Giờ Đang Nơi Đâu

Chương 48: Chương 48: Tô giới công cộng (3)




Tuy nói vậy, nhưng Sở Vọng lại không có nhiều cơ hội ra ngoài với Chân Chân.

Hai ngày sau, họ hàng của nhà họ Lâm dần đến Thượng Hải.

Dù đến Thượng Hải thì phép tắc khác xưa, nhưng hầu hết họ hàng trong nhà vẫn rất bảo thủ. Đến biệt thự nhà họ Lâm chơi rồi được Lâm Du và bà Kiều đưa tới khách sạn gần đường số 2 ở, bọn họ có phê bình kín đáo về bữa tiệc kiểu mới của Lâm Du.

“Nam đinh nữ quyến trong nhà ngồi cùng phòng ăn uống trò chuyện thì còn ra thể thống gì nữa?” Một bà thuộc chi trưởng nhà họ Lâm nói.

“Trong nhà không có mẹ nên thiếu phép tắc lễ nghi. Chị nhìn hai con bé kia đi, còn là khuê nữ mà đã bị cha kéo ra khỏi khuê phòng tiếp khách, đúng là đáng thương.” Bà lẽ phòng ba nói.

“Các cô đừng có kén cá chọn canh, cũng do điều kiện có hạn thôi. Nhà hiện tại nhỏ hơn nhà họ Lâm ở Thiệu Hưng ngày trước nhiều, nhưng lại phải dựa theo phép tắc Thượng Hải. Bây giờ ấy hả, phương Tây du nhập vào Thượng Hải rất nhiều, làm gì còn tập tục cổ hủ của đại gia đình ngày xưa? Mấy năm trước hai con bé đến Hương Cảng, được con gái lớn phòng hai nuôi nấng, đương nhiên rất biết phép tắc quy củ rồi.” Bà cả phòng ba lên tiếng bênh vực.

“Con bé lớn đó, tài học xuất chúng, từ nhỏ đã nổi danh. Mấy năm không gặp, giờ con gái lớn rồi, tướng tá cũng phải nhất nhì đấy. Mấy ngày nay thấy nó tiếp khách rất ra dáng, không cậy thế cũng không luồn cúi. Nếu đi châu Âu với cha nó chừng hai năm rồi về, nói không ngoa chứ, đến lúc đó không đứa con gái nhà giàu nào ở Thượng Hải có thể so được với con bé…” Bà năm phòng ba cũng nịnh nọt.

“Các chị toàn nói cháu hai tốt, sao không thấy ai nói đến cháu ba? Nghe nói ở Hương Cảng, con bé còn vào đại học sớm hơn chị nó hai năm, có thể thấy cháu nó thông minh, trò giỏi hơn thầy… Tuy hai ngày nay con bé nói ốm nên không gặp khách, nhưng có một lần tôi tình cờ gặp nó khi uống nước…” Dì sáu phòng ba thấp giọng nói.

Có vài bà bác đã nghe nói đến cô con gái ba của nhà con trai trưởng chi thứ hai trong truyền thuyết, nhưng lại chưa gặp bao giờ, thế là châu đầu đến hỏi:

“Sao? Có đẹp không?”

“Cử chỉ có khôn khéo không?”

“Lớn lên trông giống mẹ hay giống cha hơn?”

Dì sáu phòng ba nhớ lại tình cảnh lúc mình gặp Sở Vọng. Bà lấy cớ đi thay quần áo để đi xem cô cháu ba kia trông ra sao, để sau này còn có chuyện mà nói với các bà trong phòng ba.

Cô bé ấy mặc áo lụa hồng cánh sen thêu hình hoa sen, gương mặt trắng mộc mạc, ngũ quan vẫn chưa phát triển hết. Vì nét mặt lạnh lùng nên trông khá bình thản, nhưng bù lại với chị gái đoan trang thanh lịch là cô bé có nụ cười đầy hoạt bát. Ở các gia đình giàu có, thường rất khó phân biệt được ai là tiểu thư ai là nha hoàn, phải dựa vào khí chất mới biết được. Tuy hiện tại khuôn phép trong nhà đã khác, nhưng chỉ cần nhìn một lần, từ khi chất biết ngay đây chính là cô ba.

