Giống Rồng
Tác giả: Nguyễn Khai Quốc
Hồi thứ mười một:
Phá đồi cọ, Gã Quỷ chém rắn hổ.
Vượt ải tử, Thứ sử khóc tôi hiền.
Chương 11.5 Lão tướng già và tâm tình của kẻ đi xa
Chung Đạt vội vàng lấy ngựa của tay giám quân đi cùng Toán Hoa Tài thúc ngựa vào trong La Thành hỏi Vương thứ sử về người Man Hoàng, Dương tù trưởng. Lão tướng họ Kiều khéo lời khiến thứ sử họ Vương đành phải nói hết những bí mật mà sáu bảy năm nay người châu Phong đã bị che mắt.
Cánh quân phía tây dọc từ Tản Viên xuôi theo Hát Giang đổ ra cửa Đại An châu Trường hết thảy nằm dưới sự chỉ huy của họ Dương ấy. Lời nói của Thăng Triều như ngàn tên bắn, vạn con ong đốt sưng tấy khắp cơ thể họ Kiều.
Kiều lấy làm ấm ức bởi mình đã bị lừa gạt trong suốt chừng ấy năm. Mọi việc châu Phong đều do một tay Thăng Triều cùng đám bộ tướng Lý Do Độc, Hỏa Cước Tốc định đoạt. Toán Hoa Tài cùng Chung Đạt chỉ là những quân tốt thí trong ván cờ do họ Vương dựng lên với dã tâm chiếm đoạt Tống Bình từ lâu.
Suốt một tuần liền, Chung Đạt bỏ về Mê Linh, Thăng Triều cho gọi cũng không tới diện kiến họ Vương. Họ Kiều ở trong phủ suốt ngày, cáu gắt giận dữ với đám gia nhân nên khi họ Vương tới thăm hỏi cũng mượn bọn gia nhân ra mắng chửi, tỏ ý đuổi viên thứ sử đi.
Họ Vương thừa hiểu lòng dạ Chung Đạt nên đã dùng gái đẹp, lụa là, vật hiếm của lạ mang tới lại cho người viết một lá thư khéo nhắc nhở Chung Đạt chớ quên những tâm nguyện ngày trước khi hai người trai trẻ hằng mong. Họ Vương ở lại trong phủ một ngày, Chung Đạt chẳng chịu ra tiếp đón. Họ Vương đành cởi bỏ mũ áo, xắn cao tay áo, ống quần, búi tóc củ hành, lấy bầu rượu ngồi trên chõng tre trước cửa gian phòng của Chung Đạt mà kể hết lòng dạ.
Chung Đạt khi đầu quát mắng, sau đó lại dịu dần theo mạch diễn thuyết của họ Vương. Nhìn qua khe cửa gỗ, ánh sáng lập lòe, làn hương thơm dễ chịu bay vào khiến Chung Đạt bỗng thấy mềm lòng trước họ Vương.
Canh ba gió lạnh, Thăng Triều ngồi dựa vào cột hiên trước gian nhà mà chiếc áo choàng đã rơi xuống từ bấy lâu. Chung Đạt lòng nóng như lửa đốt ở bên trong dẫu muốn mở cửa để mời Vương thứ sử vào trong nhưng lý trí lại không cho.
Bọn con gái đứng trực chờ ở gian trước cũng đã mệt nhoài, co ro ôm lấy nhau mà ngủ từ bao giờ. Mấy gánh lụa là, vật hiếm của lạ lăn lóc chỏng trơ ngoài hiên nhà.
Có tiếng quân lính chạy xộc thẳng vào trong phủ họ Kiều, khua khoắng đêm khuya. Thăng Triều lạnh vai tỉnh dậy lấy chiếc áo choàng khoác lên mình, ngồi nghiêm nghị trên chõng tre nghe tin báo:
Bẩm chủ tướng. Phía triều đình đã rốt ráo mang quân áp sát các trại quân của ta. Phía Lục Châu quân bản bộ tám nghìn, kỵ mã chín trăm đã vượt sông Kinh Thầy vào tới đất huyện Chu Diên. Đóng quân ở Hải Môn quan là đội quân ba vạn lính do Hàn Ước nắm giữ, dưới quyền còn có viên tướng đầy mưu lược là Mã Thực.
