Giống Rồng
Tác giả: Nguyễn Khai Quốc
Hồi thứ mười bảy
Trống giục Tống Bình, Hàn Ước xua quân
Cờ reo Tạc Khẩu, Sĩ Giao giết giặc
Chương 17.4 Mũi kiếm thử lòng
Mũi kiếm sáng loáng đâm trúng vai tên bị trói. Hắn thất thanh kêu lên, Súng vội xông ra bịt miệng tên ấy. Tước giận dữ nói:
- Anh Hoài theo Dương chủ bấy nhiêu năm nay, chắc thừa biết tính nóng của ông ấy. Chuyện Phạm Đan làm ở doanh trại hôm nay ông ấy mà biết đầu sẽ chẳng còn ở trên cổ chứ chẳng phải chuyện đùa.
Đặng Hoài rút thanh kiếm còn lại lên, mũi kiếm hướng chếch về phía Phạm Đan, Đan giật mình né sang một bên vì e như thanh kiếm khi nãy Mã Tước rút lên. Đặng Hoài ngửa mặt ra phía sau múa hai đường kiếm, tất cả đều sợ hãi né đường kiếm của Hoài. Hoài chĩa kiếm về phía Đan cười lớn:
- Cớ sao khi ta rút kiếm, Nô Đan lại né ra? Phải chăng anh sợ mũi kiếm lỏng sẽ văng về phía anh? Còn anh Súng, có điều gì anh hãy cứ nói ra. Đặng Hoài này sẽ phân xử cho các anh. Hãy nhớ trước khi lâm trận, đừng bao giờ làm quân lính bị hoang mang, lung lạc ý chí. Súng, anh nói đi!
Súng rút tay ra khỏi miệng tên bị trói kia. Một tên hầu cận theo ý của Hoải chạy tới rút thật mạnh mũi kiếm đang cắm chặt trên vai hắn. Tên ấy không dám hét to mà chỉ nghiến răng chịu đau. Máu phụt ra bắn vào lưng Súng, Súng thấy lạnh người cúi rạp đầu xuống vái lạy:
- Đặng tướng quân dạy phải lắm. Súng này tôi mọn không hiểu sự tình đã khiến các tướng quân phải bận tâm.
Mã Tước nhìn Súng sợ hãi liền động viên:
- Có anh Hoài ở đây. Nhà ngươi cứ bình tĩnh nói rõ đầu đuôi câu chuyện.
Súng vẫn chưa hết hoảng sợ nói giọng run run:
- Bẩm các tướng quân. Đêm qua, sau khi vượt qua cơn hiểm mà quân Hàn đuổi theo bọn chúng tôi, tôi theo lệnh các tướng quân đưa anh Đan về trại. Rét quá nên tôi chui vào trong lều anh Đan khép nép ở bên chiếc cột phía đầu giường của anh Đan để chợp mắt. Đang cơn mê bỗng nhiên tôi thấy có tiếng động lạ tỉnh dậy thì có một tên tiến sát giường của anh Đan định ập vào dùng dao đâm chết anh Đan. Sau đó tôi đứng dậy rút kiếm giết chết tên ấy. Tên này nghe thấy tiếng chạy vào trong trại. Lúc bấy giờ anh Đan dường như vẫn còn say rượu, anh ấy ngồi dậy quát mắng chúng tôi rồi sai tôi mang xác tên kia đi rồi bắt trói tên này.
Tên kia nhún người thu vai cho máu khỏi chảy nhiều hơn, hắn vội vã dập đầu xuống van xin:
- Xin các anh tha cho. Xin các anh tha cho.
Đặng Hoài ra hiệu cho tất cả im lặng. Hoài quát:
- Tên kia. Nhà ngươi là người ở đâu? Có phải là quân lính của Hàn Ước trà trộn vào trong doanh trại của quân ta.
Mã Tước thấy gai gai ở sau lưng, lắp bắp nói:
- Phải, phải đấy. Ta nghe giọng nhà ngươi, đoán ngươi là người Khâm Châu. Ta vốn đã từng theo thầy dạy học ở đó.
