Khai Quốc Công Tặc

Chương 61: Q.3 - Chương 61: Tử Lưu (27)




Ngòi bút chấm no mực, Trưởng sử Phủ Quận Thủ Võ Dương Ngụy Trưng lần lữa mãi không chịu hạ bút.

Y là chi sĩ uyên bác, bất luận là tấu chương, trường ca hay là luật thơ Thất ngôn, luôn có thể hạ bút thành văn, vung bút thành thơ. Nhưng áng văn hôm nay rõ ràng là khiến y lao tâm khổ tứ. Hầu như từng chữ, từng câu, đều phải cân nhắc đắn đo lại nhiều lần, mấy lần giơ bút lên, cuối cùng trang giấy trước mặt vẫn là một trang giấy trắng sạch sẽ như trước.

Vô cùng sạch sẽ, sạch sẽ đến nỗi giống như gian phòng này, nơi mà bây giờ y xử lí công vụ. Cửa sổ treo rèm màu trắng, dưới đất được lau đến nỗi không còn một hạt bụi. Ngụy Trưng thích sạch sẽ, y không học được tính cởi mở “môn sắt bả tửu, thản phúc đông sàng” của các danh sĩ từ thời Ngụy Tấn, cũng chẳng muốn làm như vậy. Y cho rằng tất cả mọi việc trên thế gian đều có kết cấu, trình tự và quy luật cần phải tuân theo. Người đùa bỡn với trật tự cuối cũng cũng sẽ bị trật tự đùa bỡn lại. Còn bây giờ, những việc y làm lại hoàn toàn tách rời khỏi trật tự, không thể nói với triều đình, giữa các quan liêu cũng không được biết sự thật. Thậm chí chỉ cần có chút sơ hở, sẽ liên lụy đến nỗi y hoàn toàn thân bại danh liệt.

Nhưng việc này y lại không thể không làm. Bất kể đối với Đông Chủ Nguyên Bảo Tàng, hay là đám tặc đầm Cự Lộc, y đều là sự lựa chọn tốt nhất. Chẳng may trước khi kế sách phân hóa tan rã này có hiệu quả, đầm Cự Lộc đã bị binh mã triều đình đánh tan, bức thư cầu hòa viết cho Trương Kim Xưng này không may rơi vào tay người ngoài, quận Võ Dương sẽ phải giải thích với triều đình. Quận thủ đại nhân đương nhiên không thể gánh vách tội danh nuôi dưỡng kẻ tặc, Trưởng Sử Phủ Quận Thủ phải tự làm tự chịu. Nếu chẳng may Trương Kim Xưng không hài lòng với giá cả mà Võ Dương đưa ra, muốn tìm một nơi nào đó đàm phán, do Trưởng Sử Phủ Quận Thủ ra mặt. Một là, có thể bày tỏ thành ý Quận Võ Dương đúng là có ý cầu hòa, hai là, với sự trầm ổn và tùy cơ ứng biến của Ngụy Trưng, vừa hay có thể ứng phó với sự giả dối và ác độc của Trương Kim Xưng.

Nhưng cầu không thẹn với lương tâm, trên không phụ ơn đối đãi của Quận Thủ đại nhân, dưới xứng đáng với bách tính Võ Dương, ta cần gì phải để tâm những hư danh bên ngoài! Không biết là lần thứ bao nhiêu y nhấc bút lên, lại nhanh chóng hạ bút xuống. Thư rất khó viết, không chỉ khó ở chỗ mấu chốt trong lòng, mà còn khó hơn ở chỗ nắm chắc chừng mực. Đầu tiên, rốt cục nên xưng hô với Trương Kim Xưng thế nào? Điều này khiến y vô cùng đau đầu. Gọi lão là “Đại vương”? Quá nịnh bợ, chẳng có chút khí chất nào. Dù sao người này cũng chỉ là một tên tặc có thế lực hơi lớn một chút, còn Võ Dương Quận Thủ Nguyên Bảo Tàng đường đường là một đại quan Tứ Phẩm thống trị một phương! Gọi là “Trương huynh”! Rõ ràng là thân mật quá, giả tạo quá! Giả tạo đến nỗi khiến bản thân Ngụy Trưng nổi da gà. Cho dù là với những đồng liêu Võ Dương, y cũng rất ít khi xưng huynh gọi đệ, huống hồ là một tên thổ phỉ vốn không quen biết? Có thể gọi lão là “tráng sĩ”, lại càng cứng nhắc, lãnh đạm, không dễ kéo gần khoảng cách giữa hai bên, càng không có lợi cho việc đàm phán giữa hai bên.

