hai trung học. Khuôn viên Trường Đại học N rất đẹp đã để lại ấn tượng
sâu sắc trong ông. Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, ông cầm bảng
thành tích học tập đến tìm ông Lily con, xin được vào học trung học phổ
thông ở Trường Đại học N. Vậy là ông được vào học, thầy dạy ngữ văn là
Đảng viên Cộng sản, đưa ông vào đảng. Chiến tranh chống Nhật bùng nổ,
ông và thầy giáo cùng bỏ học để lên Diên An, bắt đầu cuộc đời hoạt động
cách mạng.
Sau khi vào Trường Đại học N, ông và Kim Trân hứa sẽ có ngày gặp nhau trong một cơ quan.
Nhưng, như ông Cục trưởng nói, cơ quan này chưa thành lập ngay từ đầu mà mãi
mười lăm năm sau, ông thay mặt đơn vị 701 về Trường Đại học N tìm người
làm công tác phá khoá mật mã, tiện thể đến thăm ông Hiệu trưởng và cũng
tiện thể nói ông muốn tìm người thế nào, ông Hiệu trưởng cười vui giới
thiệu Kim Trân.
Ông Cục trưởng nói: “Tôi không dám nói rõ với ông Hiệu trưởng cần người làm việc gì, nhưng tôi cần người có khả năng về
mặt nào, điểm ấy thì tôi nói rõ. Ông Hiệu trưởng nói vậy, tôi liền để ý, vì tôi tin cặp mắt của ông Hiệu trưởng, và tôi cũng biết con người đó.
Ông Hiệu trưởng không phải là người thích nói đùa, ông nói đùa với tôi
ấy là muốn nói, Kim Trân là người có thể thoả mãn yêu cầu của tôi.
Sự thật là như thế, sau khi gặp Kim Trân chừng như ông quyết định ngay.
Ông Cục trưởng nói: “Anh nghĩ thử xem, một thiên tài toán học, từ nhỏ đã
kết bạn với giấc mơ, quen với phương Tây, học xong sẽ đi sâu nghiên cứu
bí mật của đại não con người, đúng là nhân tài trời sinh ra để làm công
việc phá khoá mật mã, liệu tôi thờ ơ được hay sao?”
Còn việc ông
Hiệu trưởng đồng ý cho người như thế nào, ông Cục trưởng bày tỏ, đấy là
bí mật giữa ông với ông Hiệu trưởng cũ, ông không nói với ai. Tôi nghĩ,
điều này có thể khẳng định, nhất định lúc ấy ông rất bức thiết, đành vi
phạm kỉ luật của tổ chức, nói thật với ông Hiệu trưởng, nếu không tại
sao đến nay ông vẫn kín như miệng vò?
Trong lúc nói chuyện với
tôi, nhiều lần ông bày tỏ, việc phát hiện Kim Trân là cống hiến lớn nhất của ông đối với đơn vị 701, không ai ngờ cuối cùng Kim Trân có cái kết
cục đầy bất hạnh. Cứ mỗi lần nhắc đến, ông đều đau khổ lắc đầu, thở dài
thườn thượt, luôn miệng nói:
“Kim Trân!”
“Kim Trân.”
”Kim Trân ơi!”
(Ghi theo lời kể của ông Cục trưởng Trịnh)
Nếu nói, trước khi phá được khoá mã tử mật, hình ảnh Kim Trân trong tim tôi còn mờ nhạt, chuyển động bất định giữa người điên và thiên tài, nhưng
sau khi phá được khoá tử mật, hình ảnh cậu ta trở nên rõ ràng, đẹp và
đáng nể, giống như con hổ già tĩnh lặng. Nói thật, tôi rất phục, rất tôn sùng cậu ta, nhưng lại không dám đến gần. Tôi sợ cậu ta làm tôi bỏng,
giật mình, đó là cảm giác đối với một con hổ. Tôi dám nói, trong linh
hồn cậu ta là một con hổ. Cậu ta cắn xé khó khăn như hổ cố chấp nhưng
rất ngon lành ngấu nghiến miếng thịt, cậu ta nghiến răng ngẫm nghĩ giống như con hổ lặng lẽ để rồi xông lên vồ mồi.
Một con hổ!
Chúa tể của muôn loài!
Thiên vương của giới mật mã!
Nói về tuổi tác, tôi là đàn anh của cậu ta, nói về tư cách tôi là nguyên
lão của giới phá khoá mật mã, lúc cậu ta mới đến, tôi là trưởng phòng,
trưởng phòng một, trong thâm tâm tôi coi cậu ta là anh cả, việc gì cũng
muốn nghe ý kiến cậu ta. Tôi càng hiểu cậu ta, gần cậu ta, kết quả tôi
trở thành nô lệ tinh thần của cậu ta, quỳ dưới chân cậu ta, quỳ mà không hề oán thán, ân hận.