Bà chưa từng gặp cô cháu ba này lần nào, cô bé trong lời đồn không thường xuyên lộ diện dù bị người lạ bắt quả tang nói dối cũng không rụt rè, còn đứng lại *suỵt* một tiếng, cười tít mắt, “Phu nhân này, mấy ngày qua người hầu trong nhà đều bận tít mắt, nếu dì muốn đi vệ sinh thì để cháu dẫn dì đi.”

Dì Lục đã quen luồn cúi nay được gọi là “phu nhân” thì rất vui. Nhớ lại chuyện ngày hôm đó, bà mỉm cười trịnh trọng tuyên bố với các phu nhân: “Nói về dung mạo thì cháu nó giống mẹ hơn, như vậy có thể tưởng tượng được, sau này ắt sẽ là đệ nhất mỹ nhân. Tuy có vẻ tinh nghịch nhưng nếu đem ra so thì chị nó không phóng khoáng bằng.”

Hoàng Mark có một căn hộ nhỏ trong khu nhà có thang máy tại tô giới, nên Kiều Mã Linh ở bên kia với anh, có điều chị cũng thường xuyên đến biệt thự nhà họ Lâm đánh mạt chược với bà Kiều và các bà khác. Từ khi nghe thấy dì sáu phòng ba khen em ba “ngày càng giống tiểu thư nhà họ Tô hồi xưa” “còn phóng khoáng hơn chị hai nó”, thì người đến nhà họ Lâm góp vui ngày một nhiều, muốn hỏi thăm bà Kiều chuyện của cô cháu ba này.

Bản thân bà Kiều chưa bao giờ cảm thấy Sở Vọng đáng yêu. Bị một đám đàn bà hỏi này hỏi nọ, bà moi ruột gan cũng chỉ nói được một chuyện “con bé rất đáng yêu, đáng yêu tới mức vợ của giáo sư trong trường ra ngoài du lịch cũng dẫn nó theo”, còn lại đều do Kiều Mã Linh kể chuyện.

“Là một cô bé rất biết tìm cách để người khác vui. Vì để may áo cưới giúp cháu, em ấy còn xin cha mẹ cho em ấy ra ngoài học, thậm chí còn học cả tiếng Pháp nữa, hiện tại nghe nói cũng được tương đối rồi. Về sau nghe nói em ấy được giáo sư vật lý của trường đại học Oxford nhìn trúng, cháu cũng không ngạc nhiên. Dù gì thì trong một năm cũng có thể thành thạo tiếng Pháp mà, không bắt bẻ gì được em ấy cả… Nhị đồng, xin lỗi, cháu ù rồi.” Kiều Mã Linh mỉm cười.

Các bà đâu có tâm tư chơi mạt chược, nên dù thua cũng không buồn quá. Qua miệng của mấy người họ hàng, bà Kiều có thể nhận ra bọn họ đang âm thầm so sánh hai cô bé với nhau, nhưng vì không thể nâng bên này hạ bên kia, cộng thêm thua liên tục nhiều ngày nên càng không thoải mái. Đánh bài với trưởng bối vốn là dỗ người ta vui vẻ chứ đâu không mơ thắng, thế mà Kiều Mã Linh bỗng trở thành người thắng liên tiếp mấy hôm, về đến nhà lại nơm nớp lo sợ, Hoàng Mark đành an ủi: “Ngày mai chúng ta đến cửa hàng mua quà tặng mẹ và các dì là được.”

***

Sở Vọng nhìn ra đường số 2 ở xa, hắt hơi một cái.

