Hôm đó trời nắng đẹp, chúng tôi rời nước Khương, vượt
qua dãy núi Thương Lan vào biên giới nước Trịnh.
Mộ Ngôn định hôm sau sẽ
đi, chàng nói nhà có việc gấp gọi về, ân tình nợ tôi ngày sau chàng sẽ trả.
Thực ra, Mộ Ngôn không nợ
nần gì tôi, nếu còn nhớ, chàng sẽ hiểu ra món nợ giữa chúng tôi là như thế này:
Tôi nợ chàng trước, nợ hai tính mạng, vừa rồi cứu mạng chàng một lần, coi như
đã đền được một tính mạng, vẫn còn nợ chàng một mạng nữa, là tôi phải trả
chàng, chứ không phải chàng phải trả tôi, nhưng rõ ràng chàng không nhớ. Thực
ra điều đó cũng chẳng có gì, nữ nhi mười tám biến, tôi hôm nay khác hẳn ba năm
trước, lại luôn đeo mặt nạ, chàng không nhận ra cũng là chuyện thường.
Tôi nghĩ, tôi yêu chàng
ba năm, không ngờ đời này lại được gặp chàng lần nữa, ông trời đã cho chúng tôi
cơ hội trùng phùng, nhưng lại ở hai đầu sinh tử, thật quá đau lòng. Nhưng như
thế cũng tốt, đối với chàng coi như không có chuyện gì xảy ra, cũng không có gì
kết thúc, đối với tôi, tất cả đã xảy ra, tất cả đã kết thúc. Chút tình giữ
trong lòng hôm nay chẳng qua là hoài niệm của vong hồn, không phải là thứ hiện
hữu trên đời, lưu luyến mấy cũng chẳng ý nghĩa gì.
Chỉ có điều vẫn không thể
nào quên, vừa nhắm mắt lại hiện ra trong đầu, chỉ toàn hình ảnh chàng cúi đầu
ôm cây đàn trong hang núi Nhạn Hồi, mặt nạ màu bạc, áo dài đen, tay bấm dây tơ,
tiếng đàn tuôn chảy dưới ánh trăng, nhặt khoan như tiếng suối lúc êm đềm lặng
trôi, lúc ào ạt trút đổ.
Tôi nghĩ, tôi phải để
chàng lưu lại gì đó cho tôi, gì cũng được, coi như là kỷ niệm.
Mùa hè ngày dài, mãi mới
vào đêm. Tôi cầm một bình rượu, bồi hồi đi tìm chàng giả bộ chẳng có gì suy
nghĩ vẩn vơ, đi tìm chàng là do muốn uống rượu ngắm trăng, còn chàng được lựa chọn,
thuần túy là vì có lẽ đêm nay chúng tôi tương đối có duyên.
Chàng ngồi hóng mát trong
sân quán trọ, trên ghế đá có bình rượu, tự rót uống một mình. Tôi đi đến, để
bình rượu trong tay sang một bên, nhìn chàng: “Uống một mình thật vô vị”.
Chàng ngẩng đầu: “Cô muốn
uống cùng tôi?”.
Tôi nhìn chung rượu bằng
gốm trắng trong tay chàng: “Mộ Ngôn, trước khi chia tay, huynh gảy một khúc đàn
cho tôi nghe đi”.
Chàng ngạc nhiên nhìn
tôi, không nói gì, để chung rượu xuống hỏi: “Muốn nghe khúc gì?”.
Tôi nghĩ một lát: “Cũng
không có khúc nào đặc biệt muốn nghe”.
Chàng giơ tay vẫy Chấp
Túc đứng phía xa, ngoái đầu nói với tôi: “Vậy thì...”.
Tôi ngồi xuống, ngắt lời:
“Vậy thì cứ chơi khúc nào huynh biết”.
“...”.
Chấp Túc nhanh chóng mang
đàn đến, để trong đình hóng mát.
Xung quanh đình, bà chủ
quán trọ trồng đầy hoa thiên ngưu, từng đám lớn tắm ánh trăng, từ màu trắng
chuyển sang hồng, lan tràn như mây trắng nhuốm ánh hồng. Tôi cúi nhìn Mộ Ngôn,
chàng ngồi giữa áng mây hồng đó, khuôn mặt không đeo mặt nạ đẹp như thiên thần,
ngón tay dài mảnh, nhàn tản đặt trên dây đàn, đầu hơi ngẩng lên nhìn tôi mỉm
cười: “Nếu chơi hết các khúc tôi biết, e là đêm nay cô không ngủ được”.
Tôi không nói gì, lòng
thầm nghĩ, em có thể suốt đời ngồi nghe chàng đàn.
Tiếng đàn vang lên, là
một khúc tôi chưa từng nghe, tôi gục đầu trên chiếc bàn tròn ba chân bên cạnh,
tay chống cằm hỏi: “Mộ Ngôn, huynh chưa lập gia thất chứ?”.
Khúc nhạc hơi ngừng,
chàng khẽ nghiêng đầu, ậm ừ một tiếng, “Chưa”.
Tôi nói: “Huynh có muốn
lấy một người đã chết làm vợ không?”.
Chàng dừng tay đàn, ánh
trăng mờ tỏ chiếu lên khuôn mặt thiên thần, đẹp đến sững sờ.
