Họa Mục

Chương 113: Chương 113: Chương 105




Căn phòng đầy ắp hơi thở xa hoa: thảm lông cáo trắng muốt, bình phong dệt màu đóng khung vàng, đèn lưu ly bảy ngọn khảm đá quý, rèm châu xâu chuỗi ngọc trai, chăn thêu mẫu đơn, đệm hương bồ bọc gấm hồng loan, tràng kỷ chạm khắc điển tích Bát Tiên vượt biển sinh động... Ai không biết có lẽ sẽ ngỡ mình bước nhầm vào phòng của Thái hậu.

Tống Ỷ La buông tấm trướng tơ vàng sượt qua bả vai, nặng nề thở hắt ra một hơi, rõ ràng biết Tôn chủ đi vắng mà thâm tâm vẫn nơm nớp run sợ. Y cười giễu, chẳng hơi sức đâu ngắm căn phòng hoa lệ này, cũng không ngồi lên đệm mà nép vào góc phòng quỳ ngồi, phục tùng cúi đầu. Bàn tay lén lút nắm chặt đoản kiếm trong áo bó.

Y quỳ tê rần cả chân thì mới nghe giọng ả hầu bên ngoài cung kính đón chào Tôn chủ trở về. Cửa chậm rãi mở ra dẫn theo tiếng giày đế cao gõ lộp cộp, tiết tấu đều đặn, không to không nhỏ, ung dung nền nã, tiến về phía bàn trang điểm, có ả hầu theo sau.

Hai mắt và hai tai vô thức căng ra dò xét mọi động tĩnh, Tống Ỷ La chưa gì đã bắt đầu toát mồ hôi, nhịp tim đập nhanh dần. Y cắn môi để kìm nén tiếng thở gấp đừng tràn ra. Qua một hồi lục đục mới có giọng nói thánh thót cất lên: “Hòa lão sư lần này lập công lớn, có yêu cầu đặc biệt gì không?”

Tống Ỷ La vẫn luôn thắc mắc tại sao ở độ tuổi này, thanh điệu của Tôn chủ vẫn như thiếu nữ, khúm núm thốt lên giọng đàn ông đùng đục: “Dạ thưa tôn chủ, tiểu nhân chỉ làm đúng phận sự.”

“Đừng để ta hỏi nhiều.”

“Dạ tôn chủ!” Tống Ỷ La cuống quýt dập đầu, giọng càng sợ sệt: “Tiểu nhân lấy mạng sống mà thề: bản thân không có mưu đồ quá phận với Đỗ tiểu thư! Tiểu nhân tuy làm công việc dạy dỗ tiểu quan nhưng cũng không phải đoạn tụ nên nhất thời... nhất thời nảy sinh tạp niệm... không, không biết, kiềm chế thân dưới...”

“Thế thì cắt đi.” Tôn chủ nhẹ tênh nói: “Không kiềm chế được thì thiến đi thôi.”

Tống Ỷ La thức thời ngừng dập đầu làm ồn, nếu bà ta thật sự muốn trừng phạt ai thì đã trực tiếp lôi xuống rồi. Y đột nhiên bình tĩnh hơn, bàn tay lại luồn vào áo bó tìm đoản kiếm, biện hộ: “Đỗ Dung ở bên tiểu nhân thường không kiềm chế được lời nói, nhờ vậy tiểu nhân mới phát hiện ra cô ta làm xằng. Tiểu nhân do sợ hãi bị liên lụy nên cáo với quản sự... chứ có trăm ngàn lần bị đánh chết, tiểu nhân cũng không dám qua mặt tôn chủ.”

“À.” Ngữ khí của Tôn chủ đượm cười. “Đỗ Dung này cũng thật là... đường hoàng là tiểu thư nhà quan, cá tính tùy hứng qua lại với giang hồ thì đã rồi, vậy mà mắt nhìn còn bết bát, nhìn trúng mấy trò trên giường của hạng như Hòa lão sư ngươi tới mức ghen đứng ghen ngồi, hại người hại mình. Thôi thì tướng gia là đại nhân rộng lượng, sẽ không chấp nhặt.”

