Cánh cửa phòng mở ra trong sự hồi hộp và chờ đợi của những người ở ngoài, Đức nắm tay bé Nga dẫn ra ngoài, lúc này cô bé đã hoàn toàn khỏe mạnh, những vết ban màu xanh trên người hoàn toàn biến mất, vẫn còn giữ vẻ ngơ ngác nhìn về phía hắn.
Một bóng dáng hớt hải chạy đến ôm lấy bé Nga vào lòng khóc nức nở, hôn lên trán cô bé, Dì Năm ngửa đầu nhìn về phía Đức, giọng nói vẫn còn run run đầy kích động:
“Cảm ơn, cảm ơn cậu”
Đức nhẹ nhàng gật đầu, xoa đầu bé Nga một cái rồi bước ra ngoài. Đám người xung quanh vang lên những âm thanh mừng rỡ, Linh cũng thở phào một hơi nhẹ nhõm, nở nụ cười tiến lại gần:
“Cảm ơn anh”
“Không có gì” Hắn nhẹ giọng nói.
Phải công nhận là Linh rất xinh đẹp, làn da màu trắng ửng hồng dưới cái lạnh của tuyết, đôi mắt đen lay láy và rất sáng, cánh mũi thẳng dọc dừa, cùng với đôi môi đỏ mọng, nụ cười của cô càng khiến cô trở nên xinh đẹp, rạng rỡ. Ánh mắt của những chàng trai gần đó nhìn cô si mê, có lẽ đã lâu lắm rồi, họ mới lại được nhìn Linh nở nụ cười sáng lạn như vậy.
“Có vẻ là hơi trễ rồi, chúng ta nghỉ ngơi sớm thôi” Đức quay đầu với mọi người trong nhóm của mình lên tiếng nói
Mọi người lục tục bước vào trong nhà, Lan trước khi đi ngang qua còn bẹo má bé Nga một cái, và cười với cô bé, Nga cũng vẫy tay cười đáp lại.
“Cô cũng nên nghỉ ngơi đi” Quay về phía Linh hắn nhẹ giọng nói
Linh cười nhẹ, gật đầu, bước về phía chỗ bé Nga xem xét tình trạng cô bé, nói chuyện với Dì Năm một lúc rồi mới rảo bước trở về, đám người xung quanh cũng dần tản ra, trở về nơi nghỉ ngơi của chính mình.
Đêm đã về khuya, ánh trăng lên cao vượt quá đỉnh đầu tỏa ánh sáng dịu nhẹ xuống mặt đất. Tuyết rơi không nặng như những hôm trước nhưng thời tiết vẫn rất lạnh giá, gió thổi qua cuốn theo từng đám bông tuyết.
Trong ngôi nhà được phân của mình, Đức đột ngột mở choàng mắt, từ trong trạng thái nhập định tỉnh lại, hai tai khẽ động nghe ngóng động tĩnh xung quanh, rồi lấy ra chiếc máy tính trong kho chứa đồ trên tay, nhỏ giọng lên tiếng:
“Báo cáo tình trạng”
Từ chiếc máy tính trên tay Đức chiếu lên những hình ảnh 3D như một bản đồ thu nhỏ vào không trung, đó là bản đồ của toàn bộ khu vực trại tị nạn này, những dấu chấm đỏ thể hiện một bản đồ nhiệt phân bổ từng nhóm người.
Từ trước lúc bước vào trại, Đức đã thả ra một máy do thám hình ưng Falcon lên không để thăm dò và vẽ lại bản đồ hoàn chỉnh của trại và một số khu vực lân cận, từ đó đối chiếu với địa điểm hắn nhớ được để lần ra vị trí đặt cứ điểm có máy chủ, Falcon có cả trang bị máy quét nhiệt hồng ngoại để thăm dò phân bố số lượng người ở trại tị nạn này.
Tổng cộng trại này hiện có hơn ba trăm người phân bố rải rác, trại tị nạn chia ra làm ba khu vực ở, phân bố theo số nhà ở sẵn có từ trong thị trấn, những người có khả năng đặc biệt được bố trí ở vòng ngoài, phía trong là người dân tụ tập về từ khắp nơi, phụ nữ trẻ em được bố trí ở trong cùng.
Có hai chòi canh, thực ra là hai ngôi nhà cao tầng ở ngoài rìa được bố trí lại ở phía tường rào, một cái tòa nhà bốn tầng là nơi trú đóng của người đại tá lúc chiều và nhóm của Linh.
Theo đối chiếu của hắn thì máy chủ có vẻ nằm tại một căn hầm của tòa nhà nằm ở rìa ngoài phía Nam trại tị nạn, cách đó khoảng hai cây số, vị trí cũng khá kín đáo.
Nhẹ nhàng mở cánh cửa, đêm đã khuya, khung cảnh chìm trong tĩnh mịch, Đức nhìn ra xung quanh rồi nhẹ nhàng tung người tiến về phía màn đêm, hướng về phía Nam trại tị nạn lặng lẽ chạy đi.
