Hà Thần

Chương 10: Q.1 - Chương 10: Bắt yêu ở thôn Chó Dữ




Một

Trở lại chuyện chính. Ngày hôm đó, sau một trận mưa lớn, nước đã nhấn chìm nghĩa trang nhà họ Ngụy, tấm bia đá ở ngã tư đường cũng ngập một nửa dưới nước. Mấy người Quách sư phụ lẫn Liên Hóa Thanh cùng nhau rơi xuống nước, vất vả lắm mới leo được lên cạn. Khi lên được lên trên cạn, họ vẫn nhìn thấy tấm bia đá trên lưng con thú cụt đầu, nhưng toàn bộ phòng ốc đường xá ở khu nghĩa trang nhà họ Ngụy đã không còn nhìn thấy đâu nữa, bốn xung quanh chỉ là một vùng trũng hoang vu chìm trong mưa nhìn không thấy biên giới. Sau lưng có một con sông, nước sông chảy cuồn cuộn, nhìn không thấy tận cùng. Kể ra cũng thật quái lạ, tại sao lại trôi tận đến đây? Nơi này có phải là ngã tư đường nghĩa trang nhà họ Ngụy không vậy?

Cả ba người đều ngây người ra, lẽ nào đã đến âm phủ? Nhưng nhìn lại thì lại không giống, kia rõ ràng là tấm bia đá ở ngã tư đường nghĩa trang nhà họ Ngụy. Bọn họ nhìn thấy Liên Hóa Thanh vẫn còn nằm bên cạnh tấm bia đá, lúc trước vẫn còn nhìn thấy xác chết này trợn mắt, tại sao bây giờ lại nằm bất động rồi? Đã đến nước này, họ đành phải cắn răng lội nước đến gần để quan sát. Họ bỗng thấy xác chết đó đột nhiên vùng dậy. Người này vừa mới chết nhưng thân thể đã cứng như gỗ mục, sắc mặt xám xịt, thân thể và tay chân thẳng đuỗn, móng tay đột nhiên dài ra nửa tấc, thân hình thẳng tắp nhảy dựng lên khỏi mặt đất.

Quách sư phụ không nhớ nổi mình đã vớt bao nhiêu xác chết trôi sông, hàng ngày trông coi nghĩa trang, nhìn thấy người chết như cơm bữa. Những chuyện ma tà quỷ quái, ông ta cũng biết không ít. Nghe nói, cương thi đại khái bao gồm bốn loại: thi thể của người chết sau khi đắc đạo lưu lại được gọi là Di thuế, chẳng những không phân hủy mà còn có một mùi thơm khác lạ; Đây là loại thứ nhất. Những xác ướp cổ đào được trong các ngôi mộ cổ, dù đã chết cả mấy trăm năm, nhưng màu sắc quần áo vẫn còn như mới, gương mặt giống như còn sống, nguyên nhân là do bị cách ly với không khí; Vừa gặp không khí, màu sắc của quần áo sẽ nhanh chóng mất màu, lấy tay đụng một cái sẽ thấy nát vụn giống như tro tàn của giấy; Sau đó, da thịt trên thân thể cũng biến thành khô quắt; Đây là loại thứ hai. Loại thứ ba là xác khô, phần lớn là do nước trong cơ thể bay hơi khô quắt lại. Còn loại thứ tư chính là Hành thi theo quan niệm của dân gian; Còn trong sách xưa, nó được gọi là Tẩu Ảnh, tóc và móng tay dài hơn rất nhiều so với người bình thường. Điều đó đã chứng tỏ, sau khi chết tóc và móng tay vẫn còn tiếp tục mọc dài ra. Nghe nói, loại cương thi này có đạo hạnh, bên đêm có thể ra ngoài hoạt động.

Những câu chuyện liên quan đến cương thi có rất nhiều. Chỉ cần là người sinh ra trước vài năm, có một chút kiến thức thì đều có thể kể ra không ít chuyện. Tuy nhiên, phần lớn mọi người đều chỉ được nghe kể lại mà chưa từng nhìn thấy bao giờ, mấy người Quách sư phụ cũng chưa từng nhìn thấy Hành thi. Hành thi tấn công người khi nổ ra trận chiến tranh việc làm của phu khuân vác ở nhà ga Lão Long Đầu vô cùng ma tà quái dị thực ra chỉ là câu chuyện đồn đại, những người kể lại đâu có được tận mắt nhìn thấy. Xưa kia có truyền thuyết Quảng Tế Long vương gia đuổi bắt đại tiên Hạn Ma. Đại tiên Hạn Ma chính là cương thi có đạo hạnh, là Hạn Bạt trong quan niệm của tổ tiên. Dù thế nào đi nữa, truyền thuyết bao giờ cũng vô cùng li kì. Nếu như mọi người tin là thật thì đó chính là thật; nếu như không ai tin, vậy đó chẳng qua chỉ là cái truyền thuyết dân gian mà thôi. Về phần Liên Hóa Thanh đã dính một viên gạch đập vào đầu, hôn mê bất tỉnh, sau khi rớt xuống sông bị nước lạnh kích thích, lại sống dậy, cũng không phải là hoàn toàn không có khả năng xảy ra. Nhưng tình hình hiện giờ lại cho thấy, hiện tượng xác chết biến thành cương thi đã xảy ra.

Ba anh em hết sức hoảng sợ, thực sự là cương thi? Theo đồn đại, vào thời nhà Thanh đã có người luyện Cương thi công, đầu tiên là nín thở, trên móng tay có thi độc, di chuyển bằng cách nhảy tưng tưng, nhưng không giống với Hành thi, mà chỉ là người sống mô phỏng động tác của xác chết. Chưa cần biết có phải là một môn võ công kỳ ảo hay không, chỉ cần hù dọa cũng đủ làm cho đối phương sống dở chết dở. Bởi vậy, ba người cho rằng Liên Hóa Thanh đã luyện Cương thi công, cho nên nhìn bề ngoài hoàn toàn không giống với người còn sống.

Hai

Trong khi ba anh em ngây người ra một lúc, cương thi đã bổ nhào tới ngay trước mặt rồi. Mặt nó xanh đen, hai con mắt như hai lỗ thủng đen ngòm, trên người nồng nặc mùi xác chết khiến cho người khác không dám mở mắt ra nhìn. Ba anh em teo hết cả gan ruột, lập tức trốn ra đằng sau tấm bia, cương thi đuổi sát theo sau. Đầu óc hỗn loạn, bước chân ríu lại, Lý Đại Lăng lỡ bước một nhịp, bị cương thi đẩy ngã nhào xuống đất. Móng vuốt của nó cắm sâu vào trong da thịt, gã giống như bị vòng sắt trói chặt, không tài nào giãy giụa được. Nhìn thấy vậy, Quách sư phụ và Đinh Mão hốt hoảng quay trở lại cứu người, nhưng cương thi tấn công con người đến khi chết mới thôi, bởi vậy họ không thể lay chuyển nó được mảy may. Trong lúc cấp thiết, quờ quạng được một hòn gạch trên mặt đất mà Lý Đại Lăng đã lấy ở nghĩa trang nhà họ Ngụy mang theo để phòng thân nhưng chưa kịp dùng tới. Quách sư phụ cầm lấy viên gạch, nhắm thẳng vào đầu cương thi dùng hết sức lực mà đập. Vừa nghe thấy một âm thanh nặng nề vang lên, từ trên đỉnh đầu cương thi đã bay ra một luồng khí đen.

