Các đồng nghiệp của tôi thường nói: “Nhà báo càng ngày càng nhát gan.” Khi
có thêm kinh nghiệm về nghề phát thanh và cố gắng mở rộng giới hạn cho
những chương trình của mình, tôi bắt đầu hiểu họ nói thế nghĩa là sao.
Bất kỳ lúc nào nhà báo cũng có khả năng phạm phải sai lầm đe dọa đến sự
nghiệp, thậm chí cả tự do của họ. Họ sống trong vòng cương tỏa của một
hệ quy tắc được rào chắn cẩn thận mà, nếu bị xâm phạm, sẽ dẫn đến hậu
quả nghiêm trọng. Lần đầu tiên tôi dẫn một chương trình phát thanh, phụ
trách của tôi trông lo lắng đến mức tôi cứ nghĩ ông ta sắp ngất đến nơi. Chỉ mãi sau này, khi đã trở thành trưởng bộ phận, tôi mới biết rằng,
theo quy định về phát thanh của Trung Quốc, nếu một chương trình phát
thanh bị cắt mất hơn ba mươi giây, người trực ca đó sẽ bị tai tiếng khắp cả nước - một quyết định kỷ luật có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự
thăng tiến trong tương lai. Ngay cả những lỗi nhỏ nhất cũng có nghĩa là
tiền thưởng tháng đó (còn nhiều hơn tiền lương) bị cắt giảm; những lỗi
lớn thường dẫn tới giáng cấp, thậm chí là sa thải.
Các nhà báo ở
đài phát thanh phải tham gia học tập chính trị hai hoặc ba lần một tuần. Nội dung buổi học thường là tư tưởng Đặng Tiểu Bình về chính sách Cải
Cách Và Mở Cửa và học thuyết của Giang Trạch Dân về chính trị phục vụ
cho kinh tế. Các nguyên tắc và tầm quan trọng chính trị của tin tức cứ
được nhắc đi nhắc lại như gõ trống vào tai, và không có buổi học nào kết thúc nếu không có màn phê bình một số đồng nghiệp vì đủ mọi loại vi
phạm: Không đọc tên các vị lãnh đạo theo đúng trật tự cấp bậc trong
chương trình, không quán triệt về tính thiết yếu của các khẩu hiệu Đảng
trong một bài bình luận, thiếu tôn kính với những người lớn tuổi, không
bày tỏ được tình yêu với Đảng, hành xử “không đúng mực”; tất cả những
lỗi này và những sai lầm tương tự đều bị khiển trách. Trong suốt những
buổi học đó, tôi có cảm giác Trung Quốc vẫn đang trong vòng kìm kẹp của
Cách Mạng Văn Hóa: chính trị vẫn điều khiển mọi lĩnh vực của đời sống
hàng ngày, với những nhóm người bị chỉ trích và phán xét để những người
khác cảm thấy họ đang giành được cái gì đó.
Tôi cảm thấy khó mà
trữ nổi những thông tin chính trị đó trong đầu, nhưng chắc chắn rằng tôi thường tự nhắc nhở mình quy tắc quan trọng nhất: “Đảng lãnh đạo toàn
diện”. Thời điểm để tôi kiểm tra xem liệu mình có hiểu nguyên tắc này
không đã đến.
Sự thành công của chương trình đã khiến tôi được
nhận khá nhiều lời khen ngợi. Người ta gọi tôi là người dẫn chương trình nữ đầu tiên “nhấc tấm mạng che mặt” của phụ nữ Trung Quốc lên, nhà báo
đầu tiên về các vấn đề của phụ nữ đi sâu vào thực tế cuộc đời họ. Đài
phát thanh đề bạt tôi lên vị trí cao hơn và tôi nhận được khoản tài trợ
đáng kể về tài chính. Cuối cùng tôi cũng đã xây dựng được một chương
trình “đường dây nóng” và trực tiếp nhận những cuộc gọi của thính giả
trên sóng phát thanh.
Tất cả các phòng thu phát thanh trực tiếp
đều gồm hai gian, một gian chứa các bảng điều khiển, âm nhạc và các ghi
chú để phát thanh của người dẫn chương trình, phòng còn lại là phòng
điều khiển. Những cuộc gọi tới đường dây nóng của tôi sẽ phải đi qua
nhân viên quản lý phát thanh, người xử lý hệ thống máy móc hoãn thời
gian. Cô ta có mười giây để quyết định xem cuộc gọi có không phù hợp để
phát thanh không và cắt cuộc gọi đó mà thính giả không hề hay biết.
Một tối nọ, lúc tôi chuẩn bị kết thúc chương trình của mình bằng một bản
nhạc êm ái du dương - việc tôi thường làm vào mười phút cuối cùng của
chương trình - thì nhận được cuộc gọi cuối cùng:
“Chào Hân Nhiên, tôi gọi từ Mã Yên Sơn. Cảm ơn cô vì chương trình này. Nó gợi cho tôi
nhiều điều để suy nghĩ, và giúp đỡ tôi cũng như nhiều người phụ nữ khác. Hôm nay tôi muốn hỏi cô rằng cô nghĩ sao về vấn đề đồng tính. Tại sao
có quá nhiều người phân biệt đối xử với người đồng tính. Tại sao Trung
Quốc coi đồng tính là phạm pháp? Tại sao người ta không hiểu rằng người
đồng tính cũng có các quyền và lựa chọn trong cuộc đời giống như những
người khác?...”
Trong khi người gọi đó tuôn ra cả tràng câu hỏi,
tôi đổ mồ hôi lạnh toát. Theo quy định của ngành truyền thông, đồng tính là chủ đề bị cấm, tôi thắc mắc trong tuyệt vọng rằng tại sao cô kiểm
soát viên lại không cắt cuộc gọi này ngay lập tức.
