Hội Chợ Phù Hoa

Chương 9: Chương 9




NHỮNG NHÂN VẬT TRONG GIA ĐÌNH

Tôn ông Pitt Crawley là một triết gia, có khuynh hướng về cái gọi là tầng lớp hạ lưu. Lần thứ nhất lão làm bạn với con gái nhà quý tộc Binkie là do cha mẹ lựa chọn.

Đúng như lão vẫn thường nói khi vợ còn sống, mụ này thật là một con mẹ ranh thượng lưu đanh đá đáng ghét, đến nỗi giá mụ chết, thì lão thà bị treo cổ còn hơn vớ được một mụ vợ thứ hai cũng là con nhà nòi như thế, quả nhiên sau khi mụ vợ về chầu giời, lão giữ đúng lời hứa, chọn ngay cô Rose Dawson làm vợ kế, cô này là con gái ông John Thomas Dawson, buôn sắt Ở Mudbury. Được bước lên địa vị Crawley phu nhân, cô Rosa thật là một người đàn bà sung sướng!

Ta hãy xem hạnh phúc của cô có những chi tiết gì. Đầu tiên, cô bỏ rơi anh chàng Peter Butt, chàng tình nhân trẻ tuổi; bị thất tình, anh này đâm ra buôn lậu, đi săn bắn trộm, và làm hàng nghìn việc bậy bạ khác. Rồi cô lại xích mích với tất cả đám bạn bè hồi còn con gái - vì nhiệm vụ bắt phải thế. Crawley phu nhân làm sao có thể hạ mình tiếp đãi bọn này được... mà chính cô cũng không thể tìm thấy trong giới thượng lưu mình mới bước vào một người nào chịu vồ vập trọng vọng cô. Đời nào người ta chịu làm thế? Ngài Huddleston có ba cô con gái; cả ba cùng hy vọng trở thành Crawley phu nhân. Tôn ông Giles Wapshot tự coi là bị sỉ nhục vì con gái của gia đình Wapshot không được lựa chọn; các vị nam tước khác trong quận cũng rất công phẫn trước cuộc hôn nhân thiếu đăng đối (<65>) của bạn họ. Còn bọn thường dân thì ta không cần chú ý, mặc họ thì thào gièm pha vụng trộm với nhau.

Tôn ông Pitt vẫn thường nói lão “đếch cần” bất cứ đứa nào trong bọn ấy. Lão vớ được cô Rosa xinh xắn, thế là đủ; mà khi người đàn ông đã được thỏa mãn sở thích thì còn cần gì hơn? Bởi thế, đêm nào lão cũng nốc rượu vang, để thỉnh thoảng lại đánh cô Rosa xinh đẹp của lão một trận, để bỏ mặc cô ở Hampshire lẻ loi trong cuộc đời mông mênh, không một ai bè bạn mỗi khi lão đi Luân-đôn nhân dịp họp Quốc hội. Ngay đến bà Bute Crawley là vợ viên mục sư cũng không thèm đến thăm cô; bà ta bảo rằng không đời nào chịu hạ mình đến chơi với con gái một lão nhà buôn.

Cô chỉ được tạo hóa ban cho cái lộc duy nhất là đôi má hồng và nước da trắng, ngoài ra không có được tính tình gì đặc biệt; cô không có tài năng, kém trí tuệ, lại vô công rồi nghề, không biết giải trí là gì, mà cũng không có cả cái tính đanh đá, nanh nọc thường thấy ở những người đàn bà hoàn toàn ngu độn; bởi thế cô vợ kế cũng không giữ chặt được cảm tình của cụ Pitt mấy tý. Đẻ được hai đứa con, thì đôi má cũng nhạt màu hồng, nước da cũng bớt vẻ tươi, cô trở thành một cái máy không hơn không kém trong gia đình nhà chồng, không khác gì cây đàn dương cầm của Crawley phu nhân đã quá cố.

Cô có nước da sáng nên hay bận áo màu nhạt giống như đa số những người đàn bà tóc vàng khác; cô ưa mặc kiểu áo dài màu xanh nước biển, hoặc màu thanh thiên.