Hắn vẫn cúi xuống van xin, mặc cho máu càng chảy nhiều hơn:
- Lời anh Súng kia nói là đúng. Tiểu nhân họ Trương, đúng là người ở Khâm Châu. Trước đi lính ở Lục Châu bị quân của thiếu chủ Chí Liệt bắt được làm hàng binh. Tiểu nhân không phụ mẫu, không thê tử nên theo nghĩa quân đã được sáu năm nay.
- Phạm Đan cũng ở cùng Chí Liệt chừng ấy thời gian, chắc phải biết ngươi chứ.
- Dạ, tiểu nhân không dám giấu. Trước tiểu nhân theo thuyền của Hoàn Vương bị bắt về Tạc Khẩu,Trường Châu. Vừa rồi có trận đánh lớn, nhận được lệnh Phụng Quán tướng quân, Phong Trung tướng quân dẫn tiểu nhân đi cùng tám trăm binh mã tới đây để tăng viện cho Đỗ quân sư.
Đặng Hoài tỏ vẻ hoài nghi:
- Chẳng hay nhà ngươi đi từ Tạc Khẩu tới đây thế nào? Người ngựa các ngươi được cấp ra sao? Trên đường đi các người có gặp địch hay là gặp quân ta?
Hắn giõng giạc nói:
- Bẩm tướng quân, tiểu nhân không dám nói sai nửa lời. Bọn tiểu nhân cùng đi với Phong Trung đi từ cửa Ba Lạt về tới đất Đa Cương, ấp Ngừ thì gặp phải quân của Hàn Ước đi từ Xích Đằng liền phải tiến về phía tây. Tới bến Doan Vĩ ở bờ sông Đáy thì được tướng quân Phụng Quán, Đỗ tướng quân giao thêm hai trăm lính và năm mươi con ngựa. Phong Trung sai bọn tiểu nhân hành quân thần tốc tới phía nam huyện Vũ Bình gặp quân của Phạm tướng quân đây đang giao chiến với quân đội của Cao Đình Định. Bọn tiểu nhân liền nhập trận đánh tan quân lính của Cao Đình Định, truy sát về tới tận đất huyện Tống Bình.
Súng nghe tên kia thưa chuyện với Đặng Hoài mà lòng cảm thấy nhẹ tênh, Súng thở dài mắt díu cúi đầu thấp để cho Đặng Hoài không trông thấy vẻ mặt của Súng. Về phía Đặng Hoài, lời nói, cử chỉ, thái độ của tên kia không khiến Đặng Hoài hoài nghi thêm nữa. Hoài nói:
- Thôi được rồi. Ta đã biết. Anh Súng, anh kể tiếp đi!
Súng tuân lời kể tiếp:
- Súng nghe lời anh Đan bắt tên này đi trói ở cột tù binh, sau đó quay lại trại thì trông thấy anh Đan… anh ấy…
Thấy Súng ngập ngừng, Tước trợn mắt chĩa kiếm về phía Súng quát tháo:
- Cớ sao lại ấp úng? Nói mau. Hay là ngươi có ý bao che cho họ Phạm kia.
Súng quỳ sụp xuống, vội vàng lắp bắp:
- Súng tôi không dám ! Súng tôi không có cái gan ấy.
Đặng Hoài nhắc nhở Mã Tước:
- Anh Tước chớ có nóng giận. Anh dọa nạt như vậy khác nào bọn quản ngục ép cung. Cứ để cho anh ta bình tĩnh trình bày.
Súng dạ vâng, giọng run run nói được nửa chữ lại ngấp ngứ dừng lại, Mã Tước nghe thấy sốt ruột liền nói thay lời Súng:
- Thôi khỏi, anh chàng Súng này theo họ Phạm ấy bao nhiêu năm lại là người cùng trang ấp, nói ra lại sợ mất lòng họ Phạm. Để tôi kể tiếp, khi tên kia bị trói ở cột, tôi nghe hắn la hét ầm ĩ thì tiến tới hỏi han. Hắn liên mồm mắng mỏ Phạm Đan, tôi đi về phía trại thấy anh Súng đang đứng phía ngoài. Thấy khả nghi tôi liền vào trông thấy họ Phạm đang mình nằm cạnh cô gái kia. Tấm áo yếm cô ta còn sộc sệch, đùm váy kéo cao lại có mảnh vải nhỏ trên tay của Phạm Đan dính máu. Tôi lay Phạm Đan dậy thì anh ta vờ say, gạt tay tôi ra. Tôi hỏi chuyện thì Súng không dám nói, sau đó tôi gặp tên kia thì hắn một mực cho rằng Súng đã bao che cho họ Phạm. Bấy giờ Súng mới chịu khai hết chuyện đã xảy ra đêm qua. Tôi đành phải chờ trời sáng để nói lời đối chấp với Phạm Đan, rồi xét xử theo quân pháp để làm gương cho quân lính.
