CÔ SHARP BẮT ĐẦU KẾT BẠN
Bây giờ cô Rebecca đã bắt đầu được công nhận là người trong cái gia đình dễ thương có những nhân vật vừa giới thiệu ở chương trên; vậy thì lẽ dĩ nhiên, cũng như lời cô nói, cô phải có bổn phận ăn ở tốt với những vị ân nhân của mình, và phải cố gắng hết sức để được họ tin cậy.
Đức tính biết hàm ơn nơi một cô gái côi cút không người che chở, ai không phải mến phục; và nếu trong sự tính toán của cô ta có phần nào ích kỷ, ai dám bảo rằng khôn khéo như thế là vô lý? Cô gái trơ trọi kia sẽ đáp : “Tôi bơ vơ một mình trong đời này; ngoài những thứ phải làm việc mới được hưởng, tôi không còn hy vọng vào cái gì khác.
Con bé Amelia má đỏ kia làm gì có được lấy một nửa cái khôn ngoan của tôi? Vậy mà nó có những một vạn đồng tiền vốn, tương lai chắc chắn; còn con Rebecca đáng thương này (mặt tôi còn xinh hơn mặt nó nhiều chứ) thì chỉ có thể trông mong vào trí thông minh của mình. Được lắm, để rồi xem trí thông minh của tôi có thể đảm bảo cho tôi một đời sống đường hoàng hay không; rồi sẽ có ngày tôi chứng tỏ cho con bé Amelia kia biết rằng tôi hơn hẳn nó cho mà xem. Không phải là tôi ghét Amelia đâu: ai ghét bỏ được một con người vô tội, tốt bụng như thế...Có điều tôi vẫn ước ao sao có ngày tôi chiếm được một địa vị cao hơn nó trong đời, mà tại sao không thể được?” Cô bạn giầu trí tưởng tượng của chúng ta đang xây dựng cho mình những mộng tưởng về tương lai như vậy đấy... Việc gì chúng ta phải tức giận về chuyện trong những tòa lâu đài xây trên cát của cô ta, người trú ngụ chính chỉ là một đức ông chồng?
Các cô thiếu nữ trẻ tuổi không tơ tưởng đến chuyện chồng con thì còn nghĩ đến chuyện gì kia chứ? Hỏi rằng các bà mẹ của họ còn lo chuyện gì khác nữa? Rebecca sẽ bảo: “Tôi phải tự mình làm mẹ lấy cho mình”; đồng thời, nghĩ lại câu chuyện không may giữa cô và Joe Sedley, cô không khỏi hơi thấy đau nhói trong lòng vì thất bại.
Cho nên cô bèn khôn ngoan quyết định sẽ củng cố địa vị của mình cho vững vàng trong trại Crawley Bà chúa; nhằm mục đích ấy, cô quyết tâm kết giao với bất cứ ai sống quanh mình mà có thể can thiệp vào đời sống của cô ở đây.
Thấy Crawley phu nhân không thuộc loại này, hơn nữa bà ta lại là người rất thụ động, không có chút cá tính gì, không có chút ảnh hưởng gì trong gia đình, Rebecca thấy ngay mình không cần phải tranh thủ cảm tình của bà...mà nói cho đúng cũng không thể tranh thủ được. Cô thường nói chuyện với hai đứa học trò về “bà mẹ đáng thương” của chúng; đối với bà này cô vẫn cư xử rất lễ độ song lạnh nhạt; cô chỉ đặc biệt quan tâm đến những người còn lại trong gia đình.
Cô lấy được cảm tình của hai cô bé học trò rất dễ; phương pháp cô dùng cũng rất đơn giản: không cần bắt chúng phải nhồi sọ quá nhiều, trái lại, cứ để mặc chúng tha hồ muốn tự giáo dục ra sao tùy sở thích; bởi vì còn có phương pháp tự học. Cô học trò lớn tính hay đọc truyện; trong cái tủ sách cổ kính của trại Crawley Bà chúa có vô khối tiểu thuyết lăng nhăng xuất bản từ thế kỷ trước, tiếng Anh có, tiếng Pháp có (hồi bị sa thải, ngài bí thư văn phòng cơ mật viện đã mua khá nhiều) ; ngoài Rebecca cũng chẳng có ai rờ đến, cho nên cô ta có điều kiện vừa cho chơi mà vừa dạy được vô khối điều hay cho cô bé Rose Crawley.