Tôi không có
cách nào để thoái thác việc trả lời câu hỏi này: hàng nghìn người đang
chờ tôi trả lời và tôi không thể để cho họ biết rằng đó là một vấn đề bị cấm. Tôi cũng không thể nói rằng thời gian đã hết: chương trình vẫn còn mười phút nữa. Tôi bật nhạc to lên trong khi tuyệt vọng nhớ lại tất cả
mọi thứ tôi từng đọc về vấn đề đồng tính và cố nghĩ cách để giải quyết
vấn đề này một cách tròn trịa nhất. Người phụ nữ đó đã hỏi một câu sắc
lẹm, chắc hẳn đã bám ngay vào tâm trí của các thính giả:
Đồng
tính có một lịch sử riêng, từ thời La Mã cổ đại ở Phương Tây và thời
Đường - Tống ở Trung Quốc, cho tới ngày nay. Có những luận cứ triết học
rằng mọi thứ tồn tại đều có nguyên cớ, thế tại sao đồng tính lại bị xem
là không thể chấp nhận được ở Trung Quốc?
Vào khoảnh khắc đó tôi
nhìn qua tấm kính ngăn hai phòng thấy kiểm soát viên kia đang trả lời
một cú điện thoại nội bộ. Cô ta tái nhợt và ngay tắp lự cắt cuộc gọi khi người thính giả đang nói dở câu, bất chấp quy tắc nghiêm ngặt cấm không được làm vậy. Vài giây sau, giám đốc trực ca hôm đó xông vào phòng kiểm soát và nói với tôi qua thiết bị liên lạc nội bộ, “Cẩn thận đấy, Hân
Nhiên!”
Tôi để bản nhạc tiếp tục phát chừng hơn một phút trước
khi trở lại với micro. “Xin chào các bạn nghe đài, các bạn đang nghe
chương trình Khinh Phong Dạ Thoại. Tên tôi là Hân Nhiên, và tôi đang
cùng các bạn thảo luận trực tiếp về thế giới của những người phụ nữ. Từ
mười giờ đến mười hai giờ hằng đêm, các bạn có thể hòa vào những câu
chuyện cuộc đời của những người phụ nữ, lắng nghe tâm can họ và hiểu
cuộc sống của họ.” Tôi cố gắng hết sức để lấp khoảng thời gian trống
trong khi sắp xếp lại các ý nghĩ của mình.
”Vừa rồi, chúng tôi
nhận được cuộc gọi từ một thính giả am hiểu sâu sắc về xã hội và lịch
sử, và thấu hiểu những gì mà một nhóm phụ nữ có cách sống khác với quy
ước của xã hội phải trải qua. Theo những gì tôi được biết, đồng tính,
như người gọi tới đã nói, không chỉ là sản phẩm của xã hội hiện đại: đã
có nhiều ghi chép về vấn đề này trong lịch sử Phương Đông cũng như
Phương Tây. Người ta nói rằng, trong những cuộc chinh phạt ở thời kỳ La
Mã cổ đại, các tướng lĩnh thậm chí còn khuyến khích binh lính của họ
tham gia vào chuyện sinh hoạt đồng giới. Tuy nhiên, có lẽ đó là do vấn
đề ích lợi của quan hệ đồng tính thì đúng hơn là người ta đồng tình với
nó. Những mối quan hệ đồng giới giúp các chiến binh đối mặt với chiến
tranh và khao khát về với gia đình. Ở biến dạng nghiệt ngã của nó, sự
gắn bó về tình cảm hình thành giữa các chiến binh sẽ đem lại cho họ thêm một động cơ nữa là trả thù cho người tình của mình đã bị thương hay tử
trận.
Ở Trung Quốc, đồng tính không bị kiềm tỏa cho đến tận thời
Đường - Tống; có những ghi chép về vấn đề này từ triều đại Bắc Ngụy. Tất cả những ghi chép này đều xuất phát từ trong cung đình. Nhưng đồng tính chưa bao giờ có ảnh hưởng lớn trong xã hội cả - có lẽ bởi vì con người
có một nhu cầu tự nhiên về tình yêu giữa nam và nữ, và nhu cầu phải duy
trì nòi giống. Như thánh hiền xưa đã nói: Vạn vật cạnh tranh để giành
lấy chỗ đứng cho mình, nhưng số mệnh mới quyết định tất cả. Chúng ta đều đồng ý rằng mọi người đều có quyền lựa chọn cách sống riêng, và có
quyền lựa chọn những nhu cầu giới tính của mình. Thế nhưng, loài người
luôn luôn ở trong một trạng thái chuyển tiếp. Mọi quốc gia, khu vực, và
nhóm tộc người đều đang cố hết sức trên con đường đi tới tương lai của
nhân loại, để kiếm tìm một hệ thống toàn thiện toàn mỹ nhất. Chưa ai
trong chúng ta có thể đạt được kết luận cuối cùng về cái gì là đúng cái
gì là sai trong cuộc hành trình này, và chừng nào chưa đạt tới sự toàn
mỹ, chúng ta cần phải có sự định hướng dẫn dắt. Chúng ta cũng cần có sự
vị tha và thấu hiểu.
Tôi không nghĩ rằng di truyền là nguyên nhân duy nhất của hiện tượng đồng tính, tôi cũng không tin chỉ có môi trường gia đình là chịu trách nhiệm cho chuyện đó. Sự tò mò càng khó có thể là nguyên nhân duy nhất làm nảy sinh đồng tính. Tôi tin rằng nguyên nhân
của vấn đề này bao gồm nhiều khía cạnh và rất đa dạng. Tất cả chúng ta
đều có những trải nghiệm khác nhau về cuộc sống, và chúng ta có những
lựa chọn vừa giống nhau lại vừa khác nhau.
Thừa nhận sự khác biệt có nghĩa là chúng ta không nên mong đợi người khác đồng ý với ý kiến
của mình về vấn đề đồng tính, vì sự trông đợi đó sẽ dẫn đến thành kiến
hay một kiểu gì đó như thế. Đối với những bạn đồng giới từng phải hứng
chịu thái độ định kiến đó, tôi muốn thay mặt cho những kẻ thờ ơ mà các
bạn đã gặp phải để nói: Xin lỗi các bạn. Tất cả chúng ta đều cần có sự
thấu hiểu trong cuộc đời này.”