Phạm Đan cúi đầu quay mặt đi, lời nói chua cay:
- Họ Phạm tôi dẫu có say ngàn chén cũng chẳng thể làm ra cái chuyện đồi bại ấy. Còn Súng, chú hãy nói cho thật lòng. Tay tôi đây, mảnh vải vẫn còn quấn trên tay tôi, chính là mảnh vài áo choàng thấm máu ở vết thương từ tay tôi do xô xát với cô gái ấy khi cô ấy có ý định đâm trúng tôi. Họ Phạm này chưa từng có mảy may suy nghĩ xấu xa đối với bất kỳ người phụ nữ nào. Dẫu là có ly rượu hơi men cũng chẳng thể làm ra thứ chuyện đồi bại ấy.
Mã Tước gạt lời, ném mảnh vải dấm máu xuống trước mặt Đan:
- Đây, thế đây là mảnh vải gì? Tôi thấy nó ở cạnh cô ta, khi nãy cô ta trầm mình tự vẫn nó rơi ở trên bờ, Súng có nhặt được ném xuống đất, tôi trông thấy nhặt lên. Tôi còn tận mắt trông thấy, chẳng nhẽ lại nói lời vu oan dá họa cho anh. Cô gái, cô nói đi. Cô có biết chuyện gì đã xảy ra rạng sáng nay hay không?
Nhục nhã, cô gái định lao mình vào thanh kiếm đang cầm trên tay Mã Tước, họ Mã vội buông kiếm rồi giữ lấy cô gái. Cô ta gào thét:
- Các người một lũ bất nhân. Hãy để cho gái này chết đi cho rồi. Nhục nhã lắm thay! Gái này hận đám nghĩa quân người Nam Việt các người. Ta căm thù bọn quân tướng giả nhân giả nghĩa các ngươi. Các người khiến ta phải rời xa gia đình từ tấm bé, các ngươi khiến cha ta phải chết, các ngươi khiến họ Thôi ta phải ly tán, sau đó lại lỡ lòng nào giết chết những người đã thương yêu ta, lại còn làm nhục ta trước toàn quân.
Cô gái lao về phía Phạm Đan, giằng xé rồi lăn ra đất nức nở. Đan chống tay, hạ thấp mình xuống từ tốn phân giải cho họ Đặng và cô gái:
- Mong anh Hoài và anh Tước nghe tôi giải thích một lần nữa.
Cô gái nấc lên chửi rủa họ Phạm. Đặng Hoài ra dấu cho hai tên lính đứng ở cửa giữ chặt lấy cô gái rồi buộc giẻ vào miệng cô ta. Đặng Hoài nói:
- Câu chuyện đã rất rõ ràng. Mã Tước không phải kẻ hay đơm đặt chuyện. Từ khi anh ấy ở đất Phù Đổng, không phải tấm lòng ngay thẳng thì Dương chủ tướng đã mất mạng từ lâu. Nhiều lần sát cánh cùng anh ấy, tôi hoàn toàn không tin những lời anh ấy là bịa đặt lại còn nhìn cách anh chàng Súng kia ấp a ấp úng cùng mảnh vải kia thì anh Đan còn chuyện gì mà phân bua. Thôi thì thế này, chuyện đã lỡ xảy ra, quân ta lại trong tình thế trước mặt là địch, hai bên cũng là địch. Phải trái trước sau cũng đã rõ ràng. Nay có lời thế này, anh Súng chân bị thương, phần đóng góp của anh tôi sẽ ghi nhận và bẩm báo với thiếu chủ, anh hãy đưa cô gái này về cạnh dòng suối Yến, gần Động Đỗ để dưỡng thương và vỗ về cô ta. Còn anh Đan, trận này một sống một còn, tôi tin Nô Đan anh cũng là một trang quân tử, hãy gạt hết chuyện ngày hôm nay đi, tập trung đánh nốt trận này lập công chuộc tội. Tạm thời tước phẩm vẫn giữ nguyên, tôi giao cho anh thêm năm trăm lính chờ lệnh phản công quân Hàn.
