Tiểu Thốc thấy
công tác viên Lão Phạm thật chẳng ra làm sao. Lần trước Lão Giả đến làm
cải cách ruộng đất, biết dựa vào Tiểu Thốc nên cải cách ruộng đất làm
rất thuận lợi. Đất đai nhà địa chủ họ Lý, họ Tôn và Bố Đại nhanh chóng
bị chia cho dân nghèo. Bây giờ, Lão Phạm cũng đến làm cải cách ruộng
đất, nhưng lại cho Tiểu Thốc ra rìa, làm cho hắn ta có phần bất mãn. Lại nghe nói, đợi đấu tố Văn Vũ, Bố Đại xong, đoàn bần nông sẽ đòi đấu tố
gã. Tiểu Thốc tức giận:
- Được, được. Chúng mày đấu tố đi. Mẹ kiếp, tao cũng thành địa chủ cơ đấy!
Tiểu Thốc bây giờ đã có một gia đình nho nhỏ. Vợ hắn tên là Lão Khang, một
phụ nữ ăn mặc trang điểm gọn gàng, rất xinh đẹp, mắt hơi xếch. Lão Khang vốn là vợ bé của đại địa chủ Lý Cốt Lục ở ấp Lý Nguyên cách đó 30 dặm.
Thời Tiểu Thốc còn làm cướp ở thảo nguyên, một đêm mò xuống ấp Lý Nguyên bắt cóc cô ta để tống tiền, đòi Cốt Lục mang đến 30 thạch kê để chuộc
về. Trước đó, Lão Khang là một con hầu trong nhà Cốt Lục, sau đó được
ông chủ lấy làm vợ bé. Nào ngờ, Cốt Lục điềm nhiên như không, không chịu bỏ ra 30 thạch kê để chuộc Lão Khang về, mà lại lấy một cô hầu khác làm vợ bé. Thời hạn mang kê đến đã hết, Tiểu Thốc định giết con tin. Lúc
này, tên cướp biết chữ nói với Tiểu Thốc:
- Đại ca, đừng giết con tin. Cô ta trông xinh xắn thế, làm phu nhân đại ca được!
Tiểu Thốc thấy Lão Khang xinh thật, liền lấy làm vợ. Từ đó, tên tướng cướp
độc thân đã có vợ. Lão Khang thấy Cốt Lục không mang kê đến để chuộc
mình, thấy hận ông ta. Lại thấy sau khi làm vợ tên tướng cướp, bọn đàn
em rất kính trọng mình, chứ không như hồi ở nhà Cốt Lục toàn bị bà cả
hành hạ, thấy cũng hay hay. Ngày nào cũng rượu thịt no say, liền thật
lòng theo Tiểu Thốc. Đến năm 1948, quân của Đảng cộng sản và Quốc dân
đảng đánh nhau ở đây. Đảng cộng sản đánh bại Quốc dân đảng. Lúc đầu, một tốp tàn quân của Quốc dân đảng lẩn trốn vào thảo nguyên, đòi chiếm lại
địa bàn này, đánh nhau với Tiểu Thốc một trận. Băng cướp của Tiểu Thốc
không địch nổi quân đội chính quy, rút khỏi thảo nguyên. Sau đó, lại bị
quân đội của Đảng cộng sản truy đuổi, băng cướp rệu rạo, rồi tan rã.
Tiểu Thốc liền đưa Lão Khang trở về thôn. Về đến thôn không còn là cướp
nữa, không được đêm đêm đi cướp, nên gia đình Tiểu Thốc nghèo rớt mùng
tơi. Bố Tiểu Thốc là Hắc Tiểu đã không để lại gia sản gì cho hắn. Lúc
này, mẹ Tiểu Thốc cũng đã qua đời. Hồi bà còn sống, Tiểu Thốc thường sai tên cướp biết chữ mang biếu bà những đồ cướp được để tỏ lòng hiếu thảo. Nhưng nhà Tiểu Thốc đông anh em, mang biếu thứ gì là hết thứ đó. Đến
khi Tiểu Thốc mang vợ về nhà, trong nhà chẳng khác gì với những hộ tá
điền bần nông khác. Sống sướng mãi quen, vợ Tiểu Thốc bây giờ lại có vẻ
không quen với cuộc sống thanh bần. Đêm đến, thường thỏ thẻ với Tiểu
Thốc:
- Tiểu Thốc, hay mình làm cướp đi!
