Giống Rồng
Tác giả: Nguyễn Khai Quốc
Hồi thứ mười ba
Thành Bạch Hạc Liêu Đức Thinh gặp nạn.
Phủ Phong Châu giăng cạm bẫy họ Vương.
Chương 13.5 Cây bàng lá đỏ
Cường đi len theo phía tường rào bên phải, bông nghe tiếng thét the thé của bọn con gái. Triệu Cường quan sát trước sau, đứng núp vào một chiếc cây sưa sát vách.
Có tiếng một cô gái lạy lục van nài:
- Mong hai anh tha cho tụi thiếp. Dẫu gì thì trước khi hầu hạ cho Công tử, hai bọn thiếp cũng đã phục vụ hai người.
Tiếng roi vút mạnh vào lên cơ thể yếu mềm khiến Triệu Cường sởn gai ốc, dựng tóc gáy. Giọng người đàn ông ồm ồm quát tháo:
- Lũ tiện nhân. Mau mau ra lầu quán tiếp khách. Công tử đã không còn thích các ngươi nữa nên mới cho người làm hoen ố các ngươi.
Giọng lanh lảnh lại cất lên lạy lục:
- Không phải là tụi thiếp đã bị hai người làm hoen ố trước hay sao.
Một tên khác giọng chua như giấm nói:
- Các ngươi ngu hay là giả vờ không biết. Công tử chỉ thích bọn con gái không còn trinh mà phải tận mắt trông thấy kẻ khác làm chuyện đó. Khi không còn thích nữa, công tử sẽ làm như với hai ngươi. Mau mau mà ngoan ngoãn tới lầu xanh tiếp khách, bọn khách làng chơi sẽ nâng niu chiều chuộng các ngươi.
- Các anh có thể cho bọn thiếp theo hầu được hay không? Bọn thiếp không muốn tới chốn xô bồ ấy. Nhục nhã lắm.
- Các ngươi trông thì cũng khá được, cũng vừa miếng thật đấy. Nhưng ta không muốn chết mà rước theo các ngươi. Lệnh của Công tử đã ban, dùng xong rồi thì đem đi bán. Bọn ta dẫu cũng tiếc cho các ngươi nhưng ta đâu dám trái lệnh công tử.
Tiếng gào thét van xin rồi đánh đập dồn dập đập vào tâm trí họ Triệu. Triệu đứng thêm một lúc để nghe ngóng thì có tiếng người xì xào đi từ phía bắc đi tới. Ba người đàn ông dáng người vạm vỡ, tay cầm đuốc lớn bước vội qua chỗ Triệu Cường. Cường trông theo quan sát thấy ba người đó đứng chờ ở phía cửa phủ một lúc khá lâu.
Cường mệt quá ngả lưng vào gốc cây chợp mắt một lát. Tiếng kẽo kẹt của chiếc cửa phủ bằng gỗ lim nặng trình trịch khiến Triệu Cường tỉnh giấc. Cường chợt nghe được tiếng dò hỏi của đám người hầu trong phủ :
- Ba người các anh có phải là Đàm Hữu Trác, Lê Xuân Đỉnh, Toán Minh Trù, con rể của Kiều lão đại nhân?
Người đàn ông râu quai nón, đuôi mắt trái sẹo lớn xẻ khóe mi dài tới tận thái dương, giọng nói đặc sệt xứ Mê Linh đáp:
- Chính vậy. Ta là Toán Minh Trù, rể thứ của Kiều đại nhân. Đây là hai vị huynh đệ Hữu Trác, Xuân Đỉnh cũng là rể của cha vợ ta. Nghe Thăng Hùng công tử có ý lệnh triệu kiến, không hay có việc gì cần gấp mà cho gọi lúc giữa đêm khuya.
Một tên người hầu nhanh nhả :
- Các vị tướng quân đều có mặt cả ở đây rồi. Thăng Hùng công tử có chuyện cần bàn với các anh. Ta nghe nói chuyện về họ Triệu đang ở trong thành Bạch Hạc. Đợi ta vào bẩm báo với Vương công tử rồi vào trong điện phủ.
Ba người đó bàn bạc với nhau trước cửa phủ họ Vương. Hữu Trác luôn miệng nói phải trử khử họ Triệu đó vì họ Triệu đó làm trái di ý của tiên chủ họ Vương.