Quách sư phụ cầm gạch đập liền ba cú. Trên người cương thi tỏa ra khí đen rồi đổ ập xuống đất. Ngay cả bản thân ông ta cũng không hiểu nổi đã có chuyện gì xảy ra. Nhiều năm về sau, có người nói hành động đó của ông ta là 'kim chuyên đả thi'. Có lẽ tôi nên giải thích rõ ràng hơn. Trước hết phải nhắc tới giai thoại vào những năm đầu thời Bắc Tống, trong trận Hãm hồn ba cục kim chuyên đánh chết nữ tướng Lưu Kim Đĩnh biết sử dụng tà thuật. Mặc dù đó chỉ là truyền thuyết dân gian, nhưng thiên linh cái trên đỉnh đầu là huyệt linh, nếu bị kim chuyên nện trúng dù chỉ một cái cũng sẽ bị mất vô số đạo hạnh. Cách giải thích này xác thực là có căn cứ, người xưa nói cương thi rất sợ kim chuyên, bởi kim chuyên làm mất thi khí khiến nó không thể cử động.

Kim chuyên mà người xưa nói tới thực ra không phải là gạch làm bằng vàng. Nếu trăm phần trăm đúng là gạch làm bằng vàng thì dù có giàu có đến mấy cũng không thể làm ra nổi. Thời cổ chỉ có vàng thỏi không có gạch vàng, nếu có vàng sẽ đúc thành vàng thỏi hoặc nguyên bảo, thông thường không bao giờ đúc thành hình dạng của một cục gạch. Xưa kia, người ta gọi kim chuyên là mang hàm nghĩa khác. Nói trắng ra, kim chuyên của thời ấy chính là cục gạch. Loại gạch này đến một mẩu vàng cũng chẳng có, bên ngoài trơn láng như bôi dầu, sáng bóng như gương, nhẵn mịn như vàng, không ráp không trơn, cứng rắn vô cùng, dân chúng gọi nó là kim chuyên, có quy cách thống nhất, dày từng nào dài bao nhiêu rộng thế nào, áp dụng cho mọi nơi. Nếu không đúng tiêu chuẩn này, cũng không thể gọi là kim chuyên. Lúc ban đầu, nó là loại gạch cầu kỳ được nung riêng để xây dựng các cung điện hoàng cung hoặc chùa miếu, phẩm chất đồng đều đến từng đường vân thớ gạch, gõ vão sẽ phát ra tiếng kêu của kim loại, dân gian gọi chúng là kim chuyên là bởi nguyên nhân này. Bởi vì loại gạch này chủ yếu được nung tại kinh sư, cho nên chúng cũng được gọi là kinh chuyên, truyền qua miệng nhiều người, tam sao thất bản trở thành kim chuyên. Nghe nói, tiêu chuẩn và nguyên liệu để chế tạo kim chuyên khắt khe hơn xa so với loại bình thường. Trong số những nguyên liệu có cả chu sa chỉ có ở Thần châu, bởi vậy mới có khả năng đánh thi hàng yêu.

Tuy nhiên, viên gạch mà Lý Đại Lăng cầm theo chỉ là gạch trong ngôi mộ cổ ở nghĩa trang nhà họ Ngụy, đâu phải là kim chuyên theo cách gọi của người xưa. Quách sư phụ vung gạch đánh vào đầu cương thi, nó lập tức không còn cử động. Thế nhưng, trên mặt nó lại khôi phục phần nào khí sắc của con người, da vàng như nến, miệng mũi trào ra dịch đen thui tanh tưởi, hấp hối bất tỉnh nhân sự. Quách sư phụ và Đinh Mão ngẩng mặt nhìn nhau. Chỉ nghe nói người chết biến thành xác chết cứng đờ, nhưng xác chết biến thành người sống thì đúng là điều hãn hữu tự cổ chí kim, ngay cả nghe cũng chưa từng nghe thấy.

Hai người không dám coi thường, bất kể sống hay chết, trước tiên cứ lấy dây thừng trói chặt lại cho chắc ăn. Sau khi trói gô Liên Hóa Thanh lại, hai người lập tức cấp cứu Lý Đại Lăng. Cuối cùng gã cũng hít thở hổn hển, khắp toàn thân đầy vết tím đen, kéo dài thêm chút nữa là mất mạng. Gã cứng quai hàm cả buổi không thốt ra được câu gì, quay sang quan sát Liên Hóa Thanh đang bị trói gô trên mặt đất. Mặc dầu đã mất ý thức, nhưng y vẫn rên lên một hai tiếng sau khi bị đá một cú, hiển nhiên không phải là người chết.

Quách sư phụ cho rằng kẻ này đã luyện Cương thi công, đỉnh đầu bị gạch đánh trúng ba lần, gây ảnh hưởng tới đạo hạnh. Thật ra không chỉ đơn giản là như vậy, nhưng giờ chỉ nói đến chuyện xảy ra vào lúc ấy. Sau khi đã trói gô Liên Hóa Thanh lại, ba người không biết đây là nơi nào. Đinh Mão ngẩng đầu lên, nhìn thấy lớp bùn đất bám trên tấm bia đá đã bị mưa rửa sạch, làm lộ ra ba chữ lớn sứt sẹo không còn trọn vẹn, nhưng vẫn có thể nhận ra rõ ràng, bèn quay sang hỏi Quách sư phụ: "Sư ca, anh thử nhìn xem trên tấm bia đá kia khắc những chữ gì?" Quách sư phụ đưa mắt quan sát. Ba chữ đó, quả thật là ông ta có thể đọc được, chưa đến mức không thể nhìn ra nổi đường nét. Ba chữ được khắc trên tấm bia đá chính là "Thôn Chó Dữ".

Đinh Mão lấy làm kỳ lạ thốt lên: "Chưa từng nghe thấy ai nói nơi nào có tên như vậy, vùng đất ở ngã tư đường nghĩa trang nhà họ Ngụy trước kia có tên là thôn Chó Dữ sao?"

Quách sư phụ lắc đầu không đáp, nghĩ mãi mà không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Có lẽ là sau khi rơi xuống nước, họ đã bị lũ cuốn qua vùng đất trũng ở phía nam. Vùng đất này chỉ có một điểm tương đồng với nghĩa trang nhà họ Ngụy đó chính là tấm bia đá, thành Thiên Tân có lẽ là ở phía Bắc, giờ phải đi về theo hướng bắc. Ông ta đã nhìn thấy bên cạnh tấm bia đá ven sông có một con đường, nếu đã có đường, kiểu gì cũng phải dẫn tới một nơi nào đó.

Ba

Lúc này, Lý Đại Lăng đã tỉnh táo hơn rất nhiều, kể ra thể chất của gã cũng khỏe mạnh. Quách sư phụ phân công gã hắn kẹp Liên Hóa Thanh dưới nách, rồi ba người cắm đầu cắm cổ men theo con đường bên cạnh tấm bia đá mà đi. Cách đó không xa là thôn làng, vây quanh thôn là ruộng, nhưng không nhìn thấy một bóng người, vắng lặng đến rợn người. Toàn bộ đám hoa mầu ngoài ruộng đều là mọc hoang, không do ai trồng trọt. Động vật duy nhất chạy khắp thôn làng là những con chó mực có hình thể khổng lồ, có vẻ vô cùng hung dữ, khác hẳn với chó kiến bình thường. Ba anh em vừa đi vừa nghĩ thầm, chẳng trách lại được gọi là thôn Chó Dữ, nhưng tại sao trong thôn lại chỉ có chó sinh sống? Chẳng lẽ không có người hay sao?

May mà cả đàn cả lũ chó dữ trong thôn dường như không buồn để ý gì tới bọn họ, chỉ quanh đi quẩn lại một chỗ. Ba người không dám nhìn quá lâu, vội vàng rảo bước nhanh hơn. Khi nhìn thấy cảnh tượng này, bọn họ không tránh khỏi liên tưởng tới làng chài Thượng Cổ Lâm, cái làng đó cũng có rất nhiều chó. Nói đến cái tên Thượng Cổ Lâm rất dễ lầm tưởng đó là một cánh rừng rậm nguyên sinh, nhưng trên thực tế Thiên Tân vệ có ba địa danh kỳ quái -- "Trạm xe không lớn, nhà ga không nhỏ, Cổ Lâm không có rừng", Thượng Cổ Lâm là một khu vực bị nhiễm mặn nằm sát biển. Thời xưa, chưa cần nói đến rừng rậm, ngay cả một thân cây một cọng cỏ cũng không có, một nơi hoang vu như vậy tại sao lại gọi là "Cổ Lâm"?

