Hôn Lễ Tháng 3

Chương 6: Chương 6: Người giúp việc




1. Hôm vợ tôi qua đời, trời đổ mưa. Mưa to… rồi bé dần.

Đứa con trai mới chưa tròn nửa tháng tuổi không khóc, nó còn chưa biết đau buồn, chỉ toét miệng cười. Tôi nhìn con trai, cũng không khóc, tôi đã mất đi bản năng đó.

Nhưng ông trời đã khóc nức nở.

Thời gian này, Mễ Lan đi đứng khẽ khàng, chân tay gượng nhẹ giống như người có tội, chỉ một tiếng ho nhẹ của tôi cũng làm cô ta giật mình hoảng hốt.

“Cho Mễ Lan nghỉ việc đi, nhà này không cần bảo mẫu nữa.” Tôi liên tục thúc giục mẹ.

Mẹ tôi tức giận, quát, “Thằng bé mới được mười mấy ngày, không có Mễ Lan làm sao mẹ xoay xở được? Một mình mẹ làm sao cho ăn uống, giặt giũ?”

“Có thể thuê người khác!”

“Người khác mẹ không yên tâm!” Mẹ quay mặt đi, vẻ rất kiên quyết.

“Mẹ, mẹ bảo con…” Tôi liếc xuống bếp, đúng lúc bắt gặp ánh mắt rầu rĩ của Mễ Lan, “Mẹ bảo con làm sao đối diện được với con người độc ác này?” Tôi chỉ Mễ Lan phẫn nộ gào lên.

“Bành Gia! Con nói bậy gì thế?” Mẹ kinh ngạc đi đến trước mặt tôi.

“Cô ta chính là hung thủ! Chính cô ta đã giết chết Niệm Niệm! Nếu mẹ tiếp tục để cô ta ở lại nhà này, thì con sẽ ra đi.” Nói đoạn, bất chấp mẹ ngăn cản, tôi bước ra cửa.

Bỗng đứng sững lại, Mễ Lan đã quỳ trước mặt tôi.

“Xin anh đừng giận, anh cứ đánh em, nhưng đừng đuổi em. Chờ thằng bé được nửa năm, em sẽ đi, được không, em xin anh…”

Mễ Lan cúi đầu, giọng cầu khấn van nài, nước mắt lã chã rơi xuống nền.

Tôi quay người bỏ đi, không muốn nhìn khuôn mặt van nài của cô ta, mà lại là khuôn mặt đẹp.

Đẹp đến nỗi khiến người khác phạm tội.

Mễ Lan thường bế đứa trẻ, nhìn tôi, cười dịu dàng, khẽ hát ru, giọng trong vắt, êm như nước nguồn.

Có lúc nhìn đôi mắt dịu dàng e lệ của Mễ Lan, tôi lại hoang mang, lại nghĩ đến đêm hôm đó, cũng ánh mặt dịu dàng, ngoan ngoãn, e lệ như vậy, Mễ Lan đã hiến dâng cho tôi.

Nhiều lần tôi bực mình vì cái cách cô ta bảo vệ thằng bé như một người mẹ, bởi vì cô ta không có tư cách. Thằng bé rất đẹp, nhưng không có nét nào giống vợ tôi, trong lòng thật vô cùng hổ thẹn.

Nhưng tôi cũng không nhắc lại chuyện cho Mễ Lan nghỉ việc nữa.

Cái chết của vợ tôi hầu như không ảnh hưởng đến cuộc sống của mẹ tôi, bà đã nhanh chóng tìm thấy niềm vui bên thằng cháu nội kháu khỉnh.

Một hôm, bà khen thằng bé giống tôi, tôi bất giác liếc sang Mễ Lan, đúng lúc cô ta cũng đang nhìn trộm tôi, bốn mắt gặp nhau, khuôn mặt thon nhỏ của Mễ Lan thoáng ửng hồng. Tôi ho khan một tiếng, bỏ ra ngoài.

Tôi dần dần tiếp nhận Mễ Lan, thỉnh thoảng có việc sai bảo, tôi gọi cô ta, cho phép cô ta cùng ngồi bàn ăn với chúng tôi.

Nhưng nỗi đau giống như cái gai trong lòng tôi, không thể nhổ được. Mỗi khi chạm nhẹ lại nhói buốt.