Súng tuân lời, lui ra phía ngoài. Phạm Đan nghẹn ngào cầm quân lệnh trạng cảm tạ Đặng Hoài lập tức cũng lui ra. Đặng Hoài cản bước:
- Phạm Đan. Anh hãy dừng chân. Tội anh khó dung tha nhưng ở phía trước là quân địch đang trong khi thế ngút trời, tôi chưa xử tội anh vì những chuyện đàm tiếu ấy. Quân lệnh như sơn chắc Nô Đan anh cũng biết rất rõ. Tôi không bao che, cũng rất nghiêm khắc. Trận này anh phải lập được công lớn. Tất thảy đều phụ thuộc vào anh. Tôi vẫn tin anh là một người tướng quân tốt, nghĩa dũng nhưng phải xem xét lại mình. Thường anh hay không uống rượu, cũng không có điều tiếng gì về anh. Việc chưa quá nghiêm trọng nên anh hãy giữ lấy cái đầu lạnh sắc.
Đặng Hoài liếc mắt nhìn tên lính người Khâm Chân, mắt hắn liêng láo thi thoảng lại giật thon thót khi trông thấy họ Đặng nhìn ra phía hắn. Đặng Hoài nói lớn:
- Mã Tước, anh không giỏi trận địa đồng bằng, lệnh từ quân sư, anh mang theo hai nghìn binh già yếu cố gắng thủ thành, tỏ ra chống cự một cách quyết liệt nhưng phải để thua, anh sai quân lính trước khi để quân họ Hàn vào thành, hãy cho quân lính huy động thật nhiều rơm rạ dễ bắt lửa dựng ở các nhà dân trong thành, đào nhiều hố lớn, phủ rơm trên các trục đường lớn đi về bốn cổng thành và cả chân tường thành. Ta đã sai người đào hai chiếc hào lớn, tháo nước từ con kênh phía tây của thành. Sau khi địch vào thành thì hãy châm lửa rồi chạy về cửa phía phía tây, nhảy xuống con hào đã đào. Ta sẽ dụ quân Hàn tới thành, bọn chúng sẽ tấn công thành từ bốn phía. Các đạo quân từ Đường Lâm, Vũ Bình, Thái Bình sẽ lập tức phá địch từ phía tây để giải thoát cho các ngươi. Quân lính của ta từ phía nam sẽ tăng viện chặn đánh viện binh của địch đi từ phía Hoài Đức tới. Phụng Quán sẽ dẫn một vạn binh từ đất Câu Lậu đánh thẳng đánh vào thành Đỗ Động mà bọn chúng mới chiếm lại được đêm qua. Trận này phải đánh cho ra đánh, không cho địch có một khoảnh khắc ngơi nghỉ. Đánh cho chúng lung lạc tinh thần, đánh cho chúng không còn đường tiến thoái.
Mã Tước và Phạm Đan tuân lời lập tức rời trại sửa soạn binh mã. Đặng Hoài cho gọi Súng và cô gái vào phía trong lều trại. Súng tập tễnh bước vào miệng tươi cười cúi chào họ Đặng. Đặng Hoài hỏi Súng:
- Này anh Súng. Anh thấy Thôi Thị thế nào?
Súng lúng túng nhìn sang cô gái rồi đáp:
- Bẩm tướng quân Đặng Hoài. Súng người nhà quê xin được nói thật. Thôi Thị ấy xinh xắn nhưng số phận gian truân. Dẫu là con nuôi của Thôi Kết, kẻ thù của nghĩa quân chúng ta nhưng xét ra vẫn thật là đáng thương hơn là đáng hận.
- Vậy anh có muốn chết thay cho cô ta?
Súng có chút chần chừ, Hoài cười rồi rút gươm kề cổ Súng:
- Anh Súng, anh đã biết mĩnh đã phạm phải tội gì hay chưa? Một trong số các người sẽ có một người phải chết ở đây. Anh và cô kia có muốn nói gì hay không?
