Ngày mùng 6 tháng chạp, đấu tố địa chủ Văn Vũ.
Hội trường đặt ở trước Văn phòng thôn. Mấy lá cờ đỏ cắm trên cành cây ở
xung quanh hội trường. Trên chiếc bục đắp bằng đất ở hội trường treo mấy câu biểu ngữ:
- Đả đảo địa chủ ác bá Lý Văn Vũ!
- Bắt Lý Văn Vũ trả nợ máu!
- Có oán báo oán, có thù trả thù!
- Bần nông trong thiên hạ trên dưới một lòng!
Vân vân và vân vân ...
Trưởng đoàn bần nông là Thích Vị đeo thắt lưng vũ trang, cổ buộc một chiếc
khăn mặt, sau mông lủng lẳng quả lựu đạn, đi đi lại lại trong hội
trường. Trước khi buổi đấu tố bắt đầu, anh ta gọi một phường trống kèn
đến (phát cho mỗi người hai thăng gạo) bảo họ chơi nhạc ở trên bục. Quần chúng trong thôn đều được phát động. Nghe thấy tiếng trống kèn rộn rã
trước Văn phòng thôn, họ háo hức như đi xem kịch, lũ lượt kéo đến tụ tập ở Văn phòng thôn. Thích Vị liền chỉ cho mọi người chỗ đứng. Phó trưởng
đoàn bần nông Lại Hòa Thượng dẫn mấy đoàn viên, mỗi người cầm một cây
thương tua rua đỏ đến nhà họ Lý áp giải Văn Vũ. Lúc này, Thích Vị lại
chạy đến Văn phòng thôn tìm công tác viên Lão Phạm. Lão Phạm đang bò
toài trước bàn viết thư cho chủ tịch huyện. Thích Vị nói:
- Thưa đồng chí công tác viên, tôi muốn báo cáo với đồng chí một việc!
Lão Phạm dừng tay, ngẩng đầu lên hỏi:
- Đồng chí muốn báo cáo việc gì?
- Tôi nghĩ đi nghĩ lại mãi, nếu hôm nay chỉ đấu mỗi Văn Vũ thì chẳng thú vị gì, chúng ta phải tìm hai người nữa cho đấu cùng!
- Tìm ai đấu cùng? Hứa Bố Đại, Lộ Tiểu Thốc thì sẽ tổ chức một buổi đấu tố riêng rồi!
- Bố Đại, Tiểu Thốc không được, thì cũng phải tìm cho bằng được. Văn Vũ
có một người anh ruột tên là Lý Văn Náo, tội ác chồng chất, từng giết
mất mấy mạng người!
- Lý Văn Náo? Sao tôi chưa gặp hắn ta bao giờ? Một tên ác bá như vậy sao chúng ta lại không lôi ra nhỉ!
- Ông ta đã chết rồi!
- Đã chết rồi thì làm sao cho đấu tố cùng được?
- Ông ta có hai người con trai, một người là Lý Thanh Dương, một người là Lý Băng Dương!
- Tội của bọn chúng lớn không?
- Đã là địa chủ thì đều có tội ác. Đừng thấy bọn chúng mới có hơn 20 tuổi đầu. Bọn chúng đều lấy vợ năm 16 tuổi đấy! Oắt con mà đã biết bắt con
em người nghèo làm ngựa cho chúng cưỡi!
- Bây giờ chúng có tội ác gì?
- Bây giờ, bọn chúng cũng không ngoan ngoãn, không phục đoàn bần nông.
Lão địa chủ trông thấy đoàn bần nông còn phải cúi đầu khom lưng. Nhưng
hai thằng nhãi này đến giờ vẫn cứ giương mắt ếch ra nhìn. Tôi nghe Hòa
Thượng nói, đêm hôm trước, anh ta và mấy thanh niên đến nhà Thanh Dương
rình nghe trộm. Lúc vợ chồng nó làm chuyện kia, mà nó vẫn cứ làu bàu với vợ nó rằng đợi quân Trung ương về báo thù! Làm một cái nó nói một câu,
làm vợ nó cứ rống lên!...