Tôi vặn nhạc to lên, tắt micro đi
và hít sâu một hơi. Đột nhiên, tôi nhận ra trong phòng điều khiển bên
kia tấm kính ngăn toàn các lãnh đạo cao nhất của đài. Giám đốc đài phát
thanh và giám đốc chương trình lao vào phòng thu, nắm lấy tay tôi mà lắc mạnh.
“Cảm ơn cô, cảm ơn cô, Hân Nhiên! Cô trả lời hay, hay lắm!” Lòng bàn tay giám đốc đài ướt đẫm mồ hôi.
“Cô cứu chúng tôi một bàn thua trông thấy!” Giám đốc chương trình lắp bắp, tay ông run run.
“Chuyện thế đủ rồi! Đi ăn thôi! Phòng kế toán lo,” ông Ngô, trưởng phòng hành chính nói. Mọi người vây lấy tôi.
Sau đó tôi mới biết chuyện gì đã xảy ra. Kiểm soát viên chương trình bảo
tôi rằng lúc đó cô ta đang lo lắng về kỳ thi vào đại học của con trai
nên không chú ý tới cuộc gọi cho tới khi giám đốc trực hôm đó giận dữ
gọi điện tới. Ông Ngô đang nghe chương trình ở nhà như mọi hôm. Nhận
thấy chương trình đang sa vào bãi mìn, ông lập tức gọi cho giám đốc
chương trình, ông này bèn vội vã gọi cho giám đốc đài: biết rõ tình hình mà không báo cáo thì còn phạm sai lầm trầm trọng hơn. Tất cả họ đều hối hả đổ xô tới phòng thu, lắng nghe chương trình của tôi trên đường đi.
Khi họ bước vào phòng điều khiển thì vụ khủng hoảng đã được giải quyết.
Lần đầu tiên tôi được nghe nói tới đồng tính là hồi học đại học. Vì tôi có
làn da đẹp nên các bạn học nữ đặt biệt danh cho tôi là “Trứng gà” hay
“Quả bóng tuyết”, và thường vuốt ve má và cánh tay tôi đầy ngưỡng mộ.
Thấy vậy, một thầy giáo trêu, “Coi chừng bị cưỡng bức đồng tính đó!”
Tôi hiểu từ “cưỡng bức” theo nghĩa là tấn công về mặt thể xác, nhưng tôi
không biết thầy giáo đang nói về chuyện gì. Thầy giải thích, “Đồng tính
tức là một người đàn bà yêu một người đàn bà khác, hoặc một người đàn
ông yêu người đàn ông khác. Điều đó là vi phạm pháp luật.”
“Sao cơ, thế mẹ yêu con gái, bố yêu con trai cũng là vi phạm pháp luật ư?” Tôi cãi.
Thầy giáo lắc đầu. “Đó là quan hệ huyết thống, không phải quan hệ giới tính. Trời ạ, nói với em thật chẳng ích gì. Cứ như là đàn gẩy tai trâu ấy.
Thôi quên đi, quên đi.”
Sau đó tôi lại được nghe về vấn đề này
trong buổi họp mặt mấy bà bạn đồng nghiệp cũ của mẹ tôi. Hình như là mẹ
tôi từng làm việc với hai người phụ nữ ở chung một phòng đơn. Khi điều
kiện được cải thiện, đơn vị cấp cho mỗi người một phòng riêng thì họ đã
từ chối. Họ cư xử như hai chị em nên hồi đó không ai để ý gì nhiều lắm.
Những người cùng thời với họ thì mải tán tỉnh yêu đương, cưới xin và bận bịu với con cái, rồi cháu chắt. Quay cuồng trong trạng thái kiệt quệ về cả tinh thần lẫn thể xác do nhu cầu của gia đình mình, nên tới tận lúc
tuổi xế chiều họ mới nhớ ra hai người phụ nữ đó và ghen tị với hai người này về cuộc sống dễ chịu và thoải mái của họ. Giờ họ mới nghĩ tới những lời đồn thổi và xét đoán mà thời trẻ chẳng ai bận tâm, và nhóm đồng
nghiệp cũ kết luận rằng hai người phụ nữ đó bị đồng tính.
Nghe
những người phụ nữ lớn tuổi đó rút ra kết luận, tôi nghĩ hai người phụ
nữ ấy mới vô ưu làm sao: có lẽ họ không phải nếm trải những cảm giác cay đắng đối với đàn ông, và tất nhiên là không mang những nỗi lo lắng bám
riết về con cái. Có lẽ, rốt cuộc đồng tính không phải là chuyện xấu xa
tệ hại, tôi nghĩ vậy, có lẽ đó chỉ là một con đường khác trong cuộc đời
này. Tôi không hiểu tại sao chuyện đó lại trái pháp luật, nhưng có vẻ
như không có ai để tôi hỏi về vấn đề này.
Một lần tôi lấy hết đủ
can đảm hỏi một bác sĩ trưởng phòng phụ khoa. Bà ấy nhìn tôi đầy kinh
ngạc. “Điều gì khiến cháu nghĩ đến chuyện hỏi về vấn đề đó?”
“Tại sao ạ, nó tồi tệ đến mức không thể hỏi được ư? Cháu chỉ muốn biết điều
gì khiến những phụ nữ đó khác với những người bình thường khác.”
“Ngoài sự khác biệt trong tâm thái và hành vi giới tính ra, họ không khác gì
những người phụ nữ bình thường cả,” bà bác sĩ phụ khoa nói, hơi đỏ mặt
vì chủ đề này.
