Hồ Tuyệt Mệnh

Chương 20: Chương 20: Anh còn bao nhiêu bí mật nữa?




"Cô ấy là em gái tôi." Tần Hoài rót nước cho Na Lan và cho mình. Lúc này cô mới nhận ra áo phông của anh ta hơi ướt, mái tóc cũng vậy.

"Em gái anh?" Cô thầm nghĩ: khó mà tin được.

"Tôi biết cô chưa từng nghe nói tôi có một cô em gái."

Na Lan lắc đầu. "Hôm qua Đặng Tiêu cho tôi xem ảnh của Quảng Diệc Tuệ."

Tần Hoài hơi sững người, im lặng một lát rồi gật đầu: "Đúng là... họ hơi giống nhau."

"Không phải chỉ là hơi giống."

"Nếu đặt ảnh cô, ảnh Ninh Vũ Hân và ảnh của họ cạnh nhau, người ta cũng có cảm giác này."

Na Lan biết anh ta nói cũng có lý. Cốc Y Dương từng nói anh ấy tuy mến mộ các người đẹp nhưng không bao giờ phân biệt được các nữ ngôi sao Phạm Băng Băng, Lý Băng Băng, Trần Hảo, Lý Tiểu Lộ, trong mắt Y Dương đều là những bông hoa tươi thắm thuộc tốp đỉnh cao. Nói thế hơi khoa trương nhưng vẫn có lý.

"Sao anh không cho người ta biết mình có cô em gái?"

"Ý cô là tôi cố ý giấu nó à?"

"Không

phải thế thì anh giải thích ra sao về căn hầm này?"

"Cổ cô đỡ đau chưa?" Hỏi lạ thật! Nhưng cô hiểu ra, hỏi có vẻ quan tâm, thực ra cũng là câu trả lời "nếu để cô em tự do ra ngoài thì sẽ có bao người bị ngạt thở". Cách giải thích này nghe được.

"Nhưng tại sao phải nhốt cô ấy dưới đất?" Na Lan vẫn hy vọng Tần Hoài sẽ đưa ra lý do đầy đủ.

"Rất ít người có thể hiểu cho, khi có người nhà mắc bệnh thần kinh..."

"Tôi thì hiểu." Na Lan lạnh lùng ngắt lời.

"Tôi biết... mẹ cô mắc chứng trầm cảm rất nặng, từ khi cha cô bất ngờ ra đi." Xem ra Tần Hoài cũng đã nghiên cứu về cô. "Cô luôn không yên tâm về bà, khi học đại học năm thứ 4 cô đón bà đến Giang Kinh, thuê căn hộ gần Đại học Giang Kinh. Hầu như ngày nào cũng đến thăm mẹ. Thậm chí có một dạo người ta đồn rằng cô đi ngồi 'ghế gấm'."

"Ghế gấm" tức người đẹp tiếp rượu của hộp đêm, các nàng tiên của Giang Kinh.

Na Lan hỏi: "Anh nghe đâu ra những chuyện này?" Nhưng cô cũng biết việc cô đi làm tiếp viên chẳng phải là điều gì bí mật, chỉ cần kéo một nữ sinh của khoa ra quán Starbucks (tên một hệ thống nhà hàng Mỹ) ngoài cổng trường, mời uống ly cà phê rồi tám gẫu về các người đẹp thì sẽ biết ngay một lô "chuyện về Na Lan", thậm chí có những chuyện chính cô còn không biết.

Tần Hoài đáp: "Cô cũng biết là chẳng khó gì."

"Nhưng tôi không giấu mẹ mình dưới lòng đất!" Cô nhận ra đề tài nói chuyện đang đi chệch hướng.

