Sau khi trở thành bạn gái bí mật của Khoa thì mọi chuyện cũng không có gì
khác trước, tôi tiếp tục đi học rồi đi làm, phần cậu ta và hai người bạn cùng nhóm thì tiếp tục sống trong con mắt ngưỡng mộ và sự si mê của đám con gái. Nếu để ý một chút có thể nhìn thấy rất nhiều nữ sinh lén để
thư vào hộc bàn ba cậu bạn này, trong lớp còn cố tình viết giấy truyền
tay. Khoa và Văn đều nhã nhặn trả lời lại đôi ba câu, riêng Quân thì rất thản nhiên vo tròn, câu một đường cong hoàn hảo qua đầu tôi, ném rơi
thẳng vào sọt rác.
Tôi đối với Khoa vốn không có cảm giác, vì vậy
việc cậu ta viết giấy với ai hay trò chuyện, chụp hình cùng nữ sinh nào
vốn không có gì đáng để chú ý. Hiện tại tôi đang dốc tâm tư của mình vào kỳ thi cuối tuần. Ba tháng một lần, Đông Anh tổ chức một kỳ thi gồm ba
môn Anh, Văn, Toán để các học sinh tranh đua học bổng. Phần thưởng có
đến mười suất.
Để chuẩn bị cho kỳ thi, một ngày tôi chỉ ngủ ba
tiếng đồng hồ, thời gian còn lại ngoài đi học trên trường và đi làm thì
đều dùng để ôn tập. Cùng với tôi còn có Ngọc rất chăm chỉ học hành.
Chúng tôi soạn đề cho nhau rồi trao đổi làm sau đó đổi lại chấm điểm.
Mỗi môn đều phải đạt tiêu chuẩn mười đề liên tiếp đạt điểm cao nhất thì
mới dừng lại. Ngoài ra còn cùng nhau học công thức rồi khảo qua lại. Khi rảnh rỗi, tôi và Ngọc viết câu hỏi của ba môn, cả lý thuyết lẫn thực
hành vào giấy sau đó cắt ra gấp lại và chơi bốc thăm trả lời ngẫu nhiên. Bọn tôi lỗ lực như vậy là bởi vì ngôi trường này hội tụ toàn tinh anh.
Cái Việt Nam không thiếu nhất chính là người tài mà.
Thứ bảy đến
trong sự mong đợi, tôi thưởng cho mình một phần cơm gà vào buổi trưa,
sau đó sốt sắng bước vào kỳ thi buổi chiều. Chiều nay sẽ thi Anh, sáng
mai thi Toán còn chiều thi Văn.
Đề Anh anh chia làm hai phần trắc
nghiệm và tự luận, tất cả các kỹ năng nghe nói đọc viết đều được kiểm
tra. Vì là đề ra cho các học sinh ưu tú nên không hề dễ dàng. Những gì
mà tôi và Ngọc ôn tập chỉ chiếm khoảng tám mươi phần trăm, hai mươi còn
lại đành phải lục tìm trong trí nhớ từ các bài giảng cũ.
Tôi vốn có bệnh đau bao tử từ bé, mỗi khi lo lắng quá mức sẽ tự nhiên đau đớn. Lúc này tôi đang vừa làm bài kiểm tra vừa ôm bụng. Cơn đau càng lúc càng
tăng lên, có thể cảm thấy những giọt mồ hôi đang lấm tấm trên trán. Đau
đến mức bàn tay cầm bút của tôi run lên từng hồi.
Nếu không đạt được học bổng, tôi không thể tiếp tục học ở đây vì học phí không hề ít. Nếu
học ở trường khác thì tôi lại phải thuê phòng trọ. Chính vì vậy kỳ thi
lần này nhất định không được thất bại.
Tôi một tay ôm bụng, tay còn lại ghì chặt lấy cây bút, cố gắng tập trung làm bài đến cùng.
Cơn đau kéo dài khiến hai tai của tôi lùng bùng, đến phần nghe gần như
chỉ có thể đoán từ theo mạch văn cùng với khẩu hình miệng của giáo viên. Bài thi lần này tôi không có chút tự tin nào.