Tôi lại gặng hỏi bà. “Nếu như tâm thái và hành vi
giới tính của một người phụ nữ khác với những phụ nữ bình thường, thì cô ta có thể được coi là một người phụ nữ không?” Bà bác sĩ phụ khoa không biết phải mô tả chi tiết ra sao mà cũng không được chuẩn bị để làm việc đó.
Lần thứ ba tôi va chạm vấn đề đồng tính là khi được cử đi
lấy tin về một chiến dịch trật tự toàn thành phố. Khi người tổ chức hoạt động đó nhìn thấy tôi, ông ta kêu lên, “Làm sao mà đài phát thanh lại
có thể cử phụ nữ đi chứ? Chắc là nhầm lẫn rồi! Thôi được, vì cô đã tới
đây rồi nên cô ở lại cũng được. Nhưng tôi e rằng cô sẽ phải tường thuật
gián tiếp chứ không phải có mặt tại hiện trường đâu.”
Các đồng
nghiệp của ông ta cười ồ lên, nhưng tôi vẫn không hiểu gì. Khi hoạt động bắt đầu, lý do họ cười mới lộ ra: họ tiến hành những cuộc kiểm tra đột
xuất các nhà vệ sinh công cộng của nam giới - bốc mùi hôi thối thấu trời - và bắt những người đàn ông có hành vi tình dục đồng tính.
Tôi
thấy nghi ngờ về chiến dịch này: chẳng phải đã đủ đạo chích và các loại
tội phạm khác để bắt rồi hay sao? Và chắc là không có nhiều đàn ông sinh hoạt tình dục trong nhà vệ sinh cùng một lúc đến mức ấy chứ? Không thể
tin nổi, hơn một trăm người đàn ông đã bị bắt đêm đó. Khi chiến dịch sắp kết thúc, tôi sửng sốt hỏi một nhân viên trật tự công cộng, “Có phải ở
các nhà vệ sinh nữ cũng có những người chịu trách nhiệm duy trì trật tự
không?”
“Sao chúng tôi lại phải đi kiểm tra phụ nữ? Cô đùa chắc?” anh ta đáp, lắc đầu ngạc nhiên vì sự ngây thơ của tôi.
Người gọi hỏi về đồng tính qua chương trình đường dây nóng của tôi là người
đầu tiên giúp tôi thực sự hiểu về vấn đề này. Khoảng một tuần sau cuộc
gọi đó, tôi trở về nhà trong trạng thái hưng phấn cao độ vì buổi phát
thanh. Khoảng 2 giờ sáng, khi cuối cùng tôi cũng bắt đầu buồn ngủ,
chuông điện thoại đột ngột reo vang.
“Hân Nhiên, cô nhớ tôi là ai không?” Một giọng nữ cất lên. “Hẳn là cô phải nhớ: tôi đã hỏi cô một
câu hỏi khó trên đài hôm trước.”
Giận dữ và bực bội, tôi tự hỏi
làm sao mà người phụ nữ này có số điện thoại nhà riêng của tôi. Rõ ràng
lẽ ra nên dừng việc cho số điện thoại nhà riêng của tôi, bất kể đó là ai ở đài. Giờ thì đã quá muộn chẳng thể làm gì được nữa.
Tôi nổi
đóa lặng lẽ khi người phụ nữ kia nói, “Ấy, tôi biết cô đang nghĩ gì.
Đừng kết tội biên tập viên trực của cô về chuyện cho tôi số của cô đấy.
Tôi nói tôi là họ hàng của cô từ Bắc Kinh tới và tôi đã bị mất cắp túi
xách khi xuống tàu - có cuốn sổ điện thoại trong đó. Tôi cần gọi cho cô
đến đón tôi. Không tồi, đúng không?”
“Không tồi, không tồi,” tôi lặp lại lạnh lùng. “Tôi giúp gì được cô nào? Tôi vẫn nhớ cô, cô ở Mã Yên Sơn, đúng không?”
“Vâng, tôi biết là cô sẽ không quên tôi. Cô có mệt không?”
Tôi kiệt sức. “Ừm, một chút. Cô muốn gì nào?”
Có vẻ cô ta đã hiểu ra ý bóng gió. “Thôi được rồi, cô đang mệt. Tôi sẽ
không nói gì bây giờ cả. Tôi sẽ gọi lại cho cô sau chương trình của cô
vào ngày mai.” Nói xong cô ta cúp máy.
Đến tận đêm hôm sau, tôi hầu như đã quên mất cuộc gọi đó, nhưng sau khi về nhà chưa đầy một tiếng, chuông điện thoại reo vang.
“Hân Nhiên, hôm nay tôi gọi sớm hơn rồi đúng không? Đừng lo.Tôi sẽ không nói gì nhiều đâu. Tôi chỉ muốn nói rằng tôi rất biết ơn cô vì đã nói lời
xin lỗi với những người đồng tính vì sự thành kiến mà họ phải chịu đựng. Thế nhé, chỉ vậy thôi, chúc ngủ ngon!”
Cô ta lại cúp máy trước khi tôi kịp nói gì. Tôi tự an ủi mình: cô ta có ý tốt thôi và khá ý tứ.
Mỗi tối người phụ nữ đó gọi cho tôi vào cùng một giờ, suốt ba tuần liền. Cô ta nói với tôi những suy nghĩ của cô ta về buổi phát thanh tối hôm đó,
giới thiệu những cuốn sách và bản nhạc mà có lẽ tôi sẽ thấy hữu ích,
hoặc đơn giản chỉ là cho tôi một lời khuyên khôn ngoan về cuộc sống nói
chung. Mỗi lần cô ta chỉ nói vài phút, và không bao giờ cho tôi có cơ
hội để nói. Cô ta không cho tôi biết tên.
Một hôm khi tôi đang
rời đài phát thanh lúc khoảng một giờ sáng, tôi thấy một người hàng xóm
đang chờ mình ở cổng. Chuyện này rất lạ. Anh ta bảo con bé giúp việc của tôi nhờ anh ta tới vì nó sợ đến mất trí. Một người phụ nữ lạ cứ gọi đến nhà bảo nó: “Rời khỏi Hân Nhiên đi!”