"Vừa rồi tôi chỉ muốn đưa mẹ cô ra làm ví dụ. Mỗi bệnh nhân đều có yêu cầu riêng, về điểm này, nếu ai không trực tiếp trải qua thì rất khó thông cảm. Ví dụ, cô em tôi cảm thấy cách xa người lạ thì an toàn hơn, nên nó thích ở một mình. Những đêm mưa gió sấm chớp nó hay lên cơn rồi khóc than, cho nên tôi phải mở đĩa để át đi tiếng khóc. Nào ngờ cô lại tắt ti-vi."

"Ý anh là, cô ấy chủ động nhốt mình? Họ chuẩn đoán bênh cô ấy là gì?" Na Lan được biết đa số bệnh nhân, nhất là nữ, thường sợ mình bị nhốt lại chứ không chủ động nhốt mình cách biệt.

"Các bác sĩ chỉ kết luận chung chung là tâm thần phân liệt, dạng bạo lực. Thực ra thì không đơn giản như thế."

"Chưa biết chừng tôi có thể giúp được."

"Cảm ơn nhã ý của cô. Nhưng đây không phải mục đích của cô lên đảo này." Chắc Tần Hoài cũng cảm thấy mình nói quá khô khan lạnh lung, anh ta muốn làm dịu đi, nên lại ôn tồn hỏi: "Tại sao bà mẹ cô lại rời Giang Kinh?".

Na Lan đang bực mình vì Tần Hoài nói ngọt nói xẵng thất thường,

định phớt lờ, nhưng nhìn ánh mắt anh ta thì cô lại mềm lòng, bèn đáp: "Vì bà cảm thấy tình trạng của mình đã tốt lên nhiều nên muốn thử sống một mình. Tuy mắc chứng trầm cảm nhưng bà vẫn rất kiên định. Ở quê còn nhiều họ hàng và bằng hữu, trở về thì cũng là sự thay đổi rất có lợi cho mình."

"Tôi nhận ra cô không tán thành và cũng không yên tâm."

Na Lan cắn môi hồi lâu mới gật đầu: "Tôi chỉ có mình bà là người thân. Chắc anh có thể hiểu được." Cô ngẩng nhìn Tần Hoài.

Dường như có một màn sương mỏng che phủ đôi mắt Tần Hoài, anh ta khẽ nói: "Tôi hiểu, tôi có thể hiểu, thật thế."

"Liệu anh còn bao nhiêu điều bí mật nữa?" Na Lan từ từ cắn từng mẩu bánh mì nướng vàng rộm, nghe nói Quân Quân đã tự tay phết mứt đào lên.

"Còn rất nhiều." Tần Hoài không nghĩ ngợi trả lời luôn.

Cũng coi như đã có được một nửa đêm "yên ả", cả hai tuy đã tỉnh ngủ nhưng mắt ai cũng có dấu vết của một đêm bất ổn.

"Tối qua anh đi đâu, trước khi tôi xuống đó thăm em gái anh?"

"Cô định xin làm thư ký riêng của tôi à? Có biết mức độ nguy hiểm của nghiệp vụ ấy không? Sẽ tàn khốc hơn làm trợ lý đấy!"

Rành rành là anh ta không muốn trả lời, cô đành hỏi: "Có một đề tài, tôi biết anh cũng không muốn nói nhiều nhưng tôi cứ mạnh dạn hỏi anh."

"Về Diệc Tuệ?"

"Đúng, về Quảng Diệc Tuệ."

"Tôi cho rằng Ba Du Sinh và Đặng Tiêu đều đã kể tỉ mỉ với cô rồi."

"Nhưng có một số vấn đề chỉ anh mới trả lời được."

"Ví dụ?"

"Tại sao trong nhà anh không hề có một vật gì kỷ niệm về cô ấy?"

Tần Hoài bỗng xoay người đi, đủ thấy anh ta đang gắn kìm nén một cảm xúc bùng phát: "Nếu đây là điều cô muốn biết, thì cô đã tìm nhầm chỗ rồi."

"Tôi muốn được anh giúp đỡ, để tìm hiểu tại sao Ninh Vũ hân bị sát hại, và kẻ bám theo tôi là ai."