Tống Ỷ La nghĩ tới mà khinh: Đỗ Dung có quan hệ tình nhân với gã họ Hòa này, ghen ghét những ai ở gần gã nên tự coi mình là khôn ra tay hãm hại người ta - cô ả cứ tưởng cha có chức to thì sẽ được Phó tướng trọng dụng, không ghê tay giết 'ong bướm'. Nào ngờ gã trai lơ của cô ả cũng đâu thường: Hòa lão sư vừa dỗ vừa hứa giúp Đỗ Dung xử lý xác chết, nhưng thực chất gã cũng sợ bị phát hiện, lén lút đào đường lui - thế nên bây giờ Đỗ tổng đốc mới bị 'bên trên' đánh cho lòi cái đuôi ra.

'Bên trên' này hiển nhiên không phải Phó tướng mà là Hoàng đế. Tôn chủ vừa đi ra ngoài chính là để dọn dẹp sạch sẽ trước khi Hoàng đế vươn tới. Tang chứng vật chứng đầy đủ, con gái hại cha, không liên can gì đến việc lớn của Tướng gia.

Vốn Phó tướng cũng chẳng tiếc gì quân cờ tổng đốc ba tỉnh này, chủ yếu là muốn dự phòng mấy con tốt thí sẵn sàng hi sinh trước mặt Hoàng đế. Từ xưa đến nay Tống Ỷ La đã sớm hiểu rõ một đặc tính của Tướng gia: đó là luôn đánh những nước cờ lớn, dám thả một con cá mập để bắt lại con cá voi. Tướng gia không sợ tổn thất, chỉ hòng xây đắp được nền móng bền lâu. Bằng bản lãnh đó nên Phó tướng gia mới có thể chễm chệ làm tể tướng qua ba đời hoàng đế, đưa Phó gia lên đỉnh công danh.

Nếu đương kim thánh thượng là kẻ thiếu bản lĩnh, hoàn toàn sẽ bị thủ đoạn của Tướng gia chế ngự chỉ sau một, hai nước cờ làm lòng người khủng hoảng*. Nhưng thực tế đã chứng tỏ thánh thượng không thiếu bản lĩnh.

* Dành cho ai đã đọc Thần tử: nước cờ bự đầu tiên ở Thần tử là án mất cắp Cửu Ấn lập quốc, Tả tướng bị Phó tướng ép đến đường mưu phản, Nghi lúc đó chỉ mới lên ngôi, vả lại chưa đủ tuổi tự chấp chính. Tinh thần của Meo meo mà chẳng vững thì chắc chắn hoảng chết mất.

“Lòng đố kỵ của nữ nhân quả thực rất đáng sợ nhỉ, Hòa lão sư?” Tôn chủ chợt đổi giọng than thở, sột soạt y phục: “Mới chỉ là tình nhân lén lút mà đã ghen đến mức đó thì huống hồ là vợ chồng danh chính ngôn thuận với nhau. Lão sư ngươi cũng khôn đấy, nếu thực sự cưới nữ tử đố kỵ như Đỗ Dung thì nửa đời sau của ngươi nhất định thảm.”

Tống Ỷ La nhớ lại các ký ức không tốt, rùng mình co rúm, run run chống đỡ bản thân cúi rạp trên sàn, mồ hôi dính dấp làm toàn thân y lạnh buốt.

“Nữ nhi chúng ta vừa mới lọt lòng mẹ đã luôn được dạy rằng đố kỵ bị nghiêm cấm, dù cha có ngủ với người đàn bà khác ngoài mẹ thì cũng không được khó chịu, dù ả ta mang thai con của chồng mẹ mình thì cũng phải tươi cười chúc mừng. Chà, mọi người đàn bà mà ta từng biết đều có tấm lòng hải hà như vậy, tiếc thay bản thân ta lại là một phế phẩm, một cục đất sét cái bị nặn sai.”

“Xin...” Tống Ỷ La suýt thì thốt nhầm thành 'cầu xin', cố gắng lắm mới không để lộ giọng nói hốt hoảng, “xin tôn chủ, đừng hạ thấp bản thân...”

Sự sợ hãi của y đối với Tôn chủ đến từ tận cốt tủy, tựa như một chi thể vô hình hình thành chín tháng mười ngày trong bụng mẹ. Tựa như ông trời sinh y ra là một con chuột với bản năng sợ hãi mèo.

“Hòa lão sư chưa biết gì mà, ta là một nữ nhân cực kỳ, cực kỳ đố kỵ. Đố kỵ đến nỗi tự rửa tay bằng máu con mình.” Rõ là trời phú cho Tôn chủ thanh điệu như vành khuyên nhưng càng nghe càng thấy giống tiếng phách tre dẫn trước linh cữu.