Từ phía bắc châu Bình Nguyên các đạo quân từ đất Quảng Châu, Quế Châu đã đánh lui các đạo quân Nam Chiếu áp sát đến bờ đông sông Lô. Thành trì các huyện Lục Thủy, Thang Tuyền ở Thang Châu đã rơi vào tay quân Triều Đình.
Các huyện Hàn Thành, Lạc Quang, Đa Vân ở Chi Châu, các quan ở đó hết loạt trở mặt với quân ta chém chết phân nửa số binh lính Man Hoàng đóng trại ở phía tây bắc Nà Lữ. Quân của Trương Sang, bộ tướng của Long Trạch từ khi bỏ thành Nà Lữ đã huy động được số quân lên tới bảy nghìn người đánh sập hai cửa thành phía đông và phía bắc.
Lính quân ta trong thành chống cự suốt ngày hôm qua, nay đành phải rút về phía nam. Tình thế nguy cấp mong chủ tướng ra ý dụ.
Thăng Triều bình tâm hỏi han kỹ lưỡng quân tình. Chỉ trong hơn nửa canh giờ, có đến năm người chạy ngựa tới báo tin. Quân tình cấp bách, Thăng Triều đành phải trở về Tống Bình cho gọi đám sĩ tướng tới bàn chuyện.
Chung Đạt nhìn Thăng Triều trong cơn nguy nan mà vẫn bình tâm dặn dò đám gia nhân trong phủ lo liệu, chăm sóc chu đáo cho Chung Đạt. Họ Kiều đắn đo hồi lâu rồi lấy áo giáp, mũ sắt khoác lên người, giữa đêm khua thương hò hét đuổi theo Thăng Triều.
Tới La Thành trời đã mờ sáng, lời nói oai dũng của lão tướng họ Kiều vọng tới điện phủ trong thành. Thăng Triều mừng rỡ cùng các tướng ra đón Chung Đạt.
Tay bắt mặt mừng, Chung Đạt quỳ trước mặt Thăng Triều, giọng đầy quyết tâm:
- Tề gia trị quốc kể chi những chuyện nhỏ nhoi, lòng dạ hẹp hòi đó. Là ta đã quá đặt mình lên cao mà quên mất Thăng Triều vẫn luôn coi ta là bằng hữu, là chí cốt tâm can. Nguyện dốc hết sức đánh dẹp đám ác gian.
Chí Liệt cùng lúc đó mang bảy nghìn quân bản bộ cùng các tướng Phạm Đan, Liêu Đức Thinh, Đặng Hoài từ huyện Vũ Bình đi tới hội quân.
Phía châu Trường, Dương Thanh sai bộ tướng là Đào Tung, Nguyễn Bẻm, Đổng Hùng dẫn theo năm nghìn quân tăng viện cho số quân đóng ở miền châu thổ đề phòng đám quân Vũ An Châu nổi loạn phản lại quân châu Phong.
Từ Man Hoàng, Lý Toàn cùng với Mã Tước cầm đội quân một vạn rưỡi tới bờ nam sông Lô dọc từ huyện Gia Ninh tới châu Bình Nguyên tạo thành phòng tuyến đủ sức chống phá các đợt phản công của quân triều đình.
Đỗ Sĩ Giao ở châu Phong nghe ngóng viết một lá thư cho Dương Thanh và Ma Cao Dực ý muốn hai người ấy hòa hảo với quân Nam Chiếu, Ai Lao cùng bọn Đoàn Uyển Châu Ái, đợi khi thời cơ chín muồi thì mới nên động binh.
Ba ngày sau, quân đội của Thăng Triều đẩy lui được các cuộc tấn công của quân triều đình từ phía bắc tràn xuống. Quân của Hàn Ước phải lui về châu Ung, châu Quảng cách biên giới chừng hai trăm dặm.
Thăng Triều ở Tống Bình bớt đi mối lo phía bắc, tập trung binh lực từ châu Phong đổ về Giao Châu bảy huyện. Châu Phong được dồn binh từ đất Lâm Tây, Man Hoàng do Lý Do Độc cùng Đinh Tráng trấn giữ phía sau phòng tuyến của đội quân họ Dương.