"Cho nên cô đã hỏi sai rồi. Câu hỏi của cô chằng liên quan gì đến việc điều tra của cô cả."

"Tôi muốn được anh giúp, cho nên tôi phải tìm hiểu về anh đã. Vũ Hân khi còn sống đã từng làm thư ký sáng tác của anh, lại có quan hệ tình cảm nữa. Dù là một trinh sát ít kinh nghiệm nhất trên đời thì tôi cũng phải nghĩ anh có liên quan trước tiên."

Tần Hoài cười nhạt: " Cô là một trinh sát vụng nhất trên đời. Nếu tôi định hại cô ấy, lẽ nào tôi lại ra tay vào dịp mà báo chí lá cải đang đua nhau bôi bác tôi?".

/>"Tôi đã nói rồi, tôi tin rằng anh vô tội." Thực ra có đúng thế không, Na Lan đã nhiều lần tự hỏi mình.

"Thế thì cô cứ chuyên tâm vào Ninh Vũ Hân đi!"

Na Lan hiểu rằng không thể khai thác được suy nghĩ thật trong đầu Tần Hoài. Anh ta có cả trăm ngàn điều bí mật. Cô đành nói: "Thế thì chắc anh có thể cho tôi biết, thời còn là trợ lý sáng tác cho anh, Ninh Vũ Hân đã làm những việc gì, có những ghi chép hay báo cáo gì. Được chứ?" Cô đã dần hiểu về con người Ninh Vũ Hân, thời gian ấy chắc chắn cô có làm việc, chứ không thể suốt ngày chỉ dan díu với Tần Hoài.

Tần Hoài bước ra khỏi gian bếp, hồi lâu lại quay vào, cầm một chiếc phong bì to đặt xuống trước cái đĩa của Na Lan: "Đây là bản sao toàn bộ những ghi chép của Vũ hân khi làm trợ lý sáng tác cho tôi. Bản chính tôi đã đưa cho bên công an. Cô xem đi."

Na Lan mở phong bì lấy ra tất cả các giấy tờ, có cả viết tay lẫn đánh máy vi tính, phần lớn là tư liệu về cuối đời Thanh thời Dân quốc, gồm các sự kiện lịch sử, phong tục dân gian, các chính phủ cứ như đèn cù thay nhau lên cầm quyền, các danh nhân chí sĩ, các hoa khôn ở chốn tình trường. Nhìn thấy Na Lan hơi nhíu mày, Tần Hoài bèn giải thích: "Đây là các nghiêm cứu dành cho một cuốn tiểu thuyết khác, bối cảnh là cuối Thanh đầu Dân quốc. Mấy tháng nay tôi đang viết nó."

"Nhưng anh còn nợ ông Hải Mãn Thiên bản thảo cuốn 'Lời nguyền áo tơi trong mưa gió'?" Na Lan thấy khó hiểu,

Tần Hoài nói: "Dịp đó tôi đang bí không biết nên tiếp tục phát triển 'Lời nguyền áo tơi trong mưa gió' ra sao, và không ai giúp tôi được." Vậy là lần đầu tiên anh ta thừa nhận cuốn sách tiến triển không thuận lợi.

Vũ Hân không làm trợ lý cho cuốn 'Lời nguyền áo tơi trong mưa gió', vậy điều gì đã khiến cô này sinh hứng thú với vụ Quảng Diệc Tuệ mất tích? Lẽ nào chỉ vì chuyến viếng thăm của Đặng Tiêu? Hay là, Quảng Diệc Tuệ mất tích là trở ngại duy nhất đối với việc Vũ Hân hết lòng yêu Tần Hoài?

Na Lan hỏi: "Tôi nhớ anh từng nói rằng các tình tiết trong 'Phần dẫn 2' của cuốn 'Lời nguyền áo tơi trong mưa gió' đều là chuyện có thật. Cô gái áo trắng bóp cổ cô y tá chính là em gái anh phải không?".