Vậy thì phải nói tới ngọn ngành. Năm xưa, hoàng thượng phái một vị khâm sai đại thần đến bờ biển tế thần. Vị khâm sai này dẫn theo đội ngũ đi một mạch tới bờ biển. Ngày hôm đó thời tiết đặc biệt oi bức, mọi người đều phơi nắng miệng đắng lưỡi khô, rất nhiều người đã sắp kiệt sức. Vị khâm sai dù sao cũng có ô che, nhưng các tùy tùng đi giữa bãi đất hoang vu trống trơn vắng vẻ không có chỗ tránh mà cũng chẳng có chỗ núp, nguyên cả đoàn người than khổ thấu trời. Vị khâm sai cũng không thể chịu nổi ánh nắng gay gắt như vậy, muốn tìm một nơi cho đoàn người nghỉ ngơi một lát, nhưng cả bờ biển kéo dài tới ngàn dặm lại hoàn toàn trống trải không có lấy một chỗ râm mát để nghỉ chân. Lúc bấy giờ, mơ hồ nhìn thấy ở phía đằng xa hình như có một cánh rừng rậm rộng lớn, mọi người đều cho rằng đó là rừng nguyên sinh, coi như được cứu rỗi rồi. Khi đến chỗ gần, họ mới phát hiện ra, hóa ra đó chỉ là một mảng ngải cát rất rậm rạp, cao vượt quá đầu người, từ xa nhìn lại giống như một cánh rừng nguyên sinh. Tuy rằng ngải cát không mọc thành rừng, nhưng vẫn thực sự có thể giúp con người ta lẩn tránh ánh mặt trời thiêu đốt. Trong khu vực đó còn có vài túp lều của ngư dân. Vị khâm sai sai tùy tùng tìm ngư dân xin nước uống, đồng thời hỏi thăm xem đây là nơi nào. Những người ngư dân nói, đây là khu đất hoang sát biển, không có tên tuổi. Vị khâm sai đại thần cảm khái nói, dưới vòm trời này đều là đất của vua, người sống trên đất này đều là con dân của vua. Khi trở về, ta nhất định sẽ tấu rõ với vị vạn tuế gia của mình, ban cho nơi này một cái tên. Lúc trở về, ông ta quả thực đã báo lại với hoàng thượng. Hoàng thượng miệng vàng lời ngọc, nói dù nơi đó hoang vu, nhưng ngải cát mọc san sát như rừng, vậy thì lấy Cổ Lâm làm tên, cho nên về sau mới có hai cái địa danh Thượng Cổ Lâm và Hạ Cổ Lâm, mà rất nhiều năm về trước, toàn bộ đều là một dải hoang vu um tùm ngải cát. Bắt đầu từ đời nhà Thanh, quy mô làng chài được mở rộng ra. Mỗi khi không đánh cá, làng chài tổ chức đấu chó, dần dần thành phong trào, cho nên trong làng nuôi rất nhiều chó dữ. Trước kia, ở khu vực làng chài Thượng Hạ Cổ Lâm, tổng số chó nuôi trong thôn và chó hoang ngoài thôn còn nhiều gấp mấy lần số lượng dân trong thôn. Chúng thường xuyên tấn công con người, về sau quan phủ buộc phải hạ lệnh tuyệt đối cấm người dân đấu chó, nhưng cấm đi cấm lại mà vẫn tái diễn.

Khi tới cửa "Thôn Chó Dữ", mấy người Quách sư phụ nhìn thấy trong thôn toàn chó là chó, quả thật không có lấy một bóng người, cho nên lầm tưởng là đã đi lạc sang Thượng Cổ Lâm. Nhưng cả mấy cái thôn này đều nằm trên bãi biển hoang vắng, không có ruộng cũng chẳng có sông, hơn nữa, chưa bao giờ nghe thấy có thôn nào lấy tên là 'chó dữ'. Ba người nơm nớp lo sợ, vừa bước đi vừa nghĩ ngợi miên man. Sau khi vượt qua cái thôn đó, bên đường lại xuất hiện một tấm bia đá, vẫn là loại bia đá cổ trên lưng con thú cụt đầu giống như lúc trước, phía trên có khắc ba chữ "Thôn Chó Dữ". Trời vẫn còn mưa, bầu trời mù mịt tối tăm, tầm nhìn giảm đến mức tối đa.

Ba người Quách sư phụ lâm vào hoàn cảnh đó, trong lòng không kìm nén được kinh sợ. Đi suốt một đoạn đường, vượt qua một cái thôn, nhưng chưa đi thêm được bao xa, tại sao lại nhìn thấy tấm bia đá ở đầu thôn thế này?

Cho dù vừa kinh sợ vừa nghi hoặc, nhưng họ vẫn tiếp tục đi tiếp, đi được bước nào hay bước đó. Nhưng, con đường này lại giống như một đĩa hát hỏng rãnh, bất kể bọn họ có đi như thế nào, quanh đi quẩn lại cuối cùng vẫn gặp cái tấm bia đá đó. Bởi vậy, họ không dám đi bừa theo hướng khác. Đúng lúc chưa biết quyết định thế nào, họ chợt nhìn thấy hai người bước ra từ sau tấm bia đá, chính là là ông lão và cô cháu gái bán mì hoành thánh ở ngã tư đường nghĩa trang nhà họ Ngụy.

Bốn

Ông lão bán mì hoành thánh lạnh lùng băng giá nhìn chằm chằm vào ba người, cất tiếng nói: "Nếu lúc trước nghe lão khuyên bảo, các ngươi đã không bị rơi xuống con sông âm dương ở thôn Chó Dữ."

Quách sư phụ không ngờ sẽ gặp lại ông lão bán mì hoành thánh này. Hai người một già một trẻ này, giữa ban ngày ban mặt bán mì hoành thánh ở ngã tư đường nghĩa trang nhà họ Ngụy, đã chứng tỏ không phải là cô hồn dã quỷ, nhưng là tuyệt đối không phải là người thường. Bất kể có nói thế nào, trước mắt vẫn phải nhờ ông lão bán mì hoành thánh chỉ điểm cho một con đường.

Ông lão bán mì hoành thánh nói với Quách sư phụ: "Cho tới bây giờ, không cần thiết phải dấu giếm nữa. Lão đã biết ngươi là ai từ trước, hai ông cháu chúng ta vẫn luôn ẩn náu ở dưới dòng sông này, rất ít khi đi ra ngoài. Trước đây không lâu, đứa nhỏ này không nghe lời ta, một mình trốn ra bên ngoài, có thể coi như là một kiếp nạn của nó, nhờ có ngươi ra tay cứu giúp nên mới có thể bảo toàn được tính mạng. Có một câu nói rất sâu sắc, nhân tình là khoản nợ, có vay phải trả, huống chi là ân cứu mạng, cho nên lão sẽ dốc hết khả năng để báo đáp ngươi. Nếu như muốn sống, các ngươi nhất định phải làm theo những gì lão nói, cứ đi thẳng một mạch theo con đường chạy qua tấm bia đá này. Nhớ kỹ, cứ đi thẳng một mạch, một khi đi qua tấm bia đá, ngàn vạn lần đừng có quay đầu lại nhìn. . ."