Mất một lúc Tống Ỷ La mới nhận ra âm thanh vải vóc cọ xát là do bà ta đang chải tóc. “Năm xưa ta mười dặm hồng trang gả vào Tống gia, có được một lang quân dung mạo tốt, tính cách tốt, đường công danh rộng mở, nhà chồng hận không thể cung phụng ta như công chúa, để ta ăn ngủ, sinh con rồi hưởng lạc chờ chết.

“Ta rất nhanh hoài thai lần đầu, Tống lang quân nửa vui nửa buồn, tuy rằng vẫn chu toàn trăm bề với ta như trước, và còn cung phụng hơn gấp bội. Nhưng ta lại cảm thấy sâu thẳm trong lòng lang quân không mong muốn cái thai này được sinh ra, thế nên ta tự ý uống canh thúc sinh. Lang quân cứ ngỡ vì cơ thể suy nhược nên ta sẩy thai. Lần thứ hai ta có thai cũng giống thế, đến lần thứ ba thì bị lang quân phát hiện. Lang quân tựa hồ thực sự không thể tin ta lại làm ra chuyện như vậy, y mất bình tĩnh, ép buộc ta phải giữ thai, quyết đoán sai người chăm chăm giám sát ta từng ngày cho tới khi sinh hạ một cặp song sinh.”

“'Xuân phong nhập ỷ la' là tên lang quân đặt cho cặp song sinh.” Tôn chủ vén đuôi tóc dài chấm đất để đứng dậy, nhịp đế giày lộp cộp lại vang lên, mang theo một nỗi áp bức làm lòng người hoang mang: “Nữ nhân bình thường có thể chấp nhận chồng mình tam thê tứ thiếp nhưng ta lại là một phế phẩm, ta không thể sinh con cho Tống Sơ Huyền được nếu trong lòng y có người khác ngoài ta. Có lẽ nguyên nhân thực sự xui khiến ta phá thai là vì muốn được lang quân quan tâm ân cần...”

Tống Ỷ La nghe đến đây là sức nhẫn nại đã đạt cực hạn, mất bình tĩnh, phẫn uất gào lên: “Mẹ kiếp bà bị cung phụng thành điên rồi! Bà bất mãn cha không yêu thương bà hay vì không đội bà lên đầu, hầu hạ bà như thái hậu? Bà chẳng thích mang thai thì cứ nói với cha một tiếng, bản thân cũng ham mê khoái lạc lại còn ra vẻ! Bà tự ý bỏ hai đứa con của cha mà chẳng bàn bạc với người, cha không tức giận thì đúng là Phật sống! Bà oán cha không đủ quan tâm đến bà, nhưng bà có quan tâm đến cha sao? Mỗi lần bà cần thứ gì cha đều cho người chắp tay đưa tới, quanh năm suốt tháng chỉ việc an nhàn vui thú, bà làm được gì cho cha? Bà làm được gì cho cha ngoài hạ sinh chúng ta?”

Tống Ỷ La giận run người siết chặt đoản kiếm, càng nói càng kích động, nước mắt cũng trào ra: “Cha ta cả đời chỉ có mỗi bà, giữ mình trong sạch không rượu không sắc nổi tiếng khắp đế đô! Biết bao nhiêu nữ tử mê mẩn, cha phải xui tám kiếp mới cưới trúng bà! Mẹ nó, đừng có nói như bà bị cha ta phụ bạc, trong lòng cha không có bà thì lòng bà có cha chắc? Lúc cha đốt đèn thâu đêm chăm chúng ta, bà có từng hỏi thăm? Lúc cha tay dỗ con, tay công vụ, bà có từng san sẻ? Lúc cha lao lực đến bệnh liệt giường, bà có từng ghé qua? Lúc Tống gia gặp họa, lúc cha ôm chúng ta chạy trốn, bà ở đâu - hức...” Y cắn răng, vừa như khóc vừa như cười, “bà, ở, đâu?”

Cả bầu trời của Xuân Phong và Ỷ La chính là cha, tất cả vui buồn, hờn tủi, kỷ niệm tuổi thơ đều xoay quanh cha. Là cha dưới làn mưa tầm tã khom lưng che chở bọn họ chẳng dính một giọt nước, là cha trăm đêm thức trắng bảo bọc bọn họ thoát khỏi vây khốn trùng trùng. Là cha... Vậy nên mỗi lần tuyệt vọng cùng cực, cả hai luôn động viên nhau tính mạng của họ là nhờ cha hi sinh cả đời, do đó phải nỗ lực sống, dù địa ngục đau đớn, dù khổ hải trầm luân, dù toàn thân tắm máu, chỉ cần vượt qua rồi sẽ có ngày tiêu dao lướt gió, đạp mây hái sao.

