Năm 1940
Mao Đán đội mũ Nhật,
cưỡi mô-tô Nhật về thôn. Người trong thôn chưa bao giờ trông thấy mô-tô
Nhật, vừa nghe tiếng còi xe là chạy ùa ra xem. Một lũ đàn bà trẻ con
chạy lăng xăng theo sau, vừa chạy vừa hô:
- Mao Đán biết đi xe Tây! Mao Đán biết đi xe Tây!
Để mọi người nhìn rõ hơn, Mao Đán lượn xe một vòng quanh bãi đập lúa mạch, rồi mới về nhà. Về đến nhà, Mao Đán qua gian giữa, quỳ xuống lạy bốn
lạy trước di ảnh của Lão Nguyên, sau đó đến gian nhà Tây nói chuyện với
ông anh nuôi là trưởng thôn Bố Đại.
Bố Đại đang đánh giác hơi[7]
cho vợ trong nhà. Vợ ông là Oa Tiểu Xảo năm xưa dệt hai tấm vải lúc đang ở cữ, nên mắc bệnh đau lưng. Bây giờ, cô con gái Hứa Oa Ni đã 17 tuổi,
vậy mà bệnh đau lưng vẫn chưa dứt hẳn, gặp hôm trái gió trở trời lại tái phát, Bố Đại phải đánh giác cho vợ. Mao Đán vén mành bước vào, thấy Bố
Đại đang cưỡi trên lưng vợ đánh giác liền vỗ mạnh vào khẩu súng bên
hông:
- Bắt lấy kẻ gian! Giữa thanh thiên bạch nhật mà hai người dám giở trò à!
Vợ chồng Bố Đại giật mình. Nhận ra Mao Đán, Tiểu Xảo nói:
- Mao Đán, lần sau chú đừng có trêu ác như vậy, kẻo tôi vỡ mật đấy!
Mao Đán cười ha hả. Bố Đại giác hơi cho vợ xong, nhẩy từ trên giường xuống, đi về phía ngăn kéo lấy ống điếu. Mao Đán nói:
- Không cần ống điếu đâu, em có món này tiện lắm!
Rồi móc từ trong túi ra một bao thuốc lá Nhật, đưa cho Bố Đại một điếu. Hai người châm thuốc. Rít hai hơi, Bố Đại lại vứt điếu thuốc ra ngoài cửa
sổ, nói:
- Bọn Nhật khốn kiếp, thuốc lá rơi vào tay chúng cũng mất mùi!
Rồi lại đi lấy ống điếu.
Mao Đán nói:
- Đấy là vì anh chưa hút quen! Anh mà hút quen thuốc cuốn, chỉ sợ anh chê thuốc quê mình có mùi tanh!
Tiểu Xảo vẫn nằm trên giường nói xen vào:
- Mao Đán, lần sau về, chú mang cho chị hai miếng cao dán nhé!
- Em sẽ kiếm cho chị hai miếng cao dán Nhật, đảm bảo dán xong khỏi ngay!
- Không biết cao dán Nhật có độc tố không?
- Kiếm cao dán cho chị, chị lại bảo có độc, đúng là nhà quê! - Mao Đán
phẩy tay: Nếu thuốc Nhật mà không tốt bằng giác hơi thì người ta còn sản xuất thuốc Nhật làm gì? Chẳng thà sản xuất thêm một ít giác hơi cho
xong! Lần trước, một thằng tân binh ở đội cảnh vệ bị Bát lộ quân bắn bị
thương ở tay, bác sĩ quân y Nhật bảo sẽ bôi thuốc Nhật cho nó, nó khóc
ầm lên không chịu, sợ thuốc Nhật có độc. Nào ngờ, chỉ ba ngày sau khi
bôi thuốc, nó đã nhấc được cánh tay lên!
Nói xong, Mao Đán cởi mũ đưa cho Bố Đại:
- Anh xem, chiếc mũ này cũng của người ta làm đấy. Đừng có xem thường mấy miếng vải đính ở phía sau nhé. Toàn xốp đấy, đạn bắn không thủng đâu!