Thằng bé đã cai sữa, bắt đầu bi bô tập nói. Khi cái miệng xinh xắn của nó bập bẹ tiếng “bố bố” đầu tiên, tôi cảm động xuýt rơi nước mắt.

Mẹ bảo, đó là công sức của Mễ Lan suốt một tuần lễ. Ngày nào nhân lúc tôi đi làm cũng kiên trì dạy thằng bé tập nói.

Tôi nhìn Mễ Lan, đôi mắt đẹp luôn nhìn xuống của cô ta khi cười giống như vầng trăng thượng tuần.

Lúc đó tôi đang say sưa trong tự hào và thỏa mãn của người làm cha, nhất thời quên đi sự thù địch với Mễ Lan. Có lúc thậm chí tôi còn đặt tay lên vai cô ta, bảo thằng con “gọi mẹ đi”.

Vừa dứt lời, cả hai đều ngây ra, bầu không khí bỗn trở nên nặng nề, duy có thằng bé không biết gì, chỉ biết khua bàn tay bụ bẫm của nó, miệng phun nước phì phì, gọi “bố! bố!”.

2. Hai năm trôi qua, thằng bé không thể rời khỏi Mễ Lan. Điều nó thích nhất là khanh khách cười, nhảy từ lòng tôi sang lòng Mễ Lan.

Thằng bé gọi tôi là bố, gọi mẹ tôi là bà nội, gọi Mễ Lan là cô. Không khí trong nhà lại đầm ấm như xưa.

Gần đây mẹ tôi lại rụng thêm hai cái răng, bà sợ hãi nhận ra rằng mình đã già đi nhiều và bắt đầu lo cho đoạn đời còn lại của tôi. Mẹ không chỉ một lần ghé tai tôi nói, “Mễ Lan là cô gái tốt.”

Tôi hiểu ý của mẹ, chỉ có điều, mỗi buổi sáng, vừa mở mắt đã thấy bức ảnh cưới, vợ tôi âu yếm nép vào tôi, giống như đóa hoa hồng được tạo tác từ hạnh phúc, đôi mắt dịu dàng âu yếm. Cái nhẫn tôi tặng cô ấy vẫn để ở đầu giường, hai năm rồi, vẫn lấp lánh tình yêu chung thủy.

Một hôm đi làm về, không thấy cái nhẫn đâu, tôi nhảy vào phòng khách, bắt gặp ánh mắt hốt hoảng của Mễ Lan.

“Mẹ có thấy chiếc nhẫn con tặng Niệm Niệm đâu không?” Tôi xông đến trước mặt mẹ, hỏi dồn.

“Mẹ không biết, hỏi Mễ Lan…” Mẹ tôi nói. Ánh mắt tôi chuyển sang Mễ Lan, lúc đó cô ta đang ngồi cạnh thằng bé, vẻ hết sức sợ hãi, hai bàn tay bối rối đan vào nhau.

“Cô có thấy cái nhẫn của tôi không, cái nhẫn vẫn để ở đầu giường ấy?” Tôi sa sầm mặt, áp sát cô ta.

“Em…Em không biết…”Cô ta run run đứng lên, toan bỏ đi.

Nhưng bộ dạng của cô ta khiến tôi càng nghi ngờ. “Đưa ngay cái nhẫn ra đây!” Tôi chộp lấy ngay tay cô ta, trợn mắt quát.

“Ái, đau, buông em ra…”Mễ Lan mặt khiếp sợ, hoảng hốt nhìn mẹ tôi cầu cứu.

“Mễ Lan! Nói ra đi! Nói thật đi, mất rồi, không tìm thấy, Bành Gia cũng chỉ mắng một tí thôi…” Mẹ đứng dậy nói.

“Là em…” Mễ Lan cuối đầu, mãi mới ấp úng được một chữ.

“Cô lấy thật ư?” Tôi không dám nhìn khuôn mặt chất phác ấy. “Đó là vật kỉ niệm của vợ tôi, ngày thường cô ấy cũng không dám đeo, vậy mà cô…”

“Em…” Mễ Lan dường như muốn nói điều gì đó, nhưng đã bị tôi túm áo xô xuống đất. Đầu va vào bàn, ấm chén lăn lóc, tiếng vỡ loảng xoảng, át cả tiếng kêu của Mễ Lan.