Tôi có cảm giác phấp phỏng không yên.
Tối hôm ấy đúng vào giờ đó, như mọi ngày trong suốt ba tuần trước đó, điện
thoại reo. Trước khi người gọi kịp nói gì, tôi chẹn luôn, “Có phải cô
vừa gọi lúc nãy không?”
“Phải, tôi nói chuyện với con bé trông trẻ của cô và bảo nó phải rời khỏi cô,” cô ta nói, khá thản nhiên và bình tĩnh.
“Tại sao cô lại làm thế?” Tôi giận dữ hỏi.
“Tại sao không? Cô ta không nên sở hữu cô cho riêng mình - cô nên thuộc về nhiều người phụ nữ khác nữa.”
“Nghe này,” tôi đáp, “tôi rất vui được trao đổi những ý tưởng hay chuyện trò
với cô về cuộc sống nói chung. Nhưng nếu cô quấy rầy cuộc sống của tôi
thì tôi sẽ không còn gì liên quan tới cô nữa. Tôi không can thiệp vào
cuộc sống của người khác, người khác cũng đừng can thiệp vào cuộc sống
của tôi”.
Cô ta im lặng một lát, rồi nói với giọng nài xin, “Tôi sẽ làm như cô nói, nhưng cô không thể ruồng bỏ tình yêu của chúng ta.”
Cái ý tưởng rằng người phụ nữ đó yêu mình khiến tôi cảm thấy rất lo lắng.
Tôi không trả lời điện thoại suốt mấy ngày liền và tôi tự nhủ rằng, cũng giống như những người hâm mộ đến phát cuồng các ngôi sao nhạc pop, sự
cuồng si của cô ta có lẽ đến rồi sẽ đi; không cần phải lo lắng.
Một buổi chiều, giám đốc đài triệu tôi lên phòng làm việc và nói, “Một nữ
phát thanh viên của đài phát thanh Mã Yên Sơn tên là Đào Hồng đã tìm
cách tự sát. Cha cô ta có gửi cho tôi thư tuyệt mệnh của cô ta. Trong
thư nói cô ta yêu cô sâu sắc nhưng cô đã cự tuyệt cô ta.”
Tôi
không nói được lời nào. Người phụ nữ tên Đào Hồng này chính là người bí
ẩn gọi điện cho tôi. Tôi không hề nghĩ rằng cô ta cũng là một phát thanh viên và đương nhiên tôi không hề nghĩ rằng việc không nghe các cuộc gọi của cô ta sẽ dẫn tới chuyện này. Giám đốc đài mời tôi ngồi một chút. Có vẻ như, điều đầu tiên Đào Hồng thét lên khi hồi tỉnh là: “Tôi phải gặp
Hân Nhiên!”
Vài ngày sau, khi tôi đang họp với phòng kế hoạch,
một phát thanh viên bước vào báo tôi có khách. Khi anh ta đưa tôi tới
phòng lễ tân, tôi thấy một cô gái trẻ mặc đồ đàn ông rất sành điệu. Tóc
cô ta cắt ngắn ngủn, nên nhìn từ đằng sau khó mà bảo đấy là phụ nữ được. Trước khi người phát thanh viên đi tìm tôi lúc nãy kịp giới thiệu chúng tôi, cô ta bước tới và dùng cả hai tay chộp lấy cánh tay tôi, giọng đầy cảm xúc, “Đừng nói gì cả, hãy để tôi cảm nhận được toàn bộ. Tôi biết
ngay cô chính là Hân Nhiên của tôi!”
“Hân Nhiên của cô?” người phát thanh viên kia hỏi.
“Đúng thế, Hân Nhiên của tôi! Tôi là Đào Hồng, Đào Hồng của cô đây!”
Người đồng nghiệp của tôi bèn lẩn ngay ra ngoài. Anh ta có biết chuyện về Đào Hồng, nên tôi đoán anh ta đi gọi trợ giúp.
Mắt của Đào Hồng dán chặt lấy tôi trong khi nói, “Trông cô còn đáng yêu hơn so với tưởng tượng của tôi, nữ tính quá, mềm mại quá. Cuối cùng tôi
cũng gặp được cô rồi! Lại đây, lại đây nào, ngồi xuống đây! Để tôi ngắm
cô kỹ hơn. Đã hơn nửa năm rồi... Tôi không tới một lần nào trong suốt
thời gian đó... Tôi muốn biết và hiểu cô qua chương trình của cô, và qua hình ảnh của cô trong trái tim tôi... Cô nói đúng lắm, phụ nữ là lực
lượng sáng tạo trong vũ trụ này. Họ đem đến cho cuộc sống cái đẹp, cảm
xúc và sự nhạy cảm. Họ tinh khiết và trong sạch. Phụ nữ là những tạo vật tuyệt vời nhất...”
Người đồng nghiệp của tôi đã trở lại với ba
hay bốn phát thanh viên khác, tất cả bọn họ đều ngồi xuống không xa
chúng tôi, tán gẫu trong khi vẫn để mắt tới tôi.
“Xem tôi mang gì tới cho cô này. Những cuốn sách này toàn hình vẽ phụ nữ thôi. Hãy xem
thân hình họ mới đẹp đẽ làm sao. Nhìn bức tranh này đi, nét mặt ấy, nhìn xem cái miệng này mới quyến rũ làm sao. Tôi mang đến tặng riêng cho cô
đấy; cô có thể giữ lấy và nhìn ngắm chúng vào lúc nào rảnh rỗi. Tôi còn
mang cho cô cả cái này nữa... để cho cô khoái cảm tình dục. Cả cái này
nữa. Khi tôi cọ xát nó vào thân thể cô, cô sẽ thấy như mình đang lên
thiên đường!”
