Gà gáy lần đầu, Tiểu Đắc lọ mọ dậy cho ngựa ăn.
Tiểu Đắc và Tiểu Phùng cùng đến nhà họ Tôn làm thuê. Lúc đầu, công việc của
hai đứa là cho lợn ăn và chăn cừu. Sau này lớn lên, Tiểu Phùng bắt đầu
học nuôi ngựa, Tiểu Đắc bắt đầu học nấu ăn. Hai đứa thân thiện với nhau
như cha chúng ngày trước. Ban ngày, ai làm việc người nấy. Tối đến,
xuống sân sau ngủ chung một buồng. Tiểu Phùng tính tình nỏng nảy, còn
Tiểu Đắc thì nhu mì. Buổi tối, nằm trên giường, Tiểu Phùng nói, cả ngày
chỉ nuôi mỗi con ngựa cũng chán, lúc nào mình cũng phải ra ngoài bay
nhảy một tí; Tiểu Đắc lại thấy công việc nấu nướng của mình tốt chán.
Làm nghề này, có của ngon vật lạ gì đều được nếm tí chút. Quả nhiên, sau này Tiểu Phùng không ở mãi được trong nhà, đi theo Thỉ Căn tham gia Bát lộ quân.
Còn nhớ ngày Thỉ Căn về nhà còn mang theo một chiến sĩ
Bát lộ quân. Tiểu Phùng lân la làm quen với anh lính nọ, mon men sờ súng của anh ta. Anh lính đó xem ra cũng xuất thân nông dân, tay đầy chai,
thạo việc nhà nông. Lúc đầu quét sân, sau đó hót phân trong chuồng ngựa, còn giúp Tiểu Phùng cho ngựa ăn. Tiểu Phùng nói chuyện với anh ta mãi.
Đến tối, Thỉ Căn lại gọi Tiểu Phùng lên nhà trên thủ thỉ đến tận nửa
đêm. Lúc về giường ngủ, Tiểu Phùng đấm một cái, làm Tiểu Đắc đang ngủ
say choàng tỉnh. Tiểu Phùng nói:
- Tiểu Đắc, bắt đầu từ ngày mai, tớ không phải cho ngựa ăn nữa!
- Không cho ngựa ăn thì cho con gì ăn?
- Tớ thỏa thuận với cậu chủ rồi. Ngày mai tớ sẽ theo cậu chủ đi theo Bát lộ quân!
Tiểu Đắc giật mình, túm chặt Tiểu Phùng:
- Cậu to gan thật, dám đi lính. Mẹ cậu biết chưa?-
- Việc này liên quan gì đến mẹ tớ. Tớ đi lính chứ có phải mẹ tớ đâu!
Tiểu Phùng hỏi Tiểu Đắc có đi không. Tiểu Đắc nói:
- Cậu thích đi thì cứ đi. Tớ không đi. Đi lính phải đánh nhau, không phải chuyện đùa đâu!
Tiểu Phùng phá lên cười, gõ cho Tiểu Đắc một cái vào đầu:
- Cậu đúng là đồ nhát hơn cả thỏ đế! Cậu ấy à, cả đời chỉ biết có nấu nướng thôi!
Ngày hôm sau, Tiểu Phùng đi với Thỉ Căn.
Sau khi Tiểu Phùng đi rồi, nhà họ Tôn lại tìm một ông già đến nuôi ngựa.
Ông này cũng ngủ chung một buồng với Tiểu Đắc. Do đã có tuổi, ban đêm
ngủ không được, ông trằn trọc mãi làm Tiểu Đắc không được ngủ ngon giấc. Lúc này, Tiểu Đắc mới thấy nhớ Tiểu Phùng kinh khủng. Không biết cậu ấy đã theo đơn vị đi đến tận đâu rồi. Nuôi ngựa được một tháng, một hôm
ông già sơ ý bị con ngựa ngoạm một phát vào chân, phải khiêng về nhà
dưỡng thương. Chỉ còn lại mỗi mình Tiểu Đắc. Ban ngày, Tiểu Đắc nấu cơm, ban đêm lại phải thức dậy cho ngựa ăn. Lúc này, Tiểu Đắc lại bất mãn
với Tiểu Phùng. Cậu ta đi lính rảnh chân, còn phần việc của hai người
bây giờ dồn hết cho một mình Tiểu Đắc. Trước đây, Tiểu Đắc không có thói quen nửa đêm thức giấc, bây giờ, đang ngủ ngon, bỗng nhiên lại phải dậy cho ngựa ăn. Tiểu Đắc rất bực mình. Cậu ta thường vừa cho ngựa ăn, vừa
chửi Tiểu Phùng. Lúc đầu chỉ là trách cứ, sau chửi nhiều thành quen, cái gì cũng chửi. Đêm nay cũng vậy, vừa cho ngựa ăn, cậu vừa chửi:
- Tiểu Phùng, cậu đúng là thằng khốn!