Trên đây tôi đã nói, giới mật mã không cho
phép xuất hiện hai tâm linh tương tự, tâm linh tương tự chỉ là đống rác. Vì thế, giới mật mã có một quy định bất thành văn, đấy là kỉ luật thép: một người chỉ có thể phá được khoá của một bộ mật mã. Bởi vì, tâm linh
của người tạo dựng hoặc phá khoá mã đã bị quá khứ của anh ta hút chặt,
tâm linh ấy coi như vứt đi. Nói về nguyên tắc, lẽ ra Kim Trân sau đấy
không nên nhận nhiệm vụ phá khoá hắc mật, vì linh hồn cậu ta đã thuộc về tử mật, nếu phá khoá hắc mật, trừ phi cậu ta vò nát tâm linh để rồi tái tạo tâm linh.
Nhưng đối với Kim Trân, chúng tôi không tin quy
luật khách quan tồn tại, càng tin cậu ta là một thiên tài. Nói một cách
khác, tôi tin rằng, vò nát tâm linh để tái tạo, điều ấy ở Kim Trân không phải không thể. Chúng tôi có thể không tin bản thân, không tin quy luật khách quan, nhưng không có cách nào để không tin Kim Trân. Điều chúng
tôi không tin có thể làm được, nhưng đến với cậu ta đều biến thành hiện
thực, hiện thức sống động. Như vậy, nhiệm vụ phá khoá hắc mật vô cùng
nặng nề cuối cùng đè nặng lên đôi vai cậu ta.
Điều ấy có nghĩa là cậu ta phải xông vào khu vực cấm. Khác với lần trước, lần này cậu bị
người khác - cũng là bị tên tuổi chói sáng của bản thân - ném vào khu
vực cấm. Không như lần trước, việc thâm nhập vào khu cấm của cánh rừng
mật mã là do cậu chủ động...
Tôi không thăm dò nghiên cứu tâm
trạng Kim Trân khi tiếp nhận hắc mật, nhưng tôi biết rõ việc cậu gặp nạn và sự bất công. Nếu nói lúc phá khoá tử mật Kim Trân không có một sức
ép nào, thảnh thơi lâm trận, đến giờ đi làm, hết giờ ra về, bạn bè và
đồng nghiệp bảo cậu ta như đi chơi, nhưng khi phá khoá hắc mật cảm giác
ấy ở cậu ta hoàn toàn biến mất. Trên lưng cậu phải cõng cả nghìn cân ánh mắt, ánh mắt đè gãy lưng cậu ta. Trong những năm tháng ấy, mắt tôi
trông thấy mái tóc xanh của Kim Trân bạc dần, người gầy quắt, tưởng
chừng như vậy để cậu ta dễ bề lẻn vào mê cung hắc mật. Có thể tưởng
tượng hắc mật hút hết máu và nước trên người Kim Trân, tuy cậu gậm nhấm
hắc mật lại như bóp nát tâm linh mình, gian nan và khổ đau như hai cánh
tay ma quỷ đè nặng lên đôi vai. Một con người vốn không liên quan gì đến hắc mật (vì đã phá được khoá tử mật) lúc này lại cõng toàn bộ áp lực
của hắc mật, đấy là cái khó của Kim Trân, nỗi buồn của anh cũng là nỗi
buồn chung của đơn vị 701.
Nói thẳng ra, tôi không nghi ngờ gì về tài năng và sự cần cù của Kim Trân, nhưng cậu ta không thể một lần nữa
sáng tạo kì tích, phá khoá hắc mật. Trong giới phá khoá mật mã mỗi người chỉ phá khoá một bộ mật mã là quy luật thép, tôi không nghi ngờ gì điều ấy. Phải tin rằng, thiên tài cũng là con người, cũng có lúc hồ đồ, cũng phạm sai lầm, hơn nữa, một khi thiên tài phạm sai lầm tất nhiên là rất
lớn. Sự thật, hiện tại giới mật mã nhất trí cho rằng, hắc mật không phải là một bộ mật mã cao cấp với ý nghĩa nghiêm túc nhất, trong quá trình
lắp đặt khoá có hành động bỡn cợt làm kinh hãi người đời. Chính vì vậy,
về sau có người của chúng ta phá được hắc mật, người ấy về tài năng
không thể bằng Kim Trân, sau khi người này tiếp tay phá khoá hắc mật,
giống như Kim Trân hồi xưa phá khoá tử mật, chỉ cần ba tháng, phá khoá
hắc mật rất nhẹ nhàng.