Quân lính triều đình suốt ba tháng mùa đông không thể chiếm được thế thượng phong đành lui quân sâu vào trong đất Giang Đông. Duy chỉ có đội quân của Mã Thực quyết định bỏ đất châu Ung về phòng thủ ở châu Lục vốn đã được họ Mã bình định từ khi Lý Nguyên Hỷ bỏ bê đất ấy cho Man Hoàng và Hoàn Vương quấy phá.
Họ Mã trẻ tuổi bình sinh tính tình hòa nhã nên đã viết thư xin hòa với họ Vương. Chí Liệt cùng Chung Đạt cương quyết muốn mang binh đánh dẹp đi đất châu Lục nhưng họ Vương cho điều đó là trái đạo nên không mang quân đi đánh dẹp, chấp thuận ý nguyện cầu hòa của họ Mã.
Mùa xuân năm Mậu thân (828), Vương Thăng Triều đã thu toàn bộ đất Lĩnh Nam về một mối, các tướng sĩ được chia đất, phong thưởng.
Riêng chỉ có người của Dương Thanh và họ Đỗ vẫn giữ nguyên các chức cũ, được thưởng vàng bạc, vải vóc mà không phong thêm đất. Các tướng dưới trướng Dương Thanh vì thế mà không phục họ Vương, liên tục dâng lên Dương Thanh lời lẽ khinh miệt.
Họ Dương nghe lời Đỗ Sĩ Giao vỗ về các tướng sĩ rằng:
“Chừng ấy năm nương nhờ họ Vương, muôn trùng hiểm họa rập rình. Vậy mà Thăng Triều đó dám đứng ra hứng chịu mọi nghi ngờ của đám quan lại triều đình, hết sức nâng đỡ che chở cho ta. Người như vậy mới đáng bậc tôn trưởng trung nghĩa.
Ta dốc lòng này đánh đuổi kẻ bạo tàn, phò dân giúp nước cũng là cái vinh quang của bản thân ta. Nếu chẳng phải có Thăng Triều mà các ngươi mới được mặc chiếc áo quan thơm phức, đội chiếc mũ giáp ánh kim. Nhìn xem các ngươi đã làm được gì cho dân cho nước hay chỉ ở đó mà so bì với kẻ khác về chức tước lợi lộc.
Há các tướng lại không thấy hổ thẹn khi nhìn vào Thăng Triều mà lại sinh lòng đố kỵ, không phục. Người sinh lòng đó chẳng phải là bất nghĩa bất trung hay sao.”
Lời vỗ về của Dương Thanh khiến bọn tướng sĩ dưới trướng kẻ nào kẻ nấy không dám bàn tán ra vào nữa.
Biết được Dương Thanh trấn an được đám binh tướng dưới quyền toàn tâm toàn ý cho bờ cõi An Nam nên Vương Thăng Triều càng thêm nể phục. Thăng Triều viết lá thư ngỏ ý muốn mời Dương Thanh tới đất Tống Bình nhưng họ Dương đáp lời chưa phải lúc để trở về Tống Bình nên xin khất tới dịp khác. Thăng Triều biết lòng dạ của Dương Thanh nên cũng không ép họ Dương trở về Tống Bình.
Ngày giữa tháng ba, cái rét không còn siết da siết thịt, Thăng Triều trở về châu Phong thăm nom con trai Thăng Hùng và cháu đích tôn Thăng Bình. Được vài hôm ngắn ngủi, việc quân chẳng thể ở lại thành Bạch Hạc được lâu, Thăng Triều dặn dò Hỏa Cước Tốc chăm lo việc châu Phong cho chu đáo, để mắt tới đám người của Dương Thanh còn đang bị giam lỏng.
Yên lòng, Vương Thăng Triều mang theo hai đôi hạc đồng, đi theo phía nam qua huyện Thái Bình, châu Nam Tà vãn cảnh rồi mới trở về La Thành.
