Hoa Vàng Cố Hương

Chương 5: Q.3 - Chương 5: Chương 2




Hai hôm nay, Bố Đại săn được ba con thỏ. Có được “chiến tích vẻ vang” này là nhờ có tuyết. Trận tuyết tháng chạp năm 1949 rất to. Tuyết rơi nặng quá, làm sập cả chuồng bò nhà bần nông Thủ Thành. Ngoài đồng, tuyết phủ dày một thước, trắng xóa một vùng. Thỏ không còn chỗ nấp, lạc đường, chạm ngay mũi súng của Bố Đại. Bố Đại treo vắt vẻo con thỏ săn được trên nòng súng, cứ thế vác về thôn. Đến đầu thôn, gặp trưởng đoàn bần nông Thích Vị. Thích Vị trước đây rất sợ gặp Bố Đại. Nhưng bây giờ đã thành trưởng đoàn bần nông, nên không còn sợ nữa, mắt anh ta dính chặt vào con thỏ trên nòng súng của Bố Đại, rồi lại nhìn những giọt máu thỏ rơi sau lưng ông ta, nói:

- Bố Đại, ông bắn giỏi ghê nhỉ!

Bố Đại trừng mắt:

- Bắn được con thỏ còm sao gọi là bắn giỏi? Hồi tao cầm súng tung hoành ngang dọc, mẹ mày còn chưa lấy chồng kia!

Thích Vị gật đầu cười:

- Vâng, vâng!

Tối hôm đó, Bố Đại đang hầm thịt thỏ ở nhà thì phó trưởng đoàn bần nông Hòa Thượng dẫn mấy người cầm gậy gộc. Hòa Thượng năm nay 23 tuổi, xuất thân gia đình cố nông. Bố anh ta mặt rỗ, làm thuê cho địa chủ, mê châm cứu, hay đánh vợ, cứ ba ngày thì nhà treo niêu hai ngày. Hòa Thượng từ nhỏ theo mẹ đi ăn xin cho đến khi trưởng thành. Hơn 20 tuổi vẫn chưa lấy được vợ, trở thành tên lưu manh đầu đường xó chợ. Sở thích thường ngày của Hòa Thượng là mò đến cửa sổ nhà vợ chồng trẻ nghe trộm. Một lần, đang phục dưới cửa sổ nhà người ta nghe trộm, đang nghe đến đoạn hay thì một tên lưu manh khác xuất hiện từ phía sau. Tên này đá Hòa Thượng một cái ngã sõng soài xuống đất làm Hòa Thượng mặt mũi sưng vù, phải nằm mất một tháng. Hòa Thượng đặc biệt thích đến nhà giàu nghe lỏm, hắn bảo nghe hay hơn những nhà bình thường. Bố Đại mặc dù đã già, nhưng vẫn bị Hòa Thượng nghe trộm. Hòa Thượng và một tên lưu manh khác là Thích Vị chơi thân với nhau. Hồi ấy, mặt mũi Hòa Thượng bị sưng vù, Thích Vị ra chợ mua thuốc về xoa cho bạn. Sau này, công tác viên Lão Giả đến, Thích Vị không nghe trộm nữa mà tham gia cách mạng. Lão Giả đi rồi Lão Phạm đến, bảo thành lập đoàn bần nông. Thích Vị vẫn rất tích cực, nên được làm trưởng đoàn. Sau đấy, Thích Vị giới thiệu Hòa Thượng cho Lão Phạm để Hòa Thượng được tham gia cách mạng. Thích Vị nói với Lão Phạm:

- Cậu ấy cũng là một cố nông. Làm việc bạo dạn. Chỉ tội có tật hay nghe lỏm chuyện riêng người khác!

Hòa Thượng đỏ mặt. Lão Phạm cười nói:

- Tất cả cũng do bọn địa chủ mà ra. Nếu như lấy được vợ, thì phải hôm lạnh lẽo, ngủ ở nhà mình, việc gì phải nghe chuyện nhà người ta? Đợi khi đã đánh đổ địa chủ, người nghèo đổi đời, cũng sẽ cưới cho anh một cô vợ, xem anh có còn đi rình nghe trộm nữa không?