Khoá hắc mật đã bị phá.
Người đó là ai?
Anh (chị) ấy còn sống không?
Cục trưởng Trịnh nói với tôi, người ấy tên là Nghiêm Thực, vẫn còn sống,
ông đề nghị tôi đến thăm, sau đấy sẽ quay lại gặp ông, ông bảo vẫn còn
tư liệu cho tôi. Hai hôm sau tôi quay lại gặp Cục trưởng Trịnh, câu đầu
tiên ông hỏi:
“Anh có thích con người đó không?”
Ông nói con người đó tức là Nghiêm Thực, người phá khoá mật mã hắc mật, ông hỏi khiến tôi không hiểu.Ông lại nói: “Đừng lấy làm lạ, anh em ở đây không ai thích con người ấy.”
“Tại sao vậy?” Tôi lấy làm lạ.
“Vì ông ta được quá nhiều.”
“Ông ấy phá khoá hắc mật, tất nhiên phải được nhiều chứ!” Tôi nói.
“Nhưng mọi người cho rằng ông ta dựa vào sổ tay của Kim Trân để có được linh cảm phá khoá hắc mật.”
“Đúng vậy, ông ấy cũng nói với tôi như thế.”
“Có chuyện ấy à? Không, ông ta không nói thế đâu.”
“Tại sao không? Chính tai tôi nghe ông ấy nói.”
“Ông ta nói gì?”
“Ông ấy nói, thật ra là Kim Trân phá khoá hắc mật, ông ấy chỉ được tiếng lây.”
“Đúng là một tin mới.” Ông Trịnh ngạc nhiên nhìn tôi. “Trước đây ông ấy tránh nhắc đến Kim Trân, nhưng tại sao với anh, ông ấy lại nói ra? Có thể vì
anh là người ngoài chăng?”
Ngừng lại giây lát, ông nói tiếp: “Ông ấy không nhắc đến Kim Trân là để nâng cao mình, cho mọi người cảm giác
một mình ông ta phá khoá hắc mật. Có thể thế được không? Sống với nhau
mấy chục năm trời, liệu ai không hiểu, tưởng đâu chỉ qua một đêm ông ta
trở thành đại thiên tài, liệu có ai tin? Cho nên, cuối cùng xem ra một
mình ông ta độc chiếm vinh quang phá khoá hắc mật, ở đây không ai tin
nổi, nhiều chuyện dị nghị lắm, tất cả đều bất bình thay cho Kim Trân.”
Tôi nghĩ, nên chăng nói với ông những chuyện ông Thực đã nói? Thật ra, ông
Thực không dặn mà cũng không có ý bảo tôi đừng nói lại với ai những gì
ông đã nói.
Lặng đi một lúc, ông Cục trưởng nhìn tôi, lại tiếp
tục: “Từ trong sổ tay của Kim Trân, ông ta có được linh cảm phá khoá hắc mật, điều ấy không thể nghi ngờ, ai cũng biết, vừa rồi anh nói, bản
thân ông ta cũng thừa nhận. Tại sao ông ấy không thừa nhận với chúng
tôi? Như tôi vừa nói, trừ phi ông ấy muốn đề cao mình, điều này thì ai
cũng hiểu, vì mọi người đều nghĩ như thế. Ông ấy một mực phủ nhận khiến
mọi người phản cảm, không tin. Cho nên sự tính toán nhỏ nhen ấy tôi nghĩ không cao tay. Nhưng đấy là chuyện khác, tạm thời không nói đến. Bây
giờ tôi có thể hỏi, anh có thể suy nghĩ, tại sao ông Thực lại có được
linh cảm qua sổ tay của Kim Trân, mà Kim Trân lại không thể? Đúng lí ra, những gì mà ông Thực có được, Kim Trân phải có từ lâu, vì đấy là của
cậu ta, là sổ tay của cậu ta. Ví dụ, cuốn sổ tay như một căn phòng,
trong đó có chìa khoá mở hắc mật, chủ nhân không tìm thấy, nhưng một
người khác đến không cố ý tìm lại tìm thấy, anh bảo có lạ không?”
Ông đưa ra một ví dụ rất đạt, hình tượng hoá sự thật mà ông hiểu, nói ra
một cách rõ ràng nhất, thấu triệt nhất, nhưng tôi nói đấy không phải là
sự thật. Nói một cách khác, ví dụ của ông không có vấn đề gì, vấn đề ở
sự thật mà ông nhận định. Có lúc tôi thậm chí quyết định nói lại những
gì ông Thực đã nói với tôi, đấy mới là sự thật. Nhưng ông không cho tôi
nói chen vào mà cứ tiếp tục.