Tần Hoài thở dài gật đầu: "Cô tài thật, đã nén suốt một đêm, bây giờ mới hỏi tôi."

Na Lan nói: 'Không! Chỉ là một nửa đêm. Tôi nén được vì tôi đã biết đáp án rồi. Khi trước, ông chủ tàu thủy hay chuyện đã cho tôi biết ngày trước anh có một căn nhà đơn sơ bền hồ

Chiêu Dương. Câu chuyện trong 'Phần dẫn 2' xảy ra trong căn nhà đó. Các cô gái từ chuyện cũng nói chủ nhà là một văn sĩ nghèo. Anh xem, cô gái kia có thể là ai khác?"

Tần Hoài nói: "Em gái tôi cần người chăm sóc. Hồi ấy bệnh tâm thần phân liệt dạng bạo lực của nó chưa rõ rệt. Những khi phải ra khỏi nhà, tôi thuê người trông nom nó. Sau lần nó tấn công cô y tá, tôi không dám để nó tiếp xúc với người ngoài nữa. Về mặt này, Quân Quân đã giúp tôi rất nhiều."

"Như thế tức là cô y tá tuy bị em gái anh bóp cổ nhưng không chết?"

"May mà cô ta có bạn ở bên, nếu không cũng có mà biết được. Cô bạn ấy đã lôi cô em tôi ra, cô y tá kia chỉ bị đau nhẹ."

"Cũng tức là cái xác phụ nữ ở hồ Chiêu Dương, cái xác thứ nhất trong năm cái xác, không phải là xác cô y tá Thẩm Dung Dung?" Na Lan hơi kinh ngạc.

Nhưng Tần Hoài còn kinh ngạc hơn cô: "Đương nhiên không phải Ba Du Sinh không cho cô biết à?".

Nghe nhắc đến Ba Du Sinh, Na Lan ngao ngán: "Đừng nhắc đến làm gì, tôi gọi anh ấy là thầy cũng cô ích, anh ấy toàn né tránh không kể về các tình tiết thật sự liên quan đến vụ án. Chắc anh ấy là cảnh sát, lại là sếp nữa, nên không tiện nói ra sợ tôi bị lôi cuốn vào vòng nguy hiểm, rồi anh ấy sẽ khó nói với Đảng và nhân dân."

Tần Hoài mỉm cười: "Anh ta là đội trưởng đôi trọng án, không phải là một sếp bình thường. Muốn thu hoạch nhiều thông tin nhất thì không thể trực tiếp khai thác các nhân vật đứng đầu. Giống như phóng viên ngành giải trí, muốn nắm được các tin tức quái dị thì phải lấy lòng các trợ lý, các phóng viên nhiếp ảnh, chuyên gia hóa trang hoặc lái xe."

Na Lan hiểu ra ngay: "Vậy là anh có không ít thông tin về vụ án năm xác chết... nếu không anh đã không đưa vào tiểu thuyết. Rõ ràng là cuốn 'Lời nguyền áo tơi trong mưa gió' nói về vụ án năm xác chết."

"Tiếc rằng cô không làm trợ lý sáng tác cho tôi nữ, cho nên câu chuyện về vụ ám năm xác chết đành để lại cho một nữ trợ lý khác làm vậy. Trọng tâm của cô sinh viên Na Lan là... chúng ta hãy ôn lại xem ai đã hại Ninh Vũ Hân?"

Vẫn có khả năng kẻ đó là anh. Na Lan nghĩ thầm. Khi Vũ Hân ở kề bên Tần Hoài, chưa chừng đã vô tình phát hiện ra đôi chút đầu mối liên quan đến Quảng Diệc Tuệ mất tích, rồi bắt đầu điều tra. Cho nên Vũ Hân mới cảnh báo mình về sự nguy hiểm của Tần Hoài, trước khi chết còn cho mình biết, rất có thể cô ta đã nắm được chứng cứ. Vậy thì Vũ Hân bị

Tần Hoài giết. Lúc đó anh ta vẫn đang phơi mình bơi lội ở ven đảo, nhưng hoàn toàn có thể thuê sát thủ trừ bỏ Vũ Hân, đoạt lại chứng cứ.