Minh Trù có ý muốn lợi dụng họ Triệu làm mồi nhử để khiêu khích quân tướng Tống Bình, mượn tay họ Triệu cho đám người họ Dương kia tự chia rẽ được lợi cả đôi đường cho châu Phong. Xuân Đỉnh không nói lời gì, chỉ lẳng lặng đứng nghe hai người kia nói qua lại với nhau, mặt không hề biến sắc.
Ba người đó vội vàng đóng sầm cửa, bên ngoài chỉ còn bóng tối che phủ. Triệu Cường có linh tính rằng có chuyện không hay sắp xảy đến. Cường vội vã chạy về phủ, gọi người em Triệu Cam tới kể lại hết sự tình. Triệu Cam tặc lưỡi :
- Thì ra là đám tướng sĩ Bạch Hạc lòng vẫn ngả theo họ Vương đó. Anh Cường này. Khi tối, em có đi qua góc chợ đông, gặp một ông bói mù. Thấy ế ẩm, em mới vào hỏi chơi chơi xem thế nào. Ông ta mới nghe giọng nói mà đã đoán ra ngay hình thể, gia thế. Ông ta còn nói trong thời gian gần hãy đề phòng những kẻ tiểu nhân. Không có lẽ là…
- Thầy bói đó ở đâu ? Sao ngày nào ta cũng đi qua chợ đông mà không gặp.
Triệu Cam sững người một lát rồi mới tả lại cho Cường :
- Là người đàn ông mặc áo dài đen, đầu vấn tóc cao xếp tròn vạnh trên đầu, đôi mắt nhắm nghiền, chỉ sắp vài đồng xu úp ngửa trên chiếc đĩa nhỏ cùng đôi câu đối nhỏ bày ra ở góc chợ đông, bên cạnh tiệm đánh bạc Xuề Na.
Triệu Cường đi đi lại, suy nghĩ tính toán điều gì đó. Cường quay ra nói với Cam:
- Theo như chú tả lại thì ta nghĩ người đó là một trong những tên mật thám đi theo họ Liêu kia. Chỉ có người huyện Vũ Bình mới để tóc kiểu như vậy, còn việc xem bói đặt đồng xu câu đối thì chắc chắn chỉ có theo tục lệ Đỗ Động. Người châu Phong xem bói không bằng thứ đó cho nên bói đó mới ế ẩm như vậy. Ta đoán rằng bọn mật thám đó vẫn còn rất nhiều trong thành và nắm được rất nhiều thông tin quan trọng giúp ích được cho ta, chi bằng chú hãy tới đó lân la để tìm ra những hoài nghi mà bấy lâu nay chúng ta còn chưa hay tỏ.
Cam bàn lại với huynh trưởng :
- Thế còn tay công tử họ Vương đó thì sao?
- Ta đã lo liệu. Chú hãy yên tâm. Bây giờ, chú dẫn theo gia quyến chia thành nhiều toán người nhỏ, ăn mặc rách rưới không để bọn quân lính nghi ngờ rồi chia nhau ra ngoài thành. Đợi khi ta thu xếp xong ở trong thành, hẹn gặp mọi người ở núi Lịch Sơn ở phía bắc giáp với Bình Nguyên châu. Chỗ đó là đường lui duy nhất mà ta và chú có thể thoát nạn.
- Vậy còn anh, trong thành tai mắt họ Vương có lo liệu được hay chăng?
- Chú hãy cứ an tâm. Họ Vương đó chỉ nhắm chúng ta cho mưu hèn kế bẩn của hắn. Ta sẽ tương kế tựu kế để đối trọi với hắn.
Cam dẫu còn bứt rứt nhưng không biết nói gì hơn đành quay mặt bước đi. Cường vẫy tay xua Cam đi thật nhanh, Cam ngoái cổ lại nhìn người anh cả rồi khuất dần vào trong đêm khuya vắng.
Sáng ngày sau Triệu Cam theo lời của Cường chia gia quyến già trẻ gái trai thành năm toán, mỗi toán ba đến bốn người, ăn mặc rách rưới, chấm bùn đất lên mặt lần lượt ra khỏi thành.
Cam lân la các lầu quán hỏi chuyện về đám người mật thám của Liêu Đức Thinh sau đó mới lặng lẽ đi đến cổng thành nhỏ phía tây. Cam quan sát rồi kỹ lưỡng rồi ẩn mình vào đám dân buôn ra được khỏi thành Bạch Hạc.