Tôi lấy hết can đảm nói
với chàng: “Cô gái đó cũng khá đẹp, tính tình cũng được, các vị trưởng bối đều
thích cô ấy, cưới về nhà tuyệt đối không có chuyện bất hòa mẹ chồng nàng dâu,
hơn nữa, cầm kỳ thi họa cũng biết ít nhiều, tuyệt đối không để huynh mất thể
diện trước thiên hạ. Ngoài ra, nấu ăn tuy không giỏi lắm nhưng cũng biết làm
vài món, chỉ có điều... chỉ có điều... đã chết...”.
Tôi tự khoe mình một hồi,
thầm nghĩ sao mình có thể mặt dày như vậy, càng tự khen càng thấy không ổn,
chàng chống cằm nhẫn nại ngồi nghe, một hồi lâu sau, dở khóc dở cười hỏi: “Cô
định nói tới âm hôn(*) sao?”.
Tôi không biết, giả sử
tôi và chàng thành hôn liệu có gọi là âm hôn, nhưng cũng không có định nghĩa
nào chính xác hơn, đành ậm ừ gật đầu.
Chàng nhẫn nại nhìn tôi
một lát, giơ tay đàn tiếp, lắc đầu nói: “Không hiểu cô nghĩ gì, không phải cô
định mai mối tôi cho một cô gái đã chết nào đó chứ?”.
Tôi sáng mắt nói: “Chính
là thế!”.
Dây tơ đàn phát ra thanh
âm run run, chàng cười: “Đúng là giống chuyện cô thường làm, nhưng Mộ gia chúng
tôi không thể tuyệt hậu, cảm ơn thịnh tình của cô”.
Tôi lại gục trên bàn,
nhắm mắt lại, gió đêm ấm áp là vậy, lại cảm thấy toàn thân lạnh toát. Mặc dù
rất hiểu sinh tử khác nhau, âm dương cách biệt, hôn nhân là không thể, nhưng
bất chợt có lúc không tránh khỏi hy vọng mong manh vào may mắn ngẫu nhiên nào
đó, muốn thử một lần, biết đâu sẽ khác, nhưng cuối cùng chỉ khiến mình càng
thêm thất vọng.
Tôi rất muốn nói với
chàng, cô gái đeo mặt nạ chàng đi theo để trả ơn chính là cô bé suýt bị rắn độc
cắn chết ở núi Nhạn Hồi năm xưa, bây giờ đã lớn thế này, luôn ước ao muốn lấy
chàng, trên trời dưới đất tìm chàng, tìm suốt ba năm. Nhưng sao có thể nói ra,
cô gái đeo mặt nạ này quả thực là đã chết.
Đêm đó tôi gục trên chiếc
bàn ba chân, ngủ thiếp từ lúc nào trong tiếng đàn của Mộ Ngôn. Nghe Quân Vỹ
nói, lúc canh tư, Mộ Ngôn bế tôi vào phòng. Nhưng khi tôi tỉnh dậy, chàng đã
rời đi. Giống như cái đêm ở núi Nhạn Hồi ba năm trước, chúng tôi luôn chia tay
trong lặng lẽ, bất ngờ. Nhưng cũng không có tình cảm đặc biệt gì, chỉ có nơi
đặt viên giao châu dường như trở nên trống rỗng.
Nơi tôi định đến là thành
Tứ Phương, quốc đô nước Trịnh.
Thoạt nghe tên đó, cứ
nghĩ thành này có lẽ được xây dựng theo nguyên lý hình học không gian tinh
thâm. Thực ra không phải tên thành là Tứ Phương, chỉ là do dân chúng trong
thành đa phần rất thích chơi mạt chược. Bầu đoàn ba thành viên, tôi, Quân Vỹ và
Tiểu Hoàng hân hoan nhằm thành Tứ Phương thẳng tiến, bởi vì Quân sư phụ cho
chim đưa thư báo, đã tìm được một vụ làm ăn cho tôi ở trong thành, khách lần
này nhân thân tương đối đặc biệt, là một quý phụ sống trong vương cung Trịnh
quốc.
Nội địa Trịnh quốc nhiều
sông nhiều núi, có nghĩa phần lớn hành trình chúng tôi đều đi bằng thuyền,
nhưng sự có mặt của Tiểu Hoàng khiến chúng tôi gặp rất nhiều rắc rối, ngày càng
ít chủ đò đồng ý chở chúng tôi, họa hoằn mới tìm được một chủ đò hám tiền,
nhưng thường đòi tiền công rất cao mới được bước lên con thuyền rách của họ.
Nghĩ đến chuyện không thể làm thịt Tiểu Hoàng nướng ăn như đối với con ngựa,
đành nghiến răng không còn cách nào khác.
Nhưng tiền mang theo mỗi
ngày cạn một nhanh, như thế này khó lòng đến được thành Tứ Phương theo dự kiến.
Vạn bất đắc dĩ, tôi và Quân Vỹ đành phải ép chủ đò: “Tiền không có, nhưng mạng
thì có, nếu ông không chở, chúng tôi sẽ thả con hổ, nó sẽ cắn ông chết tươi”.