Rebecca và cô bé Rose cả hai cùng đọc nhiều tiểu thuyết rất hay của Pháp và Anh, trong số đó có nhiều cuốn của vị học giả Smollett, của nhà văn lỗi lạc Henry Fielding, hoặc của ông Crebillon - nhà tiểu thuyết tài hoa, giầu trí tưởng tượng, người được thi sĩ bất hủ Gray tán tụng hết sức - và của ngài Voltaire lừng danh thế giới viết nên. Có lần Crawley hỏi hai cô em gái đọc sách gì, cô giáo dạy trẻ bèn đáp: “Smollett”. Crawley bằng lòng lắm, nói: “Ờ, Smollett.” Ông ta viết sách sử nhạt nhẽo hơn ông Hume, nhưng chắc chắn không nguy hiểm bằng. Em đang đọc lịch sử phải không?” Cô Rose đáp: “Vâng”. Cô không dám thú thực rằng cô đang đọc truyện lịch sử của Humphrey Clinker. Một lần khác, thấy em gái đọc một tập kịch tiếng Pháp, anh ta có vẻ giận; nhưng cô giáo vội thanh minh rằng mình cốt luyện cho học trò tập dùng những thổ ngữ trong tiếp Pháp khi nói chuyện; thế là anh ta tỏ vẻ rất hài lòng. Là một nhà ngoại giao, Crawley rất kiêu hãnh vì mình nói thạo tiếng Pháp (anh ta vẫn còn là người ưa xã giao); được cô giáo dạy tư trẻ tuổi luôn mồm tán tụng, anh chàng lấy làm khoái lắm.
Trái lại cô Violet có những sở thích thô bạo, ngỗ nghịch hơn chị nhiều: gà mái đẻ trứng ở chỗ kín đáo đến đâu, cô ta cũng tìm được. Cô biết trèo cây để lấy trứng chim. Được cưỡi lên lưng ngựa con non và chạy rông khắp cánh đồng như Camila thì cô khoái nhất. Cô này được ông bố cưng hơn cả, mà bọn bồi ngựa cũng quý. Anh bếp chiều cô bé, nhưng cũng sợ nhất, vì giấu lọ mứt ở đâu cũng không thoát khỏi mắt cô bé, hễ tìm thấy là lấy ăn liền...hai chị em đánh nhau luôn. Bắt được Violet phạm lỗi gì, cô Sharp không mách Crawley phu nhân, vì thế nào bà này cũng nói lại với cụ Pitt, hoặc tai hại hơn mách lại với Crawley; cô chỉ hứa rằng nếu Violet biết ngoan ngoãn và yêu quý cô giáo, thì sẽ không mách mẹ.
Đối với Crawley, bao giờ cô Sharp cũng tỏ ra lễ độ và phục tùng. Gặp những đoạn văn tiếng Pháp cô không hiểu - tuy mẹ cô ta là người Pháp - thì cô đem hỏi anh ta, và hoàn toàn được hài lòng. Ngoài việc giúp cô đọc những chuyện thông thường, anh ta còn tỏ ra tất bụng hơn giúp cô chọn lọc những sách đứng đắn khác, và thường hay trò chuyện với cô. Cô tỏ ý vô cùng khâm phục những bài diễn văn anh ta đọc trong Hội tương tế Quashimaboo; cô rất quan tâm đến bài xã luận của anh ta về vấn đề mạch nha nấu rượu bia. Một buổi tối nghe anh ta thuyết giáo, cô cảm động đến phát khóc, nói: “Ôi, thưa ngài, xin cảm tạ ngài” đoạn ngước mắt nhìn lên trời, làm cho anh chàng thỉnh thoảng cũng phải cảm động mà chiếu cố bắt tay cô một cái. Nhà quý tộc kính Chúa ấy tự nhủ: “Thế mới biết con nhà dòng dõi cũng có khác. Cô Sharp tỏ ra thông cảm với lời nói của ta biết bao, trong khi ở đây không một ai xúc động. Đối với họ, ta kín đáo quá...tế nhị quá...Phải bình dân hóa cách phô diễn mới được...nhưng cô ấy vẫn hiểu. Thân mẫu cô ấy thuộc dòng họ Montmorency kia mà”.