Hòa Thượng thấy Lão Phạm nói có lý, liền đi theo Lão Phạm làm cách mạng, trở thành phó trưởng đoàn bần nông, tổ chức một hội trang bị gậy gộc phụ trách vấn đề an ninh trong thôn. Làm công tác an ninh, lại được làm phó trưởng đoàn bần nông, Hòa Thượng quả nhiên tiến bộ hơn, không còn rình nghe trộm chuyện riêng nhà người khác nữa, đấu tranh với địa chủ cũng rất quyết liệt. Hòa Thượng còn có một ưu điểm: To gan lớn mật. Kể từ khi có đội thương tua rua đỏ, hắn càng bạo gan tợn. Câu cửa miệng của hắn là:

- Chặt đầu làm bóng đá bây giờ!

Công tác viên Lão Phạm rất tán thành điểm này của Hòa Thượng, khen:

- Hòa Thượng dũng cảm, có dáng làm cách mạng lắm!

Hòa Thượng nghe xong rất phấn khởi. Trưa hôm nay, Thích Vị chạy đến Văn phòng thôn báo cáo với Lão Phạm, rằng vừa gặp Bố Đại ở đầu thôn, hắn ta bắn được mấy con thỏ, máu nhỏ xuống tuyết. Lão Phạm nghe xong tức giận:

- Tình hình ở thôn này phức tạp thật. Địa chủ ác bá đứa ăn bánh bao thì cứ ăn bánh bao, đứa săn thỏ thì cứ săn thỏ, thật ngông cuồng quá sức! Bảo Hòa Thượng dẫn mấy người đến tịch thu súng săn của nó!

Hòa Thượng bèn dẫn mấy người vác gậy gộc đến thu súng săn của Bố Đại. Đến nhà Bố Đại, mùi thịt thỏ tỏa ra thơm lừng. Bọn Hòa Thượng vén rèm vào trong nhà, thấy Bố Đại và vợ là Oa Tiểu Xảo đang ngồi xung quanh lò sưởi. Thấy đội thương tua rua đỏ bước vào, Bố Đại không thèm nhướng lông mày, nhưng vợ lão ta thì sợ quá, vội đứng dậy nói:

- Kìa Hòa Thượng, mau ngồi xuống đây nếm miếng thịt thỏ, uống vài chung rượu với ông Bố Đại nhà tôi!

Bọn Hòa Thượng thấy Tiểu Xảo nhường thịt thỏ cho mình đều rất hể hả định ngồi xuống ăn cùng. Nhưng thấy mặt Bố Đại vẫn nặng như chì, không thèm nhướng lông mày lên nhìn, cả bọn thò chân ra rồi lại rút về. Hòa Thượng rất khó chịu, giậm cây thương xuống đất:

- Xin lỗi ông chú nhé, bọn tôi được lệnh đến đây tịch thu súng săn của ông chú!

Bố Đại không thèm để mắt đến hắn, tay cầm đôi đũa vớt thịt thỏ từ trong nồi ra, chấm với giấm ớt ăn. Kể từ sau khi công tác viên Lão Phạm về thôn, Bố Đại thấy uất vô cùng. Ông ta không tiêu hóa nổi kiểu giày vò của đám người nghèo này. Con tạo xoay vần, thời thế thay đổi, Bố Đại quá hiểu điều đó. Anh chiếm được thiên hạ rồi thì có thể ra oai, nhưng cũng không nên hống hách như thế. Dạo trước Lão Giả về đây còn khá. Mặc dù trước đây chỉ là một tên nuôi ngựa thuê, nhưng anh ta còn độ lượng. Bố Đại tìm anh ta để xin từ chức trưởng thôn, vậy mà anh ta còn dỗ dành ông. Sau này Lão Giả đi rồi đến lượt Lão Phạm. Bố Đại lại đi xin anh ta cho mình từ chức trưởng thôn, có biết anh ta nói thế nào không? Anh ta bảo:

- Ông từ chức trưởng thôn ư? Cái chức trưởng thôn của ông mà cũng phải từ chức sao? Chức trưởng thôn ai phong cho ông? Bọn phản động Quốc dân đảng! Ông chỉ là một tên ngụy trưởng thôn. Bây giờ tất cả quyền lực đều đã thuộc về đoàn bần nông. Vấn đề của ông bây giờ không phải là từ chức trưởng thôn hay không mà đợi xem lúc nào bị đoàn bần nông đấu tố!

