Một
Liên Hóa Thanh cúi đầu nhận tội là thủ phạm của một số vụ án mạng.
Sau khi xin ý kiến cấp trên, y bị phán tử hình, tống giam vào trong nhà
lao chờ xử bắn. Đến ngày bị tử hình, Liên Hóa Thanh chỉ yêu cầu được gặp mặt Quách sư phụ một lần, muốn có cơ hội biết mặt người đã bắt được
mình là ai.
Khi biết được việc này, Quách sư phụ đã đồng ý đến hôm đó sẽ tới sân phơi gạch của Tiểu Lưu Trang tiễn y lên đường. Đến ngày y phải ra pháp
trường, Quách sư phụ được Đinh Mão tháp tùng, hai người cùng vào trong
nhà giam gặp Liên Hóa Thanh. Vừa bước vào họ đã thấy Liên Hóa Thanh đang cúi đầu, tay bị trói giật cánh khuỷu chân bị xiềng, ngồi một mình trong phòng giam, mặc một bộ quần áo tù nhân rách rưới, sau lưng có cắm một
tấm bản định tội, ngồi im như tượng không nói một câu, cũng không buồn
ngẩng đầu lên.
Đinh Mão cất tiếng nói: "Hôm nay cho mày được biết mặt ông anh tao, anh ấy chính là người đã bắt mày."
Nghe thấy vậy, Liên Hóa Thanh ngẩng đầu lên, dùng đôi con ngươi bẩm
sinh có hai tròng giống như hai cái hố sâu hoắm nhìn chằm chằm vào Quách sư phụ quan sát kỹ một lúc rồi mới lên tiếng: "Không thể nào ngờ Liên
mỗ lại ngã ngựa trong tay một kẻ như ngươi, giờ ông đã nhớ kỹ mày rồi.
Cứ chờ đây, sớm muộn gì ông cũng sẽ tới tìm mày."
Thấy một kẻ sắp chết đến nơi còn phun ra những câu độc địa, Đinh Mão không kìm chế được định mở miệng mắng chửi. Quách sư phụ xua tay không
cho Đinh Mão cơ hội mở miệng rồi nói: "Liên Hóa Thanh, ngươi là thủ phạm của không ít vụ án, đến giờ này chỉ còn cách lấy tính mạng ra đền tội,
không nên có bất cứ oán hận gì."
Một nét dữ tợn thoáng lướt qua đôi mắt, Liên Hóa Thanh đáp lại: "Mà
thôi, giờ này tao đã sắp phải ra pháp trường lĩnh đạn, đáng ra phải có
một bữa cơm rượu vĩnh biệt chứ?"
Quách sư phụ nói: "Đúng vậy, chắc chắn là có. Dẫu sao, một đĩa thịt
một chén rượu trước khi ra pháp trường cũng là tập tục từ xưa. Giờ rõ
ràng đã không còn sớm nữa, bất kể lúc nào cũng có thể áp giải phạm nhân
ra pháp trường Tiểu Lưu Trang xử bắn, tại sao còn chưa đưa cơm vĩnh biệt lên?"
Ông ta hỏi cai tù bao giờ mới đưa lên, người cai tù đáp: "Nhị gia
ngài nghĩ đi đâu vậy. Mấy năm nay xã hội loạn lạc như vậy, kẻ bị xử bắn
quá nhiều. Nếu như kẻ nào cũng được cấp một phần rượu một phần thịt, cho dù cái trại giam chết tiệt này của chúng tôi có là nhà hàng thì cũng
không thể gánh nổi kinh phí mua đồ ăn cho bọn chúng. Nói thật với ngài
nhé, trong cái nhà giam này chỉ có bánh làm từ bột bắp ngô, ngay cả cai
tù chúng tôi cũng phải nhai cái món đó, do vậy phạm nhân chỉ được ăn
lưng lửng dạ. Vụ xử bắn ngày hôm nay cũng không ngoại lệ. Nếu như hắn
còn có thân nhân bạn bè gì đó, thì những người đó nên mang rượu, thức ăn và quần áo tới để cho hắn được ăn uống no nê, mặc quần áo mới mà lên
đường, còn nếu không thì chỉ có thể như vậy thôi."
Quách sư phụ ngẫm nghĩ rồi kéo Đinh Mão đi ra ngoài, định mua mấy
cái bánh bao thịt, hai món đồ ăn nấu sẵn cộng thêm nửa cân rượu, rồi
mang về cho Liên Hóa Thanh ăn uống no nê trước khi lên đường. Nhưng ông
ta vừa mới bước chân ra khỏi cửa, sau lưng đội chấp pháp đã xộc vào,
dựng phạm nhân lên, trói nghiến lại rồi áp giải lên xe ngựa, sau khi
diễu phố thị chúng sẽ đi thẳng tới sân phơi gạch ngói của Tiểu Lưu Trang ở bên ngoài Tây Quan. Trời đã sắp mưa, sắc trời u ám. Cả một biển người kéo nhau đi xem náo nhiệt, chật như nêm cối, gió không lọt mưa không
thấu qua được. Quách sư phụ và Đinh Mão muốn chen lên trước, nhưng người đông nghìn nghịt, đâu đâu cũng là người, trên đường cái, trên nóc nhà,
thậm chí cảở trên cây. Hai người nôn nóng đến độ trán mướt mồ hôi, nhưng chẳng thể nào tìm thấy một cái khe nào để mà lách qua.
Nói chung, người dân Thiên Tân vệ trước kia thích xem náo nhiệt. Mặc dù dân chúng các tỉnh trong toàn quốc cũng có sở thích này, nhưng không tài nào sánh bằng nơi này. Năm đó, có người còn đào cống ngầm, với mục
đích vượt qua đoàn người đông nghìn nghịt để vượt lên hàng đầu đứng xem. Thậm chí còn có lời bình: "Thà rằng chắn cửa thành, chứ đừng chắn cống
ngầm, kẻ nào chắn cống ngầm có thể coi là vô đạo đức."