Rất nhanh, hắn đã tới nơi, đó là một căn nhà đã bị phá hoại rất nghiêm trọng, tường bê tông nhiều chỗ bị đập vỡ, có lẽ nơi đây đã từngtrải qua một trận ác chiến.
Đức bước vào trong tìm kiếm, khoảng chính giữa căn nhà, có một lối đi xuống dưới đã bị chặn lại bởi rất nhiều mảnh bê tông và chướng ngại vật, hắn khẽ đảo tay, Lạc phong kiếm đã hiện ra chém vụn những vật cản đường, một lối đi nhanh chóng hiện ra, chém tung cánh cửa sắt nặng nề chắn đường xuống tầng hầm, Đức chậm rãi đi xuống dưới.
Bên trong tối om không một chút ánh sáng, Đức lấy ra chiếc đèn pin từ trong kho chứa đồ rọi vào, một đoạn cầu thang bước sâu xuống dưới, cách đó không xa là khu vực chứa máy chủ.
Đức đang định đi xuống thì đột ngột, hắn ngẩng đầu lên nhìn về một hướng gần đó, ánh mắt trở nên lạnh lại, lên tiếng:
“Ra đi”
Xung quanh vẫn im lìm không một tiếng động, Đức nhíu mày, dậm chân xuống, một mảnh gỗ bay lên đá mạnh về hướng trước mặt.
“Bộp” một bóng người hiện ra, đá bay mảnh gỗ trên đà bay tới qua một bên. Đức nheo mắt nhìn về phía đó, hình dáng của Linh xuất hiện trong đêm tối, ánh mắt thú vị nhìn về phía hắn.
“Làm sao anh phát hiện được tôi” Yên lặng một lúc, Linh lên tiếng hỏi
“Đoán thôi” Đức tung người nhảy lên khỏi đường xuống hầm, đứng đối diện Linh, trả lời
Linh nhìn thẳng vào mắt Đức: “Có vẻ như anh biết đây là nơi nào”
Giọng nói của cô trở nên nghiêm túc, lạnh lại: “Anh là ai?”
“Một người qua đường thôi” Đức mỉm cười trả lời
“Cô vẫn theo dõi tôi sao?” Hắn nhìn Linh lên tiếng hỏi. Thực ra hắn vẫn hơi tò mò làm cách nào Linh có thể theo được hắn tới tận đây, với khả năng cảm nhận của mình hắn khá tự tin trong việc phát hiện những kẻ địch theo dõi, trừ khi cô gái này sở hữu một vài kỹ năng đặc biệt trong việc ẩn thân.
“Anh không nghĩ là khi anh đồng ý bước vào trại tị nạn này, ý đồ của anh đã khá là lộ liễu sao?” Linh trả lời
“Hửm” Đức nhướng mày khó hiểu
Linh mỉm cười trả lời: “Khi tôi hỏi anh đang đi đâu, anh đã trả lời là muốn về quê tìm người thân, điều đó chứng tỏ, anh không muốn ở lại trại tị nạn này lâu dài”
“Buổi tối khi nấu ăn, anh cũng không tham gia ăn cùng mọi người, chứng tỏ, anh cũng không thiếu lương thực”
“Anh đã tiêu diệt lũ xác sống biến dị đuổi giết người của chúng tôi, chứng tỏ thực lực của anh cũng rất khá”
“Điều đó chứng tỏ là, anh không cần phải vào trại tị nạn này, tôi đã hỏi chỗ của Lan, anh muốn đi về Bình Định, nếu không qua trại tị nạn mà rẽ qua đường chính ở hướng bên phải sẽ đi nhanh hơn nhiều, tính cách của anh cũng không phải dạng người thích chịu ơn kẻ khác”
“Do đó, việc anh đồng ý bước vào trong khu trại tị nạn này đã chứng tỏ là anh có ý đồ gì đó, và có lẽ là nơi này phải không?”
“Chính xác thì, anh muốn gì?” Linh nhìn thẳng vào Đức, nghiêm giọng hỏi
Đức mỉm cười, có vẻ là hắn đã hơi coi thường người khác rồi, nhưng cũng phải công nhận là cô gái này rất thông minh sắc sảo, cũng phải, nếu không có lòng đề phòng kẻ khác làm thế nào có thể quản lý nổi từng này con người được đây.
“Trước khi tôi trả lời câu hỏi của cô, thì hãy trả lời câu hỏi của tôi trước, thực ra cô muốn gì ở tôi?” Đức nhìn Linh lên tiếng hỏi
“Ý anh là gì?” Linh nhíu mày
“Thôi nào, dù biết là tôi có ý đồ, cô vẫn cho tôi vào trại tị nạn, hơn nữa một mình theo tôi đến tận đây, nếu không phải là cô quá coi trọng thực lực của bản thân thì có nghĩa là có gì đó cô muốn trao đổi với tôi, phải không nào, tôi nghĩ cô không phải người rảnh đến mức tự tìm khó cho mình như vậy chứ?” Đức nhẹ giọng trả lời
Yên lặng một lúc, Linh nhìn Đức thở dài một hơi:
“Tôi cần anh đi cùng tôi tới một chỗ”
……………………………………………….