“Nói! Cô giấu chiếc nhẫn của tôi ở đâu?” Tôi xông đến, áp sát tay cô ta, hét lên như sấm: “Mẹ kiêp, nói đi, cô để nó ở đâu?”

“Em không biết…Em không biết…” Mễ Lan lăn lộn trên sàn.

Tôi không thể nào kiềm chế được phẫn nộ, sau mỗi tiếng “không biết” của Mễ Lan, tôi lại đá vào người cô ta một cái.

Vừa rồi khi ngã đập đầu vào cạnh bàn, máu từ đầu đã chảy xuống đầy mặt, lại liên tục bị đá, Mễ Lan dường như sắp ngất xỉu, không động đậy. Nhưng miệng vẫn một mực “không biết, không biết”

Đánh mấy cũng chỉ một câu “không biết, không biết” khiến tôi như bị trêu tức, càng muốn ra tay mạnh hơn.

Thằng bé đứng lên khóc không thành tiếng.

Mẹ không đành lòng, chạy đến giữ lấy tôi: “Đừng đánh nữa, định đánh chết người ta hay sao?”

“Con đàn bà xấu xa này đã hại chết Niệm Niệm, bây giờ lại ăn cắp đồ của cô ấy! Hôm nay con nhất định phải giết cô ta!” Mắt đỏ ngầu, tôi hung bạo nói, lại đá vào lưng Mễ Lan. Cô ta chỉ “hự” một tiếng rồi ngất đi.

“Đừng đánh nữa! Nhẫn không phải Mễ Lan lấy!” Mẹ đột nhiên bật khóc.

“Cái gì?”

“Thằng bé cầm chơi rồi ném ra ngoài ban công…” Mẹ vừa khóc vừa nói.

“…”

Lúc đó, tôi chỉ thấy đầu choáng váng, tai ù.

“Mẹ biết con coi trọng chiếc nhẫn đó, mẹ sợ con đánh thằng bé, nó bé như vậy làm sao chịu nổi!”

Tôi nhìn Mễ Lan nằm bất động trên sàn. Người co quắp, tóc sổ tung rũ rượi, mặt đầy máu, xung quanh la liệt những mảnh chén vỡ… Từ từ cúi xuống, chạm vào cô ta, Mễ Lan lập tức co người một cách bản năng.

Tôi tuyệt vọng nhắm mắt, sau đó run người bế xốc Mễ Lan lên.

“Đừng đánh thằng bé…” Mễ Lan hé mắt nói yếu ớt.

“…”

Trong cổ họng tôi có một cục đá chặn đứng, không nói được.

Cô gái đáng thương, tại sao cô lại bảo vệ con tôi, để đến nỗi bị đánh tàn tạ thế này. Nhưng ngoài ân hận, tôi không biết làm gì khác.

Tôi muốn nói lời xin lỗi, nhưng không tài nào nói ra được; thật khó nói như vậy với một cô bảo mẫu, một người giúp việc.

Mẹ và con trai tôi co rúm bên cạnh tôi, cả hai đều khóc.

Tôi lặng lẽ đưa Mễ Lan đến bệnh viện, lòng nặng trĩu buồn phiền.

Bốn ngày sau Mễ Lan xuất viện, khi tôi đến đón, dưới ánh mặt trời rạng rỡ, cô ta vẫn mơn mởn như đóa hoa.

Tối hôm đó tôi uống một ít rượu vang, gọi Mễ Lan đến phòng riêng, ôm cô ta, lòng tràn ngập thương xót. Mễ Lan lòng thẹn thùng, vui sướng, người căng thẳng, run run.

Tất cả dường như giống hệt cái đêm ba năm về trước, cũng ôm hôn, cũng âu yếm, đôi mắt Mễ Lan cũng như có men rượu, cười e thẹn, ngay cả trăng cũng phủ lên mái nhà ánh sáng mượt như nhung.

Cũng cái nhìn chăm chú của vợ tôi, chỉ có điều hồi đó cô ấy đi công tác nước ngoài, bây giờ cô ấy ở thiên đường.