Quay trở lại buổi diễu phố ra pháp trường ngày hôm đó. Cả đoàn người xem náo nhiệt ngước mắt nhìn lên, Liên Hóa Thanh bị trói trên xe, quần
áo tả tơi, cúi đầu ngậm tăm, giống hệt như một cái xác cho dù chưa bị xử bắn, thật sự là không còn chút sức sống nào cả. Nhưng cả một đám đông
những kẻ rảnh rỗi này vất vả lắm mới có một vụ nhiệt náo hoành tráng để xem, không một ai cam lòng bỏ về. Đầu người túm tụm lại chuyển động
giống như nước thủy triều, tất cả bám theo phía sau, hy vọng trên đường
đi có một lúc nào đấy tử tù này bất chợt nổi máu anh hùng, thình lình
gân cổ ngâm lên một câu: "Đánh liều ra giữa phố phường, kính mời các vị
khách khứa và bạn bè nghe cho kỹ. . ." Nếu không được nghe câu hát này
thì đúng là chán bằng chết.
Hai
Trước kia, mỗi lần thi hành án, trên đường bị áp giải đến pháp
trường, khi phạm nhân trông thấy nhiều người đang ngẩng đầu lên nhìn
mình như vậy, bất cứ một kẻ nào cũng sẽ có cảm giác cả đời mình chưa
từng được oai phong đến thế, cho dù là ngôi sao kinh kịch nổi tiếng nhất cũng chưa bao giờ được nhiều người xúm lại xem như vậy. Sẽ có kẻ kể lể
oan khuất, có kẻ muốn ra vẻ ta đây hảo hán. Hơn nữa, những người dân
Thiên Tân vệ đi xem náo nhiệt lại khác hẳn với những nơi khác, dù có thế nào họ vẫn sẽ đua nhau khen hay. Bởi vậy, cho dù có sợ chết đến thế
nào, phạm nhân cũng phải nhắn nhủ trước mặt đám đông mấy câu.
Thậm chí còn có những tên trùm lưu manh khét tiếng, lúc ra pháp
trường còn trưng diện áo khoác viền tua rua hình chân rết, đính mười ba
hàng cúc kiểu Thập Tam Thái Bảo, lưng đeo anh hùng đái, mặc quần thụng,
chân đeo Hổ khoái ngoa, đầu đội anh hùng cân. Những anh hùng lục lâm
trong kinh kịch Bình thư ăn mặc như thế nào, chúng cũng sẽ mặc y như
thế, trên đầu còn cài thêm một đóa hoa giấy màu trắng, kẻ hỏi người đáp
với đám người chen lấn đứng xem phía dưới. Mọi người cùng đồng thanh
hỏi: "Hảo hán gia, hãy nói cho mọi người nghe, sao ngài lại nỡ lòng bỏ
vợ đẹp lìa con thơ, sao lại nỡ lòng bỏ lại người cha già tám mươi tuổi
không ai nuôi dưỡng, sao lại nỡ lòng dứt bỏ tất cả bà con thân bằng cố
hữu?"
Vị hảo hán bị trói trên xe nhất định phải quắc mắt nhìn trừng trừng, không chịu cúi đầu, trên đường đi mắng chửi không ngớt, không từ tổng
thống hay là ông trời, bất cứ một ai hắn cũng dám mắng. Nghe thấy có
người hỏi, hắn sẽ phải đáp thế này: "Thưa toàn thể chư vị già trẻ lớn
bé, tôi đây cũng luyến thương mẹ già ốm yếu, luyến thương vợ góa con
côi, luyến thương huynh đệ bằng hữu sâu nặng nghĩa khí, nếu có hận chỉ
hận bình sinh chưa thỏa chí. Thế nhưng, hảo hán tôi đây đã làm những
việc mà một hảo hán phải làm, hôm nay một mạng đổi một mạng chết cũng
đành. Đầu rơi xuống đất chỉ là một cái sẹo lớn, mười tám năm sau sẽ lại
trở về báo thù."
Cứ mỗi lần vị hảo hán đó nhắn nhủ một câu, đám người bên dưới sẽ hô
lớn một tiếng "Hay", vang vọng tới mây xanh, âm vang chấn động cả mái
nhà. Sau khi nói đã xong, mắng đã đủ, vị hảo hán đó sẽ tiếp tục hát một hai khúc, biểu đạt phần nào tình cảm lưu luyến. Bất kể có biết hát hay
không, khúc ngâm trước khi bị tử hình đó nhất định là phải lâm li bi ai
lay động cả đất trời. Đó mới chính là yếu tố phấn khích nhất, còn về
phần rơi đầu vì phạm vào tội gì cũng chỉ là thứ yếu. Dân chúng chán ghét đến cùng cực việc hô khẩu hiệu trước khi xử bắn, bởi có hô thế nào cũng chẳng có ai mà hiểu nổi; Tiếp theo là không muốn thấy phạm nhân sợ đến
vỡ mật không nói lên lời, nhất là cái loại bỏ đi mềm nhũn như chi chi
không nói được một câu. Chỉ trong chớp mắt đầu đã rơi xuống đất rồi,
nếu không nói thì làm gì còn cơ hội nữa đây?
Suốt quãng đường áp giải Liên Hóa Thanh ra pháp trường, cả một rừng
người rướn cổ kiễng chân, trợn mắt ngóng chờ. Nhưng thất vọng thay, cái
kẻ mất hết tinh thần này không rên nổi lấy một tiếng, chẳng khác gì một
cái cọc gỗ, khiến cho đám đông đi xem náo nhiệt sinh ra lo lắng, có
người gân cổ gào lên: "Hảo hán, ngài phải hát một hai câu đi chứ!" Người khác thì kiếm cách vẽ đường: "Chúng ta hãy cổ vũ cho hắn nào, mọi người nghe tôi đếm nhé, một. . . hai. . ." Sau đó chỉ còn nghe thấy cả trăm
ngàn người cùng đồng thanh hô lớn: "Hay!"
