Giống Rồng

Chương 56: Chương 56: Lý Toàn lâm nguy




Giống Rồng

Tác giả: Nguyễn Khai Quốc

Hồi thứ mười hai

Thành Phục Hòa Lý Toàn giết sói lang.

Mất tướng tài quân châu Phong sinh loạn.

Chương 12.1 Do Độc gặp nạn, Lý Toàn lâm nguy

Thế quân Giao Châu dễ loạn, nhận thấy điều ấy Vương Thăng Triều ra lệnh cho các tướng giữ binh ở các thành lũy không được tự ý mang binh đi đánh quân triều đình. Thăng Triều nghe lời Chí Liệt chuyển từ thế công sang thế thủ, quyết sống chết giữ thành trì, lũy ấp.

Đội quân triều đình của Hàn Ước hành quân tới các quan ải chia ra hơn hai mươi đạo binh mã lần lượt đánh chiếm các thành ấp, đem tiền bạc của cải ra dụ đám người mọi rợ chống lại quân đội của họ Vương. Phân nửa các ấp trại tiền đồn đều bị người Nùng, người Mông ngả theo quân đội triều đình quấy phá. Các trại quân của họ Vương đều phải lui về phía nam đến hơn trăm dặm.

Vương Thăng Triều gửi thư muốn Dương Thanh mang binh tiếp viện để chống lại sức quân triều đình, Dương Thanh lập tức mang một đội binh mã hơn một vạn người từ châu Trường tới Tống Bình.

Các tướng Tồn Thăng, Đặng Hoài được tăng thêm binh mã mỗi cánh quân năm nghìn người, Thăng Triều đẩy cánh quân hai vạn binh của Toán Hoa Tài lên phía trước để nghênh địch, đóng dọc theo phòng tuyến sông Như Nguyệt. Toàn bộ bố phòng phía sau đều do Dương Thanh và Dương Chí Liệt nắm giữ.

Họ Vương biết mình chỉ còn có thể nhờ cậy cha con họ Dương nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt, phát thêm quân lương từ châu Phong cho Trường Châu, các huyện phía tây Tống Bình.

Thăng Triều phong cho các tướng dưới trướng họ Dương thêm các chức sắc cao hơn, Chí Liệt làm trung lang tướng, lãnh toàn bộ binh mã Giao Châu, Dương Thanh được phong làm Đô đốc Giao Châu, Trường Châu thứ sử quyền hành chỉ kém Thăng Triều.

Các tướng Ma Cao Dực, Đỗ Tồn Thăng, Đỗ Phụng Quán, Đặng Hoài, Mã Tước đều được phong thêm đất đai, binh lính, mỗi người được tăng hai ba bậc quan phẩm.

Ở Châu Phong bấy giờ, Vương Thăng Hùng ngờ nghệch, Hỏa Cước Tốc Đinh Tráng là kẻ thuận theo chiều gió mà dần dần nghe lời đám người họ Đỗ. Đỗ Sĩ Giao viết thư cho Vương Thăng Triều phong cho làm Phong Châu mục, người em Đỗ Sĩ Hoàng làm phòng đông đô úy, binh quyền trong tay Lý Do Độc bị anh em Đỗ Sĩ Giao nắm tới hai phần, ba phần còn lại họ Lý mang theo về đến đất Lâm Tây tự dựng lũy ấp.

Triều đình mới lập vua mới còn trẻ tuổi nên bị hoạn quan lộng hành, Hàn Ước xin chiếu đánh dẹp Thăng Triều năm lần đều bị khước từ.

Họ Hàn bàn với Mã Thực sai các tướng dưới trướng liên tục quấy phá các đồn trạm của họ Vương nhưng bị đội quân tăng viện của họ Dương ở Giao Châu đẩy lui.

Trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, Mã Thực đành viết bản tấu sớ dâng lên triều đình. Bấy giờ Đường Văn Tông đang phải lo lắng đám quan hoạn nên các tấu sớ của Mã Thực gửi tới triều đình đều do viên tể tướng Hàn Lâm học sĩ Vi Xử Hậu xét duyệt.

Họ Vi biết được Văn Tông không có lòng muốn giữ mình ở lại trong triều nhưng trước đám quần thần lại luôn tỏ ra muốn giữ họ Vi bằng mọi cách. Nhân lúc Đường Văn Tông còn chưa đảm đương nổi việc quốc gia đại sự hay nghĩ đến một kẻ khác đáng tin tưởng hơn họ Vi để giao phó việc nước cho, họ Vi đã tiếm quyền đưa ra nhiều quyết sách thay vua, khiến đám triều thần nể sợ mà không dám động tới ông ta.

Việc binh biến ở An Nam, Vi Xử Hậu nhận bản sớ của Mã Thực liền hỏi đám quan dưới về hành tung của họ Mã. Đám đó đều không biết họ Mã mà chỉ nghe Hàn Ước được tiên đế Đường Kính Tông phong chiếu cho, tới đất nam thay cho viên đô hộ cũ là Lý Nguyên Gia.

Họ Vi sai một tên học trò trong Hàn Lâm Viện viết lại thư cho Hàn Ước tỏ lời trách móc Ước không làm tròn bổn phận để cho bọn hầu tướng viết lời sàm tấu dâng lên triều đình nên hạ một phẩm hàm của Hàn Ước, lệnh phải dẹp quân nổi loạn ở xứ nam trong vòng một tháng. Nếu Hàn Ước không làm được sẽ xử tội khi quân, giết chết cả nhà.

Hàn Ước biết tin Mã Thực dâng sớ khiến họ Hàn bị trách tội nên Hàn Ước liền tước hết binh quyền họ Mã ở châu Lục. Lúc đó Mã Thực nhận ra họ Hàn chỉ là tên vô lại nên bỏ quan chạy trốn đến đất Chi Châu làm nông trang ở huyện Lạc Diệm.

Hàn Ước viết thư cậy nhờ đám thái thú, châu mục vùng Kinh Nam, Giang Đông. Hàn Ước hứa hẹn sau khi đoạt lại Lĩnh Nam sẽ chia đất đai, quan lộc, thuế sưu cho đám ấy nên bọn châu mục đó cũng chịu lời cậy nhờ của họ Hàn.

Hàn Ước được bọn thái thú, châu mục các vùng lân cận xung quanh Ngũ Lĩnh tăng viện thêm cả thảy một vạn tám lính cùng lương thảo trong vòng nửa tháng.

Mùa hè, ngày cuối trăng tháng năm năm Mậu Thân, Hàn Ước nắm quyền binh trong tay hơn bảy vạn người. Sức quân như thác đổ đánh xuống phía nam các châu quận của người Giao Chỉ đang chiếm giữ.

Chỉ sau hơn một tuần lễ, Hàn Ước chiếm toàn bộ châu Lục, Thang Châu, Chi Châu. Các quan ải hơn hai mươi đạo binh mã của Hàn Ước nhanh chóng lấn đất, đẩy lùi quân phòng vệ của quân đội An Nam vào sâu gần tới châu thổ sông Cái.

Dương Thanh nghe ngóng quân tình biến chuyển bất lợi cho họ Vương nên ngầm ban lệnh cho các tướng đang ở vùng châu thổ sớm tìm kế rút lui trở về Trường Châu để bảo toàn lực lượng.

Dương Chí Liệt biết dụng ý của cha nên mấy lần ngỏ ý với Vương Thăng Triều rút binh khỏi Giao Châu, đợi quá thời hạn một tháng, các cánh quân Kinh Nam, Giang Đông sẽ rút về, bấy giờ đánh họ Hàn cũng chưa muộn. Họ Vương chần chừ hỏi ý kiến các tướng Toán Hoa Tài, Lý Do Độc, Kiều Thái Hoàn, Trương Khánh Tùng mới ra quyết định.