Rời khỏi phòng thi, tôi thấy rõ hai mắt mình hoa lên, bước đi càng lúc càng không vững.
Trước khi trở về phòng, tôi đi xuống phòng y tế xin thuốc đau bao tử
dùng luôn cho ngày mai. Buổi thi ngày mai cần phải làm tốt hơn để kéo
điểm môn Anh lên.
Trong phòng y tế không chỉ có mình tôi, Ngạo Quân
cũng đang ở đó tự mình băng bó bàn tay. Ban sáng tôi thấy cậu ta vào lớp với một bên tay băng bó trắng xóa.
Tôi đi vào trong im lặng, không làm ồn ngồi xuống chiếc ghế nhựa đợi y tá.
Ngồi trên giường, Ngạo Quân cũng im lặng loay hoay bang bó, mớ băng gạc rối tung lên do cậu ta dùng một tay để quấn.
Tôi thở dài, không phải chuyện của mình nên cũng không định giúp. Cậu
ta vốn không thích người khác đến gần, tôi không muốn tìm rắc rối.
“Giúp tôi!” – Ngạo Quân bất ngờ lên tiếng, giọng nói khàn khàn mang theo hơi lạnh.
Trong phòng chỉ có hai đứa, tôi đương nhiên biết cậu ta đang yêu cầu mình. Đã mở miệng nhờ vả thì tôi sẽ giúp.
Tôi mang theo chiếc ghế đi đến ngồi bên cạnh giường, cẩn thận gỡ rối đống băng gạc sau đó băng bó lại cho cậu ta.
Cơn đau từ bụng bất ngờ vùng vẫy làm tôi hơi khom người lại, cắn môi như một cách chịu đựng.
“Bị gì?” – Ngạo Quân hỏi, giọng nói vẫn trước sau không cảm xúc, xa xôi và lạnh lẽo.
“Đau bao tử.” – Tôi khó nhọc trả lời, tại sao lại đau hơn lúc nãy thế này.
“Cái hộp màu trắng vàng.” – Ngạo Quân đưa ngón tay thon dài chỉ về phía tủ thuốc. Cái ngón tay này quả thật làm con gái cũng phải ghen tị. Tại
sao có thể thon thả và trắng muốt như thế.
Tôi không đáp, tiếp tục
băng bó cho cậu ta xong mới đi về phía kệ thuốc. Cái hộp mà cậu ta nói
bên trong là thuốc đau bao tử, dân gian gọi là thuốc sữa. Tôi lấy liền
một gói, ngửa cổ uống hết.
Vì cậu ta đã hỏi thăm tôi trước, nên có
lẽ tôi cũng nên làm lại như vậy: “Cậu... bị gì?” – Chẳng hiểu sao tôi
lại thấy lúng túng.
Ngạo Quân không trả lời tôi, đưa bàn tay xinh
đẹp còn lành lặn chụp lên cái ly nhựa trên chiếc bàn con gần đó, sau đó
nâng lên và mô phỏng động tác đập ly xuống bàn. Hiểu rồi, bàn tay cậu ta là do chụp lên miệng một chiếc ly thủy tinh rồi đập xuống bàn mà không
rút tay về. Ngu ngốc!
Tôi gật gù, đương nhiên không nói vào mặt cậu
ta rằng đó là hành động ngu ngốc. Nói để làm gì khi điều này chẳng liên
quan gì đến tôi.
Lấy thêm hai gói thuốc sữa nữa, tôi tự thấy mình nên rời khỏi đây: “Tớ đi trước.”
“Ừ.” – Cánh môi cam nhạt khẽ mấp máy, gương mặt hơi ngẩng lên nhìn tôi
khiến cả một mảng lạnh lẽo hung hăng lao đến. Nét mặt đó, đôi mắt đó,
không phải cố tình tỏ ra lạnh lùng mà là tự bản chất đã lạnh. Đôi mắt hồ ly nhỏ dài khiến cho cái nhìn trở nên băng giá.
Tôi kiềm chế cơn
rùng mình, quay đầu đi khỏi phòng y tế, trong đầu còn ám ảnh vẻ đẹp của
Ngạo Quân. Một dáng vẻ uể oải cùng cuốn hút.