Lúc ấy, Bố Đại tức điên lên. Ông ta chưa bao giờ gặp tên nào lòng dạ hẹp hòi như thế này. Nhưng thấy khẩu súng lục mới toanh giắt bên hông Lão Phạm, Bố Đại chỉ biết gắng sức kiềm chế cơn giận. Mặt ông ta đỏ lựng lên, nhưng vẫn không dám nói thêm câu nào. Về đến nhà, nằm vật xuống lò sưởi, Bố Đại mới buông ra một câu:

- Phải hồi trẻ thì tao đào hố chôn mày từ lâu rồi, con ạ!

Làm bà vợ Tiểu Xảo giật bắn mình. Hôm sau, Mã Trách, quân của Bố Đại trước đây, kéo lê gót giày đến, vừa vào đến cửa đã nói:

- Chú ạ, tôi có chuyện muốn nói với chú!

- Mày muốn nói chuyện gì?

- Lần trước Lão Giả xuống đây có chia đất của chú cho tôi. Bây giờ Lão Phạm xuống đây rồi, chỗ đất lần trước được chia không tính. Tôi đến đánh tiếng với chú, coi như tôi trả lại chú miếng đất đó!

Bố Đại vừa tò mò, vừa buồn cười, nói:

- Đất không chia cho mày nữa, thì cũng chẳng thuộc về tao. Mày phải đi tìm Đoàn bần nông, chứ tìm tao làm gì!

- Có thuộc về chú hay không thì cũng phải nói cho rõ ràng. Đừng để đến lúc ấy chú bảo tôi cuỗm mất đất của ông rồi, lại oan cho tôi!

Nói xong bĩu môi, ngồi im trước chiếc lò sưởi.

Mã Trách đi khỏi, Bố Đại càng uất. Mẹ kiếp, một cái thằng dân binh quèn mà cũng dám đôi co với ông. Ngoài trời tuyết giăng nhè nhẹ. Để giải buồn, Bố Đại lại ra ngoài đồng săn thỏ. Nào ngờ, săn được mấy con thỏ thì lại bị đoàn bần nông đến kiếm chuyện, đòi thu súng săn của ông. Mấy cái thằng thành viên trong đoàn bần nông này trước đây toàn là bọn lưu manh đầu đường xó chợ, trông thấy ông từ xa là vội vàng trốn sau góc tường, đợi ông đi qua, mới dám tiếp tục giở trò. Nào ngờ, bây giờ bọn chúng mỗi người một cây thương cũng hung hăng tợn, dám nói chuyện tay đôi với ông. Bố Đại ăn thỏ mà cái sự tức nó cứ dồn lên ngực. Chấm giấm ớt ăn hết nửa con thỏ rồi mà sao ông thấy miệng vẫn nhạt thếch, chẳng có mùi vị gì. Hòa Thượng thấy Bố Đại chỉ chăm chăm ăn không ngó ngàng đến ai, mặt mày sa sầm, nhưng trong lòng hơi ngại. Thấy Bố Đại không nói năng gì, liền đánh bạo hỏi:

- Ông chú, đừng có chăm chăm ăn thịt thỏ như thế, hãy cùng chúng tôi giải quyết việc công trước đã. Ông nộp súng săn ra đây để chúng tôi về báo cáo với công tác viên, rồi ông ăn tiếp!

Lúc này, Bố Đại mới lên tiếng. Ông vứt miếng thịt thỏ xuống, phủi phủi tay, quay mặt lại, cười khì:

- Được. Hòa Thượng, mày cũng biết giải quyết việc công cơ đấy! Mày bảo ông nộp súng săn, ông nộp. Nhưng ông với mày phải thương lượng trước một việc!