Đắn đo mấy canh giờ, nhìn thấy trời bên ngoài cũng bắt đầu chuyển thành màu đen, Ngụy Trưng cuối cùng cũng quyết định, mở đầu bằng hai chữ “Trương Công”. Chữ “Công” này không phải phong hiệu, mà là đối với bất kì một người trưởng bối có danh vọng, hoặc là lớn tuổi một chút đều thích hợp để xưng hô. “Trương Công Kim Xưng như ngộ”, Ngụy Trưng viết mở đầu lên tờ giấy “Dương Châu” trắng tinh như vậy, giống như viết cho một người bạn cũ. Sau đó liền viết tiếp với ý thân mật như vậy, báo tên tuổi của mình, Trưởng Sử Phủ Võ Dương Quận Ngụy Trưng, đã từng tận mắt chứng kiến quần hùng hơn một năm nay chiến công hiển hách, vô cùng khâm phục.

“Nhưng binh có mạnh trận có nguy, thế gian cũng không có tướng trăm trận trăm thắng!”. Tiếp đó, Ngụy Trưng bắt đầu kể về ảnh hưởng của khói lửa chiến tranh đối với hai bên. Rất nhiều anh hùng hào kiệt nằm hôn mê dưới đất, dân chúng bốn quận Thanh Hà, Võ Dương, Tương Quốc, Võ An cũng năm này qua năm khác không được nghỉ ngơi. Vào xuân, những vùng đất cách thành trì xa hơn một chút cũng không ai dám canh tác. Đến mùa thu, đến lúc thu hoạch, lương thực trợ cấp lại không đến tay dân chúng được mấy hạt. Quan phủ phải chiêu binh gấp nhiều lần để dưỡng quân chuẩn bị chiến đấu, Lục Lâm Hào Kiệt cũng cần trưng thu lương thực để đáp ứng việc ăn uống của các huynh đệ. Cứ như thế mãi, quan phủ và Lục Lâm đều không thu được hơn lương thực, ngày tháng của đám dân chúng cũng sống càng ngày càng khó khăn.

“Hồi trẻ Trương Công Binh gần Quán Đào, mở kho cứu tế dân chúng, dân chúng đến nay vẫn chịu ân huệ...”. Phần thứ ba, Ngụy Trưng bắt đầu tổng kết những việc thiện không nhiều của quân Trương Gia, cố gắng đặt Trương Kim Xưng lên đầu, khiến bản thân lão sau khi xem, thấy xấu hổ mà nâng cao đạo đức “trượt dốc” của lão lên một chút. Ngụy Trưng bày tỏ thề nguyền son sắt, điều này hoàn toàn không phải những lời nói trái lương tâm gì. Là người sinh ra và lớn lên ở Quán Đào, y cũng có người thân hưởng lợi từ hành động phân phát lương thực của quân Trương Gia lần đó. Nếu như không có quân Trương Gia, rất nhiều bách tính nghèo khổ, căn bản không qua được mùa đông giá rét khắc nghiệt kia.

Hơn nữa, Ngụy Trưng, là một người Quán Đào, không thể không bổ sung thêm một câu, y cho rằng Huyện Lệnh Quán Đào Lâm Đức Ân hoàn toàn đáng chết. Đối với tham quan ô lại, y cũng hận đến thấu xương. Nhưng không có tiếng nói trong triều đình, y không có cách nào khiến cho triều đình quyết tâm diệt trừ loại phá hoại này. Cho nên hành động giết quan trục lại của quần hùng đầm Cự Lộc, không thể hoàn toàn coi là sai.