Khi vào đội tuần sông, Quách sư phụ đã cứu sống không ít người. Mặc dù không thể nào nhớ rõ ràng chi tiết tất cả mọi trường hợp, nhưng những việc mình đã làm, hoặc nhiều hoặc ít vẫn sẽ còn lưu lại một chút trong ký ức. Ông ta tập trung suy nghĩ một lượt nhưng không thể nghĩ ra mình đã cứu cô bé này ở chỗ nào. Trong đầu ông ta đột nhiên nảy ra ý nghĩ, vừa rồi nghe thấy ông lão bán mì hoành thánh nói là mình vẫn luôn ẩn náu dưới dòng sông này, câu nói đó có lẽ có điểm không đúng. Nếu như sống ở cạnh bờ sông thì chẳng nói làm gì, tại sao lại có người sống được ở dưới dòng sông? Một già một trẻ này là người chết đuối biến thành ma sông hay sao? Vì sao khi đi qua tấm bia đá rồi thì không thể quay đầu lại nhìn? Nếu như quay đầu lại, có phải sẽ nhìn thấy cái gì không nên thấy hay chăng?

Ba anh em tóm theo Liên Hóa Thanh, đi mãi mà không vượt qua nổi tấm bia đá, nghe ông lão bán mì hoành thánh bảo, sau khi đi qua tấm bia đá này, không thể quay đầu lại nhìn phía sau. Nhưng lúc trước, nhiều lần bọn họ đã đi qua con đường này, có lần nào quay đầu nhìn lại phía sau đâu, vậy mà vẫn không thể đi ra ngoài? Huống hồ, ông lão bán mì hoành thánh này có lai lịch không rõ ràng, không hiểu chỉ đường với mục đích gì, ai mà dám tin tưởng?

Nhận ra họ không tin tưởng vào mình, ông lão bán mì hoành thánh nói luôn: "Lúc trước các ngươi đi theo đường này, mặc dù không quay đầu lại nhưng vẫn không thoát ra được, là vì không có lão đi theo phía sau các ngươi. Bây giờ cứ làm theo những gì lão bảo, các ngươi nhất định sẽ thoát được ra ngoài. Nhưng lão có một câu mà các ngươi phải ngàn vạn lần nhớ kỹ, trong lúc đang đi, bất kể có nghe thấy đằng sau có tiếng động gì, đừng bao giờ quay đầu lại nhìn."

Nghe thấy vậy, ba anh em càng kinh ngạc hơn. Tại sao ông lão bán mì hoành thánh lại phải đi ở phía sau bọn họ? Liệu có đúng là một già một trẻ cũng là ma quỷ bị vây khốn trên con đường này, chỉ có đi theo con người mới có thể thoát ra ngoài? Trước đó, khi ở trong căn nhà mái bằng ở nghĩa trang nhà họ Ngụy, Quách sư phụ đã gặp phải chuyện này rồi. Tuy nhiên, nếu ngẫm lại cho kỹ, ông ta lại cảm thấy không hẳn chỉ đơn giản như vậy, bèn nói: "Cụ có thể cho chúng cháu biết, thôn Chó Dữ thực ra là nơi nào hay không? Tấm bia đá này có phải là tấm bia ở ngã tư đường nghĩa trang nhà họ Ngụy hay không?"

Ông lão bán mì hoành thánh đành phải nói ra sự thực: "Tấm bia đá của thôn Chó Dữ đúng là tấm bia ở ngã tư đường nghĩa trang nhà họ Ngụy. Rất nhiều năm trước, nơi đây là dòng sông. Trên dòng sông này có thể đánh bắt được cá to bằng cả cánh cửa. Sau này, bởi vì địa chấn, dòng sông này đã biến mất kể từ đó. Người ta đồn rằng nó đã biến thành một con sông âm dương. Những hồn ma chết đuối tại con sông này đều muốn đi vào âm phủ ngay tại chỗ này, cho nên có một vị quan đã lập lên một tấm bia đá, bên trên có khắc ba chữ 'thôn Chó Dữ'. Từ đó về sau, những cô hồn dã quỷ đã đến âm phủ không thể nào quay trở lại được nữa, nguyên nhân là bởi vì trong thôn có chó dữ trông coi."

Nghe đâu, con sông này rất lớn, ngày xưa dòng chảy của nó còn chạy thẳng tới vùng đất trũng phía nam. Lúc bấy giờ, vùng đất trũng phía nam vẫn còn là một cái hồ, thường xuyên xảy ra lũ lụt, người chết đuối trên dòng sông này nhiều không kể xiết. Nói theo cách của các nhà địa chất học, đây là một con sông dữ. Sau này, con sông đã biến mất, nguyên nhân có thể là do cạn nguồn, cũng có thể là do nước đã ngấm hết xuống đất. Nói tóm lại là nó đã cạn sạch nước, chỉ còn trơ lại tấm bia đá đồ sộ nằm lẻ loi giữa ngã tư đường. Đừng thấy dòng chảy đã biến mất mà lầm, những ông thầy phong thủy cao tay có thể nhìn ra được mạch khí của con sông này vẫn còn tồn tại, vẫn thủy chung bị tấm bia đá áp chế mãi không tiêu tán. Phong thuỷ coi trọng địa thế, mạch khí. Địa thế và độ liền mạch thì có thể đo đếm bằng mắt, nhưng mạch khí thì không thể. Mặc dù không nhìn thấy nhưng không có nghĩa là không có, mà nó đã biến thành con sông âm dương. Những người cao tuổi sống trong nội thành ít nhiều đều đã từng nghe nói đến truyền thuyết về con sông âm dương này.

Năm

Xung quanh Thiên Tân vệ quanh có rất nhiều địa danh bên trong có chữ cô, tổng cộng có bảy mươi hai cô. Bây giờ bạn có đến đó tìm cũng chẳng nhìn thấy một giọt nước nào, bởi vì nếu tách chữ 'cô' ( 沽) sẽ thành chữ cổ ( 古) và chữ thủy ( 水). Ví dụ như chúng ta vừa nói 'cổ nhân', hiển nhiên là muốn nói tới những người sống vào thời xưa. 'Cổ thủy' cũng mang ý nghĩa như vậy, chuyên dùng để chỉ những nơi xưa kia có nước, sau này biển cạn thành đất liền, nước không có lấy một giọt. Bởi vì có bối cảnh như vậy nên vào thời trước mới có không ít truyền thuyết về sông Âm Dương. Có truyền thuyết nói, khi đi trên đường lúc trời âm u có mưa thì bạn có thể nghe thấy âm thanh dòng sông đang cuộn trào, nhưng xung quanh lại rõ ràng không có dòng sông nào. Cũng có truyền thuyết nói, con sông Âm Dương này thông đến tận âm phủ, người sống sẽ không thể nào nhìn thấy, cũng không thể đi xuống đó được, bởi dù sao cũng là âm dương cách biệt, người và quỷ khác đường. Khi nào xảy ra lũ lụt, con sông đó mới xuất hiện, ai đã lạc xuống đó thì đừng có mong trở ra. Có đủ loại truyền thuyết liên quan đến sông Âm Dương, bạn có thể thường xuyên nghe thấy người ta nhắc đến. Theo truyền thuyết mê tín ngày xưa, vượt qua sông Âm Dương là sẽ đến âm phủ, đó là con đường người chết đi xuống cõi âm. Tuy nhiên, sông Âm Dương đến cùng là ở đâu thì không một ai trả lời chính xác được.

Khi nghe ông lão bán mì hoành thánh kết thúc câu chuyện về sông Âm Dương, mấy người Quách sư phụ cảm thấy đã hoàn toàn sáng tỏ. Thì ra nghĩa trang nhà họ Ngụy đã ngập trung lũ lụt, ba người và Liên Hóa Thanh cùng nhau rơi xuống nước, không ngờ lại rơi đúng vào con sông Âm Dương. Cũng còn may là không đi vào trong cái thôn kia, đi lạc vào thôn Chó Dữ sẽ không tránh khỏi số kiếp biến thành quỷ dưới âm phủ. Quách sư phụ còn có một số việc muốn hỏi, nhưng ông lão bán mì hoành thánh đã tiếp tục nói: "Đừng thắc mắc gì nữa! Những chuyện khác, các cậu không cần phải biết. Một khi trận mưa to này còn tiếp diễn, ngã tư đường sẽ chìm trong lũ lụt, các cậu ai cũng đừng có mong thoát được ra ngoài. Cứ làm theo lời lão, đi thẳng về phía trước nhanh lên. Nếu trên đường đi, lại tiếp tục nhìn thấy tấm bia đá này, các cậu cứ vượt qua bên cạnh nó, chỉ để ý đừng có rời xa con sông."