Như đã nói từ trước, Credit hôm nay mình sẽ viết về trận đại chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai. (Bạn nào thích thì có thể để lại cho mình một cmt ủng hộ, còn bạn nào không thích thì có thể ngừng lại ở đoạn này được rồi nha vì nội dung hoàn toàn không liên quan đến truyện, mình viết là theo cảm hứng cá nhân và theo sự khuyến khích của một số bạn độc giả thân thiết thôi)
Lần xâm lược thứ hai của quân Nguyên Mông diễn ra vào năm 1284, tức là cách lần xâm lược đầu tiên gần 26 năm. Nguyên nhân tại sao lại diễn ra lâu như vậy đó chính là bởi vì Mông Cổ trong thời kỳ đó còn đang vướng vào cuộc chiến xâm lược Nam Tống và tranh giành ngôi Đại Hãn của Hốt Tất Liệt nên chưa thể phân thần vào việc phục thù Đại Việt.
Dù rằng Đại Tống lúc này đã vào lúc suy tàn, vua thì hôn quân vô độ, quan thì nịnh thần bè cánh, trung thần bị bài xích nhưng nói gì thì nói lạc đà chết còn to hơn ngựa, lực lượng còn lại của nước Tống vẫn còn khá nhiều, hơn nữa tuy rằng quân Mông Cổ gần như bất bại khi dàn quân đánh trận nhưng về khoản công thành thì không phải là quá mạnh, nên vẫn có thể cho Tống kéo dài khá nhiều thời gian.
Đương nhiên, hòa bình nhưng không phải hoàn toàn là yên ổn, với vị thế nước lớn Nguyên Mông nhiều lần đi sứ sang nước ta đưa ra rất nhiều yêu sách chẳng hạn như bắt vua Trần phải quỳ tiếp chỉ thiên triều, đòi tiến cống vàng bạc, voi và thầy thợ qua đó. Đáp lại, vua Trần đa số chỉ là mềm mỏng trên miệng lưỡi còn hành động thì lại rất cứng rắn, sứ qua ép quỳ, vua Trần cho lính tuốt gươm thị uy tại chỗ, nhất quyết không quỳ, cống voi thì khi thì hết viện cớ voi bệnh, tới nhớ nhà, tới hình thể to lớn hoãn hết năm này đến năm khác, vàng bạc tiến cống còn được, nhưng thầy thợ thì tuyệt không cho đi.
Nói chung thì chính sách ngoại giao của chúng ta trong hơn 20 năm hòa hoãn với nhà Nguyên này khiến mình cảm thấy rất có hảo cảm với vua Trần, không hề nhượng bộ, tranh thủ thời gian hòa bình để củng cố quốc lực, phát triển kinh tế, thao luyện binh mã sẵn sàng cho mọi tình huống.
Đến năm 1282, Quân Nguyên bắt đầu tiến đánh Chiêm thành (Phía Nam Đại Việt), quân Chiêm không chống nổi nên cũng học theo nước ta trốn khỏi kinh thành vào miền rừng núi, dựa vào địa thế hiểm yếu tiến hành chống trả, Sogetsu (Toa đô) là tướng chỉ huy hạm đội hải quân của nước Nguyên đánh nhiều lần nhưng không thể tận diệt được. Hốt Tất Liệt sai sứ giả sang bắt nước ta hỗ trợ quân lương cho chúng đánh Chiêm, nhưng vua Trần viện cớ nước nghèo từ chối, không những thế còn phái quân qua chi viện cho Chiêm Thành (2 vạn quân binh và 500 chiến thuyền)
Chuyện gì đến cũng đến, sau khi dọn dẹp xong nước Tống, xử lý ổn thỏa chuyện tranh chấp ngôi Đại Hãn, vào năm 1284, Hốt Tất Liệt phong cho con trai thứ 9 của mình là Toghan (Thoát Hoan) làm Trấn Nam Vương dẫn binh chinh phạt nước ta.
Lần chiến tranh này rất được Hốt Tất Liệt coi trọng, vì thứ nhất là nỗi nhục bại trận lần trước, thứ hai là không có cường địch khiến hắn phải phân tâm, thứ ba là vì nước ta khi đó giáp với cả Chân Lạp, Chiêm Thành, Vân Nam, Xiêm, Miến cho nên có thể nói đó là một vị trí quân sự hết sức quan trọng, nếu chiếm được sẽ là một cầu nối hoàn chỉnh cho quân Nguyên có thể tung hoành khu vực Đông Nam Á, vận chuyển lương thảo, di chuyển binh mã cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, cho nên trận đại chiến này, nước ta bị liệt vào đối tượng chú ý trọng điểm.