Đêm ngày, lúc nào cũng thấy cô ngồi đan len, hoặc làm một công việc khác tương tự; chỉ trong có ít năm mà cô đã đan được cho mỗi chiếc giương ở trại Crawley một cái khăn trải giương. Cô lại có riêng một mảnh vườn nhỏ mà hình như cô rất thích; nhưng ngoài mảnh vườn đó ra, cô chẳng còn biết yêu, biết ghét cái gì khác. Khi bị chồng đối xử thô bạo, cô cứ ỳ ra; lúc nào bị chồng đánh thì chỉ khóc. Cô cũng không đủ bạo gan để uống rượu cho khuây khỏa, suốt ngày chỉ đi lang thang trong nhà mà rên rỉ, chân đi đôi giầy vẹt gót, trên đầu đầy những cặp giấy uốn tóc quăn. Ôi! Hội chợ phù hoa! Hội chợ phù hoa! Có thể xưa kia cô ta là một thiếu nữ nhí nhảnh; Peter Butt và Rosa rất có thể là một đôi vợ chồng hạnh phúc sống trong một cái trại ấm cúng, trong một khung cảnh gia đình thân mật, và cùng chung sức vật lộn với cuộc sống, cùng chung hưởng phần vui thú, lo lắng, hy vọng với nhau. Song trong Hội chợ phù hoa, một địa vị và một cái xe tứ mã vẫn là những thứ đồ chơi quý báu hơn là hạnh phúc. Giả thử Harry đệ bát hoặc Con yêu Râu xanh còn sống đến bây giờ và muốn lấy đến người vợ thứ mười, các bạn có cho rằng hắn không thể nào cưới nổi người con gái đẹp nhất được vào chầu trong Hoàng cung kỳ này không?

Chúng ta đoán ra cũng biết rằng hai cô con gái cũng không lấy gì làm ưa lắm cái tính đần độn lỳ xỳ của mẹ. Chúng thích la cà trong đám đầy tớ và ở ngoài chuồng ngựa hơn. May sáo, bác làm vườn người xứ Scotch lại có một người vợ tốt và mấy đứa con rất ngoan, cho nên chúng cũng được gần gũi những người đứng đắn và cũng được dạy dỗ tử tế, trước khi cô Sharp tới, đấy là nền giáo dục duy nhất chúng được thụ hưởng.

Việc mượn cô Sharp là do sự phản kháng của Crawley, người bạn và người che chở duy nhất của Crawley phu nhân (<66>) và người duy nhất được người đàn bà này thấy có đôi chút cảm tình gắn bó, ngoài hai đứa con gái của bà ta. Pitt Crawley mang dòng máu của gia đình quý tộc Binkie là họ bên mẹ; anh ta là một nhà quý tộc rất có nhã độ và đường hoàng.

Khi đến tuổi trưởng thành, anh ta rời trường đại học của Nhà chung về nhà, và bắt đầu chấn chỉnh lại cái trật tự bị lỏng lẻo trong gia đình, bất kể ý kiến của bố, mà lão bố thì rất nể con trai. Tính anh ta kiểu cách đến mức máy móc, thà chịu chết đói chứ không bao giờ dùng bữa mà thiếu chiếc cà vạt quàng ở cổ. Có một lần vừa ở trường về, bác quản lý Horrocks đưa cho anh ta một lá thư, nhưng quên không đặt vào một cái khay; anh ta trừng mắt nhìn Horrocks, mắng cho một trận mất mặt, đến nỗi về sau cứ đứng trước mặt anh ta là Horrocks đã run rồi. Cả nhà đều phải cúi mình trước anh ta. Bữa nào anh ta ở nhà, thì Crawley phu nhân phải cất những cặp giấy uốn tóc trên đầu đi sớm hơn thường lệ: đôi ghệt lấm bùn bê bết của cụ Pitt cũng biến mất. Tuy cái lão già xấu tính ấy vẫn chưa chừa hết mọi thói hư cũ, nhưng ít nhất trước mặt con trai, lão cũng không dám nốc rượu rum pha nước lã bí tỷ, và khi sai bảo gia nhân cũng phải ăn nói dè dặt, lịch sự hơn. Bọn đầy tớ cũng nhận thấy rằng nếu anh con trai có mặt trong phòng, thì lão Pitt không bao giờ văng tục với Crawley phu nhân.