Nghe ông lão nói xong, Quách sư phụ không dám hỏi thêm gì nữa, dẫn theo hai người anh em của mình lên đường. Ba anh em nhấc Liên Hóa Thanh lên, vòng qua tấm bia đá, cắm đầu đi thẳng về phía trước. Khi đi ngang qua thôn Chó Dữ, họ lại nhìn thấy tấm bia đá kia xuất hiện ở trước mặt. Còn cách nó một đoạn, ba người vội rảo bước qua nhanh. Nhưng suốt từ nãy đến giờ, ba người không hề nghe thấy tiếng bước chân ở sau lưng. Lúc bấy giờ, càng đi họ càng cảm thấy sống lưng lạnh buốt, trong đầu không hiểu cái giống gì đang theo sát phía sau, không phải là tiếng bước chân con người dẫm lên đường phát ra, mà thực ra lại giống như một cơn gió ma quái đang vờn phía sau. Bọn họ không kìm nén được sợ hãi, không dám quay đầu lại xem thế nào.

Ba anh em cắm đầu đi thẳng về phía trước, đến chỗ tấm bia đá lại đi vòng qua tới thẳng chỗ bờ sông. Khi đến sát bờ sông, bởi Lý Đại Lăng không biết bơi, gã cõng Liên Hóa Thanh thõng thượt như chó chết đến chỗ này thì dù có nói thế nào cũng không chịu nhấc chân đi tiếp. Quách sư phụ và Đinh Mão quay lại lôi gã: "Người anh em đi nhanh lên. . ." Nói còn chưa dứt lời, trong lúc vô tình quay người, nhìn thấy sau lưng thực ra là cái giống gì, hai người sợ đến mặt xám như tro tàn.

Sau lưng nào có thấy ông lão bán mì hoành thánh và cô cháu gái, mà trong mưa chỉ có một con rắn khổng lồ to thân to như cái vò, còn có một con rắn nhỏ quấn trên đỉnh đầu của nó. Nó đang há cái miệng rộng hoác đỏ lòm như máu, lộ ra bốn cái nanh, đang định hút nước sông. Đến lúc này, Quách sư phụ mới tỉnh ngộ, cả già và trẻ đều là rắn thần sống trong sông Âm Dương. Sở dĩ ông lão bán mì hoành thánh nói ông ta đã cứu mạng cô bé kia, là muốn nói tới lúc xảy ra vụ dân cửu vạn đánh nhau giành địa bàn ở nhà ga Lão Long đầu, có hai tên cửu vạn cầm đá muốn đập chết một con rắn nhỏ, Quách sư phụ chợt sinh lòng từ bi nên đã ra tay giằng viên đá lại, thả con rắn đó đi.

Tục ngữ nói "Trời đã phán cắn răng mà chịu, nạn đã định ai trốn được đây", chỉ cần là động vật có linh tính thì không bao giờ trốn thoát được kiếp nạn trong số mệnh. Trên đường đi ông lão không cho phép ba người Quách sư phụ quay đầu lại, là bởi sợ làm cho mấy người kinh sợ, đồng thời cũng không muốn để người khác nhìn thấy nguyên hình. Trong lúc ba người đang kinh hãi, con rắn khổng lồ đã há miệng hút nước. Trên dòng sông xuất hiện một vòng nước xoáy, bọn họ bị cuốn vào trong, giống như cánh bèo trôi dạt chìm xuống dưới.

Sáu

Quách sư phụ và Đinh Mão có kỹ năng bơi xuất chúng, phát hiện ra thân thể chìm xuống, vội vàng lấy hơi, nâng Lý Đại Lăng và Liên Hóa Thanh bơi lên trên. Sau khi ngoi lên khỏi mặt nước, họ đã nhìn thấy mình đang ở ngã tư đường nghĩa trang nhà họ Ngụy. Trời vẫn đang mưa tầm tã, không biết khi nào mới dứt. Nước đã ngập quá nửa tấm bia đá, một nửa số phòng trong khu nhà mái bằng ở phía nam ngã tư đường đã chìm dưới nước. Có người trong đội tuần sông trông thấy cái thuyền con bên này lật úp, vội vàng chống thuyền tới cứu. Ba người túm lấy Liên Hóa Thanh, vật lộn leo thuyền của đội tuần sông. Trong mắt những người không liên can, đó là việc mà từ đầu đến cuối chỉ xảy trong nháy mắt, nhưng sắc mặt ba người bọn họ lại xám xịt, thân thể cứng đờ, miệng sùi bọt mép màu tím, mặc dù vẫn tỉnh táo nhưng không sao mở miệng nói ra được một câu. Sau khi kéo lên thuyền cho uống canh nóng, ba người mới dần dần tỉnh dậy.

Đến khi tỉnh hẳn lại, ba người bảo đội tuần sông đi đến nghĩa trang nhà họ Ngụy để nhặt xác Gà con và Ngư Tứ Nhi. Liên Hóa Thanh vẫn sống dở chết dở, bọn họ mang kẻ này về giao cho quan phủ, sau khi nghiệm chứng thân phận đã xác định đúng là người cần tìm. Thêm một nửa tháng nữa, y mới dần dần khôi phục được ý thức. Sau đó là đến việc thẩm vấn quá trình gây án để định tội. Cho dù ngươi có là La Hán bằng sắt, rơi vào công đường cũng bị lột sạch da. Nếu không chịu cung khai, dùng đại hình chăm sóc, lúc ấy đến gấu đen cũng phải thừa nhận mình là con thỏ.

Sau khi thụ hình, Liên Hóa Thanh mới chịu khai ra, năm xưa đã phóng hỏa đốt chết cả nhà người anh đã đuổi y ra khỏi cửa hay đã hành hạ đến chết hai đứa bé ăn mày ở miếu thổ địa như thế nào; kết hợp với kẻ dạy xiếc khỉ vào thành, gây ra không ít những vụ án thương thiên hại lí ra sao. Sau đó, con khỉ làm xiếc đã đột tửở giếng cạn trong vườn rau, y đã chiếm đoạt cuốn kỳ thư Ma Cổ Đạo còn lưu truyền lại bỏ trốn mất dạng. Nhằm trốn tránh truy nã, y đã có lần trốn ra ngoài tỉnh. Đầu tiên y ghi nhớ hết nội dung trong sách, sau đó đốt nó thành tro tàn không để lại dấu vết. Lúc ấy bởi rối loạn, chưa quen với cuộc sống ở một nơi xa lạ, nên y cũng chỉ còn cách diễn xiếc khỉ hoặc ăn xin ăn trộm lừa gạt mà sống, nhưng vẫn không chịu nổi mùa đông đói rét. Nghĩ đi nghĩ lại, làm cách nào cũng không tốt bằng trà trộn vào đám đông đủ mọi hạng người tụ tập ở bến cảng tàu thủy của Thiên Tân, bởi vậy chưa được vài năm, y đã buộc phải quay về, nhưng không dám vào nội thành. Sau khi sát hại một nhà năm người, y trốn ở trong ngôi nhà bị ma ám ở nghĩa trang nhà họ Ngụy. Y và kẻ dạy khỉlàm xiếc nảy sinh bất hòa. Bởi có đầu óc linh hoạt, y đã huấn luyện một con khỉ đột, lại bắt nó lẻn vào trong nhà dân ăn cắp bào thai. Toàn bộ yêu thuật mà y đã luyện được đều nhờ vào chỗ thuốc bột chế ra từ xác thai nhi. Đúng ra, yêu thuật nhiếp hồn của Ma Cổ Đạo phải được luyện hoàn toàn bằng cách ăn sống nuốt tươi bào thai lấy ra từ bụng mẹ, nhưng những gì y ăn lại đều là thịt của thai nhi đã chết. Bởi vậy, âm khí trên người càng ngày càng nặng, cứ rơi xuống sông là sẽ biến thành hành thi. Vẫn còn có cả những nguyên nhân khác nữa, nhưng ngay cả bản thân y cũng không rõ đầu đuôi. Dù sao đi nữa, y cũng đã bị Quách sư phụ cầm gạch nện vào đầu, làm mất đi thi khí, cho nên mới khôi phục lại dáng vẻ ban đầu, nhưng lại mất đi khả năng thi triển ra pháp thuật mê hoặc, cuối cùng đã bị đội tuần sông tóm được một cách dễ dàng. Đại khái đầu đuôi câu chuyện là như vậy.