Liên Hóa Thanh đang cúi gục đầu, nghe thấy tiếng 'hay', từ từ ngẩng
đầu lên. Mọi người lập tức nín thở im hơi lặng tiếng, không ai nói gì
nữa, trợn mắt trợn mũi chờ Liên Hóa Thanh mở miệng, thế này có lẽ là
định hát khúc "Cảm thán anh hùng gặp nguy nan sinh ly tử biệt". Ở Thiên
Tân vệ từ già đến trẻ ai cũng thích nghe, cũng biết hát, trên sàn diễn
nên hát cái gì không nên hát cái gì, toàn bộ họ đều hiểu hết, hát sai là có thể phát hiện ra ngay.
Nào ngờ Liên Hóa Thanh không chịu hát, mà chỉ nhìn khắp đám đông một lượt, lên tiếng khẩn cầu: "Thưa toàn thể các quý vị già trẻ, Liên Hóa
Thanh tôi quê quán ở Trần Đường Trang, lớn lên không học điều hay lẽ
phải, lầm đường lạc lối vào Ma Cổ Đạo, giết người phạm pháp, hôm nay sẽ
phải lĩnh đạn trên pháp trường. Rơi vào đường cùng như vậy, thực sự
không còn gì để mà bào chữa, chỉ có một điều muốn cầu xin, hy vọng các
vị thương tôi không ai chiếu cố, chuyến đi này không có đường về, giờ
hãy cho xin một hớp rượu và thức ăn, để tôi ăn uống no bụng, trên đường
đi đến hoàng tuyền không đến nỗi biến thành quỷ chết đói vạn kiếp không
siêu sinh. Sau khi đầu thai, tôi sẽ không quên báo đáp các vị."
Năm đó có câu nói như thế này -- "Yêu dị tà thuật thế gian hiếm, ngũ lôi hành quyết ít người hay". Thời nhà Thanh trước đó còn có thể bắt
gặp yêu thuật ảo giác, nhưng từ thời dân quốc trở đi đã rất hiếm thấy.
Đám đông xem náo nhiệt cho rằng Liên Hóa Thanh chỉ đơn thuần là kẻ hù
dọa người khác trên giang hồ. Cho nên khi nghe thấy y nói rất đáng
thương, lập tức có người hảo tâm đi kiếm rượu tìm thịt. Khi đến quán cơm trên đường hỏi mua, tiệm cơm cũng không lấy tiền, bởi vì đây là việc
tích đức, Nếu kẻ bị áp giải ra pháp trường hành quyết ăn hết rượu thịt
trong quán của mình, sau này chắc chắn sẽ được hồi báo. Rượu thịt được
giao cho quân cảnh trong đội chấp pháp phụ trách áp giải chuyển đến bên
miệng Liên Hóa Thanh. Liên Hóa Thanh ăn như hổ đói sạch sẽ không còn lại chút gì rồi lại cúi đầu, nhắm mắt tiếp tục bất động.
Ba
Mọi người đứng xem ở xung quanh không tài nào hiểu nổi, hiện giờ cơm vĩnh biệt trước khi chặt đầu đã nuốt xuống bụng, tại sao vẫn không nói
câu gì? Chẳng lẽ là cảm thấy chỗ rượu thịt đó không ngon sao? Cả một
biển người huyên náo bám theo dọc đường, người nọ lại cứ như là không
nghe thấy gì. Sau khi ra khỏi Tây Quan, tới sân phơi gạch ngói của Tiểu
Lưu Trang, đội chấp pháp lôi Liên Hóa Thanh xuống xe, bắt quỳ xuống
trước cái hỗ đã được đào sẵn, nghe quan chấp pháp đọc tội danh. Có ba
viên cảnh sát thi hành án cầm súng bước lên trước, chỉ chờ ra lệnh một
tiếng là sẽ tiến hành xử bắn.
Khi nhìn thấy đội chấp pháp áp giải Liên Hóa Thanh qua Tây Quan, đại đa số mọi người lập tức trèo lên lưng lừa quay trởvề, bởi cảm thấy
không còn gì thú vị nữa, nhưng con số những người ở lại đứng chờ xem xử
bắn ở pháp trường Tiểu Lưu Trang cũng còn tới trên dưới cả trăm. Trên
đường đuổi theo, Quách sư phụ và Đinh Mão đã mời được một đạo sĩ biết
dưỡng cốt, chờ sau này nhặt xác cho Liên Hóa Thanh. Đúng vào giữa trưa,
sắc trời âm u nặng nề, đã thấy Liên Hóa Thanh bị trói quặt hai tay ra
sau, sau lưng cắm một tấm bản định tội, cúi đầu quỳ gối trước cái hố,
miệng lẩm bẩm giống như đang thì thầm gì đó. Đột nhiên, y ọe ra một ngụm nước đen ngòm. Những người ở lại dù đã tránh ra thật xa, nhưng vẫn còn
ngửi thấy tanh hôi nồng nặc, thi nhau bịt chặt miệng mũi, trong lòng vô
cùng kinh ngạc. Chẳng hiểu là y đã ăn thứ gì bẩn thỉu đến mức còn thối
hơn cả cá chết dưới sông?