Chính anh ta đã dạy bác quản lý nói: “Bẩm phu nhân, bữa ăn đã dọn”, và chính anh ta đã nhất định đòi khoác cánh tay phu nhân đi sang phòng ăn. Ít khi anh ta nói chuyện với bà này, nhưng hễ đã nói thì bao giờ cũng rất đường hoàng lễ độ; không bao giờ anh ta chịu để bà rời khỏi phòng mà không đứng dậy một cách rất là đường hoàng để tự tay mở cửa, và cúi chào một cách vô cùng lịch. Ở trường trung học Eton, bạn bè gọi anh ta là “cô Crawley”; và tôi cũng rất buồn rầu mà thưa rằng ở trường, anh ta bị em giai là Rawdon đánh luôn rất đau. Sức học thì không được xuất sắc nhưng bù vào chỗ thiếu tài, anh ta có cái nết cần cù kéo lại suốt tám năm học trong trường, chưa hề bao giờ anh ta bị phạt, điều ta thường nghĩ khó lòng một anh học trò nào thoát khỏi.

Lên đại học, dĩ nhiên anh ta được chú ý. Ở đây anh ta đã sửa soạn bước vào xã hội thượng lưu, và được ông ngoại là bá tước Binkie hướng dẫn và che chở. Anh ta rất chăm chỉ học khoa hùng biện lối cổ và lối mới; trong những cuộc hội họp thảo luận, anh ta rất chịu khó phát biểu. Cách ăn nói thì khá lưu loát, chải chuốt; giọng nói tuy nhỏ nhẻ, nhung anh ta cũng rất thú vị khi được ăn nói kiểu cách; có điều bao giờ ý kiến anh ta phát biểu cũng hoàn toàn cũ rích nhạt phèo và phải đèo thêm một quyến rũ chứng bằng tiếng Latinh mới xong. Ấy thế mà anh ta vẫn cứ thất bại như thường, không rõ tại sao, mặc dù cái lối tầm thường mà anh ta dùng, lẽ ra phải đưa bất cứ người nào đến thành công mới đúng. Bè bạn đều bảo rằng anh ta nắm chắc phần thưởng về thơ trong tay, thế mà cũng cứ hỏng. Ra khỏi trường đại học, anh ta làm thư ký riêng cho bá tước Binkie, sau được bổ làm tùy viên đại sứ quán ở Pumpernickel. Anh ta thực hiện nhiệm vụ này một cách xứng đáng, rất thăm gửi về cho ngài Tổng trưởng Ngoại giao đương thời những tin tức về món pa-tê của tỉnh Strasburg. Sau mười năm trời giữ chức vụ tùy viên sứ quán (nghĩa là sau ngày bá tước Binkie tạ thế khá lâu), anh ta thấy việc thăng thưởng của mình quá chậm, bèn khinh bỉ mà rời khỏi trường ngoại giao, và trở về sống cuộc đời một nhà quý tộc thôn quê.

Khi về nước Anh, anh ta có viết một bài xã thuyết về đảo Malt (vốn có nhiều tham vọng, anh ta đưa ra mắt công chúng), và tham dự một phần quan trọng trong vấn đề giải phóng người đa đen. Về sau, anh ta trở thành bạn của ông Wilberforce là người được anh ta rất kính phục về quan điểm chính trị. Anh ta được nổi tiếng nhân việc trao đổi thư từ với linh mục Silas Hornblower về phái đoàn truyền giáo Ashantee. Mỗi năm anh ta đều có mặt ở Luân-đôn, nếu không phải trong thời kỳ Quốc hội họp, thì ít nhất cũng là về tháng năm, khi có những buổi hội nghị tôn giáo ở thôn quê anh ta là một quan tòa, thường đi lại thăm hỏi và thuyết giáo cho cái đám người thiếu nền giáo dục của nhà thờ. Người ta đồn rằng anh ta đã tán tỉnh công nương Jane Sheepshanks là con gái thứ ba của công tước Southdown; cô này có cô chị là công nương Emily, tác giả mấy cuốn truyện: “Cái kim chỉ nam của người thủy thủ” và “Người đàn bà bán táo ở Finchley”.