Nhưng nếu đúng là có chứng cứ thì tại sao Vũ Hân không giao cho cảnh sát mà lại muốn giao cho mình?

Chứng tỏ "chứng cứ" ấy không chắc chắn. Có thể chỉ là một số thông tin gián tiếp.

Na Lan bỗng cảm thấy câu nói "tôi tin rằng anh vô tội" của mình vô duyên đến mức giống như một câu dối trá. Cô tự hỏi tại sao mình lại nói ra câu ấy? Tại sao mình lại tin rằng anh ta vô tội?

"Hay là Vũ Hân cũng đang điều tra vụ án năm xác chết?" Na Lan sợ ngồi trầm ngâm quá lâu, Tần Hoài sẽ đoán ra ý nghĩ của cô, bèn vội hưởng ứng đề tài.

"Cô ấy chưa từng nhắc đến, tôi cũng chưa từng nói chuyện với cô ấy."

"Nhưng giờ cô ấy đã đọc 'Phần dẫn 2' của 'Lời nguyền áo tơi trong mưa gió', đúng không?"

Nghĩ ngợi một lát Tần Hoài nói tiếp: "Nó không liên quan gì đến công việc của cô ấy, tôi cũng không chủ động đưa cô ấy đọc, nhưng không loại trừ khả năng cô ấy đã đọc trộm."

"Anh đừng có nói khó nghe như vậy." Chẳng rõ tại sao cô rất không muốn nghe bất cứ điều gì bôi nhọ Ninh Vũ Hân.

"Nhưng cô cũng không nên nhìn con người một cách quá đơn giản."

Na Lan hiểu rằng giữa Vũ Hân và hai chữ "đơn giản" là một khoảng cách cực xa, nhưng cô không muốn đi sâu tranh luận. Cô hỏi Tần Hoài: "Cái đêm trước khi Vũ Hân bị hại, một bà họ Đàm, là người trên đảo, đã nhìn thấy có người mặt áo tơi câu cá bên hồ. Điều này có thể chứng minh cho truyền thuyết kia..."

"Cô có nghe nói là 'nhà văn sáng tạo'? Nói thế là lịch sự, nói cho dễ hiểu thì là bịa đặt bốc phét. Ai tin truyện chúng tôi viết là có thật thì chẳng khác gì tin có ma quỷ, tà thần tà giáo và tin vào các hội mê tín giẻ rách! Huống chi, 'người mặc áo tơi đi câu tính mạng' mà dân quanh hồ này vẫn nói, vốn là một truyền thuyết mê tín thời xưa. Rõ ràng bà Đàm ấy là nạn nhân của sự ám ảnh tâm lý."

"Anh vừa nói các miêu tả trong 'Phần dẫn 2' đều là chuyện có thật. Vậy lẽ nào hai cô gái nhìn thấy năm người ngồi trên thuyền câu cá lại là không thật à?" Na Lan đá xoáy vào chỗ phi logic của Tần Hoài.

Anh ta nói: "Cô cũng ghê gớm đấy! Tình tiết ấy là có thật. Cô ý là và cô bạn có nhìn thấy năm người mặc áo tơi ngồi trên con thuyền nhỏ."

"Anh có thể cho tôi biết tên của họ không?"

"Trong tiểu thuyết đã viết rồi." Anh ta cười không mấy thiện cảm.

"Anh đừng đánh giá đầu óc tôi quá ngây thơ. Đời nào anh lại đưa tên thật của người ta vào tiểu thuyết? Huống như đó lại là tình huống hết sức đáng sợ."


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.