Lão Phạm xua tay, không để cho Thích Vị nói tiếp. Cuối cùng đập tay xuống bàn:
- Được, cho bọn nó đấu cùng!
Thế là buổi đấu tố hôm đó có thêm hai người bị đấu cùng. Đương nhiên, vẫn
đấu tố Văn Vũ là chính để quần chúng lên bục tố cáo tội ác Văn Vũ gây ra cho mình. Thích Vị chủ trì buổi đấu tố. Hòa Thượng phụ trách khâu giữ
gìn trật tự. Văn Vũ, Thanh Dương và Băng Dương phải đeo một tấm biển lớn trên cổ, đứng cúi đầu trên bục. Sau lưng họ là cánh kèn trống. Cứ có
người lên tố cáo được một lúc là Thích Vị lại cho cánh kèn trống chơi
nhạc inh ỏi. Làm cho không khí hội trường cứ hừng hực. Mọi người phấn
chấn như xem kịch. Công tác viên Lão Phạm không ngồi trên bục, mà ngồi
sau cánh gà. Mặc dù thấy việc kết hợp giữa một bên là tố cáo nỗi thống
khổ, một bên là đánh trống thổi kèn không được hợp lý cho lắm, nhưng anh ta cho rằng đây cũng là một phương thức đấu tranh, thế nên không can
ngăn. Đợi tan buổi đấu tố, Lão Phạm hỏi Thích Vị:
- Sao lại nói một đoạn, nổi nhạc một đoạn, ầm ĩ thế?
Thích Vị nói:
- Đổi đời thì cũng phải cho ra dáng đổi đời chứ ạ!
Lão Phạm phì cười không nói gì nữa. Nhưng anh rất không hài lòng với hiệu
quả của buổi đấu tố hôm nay. Bởi sau khi buổi đấu tố kết thúc, Văn Vũ,
Thanh Dương và Băng Dương đã bị giải đi, nhưng quần chúng vẫn chưa ra về ngay, còn nán lại bảo cánh kèn trống chơi nhạc tiếp. Hội trường ồn ã
tiếng cười nói. Dường như hôm nay không phải họ đến đây để đấu tố địa
chủ mà là để xem biểu diễn văn nghệ. Lão Phạm đã làm cải cách ruộng đất ở vùng đông bắc. Theo kinh nghiệm của anh, mỗi khi cuộc đấu tố kết thúc,
quần chúng đều nước mắt nước mũi vòng quanh vây lấy địa chủ thể hiện sự
căm thù của mình, thậm chí họ còn ném đá vụt gậy. Thế mới thực sự là
phát động quần chúng. Chứ như cuộc đấu tố hôm nay chẳng khác gì lại nấu
một nồi cơm sống. Nồi cơm sống hôm nay rõ ràng có liên quan đến việc
Thích Vị đưa một ban kèn trống đến làm phân tán sức chú ý của quần
chúng. Nhưng nếu xét về nội dung đấu tố, rõ ràng vẫn chưa được sát sao,
vẫn chưa có ai khơi dậy được mối căm thù tận xương tận tủy của quần
chúng với địa chủ, mà mới chỉ dừng lại ở chuyện chỉ trích mấy chuyện vặt vãnh. Đại loại như: Một lần vay Văn Vũ hay Văn Náo lương thực, nhưng
bọn họ không cho vay, làm con trẻ đói quá khóc lóc ầm ĩ. Hay: Một lần
muốn xin làm thuê lâu dài cho nhà họ Lý, nhưng bọn họ không chịu, người
thôn mình thì không thuê lại đi mướn người thôn khác. Hay: Một lần Văn
Náo thả ngựa vào thửa ruộng của nông dân, ăn hết hoa màu của anh ta. Vân vân và vân vân... Chứ vẫn chưa nói ra được mối thù hận sâu sắc hơn.
Buổi đấu tố tiến hành đến nửa chừng, Lão Phạm kín đáo gọi riêng Thích Vị đến, gợi ý:
- Thích Vị, anh lên phát biểu xem thế nào? Chẳng
phải anh bảo nhà họ Lý từng bức tử mẹ anh sao? Anh phải lên bục tố cáo
bọn chúng!