Không ngờ biện pháp đó
lại rất hiệu quả. Chúng tôi đi hoàn toàn thuận lợi, chỉ có điều, lúc gần đến
thành có người báo quan, bị quan phủ địa phương phạt món tiền lớn, đó lại là
khoản tiền lộ phí cuối cùng của chúng tôi.
Lúc này còn cách thành Tứ
Phương năm mươi dặm, nhanh nhất cũng phải ba ngày mới tới, nhưng trong người
chúng tôi đã không còn một cắc bạc. Quân Vỹ nói trên đường đi vừa rồi anh ta đã
sáng tác xong một cuốn tiểu thuyết mới, nói về sự bạc tình đang rất ăn khách,
có lẽ sẽ bán chạy, có thể thử bán cuốn tiểu thuyết này lấy ít tiền lộ phí. Tôi
và Tiểu Hoàng đều rất vui, cảm thấy hết mưa là nắng, phấn khởi bày sách bên
đường rao bán, lòng đầy hy vọng.
Kết quả không bán được.
Về sau phân tích mới
thấy, nguyên nhân chính là trong sách không có những chỗ mô tả chuyện gối chăn.
Nhưng lúc đó chúng tôi chưa nhận ra điều ấy, chỉ thấy rất bế tắc. Suy nghĩ rất
lung, cảm thấy biện pháp duy nhất... chỉ có để Tiểu Hoàng biểu diễn tài ăn cỏ,
trái với bản tính của loài hổ.
Chính trong quá trình ép
Tiểu Hoàng biểu diễn tài ăn cỏ, chúng tôi gặp được Bách Lý Tấn lên núi hái
thuốc trở về, đây là nhân vật vô cùng quan trọng, mà lúc đó và rất lâu về sau,
chúng tôi đều không biết anh ta thực ra xuất thân từ một gia tộc thánh dược, là
cháu ngoại duy nhất của thánh dược Bách Lý Việt. Đương nhiên cũng có nguyên do,
bởi vì anh ta xuất hiện với bộ dạng hoàn toàn không xứng với họ tộc trứ danh của
mình, trên tay không phe phảy chiếc quạt quý, thắt lưng cũng không đeo kiếm
báu, chiếc áo dài trắng mặc trên người lại loang lổ chỗ đen chỗ trắng, lưng lại
khoác chiếc gùi cũ, không hề có dáng một công tử thế gia, khiến người ta vừa
nhìn đã nhận ra là bậc cao nhân, hoặc là hậu duệ của bậc cao nhân.
Cảnh đó diễn ra vào đúng
lúc mặt trời lặn, chim đang về tổ. Chúng tôi chuẩn bị địa bàn mãi nghệ, hái một
bó lớn rau dại và cỏ để bên đường, Tiểu Hoàng đã được ý tứ buộc chặt vào chiếc
cọc tre.
Nông dân đang lục tục vác
nông cụ về nhà, đi qua nhìn thấy cảnh đó tò mò đứng lại, chẳng mấy chốc đã quây
kín một vòng.
Mọi người chứng kiến Tiểu
Hoàng dáng điệu khổ sở lép bép nhai một củ cà rốt, nông dân chặc lưỡi khen lạ.
Lúc đó Bách Lý Tấn vất vả
chen vào trong, cúi xuống rất tự nhiên lấy một củ cải trắng to đùng trong đống
rau cỏ, ngẩng đầu nhìn Quân Vỹ: “Này, củ cải bán thế nào?”.
Quân Vỹ ngây người.
Bách Lý Tấn ngắm nghía
một hồi, không biết lý giải thế nào biểu hiện đó của Quân Vỹ, lại cúi đầu lựa
chọn một hồi, lấy ra một củ cà rốt: “Này, tôi mua hai củ cải, anh có thể tặng
thêm một củ cà rốt không?”.
Tôi giương mắt nhìn Quân
Vỹ nhướn mày hai cái, sau đó thản nhiên chỉ vào Tiểu Hoàng đang gặm cà rốt bên
cạnh, tỏ ý chúng tôi đang biểu diễn, không phải bán củ cải.
Bách Lý Tấn nhìn Tiểu
Hoàng, nhảy dựng lên: “Chao, mua củ cải còn được tặng hổ ư?”.
Tôi giương mắt nhìn Quân
Vỹ lại nhướn mày hai cái, nhếch mép: “Không tặng hổ, không tặng hổ”.
Bách Lý Tấn hiểu ý giơ củ
cà rốt ở tay phải, “Ồ, không sao, không tặng hổ thì tặng tôi một củ cà rốt
vậy”.
Quân Vỹ lại nhếch mép:
“Cà rốt cũng không tặng!”.
Bách Lý Tấn ngạc nhiên
giơ củ cải ở tay trái: “Tôi không để anh cho không đâu, tôi trả tiền, tôi mua
nhiều không phải để anh kiếm tiền, mà là muốn anh cho thêm một củ cà rốt
nhỏ...”.
Tôi đoán Quân Vỹ sắp
không chịu nổi rồi, còn chưa nghĩ xong thì đã thấy một bóng trắng xám xám bay
ra khỏi vòng người, Quân Vỹ nghiêm nghị nhìn Bách Lý Tấn vừa bị ném đi, phủi
tay vài cái rồi lau lên áo tôi.
Đó là cuộc gặp đầu tiên
của chúng tôi với người cháu trẻ nhất trong gia tộc Bách Lý, Quân Vỹ lần đầu
tiên thể hiện rõ nhất dũng khí nam nhi.