Tiểu Thốc thở dài:
- Thời thế thay đổi, bây giờ làm cướp sao được? Cứ yên phận sống cuộc sống nhà nông đi!
Sau này, công tác viên Lão Giả đến, bảo phải chia đất đai, tài sản của địa
chủ. Tiểu Thốc mừng lắm, đồng ý cả hai tay. Gì chứ khoản trừng trị địa
chủ thì hắn rành lắm. Thế nên hắn tìm đến Lão Giả, rất tích cực tham gia công tác cải cách ruộng đất. Sau đó, hắn được phân một thửa đất vừa to
vừa đẹp ở gò Thanh Long. Tiểu Thốc nói với vợ:
- Nhà mình thấy
thế nào? Lấy tôi là chính xác, phải không? Thời thế thay đổi, nhưng ta
vẫn cứ gặp thời. Ngày xưa, tôi bắt nhà mình về thảo nguyên là quá sáng
suốt. Chứ nếu nhà mình vẫn theo cái lão Cốt Lục đó, thì bây giờ có mà bị đấu khổ đấu sở. Trong khi lấy tôi, hồi ở thảo nguyên ăn uống thoải mái, bây giờ về đây lại được chia đất như ai!
Sau đó, Lão Giả ra đi,
Lão Phạm đến thay. Tình hình lại thay đổi. Chỗ đất được chia lần trước
bây giờ không tính. Cải cách ruộng đất phải làm lại. Lần cải cách ruộng
đất này lại gạt Tiểu Thốc ra ngoài rìa. Đã thế, người ta còn đòi đấu tố
hắn như đấu tố địa chủ. Lúc này, Lão Khang có cớ để rỉa rói chồng:
- Anh bảo theo anh là chính xác, tôi thấy theo anh thì chỉ có khổ, có
nhục thôi. Ngày xưa làm cướp, cả ngày vất vả bôn ba khắp nơi. Bây giờ về đến thôn, anh lại trở thành địa chủ! Nếu tôi cứ theo Cốt Lục, thì có bị đấu tố cũng chẳng sao. Đằng này, đói rã họng ra, thế mà còn địa chủ cái nỗi gì!
Mặt Tiểu Thốc hết đỏ bừng lại chuyển sang trắng bệch:
- Cái tên Lão Phạm chết tiệt, chẳng hiểu cóc khô gì về quy tắc đấu tranh! Chắc tại nó thấy mình từng làm cướp!
Một hôm, đang đi trên đường, Tiểu Thốc chạm trán Lão Phạm. Thích Vị đi cùng Lão Phạm, từ xa đã chỉ vào Tiểu Thốc, nói:
- Đấy chính là Lộ Tiểu Thốc!
Lão Phạm hỏi:
- Dạo này hắn ta có hoạt động gì không?
- Không cho tham gia bần nông đoàn, thì nó còn có hoạt động gì nữa?
Lão Phạm mỉm cười, không nói gì. Lúc ba người chạm mặt nhau, Tiểu Thốc vốn
định nói vài câu với Lão Phạm để cởi bỏ mắc mớ trong lòng, nhưng thấy
Lão Phạm bơ đi, hắn ta cũng không tiện bắt chuyện. Thích Vị đi cùng cũng chẳng đoái hoài đến Tiểu Thốc, nên hai người chẳng nói năng câu gì. Lão Phạm bơ đi, Tiểu Thốc thấy cũng không sao. Nhưng hắn ta rất tức giận
chuyện Thích Vị đi bên cạnh mà cũng không nói không rằng.
“Cái
thằng Thích Vị khốn nạn. Cải cách đất đai lần trước, nếu mình không dẫn
nó đi thì cũng chẳng chia được đất ở gò Thanh Long. Bây giờ, Lão Phạm
vừa đến, nó đã lại trở mặt thành thù với mình!”.