“Ngụy mỗ có nghe nói, thuộc hạ dưới trướng Trương Công – Trình Danh Chấn, từng tòng binh ở Huyện Quán Đào…”. Vừa cười khổ, Ngụy Trưng vừa dùng ngụ ý ẩn vào trong bút pháp. Y thẳng thắn nói với Trương Kim Xưng, chuyện Trình Danh Chấn bị bắt, đơn thuần chỉ là một oán an. Quận Thủ Đại nhân sau này khi nghe chuyện này, cũng đều bóp trán thở dài, cho rằng Huyện lệnh Quán Đào Lâm Đức Ân ép bức người lương thiện thành tặc. Nếu như ngay đó Trình Danh Chấn không có ý đồ tạo phản, dựa vào tài hoa và năng lực của hắn, đợi một thời gian sau, chức vị Quận Thừa sẽ thuộc về hắn dễ như trở bàn tay. Mặc dù Trình Danh Chấn coi thường những chức quan địa phương, có lòng mưu cầu phát triển hơn nữa, dựa vào tài mưu lược và dũng khí mà hắn thể hiện ra sau khi tham gia vào đầm Cự Lộc cho thấy, phong hầu phong tướng, đời này không phải hoàn toàn không có khả năng.

Đương nhiên, sự tiếc nuối đó cũng phù hợp với Trương Kim Xưng, nếu không phải quan địa phương sưu cao thuế nặng, bức bách quá mức, chắc bây giờ Trương Kim Xưng cũng đang ở trong sân nhà mình sửa sang nông cụ, chuẩn bị cho cày bừa vụ xuân, chứ không phải mài đao ở đầm Cự Lộc.

Những điều này đều là tạo hóa trêu ngươi, khiến cho đám người này đi vào con đường mà bản thân không muốn đi, và cũng không thể quay đầu lại. Ngụy Trưng hiểu nỗi khổ của Trương Kim Xưng, cũng hi vọng Trương Kim Xưng có thể suy nghĩ cho lê dân bách tính, đừng tiếp tục vào Võ Dương cướp bóc nữa. Thân là Trưởng Sử Phủ Quận Thủ, Ngụy Trưng nguyện cố gắng hết sức mình trong phạm vi chức quyền của mình, gom góp một số lượng lương thực, tiền bạc và tơ lụa, đáp tạ thiện ý của đầm Cự Lộc. Mức cụ thể thậm chí có thể dựa theo quy định của Lục Lâm, Ngụy Trưng nhấn mạnh, bản thân biết Lục Lâm có quy định của Lục Lâm, cũng biết những vùng khác cũng đã khởi xướng tương tự. Là đồng hương của Trình Danh Chấn, bản thân không làm cho Đại Đương gia khó xử, cũng không muốn nhìn Thượng Ti ngày ngày buồn phiền lo lắng, cho nên chủ động thay hai bên bàn bạc chuyện này, hi vọng Trương Công Kim Xưng suy xét.

Nếu như Trương Kim Xưng khăng khăng muốn để cho quận Võ Dương hủy hoại trong chiến tranh, thân là Trưởng sử Phủ Quận Thủ, Ngụy Trưng ắt sẽ dẫn binh lính các quận, chiến đấu đến người cuối cùng. Như vậy, tổn thất của hai bên đều rất lớn, kết quả tuyệt đối không phải là điều mà Trương Kim Xưng muốn nhìn thấy, Ngụy Trưng cũng không muốn nhìn thấy. Người duy nhất muốn nhìn thấy chuyện này, e chính là những kẻ tiểu nhân lòng dạ khó lường. Lúc Quận Võ Dương và đầm Cự Lộc chiến đấu đến hai bên thương vong, bọn họ sẽ xông lên, vừa hay ngư ông đắc lợi.

Viết như vậy, xem ra không coi là quá hèn mọn, cũng không thể hiện quá cứng rắn. Ngụy Trưng thổi thổi vào tờ giấy, lại thở dài đọc một lượt từ đầu đến cuối, cho đến khi thấy rằng ý mà mình muốn biểu đạt và ý tứ muốn che dấu đều đã viết trong thư, mới nhấc bút lần nữa, viết tên của mình, chứ không phải chức quan xuống cuối tờ giấy vuông vức: Cố nhân Quán Đào Ngụy Trưng!