Hai ngày sau, chúng tôi
tích đủ lộ phí đến thành Tứ Phương, tạm đủ tiền ăn ở dè sẻn. Tôi nghĩ, lúc này
bất đắc dĩ phải kiếm ít tiền còn được, không nên để Tiểu Hoàng mệt mỏi quá, chỉ
cần đến thành phố là chỗ nào cũng đầy cơ hội kiếm tiền, chẳng hạn có thể để
Quân Vỹ bán thân, nhưng lại một nữa bị báo quan.
Quan phủ sau khi tra xét
thấy đúng, bởi chúng tôi hoàn toàn chẳng làm gì trái pháp luật, nên không thể
ra tay, nhưng họ cũng không chịu tay trắng ra về, cuối cùng phạt tiền chúng tôi
với tội danh bắt hổ mãi nghệ, ngược đãi động vật, số tiền phạt coi như vẫn còn
nhân tính, vẫn để lại cho chúng tôi một ít bạc lẻ làm lộ phí.
Quân Vỹ nói: “Đây nhất
định là việc hay ho do gã tiểu tử nói giọng đàn bà đó làm”. Anh ta đang nói tới
Bách Lý Tấn, nhưng tôi thấy chuyện này chẳng liên quan tới anh chàng đó, bởi
tôi thật sự cho rằng, thực ra anh chàng đó có thể cũng không biết hổ là loài
thú hoang ăn thịt hay ăn cỏ, chưa biết chừng anh ta lại tưởng thiên tính của hổ
là ăn củ cải.
Vốn tưởng Bách Lý Tấn
chẳng qua là người qua đường, tôi và Quân Vỹ đều không chú ý, ai ngờ chập tối
ngày thứ tư lại gặp nhau trong một quán trọ duy nhất ở ngoại ô thành Tứ Phương,
hơn nữa Quân Vỹ lại nằm cùng giường với anh ta.
Có duyên như vậy kể cũng
hiếm, bởi vì quán trọ đó quả thật rất nhỏ, khi chúng tôi đến chỉ còn một phòng
trống duy nhất. Vì thanh danh của tôi, đương nhiên tôi và Quân Vỹ không thể ở
cùng phòng, nhưng để anh ta nằm trong kho củi hoặc dưới gốc liễu bên ngoài cũng
thật tàn nhẫn.
Nghĩ đến nếu hủy hoại
danh dự của tôi nhất định sẽ bị Quân sư phụ đánh chết, Quân Vỹ mặc dù lòng vô
cùng ấm ức cũng đành ôm chăn chiếu xuống kho củi ngủ tạm một đêm. Tôi và Tiểu
Hoàng nhìn anh ta với con mắt cảm thông. Không ngờ vừa ôm chiếu đi qua cầu
thang, một cái bóng trắng đột nhiên sấn đến: “Này? Cô không phải là người bán
củ cải mấy hôm trước ư? Các người sao vậy?”. Chúng tôi nhìn kỹ, thì ra là Bách
Lý Tấn.
Chủ quán trọ nép vào một
góc tủ quầy, vừa chú ý động tĩnh của Tiểu Hoàng vừa giải thích với anh ta. Bách
Lý Tấn ngoái nhìn kỹ một hồi, vòng qua Quân Vỹ đến trước mặt tôi: “Thì ra là
thiếu phòng? Phòng của tôi rất rộng, hay là cô ở tạm cùng tôi một đêm, tiền
phòng chúng ta chia đôi, hi hi hi”. Tôi không kịp cười, Quân Vỹ không biết dùng
thân pháp gì, đã lặng lẽ đứng chen giữa chúng tôi, hiền hậu mỉm cười với Bách
Lý Tấn đang nhăn nhở: “Được, chúng ta chung phòng”.
Bách Lý Tấn thôi nhăn
nhở.
Mọi người cùng ăn chung
bữa cơm, vậy là quen nhau.
Ăn xong từng đôi về
phòng.
Trước lúc ngủ, mí mắt tôi
nháy liên tục, cảm thấy sẽ xảy ra chuyện gì. Từ nhỏ đến giờ linh cảm của tôi
luôn rất hiệu nghiệm, nếu dự cảm có chuyện xấu xảy ra, bất luận thế nào cũng
xảy ra chuyện gì đó thật.
Lòng tôi thấp thỏm, không
thể ngủ được, mắt trừng trừng thức đến tận bình minh ngày hôm sau, nhưng cả đêm
yên tĩnh, không hề xảy ra bất cứ chuyện gì đặc biệt, chỉ là khi dẫn Tiểu Hoàng
xuống lầu ăn sáng, nhìn thấy Quân Vỹ và Bách Lý Tấn ngồi bên cửa sổ, cảm giác
thần thái hai người hơi kỳ quái. Bách Lý tiểu đệ húp một miếng cháo ngẩng đầu
nhìn Quân Vỹ mỉm cười, húp miếng nữa lại ngẩng đầu nhìn Quân Vỹ mỉm cười, còn
Quân Vỹ ngoài sắc mặt hơi trầm, không có biểu hiện gì khác lạ.