Thế là nghi ngờ
Thích Vị đã nói xấu hắn trước mặt Lão Phạm, làm cho Lão Phạm bất mãn với hắn. Một hôm, hai người lại chạm nhau ở nhà Hòa Thượng. Hòa Thượng đã ủ hai hũ rượu lê thối để uống vào dịp Tết. Hôm nay làm lễ “mở nút”, thế
là rót ra mời Tiểu Thốc và Thích Vị mỗi người một bát. Tiểu Thốc cầm bát lên uống luôn, còn Thích Vị không uống, bảo hôm nay đau bụng, không
uống rượu. Tiểu Thốc thấy Thích Vị không thèm uống rượu với mình, liền
nổi cáu, cầm cả bát rượu hắt vào mặt anh ta. Thích Vị chồm đến đánh nhau với Tiểu Thốc. Hòa Thượng phải đứng ra can. Xong, Tiểu Thốc về nhà, còn Thích Vị chạy đến Văn phòng thôn báo cáo với Lão Phạm. Lão Phạm gõ bàn
nói:
- Đấy, anh xem. Địa chủ ác bá ở đây vẫn ngang ngạnh lắm! Lần trước Hòa Thượng đến nhà Bố Đại thu súng, hắn ta đòi vật nhau với Hòa
Thượng. Hôm nay đến lượt Tiểu Thốc hắt rượu vào đầu anh. Một người là
trưởng đoàn bần nông, một người là phó trưởng đoàn bần nông, vậy mà bọn
họ còn dám hung hăng như thế. Nếu là quần chúng bình thường thì bọn
chúng còn lộng hành đến mức nào! Thích Vị, anh phải thắt chặt công tác
hơn nữa! Địa chủ ác bá mà không bị đánh đổ thật sự, thì chúng ta không
được sống yên ổn đâu!
Thích Vị gật lấy gật để.
Lão Phạm nói:
- Anh bảo những người ở đoàn bần nông phải phát động quần chúng cho tốt,
vạch trần tội ác của bọn địa chủ ác bá. Đánh đổ Văn Vũ trước, rồi xử lý
Bố Đại và Tiểu Thốc sau!
Thích Vị lại gật đầu. Lão Phạm lại viết
một bức thư bảo Thích Vị ngày hôm sau mang lên huyện. Trong thư viết,
cuộc đấu tranh ở thôn diễn ra rất ác liệt. Để bảo vệ an toàn cho các
phần tử tích cực, mong muốn được cấp thêm vài quả lựu đạn.
Chủ
tịch huyện đọc thư, rồi bảo nhân viên liên lạc đến kho mang cho Thích Vị mấy quả lựu đạn mang về thôn. Kể từ đó, bọn Hòa Thượng mỗi người có một quả lựu đạn treo lủng lẳng sau mông. Còn Thích Vị đeo hẳn hai quả.
Nhưng những chuyện này Tiểu Thốc đều không biết. Hai hôm nay, Tiểu Thốc tạm
gác chuyện Thích Vị sang một bên. Hắn ta đang bận một việc khác: Làm thế nào để thu lại 10 đấu vừng mà Văn Vũ nợ hắn. Chỗ vừng này Văn Vũ nợ
Tiểu Thốc từ hồi cải cách ruộng đất lần trước vì muốn giữ lại mộ tổ trên thửa ruộng của hắn. Nhưng đến tận bây giờ Văn Vũ vẫn chưa đưa vừng. Sau đó, Lão Phạm đến đây. Tiểu Thốc tâm trạng rối bời, quên mất việc này.
Bây giờ, năm hết Tết đến, Tiểu Thốc muốn sắm một ít hàng Tết, nhưng
trong tay không có tiền. Vợ hắn là Lão Khang nhiếc móc mãi. Tiểu Thốc
bỗng nhớ ra 10 đấu vừng Văn Vũ nợ mình. Một buổi tối, Tiểu Thốc lại mò
sang nhà họ Lý tìm lão địa chủ Văn Vũ, nói cứ như địa chủ ngày xưa đòi
nợ người nghèo:
- Ông Vũ, Tết nhất đến nơi rồi, mà tôi bí quá. Đã đến lúc ông trả tôi mười đấu vừng nợ lần trước rồi đấy!