Hình như cô Sharp quả thật cũng có liên quan đến dòng họ nổi danh kia về bên ngoại thì phải. Dĩ nhiên cô không nói với ai rằng mẹ cô xưa là vũ nữ, nói thế có thể làm cho anh chàng Crawley rất sùng đạo kia không ưa cô.
Đã có biết bao nhiêu phụ nữ quý tộc lưu vong ra ngoại quốc bị cuộc cách mạng khủng khiếp kia làm cho khuynh gia bại sản? Trong khoảng mấy tháng đầu sống trong gia đình, cô đã bịa ra vô số chuyện về các vị tổ tiên của mình.
Ngẫu nhiên Crawley thấy có vài câu chuyện trong tập sách của ông D’Hozier, có trong tủ sách của gia đình; điều đó càng khiến anh ta thêm tin lời cô nói là thật, và yên trí Rebecca là con nhà dòng dõi. Chắc chúng ta đoán rằng (mà hẳn Rebecca cũng nghĩ thế) Crawley tò mò hỏi lai lịch, lại mò mẫm tìm tòi những chuyện ấy trong sách, ý hẳn anh chàng chú ý đến cô?...Không đâu, đó chẳng qua là vì tình bạn thân mật. Ở trên, ta chẳng đã nói rằng Crawley có gắn bó với công nương Jane Sheepshanks là gì?
Có một hai bận anh ta bắt được Rebecca đánh bài với cụ Pitt. Anh ta bảo trò chơi ấy không hợp ý Chúa, tốt hơn cô ta nên dùng thì giờ để đọc truyện “Gia tài của Thrum” hoặc truyện “Bà thợ giặt mù ở Moorfields”, hoặc một số cuốn sách đứng đắn nào khác. Nhưng cô Sharp đáp rằng xưa kia mẹ cô cũng thường hay chơi bài cùng vị bá tước già và đức cha xứ Cornet (<71>) thế là cô bào chữa được cái chuyện chơi bài và những trò giải trí trần tục khác.
Không phải cô giáo dạy trẻ chỉ biết dùng cách chơi bài để lấy lòng lão nam tước già; cô còn dùng nhiều mánhkhoé khác để tỏ ra có ích cho chủ. Cô đọc rất kiên nhẫn tất cả mọi thứ giấy tờ về việc kiện tụng; công việc này cụ Pitt đã hứa sẽ giao cho cô ngay từ khi cô chưa đến Crawley Bà chúa. Cô lại tình nguyện chép hộ rất nhiều thư từ của lão và khéo léo sửa chữa các lỗi chính tả cho thích hợp với lối viết bấy giờ.
Cô tỏ ra rất quan tâm đến tất cả mọi việc có liên quan đến tài sản, đến trại, đến vườn cảnh, vườn cây, đến chuồng ngựa. Cô đã trở thành một người bạn rất thú vị đến nỗi ít khi lão nam tước đi bách bộ tiêu cơm sau bữa ăn sáng mà không có cô đi kèm (dĩ nhiên, có cả hai cô con gái nữa). Những lúc này, cô góp ý kiến với lão về việc nên tỉa bớt cây ở bụi rậm này, nên đào đất trồng hoa ở chỗ kia, cô bàn với lão về chuyện gặt hái, hoặc về chuyện nên dùng ngựa để kéo xe hay để cày. Chưa đầy một năm, cô đã được lão nam tước hoàn toàn tin cậy; và trong bữa ăn, những chuyện trước kia lão thường trao đổi với bác quản lý Horrocks, bây giờ gần như lão chỉ nói với cô Sharp. Những khi Crawley đi vắng, Becky gần như thành bà chủ trong nhà; nhưng ở các địa vị mới mẻ và tôn quý này, cô vẫn cư xử với thái độ khôn ngoan nhã nhặn không bao giờ làm mếch lòng những kẻ có quyền chỗ bếp núc và nơi chuồng ngựa; đối với họ, bao giờ cô cũng đối đãi hết sức nhã nhặn, ngọt ngào. Cô đã thay đổi hoàn toàn, khác hẳn cô gái kiêu ngạo mà nhút nhát, bất mãn như ta thấy hồi nọ. Sự thay đổi ấy chứng tỏ cô ta rất mực khôn khéo, thực tâm muốn hối cải, và có một sự nỗ lực về tinh thần rất đáng chú ý. Cô Rebecca của chúng ta áp dụng cái chiến thuật chiều chuộng và nhã nhặn mới mẻ này có phải vì thực tâm hay không, đọc đoạn dưới chúng ta sẽ rõ. Một cô gái mới hai mươi mốt tuổi đầu khó lòng mà thực hiện một chiến thuật đạo đức giả cho trót lọt trong suốt một năm trời đằng đẵng. Nhưng xin các bạn độc giả nhớ hộ rằng, tuy tuổi còn non, nhưng Rebecca đã già dặn nhiều về kinh nghiệm sống: nếu thiên hạ đã không phát hiện rằng cô là một người đàn bà rất thông minh thì chẳng hóa ra tôi viết truyện này vô ích lắm sao?