Mọi người tập trung tại một điểm cạnh bờ sông Thao rồi men theo đường núi tới núi Lịch Sơn như lời Triệu Cường đã dặn dò.
Triệu Cường nghe tin gia quyến đã trốn được khỏi thành Bạch Hạc liền thúc ngựa chạy tới điện phủ họ Vương. Thăng Hùng khi ấy đang đuổi hoa bắt bướm phía hậu viên cùng hai đứa trẻ đang nô đùa ở đó.
Một tay người hầu dẫn Cường tới chỗ Hùng đang chơi, cảnh vật không khác nhưng thần thái hoàn toàn không giống so với khi đêm qua Cường ghé lại. Có cô gái tuổi chạc ngoài đôi mươi mặc áo yếm gụ, lưng trần rám nắng đang ngồi phe phẩy quạt nan.
Trông thấy Cường vồi kéo chiếc áo ngoài che đi đôi vai hững hờ. Giọng nói đon đả:
- Triệu tướng quân ghé thăm phủ không hay có việc gì? Công tử nhà ta còn đang chơi đùa với lũ trẻ con.
Triệu Cường đưa mắt trông theo Thăng Hùng đang vui đùa mà nhẩm trong bụng rằng Gã này quả thật che mắt thiên hạ tài tình, đến đám hương thân phụ lão cũng không hề hay biết sự thật sau cái ngờ nghệch kia của hắn. Đã đến lúc ta phải cho hắn ra ngoài ánh sáng để cả Phong Châu này biết.
Ánh mắt Cường đỡ đẫn, nàng Mai trông thấy liền hỏi gọi nài mấy tiếng:
- Triệu tướng quân. Triệu tướng quân. Tiểu nữ không biết tướng quân có việc gì mà ghé lại điện phủ. Đợi khi nào công tử tỉnh táo, ta sẽ truyền lời giúp tướng quân.
Triệu Cường hẹm giọng, khi đầu nói lí nhí trong cổ họng khiến nàng Mai không nghe ra. Cường lớn tiếng như muốn đánh động cho họ Vương:
- Quân Tống Bình mang một đội quân hai vạn đã tới Mê Linh hợp quân với Thi Nguyên hòng phá thành Bạch Hạc. Hàn Ước nói Cái gai trong mắt là ở châu Phong, nhổ được cái gai đó An Nam sẽ được hưởng trọn hồng phúc Đường triều.
Nay ta tới báo với Vương công tử mau mau thu xếp già trẻ gái trai trong nhà sớm lo liệu tránh nạn diệt thân.
Thăng Hùng dừng lại đôi chút, hai đứa trẻ liền ú òa khiến Thăng Hùng lăn ra đất nằm im một lúc. Triệu Cường nghĩ rằng đã đánh trúng lòng dạ họ Vương nên đứng dậy xin cáo lui, khuôn mặt vẫn còn rát đỏ do vết bỏng đêm qua lánh lánh chỗ Vương Hùng đang nằm lui ra phía cửa phủ.
Thăng Hùng bỗng bật dậy hét lớn:
- Bắt chết tất cả các ngươi này. Từng tên một từng tên một này.
Triệu Cường đứng sựng người, mặt nhúm nhó nghĩ rằng phen này không ra được khỏi phủ. Tiếng hai đứa trẻ tíu tít:
- Cha chơi ăn gian. Cha đã bị Tồn Lăng hạ gục rồi, phải đợi khi Tồn Lăng đánh nhau với con xong thì mới được sống lại chứ.
Thăng Bình nằng nặc đòi cha nó nằm xuống, Nàng mai í ới gọi hai đứa trẻ:
- Thôi nào các con. Thăng Bình nhường em, Tồn Lăng không đánh với anh nữa. Hai đứa dìu cha dậy vào đây ăn chiếc bánh nào.
Triệu Cường quay lưng lại nhìn đám trẻ rồi thở phào nhẹ nhõm bước ra ngoài phủ, cúi chào Mai một lần nữa. Chân liêu xiêu Cường vấp phải thành cửa, ngã lộn cổ ra phố vắng.
Triệu Cường xộc xệch áo quần thúc ngựa thẳng về nhà chuẩn bị giáp áo đủ đầy, thương khiên sẵn sàng cùng đội quân châu Phong nghênh địch.