Bố Đại đỡ lấy chiếc mũ sờ nắn, rồi vứt toẹt xuống sàn bếp lò:
- Mẹ kiếp, chỉ một miếng vải mềm mà dám nói đạn bắn không thủng? Lát nữa, để tao bắn một phát xem thế nào!
Mao Đán tức đỏ mặt:
- Thử thì thử. Bọn em đã thử mấy bận rồi. Đã bảo đạn bắn không thủng là không thủng!
Tiểu Xảo nhặt chiếc mũ lên sờ sờ, nói:
- Chẳng biết đạn có bắn thủng hay không, nhưng đội chiếc mũ này thì sẽ đỡ lạnh đấy!
- Không lạnh tí nào! Lính Nhật mỗi người đội một cái. Ở đội cảnh vệ, phải cấp tiểu đội trưởng trở lên mới được phát đấy! - Mao Đán dẩu mỏ.
Bố Đại nhìn Mao Đán từ đầu đến chân, cuối cùng, ánh mắt dừng lại ở khẩu súng lục pặc-hoọc:
- Mao Đán, lần trước chú về đeo súng tiểu liên, sao lần này lại là súng lục?
Nói đến chuyện súng, Mao Đán phấn khởi rút khẩu súng trong bao ra đưa cho Bố Đại nói:
- Anh thấy khẩu này thế nào?
Bố Đại lật đi lật lại một hồi rồi nói:
- Được đấy, khẩu này không phải loại cũ, vẫn dùng tốt, chú được phát à?
- Không. Khẩu này em mượn tạm của Mũi gãy! - Mao Đán có vẻ sượng sùng.
Bố Đại biết Mũi gãy là đội trưởng đội cảnh vệ, liền nói:
- Anh em mình ra ngoài đồng bắn thử vài phát nhỉ?
- Đạn trong súng không còn nhiều lắm! - Mao Đán tỏ ra bối rối.
Bố Đại tức giận, quẳng súng lại cho Mao Đán:
- Chú mày định giở trò gì thế! Gớm, mang tiếng là theo người Nhật, thế mà đến khẩu súng cũng không cho tao bắn thử, đúng là “Hán gian” hão!
Mao Đán mặt đỏ phừng phừng:
- Ai bảo là em không cho anh bắn, chẳng qua hôm nay mang không nhiều đạn. Hôm nào anh lên thị trấn, cho anh đủ đạn để bắn luôn! Hôm nay trong
súng có tất cả 8 viên đạn. Anh bắn 3 phát, được chưa!
Bố Đại tháo giác hơi trên người vợ, rồi cùng Mao Đán ra đồng bắn súng. Mao Đán bảo
để Bố Đại bắn 3 phát, nhưng Bố Đại lại siết cò bắn liền 5 phát. Mao Đán
phát hoảng, dậm chân:
- Bố Đại, anh làm trò gì đấy. Tối nay em
còn phải về, bắn hết đạn, còn trơ mỗi khẩu súng. Trên đường lỡ gặp quân
Trung ương[8] hay Bát lộ quân thì làm thế nào?
Bố Đại cười hì hì:
- Yên tâm, còn ba viên dành chú!
Bắn xong, hai người về nhà. Lúc này, Tiểu Đắc đã làm cơm xong. Thức ăn
chính là bánh nướng, ăn với củ cải muối và thịt gà xào ớt. Tiểu Đắc
chính là con trai của Lão Đắc đầu bếp trước đây. Sau khi Lão Đắc bị hành quyết trên huyện thời kỳ đầu chế độ Dân quốc, vợ Lão Đắc đưa Tiểu Đắc
đến nhà Lão Nguyên làm thuê. Tiểu Đắc lớn lên cũng học nấu bếp. Cho đến
bây giờ, tay nghề nấu ăn của Tiểu Đắc cũng khá. Mao Đán ăn một miếng gà
xào ớt, khen lấy khen để:
- Ngon quá, ngon quá!
Đúng lúc Tiểu Đắc bưng âu canh lên, Mao Đán nói:
- Tiểu Đắc, lâu lâu không gặp mà trình độ nấu nướng của mày lên tay quá, càng ngày càng ngon!
- Cậu chủ cứ giễu con! - Tiểu Đắc đứng khoanh tay.