Tiểu Hoàng vẫy đuôi quanh
quẩn dưới chân tôi, ngẩn mặt nhìn nửa bát cháo trước mặt, lát sau chớp chớp mắt
nhìn Quân Vỹ vẻ tội nghiệp.
Quân Vỹ sốt ruột: “Hôm
nay không có gà nướng cho mày ăn đâu, chúng ta chẳng còn mấy đồng nữa”.
Tiểu Hoàng ngoẹo đầu
không tin. Bách Lý Tấn cười hề hề ghé lại gần tôi: “Cô có biết A Trăn là ai
không?”.
Đôi đũa đang gắp dưa muối
trong tay Quân Vỹ dừng lại, quay về phía Bách Lý Tấn, hất hàm với Tiểu Hoàng:
“Con trai, nếu quả thực con muốn ăn thịt, ở đây đã có sẵn rồi đấy”.
Tiểu Hoàng đứng dậy liếm
nanh thật, Bách Lý Tấn kêu thét một tiếng nhảy lên bàn, run cầm cập, tay chỉ
Quân Vỹ: “Một đêm vợ chồng, trăm năm ân nghĩa, Quân Vỹ huynh là kẻ vong ân bội
nghĩa”.
Miếng cháo trong miệng
tôi bắn đầy ra bàn, đôi đũa trong tay Quân Vỹ rắc một tiếng bị bẻ làm đôi.
Tôi nói: “Hai người…”.
Quân Vỹ thu đôi đũa gẫy,
lườm Bách Lý Tấn, nghiến răng nói “Không có gì, đừng nghe hắn nói bậy”.
Bách Lý Tấn chặc chặc
lưỡi, lắc đầu, ngồi xổm trên bàn, vẻ mặt mờ ám ghé lại gần, tôi hứng thú ghé
sát lại.
Anh ta ghé gần tai tôi,
“Cô không biết, người này tối qua nằm mơ, trong mơ huynh ấy...”. Lời chưa dứt
bị một miếng bánh bao chay nhét vào miệng.
Tôi giật mình, vội nhìn
sang Quân Vỹ, “Huynh và Bách Lý tiểu đệ… không phải thấy người ta dung mạo đẹp
như hoa mùa xuân, tối qua trăng lặn sao thưa, mới vô tình…”. Lời chưa dứt cũng
bị miếng bánh bao nhét vào miệng. Quân Vỹ tức tối bảo Tiểu Hoàng: “Con trai,
hai thứ giẻ rách này thuộc về con, bữa sáng của con đó”.
Đúng lúc mâu thuẫn nội bộ
sắp gia tăng, thì từ vị trí cách chúng tôi mấy chiếc bàn vang lên tiếng cười
khe khẽ, và một giọng không biết nói với ai: “Vị công tử phẩm tính hiền đức mà
các người nói chính là Trần thế tử Tô Dự, Tô Tử Khác, người đã chém sạch những
trung thần cuối cùng của Vệ vương thất, sau khi Vệ quốc diệt vong ư?”.
Thấy nhắc đến Vệ quốc,
tôi và Quân Vỹ bất giác đều cùng ngoái đầu lại, phát hiện cách đó mấy bàn có
mấy vị khách dậy sớm đang châu đầu bàn luận quốc sự, người vừa nói là một văn
sĩ trung niên.
Văn sĩ vẫn muốn nói tiếp,
bị một thanh niên áo trắng cùng bàn ngắt lời: “Lời huynh thậm sai, người chém
đại thần nước Vệ không phải là thế tử Dự. Khi nước Vệ bị diệt, thế tử được lệnh
Trần vương thống lĩnh Trần quân giám hộ Vệ quốc, không may nhiễm bệnh, đành trở
về Hạo thành dưỡng bệnh. Là tể tướng Doãn Từ đã tiến cử diên uý Công Dương Hạ
làm thích sử, thay thế tử giám quốc. Công Dương Hạ vốn hiểm độc, muốn nhanh
chóng lập công với Trần vương, vừa đến đất Vệ đã giết những cựu thần cuối cùng
của Vệ vương thất có khả năng phản kháng, giết gà dọa khỉ, lại đuổi dân chúng ở
Lịch thành và Yến thành ngay gần kinh đô, đưa dân nước Trần đến ở, khiến dân
chúng hai thành lâm vào cảnh ly tán không nhà không cửa. Lại cho xây thích sử
phủ nguy nga, thế tử lúc đó đang bệnh nặng, hoàn toàn không hay biết. Đến khi
bình phục, thế tử chỉnh đốn quốc sự, chẳng phải đã lập tức phi ngựa đến Vệ
quốc, ra lệnh chém Công Dương Hạ trước thích sử phủ còn chưa kịp hoàn tất, bêu
đầu trước môn thành kinh đô nước Vệ, lấy đó để tạ tội với dân chúng hay sao?
Bây giờ dân chúng nước Vệ đều coi thế tử như phụ mẫu tái sinh, nước Vệ diệt
vong chưa quá nửa năm, dân chúng đã cam tâm tình nguyện quy thuận nước Trần,
hai chữ hiền đức, chẳng lẽ thế tử không xứng?”.
Văn sĩ kia nói: “Chẳng
qua là mượn dao giết người, đầu tiên là mượn tay Công Dương Hạ, làm hết việc
mình muốn nhưng không thể làm, sau đó trở mặt giết người ta mà thiên hạ vẫn
phải cảm ơn đại ân đại đức, quả nhiên là thế tử hiền đức!”.