- Tiểu Phùng, cậu đi lính sướng thật, một mình tự do, chỉ khổ thằng Tiểu Đắc này. Đêm hôm phải lọ mọ cho ngựa ăn thay cậu...
Bỗng phía sau có một bóng người vụt vào nhanh như chớp, gí một vật cưng cứng vào thắt lưng Tiểu Đắc:
- Đứng im, giơ tay lên!
Tiểu Đắc sợ quá, tim đập thình thịch, biết gặp phải phỉ, vội giơ tay lên, chân run lẩy bẩy, lắp bắp:
- Xin ông tha cho con, con chỉ là thằng nuôi ngựa. Ông chủ của con ở nhà trước ạ!
- Hôm nay tao không tìm ông chủ, mà tìm mày!
- Bẩm ông, con chẳng có gì cả, hay ông lấy tạm cái áo của con vậy! -Tiểu Đắc sợ cuống lên.
- Tao không cần áo, tao cần tiền!
- Bẩm ông, con chỉ là thằng nuôi ngựa thuê, làm gì có tiền?
- Mày dám bảo không có tiền à? Cái lọ đất nhỏ mày đặt dưới gầm giường bên trong đựng gì?
Tiểu Đắc biết gặp phải thổ phỉ trong vùng, nếu không sao lại biết rõ như thế. Cậu ta buồn bã:
- Ông đã biết rồi thì để con đưa ông đi lấy, bên trong chỉ có mấy chục đồng tiền lẻ thôi ạ!-
Người phía sau tóm chặt cổ áo Tiểu Đắc nói:
- Cứ thong thả. Còn một việc mày phải nói cho rõ, vừa nãy mày chửi cái gì đấy?
- Bẩm ông, lúc nãy không phải con chửi ông đâu. Con chửi cái thằng Tiểu Phùng!
Người phía sau vỗ cho Tiểu Đắc một cái vào đầu, rồi cười sằng sặc, nói:
- Tiểu Đắc, ngươi là đồ tồi, hãy quay lại xem ta là ai?
Tiểu Đắc quay đầu lại nhìn, người cầm súng phía sau chính là Tiểu Phùng.
Tiểu Đắc thở phào. Lúc nãy sợ bủn rủn cả người, bây giờ cười ngượng:
- Tiểu Phùng, thì ra là cậu, làm tớ sợ hết hồn!
Nói rồi ngắm Tiểu Phùng. Tiểu Phùng thay đổi rồi, mặc một bộ quân phục bằng vải thô, đeo thắt lưng, tay cầm một khẩu súng. Tiểu Phùng nói:
- Cậu giỏi nhỉ, dám chửi tớ sau lưng!
- Còn oan cái nỗi gì. Cậu đi lính, việc nhà cái gì cũng dồn lên tớ, chẳng chửi cậu thì chửi ai?
Hai người cười cười nói nói, khoác tay nhau đi về căn buồng phía sau nơi
trước đây hai người từng ngủ chung. Thắp đèn xong, Tiểu Phùng đưa cho
Tiểu Đắc một điếu thuốc cuốn. Tiểu Đắc nói:
- Xem ra cậu đi lính cũng không đến nỗi tồi, có cả thuốc lá để hút cơ đấy!
Hai người hút thuốc bên ngọn đèn dầu. Tiểu Đắc hỏi:
- Sao, cậu không đi lính nữa à, sao lại lẻn về?
Tiểu Phùng trừng mắt Tiểu Đắc:
- Sao lại bảo là tớ lẻn về? Tớ đang thực thi nhiệm vụ. Ngày mai cậu chủ
sẽ về, tớ đi trước tiền trạm, cũng nhân tiện ghé thăm mẹ tớ!
Hai người nói chuyện một lúc rồi Tiểu Phùng về nhà thăm mẹ.