Mao Đán lấy một điếu thuốc Nhật đưa cho Tiểu Đắc:
-Mấy hôm nữa tao dẫn người Nhật đến, mày cũng làm món gà xào ớt đãi họ nhé!
Tiểu Đắc đỡ điếu thuốc nói:
- Ôi, con không dám đâu ạ. Lỡ chẳng may không hợp với khẩu vị người Nhật, người ta đánh con mất!
- Đừng sợ, còn có tao cơ mà!
Tiểu Đắc lui ra ngoài, Bố Đại hỏi:
- Sao? Mấy ngày nữa chú đưa người Nhật đến à?
Mao Đán gõ vào đầu một cái:
- Chết cha, chỉ mải chén, quên mất việc chính. Bố Đại, lần này không phải em về chơi, mà là có việc quan trọng. Người Nhật cần một xe bột mỳ và
hai con lợn. Lần này đến lượt thôn mình phải nộp nên bảo em về thông báo trước!
Bố Đại vừa nghe nói phải nộp bột mỳ và lợn liền quăng đũa xuống bàn:
- Mao Đán, bọn tá điền làng mình suốt ngày chỉ ăn lá hòe, lấy đâu ra lương thực?
- Ăn lá hòe thì ai chẳng biết? Nhưng tiền và lương thực đều cắt cử từng
thôn nộp cả. Bây giờ đến lượt thôn mình, em biết làm thế nào? May là em
về thông báo, chứ phải thằng khác, nó khai man thành hai xe bột mỳ và
bốn con lợn, thì anh cũng phải chịu!
- Chưa đầy một tháng mà đã
mấy lần phải quyên góp. Quân Trung ương đã một lần đến lấy lương thực và tiền. Bát lộ quân cũng đã một lần đến lấy lương thực và tiền. Bọn phỉ
cũng đến vòi vĩnh một lần. Bây giờ lại đến lượt quân của chú mày! - Bố
Đại thở dài.
- Đây là thiên hạ của người Nhật. Quân đội khác đến thu lương thực đều là phi pháp!
- Cái chức trưởng thôn chết tiệt này xem ra tao không làm nổi rồi. Khi nào bí quá, có lẽ tao cũng phải nhập hội với bọn thổ phỉ!
- Đừng, đừng. Nếu muốn ra ngoài kiếm ăn, thì anh đi cùng em lên thị trấn gia nhập đội cảnh vệ cho rồi!
- Tao thèm vào gia nhập đội cảnh vệ. Ai lại vào đội cảnh vệ rồi mà vẫn phải mượn súng dùng tạm!
- Mỗi chuyện mượn khẩu súng mà anh cứ mè nheo mãi! - Mao Đán đỏ mặt.
Lúc này, con gái Bố Đại là Hứa Oa Ni bước vào. Oa Ni đã 17 tuổi. Mặc dù Bố
Đại đen như cột nhà cháy, tóc vàng hoe, nhưng cô con gái lại giống mẹ,
rất xinh đẹp. Bím tóc dài đen nhánh rủ xuống tận mông. Những năm trước,
Oa Ni đều đi học. Lúc đầu học tư thục ở trong thôn, sau cùng anh nuôi là Tôn Thỉ Căn lên trường cấp 3 số I Khai Phong học hai năm. Sau khi quân
Nhật xâm lược, trường học phải sơ tán. Cô không sơ tán theo mà về nhà.
Hồi Oa Ni còn nhỏ có vẻ không hợp với Mao Đán. Được vài tháng tuổi,
người khác bế nó thì được, nhưng hễ cứ Mao Đán bế là con bé lại khóc ré
lên. Mao Đán tức giận vỗ tay đánh đét nói:
- Mày trẻ ranh mà cứ như kẻ thù của chú ấy!
Sau này, đến khi được 4, 5 tuổi, Oa Ni toàn đuổi Mao Đán ra khỏi nhà, không cho ăn cơm ở nhà mình khiến Mao Đán rất bối rối. Mao Đán nói:
- Nếu biết trước thế này, chú đã chẳng mai mối cho bố mày làm gì!
Đến khi Oa Ni lên 6 tuổi, bắt đầu biết nhận thức, mới không đuổi Mao Đán.