Y chỉ đại diện cho mình y, không đại diện cho Quận Thủ Nguyên Bảo Tàng, cũng không đại diện cho quận Võ Dương. Mặc dù bất cứ người nào sau khi nhìn thấy bức thư này đều biết rằng, không có trên dưới Võ Dương quận đồng tâm hiệp lực, căn bản không có khả năng vận chuyển số lượng lớn lương thảo quân nhu qua Chương Thủy. Nhưng theo quy tắc quan trường của Đại Tùy, thị phi do Ngụy Trưng một mình gánh vác, không liên quan đến Quận Thủ Nguyên Bảo Tàng, càng không liên quan đến các đồng liêu quận Võ Dương.

Đây cũng coi như đã làm tròn bổn phận. Cười gượng một cái, Ngụy Trưng chầm chậm đặt thư lên trên miệng thổi khô, đồng thời lại kiểm tra nội dung trong thư lần nữa. Huyện Quán Đào phát lương thực, kinh thành phát lương thực, huyện Bá Nhân phân phát hạt lúa mạch cho bách tính, còn có Lê Dương gần đây mở kho cứu tế, đếm đi đếm lại, y phát hiện ra mình nhắc đến hành động thiện của quân Trương Gia hơi nhiều. Nhưng như vậy khiến cho lòng lão thoải mái hơn một chút. Khuất phục một tên tặc, tìm một tên tặc thỉnh thoảng làm việc tốt cho dân, ép lão làm càng nhiều việc tốt hơn nữa, còn tốt hơn là tìm một tên tặc tội ác tày trời vẽ đường cho hươu chạy.

Nhưng hậu nhân sẽ nghĩ thế nào? Ngụy Trưng tiếp tục cười khổ. Đó dù sao cũng là một vết nhơ, giống như trên màu trắng thuần có một vết mực, giặt thế nào cũng không thể khôi phục màu trắng tinh khiết ban đầu. Nếu đổi lại là y của mấy năm trước, y tuyệt đối không tự làm ô thanh danh của mình như vậy. Lúc ấy y một bụng thi thư, trong lòng tràn đầy tình cảm tốt đẹp, thà chết vinh còn hơn sống nhục! Bất luận gặp phải khó khăn gì, đều rất sạch sẽ, sạch như áo bào trên người y vậy!

- Làm thì cũng làm rồi, ta cần gì phải so đo như vậy!

Y dùng lực đỡ người đứng dậy, hướng về phía cửa sổ đầy mây đen, cười gằn:

- Chỉ cần cuối cùng có thể diệt bỏ hoàn toàn đám tặc này, Ngụy mỗ cần gì phải so đo bản thân được mất vinh nhục?

Không ai đáp lại y, ngoài cửa sổ chỉ có tia chớp, chiếu sáng đôi mắt cô đơn của y. Diệt trừ được đầm Cự Lộc rồi thì làm sao? Trương Kim Xưng và Trình Danh Chấn chết rồi, sẽ còn có Vương Kim Xưng, Sở Danh Chấn khởi nghĩa đứng lên. Triều Đại Tùy đã hết phương cứu chữa rồi, cứu được nhất thời, không cứu được một đời.

Tòa nhà sắp đổ xuống thì không cây gỗ nào trụ được. Mà bọn chúng lại không đáng là cột nhà nát, mái ngói vỡ, chỉ có thể coi là những bụi cỏ dài mọc trong những khe nứt trên mái ngói, tự cho là mình đứng cao, nhìn xa, thật ra chẳng qua là lưu luyến một chút ánh mặt trời trên không trung, một chút hi vọng…

- Ầm ầm!

Một tia sét giáng xuống, xẹt qua mái hiên đối diện, đánh cho cây cỏ dại trên mái ngói tan xương nát thịt.

Ông trời chết tiệt, một chút tia hi vọng cuối cùng cũng bị sét đánh rồi! Ngụy Trưng ngẩng đầu, cười ha ha. Đúng lúc này, một vài tên người hầu vội vàng chạy đến cửa, cúi đầu khom lưng hỏi han:

- Vừa rồi đại nhân gọi chúng ta sao? Tiểu nhân chúng ta có việc gì có thể làm được, đại nhân có thể nói lại một lần không?

- Không…

Ngụy Trưng bối rối che giấu, sau đó nhanh chóng thay đổi chủ ý:

- Mấy người giúp ta gọi Thang Vọng Tổ quản sổ sách tới, ta có vài lời muốn nói với lão. Đi ngay đi, đừng chậm trễ!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.