Hai ngày sau, quân lính Tống Bình do Quách Thôi làm tiên phong đánh dẹp toàn bộ căn cứ quân đội châu Phong ở phía bờ đông Tam Đái. Quân châu Phong buộc phải vượt sông lui về phía tây.
Thi Nguyên mang một đạo tám nghìn binh mã trong đêm vượt sông Cái đánh vào vùng đất phía bắc huyện Thái Bình nhằm gây bất ngờ cho quân đội châu Phong ở phía nam.
Quân châu Phong chạy về tới bờ nam Đà giang gọi thuyền phía bờ bắc tiếp viện. Thi Nguyên hừng hực xua quân đuổi theo truy sát, bỗng từ phía tây một đội quân người Lý đi tới cầm giáo mác, trống kèn ầm ĩ khiến Thi Nguyên thất kinh bỏ chạy.
Hà Bình Xuyên hét lớn:
- Giặc vô ơn hãy đứng lại. Còn không mau mau xuống ngựa chịu trói.
Thi Nguyên đoạn chạy ngựa đến núi Câu Lậu trông thấy một con trâu to bằng cái đình làng đang húc đám quân lính chạy phía trước. Đám quân đó đứa này giẫm đạp lên đứa kia bị trâu húc ngã hết xuống đầm nước ở chân núi, xác chết nhiều vô kể, chỉ vài canh giờ xác nổi kín đặc mặt đầm.
Thi Nguyên trông thấy trâu mộng hung dữ đành liều chết quay lại đánh với Hà Bình Xuyên. Bình Xuyên vung kiếm chém trúng được búi tóc của họ Thi.
Họ Thi lại trông thấy một viên tướng mắt diều hâu, lông mày sâu róm, mũi hếch miệng ngão đang cầm giáo dài phi ngựa chạy tới toan đâm trúng ngực Thi Nguyên.
Nguyên phá vây chạy về phía con trâu mộng nghĩ rằng phen này phải quẫn tiết mà chết nơi chiến trường.
Trời bỗng gió mưa kéo đến tối sầm, sấm sét rền vang tai, Hà Bình Xuyên thúc giục quân lính xông lên phía trước càn quét đội quân của Thi Nguyên. Trời đổ mưa lớn, trâu mộng gầm vang khiến cả đoàn quân kinh hãi lui lại.
Thi Nguyên quay lại phía sau trông thấy quân lính không đuổi theo nữa liền rút kiếm xông tới trâu mộng. Trâu mộng húc thêm vài nhát vào đám lính nhưng đám lính không bị sừng đâm thủng bụng như khi nãy mà chỉ bị hất văng đi vài trượng.
Trâu mộng lắc lắc cái đầu trầm mình xuống đầm rồi lặn chìm nghỉm. Thi Nguyên trông thấy phía trước không còn vật cản chắn đường liền giục quân chạy về phía đông nam.
Cao Văn Trác đuổi theo đến tận chân núi La Phù thì quay lại hợp với Hà Bình Xuyên đóng quân chỗ cũ. Giáo gươm, mũ giáp, cờ xí thu về đến cả nghìn chiếc Bình Xuyên bàn với Trác:
- Khi nãy gặp thần Đại Hắc Ngưu ở núi Câu Lậu mà quân địch được một phen hú vía. Lần này ta lập được công lớn, chắc chắn sẽ được chủ tướng hậu hĩnh ban thưởng rồi.
Tối trời, mây đen rủ nhau kéo về phía tây nam, bầu trời quang đãng, không khí mát lành, Bình Xuyên cà kê ly rượu với Văn Trác.
Từ phía nam có một tên lính chạy ngựa tới báo tin. Văn Trác dở thư ra đọc, Sĩ Giao gửi lời trách hai người :
Dương chủ tướng sai các ngươi mang tám nghìn binh lính tới đóng ở bờ nam Đà Giang để đề phòng quân châu Phong. Nay các ngươi lại tự ý mang binh đánh quân Tống Bình, cứu quân châu Phong là trái ý dụ của chủ tướng.
Đã gần hai tuần mà chưa hề có động tĩnh từ trong thành Bạch Hạc mà các ngươi không tiến không lui để cho hao binh tốn lương, đẩy quân ta vào chỗ hiểm yếu. Làm phận tôi tướng các ngươi hãy tự xem xém kiểm điểm lại bản thân mình xem đã tròn trách nhiệm với chủ tướng, với người huynh đệ của các người hay chưa?