Các đồng nghiệp của tôi liếc trộm các thứ Đào Hồng
đang đặt trước mặt tôi. Tôi ngượng chín người. Tôi vẫn luôn khăng khăng
rằng tình dục không tình yêu là đồi trụy; thậm chí tôi còn không biết
rằng có những dụng cụ thay thế tạm thời để kích thích những khoái cảm
nhục dục theo cái cách máy móc này.
Đào Hồng vẫn thao thao bất
tuyệt: “Với sự trợ giúp của công cụ hiện đại, chúng ta có thể đạt được
những thứ tổ tiên chúng ta muốn mà không thể có. Khác với họ, chúng ta
có thể đẩy cảm xúc của mình đi xa tới mức nào chúng ta muốn...”
Tôi cố làm cô ta xao lãng bằng cách chỉ vào tập giấy cô ta đang ôm, trông
giống như một thứ tài liệu quảng cáo gì đó. “Đào Hồng, cái gì đây? Cô
chưa nhắc tới cái này?”
“À, tôi biết cô sẽ hỏi về chúng. Đây là
những tôn chỉ của Hiệp Hội Đồng Tính Trung Quốc. Cô đã nghe nói về nó
chưa? Một năm rưỡi trước chúng tôi đã dự định tổ chức một cuộc hội thảo. Khách sạn, chương trình và mọi thứ đã sẵn sàng nhưng chính phủ đã thẳng tay đàn áp. Song chuyện đó cũng chẳng sao. Chúng tôi đã đạt được hầu
hết những thứ mà chúng tôi muốn: trong vài bữa tối trước hội thảo, chúng tôi đã thảo ra các nguyên tắc của hội, thông qua các nghị quyết và thảo luận về những nhu cầu thể xác, và làm thế nào để có thể thu được nhiều
hơn từ sex...”
Tôi nhớ buổi hội thảo mà Đào Hồng nói tới. Tôi đã
suýt tới Bắc Kinh để tường thuật về nó. Ngày trước hôm tôi lên đường
đúng theo lịch, một người từ Sở Công An Nam Kinh gọi tới để báo với tôi
rằng họ đã cử người đến để hỗ trợ công an Bắc Kinh dập tắt cuộc hội thảo đó. Họ đang tìm kiếm và đình chỉ hoạt động một khách sạn lớn, bắt một
số nhân vật chủ chốt của Hiệp Hội Đồng Tính. Ngay lập tức tôi gọi cho
một số nhà tâm lý học và bác sĩ mà tôi biết là được mời tới dự buổi hội
thảo để cảnh báo cho họ đừng đi; tôi sợ rằng sẽ có đổ máu.
May
mắn thay, như Đào Hồng kể, việc giải tán buổi hội thảo không dẫn tới bạo lực. Để ngăn chặn tình huống diễn biến theo chiều hướng xấu, phía công
an đã cố ý để lộ thông tin về vụ vây bắt, vì vậy Hiệp Hội Đồng Tính đã
hủy bỏ cuộc hội thảo. Cả hai bên đều hoàn thành được phần lớn mục tiêu
mình đặt ra: chính phủ kiểm soát được tình hình, còn hiệp hội vẫn gặp
mặt được trong khi lập kế hoạch cho cuộc hội thảo. Người Trung Quốc đang ngày càng trở nên tinh vi hơn trong cách vận động chính trị của họ.
Một cơn buồn nôn dâng lên trong tôi khi tôi đọc dòng tiêu đề đập ngay vào
mắt trên một trong các tờ rơi mà Đào Hồng đang ôm chặt: Kỹ thuật quan hệ tình dục bằng miệng. Phần bốn: Sử dụng hàm trên. Tôi cảm thấy kiểu thảo luận trần trụi về sex như thế thật khó có thể chấp nhận. Đào Hồng nhận
ra vẻ ghê sợ trên mặt tôi, liền nói bằng giọng kiên nhẫn, “Đừng thấy là
mình bắt buộc phải nhìn nó ngay lúc này. Hãy thử sau, rồi cô sẽ khám phá ra sự khoái lạc của tình dục.”
Các đồng nghiệp của tôi lặng lẽ cười hinh hích.
“Đi dạo chút đi,” tôi nói, liều lĩnh thoát khỏi tiếng khúc khích của đồng nghiệp.
“Thật sao? Đương nhiên rồi, lẽ ra chúng ta nên đi dạo phố sớm hơn. Chúng ta sẽ thành một cặp được đấy.”
Chúng tôi ra khỏi đài phát thanh và Đào Hồng hỏi chúng tôi sẽ đi đâu. Tôi bảo cô ta đừng hỏi - cô sẽ biết khi tới nơi. Cô ta thậm chí còn trở nên sôi nổi hơn, nói rằng đây chính là kiểu phiêu lưu mà mình thích, đầy những
bí ẩn; vì nó mà cô còn tôn sùng tôi hơn rất nhiều.
Tôi đưa cô ta
tới Đền Kê Minh, một ngôi đền cổ ở Nam Kinh có tiếng chuông có thể nghe
thấy từ rất xa. Mỗi khi gặp rắc rối hay buồn phiền, thỉnh thoảng tôi lại tới ngồi trong Chùa Dược Sư Phật[5] ở đền này. Lắng nghe tiếng chuông
trong khi ngước nhìn bầu trời xanh mây trắng, nỗi phiền muộn của tôi như được nâng lên và tôi cảm thấy mình có được ý chí quyết tâm, sự tự tin
và mãn nguyện mới. Tôi nghĩ tiếng chuông có lẽ cũng tác động được đến
tinh thần của Đào Hồng. Ở cổng đền, Đào Hồng dừng lại lo lắng hỏi, “Nếu
tôi đi qua đây, liệu nó có thanh tẩy tôi không? Liệu nó có tước đi phẩm
chất nào đó không?”
“Bất kể nó tước đi cái gì thì chắc chắn cũng
chỉ là vô nghĩa. Tình cảm và ý nghĩa không thể bị sự thanh tẩy cuốn đi
được. Tôi nghĩ thế,” tôi nói.