Quách sư phụ và hai người anh em của mình chạy đến ngôi nhà bị ma ám ở nghĩa trang nhà họ Ngụy để đuổi bắt Liên Hóa Thanh, rơi xuống sông Âm Dương, chẳng khác gì đã đã chết đi sống lại một lần, trong lòng tự hiểu những gì Trương Bán Tiên đã nói là chuẩn xác, tính toán khỉ trở về phân chia phần thưởng ra sao, cảm ơn Trương Bán Tiên như thế nào. Không cần nói đâu xa, chỉ cần nói tới Liên Hóa Thanh đã gây án lẩn trốn nhiều năm, cõng không biết bao nhiêu án mạng trên người, theo luật pháp của thời bấy giờ thì có bào chữa giỏi thế nào cũng không tránh khỏi tội chết. Tuy nhiên, thời kỳ Dân quốc không có hình phạt chém đầu hay lăng trì. Nếu bị phán quyết tử hình, phạm nhân sẽ bị xử bắn.

Lúc ấy y sẽ phải trải qua diễu phố thị chúng, sau đó bị áp tải đến pháp trường ở Tiểu Lưu Trang theo cửa tây để xử tử. Toàn bộ quá trình đó đã được tất cả các đài báo tranh nhau đưa tin, chủ đề chính của những cuộc tán dóc ở đầu đường cuối ngõ cũng chỉ xoay quanh câu chuyện này. Sau khi nghe ngóng được tin tức, bàn dân thiên hạ thông báo cho nhau với tốc độ chóng mặt. Vào cái ngày Liên Hóa Thanh bị diễu phố xử bắn, người ta đua nhau chen lấn đến xem náo nhiệt, khiến cho toàn thành rối loạn. Chúng ta vẫn luôn gọi là yêu sông Liên Hóa Thanh, đồn đại kẻ này là yêu quái dưới sông Vĩnh Định, nhưng rốt cục có chuyện gì xảy ra, vậy phải đợi đến ngày xử bắn ngài sẽ biết.

Bảy

Quyển sách 《Hà Thần》 này đàm luận đến những chuyện ma tà quái dị, chỉ đề cập tới những câu chuyện truyền miệng rỉ tai trong dân gian. Thế nào gọi là câu chuyện truyền miệng rỉ tai? Một người nghe người khác kể lại một câu chuyện nào đó và ghi nhớ, sau đó người này lại kể cho người khác nghe, cứ như vậy lan truyền rộng ra. Trong quá trình đó, không tránh được người ta thêm mắm dặm muối, càng lan truyền càng thần bí, kết quả là sinh ra vô số cách nhìn nhận khác nhau.

Có người nói, năm ấy Quách sư phụ đuổi bắt Liên Hóa Thanh là sự thực, nhưng không đến mức ly kỳ như lời đồn đại, bởi trên thực tế Liên Hóa Thanh sống vào thời Dân quốc, quê quán tại Trần Đường Trang, biết làm ảo thuật và xiếc khỉ, thường xuyên thu nhặt xác chết của trẻ con chôn bừa ngoài đồng hoang núi thẳm để làm thành thuốc bột, tự khoe khoang là mình biết sử dụng một số pháp thuật mê hoặc tà ma quỷ quái, đã có lần chạy trốn ra tỉnh ngoài, quan phủ đã truy nã nhiều năm nhưng vẫn không thể bắt được kẻ này. Có một lần, khi không còn lăn lộn kiếm sống nổi ở tỉnh ngoài, Liên Hóa Thanh đã quay trở về trốn ở nghĩa trang nhà họ Ngụy. Đúng lúc đó, Quách sư phụ đi ngang qua, vừa khéo bắt được kẻ này rồi dẫn về giao cho quan phủ. Sau khi thẩm vấn, y đã khai ra vài vụ trọng án, bị phán tử hình. Sau khi diễu phố xử bắn, xác y bị vứt bừa ngoài đồng hoang. Có đạo sĩ biết dưỡng cốt đã thu nhặt thi thể của Liên Hóa Thanh, mang về chôn ở tháp dưỡng cốt. Vị đạo sĩ này chuyên môn thu nhặt những thi hài vô chủ rồi chôn toàn bộ vào trong ngọn tháp đó.

Nhưng cách nói này cũng không thoát khỏi liên quan đến ma quỷ. Tích chuyện Quách sư phụ đuổi bắt Liên Hóa Thanh, sau này biến tướng thành Thần sông Quách Đắc Hữu bắt yêu ở thôn Chó Dữ, khi đến sông Âm Dương đã được rắn thần chỉ đường. Nói chung là được kể lại vô cùng li kì. Theo tôi được biết, Quách sư phụ bắt được Liên Hóa Thanh bằng cách nào, kể cả người chí thân chí cốt của ông ta cũng không rõ lắm, bản thân ông ta thì rất ít nói. Chỉ có người của đội tuần sông là nhắc đến một vài câu chuyện là còn có lẽ tương đối đáng tin. Bản án xử bắn Liên Hóa Thanh cũng chỉ được ghi chép lại rất chung chung trong tài liệu hồ sơ lưu trữ. Đúng ra phải còn phải có một số sự vật liên quan đến tâm linh mà hoàn toàn không thể giải thích được, nhưng lại không được ghi chép lại, thành ra toàn bộ quá trình phá án trở nên không hợp logic.

Vào thập niên chín mươi sau giải phóng, ở vùng lân cận một cái đập nước nằm ở ngoại thành Thiên Tân, đã xảy ra một vụ án bí ẩn, tuy rằng đã được phá, nhưng nếu loại trừ yếu tố ma quỷ, vụ án này không sao giải thích được một cách hợp lý. Khi ấy, ở vùng nông thôn có một nông dân họ Hoàng tên đầy đủ là Hoàng Lão Tam. Có một lần Hoàng Lão Tam đi vào nội thành bán trâu. Sau khi bán xong, một mình ôm bọc tiền về nhà. Trên đường về, anh ta uống một ít rượu nên đã lên nhầm xe. Khi tỉnh lại, anh ta phát hiện mình đã đến vùng lân cận của đập chứa nước. Đúng lúc này, anh ta gặp một người cùng thôn tên là Lưu Thất. Lúc bấy giờ, người này đang có việc phải làm ở đó. Hai người rảnh rỗi tán dóc vài câu. Vì câu chuyện phiếm đó mà cả hai đã chôn vùi tính mạng của mình ngay tại cái đập chứa nước đó.

Biết được trên người Hoàng Lão Tam đang mang theo người tiền bán trâu, Lưu Thất nổi lòng tham, dùng con cá to mới đánh được làm mồi nhử, lừa Hoàng Lão Tam lên trên mặt đập chứa nước. Y vớ lấy con dao đốn củi, nhắm thẳng vào ót Hoàng Lão Tam mà chém một nhát. Mặc dù con dao đó rất cùn, nhưng lại nặng như một cây búa. Dính trọn một dao, hộp sọ của Hoàng Lão Tam lập tức nát bét. Lưu Thất moi tiền của anh ta ra rồi buộc xác vào một tảng đá, nhấn cái xác xuống đập chứa nước. Từ đó về sau, con người mang tên Hoàng Lão Tam này coi như mất tích. Đập chứa nước nằm giữa núi rừng của huyện Kế, chung đấy rất hoang vu, không có người ở. Xác chết chìm xuống đáy đập nước, thần cũng không biết quỷ cũng không hay.