Trong lúc chần chừ quyết định, họ Vương nhận tin báo quân đội Nam Chiếu áp sát miền đất Lâm Tây. Lý Do Độc đã chống đỡ suốt hai ngày mà sức quân không thể giữ lâu do quân triều đình đã tư thông với vua Nam Chiếu, hứa hẹn chia đất đai xứ An Nam.

Đội quân châu Ung mới được Mã Thực gây dựng lại cũng nhăm nhe nhằm đánh bật quân phòng đông do Lý Do Độc nắm giữ. Cùng lúc đó, Toán Hoa Tài bị đám quân Quách Thôi, Hàm Chưởng Tư mang hai vạn quân tiên phong đánh phá dữ dội, phòng tuyến sông Như Nguyệt đã bị tiêu hao binh lực hơn một phần, chỉ còn hơn hai phần.

Đội quân của Hàn Ước lại liên tục được tăng viện, khí giới quân lương mỗi ngày một nhiều hơn nên sức mạnh chiếm phần ưu hơn so với quân đội của họ Vương.

Vương Thăng Triều cho người tới Trường Châu, Phong Châu hỏi ý Dương Thanh cùng Đỗ Sĩ Giao. Dương Thanh hứa sẽ tăng viện nhưng binh mã phải giữ lại đội tinh nhuệ đề phòng quân Ái Châu còn chưa thuần phục nên việc tăng viện sẽ có chút chậm trễ viên.

Về phía Đỗ Sĩ Giao nhận được lời ngỏ ỷ của Thăng Triều liền đáp lời muốn Lý Do Độc nắm quân châu Phong đi theo đường núi hai ngả đường đánh vào hậu quân của họ Hàn vừa để thu hút sự chú ý của toàn quân triều đình sang ngả phía tây, lại vừa giữ được sức quân Tống Bình.

Thăng Triều tin lời Dương Thanh sẽ tăng viện nên thuận theo ý Sĩ Giao. Lý Do Độc nhận được lệnh liền rút hết quân Lâm Tây hợp với quân châu Phong ngược theo sông Lô đánh vào Ung Châu, một cánh quân khác do Lý Toàn dẫn quân vượt núi Hiếu Sơn đánh vào thành Nà Lữ đã bị quân đội triều đình chiếm được cách đây không lâu.

Đội quân của Lý Do Độc tới châu Ung đánh vào kho lương của họ Hàn nhưng bị quân Nam Chiếu dẫn binh đánh đuổi, bỏ chạy đến phía bắc châu Bình Nguyên.

Do Độc nhận thấy có chỗ đất bằng sai lính hạ trại, quân vừa bắc bếp vo gạo thì bỗng từ đâu một đội quân chừng năm nghìn người mặc áo đen, quần đen, đầu búi xù, mặt chát bùn đen cầm nỏ trên núi bắn tên xuống giết chết hai phần quân lính của Do Độc.

Rồi từ trên dốc núi, áo quần xộc xệch đội quân ấy thừa thắng xông lên chém giết hơn ba nghìn người, máu phủ đỏ đất xanh, những ngọn cỏ dính lại với nhau, tết thành những mảng búi loang lổ. Thây chất thành đống cao như những tổ mối chặn cả dòng chảy của con suối cạnh đó.

Do Độc đang đi tuần quanh núi thì bị một tảng đá lớn lăn từ trên lưng núi xuống chèn chết ngựa, Do Độc ngã nhào xuống đất, miệng hộc ra máu đỏ tươi ướt đầm đìa vải giáp.

Biết quân mình bị bao vây chốn rừng hoang, Do Độc hét lớn gọi binh tốt giữ vững tinh thần, tay chống đất lê tới gốc cây lớn gần đó rồi gắng sức gượng dậy chặt hạ cây ấy, chắn đường đội quân áo đen đó chạy tới chém giết huynh đệ của họ Lý.