Liêu Đức Thinh gặp nạn, cái chết cận kề, các ngươi có biết hay không? Nay ta lệnh cho các ngươi hãy mau mau nghĩ cách để giải cứu một trăm huynh đệ ở trong thành Bạch Hạc, giải cứu cho Đỗ tướng quân, Liêu tướng quân.
Việc quân không thể chậm trễ, nội trong vòng ba ngày, nếu hai người không làm được sẽ xử theo quân pháp.
Hai người đọc được thư liền cho quân thu dọn bàn rượu. Văn Trác tức tối quát mắng:
- Dẫu gì thì bọn ta cũng đã đuổi được lũ giặc họ Thi đó. Nay không những chẳng được luận công lại trách tội bọn ta. Đây là cái lý lẽ của kẻ làm cấp trên hay sao.
Bình Xuyên vỗ về họ Cao:
- Đúng là trước khi đi hai chúng ta cùng với Liêu tướng quân cùng ký quân lệnh trạng cứu cho bằng được Đỗ tướng quân. Nay đã quá hai tuần, chủ tướng cho viết thư trách phạt cũng là điều dễ hiểu. Còn việc ta đánh đuổi được quân địch hẳn là quân sư có ý khác, trước khi mang binh tới đây, quân sư có ý muốn ta không nên đánh vào quân lính Tống Bình mà đợi khi quân châu Phong rút mới ra tay hành xử. Nay ta cứ vờ như quân tình bị chia rẽ, anh hãy mang năm nghìn binh về phía bắc, ta mang số binh còn lại xuôi về nam để nhận tội.
Văn Trác phản đối quyết liệt lời của Bình Xuyên :
- Không thể như thế được. Ta đi đánh trận đâu có thể thấy địch tới mà giương mắt lên nhìn hay là tháo chạy. Nay lại bắt ta đầu hàng đám lính châu Phong đó. Ta không thể làm được cái điều bất trung bất nghĩa ấy.
- Ta có nói anh về phía bắc là đầu hàng đám quân châu Phong đó. Nay quân ta đã bị chúng phát hiện ra, nếu cứ cố thủ ở đó mà chờ bọn chúng lui qua đó thì sẽ chẳng phải kế hay bởi chúng sẽ chẳng dại gì lui qua chỗ ấy khi trông thấy anh mang quân lính giữ chắc trại ở đó. Nghe lời ta, anh hãy mang binh về bắc, mang theo bức thư này để hợp binh với quân châu Phong, tiện đó xin thêm quân lương của bọn chúng. Ta sẽ về bẩm với chủ tướng, sau khi quân Tống Bình đánh được vào thành Bạch Hạc, anh sẽ được thỏa chí chém giết quân địch.
Nghe lời dỗ dành của Bình Xuyên, Văn Trác cảm thấy mủi lòng cười khoái chí.
Rượu lại mang ra, cầm văn thư ném xuống đất Văn Trác nốc hai hũ rượu lớn, ngà ngà say cho bắt trói Bình Xuyên.
Xuyên gọi tên giám quân thân cận tới nhờ hắn cởi trói cho Xuyên rồi gọi theo hơn hai nghìn binh lính trốn thoát được khỏi doanh trại họ Cao về tới huyện thành huyện Vũ Bình. Đỗ Sĩ Giao trước mặt Chí Liệt trách mắng Bình Xuyên thậm tệ, cho người đánh hai mươi roi, tước bỏ tước đô úy, giáng làm lính hậu cần chuyên lo việc bếp núc.
Đỗ Động khi đó binh tình không có nhiều biến chuyển nên Chí Liệt gửi thư tới Trường Châu hỏi ý tướng phụ. Dương Thanh đáp lời rằng hãy cứ để nguyên tình thế như hiện nay chờ quân Tống Bình dẹp xong châu Phong rồi ra tay cũng chưa muộn.
Dương Chí Liệt cầm lá thư của cha gửi lại đưa cho Đỗ quân sư. Sĩ Giao đang ngồi ngắm cảnh Vũ Bình nhận lá thư liền đem đốt đi, tro bụi bay phấp phới trong chiều thu man mác.
Sĩ Giao nở một nụ cười, nhặt chiếc lá bàng đỏ rơi vào trong lầu gác mà trong tâm tự thấy bình an, lớn tiếng thở dài :
- Cuối cùng thì cái ngày mà ta ngóng đợi bấy lâu cũng đã sắp đến.