Đi qua huyện Hoằng Giáo, có bãi đất nhô cao, cỏ xanh mượt mọc cao ngang thắt lưng, bia đá nham nhở, cỏ rêu bu kín sừng sững giữa trời như thể có bàn tay con người dựng lên. Nóc bia thẳng đứng vút ngược bầu trời, thấy điều kỳ lạ Thăng Triều liền cho người ngựa dừng lại.
Bỗng có hai con chim quạ đen trùi trũi bay tới đậu lên bia thì lông trên người chúng rụng hết chỉ còn đám lông ống phía đuôi và hai sải cánh.
Bọn lính đi theo ngửi thấy mùi lạ liền hô hào cho cả đoàn người chạy đi. Thăng Triều lấy vạt áo che mũi, tiến tới bia đá, hai con chim quạ kêu éc éc rồi đập cánh bay đi. Đám lông của chúng vương trên bia, Thăng Triều lấy tay gạt lông quạ đi thì hiện lên hai dòng chữ lớn:
“Mặt trời chí lớn ngả tây,
Ánh trăng sáng rọi gọi ngày qua đêm”
Rồi phất phơ một làn gió nhẹ thổi qua, hương thơm dễ chịu xông vào tận óc khiến Thăng Triều lơ mơ bước lên đồi cỏ. Đám lính trông theo chủ tướng mà sửng sốt, há hốc miệng khi nhìn thấy viên thứ sử đang bồng bềnh trên mặt cỏ, nhẹ giẫm lên mây trắng lướt đi như thần nhân giáng trần.
Tiếng sấm rền ngang tai, những giọt mưa đầu mùa rơi xuống lạnh thấu da thịt. Bọn lính tráng vội chạy đến chỗ Vương Thăng Triều dìu vào xe ngựa toan đi thẳng về Tống Bình.
Viên tỳ tướng là Hà Dĩ nhìn bia đá sáng rực lên rồi nhuốm màu đen kịt trong làn mưa, khuôn mặt hình thù kỳ quái hiện ra trước mắt. Hà Dĩ dùng kiếm chém gãy đôi bia đá, có dòng nước đen từ trong bia chảy ra, tiếng quạ kêu the thé bên tai.
Cảnh tượng khiến cả đám quân hãi hùng, vội thúc ngựa đi về phía đông. Có tiếng cười vang vọng theo đoàn người ngựa của Thăng Triều:
- Bậc minh chủ há lại khinh miệt kẻ sĩ. Tâm bất minh, kẻ dưới dạ không sáng.
Thăng Triều trở về La Thành ốm liệt suốt bốn ngày bốn đêm. Đến đêm thứ năm, Chung Đạt mang theo thầy lang họ Lý tới La Thành.
Bắt mạch kê đơn, Lý Lang Mộc nói với đám gia nhân chỉ cần thứ sử tĩnh dưỡng, đến canh tỵ ngày mai sẽ tỉnh táo.
Chung Đạt lấy làm kỳ lạ hỏi Lang Mộc. Thầy lang lưng đã còng rạp, đôi chân yếu mỏi, ngồi xuống ghế đẩu, miệng móm mém nhai miếng trầu không phân giải cho Chung Đạt nghe:
Đó là dị tà của đám người huyện Hoằng Giáo. Xảo thuật ấy thường được bọn mãi võ trong thành sử dụng. Người làm được đến độ thuần thục như vậy chắc hẳn không phải người thường.
Theo lão thấy thì thứ bùn đen mà Hà Dĩ tướng quân chém phải là hỗn hợp của thạch tín, lá giáp trúc đào cùng cây độc xứ Lâm Tây trộn với bùn.
Mùi hương mà Hà Dĩ tướng quân kể lại đó rất có thể là loài dạ hương, thường mọc nhiều ở vùng đó, chỉ cần hít một lượng nhỏ cũng có thể khiến người ta toàn thân mê muội vô thức. Như lời Hà tướng quân kể lại thì đám chim quạ ở đó còn rụng cả lông nên ta đoán chắc chính là thứ hoa ấy.
Khi ta từ châu Phong tới La Thành có đi qua chỗ đó, nghe dân làng ở đó kể lại thì trước đó vài ngày có một người tướng mạo hiền lành, chất phác tự giới thiệu là Phong Hùng có qua chỗ ấy, dựng lên bia ở mô đất cao đó, nói với dân làng rằng sẽ có quý nhân đi qua đất làng nên mượn chỗ mô đất đó để đón khách.