Nhưng mơ ước ấy sụp đổ rồi, Xuân Phong không còn nữa...

“Tuổi thơ của ta và Xuân Phong còn chẳng biết mình có mẹ, chúng ta nhờ một tay cha dưỡng dục mà lớn lên. Bà chưa bao giờ ghé thăm chúng ta, tặng cho chúng ta bất kỳ thứ gì, ta ngờ rằng mình cũng chưa từng được nếm mùi sữa mẹ. Phải đến khi cha chết đi, bà mới nhận chúng ta làm con rồi ném đến Phó gia, bỏ mặc chúng ta trong địa ngục...” Y khóc đến lạc giọng, giống như một cánh ngài hấp hối rùng mình với nỗi ám ảnh năm xưa: “Bà sung sướng hơn hàng vạn nữ tử mà còn chưa thấy đủ! Ta dám bảo nếu bây giờ được trẻ lại hai chục tuổi thì bà mưu đồ trèo lên đến tận Hậu vị ấy chứ!”

Tôn chủ dửng dưng nhìn kẻ dưới chân, không vui không buồn nói: “À, ngươi nhắc ta mới nhớ, từ lúc các ngươi được sinh ra, toàn bộ sự chú ý của Tống lang quân đều đặt trên các ngươi, khiến ta rất đố kỵ. Thế nên nhân lúc người lang quân sai tới giám sát bận rộn, ta vươn tay đặt vào cổ một đứa, chầm chậm siết lại...”

Tống Ỷ La kinh hoàng ngẩng phắt đầu lên, bắt gặp tấm mặt nạ và ánh mắt luôn luôn chứa băng vụn bén ngót của Tôn chủ, tâm trí y liền hoảng hốt đờ đẫn, yết hầu như thể bị áp vào một lưỡi đao lạnh lẽo, trái tim thắt chặt. Vì một lý do nào đó, y biết đứa trẻ xấu số ấy chính là mình.

“... Khuôn mặt của nó nhanh chóng tím tái, tiếng khóc nhỏ dần nhưng nó gặp may vì lang quân kịp thời xuất hiện.” Trong ấn tượng của Phó thị, đó là lần đầu tiên lang quân có ánh mắt phẫn nộ như thế đối với bà. Mai này y dẫu tức giận đến cỡ nào cũng không có ánh mắt giống vậy.

Tống Sơ Huyền dứt khoát tách hai đứa trẻ còn chưa kịp nếm mùi sữa mẹ ra khỏi mẹ chúng, sớm tối tất bật ngược xuôi, gà trống nuôi con, hoàn toàn cắt đứt việc thân cận với vợ. Phó thị dù vẫn nhận được đối đãi như trước nhưng đêm ngày không vui vì bị lạnh nhạt. Người đời chỉ thấy phu thê Tống gia cử án tề mi vào những dịp lễ Tết, ở trong nhà mới biết vực thẳm giữa vợ chồng lớn tới mức nào.

“Tay áo lụa gom hết gió xuân vào, người tặng Tống Sơ Huyền một câu này thật xác đáng. Công tử nhà họ Tống phong nhã hào hoa, lụa là nườm nượp, khăn thêu thành chồng*; còn tiểu thư họ Tống mày liễu như trăng, bát diện lung linh, năm ấy qua một điệu múa lọt vào mắt xanh của Tiên đế. Đế ngà ngà say truyền khẩu dụ triệu Tống tiểu thư vào cung. Cô ta không chịu, khóc lóc thành sông, rốt cuộc to gan đến mức bỏ trốn khỏi nhà cùng một kẻ giang hồ đầu đường xó chợ.”

* Khăn tay các cô nương ái mộ thêu tặng xếp thành chồng.

Ánh mắt Phó thị chứa đầy châm biếm và khinh mạn. “Tiên đế tuy không hạ thánh chỉ nhưng đã ở trước mặt quan lại triệu Tống Huy Tự, cô ta bỏ trốn chính là tát vào mặt Tiên đế. Đế nổi giận trách phạt Tống gia, Tống Sơ Huyền thấy cha mẹ già chịu phạt không nổi, liền vội vàng chạy tới cầu cạnh Phó gia. Ngươi nói Tống Sơ Huyền xui tám kiếp mới cưới phải ta? Thực tế là cha ngươi thiếu điều dập đầu cầu xin ta gả cho mình đấy, hừ!”