Hai ngày qua họ hàng đến đây khá nhiều, hồi đầu Sở Vọng còn miễn cưỡng phân ưu với Lâm Du. Nhưng người càng nhiều, càng có người đến vì “tài học” của hai cô con gái nhà ông. Có một ngày học trò của Lâm Du đến cửa chào hỏi, đã đề cập đến một câu: “Nghe nói con của thầy ai cũng tài hoa hơn người; anh Tử Đồng thì còn một năm nữa mới tốt nghiệp, nhưng bây giờ đã được lên hàm thiếu úy; em Doãn Yên đang ở tuổi ăn học, thế mà nhiều lần có thơ được đăng trên báo “Tân Thanh Niên”…”

Cứ nhắc đến thơ là Sở Vọng biến sắc, để đề phòng xuất hiện lại chuyện “làm thơ thi đấu” như hồi ở nhà cũ, không đợi học trò của cha đắc ý chỉ đích danh khen mình, cô đã nhanh như chớp lẻn vào trong khách khứa mất tăm mất tích, mấy ngày sau cũng lấy cớ bị ốm, nằm trên tầng hai không gặp khách. Tất cả việc nhà đều vào tay Lâm Du và Lâm Doãn Yên, tuy sẽ bị cái tội “ham ăn biếng làm” nhưng cũng không sao.

Chỉ cần không bắt cô làm thơ là được rồi, còn những chuyện khác cô không quan tâm…

Có điều nếu bị bệnh nằm liệt giường thì sẽ không đi chơi được. Cả ngày nằm bẹp dí trong nhà, cô chỉ biết nghiên cứu ống dẫn nước nóng. Lần đầu tiên Sở Vọng bị sốc là khi biết giá than đá không tăng mà đã có hệ thống “cung cấp nước nóng” đầy nhân tính như vậy; vặn vòi nước ra, lần thứ hai bị sốc là khi nước ấm chảy ra, ống dẫn nước được dấu bằng chữ H phát ra âm thanh gầm rú như địa ngục, nhưng sấm to mà mưa nhỏ, chỉ có vài giọt nước đỏ rỉ sét nhỏ *tong tong*.

Mạng lưới cấp nước ống nhánh có điểm yếu là thế đấy. Áp lực chỉ lên đủ đến tầng hai, làm thế nào mà lên được cả tầng ba và bốn nhỉ? Sở Vọng đưa ra kết luận.

Hai ngày sau đó, cô dành thời gian đọc sách giáo khoa môn phiên dịch trong học kỳ này. Có thể vì để bớt việc đi mà người biên soạn sách đã viết nội dung rất “đỉnh”: bài một – dịch “Trần Tình Biểu”; bài hai – dịch “Xuất Sư Biểu”. Bài tập cuối khóa: sinh viên thực hành phiên dịch một đoạn trong đó rồi nộp lên. Sở Vọng thử viết câu đầu tiên “your servant mi state…”, lập tức gục xuống bàn gào khóc: Đúng là trốn được cuộc thi làm thơ, nhưng lại không trốn được nhu cầu bằng cấp.

Cô nhìn ra ngoài cửa sổ, ở bên kia khu vườn có người có thể thực hiện được công việc này. Chỉ là mấy tối nay ở dưới lầu có các bà chơi mạt chược với nhau, cô ở trên lầu nghe nói bà hai Sachiko Tanaka sinh cho Ngôn Tang một cậu em trai, tên là Ngôn Bách, cũng đã mấy ngày rồi. Nên biệt thự bên kia cũng bận tối mắt.

Sở Vọng chỉ thoáng trông thấy anh hai lần. Lần đầu là thấy anh đem con gấu kia lên xe rồi đi ra ngoài, lần thứ hai là tiễn khách ra về. Lần thứ ba, hình như anh biết phòng của Sở Vọng là phòng nào, thế là viết rõ ba từ tiếng Đức lên giấy, trắng trợn giơ lên ngoài cửa sổ phòng cô. Trên tờ đầu tiên ghi chữ krank (bị bệnh), tờ thứ hai ghi fur die gäste (vì khách), tờ thứ ba chỉ vẽ một dấu chấm hỏi (?). Thấy Sở Vọng trông thấy, anh cười hì hì đi bộ một lúc rồi lập tức biến mất. Để tránh tị hiềm nên đã nhiều ngày hai nhà không gặp nhau, nhưng dù vậy anh vẫn chơi trò này rất vui vẻ.

