Hoa Vàng Cố Hương

Chương 13: Q.3 - Chương 13: Tiểu Kết




Chiến dịch tiễu phỉ diễn ra sớm hơn kế hoạch. Quân giải phóng huy động hai đại đội bao vây thảo nguyên. Ngay sáng hôm sau thôn Mã bị tàn quân Quốc dân đảng tấn công, trên huyện đã biết chuyện. Điều khiến lãnh đạo huyện tức giận nhất là bọn tàn quân không chỉ tấn công thôn Mã, mà còn dám chạy lên huyện giết chết công tác viên. Thật hung hăng hết chỗ nói. Kế hoạch trước đây định ăn Tết xong sẽ tiễu trừ bọn tàn quân Quốc dân đảng, nhưng hoàn cảnh bây giờ buộc phải tiêu diệt ngay bọn tàn quân của Tiểu Vũ. Giải phóng quân đang nghỉ Tết được lệnh tập hợp ngay, tối hôm đó đã hành quân đến thảo nguyên. Tiểu Vũ không ngờ Giải phóng quân hành động nhanh thế. Giải phóng quân đến rồi, mà mười mấy người bọn họ vẫn chưa kịp sơ tán. Sáng hôm sau, hai bên giao chiến. Giải phóng quân đông hơn, đến chiều thì cuộc giao chiến kết thúc. Bọn Tiểu Vũ người bị chết, người bị bắt sống. Nhưng Giải phóng quân cũng tổn thất không nhỏ, hơn mười người hy sinh dưới nòng súng của Tiểu Thốc và tên Ngô. Nhưng sau đó, Tiểu Thốc và tên Ngô đều bị Giải phóng quân bắn chết. Tên Ngô bị bắn trúng gáy, chết luôn. Tiểu Thốc bị bắn trúng hàm dưới. Mất hàm nhưng người vẫn sống. Hắn ta vừa chửi trong cổ họng, vừa cuống quýt tìm miếng hàm. Nhưng miếng hàm đã bị bắn nát, làm sao tìm được? Tiểu Thốc tức giận:

- Đ. mẹ chúng mày chứ, thằng nào mà thất đức thế, bắn cả hàm của tao!

Rồi nhảy ra khỏi chỗ nấp tìm kẻ đã bắn vào hàm hắn. Lúc này, một loạt đạn súng máy của quân Giải phóng quét tới. Bảy tám viên đạn bắn xuyên người Tiểu Thốc. Hắn gục xuống, tắt thở. Lính bảo vệ của Tiểu Vũ và lính của trung đội trưởng Nghê bị chết khoảng tám chín người. Bọn Tiểu Vũ, trung đội trưởng Nghê, Thanh Dương và Băng Dương bị bắt sống.

Rằm tháng giêng, bọn Tiểu Vũ, Thanh Dương bị Giải phóng quân giải về thôn, mở một cuộc đấu tố. Cuộc đấu tố diễn ra nửa chừng buộc phải dừng lại. Bởi quần chúng đang sục sôi phẫn nộ suýt nữa đánh chết bọn họ. Thích Vị, Hòa Thượng và người nhà Phát Cảnh còn nhảy lên định bóp cổ Tiểu Vũ. Hòa Thượng nói:

- Tao đ. mỗi con vợ mày, mà mày lại cho lựu đạn nổ tung cả mẹ và em tao. Hôm ấy, nếu tao không đi xem kịch, thì cũng bị mày cho nổ tung còn gì?

Đúng hôm tàn quân của Tiểu Vũ về thôn bắt người, Hòa Thượng rủ Thích Vị sang ấp Ngưu Thị xem kịch. Vở kịch hôm đó do “Tiểu Pha lê” con gái nghệ sĩ nổi tiếng “Pha lê” hát. Cô hát rất hay. Vở diễn kéo dài đến tận nửa đêm. Lúc Thích Vị và Hòa Thượng về đến thôn đã là rạng sáng. Nghe nói bọn tàn quân Quốc dân đảng vừa đến càn quét ở thôn, mục tiêu chính là nhằm vào hai người bọn họ. Lúc ấy, bọn chúng sợ bải hoải chân tay. Sáng hôm sau, lại đi cùng mọi người ra ven đê xem đống thịt người. Mẹ, anh, em đều bị nổ tan xác. Một đống máu thịt nhầy nhụa đã đông cứng, muốn tách cũng không tách được. Bây giờ, hung thủ giết người thân bị giải đến thôn đấu tố, thử hỏi sao họ không phẫn nộ? Thích Vị chửi:

- Nếu Hòa Thượng không rủ tao đi xem kịch, thì tao cũng bị chúng mày cho nổ tan thây còn gì?

Nói rồi, rút quả lựu đạn từ sau mông ra, rút chốt, định nhét vào mồm Tiểu Vũ:

- Tao cũng cho chúng mày nếm mùi đi tầu bay giấy!