Tống Ỷ La bần thần lắng nghe, lệ tròng dường như hóa thành bụi cát, xát hốc mắt y cay xót: “Nhưng cha xử với bà...”

“Đúng vậy, lang quân đối xử với ta vô cùng tốt, gọi là 'chiều đến tận trời' cũng chẳng ngoa. Nhưng ta đã nói mình không thể dung chứa nổi một hạt cát, đường này trong lòng lang quân dám tâm niệm người khác ngoài ta. Ta đố kỵ nhưng ta khinh thường tranh đoạt nên quyết định đạp đổ. Đạp đổ Tống gia, đạp đổ Tống Sơ Huyền, đạp đổ tất cả mọi thứ y yêu quý. Tống Sơ Huyền chết đi sẽ vĩnh viễn thuộc về ta, vả lại cũng khiến cho người y chấp nhận hi sinh tất cả buồn khổ tới chết.”

Tống Ỷ La bất chợt hiểu ra, ngơ ngác không thể tin nổi thốt lên: “Là bà... Không thể nào. Là bà gây nên mọi việc...”

Lưu Ly bảo vì sao đột nhiên lớn mạnh nhanh chóng? Chắc chắn phải có chống lưng. Là kẻ nào kích động chính đạo đòi Trầm Minh chủ phải một mình đi chất vấn Lưu Ly bảo chủ cho ra nhẽ? Làm sao Tống Sơ Huyền trăm bận ngàn bận lại có thể xuất hiện đúng lúc Trầm Thượng Nhai tẩu hỏa nhập ma? Là ai bắt cóc mẹ của Trầm Trác Sơn? Là ai hạ độc Trầm Trác Sơn suýt chết?

Là người Phó gia. Tống Ỷ La choáng váng. Đúng vậy, ngay từ ban đầu ai cũng biết chủ mưu hãm hại Tống gia là họ Phó nhưng chính xác là ai thì y không rõ. Đúng vậy, một Tống gia nhỏ bé làm sao có thể khiến Tướng gia bận tâm. Đó vốn không phải ý định của Tướng gia mà là, mà là...

Là Tống phu nhân.

Tống Ỷ La ngã khuỵu, bất chợt cảm thấy toàn bộ cốt tủy đều đau tới tê liệt, kinh sợ người đàn bà trước mặt tột độ.

Tôn chủ của Tuyệt - Phó Thục Trân. Chính người đàn bà này một tay đạo diễn tất cả biến cố xưa của giang hồ và nay đang giật dây Nghê Mi lâu Trọng Yên để thử nghiệm phương pháp hồi sinh người chết được ghi chép trong Cổ thư bọn họ cướp ở Xuyên Sơn.

Nếu Phó tướng gia ở ngoài sáng chầu trước mặt Hoàng đế thì thế lực sát thủ trong tối lại tóm trong tay một nữ nhân, một nữ nhân làm chao đảo cả giang hồ.

Phó Thục Trân chọn vấn tóc bằng một cây trâm gỗ mộc mạc đối chọi với gấm vàng rực rỡ, ngũ quan ẩn dưới tấm mặt nạ trắng ngà vô diện, chỉ lộ ra một đôi mắt ghẻ lạnh thế gian: “Ta hận Tống Sơ Huyền không yêu lại hỏi cưới, hận lang quân đã có ta mà còn nhớ thương giang hồ. Nhưng ta càng hận Phó gia gả ta cho Tống gia, càng hận Tống Huy Tự kháng chỉ đẩy ta và y vào nông nỗi này.”

Tôn chủ vươn tay tháo bức tranh thủy mạc vẽ Tống Sơ Huyền thời trẻ cùng với góc vẽ Trầm Thượng Nhai đã bị ác độc rạch nát te tua trên tường xuống, ngâm: 'Bạch thủ tương tri do án kiếm, chu môn tiên đạt tiếu đàn quan' rồi cười khẽ.

Lúc Tống Sơ Huyền đề bút hai câu này đã có bao nhiêu thất vọng với Trầm Thượng Nhai*?

* Lần trước dịch thơ rồi, giờ giải thích trắng nghĩa nè, vế đầu tức là: “Làm bạn với nhau tới tuổi bạc đầu rồi mà còn đặt tay lên kiếm đề phòng nhau”, vế sau thì: “Người có danh vọng nay nhạo cười kẻ sa cơ thất thế“.