Ngày trước, trước khi bị xử bắn, thường xuyên có tử tù không kìm chế được sợ hãi, bởi vì quá khẩn trương, toàn thân run rẩy, dạ dày kịch
liệt co thắt, phun sạch đồ ăn trong dạ dày ra ngoài, nhưng cũng không
đến mức tanh hôi như thế. Mọi việc diễn ra có phần quái lạ. Lúc ấy, trời bắt đầu mưa, cơn mưa không nhỏ, tất cả mọi người đều ướt như chuột
lột. Vị quan chấp pháp phất tay, ra hiệu nhanh chóng tiến hành xử bắn.
Sau khi nhổ tấm bản định tội xuống, ba viên cảnh sát thi hành án lần
lượt tiến lên. Viên cảnh sát đầu tiên nâng súng lên, nhắm thẳng vào gáy
Liên Hóa Thanh đang quỳ trên mặt đất bắn một phát. Tiếng súng vừa vang
lên, vang vọng một vùng hoang vu. Những người đứng xem nghe thấy, toàn
bộ cảm thấy trong lòng lạnh run.
Cùng lúc với tiếng súng vang lên, thân thể Liên Hóa Thanh đổập về
phía trước, rơi tọt xuống hố. Viên cảnh sát thứ hai bước lên, nhắm vào
người Liên Hóa Thanh đang nằm trong hố bắn tiếp một phát. Sau đó, đến
lượt viên cảnh sát thi hành án thứ ba bắn một phát cuối cùng. Làm nhưvậy để tránh bắn một lần không đủ giết chết tử tù; Đồng thời, cũng vì lo
ngại có người trong đội chấp pháp bị mua chuộc từ trước, đến khi nổ súng sẽ không bắn vào chỗ hiểm. Cho nên, mỗi khi xử bắn đều bắn ba phát,
người của đội chấp pháp còn xuống dưới xem xét xem tử tù đã chết hẳn hay chưa, sau đó mới ký tên vào biên bản. Nếu như không có người thân bạn
bè đến nhặt xác, sẽ dùng chiếu cuốn lại rồi ném vào Loạn Tử Khanh ở bên
cạnh cho chó hoang ăn. Ngay lúc ấy, đạo sĩ dưỡng cốt đi lên nhặt xác.
Sau đó thế nào, đội chấp pháp không quan tâm, vội vàng thu đội quay về.
Cơn mưa vừa rơi, đám người xem náo nhiệt bốn xung quanh cũng giải tán.
Xem xong toàn bộ quá trình xử bắn Liên Hóa Thanh, Quách sư phụ cảm
thấy có điểm không thích hợp. Ông ta nhìn thấy trước khi bị xử bắn, Liên Hóa Thanh đã phun ra một ngụm nước đen ngòm tung tóe trên mặt đất,
không giống với thức ăn đã ăn vào trong dạ dày mà tanh hôi giống như bùn dưới đáy sông. Đạo sĩ dưỡng cốt lôi thi thể của người chết lên khỏi hố, ông ta bước lại gần cẩn thận quan sát, thấy rõ đầu Liên Hóa Thanh đã bị đạn phá ra một lỗ thủng nhầy nhụa. Ông ta lo lắng, vén mi mắt tử thi
lên quan sát, tròng mắt chỉ còn lại một con ngươi. Ông ta lại quay sang
nhìn bãi nước đen ngòm y đã phun ra trước khi chết, nhưng nó đã bịmưa
cuốn trôi.
Quách sư phụ thầm nhủ: "Không hay rồi! Nghe nói, khi vượt qua sông
Vĩnh Định, cô gái Liên Thu Nương sống ở Trần Đường Trang đã không may
ngã xuống nước. Mặc dù nhờ phúc tổ tiên không chết đuối, nhưng khi về
đến nhà cô ta tự nhiên có bầu rồi sinh ra một đứa con trai không rõ bố
là ai, đứa bé đó chính là Liên Hóa Thanh. Có người nói, y là con của
thủy quái dưới sông Vĩnh Định, cho nên mới gọi y là yêu sông. Tuy cách
nói này không có căn cứ xác đáng, nhưng trước khi bị xử bắn Liên Hóa
Thanh đã phun ra một ngụm nước đen ngòm. Sau khi chết, đôi con ngươi
song đồng tử lại biến thành đơn đồng tử, giống như có một con quỷẩn náu
trong thân xác. Liên Hóa Thanh đã chết ở pháp trường Tiểu Lưu Trang chỉ
đơn thuần là một cái túi da người mà thôi, còn yêu sông dưới dòng Vĩnh
Định đã lợi dụng lúc mưa to trốn mất rồi."
Bốn
Trong số năm dòng sông mà đội cảnh sát đường thủy cai quản có một
dòng tên là Vĩnh Định, chỉ cần nghe cái tên là đủ biết dòng sông này
không bao giờ yên bình. Nếu như yên bình không có việc gì xảy ra thì
người ta đâu cần phải gọi là sông Vĩnh Định. Sau khi xử bắn Liên Hóa
Thanh xong, Quách sư phụ cảm thấy sẽ có chuyện không may. Nhưng dù ông
ta có nói với người khác, chưa chắc đã có người tin tưởng, chỉ đành tự
mình âm thầm suy xét.