Kể ra vẫn phải cám ơn Lâm Tử Đồng. Ngày anh ta về, Lâm Tử Đồng đã thu hút ánh mắt của các cô các bác giúp Sở Vọng. Mấy năm trước nghe Tạ Di Nhã kể các chị nhà mình “giật mình” khi gặp Lâm Tử Đồng, còn bây giờ đã hai năm trôi qua, người anh cả nhà họ Lâm càng trầm ổn chính chắn. Mặt mày khôi ngô, ánh mắt cương trực, vóc dáng kiêu ngạo, áo thanh niên màu cọ sẫm mặc trên người khiến anh trông hệt như một khẩu súng.

“Đến Thượng Hải lâu thế rồi mà không về nhà, là đến nhà họ Hứa trước à?”

“Đã gặp cô tư Hứa chưa?”

“Nghe nói từ nhỏ nhà họ Hứa đã mời thầy Ngô Mai đến dạy bốn cô con gái hát hí khúc. Ngoài hát hí khúc ra thì còn biết gì nữa?”

Trong tiếng cười đùa của các cô các bác, Lâm Tử Đồng không hề cười. Anh chào hỏi qua loa rồi đi thẳng lên lầu, không đến phòng của Doãn Yên ở cuối mà lại gõ cửa phòng Sở Vọng, hỏi: “Em ba, anh vào được không?”

Sở Vọng thu dọn sách giáo khoa, mời anh ta vào ngồi xuống cạnh bàn.

Lâm Tử Đồng bước hai ba bước đi vào, ngồi ngay ngắn trên ghế, “Em vẫn không thích ồn ào như xưa.”

Sở Vọng mắt to trừng mắt nhỏ với anh, chỉ cảm thấy không khí quá quái dị, đành tốt bụng nhắc nhở: “… Anh cả à, em, là em ba.”

“Ừ, anh biết.” Lâm Tử Đồng gật đầu: “Tới thăm em không được à?”

Sở Vọng ngượng ngùng cười, “Dĩ nhiên là được.”

“Ngôn Tang nghe nói em bị bệnh, nhưng đợt này lắm người lắm miệng, sợ người ta chỉ trỏ nên không tiện đến thăm, cho nên mới nhờ anh đến đây. Bị cảm lạnh à?”

Sở Vọng cười nói, “Có hơi hơi.”

“Hay chỉ là không muốn gặp khách?”

Sở Vọng cười ha ha giả ngớ ngẩn đánh trống lảng, “Cũng có.”

“Gần đây trong nhà nhiều họ hàng, Ngôn Tang cược với anh xem em bị bệnh thật hay là viện cớ tránh gặp người ta. Thì ra là giả vờ.”

Sở Vọng cười gượng: “Cám ơn anh cả đã quan tâm.”

“Ừ.” Lâm Tử Đồng cúi đầu trầm ngâm.

Im lặng, vẫn là im lặng.

“Nghe cha nói em không định đi châu Âu, vì sợ trễ nải chuyện bài vở?”

“Vâng ạ.”

“Có chủ trương của mình như thế là tốt.” Lâm Tử Đồng khen. Một lúc sau, anh lại hỏi, “Vẫn định ở chỗ của bác cả à?”

“Em không biết nữa.” Sở Vọng đáp.

“Nếu ở chỗ cô út thì sẽ dễ chịu hơn ký túc xá trường.” Lâm Tử Đồng nói.

Sở Vọng ngơ ngác gật đầu.

“Cần giúp gì thì cứ nói với anh.”

“Cám ơn anh cả.”

Nhìn Lâm Tử Đồng đứng dậy rời đi, mấy cô mấy bác bên dưới lại lôi anh đến cười đùa. Mấy phút sau, anh lại vòng về hỏi dò, “Ngôn Tang vẫn chưa biết chuyện em không đi châu Âu đúng không? Cậu ta vẫn tưởng là em đi cùng.”

Sở Vọng thở dài, “Vâng. Em sẽ nói với anh ấy sớm.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.