Mao Đán lại tóm chặt đuôi tóc của Oa Ni dứt, làm con bé khóc toáng lên.
Gặp nhau lần nào cũng dứt tóc khiến Oa Ni rất sợ gặp Mao Đán. Mao Đán
nói:
- Thế là phải rồi. Hồi bé chú sợ mày. Bây giờ đến lượt mày sợ chú!
Bố Đại, Tiểu Xảo thấy hai chú cháu trêu đùa nhau nên không để tâm.
Dần với thời gian, hai chú cháu Mao Đán và Oa Ni ngày càng quấn quýt nhau.
Mao Đán làm phó trưởng thôn, cả ngày chẳng có việc gì làm ngoại trừ việc đấu chó, săn thỏ. Lần nào cũng cho Oa Ni đi cùng. Sau này đến tuổi đi
học, Tiểu Xảo không cho con gái đi học, bắt cô ở nhà học kéo sợi. Bố Đại chỉ đam mê bài bạc, chẳng buồn quan tâm đến chuyện học hành của con
gái. Chỉ có Mao Đán quyết định để Oa Ni vào học ở trường tư thục. Mao
Đán nói với Tiểu Xảo:
- Kéo sợi là thế nào, em ghét nhất trò kéo sợi! Không kéo kiếc gì cả, cho nó đi học!
Trước đây, Tiểu Xảo là vợ bé của Điện Nguyên, biết Mao Đán cục tính, không
dám trái lời. Nhờ thế, Oa Ni được đi học, sau này lên trường cấp 3 số 1
Khai Phong học. Có lần, Mao Đán nhờ cô cháu nhân tiện mua hộ ít thuốc
phiện từ Khai Phong về, Oa Ni cũng mua. Khi trường học sơ tán, Oa Ni về
nhà, thì Mao Đán đã theo Mũi gãy, lên thị trấn làm trung đội trưởng đội
cảnh vệ. Oa Ni biết Mao Đán như vậy là “Hán gian”, nhưng dù sao đấy cũng là chú mình, nên không ghét bỏ gì. Gặp nhau chú cháu vẫn trêu đùa. Chỉ
có điều, hồi học ở trường cấp 3 số 1 Khai Phong, Oa Ni rất thân với
người anh nuôi là Tôn Thỉ Căn. Bây giờ, Thỉ Căn đã tham gia Bát lộ quân. Hai chú cháu thành người của hai chiến tuyến khác nhau. Điều này khiến
Oa Ni cảm thấy hơi khó nghĩ. Nghĩ là nghĩ vậy, nhưng gặp ai cô cũng chơi với người đó. Bước vào nhà thấy Mao Đán, cô đã trợn mắt, nói:
- Chú Mao Đán, chú còn ở đây uống rượu nữa cơ à? Chiếc xe của chú bị bọn trẻ con nghịch loạn lên kia kìa!
Thấy bảo có người nghịch xe, Mao Đán chẳng còn tâm trí đâu mà uống rượu tiếp, vội đứng lên chửi:
- Bọn oắt con, phen này thì tao giết cả lũ. Xe mà hỏng, lát nữa tao về kiểu gì!
Nói rồi vơ lấy súng chạy ra ngoài. Nhưng ra đến sân chính, Mao Đán chẳng
thấy có ai nghịch xe. Chiếc mô-tô vẫn đứng ngoan ngoãn dưới chân tường.
Mao Đán thở phào, biết mình bị Oa Ni lừa, mắng:
- Cái con ranh này!