Cô Sharp không cốt vẽ một bức tranh khôi hài khi miêu tả những cảnh xảy ra ở trại Crawley Bà chúa đâu. Crawley bắt buộc bọn đầy tớ phải lễ bái kính Chúa, và (cũng may thay) bắt cả ông bố phải làm theo. Anh ta chủ tọa một nhóm giáo hữu độc lập ở xứ đạo Crawley; ông chú mục sư bực mình lắm, nhưng ông bố lại rất thú. Có đâu một hai lần cụ Pitt đích thân tới dự; việc này khiến cho tại nhà thờ xứ đạo Crawley nổ ra mấy bài giảng đạo cổ lỗ kiểu gô-tíc của lão nam tước già. Thực ra, cụ Pitt thực thà nhà ta có đủ sức chịu đựng nổi những bài diễn văn đó đâu; thường thường suốt giờ giảng đạo lão ngồi ngủ gật.

Crawley quan tâm đến hạnh phúc của dân tộc và của cái giáo hữu Gia-tô giáo đến mức chỉ mong ông bố nhường lại cho mình chân nghị sĩ ở Quốc hội; nhưng ông lão vẫn không muốn. Dĩ nhiên cả hai bố con cùng khôn cả; họ tính toán rằng không dại gì mà bỏ món tiền một nghìn rưởi đồng được hưởng hàng năm là tiền bán chân nghị sĩ thứ hai (ông Quadroon vẫn giữ chân nghị sĩ này, lại kèm theo quyền tự do hoạt động về vấn đề buôn nô lệ). Quả thật là tình trạng tài sản của gia đình cũng đang gặp hồi lúng túng, số thu hoạch nói trên của thị trấn cũng rất cần thiết cho việc chi tiêu ở Crawley Bà chúa. Món tiền phạt quá nặng mà Walpole Crawley, đệ nhất nam tước, phải nộp vì tội thụt két hồi còn làm việc tại văn phòng cơ mật viện vẫn chưa thu lại được đủ. Ngài Walpole xưa là người ham thú vui, tiêu tiền như rác (alieni appetens, sui profusus (<67>) Crawley thường nhắc, và thở dài); sinh thời, ông ta vẫn được khắp quận yêu mến vì tính rượu chè be bét và tính hào phóng sẵn sàng tiếp đãi mọi người ở Crawley Bà chúa. Hồi đó, hầm rượu của gia đình đầy những rượu vang đỏ burgundy, trong nhà lại nuôi rất nhiều chó săn và ngựa để cưỡi đi săn. Trong trại Crawley Bà chúa, bây giờ ngựa phải đi cày, hay kéo chiếc xe ngựa Trafangar; bữa cô Sharp về đây, cô đã đi chiếc xe do một đôi ngựa nuôi trong trại kéo. Lão Pitt tuy thô tục thật, nhưng ở địa phương lão lại là người rất chú ý bảo vệ giá trị của mình, ít khi lão đi ra ngoài mà không dùng xe tứ mã; và lúc ăn cơm bao giờ cũng phải có ba thằng hầu đứng túc trực, dầu bữa ăn chỉ có thịt cừu luộc. Nếu chỉ cần hà tiện mà đủ giầu, thì cụ Pitt rất có thể đã giầu nứt đố đổ vách... nếu chỉ là một ông thầy kiện tỉnh lẻ, vốn liếng không ngoài bộ óc, thì rất có thể lão đã dùng bộ óc ấy mà kiếm được khối lời, và cũng có thể nhờ đó mà có uy tín ảnh hưởng lớn. (Nhưng không may, lão lại là con nhà dòng dõi và có một gia sản lớn tuy đang gặp khó khăn; cả hai thứ đã chẳng giúp ích cho lão thì chớ, lại làm hại lão. Tính lão ưa chuyện kiện tụng, mỗi năm tốn phí vào đó tới hàng mấy ngàn đồng. Lão vẫn thường cho là mình rất khôn ngoan, không bao giờ chịu bị bọn thầy kiện tầm thường bịt mắt, nên lão cứ giao tất cả công việc kiện cáo cho đến một tá bọn thư lại trung gian lo hộ, mặc dầu lão chẳng tin cậy anh nào. Là một điền chủ sắc sảo, nhưng lão toàn vớ phải bọn tá điền vỡ nợ; lão vốn là một người làm ruộng hà tiện, chỉ vãi hạt giống xuống đất một cách bất đắc dĩ mới cho lão thu hoạch, trong khi mùa màng của những chủ trại biết hào phóng khác lại rất tốt. Lão lại còn kinh doanh nhiều việc khác; làm mỏ, mua cổ phần kênh đào, nuôi ngựa kéo xe thuê, ký hợp đồng với chính phủ, tóm lại lão là tay kinh doanh quan trọng nhất trong quận.