May mà người trên huyện kịp thời ngăn lại, nên buổi đấu tố mới không xảy ra chuyện ngoài ý muốn. Huyện thấy không thể tiếp tục buổi đấu tố được nữa, liền cho dừng, lôi bọn Tiểu Vũ ra khỏi hội trường, rồi giải lên huyện. Ngày 20 tháng chạp, huyện mở phiên tòa xét xử bọn Tiểu Vũ. Do bọn chúng gây nhiều tội ác, dân chúng hết sức căm phẫn, có nợ máu, tòa quyết định xử bắn. Trong suốt phiên tòa, Tiểu Vũ không nói một lời nào. Cuối cùng, hỏi anh ta có muốn nói gì nữa không. Tiểu Vũ trả lời:

- Hồi kháng chiến, tôi đã bắt được mấy tên tù binh Bát lộ quân. Sau đó, lại thả chúng ra. Bây giờ mới thấy, ngày xưa không nên thả, mà phải giết hết bọn chúng!

Vị thẩm phán cười:

- Đã thế, càng phải tử hình anh!

Thanh Dương và Băng Dương lúc đầu sợ run lên, hỏi gì nói đấy, quỳ xuống đất van xin, bảo sau này không dám như thế nữa. Bọn họ xin đầu hàng Cộng sản, tha cho mạng sống. Trung đội trưởng Nghê cuối cùng cũng yếu lòng, gạt nước mắt, nói:

- Mười tám tuổi tôi đã bị bắt đi lính. Hơn mười năm trong quân ngũ, không ngờ cuối cùng lại rơi vào tình cảnh này. Tôi còn mẹ già hơn bảy mươi tuổi...

Nhưng tòa không chấp nhận sự “đầu hàng”, cũng không quan tâm đến chuyện nhà có “mẹ già” hay không, cuối cùng quyết định xử bắn hết. Lúc này, bí thư huyện uỷ huyện bên Thỉ Căn do làm việc tích cực, cải cách ruộng đất ở huyện do anh quản lý làm tốt, nên được điều đến huyện nhà làm bí thư huyện uỷ. Báo cáo xử bắn bọn Tiểu Vũ được chuyển đến tay anh. Thỉ Căn xem danh sách những người bị tử hình, rồi cầm sang đưa cho chủ tịch huyện, nói:

- Lão Tưởng, anh ký vào danh sách này đi. Trên này toàn kẻ thù của gia đình tôi khi xưa, tôi mà ký sợ không tiện lắm!

Lão Tưởng cầm danh sách đọc rồi cười nói:

- Mấy tên tàn quân Quốc dân đảng, bắn thì cũng đã bắn rồi, ai ký chẳng được?

Rồi lấy chiếc bút máy cài trên túi áo ra ký luôn.

Bọn Tiểu Vũ đều bị xử bắn. Nhưng hôm trước khi hành hình, Lão Tưởng mất ngủ cả đêm, chẳng biết làm gì, tiện tay cầm bản luận tội và lời khai kẹp phía sau xem. Lúc này phát hiện ra một chi tiết mới: Kể từ khi vào thảo nguyên, Lý Băng Dương luôn bị sốt cao, không tham gia vào vụ giết người. Lão Tưởng bèn lấy bút khoanh tròn tên của Băng Dương, rồi vẽ tiếp một đường kéo nó ra ngoài. Bởi vậy, Băng Dương được sống sót. Nhưng hôm xử bắn, anh ta cũng có mặt tại hiện trường. Thấy Tiểu Vũ, Thanh Dương và đội trưởng Nghê lần lượt ngã xuống, máu trên đầu phun ra phì phì, chân tay co giật, Băng Dương sợ đến tê dại. Cho đến tận năm 1950, ngày nào Băng Dương cũng ngơ ngác như hồn lìa khỏi xác. Đến năm 1953, anh ta mới trở lại bình thường. Lúc ấy nghĩ lại, anh vô cùng cảm kích chủ tịch huyện Lão Tưởng. Nhờ một cái khoanh tròn của ông ta mà anh giữ được mạng sống. Một hôm, Băng Dương cõng một tải vừng lên Uỷ ban nhân dân huyện để cảm ơn Lão Tưởng. Do mắc một số lỗi lầm trong “tam phản”, “ngũ phản”[12], Lão Tưởng lúc này đang phải làm kiểm điểm. Thấy một tên từng là địa chủ cõng vừng đến cảm ơn mình, rất khó chịu nói:

- Nếu biết hôm nay anh đến cảm ơn, thì khi xưa tôi đã bắn anh rồi!

Băng Dương sợ vãi ra quần, vội cõng vừng chạy ra khỏi Uỷ ban nhân dân huyện. Từ đó, không bao giờ dám nhắc đến tên “Lão Tưởng” nữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.