3. Hôn lễ với Mễ Lan hết sức đơn giản, đưa hộ khẩu đến ủy ban nhận giấy chứng nhận kết hôn, coi như thành vợ chồng. Thậm chí nhẫn cưới cũng không có, Mễ Lan nói tiết kiệm là tốt, tôi cảm thấy có lỗi với vợ trước. Không thể hình dung khi trao nhẫn, cùng một lời thề lại nói với hai người đàn bà.

Năm đó tôi ba mốt tuổi, Mễ Lan hai mươi.

Kết hôn xong, nhận ra Mễ Lan có tâm sự riêng, gặng hỏi mãi mới ấp úng, “Có thể bảo thằng bé gọi em là mẹ không?”

Tôi bật cười, nhưng lại thấy đau lòng.

Thằng bé dường như không quen phát âm tiếng “mẹ”, Mễ Lan kiên trì dạy, nhưng nó vẫn gọi là cô. Về sau chán không muốn dạy nữa.

Tôi nói, em quá nuông chiều nó, Mễ Lan cười dịu dàng, “Chỉ cần nó vui là được!”

Mễ Lan luôn chứng tỏ thân phận người giúp việc của mình, có lúc tôi thực sự không biết thế nào với cô ta.

Tất cả dường như không có gì thay đổi. Tôi đi làm việc kiếm tiến, Mễ Lan ở nhà chăm sóc mẹ và con trai, làm việc nhà. Con trai lớn dần, mẹ mỗi ngày một già.

Tôi chưa bao giờ đưa Mễ Lan ra ngoài, chẳng ai biết Mễ Lan là vợ tôi.

Lúc đầu là do tôi cảm thấy có lỗi với vợ trước, về sau nhận thấy cái vẻ hạ nhân bẩm sinh của cô ta có gì đó rất thấp hèn, cô ta dường như chẳng có một chút tự tôn, cả đời chỉ quen hầu hạ phục vụ người khác, ngay đến gã trai chuyên đưa nước cũng cảm thấy cùng đẳng cấp với cô ta, có thể trêu chọc, đùa cợt với cô ta.

Cho nên trong nhà chỉ thêm một tờ giấy chứng nhận kết hôn, con tôi vẫn là con tôi, người giúp việc vẫn tận tụy với chức trách cùa mình.

Thấm thoát con trai đã lớn, vào tiểu học rồi trung học, có bạn bè riêng. Bọn trẻ thường sĩ diện, bạn bè đến nhà chơi, thằng con tôi không hề nói Mễ Lan là mẹ nó.

“Mẹ cậu trẻ thế!” Bạn nó hỏi.

“Không, người giúp việc đấy. Mễ Lan, lấy nước!” Thằng con nói.

Tôi đứng bên nhìn Mễ Lan, cô ta chỉ lặng người trong giây lát, rồi lẳng lặng đi lấy nước, lúc từ nhà bếp đi ra, mặt mũi đã tươi cười, hồ hởi nhìn bọn trẻ ăn uống, không dám nói gì, rồi lẳng lặng đi ra.

Không biết tôi không ngủ cùng Mễ Lan từ bao giờ, bởi vì mỗi lần gần gũi cô ta, cái vẻ nhẫn nhịn, phục tùng kẻ dưới của cô ta khiến tôi mất hết mọi hứng thú.

Hôm mẹ tôi qua đời, tôi đã say một trận ra trò. Mẹ là người hiểu tôi nhất, mẹ nói: “Bành Gia! Chẳng lẽ mẹ đã sai?”

Nói xong, mẹ nhắm mắt xuôi tay.

Tôi biết cái mà mẹ định nói là gì, tôi nhìn Mễ Lan, lúc đó cô ta đang cắm cúi lau nhà.

Tôi cũng không biết là đúng hay sai.

Khi đã say mểm, tôi loạng choạng vào phòng ngủ, không thấy bức ảnh cưới đã treo mười mấy năm trên tường đâu nữa, tự dưng sực tỉnh, định thần nhìn lại, thấy Mễ Lan đang cầm bức ảnh không biết định làm gì. Tôi có cảm giác cô ta sẽ làm chuyện gì hạ nhục Niệm Niệm.

Trong lúc tức giận, tôi xông tới tát cho cô ta một cái, “Ai cho cô động chạm linh tinh!”