Một phần quân lính của Do Độc không thấy chủ tướng nháo nhác bỏ chạy. Kẻ lạc vào trong núi hoang làm mồi cho cọp báo, kẻ không lối thoát trầm mình xuống Lô Giang, có số ít người thoát được ra tới đường lớn thì bị cướp đường bắt bớ, mổ bụng, moi gan lấy thịt.

Sót lại chỉ còn mười tên lính đi tới động Ngưu Dương, núi Tụ Long gặp một toán người đang đào núi tìm đồng, tìm bạc. Đi theo đám người đó, có một ông lão nói với đám lính rằng :

- Nơi này đất cao xứ tiên thần, rồng cuộn kết mây, các người đi qua núi mà chạy tới được chỗ này thì số mệnh ắt sẽ được hưởng thọ nên cứ yên tâm đi về phía nam. Chừng năm mươi dặm đường đi không có bóng người nên sẽ không gặp những kẻ xấu xa, bọn người bụng dạ không tốt mà trở về huyện thành một cách bình an.

Mười tên lính đó nghe theo lời lão phu đào đá đi xuôi về phía nam. Quả nhiên mấy người đều sống sót trở về được huyện thành mà không gặp bất kỳ cản trở nào.

Về phía Lý Do Độc, anh cùng phó tướng của mình bị đoàn quân áo đen đuổi theo truy sát cả người lẫn ngựa, hai người thục mạng chạy đến núi Đang Sơn cách núi Tụ Long không xa.

Đoạn ngựa vấp đá bị thương, Do Độc cùng phó tướng Toán Lân Mân bị đội quân áo đen bắt giữ, kéo lê suốt đoạn đường núi hiểm trở tới một động núi cao ngang lưng trời.

Trong dân chúng châu Bình Nguyên kể lại với nhau, có người nhìn thấy hai người bọn họ như hai cái xác khô bị treo trên cành cây cao bỏ đói cho đến chết trên ngọn núi chất ngất ở phía bắc, làm mồi cho đám quạ trắng, mõm to. Lại có lời đồn rằng hai người bị đội quân áo đen đó mang hành hạ cho đến chết chỗ động hoang, hễ có ai đi lên núi đó đều nghe thấy tiếng kêu la thảng thiết văng vẳng trên vách đá treo leo.

Dân trong vùng bàn tán chỗ đất nơi quân lính của Lý Do Độc bị tàn sát hay có tiếng người qua lại hành quân trong đêm, lại có tiếng hò hét ầm vang núi rừng mỗi độ chiều xuống, thi thoảng lại có bóng hai vị tướng quân hiện về đứng từ trên vách đá cầm gươm chĩa mũi kiếm xuống dưới oai vệ vô cùng.

Nhưng cũng kể từ ấy, không ai nghe thêm, không ai thấy hai người họ nữa. Sau này một đám dân man di tới chỗ đất bằng đó lập làng ấp, trẻ con đàn bà hay bị quấy nhiễu lúc chiều tối và ban đêm nên người đứng đầu làng bản đó mời thầy cúng đến để dựng miếu thờ hai vị tướng quân ấy, tượng người mảnh khảnh ghép từ những gióng tre là Lý Do Độc, còn hình nhân được tạc bằng than củi đen bóng là Toán Lân Mân.

Từ bấy, dân làng mới được yên, đám con gái, trẻ con vào rừng, vào núi cũng không còn hay bị chòng ghẹo như ngày trước.

Trở về châu Phong, mười tên lính thần hồn nát thần tính không ai bảo ai cứ thấy người mặc áo đen là hoảng sợ, nghe hai tiếng thổ phỉ là kinh hãi. Bị ám ảnh quá nặng nề, mười người bọn họ đều tỏ ra nghi ngờ những người xung quanh, hễ ai nói gì đến họ là họ sẽ quát tháo, mắng chửi, thậm chí là dùng võ lực để uy hiếp.