Hai anh em trai trong gia đình Crawley giống như “mặt trăng và mặt trời”, không bao giờ cùng có mặt một lúc trong nhà...họ “thù ghét nhau một cách thân mật”. Thật thế, Rawdon Crawley, anh chàng sĩ quan ngự lâm, rất ghét cái nhà ấy; ít khi anh ta về nhà, trừ mỗi năm một lần khi có bà cô đến thăm.
Bà quý tộc già này có một đức tính quý hóa nhất, ta đã biết. Bà có số vốn bảy vạn đồng, và gần như đã nhận cho Rawdon hưởng gia tài. Bà ghét cay ghét đắng thằng cháu cả, coi anh ta như một thằng con trai xuẩn ngốc. Đổi lại, ông cháu cũng không ngần ngại tuyên bố rằng linh hồn của bà cô chắc chắn sẽ bị mất, không gì cứu vãn nổi; đồng thời anh ta cũng tin rằng số phận của em trai khi sang thế giới bên kia rồi cũng không khá hơn mấy tí. Crawley thường bảo: “Bà cụ là một người vô tín ngưỡng nhất thế giới; bà ấy đi lại với bọn vô thần, và bọn Pháp. Cứ nghĩ đến cái hoàn cảnh đáng ghê của bà ấy mà tôi rợn cả người. Gần kề miệng lỗ như bà ấy thì cũng nên từ bỏ những sự phù hoa, phóng túng, bừa bãi, điên rồ đi mới phải”. Thực ra chỉ tại bà quý tộc già đã nhất định không chịu nghe anh ta thuyết giáo buổi tối; và khi bà lão đến chơi trại Crawley Bà chúa một mình, anh ta bắt buộc phải chấm dứt những cuộc kinh Chúa sớm hơn lệ thường. Ông bố bảo con trai:
- Pitt, khi nào có cô Crawley đến chơi, đừng có giảng đạo nữa, cô đã viết thư bảo rằng cô không chịu nổi cái trò thuyết giáo ấy đâu.
- Ô thưa ba, thế còn bọn tôi tớ?
- Kệ mẹ chúng nó, cho chúng nó chết treo đi.
Cụ Pitt đáp vậy; và anh con trai nghĩ rằng nếu bọn gia nhân không được hưởng sự giáo dục của anh ta thì rồi sẽ xảy ra lắm điều không hay. Cụ Pitt thấy con trai phản đối, bèn bảo:
- Ô hay, Pitt, thôi đi? Anh lại ngốc đến nỗi để cho mỗi năm mất toi món tiền ba ngàn đồng à?
Crawley vẫn cãi:
- Thưa ba, lại đem tiền của ra so với linh hồn con người ta được ư?
- Anh định nói rằng tại bà lão không chịu cho anh hưởng gia tài chứ gì?
Ai mà biết được có phải Crawley định nói thế thật hay không.
Kể ra bà lão Crawley này cũng là một người không ra gì.