Mấy người cùng bàn với
chàng trai trẻ đập bàn đứng dậy, “Ông…”. Chủ quán thấy tình hình không ổn, vội
vàng chạy đến can: “Xin đừng bàn quốc sự, xin đừng bàn quốc sự”.
Quân Vỹ gắp dưa muối vào
bát tôi: “Nói suy nghĩ của muội xem?”.
Tôi nghĩ một hồi, cảm
thấy chẳng có suy nghĩ gì, chỉ là thấy lạ về chuyện trong Vệ vương thất vẫn còn
những người gọi là trung thần.
Quân Vỹ nhìn Bách Lý Tấn
ngồi xổm trên ghế, mở miệng định nói, có lẽ cảm thấy một số chuyện không nên
nói ra trước mặt người ngoài. Đắn đo một hồi, cuối cùng cúi đầu tiếp tục húp
cháo. Tôi đoán Quân Vỹ lo lắng tôi vẫn nhớ mình là công chúa nước Vệ, sẽ để
bụng, coi Tô Dự là kẻ thù, định hành thích báo thù.
Nhưng quả thật tôi không
có ý nghĩ đó, cảm thấy để Quân Vỹ yên lòng, tôi vừa khều một sợi củ cải trong
dưa muối, vừa thong thả nói: “Nếu là Tô Dự, chắc muội cũng làm như vậy, minh
quân thánh chủ thời loạn phải là người xảo quyệt hung bạo như hổ, hiền đức chỉ để
cho thiên hạ xem, chỗ nào cần hiền đức thì tỏ ra hiền đức để thiên hạ nhìn thấy
là được rồi”.
Bách Lý Tấn không biết từ
lúc nào đã buông chân xuống, ngồi ngay ngắn trên ghế góp chuyện: “Theo cô nói,
Tô Dự làm nhiều việc như vậy chỉ là để tạo một hình ảnh hiền đức với thiên
hạ?”.
Tôi lắc đầu: “Nếu đúng
vậy, anh ta không phải là hiền đức, mà là rỗi việc. Chẳng phải Công Dương Hạ đã
giết hết cựu thần của Vệ vương thất rồi sao? Sau đó nước Vệ đã không còn hy
vọng phục quốc nữa, thật đáng chúc mừng. Công Dương Hạ đã di chuyển một bộ phận
dân chúng nước Trần sang sinh sống ở hai thành Lịch, Yến ngay gần kinh đô nước
Vệ. Những người đó bình thường làm ruộng sinh sống, khi nước Vệ xảy ra binh
biến có thể trở thành lực lượng tại chỗ rất hữu hiệu, khỏi phải tốn kém điều
binh từ nước Trần đến...”.
Bách Lý Tấn tỏ ra ngạc
nhiên. Tôi nghĩ phải lấy ví dụ chứng minh để anh ta dễ hiểu, nghĩ một lát nói
tiếp: “Cũng giống như các vị đến nước khác mở lầu xanh, mang rất nhiều cô gái
đến, nhưng luật nước đó lại quy định chỉ vào dịp lễ tết mới được kinh doanh lầu
xanh, như vậy các vị hàng ngày phải bỏ tiền nuôi các cô gái đó rất tốn kém, nếu
chia cho họ ít ruộng, để họ tự trồng cấy, nuôi thân, vậy chẳng phải các vị sẽ
giảm rất nhiều chi phí sao?”.
Bách Lý Tấn vò đầu:
“Nhưng nếu nước đó chỉ cho phép vào dịp lễ tết mới được được kinh doanh lầu
xanh, vậy chúng tôi tại sao phải đến một nước xa xôi như vậy để mở lầu xanh?”.
Tôi cảm thấy bất lực,
không thể nào chia sẻ với anh ta được.
Mà lúc đó, văn sĩ trung
niên kia hình như đã được chủ quán đưa ra chỗ khác khuyên giải, bàn bên đó đột
nhiên vang lên tiếng nói, không biết bắt đầu từ lúc nào, tôi chỉ nghe thấy câu
sau: “… Nước Vệ diệt vong đúng là chuyện nực cười, chỉ tiếc cho công chúa Văn
Xương tuẫn tiết, nghe nói công chúa từ nhỏ đã theo học thánh nhân Huệ Nhất tiên
sinh, là nữ đệ tử duy nhất của Huệ Nhất tiên sinh, tài mạo song toàn, nhan sắc
khuynh quốc, nguyệt thẹn hoa hờn, lại thông tuệ tuyệt đỉnh, mười sáu tuổi đã có
bao nhiêu công tử các nước chư hầu đến cầu hôn…”.
Tiếng người khác lại
tiếp: “Tại hạ từng nghe, vào sinh nhật lần thứ hai mươi hai thế tử Tô Dự được
nhìn thấy một bức họa của công chúa Văn Xương, nhìn xong lại nói một câu rất lạ
“Ồ, đây là Diệp Trăn à, đã trở thành thiếu nữ rồi”. Chuyện bí mật lưu truyền
trong cung đình không biết có đáng tin hay không, nhưng theo lời đồn công chúa
Văn Xương phẩm hạnh đoan trang, chim sa cá lặn, cầm kỳ thi họa đều tinh thông,
thế tử…”.