Những vết thương càng khiến cho những người này gắt gỏng, dùng dao chém giết súc vật, gà qué. Có ba bốn người lúc nào cũng kè kè con dao bên cạnh hông, hễ gặp ai lạ mặt là xông tới muốn chém.

Đỗ Sĩ Giao buộc phải ra lệnh bắt nhốt hết những người lính đó vào trong ngục, cách biệt hoàn toàn với bên ngoài. Khi tâm lý bọn họ đã định sau vài ba hôm, Đỗ Sĩ Giao mới phong thưởng, tặng quà cho những người đó.

Linh tính bảo rằng Lý Do Độc cung Toán Lân Mân chưa chết nên Sĩ Giao hàng ngày vẫn cho các trại binh vùng quan ải thường xuyên báo về tình hình tìm kiếm các huynh đệ bị thất lạc.

Trong tình thế bị mất đi một mũi tấn công chiến lược, Sĩ Giao nghe ngóng tin quân lính của Lý Toàn rồi đưa ra quyết định rút đội quân của Lý Toàn trở về do lo sợ đám quân của Hàn Ước sau khi tư thông với Nam Chiếu cùng đám thổ hào sẽ quay lại diệt nốt đội binh mã mà bấy lâu nay Lý Toàn cùng các tướng dưới trướng của Dương Thanh gây dựng.

Dẫu Lý Toàn đã bao vây, liên tiếp công phá thành Nà Lữ, chặn đánh từ bốn phía của địch nhưng do đoàn quân của Lý Toàn tới sau khi cánh quân của Lý Do Độc đã bị phá nên bị quân đội Hàn Ước phản công, Lý Toàn phải rút lui.

Do trời tối, quân của Lý Toàn bị một đám quân Đường đuổi theo vội chạy về phía đông. Đi được chừng hơn trăm dặm đường núi, Lý Toàn trông thấy một tòa thành bằng đất, tầng trên xây bằng gạch mộc, tầng dưới lát đá trông như thành Nà Lữ.

Lý Toàn hỏi trong quân không kẻ nào biết thành đó tên là gì. Thoạt đầu Nga Tú Du Thủy nghĩ trong đầu rằng Không lẽ quân ta bị đuổi riết mà xoay vòng trở lại thành Nà Lữ.

Lý Toàn cho khua trống khiêu binh, trong thành không có động tĩnh, chỉ có vài cờ xí phất phơ bị ném chỏng trơ trên thành. Lý Toàn sai hai mươi lính tiên phong mang theo dây thừng ném lên trên thành lẻn vào trong thành.

Tên lính to khỏe đi đầu treo lên tường thành cầm chiếc đuốc trên thành vẫy xuống, nói giọng lớn :

- Chủ công. Thành vừa bị hạ, rất nhiều xác lính quân triều đình cùng với một toán người áo đen. Máu còn đỏ tươi, ướt đẫm tường thành.

Đoàn binh thắp lửa sáng cả một vùng dưới chân thành. Lý Toàn sai thêm năm chục tên mang theo gỗ lớn đục vào cửa thành bằng gỗ. Cửa thành đổ rầm, chất thây đầy cửa. Máu nhuộm đỏ bia đá phía hữu môn, những xác chết bắt đầu thối rữa khiến mùi hôi thối nồng nặc.

Lý Toàn sai năm trăm binh mã vào thành lục soát, tìm kho lương, đoạt mũ giáp khí mặc lên người. Lý Toàn ra lệnh toàn quân phải rút khỏi thành trước buổi sáng sớm.

Lý Toàn lên trên cửa thành chờ đợi, lấy đuốc soi lên biển chữ lớn trên thành ghi chữ Phục Hòa Thành.