Bởi vì không phải là xác chết trôi được vớt từ dưới sông lên, cho
nên sẽ không đưa đi chôn ở nghĩa trang Long Miếu. Trong ngày hôm đó, đạo sĩ dưỡng cốt sẽ mang thi thể Liên Hóa Thanh đi hỏa thiêu, tro cốt sẽ
chôn vào trong tháp dưỡng cốt. Trong nội thành có hai nơi mai táng xương cốt, phía bắc có chùa Lệ Đàn, phía tây có hội Dưỡng Cốt. Hai nơi này
không được giống nhau cho lắm, chùa Lệ Đàn thờ phụng Địa Tạng vương Bồ
Tát độ hóa quỷ đói, còn hội Dưỡng Cốt lại cúng bái Bắc Cực Hữu Thánh
Chân Quân, một Phật một đạo, hai bên chẳng có liên quan gì đến nhau. Tuy nhiên, sư sãi ở chùa Lệ Đàn không bao giờ rời chùa, nếu có người đưa
tro cốt tới thì họ sẽ tiếp nhận, không đi ra ngoài kiếm việc. Hội Dưỡng
Cốt thì trái lại, mỗi lần pháp trường tiến hành xử bắn chém đầu, đạo sĩ
trong hội sẽ chủ động đi nhặt xác. Lần này Quách sư phụ cũng xem từ đầu
tới cuối, từ lúc đạo sĩ hội Dưỡng Cốt đưa tử thi đi hoả táng, đến khi
lấy tro cốt bỏ vào trong tháp. Không nhìn ra có bất cứ vấn đề gì, ông ta tự nhủ có lẽ mình đã quá đa nghi, nhưng vẫn hy vọng không có việc gì
xảy ra.
Lúc ấy trời sắp tối rồi, mưa dầm dề không ngớt, người đi trên đường rất thưa thớt, ông ta và Đinh Mão đứng dậy ra về. Bên phía Lý Đại Lăng
đã nhận xong phần thưởng, đặt hai bàn tiệc mời người trong đội tuần
sông, đang chờ hai người qua đó ăn tiệc. Tâm trí Quách sư phụ đã bay đi
tận đẩu tận đâu. Lúc ăn cơm, người khác nói cái gì ông ta đều không để ý tới, cũng chỉ nói qua loa về quá trình đuổi bắt Liên Hóa Thanh, phá vài vụ án phức tạp, có sao thì nói vậy. Còn vấn đề tên tuổi Thần sông Quách Đắc Hữu vang xa thì ông ta hoàn toàn không để tâm, chỉ cảm thấy mí mắt
đang nhảy lên. Ngày xưa người ta hay nói -- mắt trái nhảy tài mắt phải
nhảy tai, mí mắt phải của ông ta đang nhảy loạn lên.
Theo quan niệm mê tín thời xưa, mí mắt phải nhảy loạn lên là điềm
báo có chuyện không hay sắp xảy ra. Ai cũng chờ mong mắt trái nhảy tài,
mí mắt phải nhảy lên sẽ khiến cho người ta sốt ruột lo lắng. Còn có một
cách giải thích khác, người ta nói rằng "Mắt trái nhảy tài, mắt phải
nhảy khách đến". Mí mắt phải nhảy liên tục là dấu hiệu trong nhà sắp có
khách đến, dù sao khách vẫn tốt hơn tai một chút, nhưng là cát hay là
hung cũng khó mà đoán trước được, ai biết được khách đến là người ra
sao?
Đầu tiên mí mắt phải của Quách sư phụ nhảy loạn lên, sau đó mí mắt
trái cũng vậy, không biết là khách tới hay tai họa tới, không tránh khỏi tâm thần bất an. Ông ta xé một miếng giấy trắng to cỡ đầu ngón tay,
nhúng ướt rồi dán vào bên dưới mi mắt. Người xưa cho rằng làm như vậy
thì có thể làm cho mí mắt không nhảy loạn nữa. Lúc bước ra khỏi cửa quán ăn, mọi người đều trở về nhà mình. Đêm tối trời mưa, ông ta đi về nhà
một mình. Khi về đến nghĩa trang Hà Long Miếu, ông ta chốt chặt tất cả
cửa nẻo phòng trước phòng sau. Mí mắt nhảy loạn không tài nào ngủ được,
ông ta quyết định thắp đèn lên, ngồi gấp Nguyên bảo bằng giấy dưới ánh
đèn.
Xã hội xưa cho rằng làm hàng mã, bao gồm tất cả các loại người giấy, ngựa giấy, nguyên bảo giấy, chỉ cần là đồ vật đốt cho người chết là
được tính chung vào trong đó, là cùng một nghề với công việc dán giấy
tường. Có vài thợ dán giấy tường có tay nghề không tồi, nhưng lại không
dám kiếm sống bằng nghề làm vàng mã mà chỉ dám kiếm sống bằng việc dán
vách tường trần nhà, bởi vì đó là những đồ vật dùng đểđốt gửi xuống âm
phủ. Người có Bát tự không tốt không dám cưỡng ép làm công việc này, bởi trong đó có không ít điều cần chú ý và kiêng kị. Dù nguyên bảo giấy mà
Quách sư phụ làm chỉ được gấp bằng giấy thiếc, nhưng nhìn dưới ánh đèn
lại trông giống hệt nhưthật, chỉ khác nhau về kích thước. Nguyên bảo
thực sự bao gồm vàng thỏi và bạc nén, các cụ ngày xưa gọi là đại bảo.
Vàng bạc nén làm bằng giấy thiếc thì hai đầu được vuốt cao lên, dưới đáy còn phải viết bốn chữ -- Âm ti Minh phủ. Có câu chuyện thế này, ban đêm có cô hồn dã quỷ cầm tiền giấy đi mua đồ. Trong đêm tối, nhìn nguyên
bảo vàng bạc giống y như thật, nhưng đến lúc hừng đông nhìn lại thì hóa
ra là vàng mã. Người ta làm như vậy là vì không để cho âm hồn dùng vàng
mã lừa gạt con người. Nếu như lúc đêm tối, người bán hàng nhận nguyên
bảo vào tay, nhìn thấy dưới đáy có chữ "Âm ti Minh phủ" thì dù có giống thật đến thế cũng không dám thu nhận. Mỗi khi làm nguyên bảo vàng mã,
Quách sư phụ đều chú ý đến điều này. Ông ta mất ngủ, ngồi dậy gấp nguyên bảo vàng bạc bằng giấy thiếc. Dù bận rộn luôn tay, nhưng trong lòng
luôn có cảm giác sắp gặp chuyện không may. Liên Hóa Thanh đã bị áp giải
đến sân phơi gạch ngói ở Tiểu Lưu trang xử bắn rồi, tuy kẻ này đã chết, nhưng ai dám bảo đảm y sẽ không âm hồn không tan, nửa đêm tìm tới tận
cửa.