Lão thuê những người lương thiện làm việc khai thác đá gra-nit nhưng không chịu trả tiền công, vì vậy nên bốn người đốc công bỏ trốn sang Mỹ, đem theo cả két bạc. Mỏ than của lão không được săn sóc chu đáo, nước ngập hết; chính phủ ném trả lão tờ hợp đồng về việc tiêu thụ thịt bò ôi, còn như về việc cho thuê ngựa kéo xe thì chủ xe trong cả nước đều biết lão chết nhiều ngựa nhất, vì toàn là ngựa mua rẻ và cho ăn đói. Tính lão không kiêu ngạo, trái lại rất bình dân. Có thể nói lão ưa trò chuyện với một bác nông dân hoặc một tay lái ngựa hơn là tiếp đãi một nhà quý tộc giống như cái ông lớn con trai của lão. Lão thích uống rượu, văng tục, và bỡn cợt với bọn con gái nông dân.

Lão không hề cho ai một đồng trinh, hoặc làm một việc phúc đức nào bao giờ, nhưng ai cũng biết lão sởi lởi, vui tính; lão có thể hôm nay ngồi bỡn cợt và uống rượu với một tá điền, ngày mai đuổi cổ thẳng cánh, hoặc có thể vẫn đùa cợt với người đã phạm tội săn trộm trong trại của lão mà lão đang bắt đi đầy... đối với phụ nữ lão có nhã nhặn hay không, cứ xem cách lão đối đãi với Rebecca cũng rõ. Tóm lại trong giới quý tộc và nghị sĩ toàn nước Anh, không có một người nào xảo quyệt bần tiện, ích kỷ, ngu xuẩn, và nổi tiếng xấu xa như lão. Bàn tay vấy máu của cụ Pitt Crawley chỉ thấy thọc vào túi áo người khác, không bao giờ thọc vào túi áo của chính mình. Vậy nên chúng ta, những người vẫn kính trọng giới quý tộc nước Anh, rất đau lòng mà bắt buộc phải công nhận đủ ngần ấy thói xấu ở một người có tên ghi trong tập Debrett (<68>).

Nguyên nhân quan trọng khiến cho Crawley được bố vì nể là một vấn đề tiền nong. Số là lão nam tước nợ con trai một món tiền lớn, đó là tiền riêng của mẹ anh ta để lại; lão không muốn trả nợ con, vì xưa nay lão vẫn có tính thù ghét sự trả tiền cho bất cứ ai và chỉ khi nào bị cưỡng bách thì lão mới chịu thanh toán nợ, Cô Sharp đã tính rằng (dưới đây chúng ta sẽ thấy cô tìm được cách biết mọi việc bí mật của gia đình) nếu trả nợ thì mỗi năm lão phải tốn hàng nghìn đồng. Nhưng lão không chịu bỏ mất sở thích của mình: lão có cái thú man rợ là bắt bọn người khốn khổ đáng thương kia phải chờ đợi; lão chạy khắp các tòa án tìm đủ mọi cách hoãn ngày trả tiền. Lão bảo: “Nếu phải trả nợ thì người ta làm nghị sĩ Quốc hội để làm cái quái gì?” Vậy ra cái cương vị thượng nghị sĩ quả thật có ích cho lão không phải ít.

Hội chợ phù hoa...Hội chợ phù hoa! Tại đây có một thằng đọc không thông, cũng không chịu tập đọc... có những thói quen và tính xảo quyệt của một thằng biển lận, suốt đời chỉ có một lẽ sống là đi lừa vặt thiên hạ, chỉ biết đến những sở thích, những tình cảm, những thú vui bẩn thỉu, bần tiện; vậy mà không rõ tại sao hắn có đủ cả địa vị, danh vọng và quyền lực, lại là một bậc tai mặt trong xứ, một cây cột trụ của nhà nước? Hắn giữ địa vị bảo an đại quan và đi xe ngựa mạ vàng. Các vị tổng trưởng và các chính khách đều phải nịnh nọt hắn: và trong Hội chợ phù hoa hắn chiếm một địa vị cao hơn cả những người tài năng lỗi lạc nhất, hoặc những người đạo đức trong sạch nhất.