Quân Vỹ hỏi tôi: “Sao
muội run thế?”.
Tôi lẩm bẩm: “Không biết
tại sao khắp người nổi da gà… không sao đâu, ăn đi ăn đi”.
Quân Vỹ ra hiệu bảo tôi
im lặng: “Chuyện phong nguyệt họ nói hết rồi, bây giờ bắt đầu nói chuyện chư
hầu phân tranh, muội yên lặng, để huynh nghe tiếp”.
Tôi ngạc nhiên: “Sao?”.
Quân Vỹ đáp: “Nói thế nào
nhỉ, lúc thiên hạ đại loạn, thân là nam nhi nên có trách nhiệm”.
Tôi ngạc nhiên nhìn anh
ta: “Đâu phải huynh làm cho nó loạn, can hệ gì đến huynh? Thế sự loạn đến đâu
chỉ liên quan đến hoàng đế và các vương hầu, một người ra sức không để nó loạn,
một người ra sức muốn cho nó loạn. À, phải rồi, còn có một tông giáo không rõ
có mục đích gì, họ chỉ mong thế sự đại loạn, nhưng đó thuộc phạm trù tôn giáo,
thuộc về ý thức thần bí, chúng ta không cần quan tâm”.
Quân Vỹ lẩm bẩm: “Huynh
quan tâm đến chính trị…”.
Tôi vỗ vai anh ta: “Người
chính trực không làm chính trị được đâu, nghề đó không hợp với huynh, huynh
quan tâm vũ trụ, viết tiểu thuyết vẫn hợp hơn. Nào, ăn đi, ăn đi”.
Bách Lý Tấn ghé lại gần
tôi hỏi: “Tại sao người chính trực không thể làm chính trị?”.
Tôi giải thích: “Anh thấy
đấy, trong thế giới đại loạn, bản thân chính trị là một sự lệch lạc, nếu anh
không lệch lạc, anh không thể làm gì được nó, trái lại bị nó quật lại”.
Bách Lý Tấn hiểu ra: “Có
nghĩa là nói con người ta nếu không lệch lạc không thể làm chính trị?”.
Tôi nói: “Cũng không phải
thế, nhưng không thể quá lệch, phải vừa lệch vừa thẳng”. Nghĩ một lát, tôi
tiếp: “Giống như Tô Dự…”.
Bách Lý Tấn đăm đăm nhìn
tôi rất lâu vẻ suy tư, sau đó trịnh trọng nói: “Đã có ai nói với cô rằng, cô
sinh ra là phận nữ nhi thật đáng tiếc?”.
Quân Vỹ lạnh nhạt nói:
“Chẳng có gì đáng tiếc, chẳng qua là được thầy giỏi truyền dạy mà thôi”.
Tôi chỉ vào Quân Vỹ nói
với Bách Lý Tấn: “Có nhận ra tôi và huynh ấy đều do một thầy dạy không? Không
nhận ra chứ gì? Hai chúng tôi khác biệt như bây giờ, chẳng liên quan gì tới nỗ
lực cá nhân, hoàn toàn là do vấn đề tư chất”.
Quân Vỹ nhìn tôi vẻ tức
tối, hình như đang âm thầm giở trò gì.
Tôi ngạc nhiên: “Huynh
làm gì vậy?”.
Anh ta cũng ngạc nhiên:
“Đạp chân muội, huynh đang đạp thật lực vào chân muội dưới gầm bàn, muội không
thấy sao?”.
Tôi càng ngạc nhiên: “Hả?
Không thấy”.
Bách Lý Tấn đột nhiên ôm
chân nhảy dựng, miệng la: “Ối ôi, ối ôi, đau, đau, đau quá!”.
Trên đời chẳng có bữa
tiệc nào không tàn, khi mặt trời lên được ba con sào, chúng tôi dùng xong bữa
trà, thu xếp hành lý chia tay với Bách Lý Tấn. Bức tường thành màu vàng phía xa
xa đã là kinh đô nước Trịnh, bức tường thành cao sừng sững lấp lánh dưới nắng
hạ. Tôi nghĩ, nếu nó bằng vàng có phải tốt không, dỡ một hòn gạch là phát tài
to, cái chính là không cần buộc Quân Vỹ bán thân kiếm tiền.
Bước năm bước khỏi quán
trọ, Quân Vỹ đã liên tục ngoái đầu, tôi cũng ngoái lại liếc thấy Bách Lý Tấn
khoác một cái bọc trên lưng đang đứng trước cửa quán trọ, liền thăm dò Quân Vỹ:
“Bách Lý tiểu đệ đến là kháu trai”.
Quân Vỹ lạnh lùng nhìn
tôi .
Tôi tiếp tục: “Tối qua
huynh và Bách Lý tiểu đệ có phải đúng là đã…”.
Anh ta không trả lời, lại
liếc tôi lần nữa, liếc xong, lại ngoái đầu .
Nhìn phản ứng đó của anh
ta, tôi giật mình, che miệng khẽ hỏi: “Huynh thích người ta thật hả? Huynh lưu
luyến người ta phải không?”.
Quân Vỹ không nghe rõ:
“Cái gì?”.
Tôi nói to hơn: “Huynh
thích người ta à? Huynh lưu luyến người ta phải không?”.