Bà ta có một căn nhà nhỏ rất ấm cúng ở công viên Lane.
Suốt mùa rét ở Luân-đôn, bà ăn nhiều quá, uống khỏe quá nên đến mùa nực bà về Harrowgate hoặc Cheltenham nghỉ mát. Trong số những bà gái già thì bà Crawley là người hiếu khách và vui tính nhất; cứ theo lời bà thì xưa kia bà cũng có nhan sắc (Chúng ta ai chẳng biết rằng hết thảy mọi bà già xưa kia đều đã từng là mỹ nhân). Bà lại là một người hay chữ (<72>), hồi ấy là một người thuộc phe cấp tiến.
Bà đã từng sang Pháp (họ đồn rằng bà đã ấp ủ một mối tình tuyệt vọng đối với St. Just); và từ đó về sau, bà rất mê tiểu thuyết Pháp, ưa món ăn Pháp, thích rượu Pháp. Bà ham đọc Voltaire, thuộc Rousseau làu làu, bàn đến chuyện ly dị tự nhiên như không, lại kịch liệt bênh vực cho quyền lợi của giới phụ nữ. Bà treo chân dung ông Fox trong tất cả các phòng. Hồi nhà chính khách này còn ở phe đối lập, tôi không được rõ lắm về chuyện bà có cùng tiếp tay chiến đấu với ông này hay không, chỉ biết khi ông này lên cầm quyền, bà đã đưa cụ Pitt và ông bạn đồng viện đại biểu cho Crawley Bà chúa đến yết kiến, mặc dầu cụ Pitt vẫn rất có thể tự mình tìm đến lấy, không phải phiền đến sự giúp đỡ của bà lão thực thà này. Chẳng cần nói rằng sau khi nhà chính khách thuộc đảng Whig đã quá cố, cụ Pitt bắt buộc phải thay đổi quan điểm chính trị.
Hồi Rawdon Crawley còn ít tuổi, bà lão đáng quý ấy đã rất thích cậu bé; bà gửi cậu vào học trường đại học Cambridge (đối lập với trường Oxford, nơi cậu anh theo học) và sau hai năm học tập, khi chàng thanh niên bị ban giám đốc đệ nhất đại học đường kia yêu cầu rời khỏi trường, thì bà lại mua cho anh ta một chức sĩ quan trong đội quân bảo vệ hoàng gia. Anh chàng sĩ quan trẻ tuổi này quả thực là một tay “ăn chơi” khét tiếng, một tay công tử bột lừng danh. Thời ấy, đấu quyền Anh, săn chuột, chơi quả lăn, hay giong xe tứ mã là những “mốt” chơi phổ biến trong giới quý tộc nước Anh; anh ta chịu học đòi tất cả những thú chơi quý phái ấy. Vì thuộc quân đội chính quốc, do nhiệm vụ phải luôn luôn tập hợp xung quanh Hoàng tử nhiếp chính (<73>), nên anh ta chưa có dịp trổ tài đảm lược trong việc chinh chiến ở ngoại quốc bao giờ; nhưng Rawdon Crawley cũng đã dự ba trận tỷ thí tay đôi đổ máu (tính anh ta vốn rất mê đánh bạc) và đã tỏ ra là tay biết coi khinh cái chết.
- Rồi sau cái chết thì sẽ ra sao?
Crawley vẫn nói thế, và ngước đôi mắt xanh lè nhìn lên trần nhà. Anh ta thường lo lắng cho linh hồn của em trai cũng như vẫn lo lắng cho linh hồn của những người bất đồng ý kiến với mình. Nhiều bậc đạo mạo vẫn tự cho mình được hưởng cái thú vui như thế đấy.
Còn cái bà Crawley ngu dại lãng mạn kia, sau những cuộc tỷ thí của “ông cháu cưng”, vẫn cứ bỏ tiền ra trả nợ đậy như thường, cũng chẳng thèm để lọt vào tai lấy một tiếng thầm thì bàn tán về đức hạnh của anh ta. Bà vẫn bảo: “Trăng đến rằm trăng tròn (<74>), nó còn khá bằng vạn cái thằng đạo đức giả hay rên rỉ là anh nó kia”.