Mễ Lan bị đánh đau đầu kêu toáng lên, né người sang một bên, lúc đó tôi mới nhìn thấy tay kia của cô ta cầm một cái giẻ lau.

“Xin lỗi, em chỉ lau sạch bụi, nhiều bụi quá.” Mễ Lan cúi đầu ấp úng, dáng vẻ như cô dâu bị bắt nạt.

“À, thì ra là vậy. Cô nói xin lỗi cái gì?” Tôi ngồi xuống mép giường, gặng hỏi.

“Không…không biết…”

“Cô…cút…cút!” Tôi gầm lên, chỉ tay ra cửa.

Mễ Lan không nói gì, cầm cái giẻ lau định bỏ đi.

“Mễ Lan…”, tôi khó nhọc cất tiếng, mắt không nhìn cô ta. Khi Mễ Lan đi đến gần cửa, tôi nói chậm rãi, đầy tuyệt vọng: “Cô không biết nắm bắt hay sao, cô chỉ chờ sự bố thí của người khác phải không?”

“Nắm bắt cái gì?” Mễ Lan ngơ ngác, giọng run run hỏi.

“Hạnh phúc của cô, lòng tự trọng của cô!”

“Em đã sai…Anh muốn đánh đuổi em phải không? Xin anh đừng đuổi em. Hãy để em ở bên anh và con, em sẽ không dám động vào bức ảnh nào nữa, chỉ cần anh không đuổi em, anh muốn em làm gì cũng được!” Mễ Lan nghẹn ngào, nước mắt như mưa rồi quỳ sụp xuống.

Tôi còn có thể nói gì đây, tôi còn hy vọng sự giao lưu chia sẻ nào nữa, làm sao để cứu vãn?

Tôi tuyệt vọng nhắm mắt, xua tay ra hiệu, bảo cô ta đi ra.

Có lẽ tất cả đã sai lầm ngay từ lúc bắt đầu.

3. Khi tôi để đơn ly hôn trước mặt Mễ Lan, cô ta kinh ngạc, hoảng hốt.

Đầu tiên là khóc, nước mắt đầm đìa, cứ như là đã vay nước của Long Hải Đông Vương, sau đó quỳ lạy, van xin, nhận lỗi.

Tôi hỏi, cô sai chỗ nào.

Cô ta ngây người không nói, chỉ lắc đầu, một mực, “Đừng đuổi em! Đừng đuổi em!”

“Mễ Lan, cô có yêu tôi không?” Tôi lại hỏi.

“Chỉ cần cho em ở lại đây, em chỉ muốn ở lại đây!” Mễ Lan vừa khóc vừa nói, người khác nghe nhất định sẽ mủi lòng.

Nhưng lòng tôi đã chai sạn.

Tôi chỉ hỏi cô ta có yêu tôi không, đây là tình cảm cơ bản nhất của vợ chồng, chỉ cần cô ta nói một tiếng yêu hoặc gật đầu… nhưng cô ta không hiểu, cô ta chỉ biết phục tùng, chỉ quen ngước nhìn người khác mà không biết thực ra cô ta cũng cao như mọi người.

“Chúng ta ly hôn thôi, không phải tôi đuổi cô, cô có thể tìm cuộc sống mới, tôi cũng vậy.” Khi đã bình tĩnh lại, tôi kéo cô ta đứng dậy, nói nhẹ nhàng.

“Không! Không! Không! Em không cần cuộc sống mới, như thế này là tốt lắm rồi, em không cần gì nữa, thật mà…”

“Nhưng tôi cần! Tôi cần một người vợ, chứ không phải là người giúp việc! Tôi cần sự giao lưu tình cảm về tâm hồn, cô hiểu không?”

“Vậy anh có thể đi tìm người phụ nữ anh thích, chỉ cần cho em ở lại…” Mễ Lan lao đến nắm áo tôi.

“Cô định bức chết tôi hả?” Sự kiên nhẫn của tôi hoàn toàn tiêu tan. Quả thực không thể nói gì với cô ta.

Cuộc sống như vậy sẽ làm tôi phát điên. Tôi tức giận giật cửa lao ra ngoài.

Sau lưng là tiếng kêu khóc của Mễ Lan, “Em sai rồi, đừng đuổi em”.

Giống như bị một người điên rượt đuổi, tôi chạy thục mạng.