Thấy có động từ cánh rừng phía tây, chim chóc bay phủ kín bầu trời vằng vặc. Đoán được có quân lính triều đình sắp đi tới, Lý Toàn lệnh cho toàn quân đóng chặt cửa thành, thay giáp phục của quân triều đình đứng lên trên thành chờ lệnh của Lý Toàn.

Đúng như lời đoán của Lý Toàn, một đội quân áo giáp hoa, giáo dài đi tới trước cửa thành gọi lớn :

- Ta là Trương Sang, tướng giữ thành Nà Lữ, vừa đuổi theo một toán quân địch họ Lý chạy về phía đông. Các ngươi có thấy chăng.

Lý Toàn gọi một tên người địa phương lên trước cửa thành, cầm kiếm chỉ xuống đáp lời :

- Họ Trương hay họ Lý gì đó ta chưa nghe qua. Có gì làm chứng các ngươi là quân của triều đình hay không?

- Lệnh bài đây. Các ngươi có nhìn thấy được hay không? Ta nghe lệnh Hàn Ước tướng quân đánh vào thành Nà Lữ, chiếm được thành nhưng đám quân Man di đó lại chạy trốn từ trước. Có người nói trông thấy một đội quân đi về phía đông. Không lẽ một đoàn binh mã lớn như vậy mà các ngươi không có trông thấy sao.

- Trương tướng quân thật dễ tin người. Kẻ nói lời đó có chắc là người của triều đình hay chung một ruộc với bọn chúng. Một con muỗi đi qua thành còn có thể không trông thấy, há chăng lại cả một đoàn binh như vậy mà không trông thấy. Chắc chắn Trương tướng quân đã bị tên đó lừa rồi. Xuôi phía nam thành Nà Lữ là con đường dễ đi, lại có đường thông với châu Phong. Lẽ nào bọn chúng lại đi về phía đông để nạp mạng cho ta.

Trương Sang bán tín bán nghi, quay ra hỏi hai tên tộc trưởng người Nùng. Hai tên đó quả quyết :

- Bẩm tướng quân, lời của đám dân trong mường đó nói là đúng. Tướng quân nghĩ mà xem, đoàn quân đó đi hướng ngược ánh trăng do chúng lầm tưởng ánh trăng đó với ánh trăng tháng ba mùa xuân, lại thêm có vết chân giậm cỏ, ngựa đạp đất lún đi qua chỗ ấy, không thể nào có thể nhầm lẫn được.

Trương Sang tiến vài bước đổi ý quay lại nói với tên lính đứng trên thành :

- Này mấy tên kia. Các ngươi vào trong phủ báo với Diên đại nhân rằng có Trương Sang tướng quân đi qua thành muốn vào thành trú nhờ. Sáng sớm ngày mai ta sẽ mang quân đi.

Lý Toàn sai tên đó nói với Trương Sang :

- Diên đại nhân ngày qua đã tới chỗ của Hàn đại nhân. Đến trưa mai mới quay trở về. Đại nhân có dặn bọn ta dạo này hay có đám người man di quấy phá nổi loạn không được mở cửa thành cho kẻ lạ mặt vào trong để tránh tai họa. Mong Trương tướng quân xá cho.

Trương Sang tự nhủ trong bụng : Lão già họ Diên đó khi sáng tới chỗ Hàn Đại nhân rồi vội vội vàng quay trở về nói có quân cướp thành. Vậy mà mấy tên nhãi ranh dám lừa cả bổn tướng quân. Ta sẽ cho các ngươi biết tay.

Trương Sang cho quân hạ trại trước cửa thành, chất củi lớn đốt lửa cháy bùng sáng rọi như ban ngày. Trương Sang ngồi ung dung ăn thịt, uống rượu trông lên thành cao.

Quân sĩ kẻ nào kẻ ấy cười nói hả hể, hòng khích đám quân đang đứng gác trên thành. Trương Sang uống say ngà ngà, mặt mũi bóng loáng, giương mũi thương lên cửa thành như muốn chọc tức đám quân lính trên đó.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.