Với sự coi trọng như vậy, chúng mang sang binh mã đông đảo hơn lần thứ nhất rất nhiều, và số lượng kiêu binh, mãnh tướng tham dự trận chiến cũng rất đông, có thể kể sơ một vài cái tên đáng chú ý là: Ariq Quya (Mãnh tướng người Uigur), Ô Mã Nhi, Lý Hằng (Tây Hạ), Khoan Triệt (Uzbek), Bột La Hợp Đáp Nhĩ, Tháp Nhi Đài, Mãng Cổ Đái, Nạp Hải, cùng các hàng binh người Hán: Lý Bang Hiến, Tôn Hựu, Tôn Đức Lâm, Lưu Thế Anh, Lưu Khuê, Nghê Nhuận. Đây đều là những mãnh tướng thiện chiến, dày dạn kinh nghiệm sa trường.
Thêm nữa, cánh quân của Toa Đô đang chiếm đóng Chiêm Thành cũng được điều động để phối hợp đánh thốc từ phía Nam, Thoát Hoan dẫn quân đánh ở phía Bắc hình thành thế gọng kìm bao vây Đại Việt vào chính giữa.
Binh lực tổng huy động của chúng lần này về mặt số liệu có khá nhiều tranh cãi, nhưng nếu cộng toàn bộ thì suy đoán hợp lý sẽ vào khoảng từ 30 đến 50 vạn đủ cả bộ binh, khinh kỵ lẫn thủy binh. Đây là một lực lượng hết sức hùng hậu, nên nhớ là lần đầu tiên đánh nước ta chúng chỉ huy động khoảng 5 vạn quân, lần này thì gần như là gấp 10 lần.
Ở đây cũng phải nói thêm một điều, hơn 20 năm hòa hoãn, lợi cũng có cái lợi mà hại cũng có cái hại của nó, cái lợi thì dễ thấy chúng ta tranh thủ được thời gian hòa bình quý giá phát triển quốc lực, thao luyện binh mã, tăng cường quân đội, còn cái hại của nó là: thời gian hòa bình này đã ru ngủ khá nhiều quan lại, thân vương, tướng lĩnh trong triều, bào mòn nhuệ khí, mất đi can đảm đối mặt với chiến tranh.
Kể cả là chuyện xin hòa hay xin đánh, cũng chia ra làm 2 trường phái trong triều tranh cãi rất hăng, kẻ khuyên hòa thì nói rằng thế giặc quá mạnh, không thể đánh nổi, viện cớ vì an cư lạc nghiệp của lê dân bá tánh để bảo vua Trần mở đường cho giặc vào nước, phái này chủ yếu là của những quan văn hoặc những thân vương quen kiếp sống sung sướng an nhàn, người nói đánh thì bởi vì hiểu rằng lần mượn đường này chỉ là một cái cớ mà thôi, để giặc vào là mất nước và chịu kiếp sống nô lệ cho giặc, trường phái này chủ yếu là của các võ tướng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, hai vua Trần cũng là người theo trường phái này.
Để chấm dứt tranh cãi và tổng động viên tinh thần, sĩ khí cả nước đồng lòng chống giặc, vua nhà Trần đã triệu tập các bô lão từ khắp nơi về mở hội nghị Diên Hồng và đích thân trước mặt bá quan văn võ, hỏi những con người đại diện cho tầng lớp đi trước của dân tộc này: “Nên hòa hay nên đánh?”
Và tất cả những bô lão ấy, những người đại diện cho ý chí của đất nước, đứng trước sự uy hiếp của giặc ngoại xâm hùng mạnh, dù biết rằng nếu phát sinh chiến tranh là sẽ hy sinh, đổ máu và họ có thể là những người phải mất mạng đầu tiên, nhưng tất cả vẫn đồng thanh hô “Đánh” vang vọng trên điện Diên Hồng.
Tiếng hô “Đánh” của họ đã lấn át hết tất cả âm thanh của những kẻ hèn nhát muốn cầu hòa mở đường cho giặc, thể hiện quyết tâm của nhân dân cả nước và sự cứng cỏi của dân tộc Việt trước kẻ địch ngoại xâm.
Lệnh tổng động viên được ban bố, cả nước tiến vào giai đoạn gấp rút chuẩn bị chống giặc, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn điều động binh mã ra các lộ trấn giữ biên cương, soạn thảo “Hịch Tướng Sĩ” để cổ động binh lính, chấn hưng sĩ khí, nam đinh lính tráng thích hai chữ “Sát Thát” trên tay để thể hiện rõ quyết tâm diệt giặc cứu nước.
Trận chiến chính thức bắt đầu vào đầu năm 1285, quân Nguyên chia làm ba đạo tiến vào nước ta. Đạo chủ lực do Thoát Hoan và Ariq Quya chỉ huy từ Ninh Minh tiến vào Lộc Châu, đạo thứ hai là một toán quân khinh kỵ Mông Cổ tinh nhuệ chỉ có số lượng hơn một ngàn người do Nasirud Din tiến vào theo đường Tuyên Quang theo hướng Sông Chảy, đạo thứ ba do Toa Đô đang tấn công Chiêm Thành ở phía Nam nước ta.