Quả nhiên, sáng hôm sau, Thỉ Căn cưỡi ngựa về thôn, mang theo vài chiến sĩ
Bát lộ quân. Thỉ Căn cao 1 mét 78, mặc quân phục, đeo thắt lưng, cài
súng lục, trông rất đẹp trai. Thực ra, đơn vị bộ đội của Thỉ Căn không
phải là quân chính quy của Bát lộ quân, mà chỉ là huyện đội. Các chiến
sĩ trong huyện đội đều là dân binh tuyển từ các làng. Mặc dù đã khoác
lên mình bộ quân phục, nhưng có người vẫn chưa thoát khỏi dáng dấp con
nhà nông. Thật ra, khi Bát lộ quân đến trường cấp 3 số 1 Khai Phong
tuyển sĩ quan, đã cử Thỉ Căn vào quân chính quy. Hơn một năm sau, Bát lộ quân cần mở một căn cứ địa ở đây. Nghe nói Thỉ Căn thông thạo vùng này, liền cử cậu về huyện đội làm đại đội trưởng. Bề ngoài, huyện đội vẫn
xưng là quân chính quy. Lần nào Thỉ Căn về nhà cũng mượn ngựa để cưỡi
cho oai, và mang theo một vài người lính có thời gian ở huyện đội đã
lâu. Thật ra, khi trường cấp 3 số 1 Khai Phong sơ tán, Thỉ Căn vốn không định gia nhập Bát lộ quân, mà muốn theo quân Trung ương. Nhưng chỉ vì
con trai kẻ thù là Lý Tiểu Vũ gia nhập quân Trung ương, Thỉ Căn không
muốn ở cùng với Tiểu Vũ, nên mới theo Bát lộ quân. Ở Bát lộ quân được
hai tháng thì Thỉ Căn bắt đầu thấy hối hận. Chuyện sinh hoạt vất vả
không nói, nhưng cả ngày chỉ ra rả toàn những phát động quần chúng, giảm tô giảm tức, liên hợp kháng Nhật, khô khan kinh khủng. Ở chung với bọn
tá điền mình đầy chấy rận, Thỉ Căn cũng bị lây. Lính dưới quyền của Thỉ
Căn không ai là không có rận. Lúc này, vừa xảy ra “sự biến Tây An”[9].
Quốc dân đảng và Đảng cộng sản đang bàn chuyện hợp tác. Thỉ Căn đến
doanh trại của quân Trung ương tham quan, thấy bên đó mới ra dáng quân
đội. Doanh trại ra doanh trại, binh sĩ ngày nào cũng thao luyện, sĩ quan đi ủng, đeo găng tay trắng đứng cạnh đốc thúc binh sĩ. Trong lúc tham
quan, bắt gặp bạn cùng học ở trường cấp 3 số 1 Khai Phong là Tiểu Vũ.
Mình thì rận đang bò lổm ngổm trên người, còn bạn thì đi ủng bóng lộn,
đeo găng tay trắng muốt, trên ve áo còn đeo quân hàm thượng úy. Phần vì
là kẻ thù của nhau, phần vì ngượng với bộ quần áo của mình, Thỉ Căn lờ
Tiểu Vũ đi. Nhưng Tiểu Vũ lại tươi cười chủ động đến bắt tay Thỉ Căn:
- Cậu đến đấy à! Chào mừng cậu xuống đại đội tớ chỉ đạo!