Nhưng cũng không quay lại gian nhà mé tây uống rượu nữa mà về nhà mình ở mé
đông. Chị vợ đi ra sông đập vải, không có nhà. Chỉ thấy bà chị dâu, vợ
cả của trưởng thôn quá cố Điện Nguyên là Tôn Kinh Thị đang đứng ở sân
xem kiến leo cây. Thời trẻ, Kinh Thị rất đanh đá chua ngoa. Hồi Tiểu Xảo làm vợ bé của Điện Nguyên, từng nhiều lần bị bà ta véo mông. Nhưng kể
từ khi Điện Nguyên bị thắt cổ chết, hai nhà họ Tôn họ Lý sát phạt nhau
mãi, nhất là khi đứa con trai duy nhất của bà là Tôn Thỉ Căn lớn lên,
tham gia Bát lộ quân, ra chiến trường giết giặc, thì bà bỗng chuyển sang ăn chay niệm Phật. Có lẽ do đã có tuổi nên bây giờ trông bà như một bà
lão hiền từ, chẳng thể nào nhận ra người đàn bà chanh chua hồi trẻ. Ăn
mày đến xin ăn, người khác chỉ bẻ cho một dúm bánh màn thầu, còn bà cho
hẳn một cái. Còn đối với Mao Đán, bà khinh ra mặt. Năm xưa, nếu chồng bà không vào hùa với Mao Đán tranh giành chức trưởng thôn thì đã không đến nỗi bị giết. Đã thế, sau khi chồng bà chết, Mao Đán còn cả gan gả vợ bé của chồng bà cho Bố Đại. Thật không ra thể thống gì! Bây giờ, hắn ta
còn gia nhập đội cảnh vệ, theo đuôi bọn Nhật, chẳng phải “Hán gian” thì
là gì! Thế nhưng, Kinh Thị thỉnh thoảng vẫn bắt chuyện với vợ Mao Đán.
Vợ Mao Đán là người biết vun vén, tốt bụng, mỗi tội hơi bốp chát. Kinh
Thị thường sang đây tán gẫu. Vợ Mao Đán có nhà thì nói chuyện cho vui,
còn nếu vắng nhà thì ngắm kiến leo cây. Khinh Mao Đán ra mặt, nên thấy
ông ta bước vào, Kinh Thị vẫn coi như không biết, tiếp tục ngắm kiến leo cây. Mao Đán trông thấy Kinh Thị vội chào:
- Chị sang chơi ạ! - Lại hỏi: Dạo này thằng Thỉ Căn có viết thư về không chị? Nghe nói nó làm đến chức đại đội trưởng rồi đấy!
Nói đến chuyện cậu con trai làm đại đội trưởng, Kinh Thị thấy vui vui, nhưng lại nói:
- Đại đội trưởng với chẳng đại đội trưởng, chẳng phải hai chú cháu là kẻ thù của nhau đấy sao?
Mao Đán có cớ nói chuyện, vỗ tay đánh đét nói:
- Hồi trước em đã bảo thế nào? Thằng Thỉ Căn chẳng hiểu gì cả. Muốn vào
quân ngũ thì tham gia lực lượng nào chẳng được, đằng này cứ đòi vào Bát
lộ quân, ở chung với một bọn chân lấm tay bùn! Bát lộ quân thì làm cái
quái gì? Suốt ngày chỉ muốn ăn thịt nhà giàu. Nhà ta là nhà giàu. Nó làm Bát lộ quân, khác gì tự mình làm khó mình!
Hồi trước, Thỉ Căn
tham gia Bát lộ quân, Kinh Thị cũng không đồng ý. Nhưng bây giờ nghe Mao Đán phê bình Thỉ Căn, Kinh Thị lại có vẻ không vui:
-Chỉ có ăn thịt nhà giàu thôi sao. Tôi nghe nói còn đánh Nhật nữa chứ!
Mao Đán tức đỏ mặt, vỗ vỗ khẩu súng nói:
- Nhật với chẳng Nhật, các người ai cũng luôn miệng Nhật Nhật, làm như
theo quân Nhật cũng như gái có chồng theo trai không bằng! Quân Nhật dễ
bị đánh bại thế sao? Hãy trông súng ống, đại bác của người ta kia kìa!
Quân Nhật đi đến đâu, cả quân Trung ương lẫn Bát lộ quân đều lủi như thỏ đế ấy, cấm thấy ló dạng. Sớm muộn, Trung Quốc cũng là thiên hạ của
người Nhật! Theo quân Nhật là hèn hạ. Gớm, để đến khi đều là con dân của Nhật hoàng cả, xem các người nói gì! Tôi nghe Mũi gãy nói, triều Thanh
cũng là người ngoại bang. Từ Hy Thái hậu cũng không phải là người Hán,
vậy mà bố mình, ông mình cũng vẫn tung hô bà ta vạn tuế đấy thôi! Điều
quan trọng là cuối cùng phải xem ai thống lĩnh thiên hạ! Cứ đợi đấy! Đến khi người Nhật Bản thống lĩnh thiên hạ, tôi được phong làm quan to, xem các người có được thơm lây không!