Hoàng Lão Tam lên nhầm xe đi đến đập chứa nước, ngoại trừ Lưu Thất thì không một ai có thể nghĩ ra anh ta lại đến một nơi nhự vậy. Người nhà cũng chẳng hề biết, người này đã ngộ hại bỏ mình. Sau khi mấy ngày trôi qua mà vẫn chưa thấy Hoàng Lão Tam về đến nhà, tìm khắp mọi nơi mà cũng không thấy, người nhà sốt ruột chạy tới đồn công an báo án. Nói rằng, Hoàng Lão Tam vào nội thành bán trâu, trên người mang theo không ít tiền, chắc là giữa đường đã bị kẻ xấu giết người cướp tiền. Nhưng đồn công an không ghi nhận việc đó, bởi vì không có chứng cứ, có thành lập án cũng chỉ là án mất tích. Nếu quý vị nói là án mạng thì phải có tử thi, không có tử thi thì chỉ có thể quy kết vào mất tích.

Nhưng câu chuyện này lại giống như ma làm. Sau khi báo án xong, vợ Hoàng Lão Tam về nhà, đêm nằm mơ thấy có người đang gọi tên mình ở bên ngoài cửa phòng. Giọng nói nghe giống như của Hoàng Lão Tam, vợ anh ta vội đứng dậy chạy ra tìm, vừa tìm kiếm vừa hỏi ông chồng nhà anh chết trôi ở đâu vậy, tại sao đi khỏi nhà lâu ngày như vậy mà vẫn không chịu về? Nhưng đối phương không hề đáp lại. Sau khi dỏng tai lên lần theo tiếng nói tìm kiếm, người vợ nhìn thấy bên trên vách núi có khắc một hàng chữ lớn 'đập chứa nước số bảy', lại mơ hồ nghe thấy Hoàng Lão Tam nói văng vẳng đâu đây 'ở dưới này quá lạnh, cô hãy mau chóng gửi tiền và quần áo xuống cho tôi'. Trong lòng chợt lạnh buốt, cô vợ giật mình tỉnh lại, phân vân tại sao ông chồng lại chạy đến chỗ đập chứa nước, lại còn nói dưới đó lạnh lắm, giục người nhà gửi tiền và quần áo cho anh ta nữa?

Đến lúc hừng đông, người vợ vừa mới kể lại giấc mộng vào nửa cho cả nhà cùng nghe, mẹ của Hoàng Lão Tam đã chảy nước mắt, bảo rằng Hoàng Tão Tam đúng là đã chết ở chỗđập chứa nước rồi. Những người còn lại đều không tin, nhưng bị cả hai mẹ chồng nàng dâu khóc lóc cầu xin, không chịu nổi đành phải đi nhờ người của đội cảnh sát đường thủy năm sông giúp đỡ, lại còn tặng quà cầu xin, nhờ đội tuần sông hỗ trợ đến chỗ cái đập chứa nước đó để xem xét và đưa ra một đáp án để cho mọi người an tâm. Không ngờ, tới đó tìm kiếm một lúc đã phát hiện ra tử thi. Tính mạng người là quan trọng nhất, có tử thi thì bắt buộc lập án phá án và truy bắt hung thủ. Cuối cùng điều tra ra hung thủ là Lưu Thất, vụ án bí ẩn này rốt cục đã được công bố kết thúc. Nhưng trong bản báo cáo điều tra, có vài chi tiết không thể nào ghi chép vào được. Ngươi ta không thể nào nói là có ma, hoặc là nằm mơ thấy người chết ở dưới đập chứa nước được. Phá án dựa vào nằm mơ thì ai mà chấp nhận cho nổi?

Nhưng vấn đề là, nếu gạt giấc mộng này ra ngoài, thì phải giải thích lý do phải đi tới chỗ đập chứa nước đó để vớt tử thi bằng cách nào? Đây là vụ án người thật việc thật không một chút giả dối, là oan hồn không tan cũng được, là thần giao cách cảm cũng chả sao. Tuy rằng không có vật chứng cụ thể có thể thấy được sờ được, nhưng vẫn không thể khăng khăng quy kết là mê tín. Bản thân sự tích Quách sư phụ đuổi bắt Liên Hóa Thanh năm xưa cũng ly kỳ như vậy cả. Từ cái xác bị dìm ở ngã ba sông, đến giấc mộng kỳ quái ở Trần Đường Trang, cho đến quá trình diễu phố thị chúng áp giải đến pháp trường ngoài Tây Môn xử bắn, cả câu chuyện này dường như vẫn còn chưa kết thúc.

Tám

Ai cũng biết, bên ngoài Tuyên Vũ Môn của thành Bắc Kinh có một chợ bán thực phẩm, đó là pháp trường chuyên hành quyết tội phạm từ đời nhà Thanh cho đến bấy giờ, bởi vậy Tuyên Vũ Môn được người ta gọi là Tử Môn. Vào đời nhà Thanh, pháp trường của Thiên Tân vệ được thiết lập ở bên ngoài Tây Quan. Tây Quan là một cửa thành, là một nơi không thể coi là quá đông đúc, nhưng dù sao cũng là nơi giao lộ, đủ chỗ cho đông đảo dân chúng đứng xem. Vào thời điểm trấn áp Nghĩa Hoà Đoàn, đã có không ít đầu người bị chặt xuống tại cái pháp trường ở nơi này. Đến thời Dân quốc, người ta đã huỷ bỏ hình phạt chém đầu, phạm nhân sẽ bị hành quyết bằng cách xử bắn, còn pháp trường cũng không còn được thiết lập giữa đường nữa, mà được chuyển tới sân phơi gạch ngói của Tiểu Lưu Trang bên ngoài Tây Quan. Lúc tiến hành xử bắn Liên Hóa Thanh, địa điểm thi hành hình sẽ được thiết lập ở ngay cái sân phơi gạch ngói này. Nhưng đúng ngày hôm đó, trên pháp trường đã xảy ra một việc lạ kỳ nằm ngoài sức tưởng tượng của con người.

Thiên Tân vệ có hai cửa thành Bắc Quan và Tây Quan. Thành lâu khu vực phía bắc có quy mô đồ sộ nên được gọi là Bắc Đại Quan, còn phía tây có quy mô nhỏ, nên gọi là Tiểu Tây Quan. Vào đời nhà Thanh, mỗi cửa thành đều có một vọng lâu, đến năm 1900 đã bị quân đội của liên quân tám nước phá hủy. Sau giải phóng, Tiểu Tây Quan đã được cải tạo thành nhà giam, tất cả những kẻ bị giam giữở đó đều là trọng phạm. Ra khỏi cửa thành đi về phía tây, qua nghĩa trang, vượt con sông Long Miếu là đến sân phơi gạch gói của Tiểu Lưu Trang. Nó không phải là một cái xưởng hay là nhà máy, mà là một sân bãi rộng, dùng để chất đống phế liệu gạch vỡ ngói vụn năm này qua năm khác, cỏ dại mọc um tùm; là một nơi rất hoang vu không có dấu chân người, nằm ngay sát cạnh Loạn Tử Khanh - một nơi lý tưởng để vứt xác trẻ em. Bình thường, mỗi khi hành quyết phạm nhân, người ta sẽ luôn thi hành tại sân phơi gạch ngói của Tiểu Lưu Trang.