Súng liếc mắt nhìn Đặng Hoài, gương mặt sắc lạnh cũng chẳng kém ánh kiếm đang kè cổ mình. Cô gái họ Thôi quỳ rạp xuống dưới đất sướt mướt van xin:
- Xin ngài tha cho anh ấy.
Súng rướn cổ lên, quay ra nhìn Thôi Thị. Mặc cho kiếm sắc kề cổ, Súng vẫn cúi xuống kéo Thôi Thị đứng dậy, chàng nói:
- Đứng dậy đi cô gái. Cô đâu có quyền lựa chọn khi cô vào cửa nhà họ Thôi, bấy giờ cô chỉ là một cô bé nhỏ xíu nên là con nuôi của họ Thôi kia đâu phải là cái tội. Tôi có tội vì đã cùng anh Đan bao bọc cô, con gái của kẻ địch. Phạm Đan anh ấy uống rượu say làm ra những việc không hay ấy là tội của người cận hầu không biết can ngăn. Trong đêm để cho kẻ gian vào trại kè cổ chủ tướng đó là tội thứ ba. Cũng chỉ là may mắn mà tôi, cô và anh Đan mà qua được nạn tử. Kể ra đâu phải công trạng gì.
Đặng Hoài lớn tiếng cười lớn rồi đột nhiên rút kiếm về, dứt tiếng cười họ Đặng lao kiếm về phía Súng. Súng nhắm mắt nhận mũi kiếm lao về phía mình. Mũi kiếm rẽ gió khẽ vuột qua tai, chuôi kiếm khẽ chạm vào vai của Súng. Thôi Thị hét lớn, miệng há hốc nhìn thanh kiếm bay. Máu chảy, nàng lại nằm xỉu ra sàn.
Tiếng hự rất lớn, tên lính bị bắt trói trợn mắt không kịp tránh mũi kiếm đâm giữa trán, máu ròng ròng đỏ qua hai hốc mắt rồi ngã ra phía sau. Súng mở mắt ra nghe tiếng ngã rầm của người đứng phía sau. Trong lồng ngực, Súng không sao kiểm soát được nhịp tim. Súng cố giấu đi hơi thở gấp gáp, khuôn mặt tái mét. Súng giật mình khi nghe tiếng Đặng Hoài cất lời:
- Hắn là một trong những tên gian manh. Những kẻ như thế không xứng đáng được sống. Trước giờ ta không tin có một Mã Tước thứ hai, bọn chúng chắc chắn là bọn lính của quân Hàn trà trộn vào nghĩa quân. Súng lấy con dao nhỏ giắt ở hông hắn lên. Đó chính là dao găm của lính Tống Bình. Ta từng tận mắt nhìn thấy đám lính Tống Bình dùng dao găm giắt người khi chiến đấu. Nghe đâu đó là món nghề của tên Trần Khôn lúc luyện binh.
Súng nghe lời Hoài nhặt con dao lên. Súng liếc mắt nhìn Hoài, không dám nhìn thẳng đưa dao lên cho Hoài. Hoài ném con dao trúng thanh kiếm khiếm mẻ một miếng khiến Súng giật mình toàn thân run lẩy bẩy mà không dám nói thêm lời nào. Hoài vỗ một cái thật mạnh vào vai Súng:
- Nó tuy nhỏ mà thật lợi hại, không thể xem thường được. Cái tội nhà anh thật lớn. Anh hãy mang hắn chôn cùng với con dao nhỏ ấy. Còn một chiếc anh mang nộp nó cho phía quân nhu. Ta mang thanh kiếm này đi rèn lấy thanh khác thôi, chứ sắt đúc kiếm này kém quá. Còn Thôi Thị, anh mau mang cô ta ra khỏi quân doanh!
Đặng Hoài cười lớn tiếng, rút thanh kiếm đang cắm chặt trên khuôn mặt của tên mật thám đã chết. Súng trông theo rồi sờ vào ngang hông vẫn còn một con dao nhỏ giống y chang con dao mà tên mật thám kia dùng. Súng vội vàng ném nó xuống đất nhưng nghĩ lời của Đặng Hoài, Súng lại nhặt lên cả hai con dao, kéo cái xác ra khỏi lều trại.