Năm
Người của Trần Đường Trang ai cũng bảo, Liên Hóa Thanh là yêu sông,
mượn thai đầu sinh làm người ở chỗ dòng sông Vĩnh Định. Lời truyền bá
này có căn cứ xác đáng, Quách sư phụ không dám coi thường. Ông ta biết
rõ, vật sống dưới nước đều sợ sắt, ông cha ta thường nói 'nước có thể
trị sắt', đa phần những vật trấn sông đều là trâu sắt hay hổ sắt. Ông ta sợ nửa đêm gặp chuyện không may, bèn tách chiếc hộp sắt thiêu xác trong nghĩa trang thành hai phần, rồi dùng chúng chặn hết cửa trước cửa sau,
bấy giờ mới cảm thấy an tâm hơn. Nghe tiếng mưa rơi tí tách bên ngoài,
nhìn tới trên dưới cả trăm cái nguyên bảo vàng mã chồng chất dưới ánh
đèn dầu, ông ta chợt nhớ ra còn có bánh bao mua lúc giữa trưa, vừa khéo
có đồ ăn lót dạ lúc nửa đêm. Sau khi ăn hết bánh bao, ông ta lại tiếp
tục làm nguyên bảo, trong lúc mơ mơ màng màng, gục xuống mặt bàn ngủ lúc nào không biết. Miếu Hà Long có hai gian, gian phòng phía trước nhìn ra phố hàng mã, còn gian điện phía sau thì một nửa nằm trong nghĩa trang.
Ông ta mơ màng ngủ ở trong căn phòng phía trước, trong lúc nửa mê nửa
tỉnh, bỗng nhiên cảm thấy bên cạnh có người đang nói. Ngái ngủ mở mắt
ra, ông ta đã thấy ngay có một người đang đứng trước mặt. Người này mặc
áo khoác dài, vô cùng cao lớn. Ngọn đèn trong phòng rất tù mù, không
nhìn thấy rõ mặt người đối diện, qua cách ăn mặc ông ta cảm thấy có phần quen mắt. Cửa trước cửa sau đều chặn kín, chẳng hiểu người này vào
trong phòng bằng cách nào. Người này chỉ tay lên nóc căn phòng căn điện
phía sau mấp máy môi, tuy rằng không nghe thấy nói gì, nhưng cử chỉ hành động có vẻ rất nôn nóng, giống như đang muốn nói cho ông ta biết: "Trên nóc nhà có thứ gì đó!"
Quách sư phó trong lòng giật đánh thót, nhìn kỹ lại thì trước mặt
hoàn toàn không có một ai. Ngọn đèn trong phòng vẫn cháy, ông ta vội
vàng cầm nó lên đi xuống gian điện phía sau xem xét. Gian điện đã nhiều
năm không được tu sửa, đến nửa đêm, cơn mưa dữ dội đã làm mái điện bị
xói lở mất một mảng lớn, gạch vỡ ngói vụn rơi xuống, tạo thành một lổ
thủng rất to, trong lòng ông ta thầm hô nguy hiểm. Nếu toàn bộ mái điện
nếu sụp xuống, có thể chôn sống người ở bên dưới. Trong lúc đang nghĩ
ngợi, bỗng nhiên ông ta cảm nhận được trong không khí có mùi tanh tưởi
của bùn dưới sông, cái mùi tanh tưởi đó y hệt như bãi nước đen ngòm mà
Liên Hóa Thanh đã nôn ra trước khi bị xử bắn. Ngay sau đó, có một kẻ
người không ra người quái vật không ra quái vật, nhảy xuống từ lỗ thủng
trên mái điện. Con quái vật đó chỉ cao ba xích (~1m), chân tay đều có
móng vuốt, thân thể đen như mực, hai mắt sáng như như hai ngọn đèn, nhảy bổ vào ông ta mà tấn công.
Ông ta tự hiểu, đây chính là con vật đã bỏ chạy ra khỏi thân xác
Liên Hóa Thanh, toàn thân nó bị bao phủ trong một lớp bùn sông màu xanh
thẫm bốc lên mùi xác chết đang phân hủy, rêu bám khắp bên ngoài. Trong
gian điện phía sau nghĩa trang miếu Hà Long chỉ có một chén đèn dầu, mưa lọt qua lỗ thủng trên mái điện làm ngọn đèn tắt phụt, lập tức gian điện tối đen nhìn không rõ năm đầu ngón tay. Trong bóng tối, hai mắt của con quái vật giống hệt như ma trơi, không phân biệt nổi là cái giống gì,
ông ta kinh hãi đến cực độ. Ông ta vừa mới thoáng giật mình, con quái
vật đã cuốn theo làn gió tanh tưởi bổ nhào tới trước mặt. Trong tay
trống trơn không có gì để làm vũ khí, ông ta lại không dám chắc hai nắm
tay có chống đỡ được không. Lúc bấy giờ đi tìm vũ khí bằng sắt thì đã
không còn kịp nữa rồi, ông ta đành phải chạy trốn vòng quanh đám quan
tài. Bởi đã sống trong gian đại điện của nghĩa trang này nhiều năm, ông
ta nắm rõ vị trí mỗi viên gạch từng viên ngói, kể cả nhắm lại vẫn có thể rõ như lòng bàn tay. Ông ta dốc hết sức lực chạy quanh đám quan tài
trốn bên đông né bên tây. Mặc dù chủ động tấn công mãnh liệt, nhưng
trong nhất thời con quái vật toàn thân bốc mùi xác chết phân hủy không
thể nào đánh trúng ông ta. Tuy nhiên, ông ta vẫn thừa hiểu, trốn tránh
không phải là biện pháp hợp lý, trong lòng nóng nảy khổ hết chỗ nói.