Quân Vỹ vẫn chưa nghe rõ:
“Gió to quá, muội nói to lên!”.
Tôi đành nói to: “Có phải
huynh thích anh chàng Bách Lý Tấn kia ~ ~ ~. Huynh liên tục ngoái lại như thế
là lưu luyến, không muốn xa anh ta ~ ~ ~”. Nói xong vẫn giữ cao độ đó nhắc nhở
anh ta, “Nếu huynh làm bậy, Quân sư phụ sẽ cho huynh nhừ đòn”.
Xung quanh đột nhiên yên
lặng, người qua lại đều dồn mắt nhìn chúng tôi, mặt Quân Vỹ hết xanh lại trắng,
lúc sau nghiến răng nói từng chữ: “Quân Phất, muội đang ngứa da phải không?”.
Tôi theo phản xạ lùi về
sau.
Bách Lý Tấn ở cách đó năm
bước, sung sướng chạy lại, nheo mắt nhìn tôi và Quân Vỹ: “Hai người lưu luyến tôi
ư? Không sao không sao, nhà tôi ở ngay cái sân lớn nhất trong ngõ Tâm Thủy
thành Tứ Phương, lúc nào xong việc mời hai người ghé chơi”.
Tôi vui vẻ nói: “Nhất
định, nhất định sẽ đến!”.
Quân Vỹ ôm trán không nói
lời nào.
Nói xong mấy câu xã giao
với tôi, Bách Lý Tấn quay sang buồn bã nhìn Quân Vỹ, tay bối rối vò nhàu vạt
áo: “Không phải huynh thích tôi thật đấy chứ? Rõ ràng trong giấc mơ, huynh
đã…”.
Quân Vỹ nghiến răng: “Câm
mồm, ông không thích mi”.
Bách Lý Tấn kinh ngạc:
“Vừa rồi huynh liên tục ngoái đầu nhìn tôi”.
Thái Dương Quân Vỹ nổi
gân xanh: “Ông không ngoái nhìn mi, ông ngoái nhìn con trai Tiểu Hoàng, nó vào
bếp ăn trộm gà rán, chưa thấy quay ra”.
Bách Lý Tấn lạ lùng nhìn
anh ta: “Tiểu Hoàng đang đi bên cạnh Quân cô nương đấy thôi!”.
Quân Vỹ ngoái đầu, bắt
gặp đôi mắt to long lanh như nước của Tiểu Hoàng.
Dưới cái nhìn nghiêm khắc
của Quân Vỹ, Tiểu Hoàng vừa ngấu nghiến xong một suất gà rán, vội dùng vuốt
chân hất xương đầu gà về phía sau, xong xuôi ngượng nghịu khẽ liếc Quân Vỹ một
cái, thấy anh ta vẫn nhìn chằm chằm, hơi hoảng lùi về phía sau.
Quân Vỹ ngây ra nhìn Tiểu
Hoàng một lát, hỏi tôi: “Nó về lúc nào?”.
Tôi mới vỡ lẽ, thì ra tất
cả là hiểu lầm, đang định nói với anh ta Tiểu Hoàng vừa chui ra từ bụi cây ven
đường, Bách Lý Tấn bên cạnh lại lên tiếng: “Muốn kiếm cớ cũng nên kiếm cái cớ
hay một chút, không cần giải thích, cũng không cần giấu giếm, huynh thích
tôi…”.
Quân Vỹ im lặng hồi lâu,
nhìn tôi, không biết nói sao.
Tôi hiểu cái nhìn ngầm
cầu giúp đỡ của anh ta, lập tức xen lời: “Ha ha, Bách Lý Tấn, chuyện này chúng
ta tạm thời không nói, tôi hỏi anh một chuyện”. Thực ra tôi cũng không biết
muốn hỏi anh ta chuyện gì, chỉ là để chuyển chủ đề, nghĩ một lát, không nghĩ ra
chuyện gì có thể nói với anh ta, đành lấy vụ làm ăn ở thành Tứ Phương Quân sư
phụ giao cho tôi để chống chế: “Vậy, anh, anh là người nước Trịnh, anh có nghe
nói đến Thập Tam Nguyệt, phu nhân của Trịnh Bình vương?”.
Bách Lý Tấn đang yên
lặng, ngẩng phắt đầu, trợn mắt nghĩ một lúc, nói: “Cô định nói là Nguyệt phu
nhân?”.
Nghĩ một lát lại tiếp:
“Phu nhân đã quy thiên rồi”.
Tôi ngớ ra: “Không thể,
sư phụ tôi nói, mấy ngày trước còn nhận được thư của phu nhân…”.
Bách Lý Tấn nhíu mày suy
nghĩ, lát sau nói: “À, người cô nói là Nguyệt phu nhân của Bình hầu Dung Tầm,
tôi lại tưởng cô nói…”. Chưa hết câu, lại đổi ý: “… nhưng vừa rồi cô nói Thập
Tam Nguyệt?”.
Anh ta ngẩng đầu nhìn tôi
phân vân: “Nguyệt phu nhân mà cô nói đó không phải là Thập Tam Nguyệt, người đó
và phu quân cô ta đều là giặc, Thập Tam Nguyệt thật sự…”. Anh ta dừng lại: “...
Đã chết rồi”.