Đúng lúc Đào Hồng bước qua cổng
đền, tiếng chuông vang vọng. Cô ta trầm ngâm, “Trái tim tôi rung lên
trong một khoảnh khắc. Tại sao?” Tôi không biết phải trả lời cô ta như
thế nào.
Đứng trong Chùa Dược Sư Phật, hai chúng tôi không nói
câu nào một lúc lâu. Khi tiếng chuông lại vang lên, tôi hỏi Đào Hồng hai câu: “Cô bắt đầu yêu phụ nữ từ khi nào? Và người tình đầu tiên của cô
là ai?”
Câu chuyện của Đào Hồng tuôn chảy:
Cha Đào Hồng vô cùng hổ thẹn khi không có con trai. Sau khi sinh cô ra, mẹ cô bị ung
thư tử cung và không thể sinh con được nữa; sau này bà đã mất vì căn
bệnh đó. Cha cô phát điên lên vì dòng họ nhà ông không có ai “nối dõi”
nhưng ông chẳng thể làm gì được. Vì thế ông xem Đào Hồng như một cậu con trai và nuôi dạy cô như một đứa con trai về mọi mặt, từ quần áo ăn mặc
đến đầu tóc và các trò chơi. Đào Hồng không bao giờ đi nhà vệ sinh công
cộng vì cô không biết phải đi vào toa lét dành cho nam hay nữ. Thời gian ấy, Đào Hồng rất tự hào vì cách hành xử nam tính của minh và chẳng hề
yêu phụ nữ.
Tuy nhiên vào năm mười bốn tuổi, chuyện xảy ra trong
một đêm hè đã thay đổi hoàn toàn con người cô và cách nhìn của cô với
đàn ông và phụ nữ. Đó là mùa hè trước khi cô bước vào cấp III. Cô đã
nghe kể rằng cấp ba là quãng thời gian kinh khủng nhất: đường đời của cô thế nào là do nó quyết định, thành tích ở đó sẽ dẫn đến thành công
trong tương lai. Cô quyết định tận hưởng kỳ nghỉ hè trọn vẹn trước khi
vùi đầu học hành vất vả suốt ba năm tới, và cô đi chơi tối với bạn bè
rất nhiều.
Cái đêm hôm đó, chừng mười một giờ khi cô bắt đầu về
nhà. Cô không phải đi xa lắm và đó cũng không phải là con đường vắng vẻ. Khi chỉ còn cách nhà vài bước, một nhóm bốn gã đàn ông nhảy ra khỏi
bóng tối và tóm lấy cô. Chúng lôi cô đi, bịt mắt và nhét giẻ vào miệng,
tới một nơi có vẻ như là nhà kho chứa dụng cụ ở một công trường xây
dựng. Dải bịt mắt được cởi ra, nhưng miệng cô vẫn bị nhét giẻ. Trong
phòng còn có thêm ba gã nữa, tức là tổng cộng có bảy gã. Chúng bảo Đào
Hồng là chúng muốn xem cô thực ra là đàn ông hay đàn bà, và bắt đầu lột
quần áo của cô ra. Chúng ngẩn ra một lúc khi thấy thân thể thiếu nữ của
cô nhưng rồi mặt chúng đỏ phừng lên, và cả bảy gã nhảy xổ vào cô. Đào
Hồng ngất đi.
Khi tỉnh dậy, cô thấy mình đang nằm trần truồng và
chảy máu trên bàn thợ. Đám đàn ông đang ngáy vang dưới sàn; mấy gã quần
còn đang tụt xuống tận mắt cá chân. Đào Hồng ngồi thẫn thờ trong nỗi
kinh hoàng mất một lúc trước khi cuối cùng cũng vụng về dịch xuống khỏi
cái bàn. Lảo đảo quay cuồng, cô chậm chạp nhặt quần áo dưới sàn lên. Khi cô bước đi, cô giẫm lên bàn tay của một gã: gã này kêu oai oái khiến
mấy gã kia tỉnh dậy. Chúng nhìn cô, đờ ra vì cảm giác tội lỗi khi Đào
Hồng nhặt quần áo lên và mặc vào, từng chiếc một. Đào Hồng mất nửa tiếng khó khăn để mặc lại đống quần áo, suốt lúc đó cô không nói một lời.
Kể từ đó, cô căm ghét tất cả đàn ông, thậm chí cả cha mình. Đối với cô, họ đều bẩn thỉu, dâm đãng, thú vật và tàn bạo. Lúc đó, cô mới thấy kinh
hai lần. Cô tiếp tục ăn mặc như con trai, vì lý do gì thì cô không thể
giải thích được, và không bao giờ kể với ai chuyện gì đã xảy ra. Vụ
cưỡng hiếp tập thể khiến cho mọi chuyện khá rõ ràng với Đào Hồng rằng cô là phụ nữ. Cô bắt đầu thắc mắc phụ nữ thì như thế nào. Cô không tin
rằng mình có vẻ đẹp của phái nữ, nhưng cô muốn nhìn nó.
Lần đầu
tiên cô thử làm điều đó là với cô bạn xinh nhất lớp hồi lớp 10. Đào Hồng bảo cô bạn đó là cô rất sợ ở một mình khi bố đi công tác vắng nhà và
hỏi bạn mình có thể đến ngủ cùng hay không. Trước khi họ lên giường đi
ngủ, Đào Hồng bảo với bạn rằng cô ngủ trần. Cô bạn kia hơi ngượng ngùng
khi làm theo cô, nhưng Đào Hồng bảo sẽ mát xa cho bạn, thế là cô bạn kia đồng ý cởi quần áo ra.