Cụ Pitt có một người em gái khác mẹ không lấy chồng; bà này thừa hưởng một gia sản của mẹ để lại. Lão nam tước đề nghị cầm tài sản của mình cho em rể để vay món tiền ấy, nhưng bà Crawley (<69>) không thuận; bà ưng giữ chặt số tiền hơn. Tuy nhiên, bà cũng đã ngỏ ý sẵn sàng chia gia tài của bà cho đứa con trai thứ của cụ Pitt; cũng đã có một lần bà trả nợ cho Rawdon Crawley hồi anh ta còn đi học cũng như khi anh ta nhập ngũ. Do đó, mỗi khi đến thăm trại Crawley Bà chúa, bà Crawley được trọng vọng vô cùng.

Cái tài khoản kếch xù của bà ở nhà băng có thể khiến bà đi bất cứ đâu cũng được người ta trọng vọng. Mới biết nhờ có cái tài khoản ở nhà băng mà giá trị một bà quý tộc già được tăng thêm bao nhiêu phần? Nếu bà ấy lại là một người thân trong gia đình (rất có thể mỗi độc giả cũng có hàng nửa tá người thân như vậy đấy) thì những thói xấu của bà ấy đối với ta cũng trở thành đáng yêu biết bao; thật là một bà cụ già nhân hậu tất bụng. Anh chủ trẻ tuổi hãng Hobbs và Dobbs sẽ mỉm cười mà dẫn bà bước ra chiếc xe ngựa, trên thành xe có sơn hình quả trám (<70>) và có một anh xà ích béo quay thở phì phà phì phò! Rồi khi bà cụ đến thăm, ta lại có dịp giới thiệu địa vị của bà với bè bạn. Chúng ta bảo thế này (mà cũng chí lý): ước gì bà MacWhirter ký cho một chữ vào cái ngân phiếu năm ngàn đồng nhỉ”. Vợ chúng ta thêm: “Năm nghìn thì bà cụ coi mùi gì”. Khi ông khách hỏi bạn rằng bà MacWhirter phải chăng có họ với gia đình, bạn cứ điềm nhiên như không đáp: “Tôi gọi bà cụ bằng cô ruột đấy”. Vợ bạn luôn luôn gửi quà cáp tặng bà cụ để tỏ tình quý mến; mấy đứa con gái bạn thì cứ ra công mà đan những túi len, những mặt gối và những khăn ủ chân cho “bà cụ”.

Mỗi khi “bà cụ” đến thăm thì đốt ngay lửa thật ấm trong lò sưởi, tuy rằng hàng ngày vợ bạn vẫn phải chịu lạnh mỗi khi thay áo! Trong suốt thời gian “bà cụ” ở chơi, gia đình bận tíu tít, nhà cửa nom sạch sẽ, ấm cúng, rộn ràng như có thết tiệc mà vào những ngày khác không bao giờ được như vậy. Ngay chính bạn, ông bạn quý ơi, bạn cũng quên mất giấc ngủ trưa sau bữa ăn, và đột nhiên thấy mình rất ham đánh bài (mặc dầu bạn thua luôn). Bạn ăn cơm rất ngon...ngày nào cũng có thịt thú rừng; rượu Malmsey- Madeira, cá mua tận Luân đôn mang về thì không bao giờ thiếu.

Cả bọn tôi tớ trong bếp cũng được dự phần hào phóng: không rõ vì sao, trong thời gian anh xà ích béo của bà MacWhirter ở chơi, rượu bia như nặng phân hơn ngày thường, và trong phòng đầy tớ (nơi chị hầu gái ăn cơm), việc tiêu thụ trà và đường không hề bị nhòm ngó đến bao giờ. Có đúng thế không, hay là sai? Tôi xin nhờ những tầng lớp trung lưu làm chứng hộ. Ôi, hỡi những đấng thiêng liêng có từ tâm, ước gì các người ban cho tôi một bà cô già, một bà cô ở vậy không có chồng...một bà cô có đủ cả xe ngựa có sơn hình quả trám, và có bộ tóc màu cà phê nhạt...Các con tôi sẽ tha hồ đan túi len cho bà cụ; cả Julia cùng tôi sẽ sẵn sàng hầu hạ bà cụ. Một viễn tưởng êm đẹp làm sao. Song cũng là một giấc mơ hão huyền làm sao?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.