*
Hôm nay là cuối
tuần, Hoàng Gia đặc biết đông khách, trong số đó còn có cả Khoa, Quân và Văn. Ba người bọn họ ngồi ở chiếc bàn chính giữa, cũng chính là trung
tâm của những cô gái trẻ hiện diện trong quán. Phần tôi vì sự có mặt này đặc biệt không muốn lượn ra phục vụ chút nào.
“Con ông chủ và bạn
của cậu ấy thật sự đẹp đến chết mất.” – Chị pha chế cảm thán, ánh mắt
hiện rõ vẻ si mê cùng ngưỡng mộ. Nãy giờ chị ấy thập thò ngoài cửa nhòm
ngó không ít lần nhưng vì pha chế không được rời phòng nên buộc phải ở
lại.
“Chị Hiền, em nói này.” – Tôi đột nhiên nghĩ ra một điều.
“Gì em?” – Chị Hiền rời mắt khỏi chiếc máy say sinh tố mà nhìn tôi.
“Chị có muốn ra ngoài bưng bê một bữa không?” – Tôi xoa đầu, ra vẻ ngần ngại đề nghị.
Đúng như dự đoán, mắt chị Hiền sáng lên vẻ vui thích. Làm phục vụ lúc
không phải làm gì có thể ở bên ngoài lượn qua lượn lại xem khách cần gì, còn có thể đứng xem người ta nhảy múa hát hò, hơn nữa hôm nay còn có
thể ngắm mỹ nam. Sau sinh nhật vợ, ông chủ cùng bà ấy đi du lịch Châu Âu hai tuần mới về, không có ai quản lý nên hoàn toàn có thể tự do đổi
việc cho nhau.
“Nhưng nếu khách gọi đồ uống thì sao em?” – Chị Hiền có vẻ đắn đo.
“Gọi nước ngọt thì em lấy cho chị bưng. Còn sinh tố hay rượu thì chị
lại vô pha. Như vậy được mà.” – Tôi ra chiều ngẫm nghĩ rồi búng tay như
vừa nghiệm ra kế sách hay.
Chị Hiền mắt lại sáng lên, nhìn tôi đầy ý cảm kích. Liền một mạch chạy ra ngoài, để tôi lại trong phòng pha chế.
Còn lại một mình, tôi tranh thủ lấy sách Toán nâng cao ra xem, buổi
chiều vì nghĩ có thể xem trên con đường đến chỗ làm và khi về nên mang
theo. Môn Anh hôm nay tôi ước chừng được khoảng bảy đến tám điểm, Toán
ngày mai buộc phải được điểm tuyệt đối để kéo lên. Về phần Văn thì
chuyện được điểm tuyệt đối là không thể vì phần tập làm văn không có một cái thang điểm để đánh giá, phân tích đúng ý đương nhiên sẽ được điểm,
nhưng còn phải xem giáo viên chấm thi có thích văn phong của mình hay
không.
Vì là cuối tuần nên khách đến từ rất sớm, qua chín giờ thì
không còn ai đến nữa. Tôi cắm cúi đọc sách nên không để ý thời gian, mãi đến khi chị Hiền trở lại mới phát hiện đã mười một giờ. Tôi chào mọi
người, mau chóng ra về.
Đứng đợi tôi bên ngoài cửa là Khoa. Nhìn
thấy tôi, cậu ấy mỉm cười thật hiền, hai tay bỏ túi quần, nhẹ nhàng đẩy
người rời khỏi cột đèn đang dựa mà bước đến.
“Mình đưa cậu về.” –
Giọng Khoa hôm nay có chút buồn bã, ánh mắt không còn linh động và tràn
đầy sức sống, gương mặt xinh đẹp bị một màn sương u sầu vây quanh nên
mềm mại hơn, cũng hút hồn theo một cách khác ngày thường.
“Ừ.” – Tôi cười, sau đó nhắm hướng Đông Anh mà đi, bên cạnh Khoa đang điều chỉnh bước chân cho trùng với tôi.