Đúng như lời anh ta nói, Vương thứ sử đi qua chỗ đó nhưng anh ta lại bỏ đi trước đó vài canh giờ trước. Mọi người trông thấy anh ta đi về phía đông nam. Bia sơn màu đá nhũ nhưng kỳ thực là gỗ bọc bùn độc. Đây là một kế hoạch hòng giết hại tướng chủ.
Lang Mộc còn đang dang dở câu chuyện bỗng Chung Đạt thấy trong đầu chếnh choáng, bụng đau dữ dội nằm lăn ra sàn thoi thóp.
Đám tùy tùng trong phủ đỡ Chung Đạt lên chiếc sập. Sắc mặt Chung Đạt xấu bảy phần, Lang Mộc bắt mạch, lấy tay ấn nhẹ vào bụng của Chung Đạt liền lắc đầu nói nhỏ vào tai viên phó thứ sử:
- Bệnh tình của đại nhân đã đến độ rất xấu, dị thể mọc to ở trong bụng chèn ép lục phủ ngũ tạng. Nói ra mong đại nhân thứ tội, chớ suy sụp tinh thần. Lão e rằng đại nhân không qua khỏi.
Chung Đạt nhẩm tính trong đầu, kể từ ngày thầy tướng họ Đàm rời khỏi La Thành cũng đã được gần trăm ngày. Chung Đạt càng tỏ ra tiếc nuối, tiến lại gần chỗ Thăng Triều mà khẽ nói những lời chăng chối.
Thăng Triều nằm trên giường mà đôi dòng lệ ướt đầm đìa gối chăn, tay cố nắm chặt lấy Chung Đạt.
Ngày sau, như lời lão lang Lý, Thăng Triều tỉnh dậy sau suốt những ngày đêm miên man trong trướng rủ màn che.
Nghe binh tình phía biên ải có biến, Hàn Ước lần này mang theo năm vạn rưỡi binh lính hòng đoạt lại dải đất Lĩnh Nam. Thăng Triều tìm tới phủ của Chung Đạt để dò ý.
Chung Đạt nghe vậy liền bật dậy, cầm thương, mặc giáp xin cầm quân tiên phong đánh đuổi quân họ Hàn. Thăng Triều một mực can ngăn không cho. Khi lên điện phủ, các tướng sĩ mặc dù miệng nói nể phục ý chí của lão tướng họ Kiều nhưng hết thảy đều không muốn cho họ Kiều đang mang trọng bệnh xung trận.
Tháng tư, mùa hè Mậu thân năm ấy, cánh quân tiên phong của quân đội triều đình do tướng Quách Thôi xâm lấn tới bờ cõi Thang Châu. Tướng người Lão của Thăng Triều là Đột Xuân chém chết tướng giữ thành huyện Hoa Thanh châu Lục, hòng uy hiếp Mã Thực.
Mã Thực đành phải viết thư cho Hàn Ước nghị hòa thêm một thời gian nữa. Hàn Ước không nghe, sai Quách Thôi, Bồ Quan Thức dẫn quân tiên phong vượt trấn Hải Môn đi hai đạo thủy bộ đánh vào miền trung du, tỏa khắp các sông lớn nhỏ phía trước tiền đồn châu Lục của Mã Thực.
Ở La Thành, đếm số ngày còn lại trước về cõi cực lạc, Chung Đạt không yên lòng đứng trước toàn quân tỏ rõ ý nguyện được cầm thương đánh giặc lần cuối :
- Số trời đã định, ta sẽ chẳng còn được sát cánh cùng chủ công, cùng các vị huynh đệ. Đêm qua ta nằm mộng thần nhân nói với ta rằng ta chỉ còn bốn ngày nữa. Số ngày ít ỏi đó có thể không thể làm nên thắng thua toàn cục nhưng ta quyết chiến đấu với bọn giặc cỏ ấy đến hơi thở cuối cùng. Còn hơi thở ta sẽ còn cầm mũi giáo đâm chết kẻ địch.