Lúc này, Thỉ Căn vô cùng ân hận. Hận mình chỉ vì chuyện cá nhân nên đầu
quân nhầm, làm hỏng cả việc lớn. Bây giờ hối cũng không kịp. Hơn một năm liền như vậy, Thỉ Căn luôn trong trạng thái chán nản. Cho đến khi trung đoàn điều xuống một vị chính uỷ mới. Vị này là sinh viên tốt nghiệp
trường đại học Nam Kinh. Sau vài lần nói chuyện với chính uỷ, Thỉ Căn
mới chợt tỉnh ngộ, mới biết tương lai của Bát lộ quân rất xán lạn. Thỉ
Căn thầm trách mình trước đây thiển cận quá. Vị chính uỷ này họ Văn,
cũng xuất thân từ gia đình giàu có, nhưng không câu nệ đến hình thức bên ngoài, không bận tâm đến mấy con rận, nhưng lại rất tinh tường, nhìn
thấy viễn cảnh của thế giới. Anh nói: Bát lộ quân bây giờ tuy quy mô còn nhỏ, quần áo lam lũ, nhưng tiền đồ còn sáng sủa hơn cả quân Trung ương. Vì sao vậy? Anh bảo, lý do rất đơn giản. Bởi Bát lộ quân lam lũ giống
như bà con, lại giúp bà con giảm tô giảm tức, bà con sẽ ủng hộ Bát lộ
quân. Còn trong nội bộ Bát lộ quân thì sao? Từ chiến sĩ đến chỉ huy đều
lam lũ như nhau, đồng cam cộng khổ, trên dưới một lòng. Một đội quân như vậy chắc chắn sẽ chiến thắng, chắc chắn có tiền đồ phát triển. Còn như
quân Trung ương, trông bề ngoài thì đội ngũ có vẻ chỉnh tề, được đi ủng, đeo găng tay trắng, nhưng đó chỉ là tạm thời. Một là, bọn chúng khinh
rẻ người nghèo, trong khi người nghèo lại chiếm đại đa số trong thiên
hạ. Đại đa số người nghèo bị khinh rẻ, đương nhiên sẽ không ủng hộ
chúng. Mất lòng tin với dân sẽ mất thiên hạ. Còn trong nội bộ quân trung ương thì sao, chỉ huy thì sung sướng, lính tráng thì vất vả. Cánh chỉ
huy từ trên xuống dưới, tất cả đều ăn lương của lính, uống máu của lính, thối nát tột độ. Một đội quân như vậy, thì dù có máy bay, đại bác, thì
cuối cùng vẫn sẽ thất bại. Còn như quân Nhật, mặc dù bây giờ xem ra có
vẻ mạnh, nhưng cũng không có tiền đồ. Một là, nước Nhật quá nhỏ bé, còn
Trung Quốc lại quá lớn, Nhật không thể chiếm được Trung Quốc, bởi như
vậy chẳng khác nào kiến ăn thịt voi, bò lên mình voi được đấy, nhưng làm sao ăn được voi; Hai là chúng đắc tội với quá nhiều người, đến như Mỹ,
Anh, Liên Xô chúng cũng đắc tội, mọi người cùng hợp lực vào đánh thì
chẳng có lý gì quân Nhật không bị bại. Thất bại là chắc chắn, vấn đề chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Còn bọn thổ phỉ hoạt động ở thảo nguyên chỉ là bọn tép riu, chẳng có gì đáng nói. Bởi vậy, trong tương lai, thiên hạ
chắc chắn thuộc về Đảng cộng sản và Bát lộ quân! Lập luận đanh thép của
chính uỷ làm Thỉ Căn sực tỉnh, trách mình không biết nhìn xa trông rộng, tầm nhìn thiển cận! Chính uỷ Văn đúng là tốt nghiệp Đại học Nam Kinh có khác. Nói chuyện mà cứ như Gia Cát Lượng nói chuyện thiên hạ, giỏi gấp
vạn lần cánh học sinh tốt nghiệp trường trung học số 1 Khai Phong. Đứng
trước chính uỷ Văn, Thỉ Căn thấy mình chẳng khác gì kẻ mù chữ. Anh rất
khâm phục chính uỷ, nói:
- Thưa chính uỷ, đồng chí nói chuyện hay quá! Tôi được dịp mở rộng tầm mắt!
Kể từ đó, Thỉ Căn như trở thành con người khác. Không còn sợ lũ rận, cũng
không còn khinh dể người nghèo, đến đâu cũng tất tả gánh nước, quét nhà
giúp tá điền như chiến sĩ, giúp dân nghèo giảm tô giảm tức. Sau này cần
mở căn cứ địa ở huyện, chính uỷ cử Thỉ Căn đến huyện đội. Thỉ Căn chấp
hành mệnh lệnh ngay, khoác ba lô đến huyện đội làm đại đội trưởng. Chiến sĩ ở huyện đội đều là dân binh vừa được điều lên, càng không chính quy
bằng Bát lộ quân, hơi tị lại giở thói ở quê. Đưa cho anh ta một khẩu
súng, anh ta cầm súng cứ như cầm xẻng hót phân, hoặc lại dùng súng làm
gậy ba-toong. Nhưng Thỉ Căn không gắt gỏng, mà nhắc nhở họ dần dần. Một
lần tình cờ chạm trán quân Nhật. Trong lúc hỗn chiến, đại đội của anh
mặc dù bị chết ba người, nhưng lại bắn chết một tên lính Nhật, được
chính uỷ huyện đội biểu dương. Chỉ có điều, mỗi lần về thôn, Thỉ Căn đều muốn ra oai, nên mượn một con ngựa để cưỡi, rồi chọn lấy vài chiến sĩ
đi cùng. Chính uỷ huyện đội cũng là bạn học của chính uỷ Văn, biết ai
cũng có cái hay cái dở cả, nên không trách cứ gì, chỉ cười. Có lần, còn
đem cả bộ quân phục mới toanh của mình cho Thỉ Căn mượn. Lần này Thỉ Căn về thôn, bộ quân phục mặc trên người là mượn của chính uỷ huyện đội.