Nghĩ tới vợ trước của tôi, người tôi yêu nhất, tôi muốn đi tìm cô ấy.

Tôi đứng giữa đường, tôi biết trong tích tắc tôi có thể gặp được Niệm Niệm, chỉ cần tôi đứng yên.

Một chiếc xe tải lao đến, tôi nhắm mắt chuẩn bị đối diện với tử thần, nhưng chỉ thấy tiếng gió rít bên tai và một tiếng quát thô bạo, “Muốn chết hả?”

Mở mắt thấy chiếc xe đã lướt qua.

Lúc đó tôi nghĩ đến con trai, nó sắp tan học, con trai về nhà sẽ tìm tôi, sau này thi đại học còn cần tôi giúp đỡ, con tôi sẽ kết hôn, sẽ tìm một cô dâu như thế nào, cháu nội tôi sẽ giống ai… ham muốn sống bỗng trỗi dậy.

Vừa lúc đó, một chiếc taxi lao đến, tôi vội né sang bên, người toát mồ hôi

Suýt thì tôi đã mất mạng trong tích tắc, một sinh linh sống, bất giác cảm thấy kinh hãi.

Lại nghe đằng sau có tiếng phanh chói tai…

Thực ra bi kịch đã nảy sinh ngay từ lúc đầu: vợ tôi, Niệm Niệm, không sinh con được, mẹ tôi lại cần cháu nói dõi, thấy cô giúp việc khỏe khoắn, nhanh nhẹn, nhân lúc vợ tôi đi công tác nước ngoài, bà bí mật sắp kế hoạch mượn người đẻ mướn, khi vợ tôi trở về, con của tôi và người đàn bà khác đã sắp đầy tháng, trong lúc đau buồn tuyệt vọng, Niệm Niệm uống thuốc tự vẫn. Đứa con là máu thịt của người mẹ, vì vậy cô giúp việc lo sợ nhất là bị đuổi đi.

Không thể nói rằng chết đi là lương thiện, nhưng kì thực, sống, đôi khi quá bi đát.

“Con trai, con tan học chưa?” Tôi gọi điện thoại cho con trai.

“Con đang trên đường về, sắp về đến nhà rồi ạ, có chuyện gì vậy bố?”

“Con đến bệnh viện Tây Nam ngay, bố đợi con ở cổng”.

“Bố, bố ốm phải không, có chuyện gì vậy?”

“…”

Con trai vội đến bệnh viện, găp mặt cô lần lần cuối – lúc tôi tránh chiếc xe tải, Mễ Lan tưởng tôi muốn chết, lao ra cứu tôi.

Tôi tránh được còn cô ta nằm trong vũng máu, dưới ánh nắng chiều, chiếc váy màu xanh của Mễ Lan đỏ thẫm, đỏ đến choáng người.

Bác sĩ nói với tình trạng vết thương như vậy, nạn nhân có thể chết tại chỗ, dường như Mễ Lan đang cố chống chọi bằng một nghị lực phi thường, cô ta đang chờ đợi điều gì?

“Gọi mẹ đi con!” Tôi bảo con trai, giọng nghẹn ngào.

“Dạ?” Con trai kêu lên.

Cả khuôn mặt Mễ Lan đã không còn một phần nguyên vẹn, chỉ có đôi mắt vẫn long lanh, da diết nhìn đứa con.

“Cô ấy là mẹ đẻ của con!” Nói ra câu đó, tôi cũng bật khóc.

Con tôi dường như không thể chấp nhận mẹ đẻ của nó lại là người giúp việc, nó chần chừ không nói.

Cuối cùng thấy tôi trừng mắt, mới khẽ gọi, “Mẹ!”, giọng yếu ớt như tiếng muỗi kêu.

Cúi nhìn, Mễ Lan đã tắt thở.

Bác sĩ đứng bên thở dài, “Chờ đợi, gắng gượng suốt một giờ đồng hồ, cuối cùng vẫn không nghe được một tiếng gọi mẹ “

“Chờ đợi một tiếng đồng hồ có là gì!” Tôi thầm thì nhìn con trai vừa lau nước mắt, vừa chạy ra ngoài: “Cô ấy đã chờ đợi tiếng gọi mẹ của đứa con trai suốt mười lăm năm nay rồi”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.