Kinh Thị cười nhạt:
-
Chú theo người Nhật, thằng Thỉ Căn theo Bát lộ quân, cho dù bên nào
thắng, thì nhà mình vẫn có người làm quan to, thế chẳng phải tốt hơn
sao!
- Đừng nói Bát lộ quân, giả dụ người Nhật thua, thì cũng
chẳng đến lượt Bát lộ quân thắng, rặt một bọn chân đất mắt toét thì làm
nên trò chống gì? Lúc ấy thế nào cũng là thiên hạ của quân Trung ương!
Thế nên hồi trước em mới bảo thằng Thỉ Căn đi nhầm đường. Không theo
quân Nhật thì cũng đừng theo Bát lộ quân. Theo quân Trung ương còn hay
hơn. Cái này thì nó không khôn bằng thằng Lý Tiểu Vũ nhà họ Lý! Thằng đó cũng làm đại đội trưởng của quân Trung ương rồi đấy. Nghe nói có lần nó về thôn, cưỡi ngựa trắng, đeo găng tay trắng, còn có cả lính bảo vệ
theo sau. Còn thằng Thỉ Căn nhà mình có ngựa để cưỡi không? Được mấy
thằng lính đi sau đít thì rõ là bọn nhà quê!
Nói đến đấy, Mao Đán lại chép miệng:
- Nhưng mà em cũng phục thằng Thỉ Căn. Bát lộ quân sống khổ như thế mà nó vẫn chịu được!
Vừa lúc, vợ Mao Đán đập vải ngoài sông về. Thấy Mao Đán về, không rẽ qua
nhà trước, mà lại chạy sang nhà Bố Đại ăn uống, vợ Mao Đán hơi giận, bĩu môi không thèm ngó ngàng đến chồng. Kinh Thị thấy vợ Mao Đán đã về liền cáo từ. Vợ Mao Đán giữ bà ở lại ăn cơm. Nhưng bà bảo ăn chay, không ở
lại, chỉ cầm một cành cây có kiến đang leo. Mao Đán và vợ đi vào nhà.
Mao Đán móc hai chiếc nhẫn vàng từ trong túi quần đưa cho vợ, chị vợ mới tươi tỉnh lên một chút. Mao Đán nịnh vợ, bảo hôm nào về đưa vợ lên thị
trấn chơi làm chị vợ mừng rơn. Mặt trời sắp khuất núi, Mao Đán mới cưỡi
chiếc mô-tô quay về thị trấn. Vừa ngồi lên xe, Mao Đán lại hỏi vợ:
- Tiểu Phùng đâu? Thằng Tiểu Phùng chăn ngựa đâu? Lần này về sao không thấy nó?
Tiểu Phùng là con trai Lão Phùng chăn ngựa đã quá cố. Thời kỳ đầu Dân quốc,
sau khi cha bị hành hình trên huyện, Tiểu Phùng đến nhà họ Tôn làm thuê
thay cha. Sau này lớn lên vẫn làm nghề nuôi ngựa.
Vợ Mao Đán nói:
- Nó không ở nhà, đi lính rồi!
- Đi lính rồi? Sao tôi không biết? Thế nó theo ai?
- Lần trước Thỉ Căn về thủ thỉ với nó một đêm. Hôm sau, nó đi theo Thỉ Căn luôn!
- Mẹ kiếp, thằng này cũng biết rủ rê ghê nhỉ! Trong nhà có một thằng Bát
lộ quân còn chưa đủ hay sao mà còn lôi kéo cả đứa nuôi ngựa!
Mao
Đán mắng xong, cũng chẳng để bụng, lại đẩy xe sang gian nhà tây bảo Bố
Đại ngày rằm sẽ đưa người Nhật đến lấy bột mỳ và lợn. Dặn dò xong xuôi,
lại cưỡi lên chiếc mô-tô, bóp còi inh ỏi ra khỏi thôn về thị trấn.