Thích Vị cum cúp nghe lời, lập tức lên bục tố cáo. Đợi cánh kèn trống tấu một đoạn nhạc xong, anh ta bắt đầu vạch tội nhà địa
chủ họ Lý, rằng ngày này tháng này năm này, địa chủ Văn Náo đã đến nhà
anh ta cưỡng bức mẹ anh ta, khiến bà phải treo cổ tự vẫn. Nào ngờ, một
bần nông già tên là Lý Thủ Thành đứng dưới bục chỉ vào mặt Thích Vị nói:
- Thích Vị, việc này những người lớn tuổi đều biết cả. Không thể trách Văn Náo được. Việc này do mẹ anh tự nguyện!
Dưới bục rộ lên tiếng cười. Thích Vị tức giận, chỉ vào mặt ông già nói:
- Thủ Thành, đ. con mẹ mày chứ, chỉ có mẹ mày mới gian dâm với địa chủ!
Nói rồi móc quả lựu đạn ra, đòi cho ông già nổ tan xác. Ông già hãi quá
chui qua háng dân làng bỏ trốn. Hội trường một phen náo loạn. Lúc này,
Lão Phạm đành phải xuất hiện, bảo cánh kèn trống nổi nhạc lên mới ổn
định được tình hình, rồi cho người dân khác lên đấu tố tiếp.
Buổi đấu tố đầu tiên lại trở thành bữa cơm sống sượng. Nhưng công tác viên
Lão Phạm không tức giận. Lão Phạm không phải là Lão Giả, anh ta rất giàu kinh nghiệm đấu tranh. Nên anh không hề nóng vội. Ngay buổi tối hôm đấu tố, anh triệu tập các đoàn viên cốt cán trong đoàn bần nông đến hỏi:
- Buổi đấu tố địa chủ hôm nay có hay không?
Phó trưởng đoàn bần nông Lại Hòa Thượng phát biểu trước:
- Hay quá chứ lị! Còn hay hơn cả xem kịch! Trước đây trông thấy địa chủ
đều sợ. Thì ra địa chủ cũng có lúc lên voi xuống chó. Lúc tôi đi bắt hai tên Thanh Dương và Băng Dương, mọi người có biết bọn chúng gọi tôi là
gì không? Là “ông” cơ đấy. Tôi xoay mũi thương về phía bọn chúng, bọn
chúng luôn miệng “Bẩm ông”, “Bẩm ông”!
Trưởng đoàn bần nông Thích Vị nói:
- Chỉ tại lão già Thủ Thành giở trò, gây náo loạn hội trường. Công tác
viên, ngày mai chúng ta đừng đấu tố địa chủ vội, đấu tố lão Thủ Thành
trước đã!
Lão Phạm mỉm cười xua tay:
- Thích Vị, không
được chuyển hướng đấu tranh. Vẫn phải đấu tố địa chủ trước. Theo tôi,
cuộc đấu tố hôm nay không thành công. Đấu tố mà êm đềm quá. Đấu tố xong
rồi, địa chủ vẫn là địa chủ, thế thì không được! Vừa rồi Hòa Thượng bảo
hay hơn cả xem kịch, nhưng tôi lại thấy ngược lại. Thời ở bộ đội, tôi
được xem vở kịch “Bạch Mao nữ”. Chỉ là diễn kịch thôi, mà quần chúng ném đá lên sân khấu như mưa, có chiến sĩ còn kéo khóa chốt an toàn, đòi bắn bỏ tên địa chủ. Còn chúng ta thì sao? Sau buổi đấu tố, mọi người chẳng
hề căm thù địa chủ, mà lại thích ở lại nghe nhạc. Làm thế không được!