Tôn chủ cuộn bức tranh lại rồi cất vào tay áo, sau đó cởi áo ngoài rườm rà ra mắc lên giá cho phẳng phiu: “Ta là người họ Phó, hiển nhiên sẽ dốc hết sức vì Phó gia. Tống Huy Tự và Tiết Quân Tương đã sớm táng thân tại sa mạc, Tiết Trần cũng ngã khuỵu dưới vực Phồn Sương, hiện tại chỉ còn sót lại hai người là ngươi và Quân Huyền.”

“Bà!” Tống Ỷ La thất kinh, chống khuỷu tay lùi lại: “Lẽ nào ban đầu bà cũng đã...” Nhìn trúng Quân Huyền?

Khả năng rất cao. Nếu xâu chuỗi tất cả sự việc tưởng như rời rạc đã xảy ra ở Xuyên Sơn thì chẳng phải Quân Huyền cứ vô cớ bị liên lụy vào sao? Bằng chứng rõ ràng nhất là khi Quân Huyền bị sát thủ truy đuổi với Quân Tiêu Mặc, sát thủ nhận lệnh không được giết hắn - chẳng nhẽ là do Tôn chủ muốn hắn sống?

Tống Ỷ La ngơ ngác cảm thấy đúng rồi: mọi sự dày vò Quân Huyền đều bởi Tôn chủ sắp đặt, y chỉ là người thừa hành. Một lần nữa y tuyệt vọng nhận ra toàn bộ số mệnh của bản thân thực sự nằm trong tay Tôn chủ, không có bất kỳ hành động hay ước muốn nào của y phát xuất từ chính mình. Tất cả đều phụ thuộc vào Tôn chủ.

“Là Mạc Tử Liên tự tiện xen ngang việc của ta.” Tôn chủ hiếm khi cười ra tiếng đến tận hai lần, thay áo ngoài mỏng nhẹ hơn rồi đổi giày thành guốc gỗ: “Tướng gia thi thoảng lại cẩn thận quá sức, không cho ta phạm vào Hoan Lạc cốc nhưng Mạc Tử Liên cứ phá rối ta, cả chuyện này cũng thế. Ta còn chẳng đáp trả thì thật là thất sách.”

Tôn chủ mở mật đạo dưới giường, trước khi đi thì dường như thương hại quay lại xoa đầu Tống Ỷ La thẫn thờ dưới đất, giở giọng từ ái vô vàn như dặn dò con thơ: “Ỷ La đi trước mẹ một bước nhé, xuống đó nhớ nhắc Xuân Phong mang vớ vào trước khi đi giày, hai đứa không có vàng mã thì cũng chớ đi tranh giành thức ăn với người ta, chết một lần rồi sẽ không đói chết lần nữa, nhược bằng hai đứa thấy mệt mỏi quá thì cứ đi đầu thai trước, không cần chờ mẹ. Vĩnh biệt.”

Một tiếng nổ rúng động trời đêm vang lên, lửa đỏ hóa thành con quái vật đói khát nhanh chóng ngoác mõm nuốt chửng căn phòng xa hoa.

Lời tác giả:

Hãy nhớ tình cảm giữa người với người muôn hình vạn trạng, gồm vô số cung bậc mong manh. Tôi rất kỹ tính trong việc sử dụng từ ngữ (dù thi thoảng vẫn sai), đặc biệt trong các mối quan hệ giữa nhân vật. Thế nên là Tống - Trầm chưa hề tới mức yêu đương, cùng lắm là có sự giao hòa sâu sắc giữa hai tâm hồn đồng điệu, giữa hai người bạn tri kỷ ôm cùng hoài bão, mơ cùng giấc mơ tuổi trẻ. “Tâm niệm” vốn dĩ không phải từ ngữ mang nghĩa yêu đương, Tống Sơ Huyền tâm niệm bạn tri kỷ cũng chính là tâm niệm cây cầu bắc nối với hoài bão thiếu niên xa vời của mình.

Cả hai người Tống - Trầm đều không đạt được giấc mơ song hiệp, không thực hiện được lời hứa thiếu thời, đây là nỗi đau vết thương lòng và sự trăn trở, tiếc nuối của bọn họ. Tống Sơ Huyền dám hi sinh vì Trầm Thượng Nhai cũng là thành toàn cho giấc mộng ban sơ.

Nói ra thế này là vì tôi sẽ không viết ngoại truyện về bọn họ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.