Văn Vũ thấy Tiểu Thốc lại lôi chuyện mười đấu vừng ra, vừa tức, vừa tò mò, nói:
- Tiểu Thốc, chẳng phải lần chia đất dạo trước không được tính sao? Thế
nên, tôi chẳng cần phải dời mộ tổ nhà tôi ra khỏi đất nhà anh. Làm gì có chuyện tôi nợ anh mười đấu vừng?
- Đợt chia đất lần trước không
tính. Nhưng chỗ vừng ông nợ tôi thì đã đến lúc phải tính rồi. Người chưa chết, thì nợ phải trả. Không thể chỉ vì thời thế thay đổi mà lờ đi
chuyện ông nợ vừng của tôi!
Văn Vũ thấy Tiểu Thốc giở bài cùn như vậy liền nói:
- Tiểu Thốc, tôi là người bị đấu tố. Anh cũng là người bị đấu tố, đều là
đối tượng Đảng cộng sản muốn đánh đổ. Chúng ta đều đi trên một con
đường. Sao anh cứ ép tôi thế?
- Ông Vũ, chúng ta phải nói cho rõ
ràng. Tôi và ông không phải là những kẻ cùng đi trên một con đường. Ông
là địa chủ ác bá, còn tôi hồi đó chống lại địa chủ, còn là anh hùng
chống Nhật. Bây giờ, Lão Phạm không hiểu cách mạng, nên mới tạm thời
hiểu lầm tôi. Đấu tố ông là đúng, còn đấu tố tôi là sai. Tôi đi cùng
đường với ông làm gì!
Văn Vũ xòe tay phân bua:
- Cứ cho là tôi nợ vừng anh. Nhưng năm nay vừng mất mùa, tôi đào đâu ra mười đấu vừng để trả cho anh bây giờ!
- Không có vừng, thì đưa thứ khác cũng được!
Đúng lúc này, vợ cậu ấm nhà họ Lý đi vào, thì thầm với Văn Vũ vài câu. Văn
Vũ biến sắc, lật đật đi theo con dâu ra ngoài. Tiểu Thốc tiến đến ngăn
ông ta lại:
- Ông Vũ. Chúng ta phải nói chuyện của chúng ta cho rõ ràng đã. Ông đưa vừng cho tôi đã, rồi làm gì thì làm!
- Gia đình tôi đang có chuyện gấp, để hôm khác nói chuyện tiếp!
Tiểu Thốc túm chặt Văn Vũ:
- Sắp đến Tết rồi, mà tôi thì bí lắm!
- Sao tôi lại gặp phải hạng người như anh! Giậu đổ bìm leo! Bị cả loài châu chấu, khỉ vượn ức hiếp!
Tiểu Thốc liền tức giận:
- Ông đừng có chửi tôi!
Văn Vũ lắc đầu than:
- Tôi không chửi anh. Tôi không chửi anh. Trên giường tôi có một chiếc áo khoác da cáo tôi chuyên mặc để đi ra ngoài vào mùa đông. Anh lấy đi!
Tiểu Thốc liền đến ngay chiếc giường lấy cái áo khoác da cáo. Xem đi xem lại một hồi biết vẫn còn mới, liền cầm luôn. Trước khi đi còn nhón của Văn
Vũ một chiếc mũ da:
- Một cái áo khoác sao đủ mười đấu vừng? Tính cả cái mũ này nhé!
Tiểu Thốc vừa đi khỏi, Văn Vũ nghẹn ngào muốn khóc. Lúc này, cô cháu dâu lại giục. Ông thôi nghẹn ngào, đi theo cháu dâu ra nhà sau.
Lấy được chiếc áo khoác da cáo và một chiếc mũ da, Tiểu Thốc lấy chiếc mũ để
đội, còn chiếc áo khoác đem ra chợ bán. Tiền bán áo dùng để sắm một ít
hàng Tết. Còn mua cả một bánh pháo 500 quả.