Chứng tỏ công tác của chúng ta vẫn chưa sâu sát. Lãnh đạo đoàn bần nông
chúng ta phải tiếp tục xuống cơ sở phát động quần chúng, khơi dậy hồi ức của quần chúng. Lần sau đừng có kể lể mấy chuyện vặt vãnh lông gà lông
vịt nữa, hãy kể những chuyện thật kinh thiên động địa vào. Có chuyện
giết người không? Có chuyện đẩy người dân vào cảnh khốn cùng tan cửa nát nhà không? Tôi nghĩ là có. Trên thế gian này không tên địa chủ nào là
không có việc đó. Nếu không, đã không gọi là địa chủ. Điều mấu chốt là,
chúng ta có khơi dậy được hồi ức của quần chúng hay không? Nếu không làm được điều này thì không thể nào đánh đổ được địa chủ. Lúc ấy, chỉ có
thể trách chúng ta, chứ không thể đổ lỗi cho địa chủ. Bởi vậy, tôi nghĩ, cuộc đấu tố hôm nay không tính. Bọn Văn Vũ coi như chưa bị đấu tố, phải làm lại một lần nữa! Cuộc đấu tố lần sau không thể yên ả như hôm nay
được, cũng không được gọi cánh kèn trống đến. Chúng ta phải đánh đổ thật sự tên Lý Văn Vũ!
Lão Phạm nói xong, buổi họp kết thúc. Bọn
Thích Vị, Hòa Thượng ra khỏi Văn phòng thôn mà đầu óc vẫn mông lung. Chỉ nhớ rõ hai chữ: “Hồi ức”. Thích Vị nói:
- Đúng là bọn mình phải “hồi ức”!
Hòa Thượng nói:
- Tôi cũng cảm thấy buổi đấu tố hôm nay thiêu thiếu một cái gì đó. Đấu tố địa chủ xong, mà địa chủ vẫn yên bình. Thế này vậy, anh chịu trách
nhiệm khơi dậy “hồi ức” của quần chúng, còn tôi lo chuyện làm cho lần
đấu tố lần sau không còn yên ả. Công tác viên bảo chúng ta yên ả quá.
Nhưng tôi thấy anh ấy còn yên ả hơn! Muốn làm cho không yên ả cũng có
phải đơn giản đâu? Nếu biết sớm đấu tố không được yên ả quá, thì đã
không phải tổ chức đến lần thứ hai!
Hôm sau, tin “Buổi đấu tố Lý
Văn Vũ ngày hôm qua không tính, phải làm lại lần nữa” lan ra khắp thôn.
Quần chúng nghe thấy chẳng phản ứng gì, dù sao cũng đang là tháng chạp,
nông nhàn chẳng có việc gì làm. Đi đấu địa chủ lại được nghe nhạc, vui
vẻ đón một năm mới sắp đến. Thế đâm hay! Nhưng ngay sau đó, Thích Vị đã
đến từng nhà giao nhiệm vụ: “Hồi ức”!
Tin đến tai lão địa chủ Lý
Văn Vũ, ông ta bủn rủn chân tay ngã lăn ra đất. Công tác viên Lão Phạm
thấy buổi đấu tố chưa sâu sắc, nhưng Văn Vũ lại thấy đã quá quá sâu sắc
rồi. Mấy đời nhà ông trước đây đều làm địa chủ, đứng trước người khác
mặt lúc nào cũng tươi như hoa, nào ngờ bây giờ trước mặt người ta lại
phải đeo biển dỏng tai nghe bị đấu tố. Sau lưng còn có mấy tên kèn trống nhạc nhẽo om xòm, chọc ông ta cứ như chọc khỉ. Hôm đó, đấu tố xong về
đến nhà, Văn Vũ nằm lăn ra đệm khóc. Đảng cộng sản ghê gớm thật, tịch
thu nhà cửa ruộng đất thôi thì cũng xong, việc gì phải làm nhục nhau như thế. Lúc ấy, Văn Vũ đã nghĩ đến chuyện thắt cổ tự tử. Nhưng nghĩ đến
con cháu trong nhà, lại cả cô con dâu sắp đến kỳ ở cữ đang trốn trong
hầm, lại thở dài, bỏ hẳn ý định treo cổ. Đến tối, ông chẳng buồn ăn cơm, lên giường ngủ sớm. Trùm chăn lên đầu xong, ông lại khóc hu hu.