Thỉ Căn cưỡi ngựa vào thôn, nhiều người trông thấy, đều chạy ra chào hỏi.
Thỉ Căn xuống ngựa, cũng mỉm cười chào mọi người. Lúc này, mấy chiến sĩ
Bát lộ quân cũng tự động xếp thành hàng dọc, đi đều bước, trông ra dáng
lắm. Mọi người chăm chú ngắm mấy chiến sĩ Bát lộ quân đi đội ngũ. Đến
cửa nhà Thỉ Căn, hai chiến sĩ bước lên làm nhiệm vụ canh gác. Thỉ Căn
xua tay:
- Ở đây không có địch, không cần gác, vào nhà uống nước đi!
Mẹ Thỉ Căn là Kinh Thị vừa vặn ra cửa đón. Bà xởi lởi:
- Con trai mẹ về đấy à!
Mặc dù thường ngày ăn chay, nhưng Kinh Thị vẫn dặn người hầu mổ gà, làm bữa cải thiện cho Thỉ Căn và anh em lính tráng. Tiểu Phùng cũng chạy ra
đón, rồi dắt ngựa của Thỉ Căn vào chuồng. Rửa mặt, uống nước xong, Thỉ
Căn ngồi trong nhà nói chuyện với mẹ, còn mấy chiến sĩ khác thì chia
nhau đến nhà dân trong thôn giúp quét nhà, gánh nước. Dân trong thôn
phấn khởi lắm, khen:
- Lính của Thỉ Căn thật không chê vào đâu được!
- Bát lộ quân không kênh kiệu tí nào!
Cũng có người thấy bộ đội Bát lộ quân không kênh kiệu lại tỏ vẻ khinh
thường. Khi hỏi xuất thân của mấy chiến sĩ, thấy họ cũng chẳng khác gì
mình, mấy tháng trước vẫn làm đồng áng ở nhà, lại thấy việc họ quét sân
giúp mình là chuyện bình thường, có người còn mon men đến sờ soạng vào
túi gạo của bộ đội.
Thỉ Căn đang nói chuyện với mẹ dưới gốc táo trong nhà, bỗng một người lính chạy vào, nói:
- Báo cáo đại đội trưởng, ở phía tây của thôn có kẻ đang đánh dân!
Thỉ Căn nghe nói có kẻ đánh dân, tưởng là bọn phỉ tới, liền rút súng ra nói:
- Tập hợp anh em, ra đó xem thế nào!
Kinh Thị sợ quá, nói:
- Thỉ Căn, con làm sao vậy?
- Mẹ, bọn con là quân đội của dân. Có người đánh dân, thì bọn con không thể khoanh tay ngồi nhìn!
Nói rồi dẫn lính đi. Thì ra, ở phía tây thôn có một tá điền tên là Tống Hồ
Náo. Trưởng thôn Bố Đại lệnh trai làng treo anh ta lên cây đánh. Kể từ
khi Mao Đán về thôn dặn phải nộp một xe ngựa chở bột mỳ và hai con lợn
cho quân Nhật, Bố Đại đang thực thi nhiệm vụ. Đây là thiên hạ của người
Nhật. Ngày rằm tới, quân Nhật sẽ cho lính đến lấy bột mỳ. Kiểu gì cũng
phải có đủ! Nhưng thu cả buổi sáng mới được có hai bao. Bố Đại có phần
sốt ruột. Lúc đến nhà Hồ Náo thu bột, hắn ta giở tính cùn, ngồi chềnh
ềnh ở cửa ra vào, sa sẩm mặt mày nói:
- Trưởng thôn, xin ông bỏ
qua cho nhà con lần này! Con gái con ốm đã một năm nay, vẫn phải ăn lá
hòe, vậy mà các ông còn muốn nộp bột mỳ? Muốn bột mỳ cũng được, nhưng
phải đánh chết con trước đã!