Con quái vật nhảy từ trên nóc điện xuống, liên tiếp tấn công mấy mà
không trúng người, đuổi theo không rời, cứ một chốc lại bổ nhào vào đám
quan tài. Những chiếc quan tài trong nghĩa trang đã nằm ở đây cả vài
chục năm không còn lành lặn, trên mặt phủ một lớp gạo trắng. Thành quan
tài bằng gỗ bách đã mục nát vỡ tung không còn ra hình dáng, đụng một cái là nát vụn. Vừa nghe thấy một tiếng răng rắc, ván gỗ của quan tài và
gạo trắng đã văng tung tóe. Quách sư phó không quan sát được dưới chân,
vấp một cái ngã lăn ra, trong lúc lăn lộn va vào bức tượng mộc Quảng Tế
Long Vương. Như kẻ chết đuối vớ được cọc, ông ta vội trốn ra đằng sau
bức tượng. Cảm nhận được làn gió âm u tanh hôi đang thổi tới gần, lúc
bấy giờ ông ta bất chấp liều mạng một phen, tì bả vai và đầu vào bức
tượng thần Long vương gia cao ba trượng, hét lên một tiếng rồi gồng
người đẩy. Không hiểu do đâu mà lại bộc phát ra sức khỏe phi thường đến
như vậy, chỉ nghe thấy rầm một tiếng vang vọng, bức tượng thần Quảng Tế
Long Vương được hương khói trong điện lập tức đổ ập xuống, nện thẳng
xuống con quái vật ở bên dưới. Mặc dù làm bằng đất, nhưng bức tượng thần cao tới ba trượng vẫn có trọng lượng tương đối lớn. Con quái vật toàn
thân phủ đầy bùn đất lẫn rong rêu khua loạn hai cánh tay, nhưng vẫn bị
bức tượng đất Long Vương đè nghiến xuống, không thể giãy ra được, chẳng
bao lâu sau đã bất động. Bởi dùng sức quá độ, Quách sư phụ bất tỉnh nhân sự trong đại điện.
Đến khi trời sáng hẳn, ông ta mới tỉnh lại, nhìn lên trời qua lỗ
thủng toang hoác trên mái điện. Ngoài trời mưa đã tạnh, ánh nắng gay gắt nóng rát mặt, vật đã bị bức tượng đất Quảng Tế Long Vương đè chết là
một xác chết tóc tai rối tung, gương mặt phù thũng khó mà nhận ra đường
nét, toàn bộ thân thể dính đầy bùn nhão và rong rêu, da có vảy, hôi thối không ngửi được. Chưa tới giữa trưa, nó đã chỉ còn sót lại xương cốt,
da thịt đã biến thành vũng nước đen ngòm lênh láng trên mặt đất. Có
người hiểu biết, nói đây là quỷ gây hạn dưới sông, là xác chết dưới sông bị âm hồn chiếm cứ. Kẻ năm xưa mượn thai đầu sinh vào Liên Hóa Thanh
thực ra là quỷ gây hạn sống dưới sông Vĩnh Định, khó khăn lắm mới trưởng thành đến thế này, nhưng lại bị Quách sư phụ bắt ở nghĩa trang nhà họ
Ngụy, giải đến pháp trường Tiểu Lưu Trang bắn chết. Một tia âm hồn thi
hành pháp thuật mượn nước bỏ chạy, trốn về sông Vĩnh Định, quay trở về
bản thể, chính là một xác ướp cổ ẩn trong lớp bùn dưới đáy sông, sau đó, lần tới chỗ Quách sư phụ. May mà Quảng Tế Long Vương hiển thánh, bức
tượng đất đổ xuống đè chết yêu sông.
Sáu
Quách sư phụ cũng suy đoán giống như vậy. Ông ta nhớ lại lúc mình
ngồi làm nguyên bảo vàng mã dưới ánh đèn, có một người mặc trường bào đã nhắc nhở bản thân trên nóc điện có vật gì đó, nhưng nhà ông ta không có người nào như vậy, không phải là Long Ngũ gia thì còn có thể là ai?
Huống chi, với sức lực của mình, bất kể thế nào ông ta cũng không thể
lay chuyển nổi bức tượng đất nặng đến như vậy. Qua đó có thể thấy, Quảng Tế Long Vương mới thật sự là "Thần sông". Ông ta tự phát thệ, sau này
sẽ đắp lại kim thân cho Quảng Tế Long Vương, nhưng không biết rằng lời
hứa liên quan đến thần linh tuyệt đối không thể thốt ra tùy thích, đã
hứa thì chắc chắn phải làm. Lúc bấy giờ, ông ta vẫn nghĩ là mình có thể
thực hiện được, chỉ cần tiết kiệm tiền từng chút một, sớm muộn gì
cũng sẽ có ngày đủ khả năng trùng tu đại điện miếu Hà Long. Ai ngờ, chưa đầy hai năm sau, toàn quốc đã giải phóng. Sau khi nước Trung Quốc mới
được thành lập, người ta xóa bỏ mê tín dị đoan. Miếu Long Vương thuộc về tàn tích của thời phong kiến, làm sao có thể được phê chuẩn trùng tu?
Sau giải phóng, nghĩa trang miếu Hà Long bị dỡ bỏ, xung quanh đó nhà mái bằng mọc lên san sát. Câu chuyện năm xưa Quảng Tế Long Vương đuổi bắt
hạn ma đại tiên, hiển thánh nhập vào bức tượng đất đè chết xác chết hóa
thành quỷ gây hạn dưới sông Vĩnh Định đã chẳng còn mấy người biết tới,
chỉ có lớp người già là còn người nhắc tới, đã thực sự trở thành truyền
thuyết dân gian.