Giai đoạn đầu, quân Nguyên Mông rất mạnh, thế tiến như chẻ tre, quân ta không cách nào chống nổi.
Ở ải Khả Ly, Tôn Hựu dẫn quân đánh tan quân Trần phòng ngự ở đây, bắt được hai tướng Đỗ Vĩ và Đỗ Hựu, Ải Động Bản, quân Nguyên tiếp tục thắng, tướng giữ ải Trần Sâm bỏ mình.
Chỉ trong vòng 5 ngày, đại quân của Thoát Hoan đã tràn qua đến ải Vĩnh Châu, Thiết Lược, Chi Lăng, chia quân làm sáu mũi ồ ạt tấn công ải Nội Bàng, đại bản doanh của Trần Quốc Tuấn, quân ta thất trận, tổn thất rất nặng, tướng Đoàn Thai bị bắt, Trần Quốc Tuấn buộc phải lui quân về Vạn Kiếp. (Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, ở thời điểm này quân Trần đã gần như tan vỡ, Trần Quốc Tuấn thoát được là nhờ Yết Kiêu kiên quyết giữ thuyền chờ chủ tướng)
Có lẽ ai cũng biết Yết Kiêu là ai, nhưng có lẽ ít người biết Yết Kiêu là một gia thần của Trần Quốc Tuấn, với tài lặn ông đã góp công rất nhiều vào những trận thủy chiến đục chìm thuyền chiến của quân Nguyên Mông, ông rất trung thành với chủ tướng và quốc gia.
Rút về Vạn Kiếp, Trần Quốc Tuấn hội họp với quân chủ lực của ta ở đây. Biết được điều này, Thoát Hoan thúc quân đến truy đuổi, đồng thời ra lệnh gấp rút đóng thuyền chặn đường rút lui của quân Trần.
Đến giữa tháng 2 năm 1285, Ô Mã Nhi dẫn đầu thủy quân Nguyên Mông tấn công vào Vạn Kiếp và các trại ở Chí Linh. Đây là một trận kịch chiến, hai bên đều có tổn thất khá nặng, tướng quân Nguyên Nghê Nhuận tử trận.
Ô Mã Nhi tiếp tục dẫn quân vây đánh, vua Trần thân chinh đem quân đến ứng cứu Trần Quốc Tuấn, qua một trường đại chiến, quân ta phá vây rút lui về dàn trận bên bờ Sông Hồng gần thành Thăng Long. Quân Nguyên truy kích theo bằng đường bộ.
Chỉ sáu ngày sau, quân Nguyên đã đuổi kịp dựng trại đối diện bên bờ Sông Hồng, trước đó chúng đã phá tan chốt phòng ngự của quân ta tại Sông Đuống.
Trận này đích thân vua Trần Nhân Tông trực tiếp chỉ huy, các chiến lũy bằng gỗ bên bờ sông được dựng lên, dưới sông là lực lượng thủy quân chủ lực. Mục đích của chúng ta trong trận này chỉ là để kéo dài thời gian cho công tác sơ tán kinh thành Thăng Long. Trải qua mấy trận đối đầu đọ sức, đến khi hoàn thành xong công tác sơ tán, quân ta lặng lẽ từ bỏ phòng tuyến xuôi sông Hồng rút lui về phủ Thiên Trường (Nam Định).
Thoát Hoan chiếm được kinh thành Thăng Long, mở tiệc khao quân nhưng lúc này thì đã người đi thành trống, lương thực bị gom đi sạch sẽ.
Sau thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi, Thoát Hoan tiếp tục chia quân ra hai đường thủy bộ truy kích quân Trần.
Đây là thời điểm rất khó khăn và hung hiểm, kẻ địch đuổi theo rất rát quyết tâm tiêu diệt đầu não nước ta trong thời gian ngắn nhất để hoàn thành công cuộc tiến chiếm Đại Việt, có những lúc gần như là quân ta đã nằm trong tầm vây của kẻ địch.
Để truy cản, quân đội nhà Trần liên tiếp tổ chức những trận đánh chặn hậu trên khu vực sông Hồng, trong đó hai trận đánh lớn là ở Đà Mạc và Hải Thị. Ở Bãi Đà Mạc, 600 quân Thánh Dực do Trần Bình Trọng chỉ huy đã kiềm chế được mấy ngàn quân Mông Cổ trang bị nhẹ đột tiến, tổng cộng 6 đợt tấn công, tử thương vô số, cuối cùng nhờ vào chênh lệch quân lực quá lớn, quân Nguyên phá được đội hình của quân Trần, Trần Bình Trọng bị giặc bắt. Nhưng đồng thời, Trần Bình Trọng cũng đã hoàn thành nhiệm vụ, kẻ địch hoàn toàn mất dấu vua Trần.
Để tìm hiểu nơi tọa lạc của hai vua, Thoát Hoan dùng đủ mọi cách từ cứng rắn đến dụ dỗ rằng sẽ đưa ngôi vương An Nam cho Trần Bình Trọng, ông đã kiên quyết trả lời rằng: “Ta thà làm quỷ nước Nam cũng không làm Vương đất Bắc”. Biết không thể khuất phục được người này, quân Nguyên đem ông ra xử tử.