Đào Hồng kinh ngạc trước sự mềm mại và
mịn màng của thân hình cô gái, đặc biệt là vùng ngực và hông. Sự đụng
chạm nhỏ nhất cũng khiến máu dồn lên tận đầu Đào Hồng, khiến cô rùng
mình toàn thân. Đúng lúc Đào Hồng đang xoa nắn bạn mình cho đến nỗi cô
bé thở hổn hển thì cha cô vào phòng.
Với một sự bình tĩnh bất
ngờ, Đào Hồng kéo chăn trùm kín tấm thân trần của cả hai và hỏi, “Sao bố lại về, bố bảo là đi công tác cơ mà?” Cha cô quay ra không nói một lời, ông quá sửng sốt.
Sau này, khi tôi phỏng vấn cha Đào Hồng trên
điện thoại, ông nói với tôi rằng kể từ hôm đó, ông biết Đào Hồng đã lớn, và hơn thế nữa, đã trở thành một phần của một nhóm người đặc biệt. Ông
không dám hỏi thẳng con gái tại sao cô lại bị đồng tính, nhưng lại
thường đặt câu hỏi đó với người mẹ quá cố của cô khi đi quét mộ bà vào
tiết Thanh Minh hàng năm.
Kể từ đó, Đào Hồng thường đưa các cô
gái về nhà “mát xa”. Cô nghĩ phụ nữ là những sinh vật tuyệt vời, nhưng
không hề có tình yêu trong những cảm xúc cô dành cho họ. Lần đầu tiên cô thực sự yêu là trong khi chuẩn bị cho cuộc hội thảo đồng tính mà cô đã
kể với tôi. Đào Hồng được sắp cho ở cùng phòng khách sạn với một phụ nữ
hơn cô mười bốn tuổi. Người đàn bà đó thật duyên dáng, điềm đạm và thân
thiện. Cô ta hỏi Đào Hồng tại sao cô lại tham gia hội thảo này, và biết
rằng Đào Hồng thích phụ nữ. Cô ta bảo Đào Hồng rằng tình dục là trạng
thái tinh thần cao quý nhất, và ở phụ nữ nó là thứ quý giá hơn tất thảy. Khi hội thảo bị giải tán, cô ta đưa Đào Hồng tới một khách sạn khác để
tham gia một khóa “huấn luyện về tình dục”. Đào Hồng được nếm trải sự
kích thích tình dục và khoái cảm mà cô chưa bao giờ trải qua. Người đàn
bà đó còn hướng dẫn Đào Hồng về sức khỏe tình dục và cách sử dụng các
công cụ tình dục. Cô ta kể rất nhiều về lịch sử của đồng tính, cả ở
Trung Quốc lẫn nước ngoài.
Đào Hồng nói rằng cô yêu người phụ nữ
đó vì cô ta là người đầu tiên chia sẻ quan điểm và hiểu biết với cô, để
bảo vệ cô và đem lại cho cô khoái cảm thể xác. Nhưng người phụ nữ đó nói với Đào Hồng rằng cô ta không và không thể yêu cô được; cô ta không thể quên, chứ chưa nói là tìm người thay thế, người tình cũ của mình, một
nữ giảng viên đại học, đã qua đời nhiều năm trước vì tai nạn xe hơi. Đào Hồng vô cùng xúc động; cô nói từ khi cô còn bé cô đã biết rằng tình yêu trong sáng và thánh thiện hơn tình dục rất nhiều.
Sau khi Đào
Hồng trả lời hai câu hỏi của tôi, chúng tôi rời Đền Kê Minh. Trong lúc
chúng tôi bước đi, Đào Hồng nói với tôi rằng cô đã đi tìm một người đàn
bà mà cô có thể chia sẻ mối quan hệ như với người yêu đầu tiên. Cô đọc
nhiều, và đã đỗ trong kỳ thi tuyển phát thanh viên của đài phát thanh Mã Yên Sơn tám tháng trước. Cô dẫn một chương trình đường dây nóng về phim và truyền hình. Cô kể rằng một trong số các thính giả đã viết thư gợi ý cô nên nghe chương trình Khinh Phong Dạ Thoại. Cô vặn kênh đó lên nghe
hàng ngày suốt sáu tháng liền, và đã kỳ vọng tôi sẽ trở thành người tình mới của mình.
Tôi nói với Đào Hồng câu châm ngôn tôi thường lặp
đi lặp lại trên sóng phát thanh, Nếu như bạn không thể làm ai đó hạnh
phúc, đừng cho họ hy vọng, và nói một cách chân thành, “Đào Hồng, cảm ơn cô. Tôi rất vui vì đã được gặp cô, nhưng tôi không thuộc về cô, và tôi
cũng không thể trở thành người yêu của cô được. Tin tôi đi, ngoài kia
đang có người chờ đợi cô đấy. Hãy tiếp tục đọc sách và mở rộng những
chân trời của mình, và cô sẽ tìm thấy người đó. Đừng để người đó phải
chờ đợi cô.”
Đào Hồng hỏi khẽ. “Liệu tôi có thể xem cô là người yêu cũ thứ hai của tôi không?” Cô chậm rãi hỏi.
“Không, cô không thể,” tôi đáp, “vì giữa chúng ta không có tình yêu. Tình yêu
phải xuất phát từ hai phía; yêu và được yêu một cách đơn phương đều
không đủ.”
“Vậy thì tôi nên nghĩ về cô như thế nào?” Đào Hồng bắt đầu tiến tới quan điểm của tôi.
“Nghĩ về tôi như một người chị gái,” tôi nói. “Mối quan hệ thân thích là mối quan hệ bền vững nhất.”
Đào Hồng nói cô sẽ nghĩ về chuyện đó, và chúng tôi chia tay.
Vài ngày sau, khi tôi nhận được cuộc gọi từ một thính giả muốn giấu tên,
tôi ngay lập tức nhận ra đó là Đào Hồng. “Chị Hân Nhiên,” cô nói. “Em
mong rằng tất cả mọi người đều nhận được sự chân thành, tốt bụng và hiểu biết của chị. Chị có đồng ý nhận em làm em gái không?”