Hòa Thượng sững người:

- Ông muốn thương lượng việc gì?

- Đừng tưởng tao đã già hơn 60 tuổi, còn mày mới chỉ hơn 20 tuổi mà huênh hoang. Tao với mày ra ngoài đồng tuyết vật nhau một keo! Nếu mày thắng, mày mang súng đi. Còn nếu tao thắng, mấy thằng mất dạy chúng mày hãy nhân lúc tao chưa nổi giận mà mau cuốn xéo!

Hòa Thượng lại sững người, nhất thời không nói lại được câu nào. Mấy tên đàn em của Hòa Thượng thấy ý kiến này hay, kích Hòa Thượng:

- Hay, ý kiến này hay. Hòa Thượng, đi ra ngoài vật nhau với Bố Đại một keo!

Tiểu Xảo đẩy Bố Đại một cái:

- Bố Đại, ông làm gì vậy, còn không mau đưa súng cho Hòa Thượng!

Bố Đại mỉm cười nói với Tiểu Xảo:

- Tôi chỉ trêu thằng Hòa Thượng thôi. Chứ tôi hơn 60 tuổi đầu, nó mới có hơn 20, chẳng lẽ nó không vật được tôi chắc?

Hòa Thượng nhìn Bố Đại, trong lòng hơi sợ. Hòa Thượng chỉ được cái liều lĩnh bề ngoài, chứ bên trong thì nhát gan. Hắn ta vốn chỉ là tên lưu manh đầu đường xó chợ. Cãi cọ đánh lộn còn được, chứ một khi phải xung trận thật thì cũng hơi run. Đã thế, hắn ta lại nhỏ con, còn Bố Đại thì cao to. Mặc dù hắn ta mới hơn 20 tuổi, Bố Đại đã hơn 60, nhưng tiếng tăm của Bố Đại thời trẻ thì hắn cũng có nghe nói. Nghĩ đến đây, Hòa Thượng sượng tái mặt, phẩy tay đi ra ngoài:

- Khá lắm. Coi như bọn tôi không đủ bản lĩnh, không thu được súng của ông! Biết ông ngày xưa cũng “tai tiếng” một thời. Châu chấu không dám đá voi. Để chúng tôi đi báo cáo với công tác viên, để anh ấy đến thu súng của ông, vật nhau với ông!

Mấy tên kia thấy Hòa Thượng như vậy, liền đi theo ra ngoài. Nhưng Tiểu Xảo lại chạy theo bọn họ ra tận ngoài sân, đưa cho khẩu súng săn của Bố Đại. Lúc này, Hòa Thượng chẳng thèm khẩu súng nữa:

- Bà mang về đi, tôi không cần. Để đích thân công tác viên đến lấy!

Tiểu Xảo dỗ dành Hòa Thượng mãi, còn cho cả một bao thuốc lá Pháo Đại bác, mấy tên trong đoàn bần nông mới chịu cầm khẩu súng săn của Bố Đại mang về văn phòng thôn.

Tiểu Xảo vào nhà trách chồng:

- Ông rõ thật là. Chính hắn ta đòi đấu tố ông, thế mà ông còn ngang ngạnh. Cứ phải cho ông nếm mùi đau khổ thì may ra mới sáng mắt ra được!

Bố Đại vung tay cho vợ một cái tát. Tiểu Xảo ngã chổng kềnh trước lò sưởi. Bố Đại lại túm lấy nửa con thỏ hầm còn lại vứt vào lò. Rất nhanh, từ lò trong thoảng ra mùi khét của thịt thỏ bị cháy.

Tiểu Xảo ngồi thu lu cạnh lò sưởi vừa khóc vừa kể lể:

- Lấy tấm chồng khốn nạn như ông làm tôi tủi nhục cả đời. Chỉ tại thầy tôi ham tiền, nên thân tôi mới bị đày làm vợ hai gã địa chủ!

Nói rồi lại thút thít khóc cho cô con gái Oa Ni đã mất.

Lúc này, Bố Đại mới thở dài:

- Thế mới gọi là đổi đời!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.