Nói về quân Thánh Dực thì đây là một cánh quân có thể nói là ít người muốn nhắc đến, tài liệu sử sách cũng hạn chế nhắc về họ (Và nói thực thì cả mình cũng không chắc chắn lắm, nhưng nêu ra cho mọi người tham khảo vậy)
Đây là cánh quân được thành lập chủ yếu từ thành phần dân vong mệnh (tử tù, trộm cướp, bất hảo, bần cố nông, cùng đinh tận đáy xã hội người ta vứt ra lề đường, không sợ chết, có chết cũng ít ai quan tâm) được thu thập và huấn luyện lại chuyên thi hành những nhiệm vụ cảm tử, dù sao thì đối với họ, chiến đấu và hy sinh vì nước có lẽ là vinh quang cao nhất, còn hơn là mục ruỗng trong tù.
Chính vì vậy, khả năng chiến đấu và tinh thần liều mạng của họ luôn là một thứ khiến quân địch khiếp sợ, chỉ với 600 quân Thánh Dực đối đầu với tinh binh Mông Cổ mà đã khiến chúng gánh chịu tổn thất rất nặng phải huy động quân lực áp đảo mới có thể tiêu diệt. Tương truyền ngoài trận chiến ở Bãi Đà Mạc họ còn lập được rất nhiều chiến công hiển hách, như trận đánh ở mặt trận Thanh Hóa, tiêu diệt Toa Đô ở Tây Kết và ở trận Bạch Đằng trong lần chống Nguyên Mông thứ ba.
Với những chiến công mà họ lập được, đội quân này còn được gọi là Thánh Dực Dũng Nghĩa Quân, theo mình là hoàn toàn xứng đáng, số lượng của cánh quân này theo một số tài liệu là khoảng hai vạn người, Thánh Dực nghĩa là “đôi cánh của thần thánh”, hoặc là “đôi cánh của vua“.
Quân Trần lúc này đã lùi về tại Thiên Trường và Trường Yên (Ninh Bình), và ta cũng phát hiện đã dụ được kẻ địch rời khỏi Vạn Kiếp, Trần Quốc Tuấn cùng Phạm Ngũ Lão chỉ huy hơn 1000 chiến thuyền quay lại đóng giữ Vạn Kiếp, đây là giai đoạn tiến hành một số cuộc phản công nhỏ nhưng đa số đều không thành công. Ngoài một số trận đánh lớn thì cũng có một số cánh quân nhỏ rải rác thực hiện tấn công kiểu du kích quấy rối và cầm chân, nổi bật là cánh quân của Nguyễn Lộc thuộc tướng của Trần Quốc Tuấn.
Lúc này, cánh quân do Toa Đô cầm đầu cũng đã từ Chiêm Thành tiến quân ra bắc, đánh phá Bố Chính (Quảng Bình) rồi tiến ra Nghệ An.
Phía này, Trần Nhật Duật và Trịnh Đình Toản chỉ huy quân Trần ngăn địch nhưng thất bại buộc phải rút lui.
Toa Đô cử một cánh quân ra đánh Thanh Hóa, lúc này người nắm giữ Thanh Hóa là Chương Hiến Hầu Trần Kiện sợ giặc thế mạnh dẫn một vạn quân ra đầu hàng, do có sự chỉ điểm của tên này, các cánh quân của nước ta ở khu vực Thanh - Nghệ hoàn toàn bị lộ ra trong tầm mắt địch, chúng tiến hành đánh úp giết hại rất nhiều tướng lĩnh và quân sĩ nhà Trần, tướng Đinh Xa, Nguyễn Tất Thống tử trận, mặt trận Thanh Hóa – Nghệ An hoàn toàn tan vỡ, Trần Quang Khải bắt buộc phải dẫn quân rút lui.
Mặt trận phía Nam vỡ dẫn đến một tình thế hết sức nguy hiểm, đại quân đóng tại Thiên Trường và Trường Yên của hai vua Trần lâm vào thế bị tấn công từ cả hai phía.
Lúc này, chúng ta phải lâm vào một cuộc rượt đuổi cùng tử thần, là một cuộc đấu trí đấu sức của cả hai, nhờ tin tình báo kẻ địch vòng lại bao vây từ hai hướng nhắm về Thiên Trường và Trường Yên, bắt buộc Trần Quốc Tuấn phải bỏ Vạn Kiếp dẫn quân ứng cứu vua Trần.
Trần Hưng Đạo đưa 2 vua Trần từ Thiên Trường dùng thuyền nhỏ đi qua cửa Giao Hải (cửa sông Hồng ở huyện Xuân Thủy, Nam Định) đi ra biển, ngược lên phía bắc rồi quay vào Tam Trĩ Nguyên (tức cửa sông Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ tỉnh Quảng Ninh). Từ Tam Trĩ, vua Trần sai đem thuyền rồng lớn ra cửa Ngọc Sơn (Vạn Ninh, Móng Cái) để lừa quân Nguyên.