Từ lúc huỷ bỏ hình phạt chém đầu cho tới bấy giờ, lượng phạm nhân bị áp giải đến xử bắn ở sân phơi gạch ngói của Tiểu Lưu Trang bên ngoài Tây Môn thực sự không dưới con số vài trăm. Nhưng đáng nhắc tới thì chỉ có ba vụ. Đầu tiên là vụ xử bắn Hoạt Ly Miêu vào những năm đầu thời Dân quốc. Hoạt Ly Miêu là danh hiệu của một gã phi tặc. Theo người ta kể lại, gã phi tặc này cực kỳ cao tay, y chưa bao giờ từng đồng lõa với kẻ khác. Án lớn bằng trời cũng chỉ do một tay y gây ra. Y có một tuyệt chiêu đặc biệt là chống sào đi trên mái nhà, đi qua lướt lại, liều mạng lướt trên không giống như trên đất bằng, không ai có thể tóm được y. Có một lần đúng lúc gặp phải người của đội tróc nã tội phạm đang truy bắt mình, Hoạt Ly Miêu chống sào định nhảy lên nóc nhà. Ai ngờ cây tre mà y chọn không đủ rắn chắc, vừa mới chống xuống nhảy lên được nửa chừng thì nó đã gãy làm hai đoạn. Hoạt Ly Miêu rơi thẳng từ không trung xuống đất, ngã úp sấp không cử động nổi chân tay, bị đội tróc nã tội phạm đè nghiến lại ngay tại chỗ, thi hành hình phạt diễu phố thị chúng, rồi áp giải ra pháp trường xử bắn. Trước khi phải ăn đạn mặt không đổi sắc, kẻ này là loại người kiêu ngạo thành tính, phát ngôn ra những lời hùng hồn rất dễ mê hoặc lòng người. Tất cả câu từ đều là những lời nói sáo rỗng bùi tai được trích ra từ kịch nam Bình Thư, nào là những câu như "Chém đầu chỉ để lại một cái sẹo lớn, hai mươi năm sau lại là một trang hảo hán". Lúc ấy, dân chúng đứng xem diễu phố rất đông, đông nghìn nghịt chật như nêm cối. Mọi người đặc biệt thích nghe những lời như thế này, nghe đến mức say mê, cảm thấy nếu là anh hùng hảo hán không sợ chết, lúc ra pháp trường phải nói những câu như thế, bám theo suốt quãng đường diễu phốồn ào cổ vũ, náo động cả nửa thành Thiên Tân.

Cuối cùng là vụ xử bắn Viên Tam gia vào thập niên năm mươi. Viên Văn Hội Viên Tam gia là tội phạm số một của Thiên Tân vệ, bị bệnh đầu trọc bẩm sinh, biết vài miếng võ. Mặc dù trước giải phóng đã bị bắt và giam giữ nhiều năm, nhưng chính phủ Dân quốc vẫn không dám động đến y, bởi vì kẻ này là thủ lĩnh của giới xã hội đen, còn cai quản cả giới khuân vác thuê, thế lực quá lớn, căn cơ quá sâu, có thể nói mánh khoé trùm đời, tương đương với một vị hoàng đế của bản địa. Y chỉ cần dậm chân một cái, nội thành ngoại thành đều phải rung động mấy lần. Sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập, chính quyền nhân dân đã quyết định thi hành xử bắn y. Lúc ấy là vào mùa đông, trời đông giá rét. Viên Văn Hội bị áp giải ra pháp trường, mặc một bộ quần áo bông, tay trói gô, hai mắt đỏ bừng, sắc mặt thâm trầm. Bởi vì đã bị giam giữ lâu ngày, y thẫn thờ mất hết tình thần không nói một câu gì. Sau khi bị áp giải tới sân phơi gạch ngói của Tiểu Lưu Trang, y quỳ trên mặt đất lĩnh ba phát đạn. Vụ tử hình công khai khi ấy, muôn người đều đổ xô ra đường, nam nữ già trẻ chen lấn nhau đi xem. Nguyên nhân chủ yếu là bởi danh tiếng của Viên Văn Hội như sấm bên tai, ai ai cũng muốn tận mắt xem y có phải ba đầu sáu tay hay không.

Sau hai vụ đầu tiên và cuối cùng đó, dù là vụ xử bắn Hoạt Ly Miêu trước kia, hay là khai đao xử trảm giống như vương pháp Thanh triều, kể từ sau vụ xử bắn Viên Văn Hội, tình hình xã hội dần dần đi vào ổn định, hình phạt diễu phố tử hình không còn được thi hành công khai nữa vừa mới ban hành thì đến vụ xử bắn Liên Hóa Thanh. Vùng Thiên Tân vệ này không giống với Bắc Kinh, Bắc Kinh ở ngay dưới chân thiên tử. Đừng thấy hai nơi gần nhau mà lầm, phong cách hành xử của dân chúng hai nơi khác hẳn nhau. Kinh thành chủ yếu là hành quyết những nhân vật tai to mặt lớn, cùng với đó là cảnh tượng náo nhiệt trên pháp trường. Dân chúng kinh thành chỉ quan tâm xem những vụ xử bắn có quan hệ đến chính trị, ví dụ như hành quyết một thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân hoặc là vị đại thần bị triều đình giáng tội nào đó, nhưng hơn tất cả là muốn thấy cách chém của đao phủ.

Nhưng nếu là ở trên địa bàn của Thiên Tân, người ta lại không quan tâm tới những điều đó. Với vai trò là bến tàu thủy bộ của chín nước tại Tô giới, là vùng đất mà đủ các hạng người rảnh rỗi tụ tập, dân chúng đặc biệt thích tham gia vào những cảnh tượng náo nhiệt, chỉ thích xem hành quyết những tên lưu manh khét tiếng hoặc những tên trộm cõng nhiều án cộm cán; Những kẻ như vậy phần lớn là dân liều mạng. Lúc đi diễu phố trước khi bị tử hình, nhìn thấy nhiều người nhìn mình cằm chằm như vậy, chẳng những không sợ, chúng còn thường tỏ ra đắc chí, gân cổ lên mà hát vài câu Định Quân Sơn Dã Trư Lâm. Kẻ nào không biết hát thì sẽ nói, nói một hai câu đại loại như: "Các quý vị già trẻ lớn bé, không hiểu tại hạ đã phạm phải việc gì nữa, đã sắp phải rơi đầu rồi. Bây giờ mong các quý vị già trẻ nhớ lấy mặt ta, hai mươi năm sau ta sẽ lại là một trang hảo hán." Sau đó đám dân chúng bám theo sau sẽ đua nhau trầm trồ khen ngợi, cứ một bước lại tung hô một câu. Người biết thì hiểu rằng đó là tử tù bị xử trảm xử bắn, người không hay lại cứ tưởng đang chào đón một ngôi sao kinh kịch nào đó. Đây chính là tập tục của người bản địa.

Cái ngày xử bắn Liên Hóa Thanh cũng diễn ra náo nhiệt như vậy. Mọi người nghe nói con mắt kẻ này có hai cái đồng tử, bèn suy diễn ra y là một nhân vật khó lường đến dường nào, vụ náo nhiệt đến cỡ này làm sao có thể bỏ qua. Đến ngày thi hành án, ăn mày trên đường không xin ăn, kẻ cắp không trộm đồ, nghệ nhân hát tướng thanh không biểu diễn, phu xe cũng nghỉ việc, đông đảo dân chúng kéo nhau đi xem, kẻ chen lấn người xô đẩy, trèo cả lên vai nhau, hai bên đường trở thành hai bức tường người, không còn chỗ mà chen. Cảnh tượng hoành tráng như thế này, không một ai có thể tưởng tượng ra nổi. Tiếp theo sẽ xảy ra chuyện gì, liệu Liên Hóa Thanh có phải là yêu quái dưới sông Vĩnh Định hay không, ngài phải đến pháp trường xử bắn y ở Tiểu Lưu Trang thì mới biết rõ tường tận.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.