“Hôm nay cậu làm bài được không?” – Khoa hỏi, giọng nói vẫn không thể
vui lên, dường như trong lòng chất chứa một bầu tâm sự rất lớn.
“Không được tốt lắm. Còn cậu?” – Nghĩ đến bài thi Anh là tôi lại lo.
“Khá ổn.” – Khoa cười yếu ớt, đôi mắt anh đào câu dẫn hồn người đượm buồn cùng với băn khoăn.
Hai chúng tôi lại chìm vào im lặng, tôi tranh thủ lẩm nhẩm lại những
công thức toán trong đầu. Ánh đèn đường chiếu xuống vàng vọt, hai chiếc
bóng chúng tôi đổ dài nghiêng ngả. Đã lâu rồi, bên cạnh chiếc bóng của
tôi mới có thêm một cái khác.
Cánh tay trong túi áo của tôi bất ngờ
bị Khoa kéo ra, sau đó bàn tay bị nắm lấy, mười đầu ngón tay đan lại.
Bàn tay tôi bị siết không chặt nhưng không thể rút ra, sau đó cùng với
tay Khoa chui vào túi áo cậu ấy.
Khoa cứ thế nắm tay tôi đi trong
im lặng, dường như đang suy nghĩ gì đó. Phần tôi, bàn tay ở trong túi áo khoác Khoa cảm thấy rất ấm. Hơi ấm khiến cho đoạn hồi ức mà tôi chán
ghét cựa mình.
Trong trí nhớ của tôi lưu giữ một khoảnh khắc, khi đó có người hỏi tôi: “Không lạnh hả em?” sau đó chỉ chỉ tay vô túi áo
mình. Tôi hiểu câu hỏi ấy nghĩa là lời trách yêu “Sao anh không thấy tay em trong túi áo anh”. Chính vì vậy tôi mau mắn nhét tay mình vào trong
đó, cùng với bàn tay kia đan lại, dựa vào hơi ấm ấy đi qua mùa đông.
Tôi vừa làm một việc mà mình tương đối thù ghét chính là hồi tưởng. Ký
ức nằm ở sau lưng, kết cấu cơ thể con người vốn chỉ nhìn được phía
trước, thế nhưng vẫn không ít lần cố chấp ngoái lại đằng sau. Sâu thẳm
trong tim mỗi người đều lưu trữ những vết thương nông, sâu, lồi, lõm,
mâng mủ hay đã lành, nên da non hay thành sẹo, nhưng dù ở trạng thái nào thì nó vẫn luôn hiện hữu trong tim. Người ta không cúi đầu nhìn vào
tim, nhưng khi ngoái lại nhìn những hồi ức, họ sẽ thấy vết thương của
chính mình.
Có người đi bên cạnh, tôi cảm giác đoạn đường trở nên ngắn đi, rất nhanh bóng Đông Anh đã hiện ra trong ánh đèn.
“Cậu gọi taxi về đi.” – Tôi lịch sự muốn nhìn bóng Khoa rời khỏi rồi mới trèo tường vào.
“Tớ tiễn cậu vào đến ký túc xá.” – Khoa vẫn giữ lại nỗi buồn trong
giọng nói, gương mặt rất mệt mỏi và tuyệt vọng, đôi mắt không đáy cuộn
trào những băn khoăn.
Tôi không nói gì, định rút tay ra để chuẩn bị trèo tường thì Khoa lấy ra một chùm chìa khóa. Phải rồi, cậu ấy là con
hiệu trưởng.
Khoa mở khóa cổng bằng một tay rất dễ dàng, tiếp tục
nắm tay tôi đi về phía ký túc xá nữ. Buổi tối các nam sinh không được
đến đây, nhưng đi đến chân cầu thang thì được.
Có câu “tiễn gần tiễn xa thì cũng đến lúc phải từ biệt”, chúng tôi rốt cuộc cũng chạm chân
đến cầu thang dẫn lên ký túc xá nữ. Đến lúc này Khoa vẫn lưu luyến không muốn buông tay tôi ra.