Sau vụ đuổi bắt Liên Hóa Thanh, khi nhắc tới Thần sông Quách Đắc
Hữu, ở Thiên Tân hầu như là không người nào là không biết không ai là
không hay. Nhưng Quách sư phụ không dám nhận cách xưng hô này, mà chỉ
tập trung vào công việc dẫn đội tuần sông vớt xác cứu người. Đội cảnh
sát đường thủy năm sông chỉ bận rộn vào mùa hè, bởi mùa này có nhiều
người chết đuối. Đến mùa đông, mặt sông đóng băng, cho dù có người rơi
xuống kẽ nứt chết đuối thì cũng không thể nào vớt lên được, đồng nghĩa
với mấy tháng không có việc gì để làm. Vào quãng thời gian đó, ông ta
dựa vào công việc dán giấy tường và lo liệu ma chay kiếm sống.
Lại nói về tấm bia đá ở nghĩa trang nhà họ Ngụy. Đầu năm một chín
bốn chín, trong chiến dịch Bình Tân, đội quân hơn mười vạn quân dã chiến Đông Bắc tấn công Thiên Tân, chia thành hai đạo quân vừa chặn đầu vừa
khóa đuôi. Nghĩa trang nhà họ Ngụy là điểm đột phá giải phóng quân đánh
nghi binh, cho nên chiến trận thực ra lại không quá khốc liệt, nhưng
pháo binh lại bắn dồn dập liên hồi. Khi ấy, tấm bia đá đã bị đạn pháo
phá hủy. Sau này, người dân chuyển đến sống ở vùng đất trũng phía nam
đông dần lên qua từng năm, hầm hố khắp mặt đất từng bước được lấp đầy,
vùng đất này không còn bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nữa. Bởi vì đạn pháo đã
phá mất tấm bia đá, âm khí tích lại đậm đặc ở nghĩa trang nhà họ Ngụy
cũng biến mất từ đấy, sau này không còn ai nhìn thấy ông lão bán mì
hoành thánh và cô cháu gái kia nữa.
Bắt đầu từ vụ dìm xác ngã ba sông, báo mộng ở miếu thổ địa tại Trần
Đường Trang, đào được quan tài ở công viên Lý Thiện Nhân, lục soát ngôi
nhà bị ma ám ở nghĩa trang nhà họ Ngụy, bắt yêu ở thôn chó dữ, rắn thần
chỉ đường ở sông Âm Dương, xử bắn Liên Hóa Thanh ở sân phơi gạch ngói
của Tiểu Lưu Trang, cho đến tận chuyện Long Ngũ gia hiển thánh đè chết
xác người hóa thành quỷ gây hạn dưới sông Vĩnh Định, những câu chuyện
đồn đại về yêu sông Liên Hóa Thanh được kể đi kể lại ở Thiên Tân vệ rất
nhiều năm. Trước kia còn có nghệ nhân Bình thư kể chuyện bằng cách hát
hài hước châm biếm, đã dần biến những câu chuyện này thành Bình thư, đến các quán trà biểu diễn cho mọi người nghe, chủ đề chủ yếu xoay quanh
con sông Âm Dương ở nghĩa trang nhà họ Ngụy. Càng ở đầu đường cuối ngõ,
người biểu diễn càng nhiều, nội dung cũng càng thêm phần ly kỳ.
Thời xưa, cứ vài năm Thiên Tân lại xảy ra một trận lũ lụt. Nhưng đến bây giờ, khí hậu đã thay đổi quá nhiều, đất màu đã bị xói mòn nghiêm
trọng, quanh năm suốt tháng không có mưa cũng là chuyện bình thường, làm sao còn có thể tưởng tượng ra được nạn lũ lụt xưa kia khủng khiếp như
thế nào. Vùng đất dưới hạ lưu của chín con sông, trước giải phóng đã
chịu đủ mọi khổ ải của nạn lũ lụt, cho nên đã xuất hiện không ít truyền
thuyết về về yêu sông thủy quái. Kể từ sau khi nước Trung Quốc mới được
thành lập vào năm một chín bốn chín, thập kỷ năm mươi chỉ xảy ra thêm
một lần lũ lụt nữa, càng về sau mật độ nhân khẩu càng dày, những loại
động vật như cáo hay sói vàng gần như đã tuyệt tích trong thành phố.
Những câu chuyện ly kỳ quái dị cũng đã ít hơn trước nhiều, nhưng vẫn
không phải là hoàn toàn không có, chỉ có điều là ít người biết đến mà
thôi. Ví dụ như câu chuyện đuổi bắt yêu sông Liên Hóa Thanh, nội dung mà những người dân cao tuổi truyền miệng rỉ tai đại khái là bắt đầu từ lúc vớt xác bị dìm dưới ngã ba sông, cho đến khi bức tượng đất trong điện
chính ở nghĩa trang đè chết quái vật mới kết thúc. Phần sách nói về con
sông Âm Dương ở nghĩa trang nhà họ Ngụy tới đây trên cơ bản coi như đã
kết thúc, nhưng câu chuyện về Thần sông thì còn lâu mới có thể chấm dứt. "Bắt yêu ở nghĩa trang nhà họ Ngụy" mới chỉ là phần đầu, kế tiếp sẽ nói tới chuyện "Ngôi nhà bị ma ám trong ngõ hẻm kho lương", đó là một sự
việc kỳ lạ xảy ra bên bờ sông Hải Hà vào thập niên năm mươi sáu mươi sau khi đất nước được thành lập vào năm một chín bốn chín, rất ít người
biết tới.