Thoát Hoan gặp các tướng do Toa Đô phái từ Thanh Hóa đến, được biết tình hình cánh quân Toa Đô bị đói vì thiếu lương, nên không vội tập hợp toàn quân vì áp lực về lương thực, bèn sai người ra lệnh cho Toa Đô tiến lên Thiên Trường kiếm lương; cùng lúc phát hiện thuyền rồng của vua Trần chạy ra Hải Đông, Thoát Hoan lại sai Lý Hằng, Ô Mã Nhi và Giảo Kỳ tiếp tục đuổi theo.
Khi thấy đạo quân của Toa Đô đã rời Thanh Hóa tiến lên đóng ở Trường Yên (Ninh Bình), ngày 7 tháng 4 năm 1285 (2 tháng 3 âm lịch), 2 vua Trần bỏ thuyền đi bộ đến Thủy Chú, lấy thuyền ra sông Nam Triệu (tức sông Bạch Đằng), rồi lại ra cửa Đại Bàng (tức cửa Văn Úc), dẫn quân theo đường biển tiến ngược lại vào Thanh Hóa, thoát khỏi thế bị kìm kẹp và truy đuổi của đối phương.
Thành công thoát khỏi gọng kềm quân địch đuổi giết, tại Thanh Hóa quân Trần bắt đầu tổ chức lại lực lượng và chuẩn bị cho chiến dịch phản công.
Ở đây thì lại cần phải phân tích một chút về sách lược chống giặc của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, ngay từ đầu đối đầu với một kẻ địch có thể nói là có quân lực áp đảo như Nguyên Mông, chúng thiện đánh nhanh thắng nhanh, nên chủ trương của Trần Quốc Tuấn là cố gắng đánh chậm, kìm hãm kẻ địch, nhắm vào điểm yếu chí mạng của chúng là thủy thổ, địa hình và lương thực.
Phải biết rằng, lúc này là thời điểm sau khi kết thúc chiến tranh với Nam Tống, chiến tranh tàn phá khiến cho lương thực trong nước Nguyên không đủ để trợ cấp toàn bộ cho binh sĩ mặt trận Đại Việt, hơn nữa, càng mang nhiều lương thực càng phải tốn một lực lượng vận lương lớn, địa hình nước ta lại hiểm trở nên vận lương sẽ càng khó khăn, vì vậy lần này chúng chỉ mang tất cả là 3 vạn thạch lương, số lương thực này tuyệt đối không đủ cho một trận chiến lâu dài.
Cho nên cái chúng ta cần nhất trong giai đoạn đầu không phải là diệt được bao nhiêu kẻ địch mà là bảo toàn được bao nhiêu quân lực và kéo dài được bao nhiêu thời gian.
Hơn nữa, một điều cần chú ý là từ giai đoạn đầu trận chiến đến nay, Trần Quốc Tuấn đã làm được một điều đó là, hạn chế hầu hết ưu thế chiến đấu từ kỵ mã của đối phương. Phải biết, Mông Cổ nổi tiếng là quân đội bất bại trên lưng ngựa, không phải khả năng giáp đấu chính diện của chúng mạnh đến nỗi không ai đánh được, ít ra thì nếu khinh kỵ giáp chiến với trọng trang thiết kỵ thì chúng phải thua, nhưng cái mạnh của chúng là khả năng cơ động, thắng có thể truy kích tiêu diệt toàn bộ kẻ địch, thua thì có thể rút lui rất nhanh, nên mới nói bất bại là vậy. Trong chiến đấu, đa số chúng ta chọn những địa hình phức tạp, hoặc dùng thủy quân đấu thủy quân, hoặc triển khai đội hình tại rừng núi tiến hành chặn đánh, không cho kẻ địch dùng ngựa.
Sau khi thế giặc đã qua thời điểm mạnh nhất, thì sẽ đến thời kỳ kế tiếp là suy yếu, quân Toa Đô dẫn lên từ phía Nam Chiêm Thành vốn đã gặp khó về lương thực giờ càng khó khăn hơn, quân của Thoát Hoan ở miền Bắc không hợp với khí hậu nóng ẩm, mưa lớn của nước Nam phát sinh dịch bệnh, ba vạn thạch lương đã gần như sạch sẽ, quân rơi vào tình thế đói kém suy kiệt.
Nắm được điểm này, vào khoảng tháng 6 năm 1285, tức là khoảng hơn một tháng từ khi chúng ta rút quân về Thanh Hóa, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nhận thấy được thời cơ phản công đã đến, dẫn quân ra Bắc tấn công quân Nguyên.
Trận Hàm Tử, năm vạn quân do Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật làm chủ tướng, Trần Quốc Toản làm phó tướng đột phá phòng tuyến quân Nguyên tái chiếm Hưng Yên. Thắng lợi ở đây, Hưng Đạo Vương ra lệnh cho Trần Nhật Duật làm nhiệm vụ chặn đánh không cho Toa Đô và Thoát Hoan hợp quân.