Bố Đại vốn chỉ thích ngọt nhạt,
không ưa nặng. Nói năng tử tế còn có thể thương lượng. Chứ đã định giở
trò thì ông phải trừng trị thẳng tay. Nếu không, sau này làm sao còn
quản lý được cái thôn này? Bố Đại nói:
- Thằng này gớm nhỉ? Mày
tưởng tao thu bột mỳ cho nhà tao ăn chắc! Nói cho mày biết, lần này thu
bột mỳ để nộp cho quân Nhật! Mày thích chết, tao cho chết. Bay đâu, treo thằng này lên cho tao!
Hồ Náo lao đến định liều mạng thì bị Bố
Đại đá một đá lăn quay. Mấy tên trai làng liền treo Hồ Náo lên cây để
đánh. Đánh được vài roi, Hồ Náo đã rống lên như lợn, lát sau nhũn như
con chi chi. Lúc này, bên ngoài bỗng có mấy người lính đi vào, tưởng là
đến bắt mình, Hồ Náo vội khẩn khoản Bố Đại:
- Ông ơi, đừng để
lính bắt con. Chỉ tại con trẻ người non dạ, ăn không nên đọi nói không
nên lời. Để con nộp bột mỳ, để con nộp bột mỳ. Trong cái hũ con để dưới
máng đá trong chuồng bò còn một nửa hũ mạch giống, để con mang đi xát
rồi đem nộp ông!
Lúc này, Thỉ Căn đã bước đến trước mặt, mấy
người lính tiến lên chĩa súng vào Bố Đại và đám trai làng. Tiểu Phùng
đến cởi trói cho Hồ Náo. Hồ Náo lúc này mới biết quân đội đến cứu mình,
mới biết đấy là bộ đội Bát lộ quân dưới quyền của Thỉ Căn, bỗng lại cảm
thấy tủi thân, ngồi thụp xuống đất khóc hu hu. Bố Đại thấy lính của Thỉ
Căn dám ép mình, vốn định lao đến cho Thỉ Căn cái bạt tai, nhưng thấy
Thỉ Căn nhíu mày, tay cầm súng, đành trừng mắt nhìn Thỉ Căn rồi dẫn trai làng ra về.
Buổi trưa, Thỉ Căn và Bố Đại cùng ăn cơm với nhau. Thỉ Căn nói:
- Chú này, chú làm việc cho quân Nhật tích cực thật đấy! Chỉ vì mỗi tí bột mỳ, mà treo cả người ta lên để đánh!
Bố Đại trợn mắt nhìn Thỉ Căn:
- Mày nói thì dễ. Ai chẳng thích làm điều hay.Mày treo người ta lên thì
tao cũng sẽ cởi trói cho người ta. Nhưng cởi trói cho người ta rồi mày
vỗ mông bỏ đi là xong chuyện. Còn tao ở lại, đợi đến ngày rằm, bọn Nhật
kéo đến lấy bột mỳ. Nếu không có bột mỳ thì bọn nó không treo cổ tao lên chắc? Bát lộ quân chúng mày có giỏi thì đợi đến ngày 15 nói chuyện với
bọn Nhật, bảo chúng nó đừng lấy bột mỳ nữa! Vùng này là thiên hạ của bọn Nhật, chúng mày về đây chẳng phải cũng lén lén lút lút sao? Mang tiếng
là đại đội trưởng Bát lộ quân, sao mày không cưỡi ngựa lên thị trấn mà
chơi? Chúng mày cũng sợ bọn Nhật, phải không? Chúng mày biết bà con sống khổ sống sở, sao không mang lương thực đến cho bà con? Nói cho mày
biết, dần trước nộp lương thực cho chúng mày, tao cũng đã phải treo
người lên rần cho một trận rồi đấy! Nếu không làm thế, lấy đâu ra lương
thực mà nộp. Bây giờ trong thôn nhà nào cũng phải ăn lá hòe cả!
Nói đến đây, Bố Đại không nói nữa, chỉ trừng mắt nhìn Thỉ Căn. Thỉ Căn
không biết nói thế nào, đứng dậy rót cho Bố Đại một ly rượu.