Toàn quân xúc động trước khí dũng lão tướng quân, ai nấy đều hô vang tên của lão tướng quân. Thăng Triều đành thuận theo ý nguyện của Chung Đạt, sai Toán Hoa Tài cùng hai viên phó tướng mang theo năm nghìn lính vượt sông Như Nguyệt hòng đánh tan đội quân tiên phong của Hàn Ước.
Giáp trận, Kiều Chung Đạt ôm bụng đau dữ dội, các tướng đều khuyên ông trở lại trại binh để dưỡng sức, khi đủ sức lâm trận cũng chưa muộn. Chung Đạt không nghe theo, tay ôm bụng, tay cầm huyết thương chém chết năm mươi tên địch.
Giữa trận gặp tướng địch là Bồ Quan Thức mang đao lớn chém Toán Hoa Tài thì bị lão tướng Chung Đạt dùng mũi thương chém bay đầu. Đám lính triều đình trông thấy lão tướng bụng to, đầu không mang mũ sắt, tóc rụng nửa đầu uy dũng chém chết tướng mà nhốn nháo bỏ hàng ngũ chạy về phía bắc.
Cùng lúc đó Quách Thôi hợp với đội quân huyện Ô Lôi châu Lục lên đến tám nghìn lính đi từ huyện thành huyện Hải An tới tăng viện. Toán Hoa Tài cùng hai viên phó tướng thấy khó lòng địch nổi sức giặc liền hô quân chạy về phía tây nam.
Chung Đạt thấy quân rút về liền quay lại chặn địch, chém chết hơn hai trăm quân lính của Quách Thôi. Toán Hoa Tài quay lại trông theo thì Chung Đạt đã bị quân lính vây kín, người ngựa tạo thành nhiều vòng, nhiều lớp. Gạt nước mắt, cơn giận dữ, Toán Hoa Tài đành cho quân rút về bờ sông Như Nguyệt.
Kiều Chung Đạt một mình xoay sở giữa vòng vây nghìn quân địch, gào thét, chém giết vô số kể. Đám lính chỉ dám chạy vòng quanh mà không kẻ nào dám xông tới.
Chung Đạt cười lớn, giương thẳng ngọn thương chỉ lên mặt trời đứng bóng. Tiếng ngựa hý vang, mũi tên phóng ra trúng đầu chiến mã, cả người vào ngựa ngã nhào xuống đất. Chung Đạt rút mũi tên trên đầu ngựa, vuốt mắt nó yên giấc, tay cầm thương ôm lấy bụng đau đớn, tay còn lại phóng tên về phía Quách Thôi. Mũi tên bị chém gãy đôi nằm dưới mặt đất lầy lội.
Quách Thôi xông lên dùng kích chém đứt đôi người lão tướng Chung Đạt. Chung Đạt ngước mặt lên trời, tay giữ chặt huyết thương. Phần dưới cơ thể đổ ra, máu lênh láng khắp mặt đất. Phần trên cơ thể lão tướng rơi xuống mặt đất, những con bọ xanh trắng từ ngũ tạng chạy ra bò lổm nhổm trên đất, bâu lên mặt mũi, tay chân quân lính. Quân lính triều đình lấy làm kinh hãi bỏ chạy về thành huyện Ô Lôi.
Chỗ đất nơi Chung Đạt ngã xuống, một gò đất cao đùn lên, con nước mang theo hạt giống mọc lên cây sung cao lớn, che phủ cả một quãng sông.
Vương Thăng Triều nghe tin Chung Đạt anh dũng nằm lại nơi chiến trường, khóc thương suốt mấy ngày, sai tám nghìn binh mã đánh vào huyện Ninh Hải châu Lục, mong giết chết Quách Thôi để trả thù cho họ Kiều.
Khi tới núi Lôi Âm quân triều đình tăng viện thêm bảy nghìn lính, Thăng Triều đành rút quân về.
Họ Vương cho người lập điện thờ bên chỗ gò đất Chung Đạt nằm xuống. Từ bấy giờ, quân lính, dân chúng hễ đi qua chỗ ấy đều thắp nén nhang thơm dưới gốc cây sung lớn với tất cả lòng mến mộ thành kính.