“Cũng chính từ đấy tôi càng tin
rằng, trong quá trình phá khoá hắc mật cậu Trân đã phạm sai lầm cực lớn
của một thiên tài, sai lầm này một khi rơi xuống đầu thiên tài sẽ biến
thành kẻ ngốc. Mà sai lầm xuất hiện, nói cho cùng chỉ là tác dụng của
quy luật thép mỗi người chỉ có thể phá được khoá của một bộ mật mã, là
di chứng phá khoá tử mật tác yêu tác quái.”
Nói đến đây ông Cục
trưởng trầm mặc hồi lâu, tôi có cảm giác như ông đang rơi vào nỗi buồn.
Chờ cho ông nói tiếp, nhưng ông nói lời cáo từ. Vậy là tôi muốn nói
nhưng không có cơ hội để nói. Không nói cũng chả sao, tôi nghĩ, vì lúc
đầu tôi không định nói lại những gì ông Thực nói với tôi, cho dù có cơ
hội mà không nói ra cũng tốt, nói ra sợ rằng tôi chỉ thêm gánh nặng tâm
lí.
Lúc chia tay, tôi không quên nhắc nhở ông: “Ông bảo còn tư liệu cho tôi cơ mà?”
Ông “ồ” lên một tiếng rồi đến trước cái tủ sắt, mở ngăn kéo, lấy ra một tập hồ sơ, hỏi tôi: “Ở đại học, một thời gian cậu Trân có tên là Lâm, ông
giáo sư người Tây tên là Hinsh, anh đã nghe thấy bao giờ chưa?”
Tôi nói: “Chưa.”
Ông nói: “Con người này đã từng cản trở cậu Trân phá khoá tử mật, những lá
thư này là bằng chứng. Anh cầm lấy mà xem, nếu cần, anh photocopy.” Đây
là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với Hinsh.
Cục trưởng thừa nhận, ông không hiểu Hinsh lắm, biết được tí gì cũng chỉ là nghe nói. Ông nói:
“Hồi ấy Hinsh liên lạc với chúng ta, tôi đang ở nước Y để học hỏi kinh
nghiệm, lúc về tôi cũng không được biết, chỉ có tổ phá khoá tử mật được
tiếp xúc, lúc ấy do Tổng cục trực tiếp chỉ đạo, có thể họ sợ tôi cướp
công, cho nên giữ bí mật cả với tôi. Những thư này tôi xin được của một
vị lãnh đạo Tổng cục, nguyên văn bằng tiếng Anh, nhưng đều được dịch
sang tiếng Trung Quốc.”
Nói đến đây, ông Trịnh như sực nhớ ra:
“Tôi phải giữ lại nguyên bản tiếng Anh.” Tôi lập tức mở ra, chuẩn bị
chọn lấy bản tiếng Trung Quốc. Ngay lúc ấy tôi đọc được một bản ghi chép cuộc nói chuyện điện thoại: “Bản ghi điện thoại của Tiền Tống Nam”
giống như lời dẫn truyện, để ngay trên đầu tập thư, tất cả chỉ mấy câu
như sau.
Hinsh là nhà quan sát tình báo quân sự cao cấp làm thuê
cho quân đội nước X, tôi gặp ông ta bốn lần, lần cuối cùng vào mùa hè
năm 1970, về sau nghe nói ông ta và Phạm Lệ Lệ bị giam lỏng tại căn cứ
PP. Không rõ nguyên nhân. Năm 1978 Hinsh chết ở căn cứ PP. Năm 1981 quân đội nước X kết thúc giam lỏng bà Lệ. Năm 1983 bà Lệ đến Hồng Công tìm
tôi, mong tôi giúp làm thủ tục để bà ta về nước, tôi không đồng ý. Năm
1986, qua báo chí tôi biết bà Lệ đã về quê, quyên góp xây dựng một công
trình nhân đạo tại huyện Lâm Thuỷ. Nghe nói, hiện tại bà định cư ở Lâm
Thuỷ.
Ông Cục trưởng nói với tôi, Tiền Tống Nam là đồng chí của
chúng ta làm nhiệm vụ trung chuyển thư từ cho Hinsh ở nước X, là người
được tuyển chọn rất tốt để tôi hiểu Hinsh, nhưng đáng tiếc, anh này vừa
qua đời năm trước. Phạm Lệ Lệ nói trong lá thư là bà vợ người Trung Quốc của Hinsh, muốn tìm hiểu Hinsh bà ta sẽ là người tốt nhất.
Sự xuất hiện của của nhân vật Lệ Lệ khiến tôi vui mừng khôn xiết.