Được vài chén, Bố Đại hết giận, nói:
- Thời chú còn trẻ cũng đã đi lính! Nhưng bây giờ cũng đã năm mươi rồi!
Lại nói:
- Tao già rồi, bị chúng mày chèn vào giữa rồi!
Thỉ Căn và Bố Đại nói chuyện trên nhà, còn Tiểu Phùng và Tiểu Đắc nói
chuyện trong bếp. Tiểu Đắc làm cho Tiểu Phùng hẳn một bát màn thầu. Đợi
Tiểu Phùng ăn xong, Tiểu Đắc ngỏ ý mượn Tiểu Phùng một quả lựu đạn, bảo
đêm hôm dậy cho ngựa ăn, có nó sẽ không sợ. Tiểu Phùng thấy hơi khó xử,
nhưng cũng vẫn lấy từ thắt lưng một quả kín đáo đưa cho Tiểu Đắc, nói:
- Cẩn thận kẻo nổ!
- Tớ không nghịch đâu, ban đêm cho ngựa ăn tớ mới mang theo.
Rồi đút quả lựu đạn vào trong chiếc hũ đất nhỏ ở đầu giường.
Buổi tối, Thỉ Căn dẫn lính quay về đơn vị. Hôm ấy là ngày mùng 10 âm lịch,
đi được nửa đường, trăng đã lên cao. Thỉ Căn cưỡi ngựa đi phía trước,
lính tráng đi bộ theo sau bàn tán chuyện ngày rằm bọn Nhật đến thu bột
mỳ và lợn. Thỉ Căn nghe lính nói chuyện, bỗng lóe lên một ý nghĩ, anh
quất ngựa thật mạnh, con ngựa vùng chạy, quân lính hớt hải chạy theo.
Được bảy, tám dặm, quân lính mệt nhoài, nói:
- Đại đội trưởng, đừng chạy nữa, đại đội trưởng đang cưỡi ngựa đấy!
Về đến huyện đội đã là sáng sớm ngày hôm sau. Thỉ Căn lập tức đi tìm chính uỷ, nêu kiến nghị: ngày 15 bọn Nhật đến thôn Mã thu lương thực, anh sẽ
dẫn quân tiêu diệt địch. Có mấy lý do: Một là đó là quê hương của anh,
nên anh khá thông thạo địa hình, đánh chắc thắng; Hai là bọn Nhật không
phòng bị, nếu bị tấn công bất ngờ sẽ trở tay không kịp; Ba là kể từ khi
huyện đội thành lập đến nay, chưa dám đánh nhau trực diện với quân Nhật. Mặc dù lần trước tình cờ đọ súng với quân Nhật một lần, nhưng bị bọn
chúng đánh cho chạy tán loạn, chết mất ba người mà chỉ giết được một
lính Nhật. Nhưng lần này quân ta có thể diệt gọn ba lính Nhật, mà không
ai bị đổ máu. Thắng trận này vừa có thể khích lệ tinh thần chiến sĩ, vừa có thể mở rộng ảnh hưởng của Bát lộ quân;Bốn là quân Nhật có vũ khí
tốt, bất ngờ tấn công tiêu diệu bọn chúng có thể tịch thu vũ khí bổ sung cho huyện đội. Chính uỷ nghe Thỉ Căn trình bày “Bốn là” xong rất mừng,
phê chuẩn ngay kế hoạch của anh. Thỉ Căn lập tức quay về doanh trại, dặn anh em chiến sĩ chuẩn bị sẵn sàng. Sau đó, lại cử Tiểu Phùng về thôn
thám thính tình hình. Đến ngày rằm tiếp ứng bộ đội vào thôn. Đồng thời,
dặn Tiểu Phùng không được nói năng tùy tiện, phải giữ bí mật quân sự.
Khi Thỉ Căn tính đến kế hoạch đánh địch lần này, vẫn còn “Ba là” chưa nói
ra với chính uỷ. Một là anh vừa mới đến huyện đội, muốn đánh một trận
thật đẹp để khẳng định mình; Hai là huyện đội không có huyện đội trưởng, chỉ có một huyện đội phó, lại ốm đau bệnh tật suốt. Anh muốn nhân trận
thắng này được đề bạt lên hẳn chức huyện đội trưởng; Ba là trận này đánh ở quê nhà, nếu thắng trận, sẽ giải quyết được “khâu oai”.