Trần Quang Khải cùng Phạm Ngũ Lão và Trần Quốc Toản dẫn quân Bắc đánh tan quân địch ở Chương Dương (Huyện Thường Tín), và sau đó là liên tiếp tiêu diệt chúng trên các phòng tuyến tại sông Hồng.
Thừa thắng, quân Trần tổ chức phản công tái chiếm Thăng Long, thủy bộ hai đường kết hợp tác chiến, đánh tan quân phòng thủ vòng ngoài do Mã Vinh chỉ huy, trải qua mấy trường đại chiến, quân Nguyên thủ thành tại đây bị đánh bật khỏi Thăng Long phải rút chạy về bờ bắc sông Hồng.
Ở mặt trận Thanh Hóa, Toa Đô sau khi nhận được tin của Thoát Hoan, liền tiến quân vào Thanh Hóa đánh vua Trần, vua Trần thân chinh chỉ huy phản công đánh ngược lại kẻ địch, cánh quân của chúng bị đánh tan, tướng quân Nguyên là Trương Hiển đầu hàng, chỉ điểm địa điểm tập kết của Toa Đô tại Tây Kết, nhờ đó, vua Trần tổ chức đánh úp gần như toàn diệt cánh quân Nguyên tại đây, Toa Đô tử trận.
Tiếp theo là giai đoạn chúng ta tổ chức phản công đánh đuổi kẻ địch và liên tiếp phục kích, tại bờ bắc Sông Hồng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đích thân chỉ huy quân đánh kẻ địch, Lưu Thế Anh dẫn quân nghênh chiến nhưng không thể nào địch nổi, rút chạy về Bắc.
Chạy đến sông Như Nguyệt, quân Nguyên bị cánh quân của Trần Quốc Toản chặn đánh, quân Nguyên thua không thể chạy nổi qua sông, bị giết rất nhiều, phải lui ngược về Vạn Kiếp, nhưng Trần Quốc Toản cũng đã hy sinh trong trận này (Vẫn còn khá nhiều tranh cãi từ nhiều nguồn tư liệu về cái chết của vị anh hùng trẻ tuổi này)
Quân Nguyên dẫn quân rút lui qua sông Sách, lập cầu phao rút chạy, bị đội truy binh của Trần Quốc Tuấn chặn đánh tại đây, cầu phao do chúng lập ra bị đứt, quân Nguyên kẻ bị đánh chết kẻ bị chết đuối, đội hình hoàn toàn tan vỡ, nhưng ở trận này tướng quân nước Việt Trần Thiệu cũng tuẫn quốc.
Toán tàn quân vượt được sông Sách về đến Vĩnh Bình thì tiếp tục bị Trần Quốc Hiến chỉ huy chặn đánh, tướng quân Nguyên Lý Hằng bị trúng tên độc về đến nước thì mất mạng, tương truyền do hoảng sợ, Thoát Hoan phải trốn vào ống đồng để quân mang theo chạy trốn.
Đến đây, nước ta đã hoàn thành cuộc đại chiến chống quân Nguyên Mông lần hai, tuyên cáo đại thắng với tổn thất rất lớn cho quân xâm lược, là cái bạt tai còn mạnh tay hơn so với lần thứ nhất vào cái đất nước lúc bấy giờ được cho là hùng mạnh nhất thế giới này.
Ở khu vực Châu Á, cũng có ba đất nước đã từng cho là đánh bại được quân Nguyên, đó là Đại Việt, Nhật Bản và Chiêm Thành. Nhưng mình có thể mạnh dạn nói rằng, chiến thắng của nước ta là vang dội nhất.
Nhật Bản chiến thắng chủ yếu là nhờ vào hai cơn bão lớn đánh tan đến chín phần thủy quân Mông Cổ ở cuộc hành quân trên biển và tại bãi biển Nhật Bản, Người Nhật tin rằng các vị thần đã mang những cơn cuồng phong này tới để bảo vệ họ trước kẻ thù. Họ gọi chúng là Kamikaze, tức là “Thần phong”. Dù là như vậy, chỉ một phần quân Mông Cổ lên được vẫn đánh cho quân Nhật thất điên bát đảo, chỉ sau này không có tiếp tế nên mới rơi vào kiệt quệ và bị đánh bại.
Còn Chiêm Thành chiến thắng chủ yếu là nhờ vào trận thắng lần hai của nước ta đánh tan cánh quân của Toa Đô, nên quân khởi nghĩa mới có thể thành công.
Đại Việt thì phải chân chính đối mặt với cánh quân hùng mạnh này, trải qua nhiều trường đấu trí đấu dũng, trải qua rất nhiều hy sinh mất mát, tận dụng tối đa ưu thế địa lợi, thủy thổ và nhắm vào điểm yếu của kẻ địch, đoàn kết lực lượng của cả nước thành công đánh tan kẻ địch ngoại xâm hùng mạnh.
Đó là một điều rất đáng để tự hào.