“Hôm nay cậu có tâm sự đúng không?” – Nỗi buồn trên gương mặt đẹp đẽ kia quá rõ ràng, tôi không thể làm như không thấy nữa.
“Cậu đã thích tớ chút nào chưa?” – Thay vì trả lời tôi, Khoa lại hỏi về một vấn đề khác.
Tôi im lặng, bất giác cắn cắn môi. Quả thật tôi vẫn không có cảm giác
với cậu ấy. Chúng tôi vốn chỉ nói chuyện với nhau qua điện thoại, lại
không đặc biệt có kỷ niệm gì, quả thật ngay cả nhớ đến cậu ấy vào một
lúc bất chợt nào đó tôi cũng chưa từng.
Khoa bất ngờ đưa tay vén vài sợi tóc trước mặt tôi, nhẹ nhàng mắc vào mang tai, sau đó bàn tay ấm áp xoa nhẹ má tôi. Một giây sau, đôi môi cậu ấy nhẹ nhàng hôn lên trán
tôi, ở lại một lúc khá lâu.
Tôi đứng im cho Khoa đặt môi trên trán mình, dù gì cũng là thân phận bạn gái cậu ấy. Cả hai lại tiếp tục chìm vào im lặng.
Cho đến khi cơ thể tôi bắt đầu thấy mỏi, Khoa luôn biết dừng lại đúng
lúc, rời môi đi, bàn tay lưu luyến trên gò má tôi, giọng nói buồn bã
cùng ánh mắt ủ rũ hướng tôi dịu dàng: “Cậu lên đi!”
“Cậu gọi taxi về nhé.” – Giờ này mà lang thang một mình ngoài đường thì không nên chút nào.
“Tớ lên phòng ký túc xá nam ngủ lại cũng được. Quân và Văn cũng đang
trên đó.” – Khoa mỉm cười, nét buồn vương lại trong mắt, trên môi, làm
cho gương mặt trở nên lôi cuốn hơn bao giờ hết.
“Vậy cũng được.” –
Tôi tán thành ý kiến này sau đó xoay người đi lên cầu thang, bàn tay
cũng theo đó rời khỏi túi áo khoác của Khoa. Ở ký túc xá nam có một
phòng mà nói đúng hơn là một căn nhà được xây riêng cho bộ ba hoàng tử.
Đây vốn là trường tư do gia đình Khoa xây dựng mà, bọn họ được hưởng ưu
đãi là hoàn toàn dễ hiểu.
*
Khi còn ở Trung Anh, tôi chưa bao
giờ không được nhận học bổng. Khác với Đông Anh, Trung Anh chỉ có hai kỳ thi vào đầu mỗi học kỳ, học bổng cũng chỉ có ba suốt cho ba người điểm
cao nhất. Tôi và Ngọc thì luôn luôn là hai trong ba, người còn lại là ai hình như tôi chưa bao giờ để ý vì qua mỗi kỳ đều có một sự thay đổi.
Vì luôn chiến thắng nên khi bước vào kỳ thi này tôi khá tự tin, thế
nhưng môn thi đầu tiên ngày hôm qua đã đánh bật sự tự tin trong lòng.
Rất may sáng nay đề Toán tôi đã làm một cách trọn vẹn sau đó kiểm tra đi kiểm tra lại khoảng chục lần, có thể tự tin lĩnh điểm tối đa. Vì vậy mà bước vào môn Văn, tâm trạng căng thẳng của tôi giảm đi một chút.
Đối với giáo viên Văn, ngoài văn phong xúc tích mượt mà còn cần phải rất tinh tế và phân tích một cách chính xác, thêm vào đó là việc trình bày
bắt mắt. Tôi hiểu điều này nên dốc toàn lực nắn nót viết và làm bài của
mình sạch sẽ không tẩy xóa nhất có thể. Chữ sai chính tả được gạch ngang gọn gàng, không bút xóa lem nhem, cũng không bôi đen để người ta chú ý
đến cái lỗi của mình.
Môn thi thứ ba kết thúc, sự thấp thỏm trong
lòng tôi cũng phần nào bớt đi, nhưng còn chưa công bố kết quả thì lòng
tôi còn chưa yên ổn